Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 8

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 2/8 Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 2/8

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

III. BƯỚC NGOẶT LỚN CỦA CUỘC ĐỜI PHAO-LÔ

1. Trên con đường đi Đa-mát

Cv 26, 12:

12“Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm, tôi lên đường đi Đa-mát.

Và trên con đường này, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra với Phao-lô. Có lẽ khoảng năm 33-34. Biến cố này quan trọng đến nổi sách Công vụ đã kể lại 3 lần:

- Cv 9,1-9:

Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế 2xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mátl, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem.

3Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. 4Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” 5Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” 7

Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai.

8Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. 9Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.

Cv 22,6-11

6“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’

9Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôic. 10Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’

11Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

Cv 26,12-18:

“Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm, tôi lên đường đi Đa-mát. Kính thưa đức vua, đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu toả xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành. Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!’ Tôi hỏi: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Chúa đáp: ‘Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy trỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến.’

- Trong phiên bản thứ nhất, tác giả sách Công vụ, kể rất ngắn gọn, có các chi tiết chính: a) ánh sáng, b) đối thoại giữa Chúa Ki-tô và Phao-lô, Chúa Giê-su ra lệnh cho Phao-lô vào thành, c) những người đồng hành không ngã, không thấy ai, nhưng nghe tiếng nói, d) Phao-lô không ăn uống 3 ngày.

- Trong phiên bản thứ 2, trong phần b), Phao-lô hỏi Chúa Giê-su ngài phải làm gì? Và những người đồng hành thấy ánh sáng nhưng không nghe tiếng nói.

- Phiên bản thứ 3 dài nhất, và nói rõ sứ điệp loan báo Tin Mừng cho dân ngoại của Phao-lô.

Phiên bản thứ nhất ở trong bối cảnh tác giả kể về Phao-lô, nhấn mạnh đến đối thoại trực tuyến qua lại giữa Phao-lô và Chúa Giê-su. Ơn gọi của Phao-lô được đặt liên kết với giáo hội địa phương. Trong khi đó, ở Cv 22, Phao-lô đúng trước các người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. Và chính Chúa Giê-su sẽ bảo Phao-lô phải làm gì. Ở ch. 26, trước thẩm quyền dân sự, có quyền trên sự sống và cái chết của Phao-lô. Giữa Đúc Ki-tô và Phao-lô, không có trung gian nữa, và Chúa Giê-su nói rõ sứ điệp loan báo Tin Mừng cho dân ngoại của Phao-lô.

2. Ơn gọi hay trở lại?

Các thư của Phao-lô cho chúng ta biết một cách khác hơn về ơn gọi của ngài. Trong Gl 1,15-16, ngài viết:

Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên.

Ở đây, chúng ta thấy chính Thiên Chúa đã chọn ngài từ muôn thuở, như ngài đã chọn ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân (Gr 1,4-5).

Và ngôn sứ Isaia cũng không nói khác hơn:

"Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người." (Is 49,1-2).

Và trong các đoạn văn khác, chính Phao-lô cũng xã nhận nhiều lần Chúa Giê-su đã hiện ra với ngài và mặc khải cho chính ngài cũng như đã làm cho các tông đồ.

1Cr 9,1:

Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao?

1Cr 15,5-8:

Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

Phao-lô đã được Thiên Chúa lựa chọn, mặc khải và trao sứ điệp. Ba chiều kích của ơn gọi hoàn toàn gắn kết với nhau. Để biểu đạt ơn gọi của ngài, ngài đã dùng hình ảnh ơn gọi của Giê-rê-mi-a và trên nền tảng bài ca Người tôi tớ trong Isaia. Nói đúng hơn, Phao-lô được đức Ki-tô chọn làm tông đồ, và Thiên Chúa gọi ngài theo cách ngài kêu gọi các ngôn sứ.

Ơn gọi trên đường Đa-mát, được Phao-lô đưa vào trong một tầm nhìn rộng hơn, và nhất là sâu hơn. Vì thế cuộc đời của ngài hoàn toàn gắn liền với đức Ki-tô và với việc loan báo Tin Mừng của Chúa chó dân ngoại.

3. Phao-lô đi vào Ả-Rập, đến Giê-ru-sa-lem, trở về Đa-mát

Paul đã làm gì sau biên cố Đa-mát?  Bảy năm (từ năm 37 đến năm 44) theo sau bước ngoặc cuộc đời Phao-lô là một thời gian dài học tập và thử thách. Không phải chỉ có Phao-lô cần thời gian này cho sự vững chãi của mình; chính Giáo hội, vào thời điểm đó, vẫn chưa chín muồi cho công việc loan báo Tin Mừng cho thế giới ngoại giáo. Nhưng từ ngày Chúa Giê-su phục sinh thức tĩnh Phao-lô đã cho tín hiệu ra đi đến với dân ngoại. Ở đây, chúng ta nhận ra một cái gì đó hơn là nhiệm vụ cá nhân của Phao-lô. Giai đoạn này bao gồm:

1. Ba năm Phao-lô rao giảng ở Đa-mát và Ả Rập; 2. chuyến thăm đầu tiên ngài đến Giê-ru-sa-lem sau biến cố Đa-mát, và ngài về lại Tác-xô một thời gian khá dài; 3. ngài hoạt động một năm ở giáo hội An-ti-ô-khi-a  mới thành lập.

Thư gởi tín hữu Ga lát không nói ngài ở lại Đa-mát, nhưng Gl 1,17 bảo rằng ngài: cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Trong cùng một lá thư, ngài nhắc đến núi Xi-nai ở Ả Rập (Gl 4,25). Có lẽ, như một ngôn sứ, ngài vào sa mạc nơi mà Thiên Chúa đã ban lề luật cho dân tộc của chính ngài, để tìm kiếm ý nghĩa ơn gọi của mình. Lề luật nay còn đâu? Và đối với ngài giờ đây chỉ biết đến đức Ki-tô.

Trong bảy năm, Phao-lô đào sâu hướng đi mới của cuộc đời mình. Để làm sáng tỏ sự thay đổi, ngài nói:

Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 1,19-20a).

Các tín hữu biết về việc Phaolô trở lại. Những người Do thái đồng đạo cũ với Phaolô, nghe tin ông đã theo Ki-tô hữu “tà đạo” thì tìm cách lùng bắt:

Tại Đa-mát, tổng đốc của vua A-rê-ta đã cho lính canh gác thành để bắt tôi. Nhưng người ta đã cho tôi vào một cái thúng, rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành. Thế là tôi thoát khỏi tay ông ta.” (2Cr 11,32-33).

Sách Công vụ cũng nhắc đến điều này:

“ông làm cho người Do-thái ở Đa-mát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Sau một thời gian khá lâu, người Do-thái cùng nhau bàn kế giết ông Sao-lô; nhưng ông biết được âm mưu của họ. Thậm chí người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để giết ông. Nhưng ban đêm, các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống.” (Cv 9,23-25)

Rời Đa-mát, Ngài lên Giêrusalem, gặp Phêrô, chắc là để trình diện “Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gal 1,18). Vì người Hy-lạp đe đoạ tính mạng, nên Phao-lô phải về thành phố quê hương Tác-xô:

Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.” (Cv 9,23-25, Gl 1,21)

Sau đó chúng ta mất dấu Phao-lô khoảng năm hay sáu năm .

Nhờ Ba-na-ba, Phao-lô có mặt trở lại. Phao-lô và Ba-na-ba người cùng nhau sát cánh làm việc một năm trời:

Vậy những người phải tản mác  vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa. Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi An-ti-ô-khi-a. Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa. Ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.

Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu. “ (Cv 11,25-26).

Sau đó cả hai người được cử lên Giêrusalem, mang theo tiền các tín hữu đã quyên góp để cứu trợ các tín hữu đang bị nạn đói:

“Trong những ngày ấy, có những ngôn sứ từ Giê-ru-sa-lem xuống An-ti-ô-khi-a. Một trong những người ấy tên là A-ga-bô đứng lên và được Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp cả thiên hạ; đó là nạn đói xảy ra dưới thời hoàng đế Cơ-lau-đi-ô. Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê. Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô.” (Cv 11, 27-30).

IV. CÁC HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Những mốc thời gian tương đối của Phao-lô:

- Saolô trở lại khoảng năm 34;

- Lên Giêrusalem lần đầu tiên để gặp Phêrô khoảng năm 37;

- Ở Giêrusalem 15 ngày, bị người Hy lạp đe doạ tính mạng, phải lánh về cư trú tại Tác-xô, đến năm 43;

- Sau đó Barnabas đến tìm gặp và hai người bắt đầu đi rao giảng tại An-ti-ô-khi-a, khoảng năm 43-44;

- Mang tiền của tín hữu An-ti-ô-khi-a đóng góp lên cứu trợ nạn đói tại Giêrusalem, khoảng năm 44 hay 45.

Sau đó là 12 năm rong ruổi nhiều nơi để truyền giáo.

Từ năm 45 đến năm 57. Ngài thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo, tất cả đều khởi hành từ An-ti-ô-khi-a và đều kết thúc tại Giêrusalem.

1. Hành trình tuyền giáo thứ nhất với Ba-na-ba

Toàn bộ câu chuyện về hành trình này được kể trong sách Tông đồ Công vụ chương 13,1-14,27.

Cv 13, 1-3:

Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.

NHIỀU thành phố An-ti-ô-khi-a được nhắc tới trong những hành trình truyền giáo! Một An-ti-ô-khi-a tại Syria. Còn An-ti-ô-khi-a thứ hai nằm tại Thổ Nhĩ kỳ. An-ti-ô-khi-a ở Syria được hoàng đế Seleucus I Nicator thành lập khoảng năm 300 trước Công Nguyên. Ông đặt tên thành theo tên của Vua Cha và cũng của hoàng tử An-ti-ô-khi-út. An-ti-ô-khi-a (nước Syria) nằm trên bờ sông Orontes. Cách Giêrusalem khoảng 450 cây số về phía Bắc, và cách bờ biển Địa Trung hải 45 cây số, nằm ngay giao điểm hai rặng núi Lebanion và Taurus. Seleucus còn thành lập chừng khoảng 15 thành phố khác khắp Tiểu Á đều mang cùng tên An-ti-ô-khi-a. Để phân biệt chúng, người ta thường gọi thành phố An-ti-ô-khi-a tại Syria này là “An-ti-ô-khi-a bên bờ sông Orontes”. Ngày nay, An-ti-ô-khi-a ở Syria này là một thành phố lớn với chừng 500 ngàn dân, một trung tâm thương mại phồn thịnh, nơi giao lưu nhiều nguồn văn hóa: Hy lạp. La mã, Do thái, Ả rập, và Ba tư.

Trước hết hai vị, Phaolô và Ba-na-ba, từ An-ti-ô-khi-a xuống thuyền sang đảo Sýp. Hai vị tới đảo Sýp, giảng trong hội đường Do thái tại Salamina, “Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a (An-ti-ô-khi-a) , rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp. Đến Xa-la-min, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gio-an giúp hai ông. “ (Cv 13,4-5)

Đảo Sýp, còn gọi là đảo Chypre (tên gọi theo tiếng Pháp. VN phiên âm thành “Shíp”) Sỡ dĩ đảo này có tên là Sýp, có nghĩa là “đồng” ,vì ngày xưa người ta tìm ra được mỏ đồng trên đảo này , và đã khai thác đồng từ thời cổ. Tuy Paphos là thủ phủ của đảo quốc Síp (Sýp) nhưng Salamis là một thanh phố quan trọng hơn. Salamis nằm trên bờ biển phía đông của vùng bình nguyên trung phần đảo Sýp, Nơi đây, có nhiều cộng đồng Do thái sinh sống từ rất xa xưa, trước cả khi người La Mã tới chiếm đóng

Sau đó hai vị đi dọc theo duyên hải phía nam của đảo, tới cảng Paphos, nơi có nhà của thống đốc Sergius Paulus. Tại nhà thống đốc này, hai vị gặp một người phù thuỷ, tên Do thái là “Bar Giêsu” (có nghĩa là “con của Giêsu”) còn tên Hy lạp là Elyma!

Phaolô mắng ông phù thuỷ và ra lệnh cho ông mù mắt. Ông ta bị mù ngay lập tức. Thống đốc Sergio Paulus tin theo đạo!

Cảng Paphos, cũng là thủ phủ của đảo quốc Síp (Sýp/Chypre) nằm phía tây của đảo, cách Salamis chừng 150 cây số . Nơi đây có cơ quan hành chánh tỉnh của người La-Mã. Vì thế mới có dinh của quan thống đốc Sergius Paulus! Tại đây còn có một đền thờ nổi tiếng, có tượng nữ thần giống nữ thần Aprodite của Hy lạp . Vào khoảng thế kỷ thứ tư, một trận động đất lớn đã phá bình địa thành này .

Sau biến cố này, Phaolô trở thành người quan trọng không còn đứng sau Ba-na-ba, mà luôn được Luca nhắc đến trước tiên.

Kế tiếp, hai ông vượt biển đến Péc-ghê xứ Pam-phy-li-a, nghĩa là hai ngài trở vào đất liền, khoảng 8 dặm cách cửa sông Cestrus, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Từ Pa-phô, ông Phao-lô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-li-a. Nhưng ông Gio-an bỏ các ông mà về Giê-ru-sa-lem. ‘ (Cv 13. 13)

Péc-ghê là thủ phủ của miền Pam-phy-li-a, một tỉnh quan trong ven biển của Tiểu Á (Thổ Nhĩ kỳ) nằm giữa hài tỉnh Lycia và Xi-li-khi-a. Péc-ghê nằm sâu trong đất liền 8 cây số và nằm phía đông, cách hải cảng Attalia 18 cây số.

Thành phố Péc-ghê mang ảnh hưởng văn minh Hy lạp với nhiều đền đài được trang trí với hoa văn rực rỡ. Cứ xét theo những di tích còn sót lại, thì trong số những thành phố Phaolô đã đi qua thì Péc-ghê là thành phố rực rỡ hạng nhì, chỉ thua Ê-phê-xô.

Lúc này, Gioan Mác-cô, anh em họ của Ba-na-ba, rời bỏ đoàn, một mình trở về Giêrusalem. Dường như vì nhớ nhà, nhớ Giêrusalem, rồi Phaolô bị bệnh buộc cả đoàn phải thay đổi lộ trình, Nhưng lý do chính hình như từ sau chặng này, Ba-na-ba không còn là người lãnh đạo đoàn, mà vị thế đã chuyển sang Phaolô.

Còn lại hai vị, ngược xuôi vùng cao nguyên đầy đồi núi xứ Pi-si-đi-a, nhiều sơn tặc và thác ghềnh cheo leo. Mục tiêu của hai vị là An-ti-ô-khi-a, một thuộc địa La-mã, cách Péc-ghê bảy ngày đường: “Còn hai ông thì rời Péc-ghê tiếp tục đi Antiôkhia miền Pi-xi-đi-a.” (Cv 13,14)

Chúng ta lại gặp một thành phố An-ti-ô-khi-a thứ hai, ở miền Phy-ghi-a, gần Pi-si-đi-a (Thổ nhĩ kỳ) Seleucus I Nicator thành lập thành này khoảng năm 281 trước Công Nguyên nằm cách thành phố Péc-ghê 150 cây số về phía Bắc, trên một vùng cao nguyên có nhiều hồ. Thành phố An-ti-ô-khi-a quan trọng này nằm án ngữ trên con đường giao thương giữa Ê-phê-xô và vùng Lưỡng hà địa. Dân cư là một tập hợp gồm nhiều sắc dân đổ về: La-Mã, Hy-Lạp, Do thái, và người Phy-ghi-a .

Tại An-ti-ô-khi-a, Phaolô làm bài giảng quan trọng trước cả người Do thái và người dân ngoại, bắt đầu nói đến sứ mạng của Ít-ra-en, về Đấng Thiên sai.

Xin nhắc lại rằng: Thời Chúa Giêsu và thời Phaolô đi rao giảng, thì danh từ “Dân Ngoại”chỉ tất cả mọi người không phải là người Do thái. Như thế , vào thời đó người La mã, Hy lạp, Ba-tư, Ả Rập, Ai cập đều là “dân Ngoại” đối với người Do thái , có nghĩa người “ngoài đạo Do thái”, người không tin vào “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cob” .

Ngài rao giảng cái gì? Chính là kerygma: chỉ là biến cố sống lại của Đức Giêsu. Các ngài công bố như sau: “Đức Giêsu, rabbi người làng Na-da-rét, mà các ông đã giết trên thập tự. Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba. Chúng tôi là những người làm làm chứng đây. Vì sau khi sống lại. Ngài đã hiện ra cho chúng tôi!” Hãy xem bài giảng hùng hồn cho người Do thái trong Cv 13,16-41.

Sau bài giảng, sách Công vụ ghi lại gần như trọn vẹn ý chính, nhiều người tin theo, trong số đó có nhiều người là dân ngoại. Sách Tông đồ Công vụ nói là “gần như cả thành đến nghe giảng”: “Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.

Người Do thái ghen tức: “Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.” (Cv 13, 44-47).

Hai vị lưu lại An-ti-ô-khi-a khá lâu cho đến lúc “Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.” (Cv 13, 49).

Cho đến khi người Do thái bắt đầu kiếm chuyện, họ xúi cả người Ngoại chống lại hai vị khiến hai vị phải sang I-cô-ni-ô:

”Người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. 51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô “ (Cv 13, 49).

Icôniô cách An-ti-ô-khi-a chừng 100 cây số, và cũng nằm torng vùng cao nguyên miền Nam Thổ nhĩ kỳ. Ngày này I-cô-ni-ô mang tên Konya. Tại đây, các vị cũng bị người Do thái sách nhiễu. Các Ngài phải tạm lánh sang thành  Lýt-ra, cách đó 18 dặm.

 Lýt-ra biến thành một thương phố của người La Mã vào khoảng năm 6 trước Công Nguyên. Dân chúng nghèo, ít học. Đa số là người Lycaonie. Có ngôn ngữ riêng. Họ không nói tiếng Hy lạp hay La mã. Tại thành phố  Lýt-ra này, có một biến cố suýt làm Phaolô mất mạng .

Tại Lýt-ra có một người bị què có lòng tin, Phaolô làm phép lạ chữa ông khỏi. Ông đi đứng bình thường. Dân  Lýt-ra tưởng hai vị là thần linh đội lốt phàm, họ định dâng hoa tổ chức tế bò tế dê cho hai vị. Hai vị khi hiểu ra được sự tình, hết hồn, xé áo trước mặt họ phân bua: “Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn.” (Cv 14,15).

Đám dân chúng  Lýt-ra thất vọng. Thần mà không vâng lời dân chúng thì dân chúng bắt thần phải vâng lời vậy. Những người Do thái không tin và cả người Ngoại từ Icôniô, cũng tìm tới đây, đứng lẫn lộn trong vụ này. Nhân đó họ xúi và thuyết phục được đám đông  Lýt-ra, ném đá các Ngài.

Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. 20 Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba (Cv 14,19-20).

Họ tưởng Ngài đã chết nên bỏ đi. Nhờ vậy mà Ngài thoát chết. Khi tỉnh lại Ngài trốn sang Đéc-bê cách đó 60 cây số, ngay biên giới vùng Ga-la-ti-a .

Sau khi rao giảng ở đây thì các Ngài tuần tự, đi ngược trở về các thành đã đi qua, Lýt-ra Icôniô, An-ti-ô-khi-a, qua Pisiđia, Pam-phy-li-a, Péc-ghê. Về lại tới đâu, các Ngài củng cố đức tin cho những tân tòng ở đó, truyền chức thêm các giám mục (Kỳ mục) coi sóc các giáo đoàn tân lập, kể lại những chuyện trở lại ở các nơi.

Xuống tới cảng Attalia, từ cảng này các ngài đi thuyền về lại An-ti-ô-khi-a bên Syria, kết thúc một chuyến đi truyền giáo đầu tiên.

Toàn bộ chuyến đi kéo dài chừng ba năm, từ khoảng năm 45 đến năm 49.

Vòng đi:

Khởi hành từ An-ti-ô-khi-a tại Syria

1- Salamis đảo Sýp, 2- Paphos đảo Sýp, 3- Péc-ghê (Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), 4- An-ti-ô-khi-a (Tiểu Á), 5-  Lýt-ra, 6-Đéc-bê

Lượt về:  7- Iconium, 8- An-ti-ô-khi-a, 9- Cảng Attalia

Về lại An-ti-ô-khi-a tại Syria

---Còn tiếp---

 

zalo
zalo