Ngày tháng: 15/01/2025
Đang truy cập: 13

ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới - 2012 - Phần 1/2

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Hòa bình Thế giới Năm 2012 - Phần 1/2

 

     1. Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình

     Chúa đã ban cho nhân loại được bước vào năm mới. Với lòng tin tưởng và quý mến, tôi chân thành gửi đến anh chị em lời cầu chúc tốt đẹp cho tương lai chúng ta được ghi dấu ấn cụ thể của công lý và hòa bình.

     Chúng ta đón Năm Mới với tâm thế nào?

     Trong Thánh vịnh 130, chúng ta gặp một hình ảnh tuyệt đẹp. Tác giả Thánh vịnh nói người tín hữu mong đợi Chúa “hơn lính gác mong rạng đông” (c. 6), chờ Chúa với lòng trông cậy vững vàng, vì người có lòng tin đó biết rằng, niềm trông cậy sẽ mang lại ánh sáng, lòng xót thương và ơn cứu độ. Sự trông đợi này xuất phát từ kinh nghiệm của dân được tuyển chọn, nhận ra Chúa dạy họ hãy nhìn thế giới đúng như sự thật và đừng để cho đau khổ hạ gục mình. Tôi mời anh chị em hãy nhìn năm 2012 với tâm thế tin tưởng. Quả thật, năm vừa qua đã gây thêm thất vọng vì cuộc khủng hoảng càng gia tăng, tác động đến xã hội, giới lao động và nền kinh tế. Đó là cuộc khủng hoảng có nguồn gốc chủ yếu từ văn hóa và nhân học. Dường như bóng tối đã phủ xuống thời đại chúng ta, ngăn cản chúng ta nhìn thấy ánh sáng ban ngày.

     Tuy nhiên, sống giữa bóng đêm, lòng người vẫn khôn nguôi mong ngóng rạng đông như tác giả Thánh vịnh từng nói đến. Niềm trông đợi này đặc biệt mạnh mẽ và có thể thấy rõ nơi những người trẻ. Chính vì thế, tôi nghĩ đến giới trẻ, nghĩ đến khả năng đóng góp và nghĩa vụ cống hiến của giới trẻ cho xã hội. Do đó tôi muốn giới thiệu Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 45 với chủ đề về giáo dục: “Giáo dục người trẻ về Công lý và Hòa bình”, với xác tín những người trẻ có thể dùng nhiệt huyết và niềm say mê lý tưởng của mình mà đem lại cho thế giới một niềm hy vọng mới.

     Tôi cũng muốn gửi sứ điệp này đến các vị phụ huynh, các gia đình và tất cả những nhà hoạt động giáo dục và đào tạo, cũng như các vị hữu trách trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông. Quan tâm đến giới trẻ, biết đón nhận và làm cho giới trẻ được thăng tiến không chỉ là một cơ hội mà còn là nghĩa vụ cơ bản của toàn xã hội, nhằm xây đắp tương lai cho nền công lý và hòa bình.

     Vấn đề là phải giúp cho giới trẻ biết nhận định giá trị tích cực của sự sống, bằng cách gợi cho họ niềm khát khao được hiến thân phụng sự sự Thiện. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi mọi người chúng ta phải dấn thân chính mình.

     Những mối quan tâm được giới trẻ khắp thế giới bày tỏ trong thời gian gần đây đã cho thấy họ muốn hướng đến tương lai với một niềm hy vọng kiên vững. Hiện nay người trẻ đang sống trong nhiều nỗi lo âu: họ mong được tiếp nhận một nền đào tạo chuẩn bị cho họ đầy đủ hơn nữa để đương đầu với thực tại, họ thấy việc lập gia đình và kiếm việc làm ổn định thật là khó khăn, họ tự hỏi làm sao có được khả năng đóng góp thực sự vào đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị để xây dựng một xã hội mang gương mặt huynh đệ và nhân bản hơn.

     Điều quan trọng là những mối lo và nhiệt huyết có lý tưởng của người trẻ phải nhận được sự quan tâm đúng mức của mọi thành phần trong xã hội.

     Giáo Hội nhìn người trẻ với niềm hy vọng. Giáo Hội tin tưởng giới trẻ. Giáo Hội cổ võ người trẻ tìm kiếm chân lý, bảo vệ công ích, có tầm nhìn cởi mở đối với thế giới và đôi mắt nhìn ra được “những điều mới” (Is 42,9; 48,6)!

     2. Những người có trách nhiệm giáo dục

     Giáo dục là cuộc phiêu lưu hấp dẫn và khó khăn nhất trong cuộc đời. Giáo dục – trong tiếng latinh là educere – nghĩa là dẫn ra khỏi bản thân để đưa vào thực tại, hướng đến sự toàn vẹn làm cho nhân vị được lớn lên. Tiến trình này được nuôi dưỡng từ sự gặp gỡ của hai loại tự do, tự do của người trưởng thành và tự do của người trẻ. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của người thụ huấn: phải biết đón nhận sự hướng dẫn để đạt đến hiểu biết về thực tại; và cũng đòi hỏi trách nhiệm của nhà giáo dục: phải sẵn sàng cho đi chính bản thân mình. Hơn bao giờ hết điều nói trên cần phải có những chứng nhân đích thực, không phải là những người chỉ biết ban phát những chuẩn mực và cung cấp những thông tin, mà chính là những chứng nhân biết nhìn xa hơn người khác, do đã trải nghiệm một cuộc sống lớn lao. Chứng nhân chính là những người trước hết đã sống những điều mình đề nghị người khác sống theo.

     Nơi nào thực sự dạy được về Công lý và Hòa bình?

     Trước hết là gia đình, bởi cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên. Gia đình là tế bào gốc của xã hội. “Chính gia đình là nơi trẻ em được học biết những giá trị nhân bản và Kitô giáo, giúp trẻ biết cùng chung sống trong tinh thần xây dựng và hòa bình. Chính gia đình là nơi học biết sống liên đới giữa các thế hệ, biết tôn trong những chuẩn mực, biết tha thứ và đón nhận tha nhân”[1]. Gia đình là ngôi trường đầu tiên ta được dạy bảo về công lý và hòa bình.

     Chúng ta đang sống trong một thế giới mà gia đình, và ngay cả chính sự sống, không ngừng bị đe dọa và thường chịu cảnh đổ vỡ. Những điều kiện làm việc không thật thích ứng với trách nhiệm gia đình, những mối bận tâm về tương lai, nhịp sống quay cuồng, liên tục phải thay đổi chỗ ở vì sinh kế –kể cả để sống qua ngày –, rốt cuộc đã khiến cho khó lòng bảo đảm cho trẻ em được hưởng một trong những tài sản quý giá nhất là được sống với sự hiện diện của cha mẹ. Một sự hiện diện giúp trẻ em, nhờ được sống bên cha mẹ, tiến sâu vào cuộc hành trình chuyển giao kinh nghiệm và những xác tín được bồi đắp theo năm tháng. Tôi muốn nói với các bậc cha mẹ: đừng nản lòng! Các bậc cha mẹ hãy lấy đời sống của mình làm mẫu gương khuyến khích con cái: trước tiên hãy trông cậy vào Thiên Chúa. Công lý và hòa bình đích thực chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa.

     Tôi cũng muốn ngỏ lời cùng những vị hữu trách của các tổ chức giáo dục. Những nhà hữu trách, với tinh thần trách nhiệm cao, cần bảo đảm cho phẩm giá của từng con người được tôn trọng và đề cao trong mọi hoàn cảnh. Phải chăm sóc cho từng người trẻ nhận ra được thiên hướng của mình, bằng cách đồng hành với người trẻ để làm nảy nở những khả năng Chúa ban cho họ. Những vị có trách nhiệm giáo dục cần bảo đảm với các gia đình rằng con cái họ được tiếp nhận một nền giáo dục không đi ngược lại lương tâm và các nguyên tắc tôn giáo của họ.

     Mong sao mọi môi trường giáo dục đều mở ra đón nhận siêu việt và tha nhân, là nơi đối thoại, liên kết và lắng nghe, nơi người trẻ cảm thấy khả năng và nội tâm phong phú của mình được trân trọng và học biết quý trọng anh chị em của mình. Mong sao người trẻ được dạy biết cảm nhận niềm vui trong việc thực thi bác ái mỗi ngày và biết đồng cảm với tha nhân và tham gia tích cực vào việc xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn.

     Tiếp đến, đối với nhà cầm quyền, tôi yêu cầu họ phải thực sự giúp các gia đình và tổ chức giáo dục được thực hiện quyền và nghĩa vụ giáo dục của mình. Không bao giờ được bỏ qua sự trợ giúp thích đáng đối với quyền làm mẹ và làm cha. Các nhà cầm quyền phải bảo đảm rằng không ai bị từ chối khi muốn tiếp nhận sự giáo dục và các gia đình phải được tự do lựa chọn nền giáo dục phù hợp nhất đối với lợi ích con cái của họ. Các nhà cầm quyền phải cam kết giúp các gia đình bị li tán vì miếng cơm manh áo được đoàn tụ. Họ phải đưa ra được cho người trẻ một hình ảnh trong sáng về chính trị, hình ảnh về sự phục vụ đích thực đối với lợi ích của mọi người.

     Ngoài ra tôi không thể không kêu gọi giới truyền thông hãy cống hiến những đóng góp riêng của mình cho giáo dục.

     Trong xã hội ngày nay, truyền thông đại chúng giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ thông tin mà còn định hình tinh thần cho người tiếp nhận, vì thế còn có thể đóng góp đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Điều quan trọng là đừng bao giờ quên giữa giáo dục và truyền thông có mối liên hệ rất chặt chẽ. Quả thật, giáo dục diễn ra qua các phương tiện truyền thông, truyền thông có ảnh hưởng, tích cực hoặc tiêu cực, đến sự đào luyện con người.

     Người trẻ cũng cần can đảm trước hết sống chính những điều mình đòi hỏi người khác. Đây là trọng trách cần được người trẻ quan tâm: phải có năng lực để sử dụng tự do một cách hữu hiệu và có ý thức. Người trẻ cũng phải có trách nhiệm tự giáo dục và đào luyện mình về công lý và hòa bình..

 

Chú thích:

[1] Bênêđictô XVI, Diễn văn cho các nhà chức trách miền Lazio, thành phố và tỉnh Roma (14 tháng Giêng 2011): L’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 3171 (ngày 10 tháng Hai 2011), trang 13.

---Còn tiếp---

zalo
zalo