ĐẠO ĐỨC HỌC BỔN PHẬN
(DEONTOLOGY)
Joseph T. Nguyễn, OFM
Ngày 17 tháng Ba năm 1912, Lawrence Oates, một nhà thám hiểm ở Nam Cực đã chọn cái chết bằng cách đi vào cơn bão tuyết khi biết cơn bệnh của mình sẽ không qua khỏi. Lawrence muốn để các bạn đồng hành được tiếp tục cuộc hành trình tìm đến các trại tiếp tế kế tiếp tìm thức ăn.[1] Cái chết của Lawrence được xem như là hành vi hy sinh mạng sống, và để giải thoát các bạn đồng hành khỏi trách nhiệm ở lại chăm sóc mình vì không ai biết cơn bão lúc nào sẽ chấm dứt. Lawrence cảm thấy mình có bổn phận tôn trọng sự tự do của các bạn đồng hành đi tìm thức ăn để sống. Mặt khác, các bạn đồng hành cảm thấy có bổn phận ở lại với Lawrence cho đến giây phút cuối cùng vì ai cũng muốn mình được chăm sóc khi lâm bệnh nặng. Đạo đức học bổn phận sẽ nói gì về sự chọn lựa của Lawrence Oates?
CON NGƯỜI CÓ NHỮNG BỔN PHẬN GÌ ĐỐI VỚI THA NHÂN?
Trong cách đối xử với tha nhân, chúng ta có hai bổn phận căn bản, đó là (#1) đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử (luật vàng), và (#2) tôn trọng sự tự do của tha nhân như những chủ thể luân lý. Cả hai bổn phận này phải được tôn trọng cùng một lúc. Bổn phận #1 có nghĩa là những gì mình ước muốn cho mình thì cũng được ước muốn cho tha nhân (hạnh phúc, sức khỏe, an toàn cá nhân). Cũng thế, những gì mình không muốn cho mình thì không được làm cho kẻ khác (bất hạnh, bệnh tật, đau khổ). Bổn phận #1 dựa trên giá trị “công bằng” (justice). Mặc khác, bổn phận #2, đòi hỏi chúng ta phải xem tha nhân như những chủ thể tự do, là có quyền theo đuổi ý muốn riêng của họ. Bổn phận #2 dựa trên sự “tự do” của mọi người (freedom). Cả hai “công bằng” và “tự do” đều là những giá trị phổ quát và điều kiện thiết yếu cho hành trình trưởng thành luân lý, vì ai cũng muốn được đối xử cách công bằng và ai cũng muốn được tự do chọn lựa. Nếu không có những giá trị này trong cuộc sống, con người sẽ mãi bị lệ thuộc và không bao giờ trở thành tự chủ. Do đó, xã hội không thể phán đoán hành vi của nô lệ, tù binh, tâm thần hay trẻ em như những chủ thể luân lý hoàn toàn, vì một cách nào đó, sự tự do chọn lựa và quyền được đối xử công bằng của họ đã bị bào mòn rồi.
Đạo đức học “bổn phận” (deontology) cho rằng một hành vi là đúng, vì nó phù hợp với một chủ thể luân lý. Có những hành vi là đúng bất kể hiệu quả nó có thể mang lại cho chúng ta, như việc giúp người bị lâm nạn. Có những chọn lựa của những người trưởng thành mà chúng ta không có quyền ngăn cản như về tình yêu hay hôn nhân. Trách nhiệm “đối xử công bằng” và “tôn trọng tự do” của kẻ khác bất kể hậu quả của chúng ảnh là hưởng đến nền tảng của đạo đức học bổn phận. Đây là lối lý luận “bổn phận vì bổn phận.” Đối với các loại đạo đức học duy hệ quả (vị kỷ, vị lợi), sự thiện hảo tối đa nơi hệ quả là động lực của một hành vi; nhưng đối với đạo đức học bổn phận, một hành vi được đánh giá qua cách nó thể hiện sự tôn trọng cho đối tác như là một chủ thể luân lý. Sự tôn trọng này không thể được định phẩm bởi bất cứ cứu cánh gì khác chỉ trừ ý muốn theo đuổi sự thiện hảo cho đối tác. Ở điểm này, đạo đức học bổn phận có sự tương đồng với đạo đức học Luật tự nhiên. Các nguyên tắc luân lý của đạo đức học luật tự nhiên được đặt trên giá trị bất khả xâm phạm của sự sống, thì các nguyên tắc luân lý của đạo đức học bổn phận được đặt trên yêu sách vô điều kiện của nhân vị. Nội dung của cả hai loại nguyên tắc này được thiếp lập chỉ dựa trên lý trí mà thôi. Đây là hai loại đạo đức học căn cứ trên nền tảng “đúng/sai” (chứ không phải “tốt/xấu”).[2]
KANT GIẢI THÍCH NỀN TẢNG CỦA BỔN PHẬN
Kant giải thích rằng sự thiện hảo tuyệt đối là sự thiện “tốt lành tự chính nó” hay tự bản chất của nó là tốt. Có những sự mà thường được cho là tốt lành như: thông minh, kiên trì, thỏa mãn, nhưng chúng sẽ không vượt qua điều kiện của sự thiện tự tại hay sự thiện “không cần định phẩm”. Ví dụ, sự thỏa mãn sẽ không vượt qua điều kiện này vì nếu bạn cảm thấy thỏa mãn mỗi khi nhìn một người khác chịu đau khổ, thì hành vi đó càng trở nên tồi tệ hoặc ác độc hơn nữa. Do đó, Kant kết luận rằng chỉ có “ý muốn thiện hảo” là điều thật sự là thiện hảo: “Ngoại trừ ý muốn thiện hảo thì không gì trong thế giới, kể cả ngoài thế giới, có thể được xem là sự thiện không cần định phẩm.”
Hình thức đạo đức học của Kant cho rằng, một hành vi thiện hảo là vì nó đúng, chứ không phải vì nó mang lại lợi ích gì cả. Một hành vi là đúng, khi nó xuất phát từ động lực “theo đuổi sự thiện vì chính nó”. Nguyên tắc này phải được áp dụng cho mọi chủ thể, bất cứ trong hoàn cảnh nào và cho bất cứ mọi hành vi (tính phổ quát). Khi phán đoán một hành vi, chúng ta buộc phải tự hỏi mình rằng liệu chính mình có đang tìm kiếm sự thiện vì chính nó trong cách chúng ta phán đoán không? Liệu chúng ta có muốn quy tắc luân lý giả định bởi hành vi của mình trở thành quy luật phổ quát, để áp dụng cách bình đẳng trong sự tôn trọng tự do của tất cả mọi người không? Hai điều kiện “bình đẳng” và “tự do” sẽ có những cách trắc nghiệm riêng cho việc phán đoán một hành vi. Nếu một hành vi vượt qua các trắc nghiệm này thì nó là đúng, còn nếu không thì hành vi đó là sai.
Kant dùng nhiều ví dụ để minh họa điểm này. Tôi có được phép hứa một điều gì mà không có ý định giữ lời hứa đó không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là “không”. Tại sao? Bởi vì nếu tôi muốn phổ quát hóa hành vi đó, tôi sẽ phải nói rằng mọi lời hứa mà không có ý định giữ lời hứa, như thế tình huống “hứa điều gì đó” sẽ trở thành vô nghĩa - và không ai tin được ai nữa. Tình huống “hứa mà không có ý định giữ lời hứa” không thể phổ quát hóa được, vì nó sẽ rơi vào tình trạng tự mâu thuẫn, và vì không ai muốn người khác thất hứa với mình. Ví dụ thứ hai: hành vi gian lận là “sai”, bởi vì tôi không thể phổ quát hóa các hành vi này thành những quy tắc luân lý phổ quát mà tất cả mọi người sẽ phải tuân theo được. Vì nếu tôi được phép gian lận, thì tất cả mọi người trên thế giới cũng được phép gian lận cùng lúc với tôi. Điều này sẽ bào mòn mục tiêu (đi đường tắc) đứng sau việc gian lận của tôi. Còn nếu tôi cho phép mình gian lận, mà không đồng ý để cho tất cả mọi người gian lận, thì tôi mâu thuẫn với tính bình đẳng đúng ý định gian lận của tôi.
Như thế, đạo đức học bổn phận giúp con người nhận ra các bổn phận phổ quát như: không được nói dối, không được ăn trộm, hay không được gian lận. Lối tiếp cận này phù hợp với trực giác tự nhiên của con người về những gì là luân lý hay phản luân lý. Trong khi thuyết vị lợi hay đạo đức duy hệ quả nhắm vào hiệu quả và có thể trở nên mơ hồ trong vấn đề công bằng đối với nhóm thiểu số, thì đạo đức học bổn phận không tìm lợi ích sẽ mang lại cho nhóm nào cả. Đạo đức học bổn phận thì khách quan và hợp lý vì bạn chỉ cần làm theo quy luật có sẵn. Kant muốn tạo nên một nền tảng mới cho đạo đức học, hoàn toàn dựa trên ý chí và theo đuổi sự thiện vì chính nó. Theo đuổi sự thiện vì chính nó xuất phát từ “mệnh lệnh tuyệt đối” vốn đẩy lui sự tự ái của tôi. Hãy xét lại ba công thức cho mệnh lệnh tuyệt đối mà Kant đã thiết lập:
(1) Hãy hành động theo nguyên tắc mà cùng lúc bạn cũng muốn nó trở thành quy luật phổ quát.
(2) Hãy hành động như thể bạn đối xử với nhân loại, chính bạn hay tha nhân, là cứu cánh và không bao giờ là phương tiện.
(3) Mỗi hữu thể có lý trí phải hành động như thể qua nguyên tắc luân lý của mình, họ luôn là thành phần của một vương triều phổ quát của cứu cánh.
Kant dùng công thức số 2 để giải thích cho công thức số 1. Sự kết nối giữa các công thức này không hoàn toàn rõ ràng, nhưng Kant đã dùng các công thức này để trắc nghiệm sự kiện liệu một hành vi có thật sự đang theo đuổi ý chí thiện hảo hay không. Kant lý luận rằng, hệ quả của một hành vi không thể được xem là yếu tố quyết định cho ý chí thiện hảo của một người. Các hệ quả tốt có thể xuất phát một cách ngẫu nhiên từ một hành vi, vốn được thúc đẩy bởi ý muốn gây tai hại cho người vô tội. Cũng thế, các hệ quả xấu có thể đến từ một hành vi với động lực tốt lành. Thay vào đó, Kant cho rằng một cá nhân có ý chí thiện hảo chỉ khi người đó “hành động vì sự tôn trọng cho quy luật luân lý”, tức là họ hành xử do bởi họ có bổn phận phải làm như thế.
Nhưng không phải nguyên tắc luân lý nào cũng có thể trở thành mệnh lệnh tuyệt đối. Có những động lực xấu không bao giờ trở thành nguyên tắc luân lý được. Chỉ có ý chí thiện hảo của người thực thi hành vi đó mới là yếu tố xác định. Ví dụ, nguyên tắc “tôi sẽ nói dối” thì không thể phổ quát hóa được, vì khi làm thế, tôi đang dùng kẻ khác như là phương tiện để thỏa mãn cứu cánh (muốn đánh lừa tha nhân) của mình. Người dùng nguyên tắc “muốn đánh lừa tha nhân” đang phá hủy công thức số 3, tức là tính phổ quát của vương triều của cứu cánh. Đến cuối thế kỷ XX, nguyên tắc luân lý của Kant - đặc biệt về việc cấm dùng con người như là một phương tiện cho một cứu cánh khác - đã cung cấp nền tảng đạo đức học vốn được các triết gia bàn luận nhiều nhất.[3] Ở mức độ đại chúng, quốc tế đã nhấn mạnh vào việc bảo vệ nhân quyền, tức là bổn phận không được xúc phạm đến chúng; đây cũng được xem như là một thành tựu của ngành đạo đức học bổn phận.
ĐÁNH GIÁ ĐẠO ĐỨC HỌC BỔN PHẬN
Cho dù lối tiếp cận triết học đạo đức của Kant mang tính cách mạng, nhưng “mệnh lệnh tuyệt đối” vẫn còn nhiều mơ hồ khi áp dụng vào thực tế và đưa đến những kết quả mà nhiều người không thể chấp nhận được. Ví dụ, nếu bạn là một kỷ sư IT phần mềm và biết rằng một tên lửa đầu đạn nguyên tử sẽ khai mào cho một chiến tranh hạt nhân, thì bạn có thể lén ngăn chặn cuộc phóng đó, nhưng điều đó lại vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp về truy cập hệ thống phần mềm mà không có phép chính thức từ cấp trên. Đây là một hình thức gian lận; và thuyết bổn phận không cho phép bạn vi phạm quy tắc này. Tuy nhiên, nếu để tên lửa phóng ra thì hàng ngàn người sẽ bị thương vong. Vì thế, dùng thuyết bổn phận cũng có nghĩa là xem thường các hệ quả xấu mà hành vi của chúng ta có thể mang lại. Đây là giới hạn chính yếu của loại đạo đức học chỉ nhắm vào tính đúng hay sai của một hành vi.
Ngoài các khó khăn về việc áp dụng, đạo đức học bổn phận còn gặp vấn đề trong cách mô tả động lực đứng sau một hành vi. Ví dụ, hành vi con cái quyết định ngừng hệ thống hỗ trợ sự sống nhân tạo cho cha mẹ, vốn đã bị hôn mê (coma) lâu dài thì có thể được mô tả qua hai cách rất khác biệt. Một mặt, hành vi này có thể được hiểu như là việc cho phép cha mẹ ra đi với phẩm giá xứng đáng của một con người khi không còn hy vọng hồi tỉnh. Nhưng mặt khác, quyết định này cũng ngầm chứa một ý nghĩa là: con cái sẽ sớm được thừa hưởng một gia tài kếch xù. Qua cách mô tả thứ nhất, hành vi này có thể vượt qua các trắc nghiệm của đạo đức học bổn phận, nhưng dưới cách mô tả thứ hai thì không.
Cuối cùng, “mệnh lệnh tuyệt đối” thì quá nặng về hình thức nhưng lại yếu về những bổn phận xã hội. Ví dụ, liệu chúng ta có bổn phận xô một người đàn ông to lớn đang đứng trên cầu vượt xuống đường ray với hy vọng cản một toa xe điện đang tháo chạy sắp cán các trẻ đang chơi trên đường ray không? Bạn có sẵn sàng làm thế nếu người đàn ông đó là cảnh sát đã ghi phạt bạn vì tội lái xe vượt tốc độ? Nhưng nếu những người đang chơi trên đường ray không phải là trẻ em mà là các tử tù vì tội giết người, thì bạn nghĩ sao? Các tình huống này cho thấy đạo đức học bổn phận không cho chúng ta một nguyên tắc cụ thể nào để chọn một hành vi. Yêu sách “phổ quát hóa” của Kant rất dễ rơi vào mâu thuẫn, vì nó xem thường tầm quan trọng của hệ quả.
Để bổ túc các điểm yếu của đạo đức học bổn phận, Sir David Ross, một triết gia người Anh, đã giới thiệu khái niệm các trách nhiệm “prima facie”. Ông cho rằng có rất nhiều trách nhiệm “prima facie” (cái nhìn đầu tiên) mang tính hiển nhiên chứ không chỉ từ một nguyên tắc hay mệnh lệnh tuyệt đối như Kant khẳng định phải dùng. Ross phân biệt giữa các bổn phận hiển nhiên (giữ lời hứa, bồi thường tổn hại, lòng biết ơn, và sự công bằng) với bổn phận tuân theo “mệnh lệnh tuyệt đối”. Bất cứ hành vi nào cũng có nhiều khía cạnh có liên quan đến sự ràng buộc trong mỗi hoàn cảnh với tính vốn cần phải được cân nhắc trước khi hình thành một phán đoán tổng thể.
Đạo đức học bổn phận được khai triển rộng rãi hơn về các lĩnh vực cá nhân cũng như xã hội. Đối với cá nhân, chúng ta có bổn phận không được hủy bỏ chính mình, nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe thể lý và tinh thần. Đôi khi tự vẫn được chấp nhận, nếu nhân phẩm được xem có giá trị cao hơn sự khổ nhục mà tha nhân đang phải gánh chịu (kamikaze). Chấp nhận chết thay cho người khác, vì muốn thể hiện lòng bác ái hay giúp tha nhân đạt đến cứu cánh của họ (Lê Lai cứu Lê Lợi), cũng được cho là cao thượng. Đối với tha nhân, chúng ta có bổn phận luôn tôn trọng cứu cánh của họ, và không được dùng người khác như là một phương tiện cho mục đích của mình. Xã hội có bổn phận bảo vệ các quyền lợi của người dân như: quyền được sống, quyền được mưu sinh, quyền được tự do tôn giáo, quyền được bày tỏ quan điểm chính trị, quyền được đối xử công bằng, và quyền căn bản của một tội phạm nữa. Một cách tích cực, xã hội có bổn phận thăng tiến tự do và hạnh phúc của người dân qua các chương trình giáo dục, y tế, phúc lợi cộng đồng và bảo vệ những người thấp cổ bé họng. Việc đánh thuế người giàu để giúp người nghèo được biện minh bởi nguyên tắc phương tiện/cứu cánh.
HAI NGUYÊN TẮC CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC BỔN PHẬN
Đạo đức học bổn phận giả định hai giá trị luân lý nền tảng: công bằng và tự do. Giá trị “công bằng” đòi hỏi chúng ta phải luôn đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử (Luật Vàng), tức là nguyên tắc “phổ quát hóa”. Giá trị “tự do” buộc mọi hành vi của chúng ta phải cho phép tha nhân theo đuổi cứu cánh của họ, thay vì dùng họ như phương tiện để phục vụ cho mục đích của mình. Đây là nguyên tắc “phương tiện/cứu cánh”.
Cả hai giá trị “công bằng” và “tự do” phải được tôn trọng cùng một lúc. Nếu chỉ cư xử với tha nhân như bạn muốn được đối xử (công bằng), thì cách bạn nhận thức về khoái cảm, ưa thích và ước muốn có thể bị méo mó và thiếu lành mạnh đối với người khác. Mặt khác, nếu chỉ tôn trọng tự do của tha nhân, để tha nhân làm bất cứ gì họ muốn (gây tổn hại đến bản thân hay người khác) thì bạn có thể biện hộ cho sự lãnh đạm và vô cảm của mình trước những đau khổ hoặc tà tâm của người khác, vì cho rằng họ đang theo đuổi mục đích của chính họ. Đạo đức học bổn phận tôn trọng tự do của người khác, nhưng trong phạm vi của sự công bằng phổ quát của một tác nhân luân lý. Chỉ khi ta giả định sự tự trị luân lý của mọi người, thì ta mới có thể tôn vinh hành vi này là anh hùng hoặc kết án một hành vi khác là xấu xa.
Nguyên tắc Phổ quát: Muốn biết hành vi của bạn có đối xử công bằng với tha nhân thì hãy xem hành vi của bạn có vượt qua “trắc nghiệm phổ quát” (#1), tức là xem nguyên tắc luân lý giả định bởi hành vi đó có áp dụng được cho tất cả mọi người cùng một lúc không. Nếu mọi người trên thế giới hành động theo quy tắc này, thì nó có bào mòn điều kiện hay khả năng hành động của bạn không? Ví dụ, về hành vi “gian lận trong cuộc thi”, bạn có thể lý luận rằng không ai biết khi tôi gian lận thì sẽ không xúc phạm gì đến ai cả! Nhưng hành vi này sẽ không vượt qua được trắc nghiệm phổ quát, vì lẽ, khi tôi được phép gian lận, thì mọi người cũng được phép gian lận, Nhưng nếu điều này xảy ra, thì mục tiêu đạt điểm cao của tôi sẽ bị đánh bại, vì nhiều người sẽ có nhiều cách gian lận tinh vi hơn tôi rất nhiều. Như thế, sự kiện tôi muốn âm thầm gian lận thì không phổ quát hóa được. Trong thực tế, quy tắc “đừng bao giờ nói dối” thì quá rộng, khó mà phổ quát hóa được, vì đôi khi người ta cần nói dối để cứu một sự sống vô tội. Quy tắc này có thể được thu hẹp thành: “cần nói thật với những người có trách nhiệm biết sự thật.”
Nguyên tắc Phương tiện/Cứu cánh: Trắc nghiệm “phổ quát” chỉ là điều kiện tối thiểu, chứ chưa phải là đủ cho lý tưởng theo đuổi sự thiện vì chính nó. Mục tiêu của việc sống đạo đức không chỉ là tránh điều xấu và có hại, mà con phải đóng góp tích cực vào sự thiện hảo của tha nhân qua bổn phận tôn trọng sự tự do của họ. Từ nguyên tắc gọi là “phương tiện/cứu cánh”, đạo đức học bổn phận đã phác họa ra cách để trắc nghiệm xem hành vi của bạn có thật sự tôn trọng tha nhân như là những chủ thể luân lý, có “cứu cánh” (mục đích) riêng của họ, chứ không phải chỉ là “phương tiện” cho chúng ta. Có hai cách trắc nghiệm sau đây:
(a) Trắc nghiệm tiêu cực (#2): Cần xem hành động của bạn có cản trở tự do và hạnh phúc của người khác hay không? Hành vi “bắt giữ tên trộm” để giao cho công an cho dù gây tiêu cực cho tên trộm (mất tự do) nhưng vẫn là một sự công bằng. Mặt khác, quan hệ tình dục để giúp cặp tình nhân “hiểu biết nhau hơn trước khi quyết định tiến tới hôn nhân” là dùng con người như là “phương tiện” cho một “cứu cánh” khác với nhân vị của họ.
(b) Trắc nghiệm tích cực (#3): Cần xem hành vi của bạn có góp phần vào “cứu cánh” hoặc hạnh phúc của người khác hay không? Trong thực tế, khó mà biết hành vi nào của bạn có thể góp phần vào cứu cánh của người khác. Ví dụ, hành vi cho tiền kẻ vô gia cư nghiện rượu thì chưa chắc sẽ mang lại phúc lợi cho họ, hay việc bố thí cho các sư giả hành khất có thể gia tăng một tệ nạn xã hội. Trong lúc đó, hành vi “bác sĩ giới hạn cách ăn uống của bệnh nhân” là một sự xúc phạm, nhưng nó đóng góp vào cứu cánh của bệnh nhân.
PHÁN ĐOÁN HÀNH VI CỦA LAWRENCE OATES.
1) Thẩm định “quy tắc luân lý” được giả định bởi hành vi. Hành vi “đi vào bão tuyết” của ông Oates giả định quy tắc luân lý: “chúng ta có bổn phận đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử”. (công bằng). Ông nghĩ rằng, các bạn đồng hành muốn tiếp tục đi đến trạm cấp cứu kế tiếp để tìm thức ăn mà sống, vì nếu trì hoãn mãi thì cả đội sẽ chết đói dưới cơn bão tuyết.
2) Áp dụng trắc nghiệm phổ quát (#1) Liệu quy tắc luân lý “đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử” có thể áp dụng cho tất cả mọi người cùng một lúc không? Quy tắc này không chỉ đối xử công bằng mà còn tôn trọng sự tự do của các bạn đồng hành. Tuy riêng đối với ông Oates thì không áp dụng được vì điều kiện nguy cập về sức khỏe. Trắc nghiệm phổ quát vượt qua!
3) Áp dụng trắc nghiệm tiêu cực (#2) Liệu hành vi này có dùng tha nhân như “phương tiện” cho cứu cánh của mình không? Câu trả lời là “không”, vì ý định của ông là muốn các bạn đồng hành có cơ hội sống sót, chứ không dùng họ cho mục đích gì của mình. Trắc nghiệm tiêu cực vượt qua!
4) Áp dụng trắc nghiệm tích cực (#3). Liệu hành vi của ông Oates có đóng góp tích cực vào cứu cánh của các bạn không? Cho dù hành vi của ông Oates là tốt lành, nhưng không có gì bảo đảm là các bạn sẽ đến tận trạm cấp cứi, đi trong cơn đói và giữa cơn bão tuyết ở Nam Cực vốn kéo dài cả tháng. Do đó, không thể kết luận là trắc nghiệm tích cực đã vượt qua.
5) Phán đoán: Dựa trên những thông tin và giả định về trong trường hợp này, hành vi “đi vào cơn bão tuyết” đã vượt qua cả trắc nghiệm “phổ quát” và “tiêu cực”, cho nên theo đạo đức học bổn phận thì hành vi này là “được phép”. Chỉ khi nào hành vi này vượt qua cả ba trắc nghiệm #1, #2 và #3 thì mới được cho là “bắt buộc”. Nếu hành vi này không vượt qua được trắc nghiệm #1 hay trắc nghiệm #2, nó sẽ được xem là “bị cấm”.
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/LawrenceOates, truy cập ngày 16/5/2023.
[2] Joseph Tân Nguyễn, Đạo Đức Học Tổng Quát (NXB Đồng Nai, 2021).
[3] I. Kant, Foundations of the Metaphysics of Morals [1785], 2nd edition, trans. L.W. Beck (New York: Pearson, 1989).