CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ - Phần 7/8
Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ
2. Các nguồn dữ liệu
Tên và năm sinh | thời gian trị vì | Quan toàn quyền ở Judée | Ở nơi khác |
Auguste (-63) | -27→ 14 |
|
|
Tibère (-42) | 14 →37 | Pontius Pilatus (26-36) Marcellus (36-37) |
|
Caligula (12) | 37→41 | Marullus (37-41) |
|
Claude (-10) | 41→54 | Hérode Agrippa 1 (41-44), vua Do Thái Cuspius Fadus (44-?) Tiberius Julius Alexander (?- 48) Ventidius Cumanus (48-52) Félix (52-60) |
Gallion (Akhaia) Cv 18,12-17 |
Néron (37) | 54→68 | Porcius Festus (60-62) Lucceius Albinus (62-64) Gessius Florus (64-66) |
|
Galba (03) | 68→69 |
|
|
Othon (32) | 3 tháng |
|
|
Vitellius (15) | 8 tháng |
|
|
Vespasien (9) | 69→79 |
|
|
Sau khi biết được các nguồn dữ liệu, chúng ta sẽ cố gắng phân tích lại các biến cố chuẩn định, từ đó có thể suy luận và ước lượng các thời điểm khác. Thư gởi tín hữu Galát, cũng như sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết nhiều điểm đáng chú ý trong quan hệ giữa ngài và Giêrusalem. Thánh Phaolô viết « Rồi sau ba năm, tôi mới lên Yêrusalem tham kiến Kêpha, và tôi đã lưu lại với ông mười lăm ngày » (Gl 1,18). Và tiếp theo sau đó ngài cho biết: « Rồi mười bốn năm sau, tôi lại lên Yêrusalem cùng với Barnaba, và đem theo cả Titô nữa. Tôi đã lên, nhân một mặc khải; và tôi đã trình bày cho họ về Tin Mừng hiện tôi rao giảng trong các dân ngoại, -- nhưng riêng về các vị có thế giá -- kẻo ra mình xưa nay đã từng bôn ba mà lại ra hư luống. Này, cứ như Titô, người cùng đi với tôi, một người Hi lạp, anh đã không bị câu thúc chịu cắt bì... Nhưng vì những quân lộn sòng, phường anh em giả... Những kẻ ấy đã len lỏi vào để dòm xét sự tự do chúng ta được trong Ðức Yêsu Kitô, để bắt ta làm nô lệ... ...... -- vậy một khi họ nhìn biết ơn ban xuống cho tôi, thì Yacôbê, Kêpha và Yoan, những vị có thế giá như cột trụ ấy, đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu thông hiệp: ngõ hầu chúng tôi lo cho dân ngoại, còn họ thì lo cho giới cắt bì; duy có điều này: là chúng hãy nhớ đến những (anh em ) nghèo khó, một điều quả tôi đã quan tâm thi hành » (Gl 2,1-10).
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corinthô (1 Cr 16,1-4) và thư gởi tín hữu La Mã (Rm 15, 25. 26. 31), thánh Phaolô có nhắc đến việc quay lại Giêrusalem để mang tiền quyên góp cứu trợ như đã hứa với các chủ chăn trong lần thứ hai đến thành phố đó (Gl 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, ngài đã đến Giêrusalem 3 lần [11].
Nhưng theo sách Công Vụ Tông Đồ, sau biến cố trên đường đi Đamát (9,1-2), ngài ở lại đó một thời gian đáng kể (9,19b-25) và trở lại Giêrusalem (9,26). Sau đó ngài đến Kaisaria và về quê củ Tácxô (9,30). Barnaba đi tìm Phaolô ở Tacxô, và cùng nhau đi về xứ Antiôkia, cùng hợp tác truyền giáo với nhau trong vòng một năm, và từ đó Phaolô được sai mang tiền cứu trợ đến Giêrusalem (11,27-30). Từ Giêrusalem ngài trở lại Antiôkia (12,25) và sau đó ngài lên đường đi truyền giáo lấn thứ nhất (13,1) và trở về Antiôkia, và ngài lại đi Giêrusalem (15,3), rồi ngài trở lại Antiôkia (15,30)... Từ nơi này đi lên miền Galát, vuợt biển qua Makêđônia và Akhaia và đến cư ngụ tại thành Côrinthô và trừ Côrinthô ngài lại đến Giêrusalem (18,22).
Từ Giêrusalem, Phaolô đi Antiôkia (18,22), qua Tiểu Á, và đến ở Thư Ê-phê-xôêxô gần hai năm. Ngài lên vùng Makêđônia, xuống thành Côrinthô trải qua mùa đông ở đó, và lại trở về Giêrusalem (20,3). Như thế theo thánh sử Luca, Phaolô đã đến Giêrusalem 5 lần [12].
Câu hỏi chúng ta đặt ra là khi Phaolô đến Giêrusalem sau 14 năm như đã việt trong thư của ngài (Gl 1,18) trùng hợp vào chuyến đi nào trong sách Công Vụ, chuyến thứ 2 (11,30) hay thứ 3 (15,3)? Theo S. DOCX, chúng ta không thể trùng hợp chuyến đi sau 14 năm trong thư Galát với chuyến đi thứ 2 trong sách Công Vụ, vào thời điểm vua Hérođê qua đời năm 44, vì nếu Phaolô gặp đức Kitô phục sinh năm 30 hoặc 31 (44-14 hoặc 13), thời gian không đủ để có được một cộng đoàn triển nở lớn mạnh ở Đamát [13]. Tác giả này đã giả sử minh chứng rằng, chương 13-14 và 15,1-3, đã được lồng vào sau trong sách Công Vụ [14]. Như vậy, chuyến đi lên thành Giêrusalem, nói đến trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát (Gl 2,1) trùng hợp với biến cố được sách Công Vụ tường thuật trong chương 15 (Cv 15).
Các nhà chú giải công giáo hiện nay đều đồng ý rằng việc lên thành Giêrusalem để bàn về vấn đề cắt bì cho những người không thuộc nguồn gốc Do Thái giáo khi gia nhập hội thánh của đức Kitô, chính là Công Đồng đầu tiên ở Giêrusalem, chuyến đi thứ 3 trong sách Công Vụ (15,3), nhưng mổi tác giả minh chứng một cách khác nhau về năm tháng xảy ra biến cố này [15].
Trong sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 15,2). Thời điểm này được xác định bởi Cv 11,27-30 kể lại chuyện một ngôn sứ tên Agabus đã tiên báo nạn đói dưới triều đại của hoàng đế Claude (46-48). Vị hoàng đế này đã ra một nghị định trục xuất tất cả người Do-thái sống tại Roma vào khoảng năm 49-50 [16]. Khi Phaolô rời kinh đô Athènes đến Corinthe, ngài gặp Aquilas và vợ của ông ta Priscille, vừa mới bị trục xuất từ Roma (Cv 18,1-2).
Phaolô và Barnabas vừa trở về sau chuyến đi truyền giáo lần thứ nhất được sai đi quyên góp để cứu trợ cho các anh em ở miền Giu-đê và đến dự công đồng Giêrusalem vào năm 49. 13 năm trước đó, vào năm 36-37, có thể là biến cố gặp gỡ giữa đức Kitô phục sinh và Paul người tín hữu cuồng nhiệt của Do-thái giáo, hoán cải thành người tông đồ đắc lực cho tin mừng. Hai năm sau, năm 38 ngài đến Giêrusalem để làm quen với Céphas, tức là Phêrô (Gl 1,18). Thời biểu này tương hợp với một biến cố nêu ra trong lá thư thứ hai gởi tín hữu thành Corinthe, lúc mà Paul thoát khỏi bàn tay quan toàn quyền của Atéras IV, vua xứ Nabatène, tìm vây bắt ngài ở Damas (2 Cr 11,32-33), thành phố dưới quyền của ông ta vào năm 38-39.
Suy luận theo các dữ kiện hiếm hoi này, các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng chuyến đi truyền giáo đầu tiên này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 45 đến năm 48.
Một dữ kiện khác cho chúng ta biết Phaolô bị triệu ra hầu tòa ở Corinthe trước Gallion quan toàn quyền xứ sở Achaïe (Cv 18,12-17). Theo một di tích lịch sữ tìm thấy ở Delphes, vị quan này, em của Sénèque, đã cai quản từ 1 tháng bảy 51 đến 30 tháng sáu 52. Nếu Phaolô ra hầu tòa khoảng mùa xuân 52, và ngay sau đó, ngài đi tới Giêrusalem vào mùa hạ cùng năm (Cv 18,22). Sách Công Vụ Tông Đồ củng cho biết rằng Paul đã ở Corinthe một năm rưởi; ngài có thể đã đến Corinthe cuối năm 50 hay đầu năm 51 đến giữa năm 52. Như thế, chuyến du hành truyền giáo thứ hai diển ra khoảng từ năm 49 đến 51.
Sau đó, các tác giả Kinh Thánh đã dựa trên sách Tông Đồ Công Vụ để định thời biểu của chuyến du hành truyền giáo lần thứ ba (53-58) và diển biến khác trong đời Phaolô (Cv 18,23-21,14).
Đến từ Galatie và Phrygie, Phaolô đã sống tại Thư Ê-phê-xôèse hai năm ba tháng (54-57) (Cv 19,10). Mùa đông 57-58, Phaolô đến xứ Hy Lạp (Cv 20, 3), và ở lại đó ba tháng, có lẻ tại thành phố biển Corintô (1 Cr 16,6). Phục sinh 58, ngài đến Philippes (Cv 20,6), sau đó lấy thuyền đến xứ Césarée. Mùa hạ năm 58, ngài tới Giêrusalem gặp Gia-cô-bê, giám mục cộng đoàn kitô giáo ở kinh thành này (Cv 21,8-18), và Phaolô bị bắt tại sân đền thờ Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần năm 58, được dẩn độ về giam giữ tại Césarée (Cv 23,23...).
Vào mùa thu năm 60, Phaolô được lưu chuyển về Roma bằng đường biển, gặp bảo tố (Cv 27,13), ngài trú ngụ mùa đông trên đảo Malte (Cv 28,1). Từ năm 61 đến 63, Phaolô cầm giử tại nhà riêng dưới sự quản chế của quân đội tại Roma (Cv 28,16…).
Sau đây là niên biểu từ năm -6 (trước Đức Kitô) đến 70 (sau Đức Kitô) tóm lược cuộc đời của Phaolô.
Cuộc đời, hành trình truyền giáo và các thư của Phaolô | Hoàng đế, Triều đại lịch sử, biến cố |
-6: Đức Kitô giáng sinh | Auguste (14) Tibère (14-37) Caligula (37-41) |
7-10: Phaolô chào đời ở Tarse | |
20-25: du học ở Giêrusalem, tại trường Gamaliel | |
7 tháng tư 30: Đức Kitô tử nạn | |
30-31: cộng đoàn ki-tô hữu tiên khởi (Cv 2,42) | |
36. 37: phó tế Étienne tử đạo | |
37: Trên đường đi Damas, thức tỉnh và ơn gọi | |
39: trốn thoát khỏi Damas, thăm Giêrusalem | |
43. 44: Phaolô tại Antioche | Claude (41-54) |
45-48: chuyến du hành truyền giáo thứ nhất | |
48: Agabus tiên báo nạn đói | |
49: công đồng Giêrusalem | |
50-52: Chuyến du hành truyền giáo thứ hai, | |
Đông 50-Hè 52: Corinthe, thư 1, 2 Th | |
Xuân 52: Gallion | |
Hạ 52: quay về Antioche | |
53-58: Chuyến du hành truyền giáo thứ ba | |
54-57: cư ngụ tại Éphèse, 2 năm 3 tháng | Néron (54-66) 64: Phêrô tử đạo |
56: thư Gl và 1, 2 Cr | |
56-57: thư Pl | |
Mùa đông 57-58: ở Corinthe, Thư Rm | |
Phục sinh 58: ở Philippes | |
Ngũ Tuần 58: bị bắt ở sân Đền Thờ Giêrusalem | |
58-60: giam cầm tại Césarée | |
Tháng mười 60- tháng tư 61: từ Césarée về Rôma | |
61-63: quản chế tại nhà ở Rôma, thư Cl, Ep, Plm | |
64 hoặc 67: tử đạo tại Rôma | |
66: 1, 2 Tm; Tt |
Chú thích
[11] S. DOCKX, « Chronologie de la vie de saint Paul,... », tr. 261.
[12] S. DOCX, « Chronologie de la vie de saint Paul,... », tr. 261-262.
[13] S. DOCX, « Chronologie de la vie de saint Paul,... », tr. 263.
[14] S. DOCX, « Chronologie de la vie de saint Paul,... », tr. 266-267.
[15] Cuối năm 48 hoặc đầu năm 49 theo P. DREYFUS (Saint Paul), năm 49 theo H. D. SAFFREY (Histoire de l’apôtre Paul), năm 51 theo M. A. HUBAUT (Paul de Tarse) và M. F. BASLEZ (Saint Paul), và năm 52 theo S. LEGASSE (Paul Apôtre).
[16] Sử gia Suétone có nói đến nghị quyết được này ban bố khoảng năm 49-50.
---Còn tiếp---