Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Hội Giáo hoàng truyền giáo - Phần 1/3
Anh chị em thân mến!
Tôi đã quyết định tham dự Đại hội thường niên năm nay với anh chị em vào lễ Chúa Lên Trời ngày 21/05. Nhưng cơn đại dịch làm đảo lộn tất cả, đại hội đã bị hủy bỏ. Vì thế tôi xin gởi đến tất cả anh chị em sứ điệp này nhằm chia sẻ với anh chị em những tâm tình của tôi. Đối với tôi, việc cử hành lễ trọng này trong bối cảnh khác thường năm nay, dường như gợi lên nhiều ý nghĩa hơn cho hành trình cũng như sứ vụ của mỗi người chúng ta và của toàn thể Hội Thánh.
Chúng ta cử hành lễ Chúa Lên Trời với niềm hân hoan phấn khởi, mặc dầu đây là ngày lễ tưởng nhớ việc Chúa Giêsu giã từ trần thế và các môn đệ của Người. Chúa đã lên trời và phụng vụ của Giáo hội Đông phương diễn tả vẻ ngạc nhiên bỡ ngỡ của các thiên thần khi nhìn thấy một con người với xác phàm lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên khi Chúa Giêsu sắp lên trời, các môn đệ của Người dường như vẫn chưa hiểu rõ những gì đang thực sự xảy ra mặc dầu họ đã thấy Chúa sống lại. Chúa Giêsu sắp khai mở Vương quốc hoàn hảo của Người mà họ thì vẫn loay hoay phỏng đoán thế này thế khác. Họ hỏi có phải Người sắp khôi phục vương quốc Israel hay không (x. Cv 1,6). Nhưng như thánh Luca thuật lại, khi Chúa Giêsu đã rời xa, họ quay trở lại Giêrusalem lòng tràn ngập niềm vui thay vì buồn sầu (x. 24,52). Điều này thật lạ lùng. Chắc hẳn đã xảy ra chuyện gì đó. Đúng vậy, Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên họ vào dịp lễ Ngũ tuần. Đây chính là phép lạ làm thay đổi mọi sự. Họ thấy vững tâm hơn khi phó thác tất cả cho Chúa. Lòng họ tràn đầy niềm vui vì tràn đầy niềm ủi an, tràn đầy sự hiện diện của Chúa.
Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galát rằng việc các Tông đồ tràn đầy niềm vui không phải là tác động của cảm xúc hài lòng và phấn khởi. Đây là niềm vui ngập tràn mà ta chỉ có thể cảm nghiệm như hoa trái và ân huệ của Chúa Thánh Thần (x. 5,22). Nhận được niềm vui của Thần Khí là một ân huệ. Và đây là sức mạnh duy nhất mà chúng ta có thể có, để đi loan báo Tin Mừng, để tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Đức Tin là điều chứng thực cho niềm vui Chúa đã ban. Con người không thể tự mang lại cho mình niềm vui như thế.
Trước khi từ biệt, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Người sẽ sai Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi đến với họ. Và như thế hoạt động tông đồ của Hội Thánh cũng được Chúa ủy thác cho Chúa Thánh Thần, trong suốt dòng lịch sử cho tới khi Người lại đến. Mầu nhiệm Chúa Lên Trời, cùng với sự tuôn trào Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần, vĩnh viễn khắc ghi và chuyển giao cho sứ vụ của Hội Thánh một đặc tính nền tảng sâu kín nhất của mầu nhiệm này: đây là công trình của Chúa Thánh Thần chứ không phải là thành quả của những toan tính và ý định của con người. Đặc tính nền tảng này có thể làm cho sứ vụ của Hội Thánh thêm phong phú và giữ cho sứ vụ đó thoát khỏi mọi ảo tưởng tự mãn, khỏi cơn cám dỗ bắt giữ thân xác đã lên trời của Chúa Kitô làm con tin, phục vụ cho những kế hoạch quyền lực mang tính giáo sĩ trị.
Trong sứ vụ của Hội Thánh, khi những hoạt động hiện nay và đầy hữu hiệu của Chúa Thánh Thần không được đón nhận và đánh giá đúng, thì ngay cả những ngôn từ dùng cho việc truyền giáo, dù được suy nghĩ và chọn lọc cẩn thận, cũng trở thành “những lý lẽ khôn ngoan của loài người”, để tôn vinh chính mình hay để kìm nén và che đậy sự trống rỗng nội tâm của mình mà thôi.
Niềm vui của Tin Mừng
Ơn cứu độ chính là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Người yêu thương và tha thứ cho ta khi ban Thánh Thần để an ủi và bảo vệ ta. Ơn cứu độ không phải là kết quả từ những sáng kiến truyền giáo của chúng ta, cũng không phải là thành quả của việc chúng ta nói về Ngôi Lời nhập thể. Ơn cứu độ chỉ có thể đến với mỗi người nhờ cuộc gặp gỡ Đấng kêu gọi chúng ta. Bởi thế khởi đầu và chỉ có thể được khởi đầu mầu nhiệm của việc được yêu và được chọn với sự thôi thúc của niềm vui, của lòng biết ơn. “Niềm vui lớn lao” của các phụ nữ sầu khổ vào sáng sớm lễ Vượt Qua chính là niềm vui của Tin Mừng, khi họ ra mộ Chúa Kitô và thấy ngôi mộ trống, thế rồi họ là những người đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh và chạy đi báo tin cho các môn đệ khác (x. Mt 28,8-10). Chỉ khi được chọn và được yêu quý như thế, chúng ta mới có thể minh chứng cho toàn thế giới thấy vinh quang của Chúa Kitô Phục sinh qua chính cuộc sống của mình.
Trong mọi tình huống cuộc đời, chứng nhân là người xác nhận điều mà ai đó đã thực hiện. Theo nghĩa này và chỉ theo nghĩa này chúng ta mới có thể là chứng nhân cho Chúa Kitô và cho Thần Khí của Người. Theo trình thuật kết thúc Tin Mừng theo thánh Máccô, sau khi Chúa lên trời, các Tông đồ và các môn đệ “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ngài, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời rao giảng của các ngài (16,20). Chúa Kitô, nhờ Thánh Thần, tự minh chứng về mình qua những hoạt động Người hoàn thành nơi chúng ta và với chúng ta. Thánh Augustinô đã giải thích, Hội Thánh sẽ chẳng cầu xin Chúa ban đức tin cho những người không biết Chúa Kitô, nếu Hội Thánh không tin rằng chính Thiên Chúa hướng lòng và lôi kéo ý chí của họ về với Người. Hội Thánh sẽ không dạy con cái mình cầu xin Chúa cho được vững tin vào Chúa Kitô nếu Hội Thánh không tin rằng chính Chúa nắm giữ tâm hồn chúng ta. Thực vậy, nếu Hội Thánh đã cầu xin Chúa ban cho những điều đó mà lại nghĩ có thể tự lo liệu lấy, thì có nghĩa là mọi lời cầu của Hội Thánh chỉ là những công thức trống rỗng, “những cách nói”, những câu đãi bôi theo nghi lễ của Giáo hội chứ không phải là những lời cầu nguyện chân thực[1].
Nếu chúng ta không thừa nhận đức tin là ân huệ của Thiên Chúa thì cả những lời cầu mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa cũng đều là vô nghĩa. Và qua những lời cầu này chúng ta chẳng diễn tả được ước muốn chân thành nào mong cho người khác và cho những ai chưa nhận biết Chúa Kitô Phục sinh được hưởng hạnh phúc và ơn cứu độ, mặc dầu chúng ta có dành nhiều thời gian tổ chức để thế giới quy thuận Kitô giáo.
Chính Chúa Thánh Thần nhen nhóm và bảo vệ đức tin trong các tâm hồn và việc nhận ra điều này mới làm tất cả thay đổi. Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần thắp lên và linh hoạt sứ vụ loan báo Tin Mừng, ghi lên đó những đặc điểm “căn cội”, những dấu nhấn và từng hành vi một vốn làm cho việc loan báo Tin Mừng và tuyên xưng đức tin Kitô giáo trở nên khác với mọi kiểu vận động chính trị hay văn hóa, tâm lý hay tôn giáo. Tôi đã đề cập nhiều về các đặc điểm của việc truyền giáo trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), ở đây tôi chỉ nhắc lại một vài điểm.
Sự lôi cuốn. Mầu nhiệm cứu độ đi vào thế giới và tiếp tục hoạt động qua sự lôi cuốn. Sự lôi cuốn của mầu nhiệm cứu độ có thể chinh phục trái tim con người, bởi lẽ sự lôi cuốn này thì hấp dẫn và tỏ ra hấp dẫn hơn những quyến rũ của thói ích kỷ vốn là hậu quả của tội lỗi. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (6,44). Hội Thánh không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng lý do khiến người ta theo Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng của Người đó là vì hấp lực của chính Chúa Giêsu và Thần Khí của Người. Đức thánh cha Bênêđictô đã khẳng định: Hội Thánh trên toàn cầu có lớn mạnh là nhờ sự lôi cuốn chứ không bằng cách chiêu dụ[2]. Thánh Augustinô đã nói rằng Chúa Kitô tỏ mình ra cho ta bằng cách quyến rũ ta. Và để minh họa cho sự lôi cuốn này, ngài trích dẫn bài thơ của Virgil, theo đó mỗi người được thu hút bởi điều người đó yêu thích. Chúa Giêsu không chỉ thuyết phục ý chí chúng ta thuận theo mà còn lôi kéo sự yêu thích của chúng ta nữa[3]. Nếu có ai theo gót Chúa Giêsu vì hạnh phúc bởi được Chúa lôi cuốn, những người khác sẽ nhận ra và có thể ngạc nhiên vì điều đó. Niềm vui hiển lộ nơi những ai được Chúa Kitô và Thần Khí của Người lôi kéo, niềm vui đó có thể làm cho mỗi sáng kiến truyền giáo đều trổ sinh hoa trái dồi dào.
Lòng biết ơn và tính nhưng không. Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn rạng rỡ trên nền tảng của việc nhớ ơn. Các Tông đồ chẳng bao giờ quên được giây phút Chúa Giêsu chạm đến tâm hồn họ: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1,39). Thực tại của Hội Thánh tỏa sáng khi Hội Thánh biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa vì những sáng kiến nhưng không của Người, bởi lẽ “chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta” trước (1Ga 4,10), và bởi lẽ “chỉ có Thiên Chúa làm cho lớn lên” (1Cr 3,7). Sự ưu ái đầy yêu thương của Chúa làm chúng ta ngạc nhiên và bởi bản chất của nó, sự ngạc nhiên không thể bị chúng ta chiếm hữu hay tự áp đặt cho chính mình. Chúng ta không thể “cố gắng ngạc nhiên”. Chỉ bằng cách ngạc nhiên, phép lạ của lòng biết ơn, của ân huệ tự bản chất là nhưng không mới có thể nảy nở. Chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có được lòng nhiệt thành truyền giáo bằng cách lý luận hay tính toán. Tự đặt mình vào “tâm thế truyền giáo” đã là phản ánh của lòng biết ơn. Đó là lời đáp do lòng biết ơn, nhờ thế con người trở nên ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần và do đó có được tự do. Nếu không cảm nhận được lòng ưu ái của Chúa, Đấng làm cho chúng ta biết ơn, thì ngay cả việc hiểu biết chân lý và hiểu biết chính Thiên Chúa, vốn được xem như việc thủ đắc bằng sức riêng, rốt cuộc cũng sẽ trở thành trường hợp “chữ viết thì giết chết” (x. 2Cr 3,6), Như thánh Phaolô và thánh Augustinô đã là những người đầu tiên chứng tỏ điều đó. Chỉ với sự tự do của lòng biết ơn người ta mới thực sự biết Chúa. Ngược lại, sẽ là vô ích và không thích đáng nếu cứ khăng khăng triển khai các hoạt động truyền giáo và loan báo Tin Mừng như thể đó là bổn phận bắt buộc, một loại “hợp đồng bắt buộc” của những người chịu Phép rửa.
Lòng khiêm tốn. Nếu sự thật và đức tin, nếu hạnh phúc và ơn cứu độ không thuộc về của chúng ta, không phải là mục tiêu chúng ta đạt được do công trạng của mình, thì Tin Mừng của Chúa Kitô chỉ có thể được loan báo với lòng khiêm hạ. Chẳng bao giờ chúng ta có thể nghĩ rằng mình phục vụ sứ mạng loan Tin Mừng, khi các cá nhân và qua các tổ chức quan liêu, hành xử cách cao ngạo, với tính kiêu căng; họ khiến cho ngay cả các ơn ích của bí tích và những lời nói xác thực nhất của đức tin Kitô giáo cũng bị méo mó khi xem đấy là chiến lợi phẩm có được do công trạng của mình. Không phải vì là người có giáo dục, cũng không phải vì muốn tỏ ra dễ mến mà chúng ta có thể sống khiêm tốn. Chúng ta sẽ sống khiêm tốn nếu đi theo Chúa Kitô, Đấng đã nói với các môn đệ: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Thánh Augustinô đã tự hỏi tại sao Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, lại tỏ mình ra cho các môn đệ của mình mà không tỏ ra cho những kẻ đã đóng đinh Người; ngài trả lời rằng Chúa Giêsu không muốn tạo ấn tượng rằng “cách nào đó Chúa có ý thách thức những kẻ đã sát hại Người. Thực vậy, đối với Chúa, dạy cho bạn hữu về sự khiêm hạ thì quan trọng hơn là phơi bày sự thật trước kẻ thù” (Khảo luận 284, 6).
Tạo thuận lợi chứ không làm phức tạp. Một đặc điểm khác của hoạt động truyền giáo đích thực đó là quy chiếu đến sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu, Đấng mà trong các trình thuật của Tin Mừng, với lòng thương xót đã luôn luôn đồng hành với những tiến triển của con người. Một bước tiến nhỏ, giữa những giới hạn của thân phận con người, có thể làm Thiên Chúa hài lòng hơn là những bước sải dài của những kẻ chẳng gặp thử thách lớn lao nào trong cuộc sống. Người mang con tim truyền giáo sẽ nhận biết những hoàn cảnh thực và những con người thực sống trong hoàn cảnh đó, với những giới hạn, tội lỗi và mỏng giòn của họ, đồng thời trở nên “yếu đuối với những người yếu đuối” (1Cr 9,22). Trong sứ vụ truyền giáo, “đi ra” những vùng ven của nhân loại không có nghĩa là đi lang thang không định hướng, không ý nghĩa, như những người bán hàng vì nôn nóng sốt ruột nên than trách dân chúng quá ngây thơ chất phác không quan tâm đến hàng hóa của họ. Đôi khi vấn đề là phải đi chậm lại để đồng hành với những người bị rơi rớt dọc đường. Đôi khi phải bắt chước người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, luôn để cửa mở và mỗi ngày nhìn về phía cuối chân trời ngóng trông con trở về (x. Lc 15,20). Hội Thánh không phải là cơ quan thuế vụ và những ai tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh được mời gọi đừng chất thêm gánh nặng vô ích lên cuộc sống con người vốn đã vất vả, cũng đừng
áp đặt những học trình giáo lý rườm rà và nặng nề để có được điều mà Chúa đã dễ dãi tặng ban. Đừng cản trở ý muốn của Chúa Giêsu, Đấng đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, đã chữa lành và cứu độ tất cả chúng ta.
Gần gũi trong đời thực. Chúa Giêsu đã gặp các môn đệ đầu tiên của Người trên bờ hồ Galilêa khi họ đang mải mê làm việc. Người không gặp họ trong một hội nghị, trong một cuộc hội thảo chuyên đề hay ở đền thờ. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu vốn luôn được loan báo cho con người khi họ đang sinh sống, nghĩa là nơi họ đang ở và trong tình trạng họ đang là. Cuộc sống bình thường của mỗi người với các nhu cầu, hy vọng và vấn đề của họ chính là nơi chốn và điều kiện để những ai đã nhận biết tình yêu của Chúa Kitô và đón nhận Chúa Thánh Thần có thể giải thích cho người khác khi họ được hỏi về lòng tin, niềm hy vọng và đức ái. Điều này được thực hiện khi có sự đồng hành với người khác, khi ở bên cạnh mỗi người. Đặc biệt là ngay lúc này đây, vấn đề không phải là vẽ ra những chương trình huấn giáo “chuyên biệt”, tạo ra một thế giới song hành, thổi những chiếc bong bóng truyền thông nhằm hô vang khẩu hiệu và những tuyên bố mang ý đồ của chính mình, rốt cuộc chỉ là “những tuyên ngôn thùng rỗng kêu to”, ru ngủ con người. Để thí dụ, tôi đã đôi ba bận nhắc lại rằng trong Giáo hội có những người đã cường điệu không ngừng hô vang khẩu hiệu “Đây là thời của giáo dân!”, đồng thời lại bình chân như vại.
“Cảm thức đức tin” của Dân Thiên Chúa. Trong thế giới này có một thực tại nhận được “khứu giác” về Chúa Thánh Thần và về các hoạt động của Người. Đó là Dân Thiên Chúa. Dân Thiên Chúa được Chúa Giêsu kêu gọi và yêu thương, thế rồi đến lượt họ, Dân Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm Người và luôn thỉnh ý Người khi cuộc sống có những nỗi âu lo. Dân Thiên Chúa khẩn nài ân huệ của Thần Khí Chúa: họ trao gởi các ước nguyện của mình nơi những lời cầu xin đơn sơ và không bao giờ dung dưỡng sự ngạo mạn tự mãn của mình. Dân thánh của Thiên Chúa được Chúa quy tụ và xức dầu. Chính nhờ việc xức dầu này, Dân thánh của Thiên Chúa trở nên không thể sai lầm “trong đức tin”, như truyền thống Giáo hội đã dạy. Hoạt động của Chúa Thánh Thần là trang bị cho Dân tin Chúa một “bản năng” đức tin – sensus fidei – giúp họ không mắc sai lầm khi tin những điều liên quan đến Thiên Chúa, mặc dù không biết đến những lý luận và công thức thần học để định nghĩa những ân huệ mà họ cảm nhận. Dân lữ hành, với lòng đạo đức bình dân, tiến về các đền thánh, phó thác cho Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh. Mầu nhiệm của dân lữ hành này tỏ ra phù hợp với sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa, không nhất thiết tuân theo những kế hoạch mục vụ.
Chú thích:
[1] Ơn kiên vững. Gởi Prosper và Hilary, 23, 63
[2] Bài giảng thánh lễ khai mạc hội nghị khoáng đại lần thứ năm của Liên Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê, Aparecida, 13.05.2007: ASS 99 [2007], 437
[3] Diễn giải Tin Mừng theo thánh Gioan, 26, 4
---Còn tiếp---