Ngày tháng: 07/10/2024
Đang truy cập: 23

ĐGH Benedict XVI, Thông điệp Deus Caritas Est - Phần 7/8 - 2023

Thông điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là tình yêu Của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Phần 7/8

“GỬI CÁC GIÁM MỤC, CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

CÁC TU SĨ NAM NỮ VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU VỀ ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO”

 

PHẦN THỨ HAI: CARITAS (TÌNH YÊU BÁC ÁI) – HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT “CỘNG ĐOÀN CỦA TÌNH YÊU”

Những người có trách nhiệm cho hoạt động bác ái của Hội Thánh

32. Cuối cùng, chúng ta phải hướng đến những người chịu trách nhiệm các hoạt động bác ái của Hội Thánh. Trong các suy luận cho đến bây giờ, một điều nổi bật rõ ràng là chủ thể đích thực của những tổ chức khác nhau của Công giáo, đảm nhiệm một công tác bác ái, là chính Hội Thánh trên các bình diện, bắt đầu từ các giáo xứ đến các Giáo Hội từng vùng, từng miến, cho đến Giáo Hội toàn cầu. Vì thế mà Đấng Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập “Hội đồng Giáo hoàng Đồng tâm” (Cor Unum) như là cơ quan của Toà Thánh chịu trách nhiệm để định hướng và phối hợp các tổ chức và hoạt động bác ái của Hội Thánh. Cơ cấu Giám mục của Hội Thánh đáp ứng được điều này; trong các giáo phận, các giám mục, với tư cách là những vị kế nhiệm các tông đồ, phải mang lấy trách nhiệm đầu tiên là thực hiện cho đến hôm nay chương trình được chỉ dẫn trong sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 2,42-44): Hội Thánh như là gia đình của Thiên Chúa, hôm nay cũng như hôm qua, phải là nơi trợ giúp lẫn nhau và đồng thời cũng là nơi sẵn sàng phục vụ cho những người cần được giúp đỡ, cả khi họ không thuộc về Hội Thánh. Trong nghi thức truyền chức giám mục, trước nghi thức thánh hiến, có vài câu hỏi được đặt ra cho ứng viên trong đó nói lên những yếu tố căn bản cho nhiệm vụ và những bổn phận của thừa tác vụ tương lai của ngài. Qua câu trả lời, vị tiến chức hứa cách công khai “vì danh Chúa, phải tiếp đón kẻ nghèo, những người vô gia cư cũng như mọi người cần được giúp đỡ và phải luôn nhân từ đối với họ.”[31] Bộ Giáo Luật, trong các điều khoản về thừa tác vụ Giám mục, không nói rõ công tác bác ái như lĩnh vực riêng của hoạt động giám mục, nhưng nói chung về trách nhiệm của giám mục là phối hợp nhiều công tác tông đồ khác nhau trong sự tôn trọng đức tính riêng của mỗi công tác[32]. Quyển Kim chi nam về Công tác Mục vụ của Giám mục đã triển khai cụ thể trách nhiệm bác ái như phận vụ thuộc bản chất của toàn thể Hội Thánh và của vị giám mục trong địa phận của mình[33] và nhấn mạnh rằng việc thực thi bác ái là một hoạt động của Hội Thánh, hoạt động này được trình bày như một phần bản chất bổn phận căn bản của ngài, tương tự như việc phục vụ cho Lời Chúa và các bí tích[34].

33. Trên đây đã nói về điểm căn bản liên quan đến những người cộng tác thực hành công việc bác ái trong Hội Thánh: họ không được phép rút cảm hứng từ những ý thức hệ để làm cho thế giới tốt đẹp hơn, nhưng phải được đức tin hướng dẫn, đức tin sẽ hoạt động trong đức ái (x. Gl 5,6). Trước hết họ phải là những con người được tình yêu của Đức Kitô đụng chạm tới; những con người mà trái tim họ đã được Đức Kitô chinh phục bằng tình yêu và nơi đó Người đã khơi dậy tình yêu tha nhân. Lời hướng dẫn của họ sẽ là câu rút từ Thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô: “tình yêu Đức Kitô Thúc bách tôi” (2Cr 5,14).Việc nhận thức rằng, trong Đức Kitô, Thiên Chúa tự hiến bản thân mình cho chúng ta cho đến chết, phải đưa chúng ta đến quyết định, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Người và cùng với Người cho những kẻ khác. Ai yêu Đức Kitô, thì cũng yêu Hội Thánh và muốn rằng Hội Thánh phải luôn là cách biểu lộ và là cơ quan tình yêu của Người. Người cộng tác của bất cứ tổ chức bác ái Công giáo nào đều muốn làm việc với Hội Thánh và từ đó với giám mục, để tình yêu của Thiên Chúa tuôn trào khắp thế giới. Họ muốn, qua việc tham gia vào công tác bác ái của Hội Thánh, trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và của Đức Kitô và nhờ đó thực hiện điều thiện hảo cho tha nhân mà không có một chút ý đồ nào.

34. Việc khai mở nội tâm cho chiều kích Công giáo của Hội Thánh đòi buộc người cộng tác phải sẵn sàng đồng thuận với các tổ chức khác trong công tác dưới nhiều hình thức của nhu cầu; điều này phải được thực hiện trong sự tôn trọng tính cách đặc thù của phận vụ mà Đức Kitô đang mong chờ nơi các môn đệ của Người. Trong bài thánh thi ca ngợi tình yêu (1Cr 13), Thánh Phaolô dạy chúng ta, tình yêu còn hơn là một hoạt động đơn thuần: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không cô đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (c. 3). Bài Thánh thi này phải là (Hiến chương) Magna Carta cho mọi công tác của Hội Thánh; trong Thánh thi này cô đọng tất cả những suy tư mà tôi muốn triển khai trong Thông điệp này về tình yêu. Hoạt động thực tiễn sẽ còn rất ít, nếu trong đó tình yêu đối với con người chưa được cảm nghiệm, tình yêu này được nuôi dưỡng bằng cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Việc tham gia cá nhân và nội tâm vào nhu cầu và đau khổ của kẻ khác là một cách hiến tặng chính bản thân tôi cho họ: để quà tặng không làm hạ phẩm giá người nhận, không những tôi trao một cái gì của tôi, nhưng còn cho đi chính bản thân tôi, như một nhân vị hiện diện trong quà tặng đó.

35. Cách phục vụ đúng đắn này sẽ làm cho người trợ giúp khiêm tốn hơn. Họ không đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, cho dù người đó ngay trong giây phút này đang ở trong hoàn cảnh thật cực khổ. Đức Kitô đã chọn vị trí cuối cùng trong trần gian - đó là thập tự - và ngay chính trong sự khiêm hạ triệt để, Người đã cứu chúng ta và giúp chúng ta tiến tới. Ai đứng trong vị thế giúp đỡ kẻ khác, phải nhận biết rằng, chính lúc đó họ cũng được giúp đỡ và khả năng giúp đỡ của bản thân không là công đức và sự nghiệp của bản thân. Trách nhiệm này là ân sủng. Một người càng phục vụ cho kẻ khác, thì họ càng hiểu lời của Đức Kitô và áp dụng cho chính mình: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10) Vì họ nhận biết rằng, không phải vì phận vụ của một kẻ cả hay vì một hiệu quả lớn lao cho cá nhân, nhưng vì Chúa đã ban cho họ như một hồng ân. Đôi khi nhu cầu quá lớn và sự hạn hẹp của hoạt động mình làm cho họ rơi vào cơn cám dỗ nản lòng. Nhưng chính lúc đó, họ được giúp đỡ để biết rằng cuối cùng họ chỉ là công cụ trong bàn tay của Chúa, họ sẽ được giải thoát khỏi sự kiêu căng là phải tự mình và khả năng của mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Trong sự khiêm tốn, họ sẽ làm những gì họ có thể thực hiện và trong khiêm tốn đặt vào tay Chúa tất cả những điều khác. Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải chúng ta. Chúng ta chỉ phục vụ Người trong khả năng và sức lực mà Người ban cho chúng ta. Với sức lực này, chúng ta thực hiện những gì chúng ta có thể làm, đó là mệnh lệnh mà một người tôi tớ đúng đắn của Đức Giêsu Kitô vẫn tuân giữ khi hoạt động: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi” ( 2Cr 5,14).

36. Kinh nghiệm về vô vàn nhu cầu một mặt có thể đẩy chúng ta vào ý thức hệ, có tham vọng làm điều mà việc điều khiển vũ trụ của Thiên Chúa hình như không nhắm tới - việc giải quyết cách phổ quát tất cả mọi vấn đề. Mặt khác, nó có thể trở thành cơn cám dỗ thất vọng, vì hình như không thể đạt được gì cả. Trong hoàn cảnh này, việc liên hệ sống động với Đức Kitô là một trợ lực quyết định, để có thể ở trong con đường đúng đắn: không rơi vào sự kiêu căng coi thường con người, sự kiêu căng này sẽ không giúp xây dựng gì cả nhưng phá hoại thì nhiều, và cũng không nằm trong sự thất vọng ngăn trở việc thực thi bác ái và phục vụ con người. Cầu nguyện là cách thế tìm được sức mạnh mới mẻ từ Đức Kitô; ở đây cầu nguyện trở thành một đòi hỏi khẩn cấp cụ thể. Ai cầu nguyện sẽ không phung phí thời giờ của mình, cả khi hoàn cảnh thật khẩn cấp và hình như thúc bách chúng ta phải hành động. Sự đạo đức không làm suy yếu cuộc chiến đấu chống lại nghèo khổ hay sự cùng cực của tha nhân. Chân phước Têrêsa thành Calcutta là một mẫu gương tỏ tường cho điều này, thời gian dành cho Thiên Chúa trong kinh nguyện không những không làm phương hại đến hoạt động cụ thể của tình yêu tha nhân, nhưng trong thực tế lại là nguồn bất tận cho hoạt động đó. Trong lá thư Mùa Chay năm 1996, vị chân phước này đã viết cho các cộng sự viên của mình trong hàng giáo dân: “Chúng ta cần đến liên hệ nội tâm với Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng làm thế nào chúng ta đạt được điều đó? Chỉ qua cầu nguyện”.

37. Đây là lúc tái xác định sự quan trọng của việc cầu nguyện đối mặt với chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết tục hoá đang hăm dọa nhiều Kitô hữu tham gia vào công tác bác ái. Người Kitô hữu cầu nguyện không có ý định thay đổi chương trình của Thiên Chúa, hay hoàn thiện điều Thiên Chúa quan phòng. Đúng hơn, họ tìm cách gặp gỡ Cha của Đức Giêsu Kitô và khẩn cầu, để Người hiện diện trong họ với sự an ủi của Chúa Thánh Thần và trong công tác của họ. Việc phó thác vào Thiên Chúa và sự tùng phục ý muốn của Người ngăn chặn sự hạ giá con người và gìn giữ họ khỏi ảnh hưởng của những lý thuyết cuồng tín và khủng bố. Thái độ tôn giáo đúng đắn tránh cho con người khỏi trở thành quan tòa của Thiên Chúa và tố cáo người đã để cho sự khốn cùng tồn tại, không động lòng thương xót với các thụ tạo của Người. Nếu như người nào nại đến quyền lợi của con người để chống lại Thiên Chúa - thì họ sẽ dựa vào ai, khi hành động của con người tỏ ra bất lực?

38. Thực vậy, ông Gióp than van với Thiên Chúa về những đau khổ mà ông không thể hiểu được và ngay trong lúc này xem ra không công bằng mấy, đang xảy ra trong thế giới. Ông đã nói trong đau khổ: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Người và làm sao đến được nơi Người ngự? … Tôi sẽ biết những điều Người trả lời cho tôi, và hiểu được những gì Người nói. Với tôi, Người có phải đem hết sức ra tranh luận?... ‘Vì thế đứng trước nhan Người tôi đâm sợ hãi, chỉ nghĩ đến Người là đã thấy khiếp kinh. Thiên Chúa làm cho tôi nhát đảm, Đấng Toàn Năng khiến tôi phải kinh hoàng’” (23, 3.5-6.15-16). Thường chúng ta không thể thấy lý do tại sao Thiên Chúa rút tay lại, thay vì giương ra. Nhưng Người không ngăn cấm chúng ta thốt lên như Đức Giêsu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con! sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46). Trong đối thoại khi cầu nguyện, chúng ta vẫn kiên vững với câu hỏi này trước nhan thánh Người: “Lạy Chúa, hỡi Đấng Thánh và là Đấng Chân Thật, Ngài còn trì hoãn đến bao giờ” (Kh 6,10). Thánh Augustinô cho chúng ta câu trả lời xuất phát từ niềm tin đối với đau khổ của chúng ta: “Si comprehendis, non est Deus” (Nếu anh hiểu được Người, Người sẽ không còn là Thiên Chúa nữa)[35]. Phản kháng của chúng ta không muốn thách thức Thiên Chúa, không xúc phạm đến Người để cho rằng trong Người còn có sai lầm, yếu đuối và dửng dưng. Người tin không thể nghĩ rằng Thiên Chúa bất lực hay là Người “đang ngủ” (x. 1V 18,27). Trái lại, tiếng kêu than của chúng ta, cũng như tiếng kêu than của Đức Giêsu trên thập giá, là sự xác nhận bên ngoài và sâu xa nhất của niềm tin chúng ta vào quyền năng tối cao của Thiên Chúa. Thật vậy người Kitô hữu, cho dù có tất cả sự khó hiểu và hoang mang của thế giới chung quanh mình, vẫn tiếp tục tin vào “lòng nhân hậu và sự yêu thương của Thiên Chúa đối với con người” (Tt 3,4). Cho dù họ cũng như mọi người khác chìm ngập trong sự phức tạp bi đát của các sự kiện lịch sử, họ vẫn đứng vững trong hy vọng rằng Thiên Chúa là một Người Cha và yêu thương chúng ta, dù sự thinh lặng của Người thật khó hiểu đối với chúng ta.

39. Tin, cậy và mến đều lệ thuộc vào nhau. Niềm cậy trông bộc lộ một cách thực tiễn trong nhân đức kiên nhẫn, nhân đức này không lơ là trong việc thiện cả khi phải đối mặt với điều xem ra không được thành công, và trong nhân đức khiêm nhường, là nhân đức đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa và vẫn phó thác vào mầu nhiệm này ngay cả khi rơi vào mù tối. Đức tin chỉ cho chúng ta Thiên Chúa, Đấng đã ban Con của Người cho chúng ta và ban cho chúng ta niềm xác tín bất khuất: Thiên Chúa là tình yêu! Với cách thức đó, Người biến đổi sự mất kiên nhẫn và nghi ngờ của chúng ta thành sự xác tín của niềm cậy trông rằng Thiên Chúa gìn giữ thế giới trong bàn tay của Người và Người sẽ thắng, mặc cho mọi thứ u tối, như sách Khải Huyền cho thấy ở cuối sách qua những hình ảnh rất đánh động. Niềm tin, ý thức tình yêu của Thiên Chúa tự tỏ lộ nơi trái tim bị đâm thâu của Đức Giêsu trên thập giá, niềm tin đến phiên mình sẽ làm nảy sinh tình yêu. Tình yêu là ánh sáng - cuối cùng là ánh sáng duy nhất – sẽ làm cho một thế giới đen tối được sáng trở lại và ban cho chúng ta sự can đảm để sống và để hành động. Tình yêu có thể thực hiện như thế, và chúng ta cũng có khả năng để thực hiện tình yêu vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Với Thông điệp này, tôi muốn mời anh chị em sống tình yêu và nhờ đó đem ánh sáng của Thiên Chúa vào trong thế giới này.

 

     --Ghi chú--

[31] x. Pontificale Romanum, Nghi thức truyền chức Giám mục 43.

[32] x. Giáo luật, điều 394 ; Giáo Luật của các Giáo hội Đông phương, điều 203.

[33] x. Nos. 193-198 : tr. 212-219.

[34] Ibid., 194 : tr. 213-214.

[35] Bài giảng 52, 16 : PL 38, 360.

-------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo