Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 76

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 4/8 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 4/8

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

IV. CÁC HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

3. Hành trình truyền giáo lần thứ hai

Việc Phaolô ra “điều trần” trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô không có nghĩa là ngài bị xử án về tội gì, nhưng vì trước đó, Ngài hay thảo luận với những người qua lại tại quảng trường này, nên đã lôi kéo được sự chú ý của những người trong hội đồng A-rê-ô-pa-gô.

“Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Do-thái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại. 18 Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy? ” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phao-lô loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su và về sự Phục Sinh.” (Cv 17,17-18)

Chúng ta thấy rõ lòng kiêu hãnh và tự mãn của người Hy lạp khi gọi một người Do thái lùn, đang hùng hồn, mang tên Phaolô, là “con vẹt”.

Lúc bây giờ hai nhóm triết gia Khoái lạc và Khắc kỷ là hai nhóm hoàn toàn đối nghịnh nhau như nước với lửa. Họ gặp nhau ngoài quảng trường chỉ là để cãi nhau hằng giờ không chán. Ai cũng bảo vệ cho bằng được chủ thuyết của phái mình. Phaolô, vô hình trung, đã nằm giữa hai lằn đạn. Những Ngài đã có cách để khởi đầu. Tinh thần dân chủ phát sinh từ A-thê-na (Nhã Điễn) đã ảnh hưởng mạnh. Nếu mọi người sinh ra đều bình đẳng, và ai cũng có quyền bầu bán, thì các vị thần cũng thế: Mọi vị Thần đều có quyền được thờ như nhau. Vì thế mà khắp nơi trong thành phố, chỗ nào cũng có tượng thần. Thần la liệt. Thần đủ mọi loại, Thần đủ mọi màu da. Thần đủ mọi kiểu, mọi tên.

Dân A-thê-na (Nhã Điễn) còn cẩn thận, sợ có vị thần nào mà họ chưa biết đến, sẽ lên tiếng bất bình, nên họ làm thêm một tượng, đề tên là “Thần Vô danh” (nghĩa là Thần, nếu có, mà thành A-thê-na (Nhã Điễn) chưa biết tên)

Quả vậy sau khi nhàn tản thả bộ qua gần hết các đường trong thành phố, nhận thấy được mấu chốt cho vấn đề, Phaolô nêu lên một chi tiết để lung khởi:

“Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. “ (Cv 17,22-23)

Ngài tiếp tục khai triển bài giảng, người A-thê-na (Nhã Điễn) lắng nghe. Cả Khắc kỷ lẫn Khoái lạc đều lắng nghe. Ngài giới thiệu Đức Giêsu Kytô, người ta cũng lắng nghe. Cho đến khi ngài nói đến sự kiện sống lại, thì đầu óc duy lý của Hy lạp khựng lại, họ không chấp nhận:

“Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy.” 33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi. “ (Cv 17,33)

Chúng ta cứ ngỡ nơi đỉnh cao của văn minh nhân loại cũng sẽ là nơi dễ chấp nhận Tin Mừng chứ. Vậy mà A-thê-na (Nhã Điễn) lại là nơi xem Tin Mừng, gọi việc Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá là một sự điên rồ! Phải kể ra việc rao giảng của Phaolô tại A-thê-na (Nhã Điễn) là một thất bại! Sau này Ngài chẳng có một cái thơ nào “gửi tín hữu thành A-thê-na" cả.

Nhưng ít ra cũng có một vài người tin theo, trong số đó có ông Dyonisius và một bà tên là Damaris. “1 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô. ” (Cv 18,1)

Côrintô là như một pháo đài nằm trên một cao nguyên nhìn xuống eo biển giữa Hy lạp và đảo Peloponnesus. Cảng Corintô nằm ở mạn Nam của một đại đô thị. Phiá Đông có cảng Cenchrea mở vào vịnh Saronic của biển Egê. Phía Tây có cảng Lechaeum mở vào vịnh Côrintô, biển Adriatric. Các tàu bè nhỏ có thể được ròng rọc kéo trượt trên các cây xà gỗ tròn để từ vịnh này sang vịnh kia.

Vào năm 27 trước Công nguyên, Côrintô đã là một thương cảng sầm uất, hỗn tạo, và là thủ phủ của trấn Achaia. Dân số lúc ấy đã trên 200 ngàn người, gồm đủ mọi sắc dân và màu da, từ La mã , Hy lạp, Ý, Do thái cũng không thiếu. Cả những người đến từ Đông phương xa như Ấn độ. Lính tráng cũng có, mà thương gia, công chức cũng có. Thủy thủ lại càng nhiều hơn! Và cùng với thuỷ thủ tứ xứ, thì có các nàng giang hồ, gặp nhan nhản mọi chỗ ở Corintô. Côrintô lúc ấy, đồng nghĩa với sa đọa và thác loạn! Tại Côrintô, Phaolô gặp một gia đình Do thái làm cùng nghề may lều bạt, chạy loạn từ Ý về. Chồng tên là Aquila và vợ là Priscilla. Ngài lưu lại tại nhà họ, và ở đó rao giảng cho tại Corintô cả hơn năm trời.

“Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà, 3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. 4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp…. Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.” (Cv 18,1-4,11)

Lúc ấy hai ông Xi-la và Ti-mô-thê mới từ Ma-kê-đô-ni-a xuống ở với Ngài .

Ngài chỉ cố rao giảng cho người Do thái, chứng minh cho họ biết rằng chính Đức Giêsu là Na-da-rét là Đức Kytô, là Đấng Messia, Là Đấng Phải Đến. Nhưng hoài công. Cuôi cùng Phaolô đành chịu thua mà bỏ họ, quay sang rao giạng cho người ngoại.

“Ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. 6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.” (Cv 18 6-7)

Bực lên mà phủi bụi áo bỏ đi là nóng lắm rồi đó! Ngài còn dùng công thức:

“Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người” nghĩa là “Thôi nhé! Thậc các ông hết thuốc chữa. Từ nay, có gì thì lo mà chịu trách nhiệm lấy. Tôi chịu thua!”

Thiên Chúa đã phải hiện ra trong giấc mơ mà an ủi Phaolô đừng nản lòng!

“Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, 10 vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” (Cv 18 9-10)

Ngay sát vách hội đường Do thái ở Corintô, có gia đình một ngưòi La mã, tên là Titius Justus. Phaolô qua đó mà rao giảng. Ông ta và gia đình trở lại. Cả ông từ coi hội đường Do thái, tên là Cơrítpô, cũng tin theo mà trở lại. Khi thấy số người tin theo Phaolô càng ngày càng nhiều thì người Do thái bắt đầu kiếm chuyện. Họ kiếm cách đưa Phaolô ra toà án, vu cáo là gây rối .

“Thời ông Ga-li-on làm thống đốc tỉnh A-khai-a, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phao-lô; họ đưa ông ra toà 13 và nói: “Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.” (Cv 18, 12-13)

Nói cho ngay, người Do thái có kiếm chuyện với Phaolô thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Khi họ đem chuyên lên toà án La mã để kiện cáo thì quan toà, ông Gallio không lấy làm điều. Ông biết đây chỉ là chuyện tranh cãi giáo điều nội bộ của người Do thái mà thôi .

“Ông Ga-li-on đã nói với người Do-thái: “Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông. 15 Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, Lề luật riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.”16 Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án” (Cv 18 14-16).

Thậm chí, khi người Do thái ở Corintô “giận cá chém thớt”, xông vào đánh “hội đồng” ông Sosthênê ngay trước toà án, thì “ông Ga-li-on chẳng bận tâm gì về việc này” (Cv 18,17). Sau một năm rưỡi ở tại Corintô, Phaolô ghé Cenchreae. Cenchreae là môt thị trấn nhỏ giáp ranh với Côrintô , cách 7 cây số, và vẫn còn thuộc hành chính của Côrintô.

Tại đây có bà phó tế Phê-bê mà trong thư La-Mã, thánh Phaolô có nhắc đến: “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê“ (Rm 16,1). Và cũng tại đây Phaolô cạo trọc đầu: “Tại Ken-khơ-rê, ông xuống tóc, vì có lời khấn.” (Cv 18,18).

Việc cạo trọc đầu thưòng là dấu hiệu kết thúc một “nazarit”. Người Do thái nào có một lời khấn, hứa, hay nguyền, thì được gọi là “nazoréon”. Nhất là khi thoát được một cơn hoạn nạn lớn, người ta hay khấn nguyền giữ một điều gì đó. Xong việc người ta cạo trọc đầu, như một dấu hiệu đã giữ trọn một lời thề!

Từ đầy, phái đoàn truyền giáo đáp tàu về. Nghĩa là đi về hướng Đông, băng qua biển Êgê, về lại Giêrusalem. Trên đường về, các Ngài ghé Ê-phê-xô, một cảng nằm trên bờ biển Tiểu Á (Thổ nhĩ kỳ)

“Từ giã các anh em và vượt biển sang miền Xy-ri 19 Khi đến Ê-phê-xô, ông Phao-lô từ biệt hai người kia (ông bà Aquilla và Priscilla). Phần ông, ông vào hội đường và thảo luận với người Do-thái.” (Cv 18,19)

Ê-phê-xô nằm đầu mỏm núi Koressos chỉa ra biển Egê. Đây là một thương cảng giữ việc giao lưu giữa thế giới La Mã và toàn vùng Tiểu Á . Nhưng vì khai thác gỗ quá nhiều, dùng vào việc đốt than, đất màu trên mặt bị xói mòn, chảy xuống thành bùn làm nghẹt cửa cảng, khiên cho thương mãi càng ngày càng suy sụp.

Ê-phê-xô còn nổi tiếng với việc thờ nữ thần Artemais có lắm vú. Người La mã gọi tên thần này là Diana. Đền thờ thần Artemais tại Thư Ê-phê-xôesô được kể là một trong bảy kỳ quan của thế giới Cổ đại. Đền thờ này đứng vững cho đến năm 263 sau Công nguyên thì bị người Goths cướp phá .

Phaolô ở Ê-phê-xô không lâu. Người ta xin Ngài ở lại, nhưng Ngài khất lần sau:

“Họ xin ông ở lại lâu hơn. Ông không chịu. 21 Nhưng khi từ giã họ, ông nói: “Để lần khác tôi sẽ trở lại với các ông, nếu Thiên Chúa muốn.” Rồi ông xuống tàu rời Ê-phê-xô. 22 Đến Xê-da-rê, ông lên Giê-ru-sa-lem chào thăm Hội Thánh, rồi xuống An-ti-ô-khi-a. “ (Cv 18,21-22).

Từ Ê-phê-xô, ngài về lại Giêrusalem, “báo cáo công tác”, rồi về lại  An-ti-ô-khi-a, kết thúc chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Đó là khoảng năm 52.

Danh sách những nơi Ngài đã đi qua trong lần thứ hai này:

Từ Giê-ru-sa-lem lên An-ti-ô-khi-a qua Đéc-bê, Lýt-ra, Troas, qua Nê-a-pô-lis, Phi-lip-phê, Amphipolis Apollonia, Thê-xa-lô-ni-ca, Berea, A-thê-na (Nhã Điễn), Cô-rin-tô, Cenchreae, Ê-phê-xô, Caesarea.

4. Hành trình truyền giáo lần thứ ba

Chúng ta ôn lại một vài niên biểu quan trọng:

- Cuộc truyền giáo lần thứ ba, khoảng năm 52, 53 đến năm 57;

- Hai thư gửi giáo dân Côrintô , là Thư I và II Cô-rin-tô; và thư gửi giáo dân miền Galatia, khoảng năm 56;

-Viết thư gửi tín hữu ở La-Mã, khoảng năm 57;

-Về thăm Giêrusalem lần thứ năm, và bị bắt tại đó, năm 57.

Chuyến đi truyền giáo lần thứ ba nhắm vào Ê-phê-xô. Ngài đã hẹn Ê-phê-xô là sẽ trở lại. Ở đó có ông bà Aquilla và Priscilla chờ đón Ngài. Chuyến đi này được kể lại đầy đủ trong sách Tông Đồ Công vụ 18,23- 21,26 .

Sau khi nghĩ ở  An-ti-ô-khi-a một thời gian ngắn, Ngài lại lên đường, theo đường bộ qua miền Galatia và Phy-ghi-a, rồi đi thẳng tới Ê-phê-xô:

“rồi xuống An-ti-ô-khi-a. 23 Sau khi ở đó một thời gian, ông ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh“ (Cv 18, 23).

Tại Ê-phê-xô, chúng ta có câu chuyện về ông Apollô.

Dường như Apollo là một người Do thái rất thành tâm tìm kiếm chân lý, nhưng vì bỏ quê hương lưu lạc sang Ê-phê-xô khá lâu, trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, nên ông chỉ biết tới Gioan Tẩy giả mà thôi. Vì vậy tại Ê-phê-xô, ông kể lại những biến chuyển tại quê nhà. Ông lại có tài ăn nói, am tường Kinh Thánh, nên giảng dạy tại Hội đường. Người Do thái tha hương tại Ê-phê-xô tin theo những lời ông nói, và ông thi hành phép rửa cho họ, theo kiểu của Gioan Tẩy giả. Ông rửa tội như thế được chừng 12 người.

“Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. 25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an. 26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.” (Cv 18,24-26).

Sang Achaia, Apollo giúp cho các tín hữu Hy lạp rất nhiều, nhất là trong việc tranh luận với người Hy-Lạp.

27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu,28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. “ (Cv 18, 27)

Khi Phaolô tới Ê-phê-xô, Ngài gặp nhóm tín hữu do Apollo giáo dục này, và hỏi họ đã có nhận lãnh Thánh Thần chưa. Họ trả lời chưa hề nghe biết có Thánh Thần, và phép rửa họ chịu là phép rửa của Gioan. Phaolô mới giảng thêm cho họ về Đức Giêsu, Đấng đến sau Gioan. Họ tin theo, được rửa tội và nhận Thánh Thần.

“Ông Phao-lô gặp một số môn đệ 2 và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? ” Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” 3 Ông hỏi: “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào? ” Họ đáp: “Phép rửa của ông Gio-an.” 4 Ông Phao-lô nói: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” 5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. 6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. 7 Cả nhóm có chừng mười hai người.” (Cv 19,1-7)

Sau chuyện này, Phaolô tiếp tục rao giảng trong hội đường ở Ê-phê-xô chừng ba tháng, tranh luận và biện bạch với họ về “Nước Thiên Chúa”.

Khoảng thời gian này, Ngài mượn một phòng học của một “thầy hiệu trưởng” tên là Tyranus và , trong vòng hai năm, giảng dạy tại đó. Bản Kinh thánh Codex Bezae ( TđCv 19,9) thêm chi tiết này:

"Từ giờ thứ năm cho đến giờ thứ mười “ nghĩa là từ 11 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều: “Ngày ngày ông thảo luận trong trường học của ông Ty-ran-nô. 10 Cứ như thế trong vòng hai năm, khiến mọi người ở A-xi-a, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa. “

Năm tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong vòng hai năm. Với năng lực truyền giáo như thế nên trong vòng hai năm, “mọi người ở A-xi-a đều được nghe Lời Chúa.”

Lúc này thì có câu chuyện vui vui xảy ra.

Số là tại Ê-phê-xô, có một số người làm nghề trừ quỷ. Khi thấy Phaolô trừ quỷ, chữa nhiều người bị quỷ ám rất là hiệu nghiệm, thì họ bắt chước.

“Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường, 12 đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.” (Cv 19,11).

Mấy vị làm nghề trừ tà kia tại Ê-phê-xô, không biết có cao tay ấn thật hay không, hay chỉ là giở trò lừa bịp lâu nay, thấy tài nghệ của “thầy” Phaolô thì bắt chước, mong được “nâng cao tay nghề”. Họ cũng “bắt quyết”. Rồi hô hoán:

“Nhân danh Đức Giê-su mà ông Phao-lô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!” (Cv 19, 13)

Mấy ông quên không nói là truyền lệnh gì!

Trong số các thầy trừ tà, lại có cả bảy người con của một ông trưởng hội đường Do thái, tên là Sikêua. Nhưng chuyện oái ăm là, mấy “con tà con ma” ở Ê-phê-xô có máu tếu ngạo. Khi nghe các thầy bắt quyết hô hoán, làm đủ trò, chúng trả lời:

“Đức Giê-su, tao biết; ông Phao-lô, tao cũng tường; còn bay, bay là ai? ”

Rồi người bị tà thần ám nổi cơn xung thiên, dỡ “võ Thổ Nhĩ kỳ” đánh cho mấy thầy rách cả áo quần, chạy trần truồng khắp phố. Đọc đoạn văn này, chúng ta mới thấy ngòi bút miêu tả của thánh Luca thật là dí dỏm và linh hoạt.

Mọi người ở Ê-phê-xô, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều biết chuyện ấy.” (Cv 19, 17)

Sau vụ ấy thì các “thầy trừ tà” khác đều chết khiếp. Chắc là vì sợ “võ Thổ Nhĩ kỳ” của tà ma, nên họ “sợ đến già”. Họ thú tội và nạp sách vở cho Phaolô đốt hết.

“Khá đông người làm nghề phù thủy đem gom sách vở mà đốt trước mặt mọi người; tổng cộng số sách ấy trị giá tới năm mươi ngàn đồng bạc. (Cv 19, 19-20).

Sự việc này lại liên quan tới một vụ khác.

Số là tại Ê-phê-xô có đền thờ nữ thần Artemis lắm vú. Đền thờ này lộng lẫy, được xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới. Thật ra nữ thần Artemis là chị em sinh đôi với thần Apollo. Artemis tượng trưng cho đời sống hoang dã, thích săn bắn. Tượng nàng thường được tạc với một bộ cung tên và các thú hoang quây quần chung quanh. Nàng phù trợ cho sự phong nhiêu, mắn đẻ. Nhưng theo truyền thuyết, từ lúc nhỏ đã xin bố, là Thần Zeus, cho mình được “đồng trinh trọn đời”.

Vậy mà không hiểu sao tượng nàng bên Ê-phê-xô lại được tạc với một bộ ngực đầy những vú. Có vậy, đền thờ của nàng mới lắm người lui tới, chiêm ngắm và cầu xin. Có vậy bọn thợ bạc mới đúc và khắc tượng nàng làm những món đồ trang sức và “souvenir” cho khách vãng lai!

Phaolô chọc vào tổ ong vò vẽ.

Demetrius kể tội Phaolô như sau:

24 Số là có một người thợ bạc tên là Đê-mết-ri-ô, chuyên làm mô hình đền nữ thần Ác-tê-mi bằng bạc, và nhờ đó đem lại cho các người thợ một nguồn lợi không nhỏ. 25 Ông ta tập hợp họ và những người làm nghề tương tự, và nói: “Thưa các bạn, các bạn thừa biết là nhờ việc làm ăn này mà chúng ta phát tài. 26 Thế mà, như các bạn thấy và nghe biết: không những ở Ê-phê-xô này, mà gần như trong khắp cả A-xi-a, tên Phao-lô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần. 27 Như vậy, có nguy cơ là không những ngành nghề của chúng ta bị chê bai, mà cả đền thờ đại nữ thần Ác-tê-mi cũng bị người ta coi chẳng ra gì, và rốt cuộc vị nữ thần mà toàn A-xi-a và cả thiên hạ tôn thờ cũng chẳng còn gì là vĩ đại nữa.” 28 Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “ 29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường, lôi theo ông Gai-ô và ông A-rít-ta-khô là những người Ma-kê-đô-ni-a, bạn đồng hành của ông Phao-lô.”(Cv 19, 24-29).

Phaolô đã đập bể nồi cơm của họ. Họ điên lên là phải.

Nhưng mà tay Demetrius phải nói là đáo để. Hắn biết cách xúi dân chúng biểu tình.

“Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường… 32 Dân chúng hò la, kẻ thế này, người thế nọ, đại hội trở nên hỗn loạn và phần đông không biết mình họp nhau để làm gì.” (Cv 19, 28-32).

Phaolô phải lánh mặt.

“Tất cả mọi người đồng thanh hò hét suốt gần hai tiếng đồng hồ: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “3  “Ông Phao-lô muốn ra trước đại hội toàn dân, nhưng các môn đệ không cho. 31 Có mấy vị chức sắc tỉnh A-xi-a, là bạn của ông Phao-lô, cũng sai người đến khuyên ông đừng liều mình đến hí trường. “ (Cv 19, 30-31).

Cuối cùng phải nhờ ông thư ký của Hội đồng thành phố ra trấn an, dân chúng mới chịu nguôi ngoai và giải tán. Một lần nữa, chúng ta thấy tài kể chuyện của thánh sử Luca thật là tuyệt vời .

Sau biến cố này, Phaolô phải rời Ê-phê-xô mà qua Hy-Lạp. Ngài trở lại thăm Corintô, ở lại đó suốt ba tháng mùa đông. Có lẽ cố ý chờ cho sang xuân, biển yên lặng, mà trở về Giêrusalem.

“Ông Phao-lô mời các môn đệ tới, khuyên nhủ họ, rồi chào từ biệt và lên đường đi Ma-kê-đô-ni-a. 2 Ông đi qua miền đó, nói nhiều lời khuyên nhủ các anh em, rồi tới Hy-lạp 3 và ở lại đó ba tháng.” (Cv 20 ,1-3).

Người Do thái lại âm mưu hại Ngài. Họ vẫn hăng say tìm cách giết hại Ngài, kẻ rối đạo, y như trước kia Ngài đã từng lùng bắt các tín hữu tiên khởi. Vì khôn ngoan, không muốn tạo cơ hội cho họ thành công,–một vụ đắm tàu là xong ngay–hay cho người đi theo hãm hại Ngài trên tàu, hay xô xuống biển–Ngài quyết định trở về bằng đường bộ.

“Vì người Do-thái âm mưu hại ông, nên khi sắp xuống tàu sang miền Xy-ri, ông quyết định qua ngã Ma-kê-đô-ni-a mà về. “ (Cv 20,3)

Phái đoàn chia thành hai toán, một theo đưòng biển, một theo đường bộ, hẹn nhau tại Troas. Tại Troas, Ngài lưu lại đó một tuần. Chỉ có một tuần thôi mà lại cũng có chuyện .

“Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.” (Cv 20,7).

Ngài giảng hăng say cho mãi đến nữa đêm.

“Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết.” (Cv 20, 9).

Biết làm sao bây giờ mà trả lời cho bố mẹ cậu ta? Thì đành phải làm phép lạ vậy chứ sao bây giờ?:

“Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà! “ 11 Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi. 12 Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít.” (Cv 20,10-12).

Ngài còn giảng cho mãi đến sáng! Sau một đêm giảng và làm phép lạ cho cậu bé té lầu sống lại, Phaolô đi đường bộ, qua Assos để xuống Miletus. Nhưng từ Troas xuống Miletus, Ngài còn ghé nhiều nơi như sau:

”Chúng tôi xuống tàu trước đi Át-xô, là nơi chúng tôi sẽ đón ông Phao-lô; ông đã sắp đặt như thế, vì ông tính đi đường bộ.” (Cv 20,13)

Assos là một cảng lớn trong vùng phụ cận của vùng Troa. Được thành lập cả ngàn năm rồi, đến năm 600 trước Công nguyên, dân số của cảng Assos đã có thể lên tới 15 ngàn người. Phaolô không dừng lạ đầy lâu, đủ thời giờ để lên tàu tới Miletus mà thôi .

Sau đó cả đoàn đi tàu tới Mitylen:

“Khi ông gặp lại chúng tôi ở Át-xô, chúng tôi đón ông xuống tàu rồi đi tới Mi-ty-len.” (Cv 20, 15)

Mitylen là thành phố chính của đảo Lesbos, nằm trên bờ Tây của Thổ nhĩ kỳ. Tàu bè thường tới đây vào ban chiều, nằm chờ qua đêm tại đây để sáng hôm sau nhổ neo xuôi Nam sớm, nhờ vào chiều gió thuận thường thổi qua đảo này. Thành phố này ban đầu nằm trên một hòn đảo gần đất liền, nhưng sau đảo được nối liền với đất nhờ một con đê. Từ đó Mitylen thành một hải cảng tốt cho tàu bè.

“Từ đó chúng tôi vượt biển và hôm sau tới ngang đảo Khi-ô. Hôm sau nữa, chúng tôi cặp bến ở đảo Xa-mốt, rồi ngày kế đó đến Mi-lê-tô, 16 vì ông Phao-lô đã quyết định không ghé Ê-phê-xô,” (Cv 20 15-16).

Miletus nằm ngay cửa sông Meander, cách 45 cây số về phía nam của Ê-phê-xô. Ban đầu Miletus là thành phố cảng, nhưng sau nhiều lần cửa sông Meander, vì phù sa, đã thay đổi chổ, nên hiện nay Miletus đã nằm sâu gần chục cây số trong đất liền. Tại Miletus, Ngài không dám đi lên Ê-phê-xô. Người Do thái hăm dọa sẽ thanh toán Ngài trên đó. Nên Ngài nhờ người mời các “trưởng lão” từ Ê-phê-xô xuống Miletus để gặp Ngài.

Có hai chuyện cần lưu ý ở đây. Thứ nhất danh từ “trưởng lão”, không hẳn ám chỉ những bô lão tại cộng đoàn tín hữu ở Ê-phê-xô! Mà chỉ là những người có chút nhiệm vụ coi sóc, nâng đỡ tinh thần tín hữu, nghĩa là là những người ma sau này gọi là Linh mục hay Giám mục. Và khi các trưởng lão xuống Miletus gặp Phaolô, thì hai bên chia tay nhau rất là cảm động. Phaolô tâm sự tha thiết đến độ ai cũng rơi lệ.

Trước hết Ngài ôn lại cho các vị ấy duyên do Ngài tới Ê-phê-xô, nhưng ngay sau đó Ngài nói chính Thánh Thần cho Ngài biết rằng điều bất hạnh đang chờ Ngài tại Giê-ru-sa-lem:

“Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, 23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. “ (Cv 20,22-24)

Ngài khuyên họ biết cảnh giác những con chó sói sẽ xâu xé cộng đoàn. Ai cũng mường tượng rằng, lần chia tay này sẽ là vĩnh biệt!

“Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. 38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu. “ (Cv 20,38).

---Còn tiếp---

 

zalo
zalo