Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 66

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 3/8 Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 3/8

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

2. Công Đồng đầu tiên của Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem

Sau khi có nhiều người tin theo đức Ki-tô, giáo hội gặp ngay một vấn đề phải giải quyết. Người Do thái tin vào Chúa Giêsu và những người Ngoại, cũng tin vào Chúa Giêsu. Đức Ki-tô, vốn là một người Do thái, khi chết đi rồi sống lại, Ki-tô giáo cũng bắt nguồn từ Do thái giáo, nhưng khác hẳn.

Nững tín hữu Ki-tô giáo dân ngoại, có buộc phải giữ những tập tục cũ mà chính Chúa Giêsu, vì là ngươì Do thái, vẫn giữ hay không?

Chẳng hạn như bị cắt bì, giữ ngày thứ Bảy (Sabbath) nghĩa là từ lúc mặt trời lặn chiều thứ Sáu đến lúc mặt trời lặn chiều thứ Bảy (- đó là cách tính ngày của người Do thái -) không được làm việc. Không được ăn thịt heo. Không được ăn tiết canh, dù là tiết canh vịt, hay tiết canh thỏ! Sáu trăm mười lăm (615) điều luật như thế, mà hễ là ngươì Do thái, thì phải tuân thủ chi li! Thậm chí thánh Phêrô nói đó là gánh nặng–Ngài gọi đó là cái gông, cái ách, giống như cái ách quàng vào cổ con bò con trâu cho nó kéo cày!–mà chính người Do thái cũng khó mà giữ!

"Sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?” (Cv 15,10)

Thế thì những người tín hữu đầu tiên, gốc Do thái, mà là Do thái tại Giuđê, nghĩa là Do thái vẫn hiện đang sinh sống tại quê nhà chứ không phải là những “Do kiều” (người Do thái sinh sống ở nước ngoài), từ Giêrusalem, lên  An-ti-ô-khi-a gặp các Tông đồ và đề nghị phải buộc những người Ngoại, khi trở lại, cũng phải bị “cắt bì”, nghĩa là theo nguyên tắc, cũng phải trở thành giống như Do thái, như họ!

Phaolô và Ba-na-ba từ chối, không muốn theo ý kiến này. Hai ngài đề nghị phải lên Giêrusalem, gặp các Tông đồ bàn hỏi về chuyện này. Vì thế các vị kéo nhau lên Giêrusalem, gặp các Tông đồ.

Đó là Công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội, họp khoảng năm 50.

Trong Công đồng này, Phaolô và Ba-na-ba, đứng về một phía, đại diện cho tín hữu tại  An-ti-ô-khi-a.

Còn thánh Phêrô, đã phát biểu như sau:

“Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.” (Cv 15, 7-11)

Như vậy Phê-rô bênh cho dân Ngoại, nghĩa là đề nghị khi người Ngoại trở lại, thì không bắt họ phải bị cắt bì!

Thánh Giacôbê cũng ủng hộ lập trường này và đề nghị thêm!

“Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.” (Cv 14, 19-21)

Nghĩa là Giacôbê tuy đề nghị không bắt người Ngoại cắt bì nhưng buộc họ kiêng cữ những thói tục xấu, không hợp theo lệ Do thái như: ”kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.” Điều này nhắm vào các tín hữu vùng Syria, và Xi-li-khi-a!

Điều thú vị là những điều buộc kiêng cữ này, không phải vì luật Môsê buộc như thế, nhưng là do Thánh Thần! Điều này cho thấy càng ngày, những người tin theo Chúa Giêsu, càng ngày càng có não trạng xa dần ảnh hưởng của Do thái giáo! Chi tiết này khiến cho thế giới La mã, những người vốn xa lạ với Do thái và những tập tục của Do thái giáo, dễ dàng theo đạo hơn!

Sau đó Công đồng sai vài sứ giả mang quyết định của Công Đồng, một bức thư cho các tín hữu An-ti-ô-khi-a:

“Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh” (Cv 15,22-29).

Bức thư nói rõ: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” .

Thư Galát chương 2 câu 3-4 cũng nói đến Công Đồng này.

Nhưng hệ quả của Công đồng chưa chấm dứt ở đây. Nếu những quyết định trên áp dụng cho những tín hữu ngươì ngoại trở lại  An-ti-ô-khi-a, Syria, thì những người Do thái gốc tại quê hương thì sao? Khi họ trở lại họ có còn bị bó buộc phải giữ luật Môse nữa không? Ngoài chuyện kiêng ăn kiêng uống này ra, thì còn rất nhiều điều luật khác nữa? Như luật rửa tay trước khi ăn, luật giữ ngày Sabbath?

Đây chính là điều mà sau này hai vị Phêrô và Phaolô phải to tiếng với nhau một lần.

Đúng ra Phaolô phê bình Phêrô, không “trước sau như một”. Phêrô không đủ kiên quyết để canh tân.

Gl 2,11-20:

“Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? ”

Phaolô “la” mắng Đức Giáo Hoàng tiên khởi, đại diện Chúa Giêsu ở trần gian này, là “giả hình”!

Phaolô đưa ra lý luận đanh thép: ”Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?

3. Hành trình truyền giáo lần thứ hai

Nhắc lại:

- Công đồng Giê-ru-sa-lem diễn ra khoảng năm 49 hay 50;

- Hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng từ năm 50 đến năm 53;

- Viết thư I gởi tín hữu Thexalonica, khoảng năm 52.

Sách Tông Đồ Công vụ 15,36-18,22 thuật lại hành trình này.

Ngay khi bắt đầu cuộc hành trình lần thứ hai, Phaolô từ chối không cho Gio-an Maccô đi theo. Ngài giận vì anh này, trong chuyến đi thứ nhất đã bỏ về giữa chừng.

“Ít ngày sau, ông Phao-lô nói với ông Ba-na-ba: “Ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành ta đã loan báo lời Chúa, xem họ ra sao.” Ông Ba-na-ba muốn đem theo cả ông Gio-an cũng gọi là Mác-cô. Nhưng ông Phao-lô thì nghĩ là một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pam-phy-li-a và đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau. “ (Cv 15, 36-39).

Hai anh em Banaba và Gioan Mác-cô đi một đàng, sang đảo Sýp. Còn Phaolô, có bạn đồng hành mới là Xi-la, đi đường bộ lên Tác-xô, để thông báo quyết định của Công đồng, rồi từ Tác-xô theo đường bộ đi sang  Đéc-bê, qua ải quan vùng Xi-li-khi-a. “Ông đến Đéc-bê “ (Cv 16,1)

Thành  Đéc-bê là nơi, ngài đến để thăm và củng cố đức tin các tín hữu. Sau đó Phao-lô đến  Lýt-ra, cũng là nơi Ngài đã từng tới rao giảng trong chuyến đi trước. “Ông đến Đéc-bê, rồi đến Lýt-ra.” (Cv 16,1)

Phaolô chọn được anh Ti-mô-thê đi cùng,

“Ở đó có một môn đệ tên là Ti-mô-thê, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lýt-ra và I-cô-ni-ô chứng nhận là tốt. Ông Phao-lô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy; thật vậy, ai cũng biết cha ông là người Hy-lạp.” (Cv 16,2-3)

Tại sao Phaolô lại để Ti-mô-thê cắt bì? Có đi ngược lại với quyết định của Công Đồng Giêrusalem không?

Chúng ta có thể tìm ra được một lý do để cắt nghĩa việc cắt bì của Ti-mô-thê. Tuy không cần phải cắt bì, nhưng dù có bị cắt bì cũng không là điều trái với quyết định của Công Đồng, vì  Ti-mô-thê có nữa dòng máu Do thái trong người vì mẹ Ti-mô-thê là người Do thái.

Từ Lýt-ra, mà có lẽ cũng từ I-cô-ni-ô hay An-ti-ô-khi-a, là những thành phố lân cận chung quanh đó hai ngài muốn đi băng qua Galatia thẳng lên phía Bắc, đến các vùng Bi-thy-ni-a và Pontius, để rao giảng tại đó. Hai miền này nằm dọc bờ biển Đen (Hắc Hải). “Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a.” (Cv 16,6)

Câu “đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát ” muốn ám chỉ việc các ông đi thẳng lên phía bắc đến vùng Bythynia và Pontius. Nếu quả thế thì vùng miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã được rao giảng. Có lẽ, chính lúc này Phaolô bị một cơn bệnh, không nói rõ là bệnh gì. Ngài phải lưu lại vùng Galatia ít lâu, và nhân tiện Ngài rao giảng tại đó.

Ngài viết thư cho họ. Chính là Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát. Trong đó Ngài có nhắc đến chi tiết Ngài bị bệnh tại đó. Không biết bệnh gì, nhưng chắc là khiến cho dáng vẻ Ngài trở nên “khó coi”, mà Ngài nói giáo dân Ga-lát thấy Ngài bị bệnh đã “không kinh không tởm”. Lở loét, da liễu, sưng phù?

“Anh em biết: nhân khi thân xác bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên. Mặc dù thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Ki-tô Giê-su. “ (Gl 4,13-14).

Như thế vùng Galatia là vùng đồi núi cao nguyên trung phần của nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay gọi là vùng cao nguyên Anatolia. Bao bọc chung quanh Galatia là Bi-thy-ni-a và Paphlagonia ở phía bắc, phía đông có Pontus, phía nam có Lycaonia và Cappadocia, và phia tây có Phy-ghi-a. Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay nằm giữa vùng Galatia này.

Khi nói “vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a.” có lẽ ám chỉ việc Phaolô bị bệnh tại Galatia. Hay là ám chỉ đến việc các Ngài được báo mộng và sang  Ma-kê-đô-ni-a để rao giảng sau này? Chúng ta không biết rõ.

Vậy là sau cơn bệnh, Phaolô và Xi-la, thay vì đi lên phía bắc, lại đi sang phía tây, mãi tới bờ biển Egée, đến thành Troie “Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép. Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a.” (Cv 16,9)

Ở đây có hai địa danh cần chú ý.

Myxia, vùng bờ biển phía Tây Bắc của Thổ nhĩ kỳ, ngay tại eo biển Dardanelles, thuộc vùng vùng Tiểu Myxia hay Hellespontica, phân chia Á Châu và Âu Châu. Eo biển này còn gọi là eo biển Bosphores.

Còn Troyas, tên gọi đầy đủ là Alexandria Troas, chỉ nằm cách thành Troy nổi tiếng với con ngựa gỗ trong trường thi Illiad của thi sĩ Homère có 15 cây số thôi.

Thành Troy, với con ngựa gỗ, có tên Hy lạp là Τροία Troia (hay Τροίη) cũng còn gọi là Ἴλιον, (Ílion). Vì thế mà trường ca của Homère kể lại cuộc chiến này được đặt tên là Trường ca Illiad. Alexandria Troas là một thương khẩu quan trọng của người La mã nối liền Tiểu Á bên bờ Đông biển Êgê với xứ Ma-kê-đô-ni-a và Hy lạp bên bờ phía Tây.

Tại thành Troias này:

”9 Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến: một người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi! “10 Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.”(Cv 16, 9-10)

Thế là lần đầu tiên, do sự thúc đẩy của Thánh Thần, hay do lời kêu gọi từ trong giấc mơ của những người miền Ma-kê-đô-ni-a, Phaolô và  Ti-mô-thê lần đầu tiên bước chân sang Âu Châu .

“Xuống tàu ở Trô-a, chúng tôi đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li.12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma. ‘(Cv 16, 11-12)

Nhưng chúng ta nên biết phía Đông của Âu châu, phía Bắc có Ma-kê-đô-ni-a và phía Nam có Hy lạp, cả hai miền này, lúc bấy giờ là cái nôi văn minh của thế giới. Chúng ta nên xem cách Phao-lô tiếp cận và rao giảng đức tin Ki-tô giáo cho văn hoá Hy-lạp như thế nào.

Luôn luôn đi tới đâu, các Ngài, Phao-lô và Xi-la vào trong các Hội đường, vốn là “nhà thờ” và “trụ sở” của người Do thái, mà rao giảng cho người Do thái trước. Chỉ sau khi người Do thái từ chối, các Ngài mới ra đi tiếp cận với người Ngoại, hay lương dân, mà rao giảng cho họ .

Vậy các Vị ấy đặt chân đến Hy lạp:

“ Xuống tàu ở Trô-a, chúng tôi đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li.12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma.” (Cv 16,12)

Hải cảng Phi-lip-phê, chỉ cách Nê-a-pô-li 15 cây số, ngày nay có tên là Kavalla.

Sỡ dĩ hải cảng này có tên Phi-lip-phê là vì Vua Philip đệ Nhị, bố của A-lịch-sơn Đại Đế, lấy tên mình đặt cho những con suối trong hải cảng ấy. Ngày xưa nó có tên là Crenides , nghĩa là “Những Con Suối Nhỏ”. Nó chiếm ngự một vị trí chiến lược trên một ngọn đồi, án ngữ hai cửa sông Strymon và Nestus , bao quát cả vùng đồng bằng Druma của sông Gangites, và kiểm soát luôn ngọn đèo Pangaeus và Haemus.

Sau trận đánh nổi tiếng ở Pydna năm 168 trước Công Nguyên, người Ma-kê-đô-ni-a với chiến thuật “phalanx” lừng danh, thua người La-Mã chuyên hành binh theo kiểu “Legio-sư đoàn”, cảng Phi-lip-phê đầy người La Mã. Đến năm 146, cảng Phi-lip-phê trở thành một trấn của La mã. Vào mùa thu năm 42, Cassius và Brutus liên tục thua trận Octavius và Anthony tại cảng này. Như thế là chấm dứt nền Cộng hoà La mã. Phi-lip-phê trở thành một doanh trại lính, với nhiều đặc quyền, như được miễn thuế.

Tại cảng Phi-lip-phê này, xảy ra nhiều sự kiện hay!

Với một quá khứ đầy “La mã” như thế, chẳng lạ gì mà tại Phi-lip-phê không có Hội đường Do thái. Số người Do thái ở đây quá ít. Nên các nhà truyền giáo của chúng ta chọn ngay một chỗ công cộng.

Các ông lân la ra cửa thành, ngồi bắt chuyện với mấy bà!

“Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó “ (Cv 16,13)

Không hiểu các Ngài ngon ngọt thế nào, mà có một bà tên là Ly-đi-a tin theo. Cả nhà bà cũng theo bà mà trở lại:

“Có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói. 15 Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: “Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận lời“ (Cv 16,16).

Ly-đi-a là người “Kính sợ Thiên Chúa” (Cv 10,1), hơn là “tôn thờ Thiên Chúa”, nghĩa là bà tuy người Ngoại, nhưng cũng chấp nhận tin theo Thiên Chúa duy nhất của người Do thái, cũng vào Hội đường cầu kinh nhưng không giữ luật kiêng ăn hay cắt bì.

Nhưng dù gì thì đó là bước khởi đầu tốt. Ít là các Ngài có nơi ăn chốn ngủ. Hàng ngày các Ngài ra cổng thành để mà cầu nguyện, thì lại xảy ra biến cố sau:

“Một hôm, đang khi chúng tôi đi tới nơi cầu nguyện, một đầy tớ gái đón gặp chúng tôi; cô ta bị quỷ thần ốp, và thuật bói toán của cô làm lợi nhiều cho các chủ của cô. 17 Cô lẽo đẽo theo ông Phao-lô và chúng tôi mà kêu: “Các ông này là tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao; họ loan báo cho các người con đường cứu độ.” 18 Cô cứ làm thế trong nhiều ngày. Bực mình, ông Phao-lô quay lại bảo quỷ: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! ” Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất. “ (Cv 16, 16-18).

Cô gái này có tài bói toán. Bản văn nói cô bị “quỷ thần ám”. “Ám” hay “ốp”? Mà “ốp” là gì? Nguyên văn ghi là “with a Python spirit–cô ta bị vía con trăn ám” Python là con trăn giữ đền Delphy. Ý nói cô có tài bói toán. Cô coi bói hay. Như thế cô là một nguồn lợi cho chủ của cô. Ai mà coi bói miễn phí bao giờ! Vậy mà Phaolô lại đuổi “quỷ thần” ra khỏi cô ta, làm cho cô ta coi bói mất linh.

Thế mới xảy ra cơ sự. Mất nồi gạo, mấy ông chủ của cô nào có tha cho thầy trò Phaolô.

“Các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi đã tiêu tan, liền túm lấy ông Phao-lô và ông Xi-la mà lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức trách. 20 Họ điệu hai ông đến các quan toà và nói: “Những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; họ là người Do-thái, 21 và họ truyền bá những tập tục mà người Rô-ma chúng ta không được phép chấp nhận và thi hành.” 22 Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. 23 Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. 24 Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại “ (Cv 16 ,19-24).

Nhưng không sao. Có thiên thần cứu.

“25 Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. 26 Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra. 27 Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi.” (Cv 16, 25-27).

Các Ngài rửa tội cho cai ngục và cả nhà ông.

Sáng hôm sau, đến phiên quan toà bắt đầu… “run”. Các quan toà, tiếng La tinh gọi là “Magistrates” còn hy lạp dùng chữ in “strategoi“, là tên gọi thông dụng của chức duoviri, chức quan cao nhất của La mã coi sóc thương khẩu Phi-lip-phê. Gọi là Duoviri (hai người) vì người mang chức vị này có hai công tác, vừa hành chánh vừa luật pháp, nghĩa là vừa là quan Tỉnh trưởng, vừa là Chánh án. Chức to, một mình bằng hai người thường, vậy mà khi nghe biết Phaolô là “công dân La mã” thì các ngài chánh án bắt đầu… xuống nước:

“Những ông này sợ hãi khi nghe biết hai ông là công dân Rô-ma. 39 Họ bèn đến xin lỗi, rồi đưa hai ông ra và xin hai ông rời khỏi thành phố“ (Cv 16,38). Vì luật La mã cấm ngặt và phạt nặng những ai đánh đòn công dân La mã. (xem Cv 22,25-27).

Sau khi được thiên thần khiến động đất cứu ra khỏi tù, kèm theo lời xin lỗi của các vị “phụ mẫu chi dân”, Phaolô và Xi-la chân thấp chân cao “Hai ông đi ngang qua Am-phi-pô-li và A-pô-lô-ni-a, đến Thê-xa-lô-ni-ca, là nơi có một hội đường của người Do-thái” (Cv 17,1). Cả hai thành phố Amphipolis và Apollonia đều nằm trên con đường cái quan đi dọc bờ biển Êgê từ Bắc xuống Nam của miền Bắc Hy lạp, gọi là “quốc lộ số Một” Egnatian. Hai thành phố cách nhau chừng “một ngày đàng” (chừng 45 cây số). Amphipolis nằm giữa một thung lũng phì nhiêu có nhiều nho, ôliu và gỗ. Vào thời đó, nó là vị trí chiến lược để kiểm soát đường quốc lộ “số Một” Egnatian, trên bờ sông Strymon.

Hai Ngài chỉ đi qua đây, trên đường đến Thê-xa-lô-ni-ca:

“1 Hai ông đi ngang qua Am-phi-pô-li và A-pô-lô-ni-a, đến Thê-xa-lô-ni-ca, là nơi có một hội đường của người Do-thái. 2 Theo thói quen, ông Phao-lô đến với họ, và trong ba ngày sa-bát liền, ông thảo luận với họ;” (Cv 17,1-3)

Thê-xa-lô-ni-ca mới chính là thủ phủ của miền Ma-kê-đô-ni-a này. Tên gọi ngày nay chỉ còn là Salonika. Nằm ngày trên bờ vịnh Thermaic, cách Apollonia chừng 60 cây số. Thành phố này được Cassander thành lập năm 315 trước Công Nguyên. Ông lấy tên vợ mà đặt tên cho thành. Bà là con gái của hoàng đế Philip đệ Nhị. Dân số lúc ấy chừng 200 ngàn.

Tại đây, các Ngài theo đúng chiến thuật cũ, là vào Hội đường Do thái mà rao giảng trước.

Đặc biệt lần này, các Ngài đi theo cách thức của Chúa Giêsu đã dùng để “mở mắt” hai môn đệ trên đường về làng Emaus. Đó là trích dẫn và cắt nghĩa Kinh Thánh để chứng minh Đức Ki-tô phải chết và đã sống lại:

“Theo thói quen, ông Phao-lô đến với họ, và trong ba ngày sa-bát liền, ông thảo luận với họ; dựa vào Kinh Thánh, ông 3 giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: “Đấng Ki-tô ấy, chính là Đức Giê-su mà tôi rao giảng cho anh em” (Cv 17,2-3).

Một vài người nghe và tin theo. Nhưng nhiều người khác nghe không lọt tai. Họ làm bung xung, lôi kéo nhóm “du đãng, du thủ du thực, đầu đường xó chợ” kéo đến nhà Gia-xon, nơi hai ông ở trọ, muốn bắt Phaolô. Nhưng không gặp. Nên họ trút cơn giận lên đầu chủ nhà Gia-xon, lôi ông này tới chốn công đường, mời Bao công ra xử án.

Họ lập lại y chang mánh khóe của người Do thái trước dinh Philatô, khi kết án Chúa Giêsu:

 “Những tên gây rối trong cả thiên hạ, nay vác mặt đến đây, 7 thế mà Gia-xon lại chứa chấp chúng! Tất cả bọn này đi ngược lại các chiếu chỉ của hoàng đế Xê-da, vì chúng nói rằng có một vua khác là Giê-su.” 8 Nghe những lời ấy, đám đông và các nhà chức trách thành phố xôn xao, 9 họ đòi ông Gia-xon và những người kia phải nộp tiền ký quỹ rồi mới thả ra” (Cv 17, 7-8).

Cùng bị một lối kiện cáo, mà Chúa Giêsu thọ án tử, nhưng Phaolô và Xi-la chỉ mất tiền ký quỹ rồi được thả ra. Rõ ràng cuộc xử án ở dinh Philalô hôm nào đầy mầu sắc chính trị. Bọn “du thủ du thực” ở Thê-xa-lô-ni-ca đây không âm mưu và hiểm độc bằng các Tư tế Do thái tại Giêrusalem.

Chịu mất một số tiền, các Ngài phải đi ngay trong đêm. Sang Bêrêa .

Bêrêa là một thành phố mà Cicêrô gọi là “thành phố lạc lõng”, vì nó cách Thê-xa-lô-ni-ca 60 cây số về hướng Tây Nam, nhưng không nằm dọc đường quốc lộ, mà nằm dưới chân ngọn núi Bermios. Dân Do thái ở đây “hiền” hơn. Khi nghe Phaolô giảng, họ còn tra cứu Kinh Thánh để đối chiếu xem coi có thật đúng như vậy không .

“Ngay đêm ấy, các anh em tiễn ông Phao-lô và ông Xi-la đi Bê-roi-a. Đến nơi, các ông vào hội đường người Do-thái. 11 Những người Do-thái ở đây cởi mở hơn những người ở Thê-xa-lô-ni-ca: họ đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không. 12 Vậy nhiều người trong nhóm họ tin theo; về phía người Hy-lạp, cũng có nhiều phụ nữ thượng lưu và nhiều đàn ông cũng tin theo.” (Cv 17,10-12).

Nhóm Do thái ở Thê-xa-lô-ni-ca nghe tin mấy Ngài đã tới đây thì họ không tha, mà cũng kéo cả bọn sang đây.

”13 Nhưng khi người Do-thái ở Thê-xa-lô-ni-ca biết là ông Phao-lô cũng loan báo lời Thiên Chúa ở Bê-roi-a nữa, thì họ lại đến đấy sách động và gây xôn xao trong dân chúng. 14 Bấy giờ các anh em lập tức tiễn ông Phao-lô ra tận bờ biển; còn ông Xi-la và ông Ti-mô-thê thì vẫn ở lại đó. 15 Các người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.” (Cv 17, 13-16)

Thế là một số người phải đưa Phaolô đi. Phaolô xuống A-thê-na (Nhã Điễn) trước. Xi-la và  Ti-mô-thê xuống sau. A-thê-na (Nhã Điễn) còn gọi là Nhã Điển, thành phố thủ đô văn vật của Hy lạp. Nói đến Hy lạp là phải nhớ ngay đến A-thê-na (Nhã Điễn). A-thê-na (Nhã Điễn), là nơi khai sinh tư tưởng về dân chủ, về nền cộng hoà. A-thê-na (Nhã Điễn) tập trung mọi thành quách, đền đài mang đậm nét văn hóa và văn minh đặc trưng của Hy lạp, đến nỗi khi chiếm đóng Hy lạp, người La mã, vốn rất chuộng tất cả những gì là Hy lạp, đã trân trọng dành cho A-thê-na (Nhã Điễn) một quy chế riêng biệt: A-thê-na (Nhã Điễn) vẫn là một thành phố tự do.

Tên “A-thê-na (Nhã Điễn)” là do từ Ἀθῆναι-Athēnai, dạng số nhiều của Ἀθήνη-Athēnē, tên của nữ thần Athena. Sỡ dĩ tên Athenai ở số nhiều vì thành phố có nhiều phần mà phần nào cũng hoành tráng đáng được kể như một thành phố riêng biệt. Suốt cả một ngàn năm trước Công Nguyên và nhất là từ năm 500 đến 300, A-thê-na (Nhã Điễn) ở vào thời hoàng kim. Đó là trung tâm văn hóa của thế giới. Nằm cách mỏm Piraeus, ở bờ biển, 7 cây số, A-thê-na (Nhã Điễn) ngó xuống vịnh Saronic. Vào năm 146 trước Công nguyên, người La Mã chiếm A-thê-na (Nhã Điễn), nhưng để cho A-thê-na (Nhã Điễn) được tự do .

Lúc Phaolô đến A-thê-na (Nhã Điễn), khoảng năm 52, thì Athen đã mất hết nét huy hoàng và giầu có ngày xưa. Dân số chỉ con chừng 10 ngàn người. Nhưng hội trường A-rê-ô-pa-gô, nơi thị dân A-thê-na (Nhã Điễn) thường tụ họp, vẫn là chổ lý tưởng để bắt đầu một bài giảng.

A-rê-ô-pa-gô vừa là một công trường , vừa là tên của Hội đồng thành phố A-thê-na (Nhã Điễn).

A-rê-ô-pa-gô, tên Hy lạp, có nghĩa là “Ngọn đồi của Ares”. Theo thần thoại Hy lạp, Ares là thần Chiến Tranh. Ông đã bị các thần khác đem ra xử án xem coi có phạm tội giết Alirrothios con của thần Poseidon hay không. Ông được trắng án. Nhưng vụ xự án này được coi là vụ xử án đầu tiên trên thế gian. Từ đó, ngọn đồi nơi xử án thân Ares được gọi là A-rê-ô-pa-gô. Người Hy lạp dùng tên này để gọi một ngọn đồi cao chừng hơn 100 thước, nằm về phía tây bắc ngọn đồi Acropolis. Nơi đây, ngày trước, hội đồng nhân dân thành phố A-thê-na (Nhã Điễn), cũng gọi là Aeropagus, tụ tập để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố, như xét xem có nên đi đánh nhau không, hay xử các vụ trọng án trong thành phố, như cướp của giết người .

---Còn tiếp---

zalo
zalo