CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 6/8
Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ
VII. NIÊN BIỂU CUỘC ĐỜI THÁNH PHAO-LÔ
1. Làm thế nào để thiết lập được niên biểu cuộc đời thánh Phao-lô?
Đã có rất nhiều sách viết về lịch sử thánh Phaolô, vấn đề khó nhất và luôn được bàn cải, là việc xác định niên biểu cuộc đời của ngài, nhất là các cuộc du hành được nhắc đến trong sách Công Vụ các Tông Đồ và trong các thư của ngài.
Nếu các tác giả ngày nay thiết lập một cách tương đối niên biểu cuộc đời của thánh Phaolô, cũng nhờ các nhà chú giải tìm kiếm và suy luận trên các dữ kiện mà họ có được. Chúng ta cũng có thể lấy một niên biểu của một trong các tác giả gần đây, họ đã chọn một cách tương đối các năm tháng và cố gắng suy luận biện minh niên biểu của họ. Nhưng làm như thế, chúng ta sẽ không học được cách thức làm việc của các nhà chú giải. Trong chương này, bước cơ bản đầu tiên, không khó lắm đối với chúng ta, là đọc lại lịch sử cuộc đời, niềm tin mãnh liệt của thánh Phaolô vào đức Kitô, sự nghiệp rao giảng tin mừng và công việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu của ngài trong miền Địa Trung Hải, theo sách Công Vụ Tông Đồ, sách được viết bởi thánh sử Luca như truyền thống giáo hội đã cho chúng ta biết [1]. Khi tham khảo các dữ kiện đến từ Luca, chúng ta so sánh với các dữ liệu đến từ các thư của Phaolô, và các yếu tố lịch sử đương thời.
Trong bước thứ hai, chúng ta sẽ tham khảo và so sánh các niên biểu và cách thức xác định ngày tháng cuộc đời thánh Phaolô theo phương pháp lý giải và phân định của một số tác giả viết tiếng Pháp. Những tìm kiếm và dẫn chứng của họ sẽ giúp chúng ta thiết lập một cách tương đối niên biểu cuộc đời thánh Phaolô, trong phần cuối của chương này.
2. Các nguồn dữ liệu
Để có được một cái nhìn tổng quát, dễ dàng nắm bắt, phương pháp tốt nhất là đặt vào trong bảng trình bày các điểm chuẩn của cuộc đời thánh Phaolô, trình bày bởi thánh sử Luca, và bên cạnh đó, các dữ liệu đến từ các thư thánh Phaolô, cũng như các yếu tố lịch sử đương thời.
Sách Công Vụ [2] | Sự kiện | Thư Phaolô | Yếu tố sử |
7,54-8,1-3 7,58; 8,1a. 3. | Têphanô bị ném đá, Saolô, người bắt đạo |
Gl 1,13 |
|
9,1-30 (22,1-21) 9,1-19 9,20-25 9,26-28 9,29 11,25-26 11,27-30; 12,25 12,1-23 12,20-23 | Biến cố Đamát Saolô gặp đức Kitô phục sinh, trở lại Rao giảng ở Đamát , xứ Ả rập Thăm Giêrusalem Về quê Tácxô Ở Antiôkhia (1 năm) Saolô cứu trợ nạn đói ở Giêrusalem Giacôbê tử đạo, Phêrô cứu thoát |
Gl 1,13-16 Gl 1,17 Gl 1,18-20 Gl 1,21-24
1 Cr 16,1-4 Rm 15, 25. 26. 31. |
Hđ Cơlauđiô Hêrôđê bắt đạo Hêrôđê chết |
13,1-14,28
13,7 | Hành trình truyền giáo thứ 1: Antiôkia, Sêlêkia, Kyprô (Salamin, Paphô), Perghê, Antiôkia xứ Pisiđia, Ikonium, Lystra, Đerbê ↔ Đerbê, Lystra, Ikonium, Antiôkia, Pamphylia (Perghê, Attalia), Antiôkia. Rao giảng ở Kyprô |
| Khoảng 2000 cây số [3]
Sergiô Paolô |
15,1-35 | Công Đồng Giêrusalem
Bị bắt bớ ở Antiôkia | Gl 2,1-10 Gl 2,11... 2 Tm 3,11 |
|
15,36-18,22 | Hành trình truyền giáo thứ 2 Antiôkia, Đerbê, Lystra, Ikonium, Antiôkia, xứ Phrygia và Galát, Mysia, Trôa, Samôthrakê, Nêapôli, Philip, Amphipoli, Apollonia, Thessalonikê, Bêrê, Athêna, Corinthô, Kenkrê ↔Êphêsô, Kaisaria (Giêrusalem), Antiôkia. | Gl 4,9-15 1 Th 2,2 1 Th 3,1-6 | Khoảng 3700 cây số [4] |
18,23-19,21
20,1-5 20,6 20,7-16 20,17-38 21,1-14
21,15-26 | Hành trình truyền giáo thứ 3 Antiôkia, lần lượt đi qua Galát, Phrygia, Êphêsô (Makêđonia, Akhaia) Makêđonia và Hy Lạp Trôa (7 ngày) Trôa, Assô, Mitilen, Khilô, Samô, Milêtô, Diễn từ tại Milêtô Từ Milêtô đến Kaisaria Kô, Rôđô, Patara, Tyrô (Syri), Ptôlêmai, Kaisaria. Đến Giêrusalem |
|
|
21,17-23,22 21,39 22,22-29 23,6 23,16 | Phaolô bị bắt, ở Giêrusalem Phaolô, người Do Thái, quê ở Tácxô Công dân La Mã Tôi là người Pharisêu Con trai chị của Phaolô |
|
|
23,13-28,15
23,23 tt. 24,27 25,13-26,32 27,1-7 27,9-44 28,1-10 28,11-16 | Hành trình thứ 4: Xêdarê-La Mã Xiđon, Đảo Sýp, Kilikia, Pamphylia, Myra miền Lykia, Cơniđô, đảo Kêta, Xanmônê, bến Lành « bons ports » có thành Laxaia, Phêních (mùa đông), Manta, La Mã.
Phaolô trước tòa án Khởi hành đi La Mã Gặp bão, bị đắm tàu Tới đảo Manta Đến La Mã | 1 Tm 1,3 Tt 1,5; 3,12 | 4200 cây số [5]
Phêlích Pokiô Phéttô Vua Ácríppa |
28,30-31 | Hai năm ở La Mã | 2 Tm 1,15-18 4,9-21 |
|
1) Sách Công Vụ Tông Đồ đã cho chúng ta lịch sử cuộc đời Phaolô khá đầy đủ, nhưng không định rõ năm tháng, và các ngữ cảnh chỉ thời gian có tính cách mơ hồ, chẳng hạn như « trong những ngày ấy, thời đó,» (Cv 1,15; 6,11; 11,27), « sau một thời gian khá lâu » (Cv 9,23), « Ít ngày sau » (Cv 15,36), « thời kỳ ấy » (Cv 12,1; 19,23)...
Các độc giả sách Công Vụ nên để ý hai thái độ quá cực đoan: hoặc tin tưởng tuyệt đối vào các dữ kiện soạn thảo bởi sách Công Vụ, hoặc ngược lại, nghi ngờ tính cách lịch sử khách quan của tác giả, thánh sử Luca. Sách của ngài không là một tác phẩm viết về cuộc đời một danh nhân, nhưng là một chứng tá lịch sử của một tông đồ hiến mình cho Tin Mừng của đức Kitô. Các sử gia thời cỗ đại là những người dấn thân, có lập trường, họ muốn đưa độc giả vào các tư tưởng quan trọng đối với họ. Chẳng hạn, Flavius Josèphe (37-100), sử gia Do Thái nỗi tiếng, khi muốn chứng tỏ lòng dũng cảm của dân tộc Do Thái trước quyền lực của La Mã, đã không ngại bỏ qua các yếu tố lịch sử không vinh quang lắm của dân tộc ông và làm nổi bật các dữ kiện anh hùng khác. Nhưng không phải vì thế mà ông ta dám dựng nên các câu chuyện không có thật [6], như lịch sử cộng sản Việt Nam đã làm.
Thánh Luca, như các sử gia thời đó, tuy không chính xác trong vài dữ liệu niên biểu, không thể có được sự tin tưởng của cộng đồng Kitô hữu, nếu ngài soạn thảo sách Công Vụ với những ý tưởng phóng đại hay tưởng tượng các dữ liệu. Thánh Luca, cũng là tác giả của Tin Mừng thứ ba trong bộ Nhất Lãm, đã chứng tỏ được tài năng tìm kiếm lịch sử và nghiêm túc trong lĩnh vực này. Những gì thánh sử Tin Mừng đã viết đánh cho chúng ta trân trọng và suy nghĩ [7]. Nhưng dầu vậy, các nhà chú giải theo phương pháp phê phán sử quan cũng minh chứng rằng Luca làm một vài rắp nối trong mục đích làm cho hòa hợp các dữ kiện đến từ các truyền thống khác nhau, chẳng hạn việc thêm vào chương 13 và 14 trong khi soạn thảo bản văn [8].
2) Về phần thánh Phaolô, các thư ngài đã viết cho chúng ta biết rất ít cuộc đời cụ thể của ngài. Chỉ có lá thư gởi tín hữu Galát, như chúng ta có thể thấy trong bảng trình bày trên đây, là nguồn duy nhất cho chúng ta biết về một ít về lịch sử cuộc đời ngài.
Ngoài các tin tức có liên quan trực tiếp đến cuộc đời thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Galát, chúng ta cũng biết được một vài thư khác, thỉnh thoảng ngài cũng nhắc một vài chuyện hoặc các dự định du hành đến các cộng đoàn: chẳng hạn trong 1 Tx 2,2 và 3,1-6, ngài đã nhắc đến việc ngài chịu đau khổ và bị lăng mạ tại Philipphê. Và sau đó, ngài cho biết ngài quyết định ở lại Athêna và sai Timôthê đến Philipphê và Timôthê đã trở lại Athêna. Trong 1 Cr 16,5-8 ngài viết: « Tôi sẽ đến thăm anh em, sau khi ghé Makêđônia, bởi vì tôi sẽ đi qua đó. Có lẽ tôi sẽ ở lại và qua mùa đông với anh em nữa, để anh em đưa tôi đến những nơi tôi sẽ đến. Thật thế, tôi không muốn chỉ ghé qua thăm anh em mà thôi, nhưng còn hy vọng ở lại với anh em ít lâu, nếu Chúa cho phép. Tôi sẽ ở lại Êphêxô cho đến lễ Ngũ Tuần. » Nếu chúng ta đọc các yếu tố chỉ dẫn này với các dữ kiện đến từ sách Công Vụ, chúng ta cũng có thể xác định một vài thời điểm của ngài. Trong lá thư thứ hai gởi tín hữu Côrinthô, Phaolô có nhắc đến một vài chi tiết liên quan đến các dự định hành trình của ngài tới cộng đoàn này: 2 Cr 2,12-13; 7,5-7; 9,4; 10,2; 12,14; 13,1-10. Đặc biệt là cuối thư gởi tín hữu La Mã, ngài ước muốn đến La Mã, và có thể qua Tây Ban Nha, nhưng còn phải đi Giêrusalem trước.
Trên nguyên tắc căn bản, các dữ kiện cuộc đời được kể bởi chính tác giả được xem như là chính xác hơn. Nhưng các dữ kiện cuộc đời được nói ra không nằm trong trường hợp tác giả muốn tường thuật chia sẻ cuộc đời mình trong tình thân ái, nhưng ngài đã nêu chúng ra trong bối cảnh tu từ của bản văn. Trong trường hợp thư gởi tín hữu Galát, thánh tông đồ dùng tất cả ý tưởng của ngài để thuyết phục đoàn chiên đừng đi sai lạc về lối củ, quay về với lề luật Do Thái, với nguy cơ quên đi công trình cứu chuộc và tình yêu của đức Kitô [9].
Về phần ba lá thư « mục vụ » gởi cho Timôthê và Titô, có thể là những tác phẩm của các tín hữu thuộc truyền thống Phaolô, đã viết sau khi ngài đã qua đời, ký tên dưới uy quyền của vị chủ chăn thiêng liêng. Hơn nữa, các thư này không xác định ngày tháng và cũng không nói cho chúng ta biết mối tương quan niên biểu giữa chúng.
3) Các nhà chú giải cũng dựa vào các nhân vật quan trọng và biến cố lịch sử thời đó, so sánh với các dữ kiện trong sách Công Vụ và trong các thư của thánh Phaolô, để có thể xác định một cách tương đối các quảng thời gian trong cuộc đời của ngài.
Chẳng hạn, đế quốc La Mã, thành lập bởi hoàng đế Aguste, có tên là Caius Octavius, sinh năm 63 trước kỷ nguyên Giêsu Kitô và chết năm 14 sau kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, đã trị vị đế quốc từ năm 27 trước công nguyên. Đế quốc La Mã (27 trước đức Giêsu Kitô-476 trong kỷ nguyên của chúng ta), trong vòng năm thế kỷ đã trải rộng và bành trướng bao gồm một lãnh thổ rộng lớn từ Maroc cho đến miền Mésopotamie, từ Anh quốc đến Ai Cập, và đã tạo ra một ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo trên miền Địa Trung Hải, tuy vẫn bảo tồn được nền văn minh Hy Lạp trước đó. Chúng ta có thể làm một danh sách các hoàng đế La Mã trong khoảng cuộc đời của thánh Phaolô với bảng tóm tắt sau đây [10]:
Chú thích:
[1] Xác định của Giáo phụ Origène, được trích dẫn lại bởi Eusèbe de Césarée, trong tác phẩm của ngài Histoire ecclésiastique, cuốn thứ V, chương 25: « Luca, chính là người đã soạn thảo Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ...»(dịch sang tiếng Việt bởi tác giả). Sách được viết tiếp theo Tin Mừng của ngài khoảng năm 80-90. Như thế, ngài biết thánh Maccô và sự thất thủ thành Giêrusalem năm 70. Hình ảnh con người của thánh Phaolô mô tả bởi Luca rất khác với vị tông đồ dân ngoại được biết qua các thư của ngài.
[2] Cahier Evangile, 114, tr. 24-25.
[3] Jean EMÉRIAU, Guide des voyages..., tr. 102-103.
[4] Jean EMÉRIAU, Guide des voyages..., tr. 102; 105-108.
[5] Jean EMÉRIAU, Guide de voyage... tr. 102, 111-114.
[6] Philippe ROLLAND, « Discussions sur la chronologie paulinienne », tr. 871.
[7] Simon LEGASSE, Paul apôtre, tr. 17-19.
[8] S. DOCKX, « Chronologie de la vie de saint Paul,... », tr. 275-276.
[9] Simon LEGASSE, Paul apôtre, tr. 14-16.
[10] Jean EMÉRIAU, Guide des voyages de Saint Paul, tr. 37-46, 174.
---Còn tiếp---