Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 58

Đạo "Đức Chúa Trời" - Vai Trò Của Ngôn Ngữ Trong Tiến Trình Hội Nhập Văn Hóa - Phần 2/3

Đạo "Đức Chúa Trời" - Vai Trò Của Ngôn Ngữ Trong Tiến Trình Hội Nhập Văn Hóa - Phần 2/3

 

 

Lm. Nguyễn Ðoàn Tân, OFM.
 

 

 

     I. Chữ “Trời” Trong Tiếng Việt

     3. “Trời” trong thư mục lưu ký

     Trong những thư mục lưu ký, các vua chúa và quan quyền Việt Nam bất kể tôn giáo nào cũng thường hay dùng “Trời” để gây thêm hiệu lực cho lời nói và tư tưởng của mình. Khái niệm “Trời” ở đây thường được hiểu như “thiên mệnh,” “Thiên Cơ” hay “Ðạo Trời” của Nho Giáo. [14]

- Bình Ngô Ðại Cáo (Nguyễn Trải) kêu gọi nhân tài ra giúp nước, “Bởi Trời muốn thủ lòng, để trao mệnh lớn, nên ta càng gắng chí, quyết vượt gian nguy.” Khi ca mừng chiến thắng, “Càn khôn bỉ rồi lại thái, nhật nguyệt rồi lại minh… âu cũng nhờ Trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy.” [15]

- Sư Viên Thông giãi bày vua Lý Thần Tông về lẽ trị dân: “Trời đất không thể thay nóng đổi rét liền mà dần dần ở mùa xuân, mùa thu. Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sư thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết thế cho nên mới bắt chước đức Trời để sửa mình.” [16]

- Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long có ra chiếu: “Xưa có phải là các vua theo ý riêng của mình, tự tiện dời đổi đâu, chỉ tại là tính việc muôn đời cho con cháu, trên nghĩ mệnh trời, dưới theo lòng dân. Thế mà đời Ðinh, Lê, theo ý riêng, quên mệnh trời… cứ cẩu an ở đây, đến nổi ngôi truyền không bền, ta rất lấy làm buồn, không dời đi chổ khác được thì không yên.” [17]

- Vua Lý Nhân Tông truớc khi chết không muốn thiên hạ để tang khóc thương mình lâu dài nên viết một di chiếu để lại: “Trẫm ít đức không an được trăm họ, kịp đến lúc chết lại bắt muôn dân phải để tang trên mình… Trẩm không muốn như vậy. Trẫm từ nhỏ được nối ngôi rồng… đã 5,6 năm nhờ có được Hoàng Thiên tin giúp, bốn biển không lo, biên thùy ít loạn, chết được liệt sau hàng Tiên quân là may lắm rồi, còn khóc thương mà làm gì.” [18]

- Vua Lý Thái Tông sau khi đánh thắng quân Nùng (1039), ra bố cáo: “Ta từ khi làm chúa giang sơn lại nay các bề tôi văn vũ chửa từng sơ suất điều đại tiết. Nay có Tồn Phúc càn rỡ tự làm lớn, phá hại dân cư ven cõi. Trẫm mới vâng lịnh Trời cất quân đi đánh bắt được bọn Tồn-Phúc 5 người chém bêu đầu ngoài chợ.” [19]

- Vua Lý Chiêu Hoàng khi nhường ngôi cho chồng (năm Ất Dậu, 1225) ra chiếu: “Nhà Lý ta vâng lấy mệnh Trời, trùm ra bốn biển… không may Thượng hoàng mang bệnh, không kẻ nối ngôi… Nay Trẩm tính đi toán lại, chỉ có Trần Cảnh, văn chất đầy đủ rõ ràng ra dáng bậc hiền nhân quân tử, uy nghi lẫm liệt có đủ vẻ thánh thần văn võ… bấy lâu thử cũng đã kỷ rồi, nên chỉ nhường ngôi lớn để yên ủi lòng Trời, để xứng đáng lòng Trẩm.” [20]

- Nhà Trần sau hai lần đại phá quân Nguyên nhưng vẫn nhún nhường sai sứ đi cầu hòa: “Thế tử nước An-Nam, thần mọn là Trần Nhật Huyến trăm lạy sợ sệt liều chết chịu tội dâng thư lên đức Hoàng Ðế bệ hạ mệnh Trời dành ngôi…” [21]

- Sách Ðại Việt Sử Ký (đời nhà Trần, Lê Văn Hưu, 1272) phê bình về vua họ Lý như sau: “Trời sinh ra dân mà đặt cho họ một ông vua để chăn dắt, chẳng phải tự cung sung sướng một mình… Vua Thần Tông xuống chiếu bắt con gái các quan để chọn xong rồi mới gã đó là chẳng phải bụng làm cha mẹ dân nữa.” [22]

- Nguyễn Phi Khanh tả chỗ ở hưu trí của ông nhạc mình (Trần Nguyên Ðán) như sau: “Kẻ hiền đạt, khi xuất khi xử, động cũng theo lẽ trời vui cũng theo lẽ trời. Trời là thế nào? Là một bậc lớn trong rất trổng mà thôi. Bốn mùa lên năm mà không kể công, muôn vật đội ơn mà không lộ dấu. Không phải bật rất trong rất trổng thì ai làm được như thế?” [23]

     Ngoài ra, trong các tác phẫm Hán ngữ như Việt Ðiện U Linh Tập (Lý Tế Xuyên, 1329), Truyền Kỳ Mạn Lục (Nguyễn Dữ, đời Lê), Công Du Tiệp Ký (Vũ Phượng Ðế, 1755), Hoàng Việt Thần Kỳ Tục Tổng Sách (cuối thế kỷ 18), Tục Truyền Kỳ (Ðoàn Thị Ðiểm), khái niệm Thượng Ðế được xem như là một vị Thần uy quyền trên các Thần, trên cả vua (Thiên Tử).  Chữ “Trời” thường dùng trong bối cảnh của thuyết Thiên Mệnh, Thiên Ðạo hay Thiên Cơ của Nho giáo [24]. Một trong những bài thơ nổi danh về thuyết Thiên Mệnh là bài thơ của Lý Thường Kiệt. Năm 1076 hơn tám vạn quân Tống tấn công rất hăng ở sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Lý Thường Kiệt sợ quân thối chí, làm một bài thơ nói là của Thần cho, ba quân chuyền nhau đọc, ai ai cũng nức lòng đánh giặc:

     Nam quốc sơn hà nam đế cư

     Tiệt nhiên định mệnh tại thiên thư

     Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

     Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nguyễn Ðổng Chi dịch như sau:

     Nước Nam Việt có vua Nam Việt

     Trên sách Trời chia biệt rành rành

     Cớ sao giặc dám dòm hành

     Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi!

     Ba quân tướng sĩ lên tinh thần vì họ tin có Ông Trời và ý Trời, tư tưởng ấy khi gặp thuyết Thiên Ðịnh của Nho giáo, bùng lên như một sức mạnh bất khuất, không khác gì khái niệm “Trời” đã có sẳn trong ca dao truyền khẩu bình dân từ thời Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Lê Hoàn:

     Nước non là nước non Trời,

     Ai cắt được nước, ai dời được non!

     4. “Trời” trong văn học chữ Nôm

     Trong các bản văn nôm nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là Chinh Phụ Ngâm, chữ “trời” được dùng rất là súc tích, theo cả ba ý nghĩa thiên nhiên, nhân cách hóa, và luân lý đại đồng:

     Thủa trời đất nổi cơn gió bụi

     Khách má hồng lắm nổi truân chuyên.

     Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ

     Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.

     Mũi đồng bác đôi lần hăm ở

     Ðã lòng trời gìn giữ người trung.

     ơn trên ấm tử thê phong

     Phân vinh thiếp cũng được chung hương trời.

     Nhưng khi “Trời” dùng để nói đến một đấng công bằng và thưởng phạt phân minh, thì người Việt không ngần ngại tỏ lời oán trách hoặc đổ thừa cho Trời là vô tình và thiếu cảm thông cho nổi khổ của kiếp người. Trong cả ba tác phẩm chữ Nôm của Việt Nam, Cung Oán Ngâm Khúc, Thiên Nam Ngữ Lục và Chinh Phụ Ngâm, đều thấy rõ điều này:

     Quyền họa phúc Trời tranh mất cả

     Món tiện nghi chẳng giả phần ai. (Cung Oán)

     Ai công cho bằng đạo trời

     Phụ người chưng bấy thấy tươi nhãn tiền. (Thiên Nam Ngữ Lục)

     Trách trời sao để nhỡ nhàng,

     Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên. (Chinh Phụ)

     Cuối cùng, Truyện Kiều, một di sản quí báu mà Nguyễn Du đã để lại cho tiếng Việt, mang nhiều ý niệm phong phú nhất về “Trời.” Trước hết bầu trời là một hậu cảnh hữu tình, hiểu theo ý nghĩa thiên nhiên:

-Cỏ xanh chạy cuối chân trời

-Long lay đáy nước in trời

-Trong vời trời bể mênh mông

     Tác giả Truyện Kiều tin có ý Trời và mệnh Trời. Trời quyết định tất cả mọi sự trên đời. Trời điều khiển số phận con người và không ai thoát khỏi mệnh trời.

     Ngẫm hay muôn sự tại trời

     Trời kia đã bắt làm người có thân

     Bắt phong trần phải phong trần

     Cho thanh cao mới dự phần thanh cao.

     Cũng liều nhắm mắt đưa chân

     Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

     Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

     Khuông xanh có biết vuông tròn hay không

     Rủi may âu cũng sự trời

     Ðoạn trường ai chọn mặt người vô duyên

     Các nhân vật trong Truyện Kiều khi gặp gian nan đều kêu Trời để chứng giám và minh oan, vì họ tin rằng Trời phân xử rất công minh và đoái hoài đến kẻ gặp gian nan:

     Vưong bà nghe bấy nhiêu lời

     Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên

     Một lời đã trót thâm giao

     Dưới dày có đất, trên cao có trời

           

     Qua nhiều đoạn trường đau khổ con người sẽ từ từ thấu hiểu “mệnh trời” và chấp nhận thân phận của mình. Tuy nhiên, Nguyễn Du cũng tin là trong thế cuộc, có phần của Trời và cũng có phần của người. Mỗi người có số phận, nhưng công đức trên đời cũng do bàn tay con người mà ra.  Ðây là ảnh hưởng từ Phật giáo:

     Có trời mà cũng có ta

     Tu là cõi phúc tình là giây oan

     Nàng rằng lồng lộng trời cao

     Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta.

     Ðã mang lấy nghiệp vào thân

     Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

     Thiện căn ở tại lòng ta

     Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

     II. Ngôn Ngữ Về “Deus” Trong Thần Học Tây Phương

     Trong tinh thần tham thông của người Việt, từ cõi thượng thiên cho đến cõi phàm chưa bị phân cách, hai thế giới vô hình và hữu hình đều có thể hiện diện đan quyện với nhau trong cùng thời gian và không gian. Tuy nhiên, triết thần Tây Phương không chấp nhận điều đó; vì thế giới mà chúng ta đang sống là một thực tại hữu hình, mọi biến cố hay hiện tượng xảy ra trong thế giới này đều có thể cảm nhận hoặc minh chứng bằng các nguyên lý thực nghiệm, những gì xảy ra “bên ngoài” thời gian và không gian thì không có sự bảo đảm tri thức. Ðây là một thử thách cho triết thần Tây Phương khi phải dùng ngôn ngữ của thế giới hữu hình để nói về “Deus” là Ðấng Vô Hình, hay phải diễn đạt bản chất “tuyệt đối” của Thiên Chúa qua ngôn ngữ tương đối và tránh những hố sâu của chủ quan hay chủ nghĩa duy thực nghiệm.

     Mặt khác, những từ ngữ quen thuộc như “Deus,” “Dieu,” “Dios,” “God,” và “Chúa” thật ra cũng chỉ là những ngôn từ mà tiếng Latin, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Việt dùng để diễn tả một mầu nhiệm “Tuyệt đối” mà con người cảm nghiệm, chứ không phải là “tên xưng” của Thiên Chúa. Khi Môisen đến hỏi Chúa tên gì thì Ngài chỉ trả lời, “Ta là Ðấng Hiện Hữu” tức là đối với muôn thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai, Ngài luôn luôn sẽ là Thiên Chúa của họ [25].  Do đó, khi biết dùng chữ “Chúa” hay “God” không có nghĩa là chúng ta có một bảo đảm tri thức về Thiên Chúa. Ðây là những trở ngại phải vượt qua nếu thần học không muốn thinh lặng hay giữ thái độ tiêu cực về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới con người. Thần học không thể thinh lặng về Thiên Chúa khi đứng trước một thế giới với đầy kỷ thuật tân tiến và phát minh khoa học, nhưng vẫn còn đầy dẫy bất công, đói rách, bệnh tật, kỳ thị chủng tộc, và nhất là chiến tranh và khủng bố, con người tiêu diệt lẫn nhau chỉ vì họ hiểu và dùng ngôn ngữ khác nhau để nói về Thiên Chúa và Nước Trời!

     Trong quá khứ, thần học Tây Phương đã tìm cách diễn đạt sự tuyệt đối của “Deus” qua các khái niệm tương tự như: tối cao, vĩ đại, toàn năng và toàn thiện. Ðây là những ngôn từ biểu hiệu cho sự hoàn hảo tối cao, nguồn gốc của mọi sự trên đời, hay sự thiện toàn đáng cho loài người tôn thờ. Từ đó, thần học dựa theo những mô thức triết học đương thời mà khai triển những cách nói về Thiên Chúa sau đây: Bản thể Tối Cao, Nguyên Nhân của vũ trụ, và Nền tảng của luân lý. Gần đây, qua ảnh hưởng của hiện tượng và hiện sinh học, thần học dùng ngôn ngữ “cảm nghiệm” (cả tích cực và tiêu cực) để nói về sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Chúng ta hãy lược sơ qua bốn loại ngôn ngữ tiêu biểu này.

     1. “Bản Thể” Tối Cao

     Có ba cách diễn tả về “bản thể tối cao.” Trước tiên, Augustinô, Giám Mục thành Hippo ở đầu thế kỷ thứ 5, cho rằng Thiên Chúa đại diện cho Chân lý tối cao, và chân lý thì phải có thật. Cho dù kẻ đa nghi cách mấy, khi tranh luận cho đường lối suy tư của họ cũng phải dựa trên một nền tảng chân lý nào đó để có thể thách đố hoặc bác bỏ những lý lẽ của đối phương [26]. Ðối với Augustinô, Chúa là Chân Lý vĩnh viễn, bao gồm cả mọi sự thiện lành và hoàn hảo, và là nền tảng của mọi hình ảnh và tích hiệu ngôn ngữ mà con người dùng để nói lên khác vọng bề sâu của tâm hồn. Thứ đến, Anselmô, một đan sĩ dòng Beneditô ở cuối thế kỷ thứ 11, dùng ngôn ngữ “tối cao tuyệt đối” để nói về bản thể tối cao. Ông ta chứng minh rằng, nếu Chúa thật sự là “Ðấng Tối Cao” tuyệt đối (không có đấng nào tối cao hơn mà ta có thể tưởng tượng đến được), thì Chúa phải có thật! Vì lẽ, tối cao tuyệt đối ở đây không chỉ về tư tưởng, mà cả về sự hiện hữu mới được thật sự là “tối cao” (ontological argument) [27].  Do đó, nếu con người hiểu Thiên Chúa là một Ðấng Tuyệt Ðối, thì Thiên Chúa phải có thật, nếu không lý trí sẽ bị mâu thuẩn với chính mình. Cuối cùng, triết gia Descartes ở thế kỷ thứ 17 dựa trên nguyên tắc “Cogito ergo sum” nói về Thiên Chúa như một “Ðấng Hoàn Hảo” tuyệt đối. Nếu hành động “nghi ngờ” đòi hỏi phải có một chủ thể để sự “nghi ngờ” có được, thì tư tưởng “hoàn hảo” phải khẳng định sự hiện hữu của một Chủ Thể Hoàn Hảo. Descartes quả quyết là phải có một Ðấng Hoàn Hảo tuyệt đối đã đặt tư tưởng “hoàn hảo” vào đầu óc con người, cho dù trong thế gian cũng không có gì là tuyệt đối hoàn hảo cả. [28]

     Cả ba cách diễn đạt trên đây liên kết yếu tính “tối cao” của Thiên Chúa với những khát vọng sâu sa nhất nơi con người. Khi “Ðấng Tối Cao” trở thành đối tượng của tri thức, thì con người cũng đương nhiên trở thành một chủ thể có khả năng tìm kiếm vô hạn. Ngôn ngữ về khác vọng bề sâu dễ đánh động đến đức tin và tâm linh con người, vì nó nói đến bản chất vô thường, vô thủy, vô chung của Thiên Chúa mà con người không có được. Nhưng trở ngại vẫn là làm sao biết chắc là những khác vọng về chân lý hay sự hoàn hảo phải đến từ một “Bản Thể” tuyệt đối? Làm sao bảo đảm được rằng mọi khái niệm về sự “tối cao” đều có nội dung thật sự, thay vì là những phạm trù trống rỗng?

     2. “Nguyên Nhân” của vũ trụ

     Trong khi đó, thánh Tôma Aquinô đã suy diễn từ sự “hiện diện” của vũ trụ đến sự “hiện hữu” thay vì “bản thể” của Thiên Chúa. “Deus” được hiểu như Tác Giả và Nguyên Nhân của mọi sự hữu hình và vô hình trên đời này. Thánh Tôma đưa ra năm “cách” nói về Thiên Chúa, nhưng chúng ta chỉ tóm tắt lại ba điểm chính sau đây: [29]

- Trước nhất, thánh Tôma cho rằng mọi tạo vật trên đời này được tạo thành đều phải do một nguyên nhân nào đó đã có trước nó, và nguyên nhân đó cũng phải từ một nguyên nhân có trước nó mà ra. Nhưng cuối cùng, phải có một Nguyên Nhân đầu tiên, tự nó mà có, nếu không thì chúng ta phải tiếp tục lý luận ngược mãi cho đến vô cực và sẽ trở thành vô lý. “Nguyên nhân đệ nhất” này cũng chính là tên để nói về Thiên Chúa.

- Tương tự như thế, mọi sự biến đổi trên đời này phải đi từ bản thể này qua bản thể khác, cũng như gổ cháy thành than, nước sôi bốc thành hơi. Nhưng bản thể tự mình nó không thể có được, do đó phải có một Bản Thể thường hằng mà qua đó mọi biến đổi bản thể có thể xày ra được. “Bản Thể thường hằng” này là tên để nói đến Thiên Chúa.

- Cuối cùng thánh Tôma quan sát rằng mọi tạo vật đều phát triển theo như mục đích đã được phát họa sẵn. Một hạt giống cây cho dù khô cách mấy khi gặp môi trường thích hợp sẽ triễn nở nên cây cối xum tươi, giống như cây mẹ của nó. Từ một vi khuẫn nhỏ bé cho đến những ngôi sao vĩ đại, tất cả đều tuân theo mục tiêu và phát họa đã được qui định sẳn. Do đó phải có một Tri Thức tuyệt đối nào đó đã đặt nên mục tiêu và phát họa cho vũ trụ này. “Tri Thức tuyệt đối” này cũng là tên mà chúng ta gọi Thiên Chúa.

     Những cách thức “gọi tên” Thiên Chúa của thánh Tôma trên đây có phần thực tế và đi gần với trực giác hơn. Chỉ cần quan sát vũ trụ là con người có thể liên tưởng ngay đến Tác Giả hay Nguyên Nhân nào đó đã tác thành mọi sự. Tuy nhiên, trở ngại ở đây là các khái niệm “Nguyên Nhân đệ nhất,” “Bản Thể thường hằng,” hay “Tri Thức tuyệt đối” là những phạm trù của tri thức, chứ không phải là những thực thể mà chúng ta có thể cảm nhận trong cuộc sống hằng ngày. Nếu chúng ta cảm nhận được những thực thể này thì nó không còn là “đệ nhất,” “thường hằng,” hay “tuyệt đối” nữa! Khi dùng những thực thể tuyệt đối này như “tên gọi” về Thiên Chúa thì chúng ta cũng chưa có một sự bảo đảm tri thức.

     3. “Nền Tảng” của luân lý

     Triết gia Immanuel Kant ở thế kỷ 18 đã cố gắng vượt qua trở ngại trên đây bằng cách vạch trần những giới hạn trong cách dùng ngôn ngữ tôn giáo. Kant cho rằng đa số ngôn ngữ đều đến từ cảm nghiệm của giác quan, nhưng cũng có một số ít như, “nguyên nhân,” “thời gian,” hay “không gian” là “khái niệm” mà thôi, tức là chúng ta không thể nối kết các từ ngữ này với một thực thể nào đang hiện diện trong thế giới của chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà “khái niệm” không có thật, vì nếu “thời gian” hay “không gian” không có thật thì chúng ta không thể thấu hiểu, diễn đạt, cảm nghiệm, trao đổi tư tưởng được, v.v., nói chung là sống và trưởng thành trong thế giới này. Tương tự như thế, con người có khái niệm “Thiên Chúa” không phải vì con người cảm nghiệm được Ngài qua giác quan, hay Thiên Chúa hiện diện với chúng ta như cái bàn hay chiếc ghế đang ở trong phòng. Trái lại, không ai có thể “thành nhân” (moral person), tức là trở trưởng thành với sự hiểu biết về lương tâm và trách nhiệm làm lành lánh dữ, nếu chúng ta không có sẵn một khái niệm nào đó về “Deus.” [30]

     Kant cắt nghĩa là làm người ai cũng tìm hạnh phúc, và hạnh phúc cao đẹp nhất là hạnh phúc đem đến sự trọn lành toàn vẹn. Nhưng muốn được trọn lành toàn vẹn nhiều khi phải hy sinh, chịu đau khổ. Mặt khác, nhiều người cho rằng muốn được hạnh phúc đôi khi phải ích kỷ, lo bảo vệ quyền lợi riêng tư, thiếu sự trọn lành toàn vẹn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người sống buông thả. Trái lại trong thâm tâm con người luôn bị lôi kéo bởi tiếng nói của lương tâm. Nhưng trách nhiệm sống trọn lành và sự tự do tìm hạnh phúc chỉ có ý nghĩa khi con người đã tin vào sự hiệp nhất của hạnh phúc và trọn lành (“Nước Trời”). Tương tự như thế, chúng ta chấp nhận sự mâu thuẩn giữa thế giới thực tại (natural world) và thế giới luân lý (moral word) chỉ vì chúng ta đã tin là cả hai đều từ một nguồn gốc hay nền tảng Thiện Toàn nào đó (“Thiên Chúa”). Do đó khi chúng ta đi tìm hạnh phúc và sự trọn lành trên đời này tức là chúng ta đã có “khái niệm” sơ khởi nào đó về Thiên Chúa!

     Lối diễn đạt Thiên Chúa như nền tảng luân lý tuy trừu tượng nhưng đã giúp đưa khái niệm “Deus” đến gần với con người hơn. Cho dù chưa ai thấy được Chúa, nhưng vì biết rằng phải có Chúa thì cuộc sống luân lý đạo đức, hy sinh trọn lành trên đời này mới có ý nghĩa. Hay nói ngược lại, con người không có tự do thật sự để theo đuổi hạnh phúc trên đời này, nếu đã không có sẳn khái niệm về “Deus” như một sự hợp nhất và nền tảng của mọi hạnh phúc và trọn lành vĩnh cửu. Tuy nhiên, ngôn ngữ “khái niệm” còn hơi có vẽ xa lạ với nhiều tín hữu, vì người ta không tôn thờ Chúa như một “khái niệm” nhưng phải là một Ðấng Từ Bi, Ðấng Tối Cao hoặc Ông Trời.

     4. “Giới Hạn” của cảm nghiệm

     Gần đây hơn, với ảnh hưởng của hiện tượng học và hiện sinh học, thần học Công giáo có khuynh hướng dùng ngôn ngữ “cảm nghiệm” như là một chân trời tri thức để nói về sự mặc khải của Thiên Chúa. Con người không chỉ muốn biết về thế giới chung quanh mình, nhưng muốn hiểu cả về ý nghĩa của mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống, nhất là ý nghĩa về cuộc sống của chính mình khi con người đứng trước sự chết và những giới hạn khác của đời người. Nói cách khác, với một chân trời tri thức vô hạn và phải sống trong một thế giới hữu hạn, con người trở thành “mầu nhiệm” cho chính mình, từ đó bị thúc đẩy đi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống cả bên trong và ngoài lịch sử. Con người hy vọng rằng những khắc khoải sâu xa nhất cuối cùng sẽ được thỏa mãn. Thần học cho rằng những khát vọng sâu sa này không phải tự con người mà có, nhưng là vì mầu nhiệm Tối Cao Vô Hạn đã “hiện diện” và “thúc đẩy” tri thức con người trước khi con người bắt đầu biết cách đặt câu hỏi và cảm nhận chân trời vô hạn này. Nhưng làm sống trong thế giới và bị giới hạn bởi lịch sử tính con người lại có thể “cảm nhận” đưọc mầu nhiệm Tối Cao? Thần học gia Rahner cho rằng qua chân trời vô hạn của tri thức và tự do, con người cũng là một linh thể hữu hạn (finite spirit), và có khả năng “lắng nghe” và “thấu đạt” sự mặc khải của Thiên Chúa [31]. Con người sẽ cảm nghiệm nó như một “món quà” vô điều kiện: Thiên Chúa đã tự hiến mình để đến cùng chung sống với loài người. Khi tiếp nhận “món quà” này như là sự hiện diện của Thiên Chúa, con người sẽ cảm nhận được sự mặc khải và sẳn sàng tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể cùng trong lịch sử con người.

     Một số thần học gia khác như Schillebeeckx thì cho rằng mặc dù chân trời tri thức của con người là vô hạn, nhưng không có bảo đảm về “nội dung” của sự mặc khải Thiên Chúa trong cảm nghiệm của con người. Nói cách khác, là linh thể hửu hạn và có khả năng tìm kiếm mầu nhiệm vô hạn, nhưng sự mặc khải của Thiên Chúa cũng có thể trái ngược với những mong chờ và ước vọng của con người. Trong khi đi tìm Thiên Chúa qua tình yêu và sự tự do, thì con người cũng nên để ý đến sự hiện diện của Ngài qua những kinh nghiệm đa đoan hay cảm nghiệm tiêu cực (negative experience). Những bài học về đau khổ hay thất bại trong quá khứ cho thấy là chân trời tri thức và sự tự do của con người không đơn thuần và vô tư như ta tưởng, nhưng luôn lẫn lộn với những ý thức hệ và ước vọng bạo hành khác. Con người phải tin là chỉ có Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, cuối cùng sẽ thoả mãn mọi ước vọng và khác khao sâu sa nhất của loài người. Trong niềm tin đó, người tín hữu nên tìm cách giảm bớt đau khổ và góp tay xây đựng một xã hội công bình và bác ái hơn. Do đó, con người vẫn có thể “cảm nghiệm” Thiên Chúa, tuy nhiên, lịch sử của đau khổ và kinh nghiệm tiêu cực trong cuộc sống sẽ là “dấu chỉ” dẫn đưa con người tìm đúng hướng để đến với Thiên Chúa. [32]

š ® ¬ ® ›

End Notes

[14] Xem Nguyễn Ðổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Nhà Xuất Bản Trẻ, 1993).

[15] ibid., p.89

[16] ibid., p.119

[17] ibid., p.137

[18] ibid., p.140

[19] ibid., p.142

[20] ibid., p.156

[21] ibid., p.216

[22] ibid., p.258

[23] ibid., p.412

[24] Trần Phổ, “Thờ Trời,” pp.11-12.

[25] Nguyên văn của đoạn này: “Ông Mô-se thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ðt-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Ðấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Ðấng Hiện Hữu.” Ngươi nói với con cái Ðt-ra-en thế này: ÐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ap-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.” (Xh 3:13-15) Kinh Thánh Trọn Bộ, Bản dịch của Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố HCM, 1998.

[26] Trong cả hai tác phẩm Confessions De Trinitate (any edition), Thánh Augustinô diễn tả linh hồn như hình ảnh của Thiên Chúa. Linh hồn là cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài thời gian và không gian, giúp nhận thức được Thiên Chúa là nền tảng vô hạn của mọi sự chân, thiện, mỹ trên đời này.

[27] Lối chứng minh này (ontological argument) là kết quả của cuộc tranh luận giữa Anselmô và Gaulinô, một tu sĩ dòng Benedictô. Xem St. Anselm’s Prologion, M. J. Charlesworth chuyễn dịch và chú thích (Oxford University Press, 1965).

[28] Xem René Descartes, “Meditations” (1641) trong cuốn The Philosophical Works of Descartes, E. S. Haldane và G.R.T. Ross chuyễn dịch và chú giải (London, 1967)

 

[29] Thánh Tôma Aquinô bàn về năm cách “chứng minh” này trong Summa Theologiae, Phần I, Câu hỏi #2, Ðề tài #3, và trong Summa Contra Gentiles (Quuyễn I, Chương 13).

[30] Hai cuốn sách tiêu biểu của Immanuel Kant về tôn giáo và luân lý là Groundwork of the Metaphysics of Morals (H. J. Parton, chuyễn dịch, New York, 1964) và Religion without the Bounds of Reason Alone (T.H. Green chuyễn dịch, New York, 1960).

[31] Về phương pháp tiền nghiệm của Karl Rahner, xem Foundations of Christian Faith, Crossroad, NY, 1975, đặc biệt Chưong II, pp. 44-89.

[32] Về sự liên kết giữa kinh nghiệm đau khổ với tri thức mặc khải, xem Edward Schillebeeckx, Church: the Human Story of God, Crossroad, NY, 1990, pp. 28-3

https://catechesis.net/dao-duc-chua-troi-vai-tro-cua-ngon-ngu-trong-tien-trinh-hoi-nhap-van-hoa-2/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

---Còn tiếp---

zalo
zalo