Ngày tháng: 15/01/2025
Đang truy cập: 7

ĐGH Benedict XVI, Thông điệp Spe Salvi - Phần 2/8

Thông điệp SPE SALVI của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI về Niềm hy vọng Kitô giáo - Phần 2/8

"THÔNG ĐIỆP SPE SALVI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI GỬI CÁC GIÁM MỤC, CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

CÁC TU SĨ NAM NỮ VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU  VỀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO"

 

Sự sống đời đời – Điều này là gì vậy? [10-12]

10. Đến nay chúng ta đã đề cập đến đức tin và niềm hy vọng trong Tân Ước và trong thời kỳ Kitô Giáo tiên khởi; nhưng luôn luôn rõ là chúng ta đang đề cập đến không chỉ quá khứ mà thôi. Thật vậy, toàn bộ suy tư này liên quan đến sống và chết cách đại cương, và do đó, nó cũng liên quan đến chúng ta nơi đây và hiện nay. Vì thế, chúng ta phải thẳng thắn đặt câu hỏi: liệu đức tin Kitô Giáo cũng dành cho chúng ta ngày nay một niềm hy vọng đổi đời và nâng đỡ cuộc sống hay không?

Liệu niềm hy vọng đó có tính chất “tác động” với chúng ta – đó có phải là một sứ điệp nhào nặn cuộc đời ta trong một cách thế mới, hay nó chỉ mang tính chất “thông tin” mà, lúc này đây, chúng ta gác qua một bên, và thông tin đó đối với chúng ta giờ đây dường như đang bị đè bẹp bởi những thông tin khác mới mẻ hơn? Để tìm ra câu trả lời, tôi muốn bắt đầu với hình thức đối thoại cổ điển trong nghi thức Rửa Tội được cử hành khi tiếp rước một hài nhi sơ sinh vào trong cộng đoàn các tín hữu và chào đón ơn tái sinh của hài nhi trong Chúa Kitô. Đầu tiên, vị linh mục hỏi cha mẹ xem ông bà đặt tên cho con trẻ là gì, và ngài tiếp tục với câu hỏi: “Ông bà anh chị em xin điều gì nơi Giáo Hội?” Thưa: “Đức tin”. “Đức tin đó đem lại cho ông bà anh chị em điều gì?” “Sự sống đời đời”. Theo đoạn đối thoại này, các bậc cha mẹ đang tìm kiếm đức tin cho con cái họ, và sự hiệp thông với các tín hữu, vì họ thấy nơi đức tin chìa khóa dẫn đến “sự sống đời đời”.

Ngày nay cũng như trong quá khứ, đó là toàn bộ ý nghĩa của việc được rửa tội, được trở nên Kitô hữu: đó không phải chỉ là một hành động xã giao trong cộng đoàn, không đơn thuần là một sự tiếp đón vào Giáo Hội. Các bậc cha mẹ trông đợi nhiều hơn cho con trẻ được rửa tội: họ mong rằng đức tin, bao gồm cả bản tính trần thế của Giáo Hội và các phép bí tích sẽ đem lại sự sống cho đứa trẻ – một sự sống đời đời. Đức tin là chất liệu của hy vọng. Nhưng, một câu hỏi được đặt ra: liệu chúng ta có thực sự mong muốn điều này – là được sống đời đời không? Có lẽ nhiều người ngày nay từ khước đức tin chỉ vì họ không thấy hứng thú nơi viễn ảnh của cuộc sống đời đời. Điều họ muốn không phải là sự sống đời đời một chút nào, nhưng là cuộc sống hiện nay, cuộc sống mà đức tin vào sự sống đời đời dường như trở nên một điều gì đó gây ngăn trở. Tiếp tục sống đời đời – không chấm dứt – dường như là một lời nguyền hơn là một ân sủng. Sự chết, phải thừa nhận, là ta muốn trì hoãn nó bao lâu có thể. Nhưng sống hoài, không dứt – điều này, xét cho cùng, có thể là ngao ngán và tối hậu là không thể chịu đựng nổi. Đây chính là một luận điểm được đưa ra, chẳng hạn, bởi Thánh Ambrose, một trong các Giáo Phụ của Giáo Hội, trong bài điếu văn cho người anh em quá cố của ngài là Satyrus: “Sự Chết không phải là một phần của tự nhiên, nhưng đã trở nên tự nhiên. Tự thuở ban đầu Thiên Chúa đã không truyền án phạt phải chết; Ngài phải đề ra nó như một phương dược. Cuộc sống con người, vì tội lỗi.. đã bắt đầu cảm nhận gánh nặng của sự bơ phờ trong lao động không ngơi và trong buồn sầu không thể chịu nổi. Cần phải có giới hạn cho những đau khổ của cuộc sống; cái chết phải phục hồi lại điều sự sống đã tước mất. Không có sự trợ giúp của ơn sủng, bất tử trở thành một gánh nặng nhiều hơn là một ơn phúc.”[6] Trước đó ít lâu, Thánh Ambrose đã nói: “Cái chết, do đó, không phải là duyên cớ để khóc lóc, vì nó là căn cớ cho ơn cứu độ của nhân loại.”[7]

11. Dù chính xác là Thánh Ambrose muốn nói gì qua những lời này đi chăng nữa, thật đúng là việc loại trừ sự chết hay trì hoãn nó dù đến vô hạn hay không đều đặt trái đất và nhân loại trong một tình huống không thể được, và ngay cả cá nhân cũng không được lợi gì. Hiển nhiên có một mâu thuẫn trong thái độ chúng ta, là điều cho thấy một mâu thuẫn nội tại sâu xa trong chính sự hiện hữu của chúng ta. Một mặt chúng ta không muốn chết; trước tiên là vì những người thân của chúng ta không muốn chúng ta chết. Nhưng mặt khác, chúng ta chẳng muốn tiếp tục sống vô hạn và trái đất cũng chẳng được tạo thành theo quan điểm đó. Chúng ta thật sự muốn cái gì đây? Thái độ bất nhất của chúng ta dẫn tới một câu hỏi sâu xa hơn: thực ra sự sống là gì? Và “đời đời” nghĩa là sao? Có những lúc nào đó đột nhiên chúng ta thấy dường như là rõ ràng: vâng, “sự sống” thật là đây - đây chính là điều mà sự sống phải là. Bên cạnh đó, điều mà chúng ta gọi là “sự sống” trong ngôn ngữ hàng ngày chẳng phải là “sự sống” thật chút nào. Thánh Augustinô, trong một lá thư ngỏ về cầu nguyện mà ngài gởi cho bà Proba, một mệnh phụ phu nhân góa và là thân mẫu của ba viên lãnh sự, có lần đã viết: tối hậu là chúng ta chỉ muốn điều này – một “cuộc sống đầy ơn phúc”, một cuộc sống đơn giản, một “hạnh phúc” đơn sơ. Trong phân tích cuối cùng, chúng ta không xin gì khác hơn trong kinh nguyện của chúng ta. Cuộc lữ hành trần thế của chúng ta không có mục tiêu nào khác – tất cả chỉ nhằm mục đích đó. Nhưng khi đó, Thánh Augustinô cũng nói: khi nhìn kỹ hơn, chúng ta không biết tối hậu điều chúng ta ao ước là gì, thực ra chúng ta mong muốn cái gì. Chúng ta chẳng biết gì về thực tại này; ngay cả trong những thời điểm chúng ta nghĩ là có thể vươn tới và động chạm đến nó, nó vượt khỏi chúng ta. “Chúng ta không biết điều mà chúng ta nên cầu xin như chúng ta phải làm”, ngài nói thế khi trích dẫn Thánh Phaolô Tông Đồ (Rom 8:26). Tất cả điều chúng ta biết là điều đó không phải như thế này, thế nọ. Dù không biết tường tận, chúng ta cũng biết là thực tại này phải tồn tại. Ngài viết: “Thành ra, trong chúng ta có một mức độ ngu dốt có ý thức (docta ignorantia) nào đó, có thể nói như thế”. Chúng ta không biết điều chúng ta thực sự muốn; chúng ta không biết “sự sống” thật này; nhưng chúng ta biết rằng chắc chắn có một điều chúng ta không biết mà chúng ta vẫn cảm thấy bị lôi cuốn về đó[8].

12. Tôi nghĩ là trong cách thế rất chính xác luôn có giá trị này, Thánh Augustinô đang diễn tả tình trạng thiết yếu của con người, một tình trạng đưa đến tất cả những nghịch lý và hy vọng của anh ta. Một mặt, chúng ta muốn chính sự sống, sự sống thật, không bị động chạm đến ngay cả bởi cái chết; nhưng một mặt chúng ta lại không biết về điều chúng ta cảm thấy bị lôi cuốn hướng đến. Chúng ta không thể ngừng vươn tới để đạt được nó, nhưng chúng ta lại biết là tất cả những gì chúng ta có thể vươn tới hay đạt được lại không phải là điều chúng ta ước vọng. “Cái” chưa biết này là “hy vọng” thực sự thúc đẩy chúng ta, và đồng thời sự kiện là nó chưa tường minh là căn cớ cho mọi hình thái thất vọng, và cả cho tất cả những nỗ lực, dù tích cực hay hủy hoại, hướng đến sự chân thật trần thế hay nhân loại. Thuật ngữ “sự sống đời đời” đã được đưa ra để đặt tên cho “cái biết là không biết” này. Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi, thuật ngữ không đầy đủ này đã tạo ra ngộ nhận. Thật vậy, “đời đời” gợi cho chúng ta ý tưởng về điều gì đó không chấm dứt, và điều đó làm chúng ta lo sợ; “sự sống” khiến chúng ta nghĩ đến cuộc sống mà chúng ta biết và yêu mến nó, cũng như không muốn đánh mất đi, dù rằng thường khi nó mang lại nhiều phiền nhiễu hơn là thỏa mãn, đến mức một mặt chúng ta muốn, một mặt chúng ta lại không muốn cuộc sống đó. Hãy tưởng tượng chúng ta đang được đứng bên ngoài cõi tạm đang giam cầm chúng ta và ở một mức nào đó cảm thấy được rằng đời đời không phải là một chuỗi vô hạn những ngày tháng kế tiếp nhau của thời gian, nhưng là điều gì đó giống giây phút tột cùng của thỏa mãn hơn, trong đó tổng thể ôm lấy chúng ta và chúng ta ôm lấy tổng thể - chúng ta chỉ có thể thử nghĩ như vậy. Nó giống như là nhào vào đại dương của tình yêu vô hạn, một thời khắc trong đó thời gian – trước và sau - không còn hiện hữu nữa. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt ý tưởng là một thời khắc như vậy là cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, một sự nhận chìm mới mẻ chưa từng có vào trong cõi bao la của nhân sinh, trong đó chúng ta ngập tràn niềm vui. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã diễn tả trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (16:22). Chúng ta cần suy tư theo những dòng này nếu chúng ta muốn hiểu đối tượng của niềm hy vọng Kitô Giáo, muốn hiểu về điều mà đức tin của chúng ta, chất Kitô hữu của chúng ta, khiến chúng ta trông mong[9].

Niềm hy vọng Kitô Giáo có phải là một niềm hy vọng cá nhân? [13-15]

13. Theo dòng lịch sử, các Kitô hữu đã cố gắng diễn tả điều “biết là không biết” này qua phương tiện những hình ảnh thể hiện ra được, và họ đã phát triển hình ảnh về “Thiên Đàng” còn rất xa với điều mà, nói cho cùng, chỉ có thể biết đến một cách rất tiêu cực, vì không biết. Tất cả những cố gắng diễn tả hy vọng này đã đem đến cho nhiều người, qua các thế kỷ, một linh hứng để sống theo đức tin và do đó từ bỏ hyparchonta – cơ sở vật chất cho cuộc sống của họ. Tác giả của Thư Do Thái, trong chương thứ Mười Một, đã tổng kết một hình thức lịch sử về những ai sống trong hy vọng, và về cuộc hành trình của họ, một lịch sử kéo dài từ thời Abel cho tới thời của tác giả. Hình thái hy vọng này đã là đối tượng cho một thứ chỉ trích ngày càng gay gắt trong thời buổi hiện nay: nó bị coi là một niềm hy vọng duy cá nhân, một cách thế chối bỏ thế giới với những đau khổ của nó và tìm nương náu nơi một hình thái giải thoát vĩnh cửu có tính cách riêng tư. Henri de Lubac, trong lời phi lộ của cuốn sách có thế giá Catholicisme. Aspects sociaux du dogme (Giáo lý Công Giáo – Những khía cạnh xã hội của tín lý) đã tổng hợp một số những phát biểu đặc trưng của quan điểm này, một trong số đó đáng để trích ra nơi đây: “Tôi đã tìm thấy niềm vui chăng? Không …chỉ là niềm vui của tôi, và đó là điều thật khác biệt.. Niềm vui của Chúa Giêsu có thể là riêng tư. Nó chỉ thuộc về một con người đơn độc và Ngài được giải thoát. Ngài được an bình.. bây giờ và mãi mãi, nhưng Ngài cô đơn. Tính chất cô lập của niềm vui này không làm Ngài khó chịu. Trái lại, vì Ngài là người được chọn! Trong ơn phúc của Ngài, Ngài bước qua những bãi chiến trường với một bông hồng trên tay.”[10]

14. Chống lại quan điểm này, khi trưng ra hàng loạt những luận điểm thần học của các Giáo Phụ, de Lubac đã có thể chứng minh rằng ơn cứu độ luôn được xem là một thực tại “xã hội”. Thật vậy, Thư Do Thái đề cập đến một “thành phố” (x. 11:10, 16; 12:22; 13:14) và do đó về ơn cứu độ tập thể. Nhất quán với quan điểm này, các Giáo Phụ luôn coi tội lỗi là sự huỷ hoại sự hiệp nhất của nhân loại, là sự đổ vỡ và chia rẽ. Tháp Babel, nơi các ngôn ngữ rối loạn, nơi của phân ly, được coi như một biểu tượng cho thấy tội lỗi về căn bản nghĩa là gì. Do đó, “ơn cứu chuộc” xuất hiện như sự phục hồi tình hiệp nhất, trong đó chúng ta lại cùng đến với nhau trong sự hiệp thông được bắt đầu hình thành nơi cộng đoàn các tín hữu. Chúng ta không cần quan tâm đến tất cả mọi văn bản trong đó nói lên tính chất xã hội của niềm hy vọng Kitô Giáo. Ở đây, chúng ta hãy chú tâm đến Thư gởi cho Proba trong đó Thánh Augustinô cố gắng minh họa ở một mức độ nào đó điều “biết là không biết” mà chúng ta đang tìm kiếm. Khởi điểm của ngài đơn giản là thành ngữ “cuộc sống đầy ơn phúc”. Sau đó, ngài trích dẫn Thánh Vịnh 144 [143]:15 “Hạnh phúc thay dân nào được Thiên Chúa là Chúa”. Và ngài tiếp tục: “Để có thể được kể trong hàng dân tộc này và đạt được …sự sống đời đời với Thiên Chúa, ‘Lệnh truyền đó tối hậu phải đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình’ (1 Tm 1:5)[11]. Sự sống thật mà chúng ta hằng vươn tới được liên kết với một sự hiệp thông sống động với một “dân tộc”, và với mỗi cá nhân, sự sống ấy chỉ có thể đạt được trong cái “chúng tôi” này. Điều này giả định rằng chúng ta phải thoát ra được tù ngục là “cái tôi” của mình, vì chỉ trong sự cởi mở của chủ thể vũ trụ này, chúng ta mới có thể hướng nhìn đến nguồn mạch của niềm vui, đến chính tình yêu – nghĩa là đến Thiên Chúa.

15. Trong khi viễn kiến hướng đến cộng đoàn của “cuộc sống đầy ơn phúc” chắc chắn là vượt lên thế giới hiện nay, viễn kiến này cũng liên quan đến việc xây đắp thế giới trước mắt – trong những cách thức đa dạng, tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và những khả năng được trao cho hay bị tước mất đi. Trong thời của Thánh Augustinô, những cuộc xâm nhập của các dân tộc mới đe dọa tính chất mạch lạc của thế giới, thành ra cần phải có một sự bảo đảm nào đó về luật pháp và cuộc sống trong một xã hội trật tự pháp quyền; nên vào lúc đó, vấn đề là phải tăng cường các nền tảng căn bản cho sự cộng sinh trong hòa bình, ngõ hầu có thể tồn tại được trong một thế giới đang chuyển biến. Giờ đây, chúng ta hãy xem xét một vài giai đoạn được chọn ngẫu nhiên ở mức nào đó trong thời Trung Cổ, nhằm minh họa một vài khía cạnh về điều chúng ta đang đề cập. Thông thường, người ta cho rằng các dòng tu là những nơi trốn tránh thế giới (contemptus mundi) và những nơi trốn chạy trách nhiệm với thế giới, nhằm tìm cho mình ơn giải thoát cá vị. Thánh Bernard thành Clairvaux, người đã linh hướng đông đảo những thanh niên bước vào những tu viện thuộc dòng cải cách của ngài, có một cái nhìn khác xa về điều này. Theo quan điểm của ngài, các tu sĩ thực thi một công việc cho toàn thể Giáo Hội và do đó, cho toàn thế giới. Ngài đã dùng nhiều hình ảnh để minh họa cho bổn phận mà các tu sĩ phải gánh vác trước toàn thể Giáo Hội, và đương nhiên là trước nhân loại; ngài áp dụng cho họ những lời của Pseudo-Rufinus: “Nhân loại sống nhờ vào một vài người; nếu không có họ, thế giới sẽ bị hủy diệt…”[12] Ngài cho biết các tu sĩ chiêm niệm - contemplantes - phải trở thành những người lao động nông nghiệp - laborantes. Tính chất cao thượng của lao động, mà Kitô Giáo kế thừa từ Do Thái Giáo, đã được thể hiện trong những luật dòng Augustinô và dòng Biển Đức. Thánh Bernard đã lấy lại ý tưởng này lần nữa. Những thanh niên cao thượng tuôn đến những tu viện của ngài đã phải tham gia vào những việc lao động chân tay. Thật ra, Thánh Bernard đã minh nhiên khẳng định rằng tu viện không chỉ phục hồi Vườn Địa Đàng, nhưng ngài nhấn mạnh rằng, như một nơi “cầy tung sỏi đá” cách thực tiễn và thiêng liêng, tu viện phải chuẩn bị cho Vườn Địa Đàng mới. Một lô đất hoang trong rừng được khai phá mầu mỡ – và trong tiến trình đó, những cây kiêu ngạo bị đổ xuống, bất cứ nơi nào cỏ lùng đâm rễ trong tâm hồn đều được nhổ sạch, và miếng đất, do đó, được chuẩn bị cho bánh mì của thân xác và linh hồn có thể trổ sinh hoa trái[13]. Không lẽ chúng ta không nhìn thấy lần nữa, trong ánh sáng của lịch sử hiện nay, là không có một trật tự thế giới tích cực nào có thể vươn lên nơi những tâm hồn đã quá chai đá?

 

     --Ghi chú--

[6] De excessu fratris sui Satyri, II, 47: CSEL 73, 274.

[7] Ibid., II, 46: CSEL 73, 273.

[8] Cf. Ep. 130 Ad Probam 14, 25-15, 28: CSEL 44, 68-73.

[9] Cf. Catechism of the Catholic Church, 1025.

[10] Jean Giono, Les vraies richesses, Paris 1936, Preface, quoted in Henri de Lubac, Catholicisme. Aspects sociaux du dogme, Paris 1983, p. VII.

[11] Ep. 130 Ad Probam 13, 24: CSEL 44, 67.

[12] Sententiae III, 118: CCL 6/2, 215.

[13] Cf. ibid. III, 71: CCL 6/2, 107-108.

----------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo