Ngày tháng: 12/05/2025
Đang truy cập: 9

ĐGH Phanxico, Sứ Điệp Gửi Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo - Phần 2/3 - 2020

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Hội Giáo hoàng truyền giáo - Phần 2/3

 

Lòng yêu thương dành cho những người nhỏ bé và khó nghèo. Mọi thôi thúc truyền giáo, nếu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đều biểu lộ lòng yêu thương đối với những người bé nhỏ nghèo hèn như dấu chỉ và phản ánh lòng ưu ái của Chúa đối với họ. Những người trực tiếp thực hiện các sáng kiến truyền giáo và thuộc cơ cấu truyền giáo của Giáo hội chớ bao giờ biện minh cho sự vô tâm của mình đối với những người nghèo khổ với lời bào chữa rất phổ biến trong giới giáo sĩ là phải dồn công sức cho những nhiệm vụ truyền giáo cấp bách. Đối với Hội Thánh, lòng thương yêu người nghèo không phải là việc tùy chọn.

Những hoạt động tích cực và cách tiếp cận được mô tả trên đây thuộc về sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh vốn nhờ Chúa Thánh Thần mà hoạt động. Các tuyên ngôn và diễn từ của Hội Thánh thường thừa nhận và khẳng định vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần, như là nguồn mạch truyền giáo của Hội Thánh. Tuy nhiên việc thừa nhận như thế đôi khi chỉ là một “nghi thức tôn vinh” Ba Ngôi chí thánh, một công thức ước lệ dùng để mở đầu những bài tham luận thần học và các kế hoạch mục vụ. Trong Giáo hội có biết bao tình huống ở đó tính ưu việt của ân sủng chỉ còn như một định đề lý thuyết, một công thức trừu tượng. Từ đó nhiều sáng kiến và cơ chế nối kết với Hội Thánh, thay vì để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, cuối cùng chỉ tự quy chiếu về mình mà thôi. Biết bao cơ quan trong Giáo hội, ở mọi cấp độ, dường như bị giày vò bởi nỗi ám ảnh thăng tiến chính mình và những sáng kiến của mình, như thế đấy mới là mục tiêu và viễn tượng truyền giáo của họ.

Cho tới đây tôi có ý nhắc và đề nghị lại các tiêu chuẩn cùng những điểm chính yếu trong việc truyền giáo của Giáo hội mà tôi đã khai triển đầy đủ hơn trong Tông huấn Evangelii gaudium. Tôi làm thế vì tin rằng thật hữu ích và hiệu quả, thậm chí là cấp thiết nữa, để các Hội Giáo hoàng truyền giáo có dịp lượng giá các tiêu chuẩn và đề nghị này, cho hành trình của Hội.

Các Hội Giáo hoàng truyền giáo (HGHTG) và thời hiện tại. Các tài năng phải phát triển, các cám dỗ và căn bệnh phải tránh

Mục tiêu hiện tại và tương lai mà các HGHTG cần hướng đến là gì? Những trở ngại nào có nguy cơ làm trì trệ bước tiến của các Hội Truyền Giáo?

Xét về diện mạo, nghĩa là nói về căn tính, các HGHTG được nhận biết bởi một số nét đặc trưng, có thể nói là thuộc nguồn gốc hoặc được thủ đắc dần theo tiến trình lịch sử. Những nét đặc trưng này thường bị lãng quên hoặc xem như điều dĩ nhiên. Thế mà sự đóng góp của “mạng lưới” các Hội Truyền Giáo cho sứ vụ phổ quát mà cả Giáo hội được kêu gọi thực hiện có được duy trì và mang lại giá trị hay không lại phụ thuộc vào chính những nét đặc trưng này, nhất là trong giai đoạn hiện tại.

Các Hội Truyền Giáo đã tự phát hình thành bởi lòng nhiệt thành truyền giáo vốn là sự bày tỏ đức tin của những người đã chịu Phép rửa. Giữa Các Hội Truyền Giáo và cảm thức đức tin (sensus fidei) không thể sai lầm của các tín hữu Dân Thiên Chúa khi tin (in credendo) luôn luôn tồn tại một sự hòa hợp thâm sâu, thân mật.

Ngay từ khởi đầu, các Hội Truyền Giáo đã bước đi trên hai “đường ray” hay đúng hơn đã tiến bước dọc theo hai bờ đê sóng đôi mà Dân Thiên Chúa luôn cảm nhận từ tâm hồn mình sự thân thuộc qua dạng thức đơn sơ mộc mạc của nó: bờ đê của cầu nguyện và bờ đê của bác ái, dưới hình thức từ thiện, vì “việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tb 12,9) và “bác ái nhiệt tâm… che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8). Những nhà khởi xướng của các Hội Truyền Giáo, khởi đi từ Pauline Jaricot, không sáng tạo ra những lời cầu nguyện và những hoạt động mà họ gởi gắm vào đó ước muốn loan báo Tin Mừng của mình. Đơn giản là họ đã rút tỉa các việc lành đó từ kho tàng vô tận của các nghĩa cử quen thuộc và thông thường nhất mà Dân Thiên Chúa lữ hành trong lịch sử vẫn thực hiện.

Các Hội Truyền Giáo, phát sinh cách tự phát giữa Dân Thiên Chúa, với hình thức tổ chức đơn giản và cụ thể, đã được Giáo hội tại Rôma và các Giám mục của Rôma thừa nhận và trân trọng. Vào thế kỷ trước, các vị này đã xin được quyền tiếp nhận các Hội Truyền Giáo để dùng như khí cụ đặc biệt phục vụ Giáo hội hoàn vũ. Vì lý do này, tính chất “Giáo hoàng” được gắn liền với Hội. Từ đó, việc trở thành khí cụ phục vụ để hỗ trợ các Giáo hội địa phương trong việc loan báo Tin Mừng là đặc điểm nổi bật nơi diện mạo của Hội Giáo hoàng Truyền giáo (HGHTG). Cũng bởi lý do này các HGHTG được trao dâng để dễ dàng sử dụng như khí cụ phục vụ Giáo hội, trong thừa tác vụ hoàn vũ được Đức thánh cha và Giáo hội tại Rôma đảm nhiệm, nơi “điều hành trong đức ái”. Theo ý hướng này, với con đường riêng của mình và không đi vào những cuộc tranh luận thần học phức tạp, các HGHTG đã phủ nhận lý lẽ không đúng của những người, ngay cả trong giới giáo sĩ, đặt các đặc sủng đối lập với các thể chế, họ luôn đọc mối tương quan giữa các thực tại này qua cái nhìn đầy sai lầm giả dối của “phép biện chứng về các nguyên lý”. Thế mà trong Hội Thánh, cả các yếu tố mang tính cấu trúc thường hằng – như các bí tích, chức linh mục và sự kế tục các Tông đồ – vẫn tiếp tục được Chúa Thánh Thần tái tạo và không phải là những gì Hội Thánh tùy ý sử dụng như những điều thiện hảo do thủ đắc mà có[4].

Ngay khi mới được truyền bá, các HGHTG đã được tổ chức như một hệ thống huyết mạch lan tỏa trong Dân Thiên Chúa, gắn chặt toàn vẹn và thực sự “ăn khớp” với mạng lưới các thể chế và thực tại đã có trong Giáo hội, như các giáo phận, giáo xứ và dòng tu. Những người dấn thân hoạt động trong các Hội Truyền Giáo đã không bao giờ sống và quan niệm ơn gọi đặc thù của mình như một con đường có khả năng thay thế, hay là phần phụ thuộc “nằm bên ngoài” các dạng thức bình thường trong đời sống sinh hoạt của các Giáo hội địa phương. Việc vận động cầu nguyện và quyên góp cho sứ vụ truyền giáo luôn được thực hiện nhằm phục vụ cho sự hiệp thông của Hội Thánh.

Các HGHTG như mạng lưới dần dần theo thời gian lan tỏa khắp các lục địa, và với chính hình thức tổ chức đó, đã phản ánh tính đa dạng về sắc thái, điều kiện, vấn đề và sự tặng hiến, tất cả làm rõ nét sức sống của Hội Thánh ở những nơi khác nhau trên thế giới. Tính đa nguyên này có thể bảo vệ [Hội Thánh] thoát khỏi nguy cơ thừa nhận một ý thức hệ và các nền văn hóa đơn cực. Theo nghĩa này, người ta cũng có thể cảm nghiệm mầu nhiệm phổ quát của Giáo hội qua các HGHTG, nơi đây Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để tạo sự hòa hợp giữa những tiếng nói khác nhau, trong khi với vai trò phục vụ đức ái, Vị Giám mục Rôma bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin, ngay cả qua các HGHTG.

Tất cả những đặc tính mô tả trên đây có thể giúp cho các HGHTG thoát khỏi những cạm bẫy và các căn bệnh cản trở hành trình của Hội và của biết bao thể chế Giáo hội khác nữa. Tôi xin nêu lên một vài điểm.

Các cạm bẫy phải tránh

Vị ngã. Vượt khỏi thiện ý cá nhân, đôi khi các tổ chức và thực thể của Giáo hội rốt cuộc lại vị ngã, dành sức lực và ưu tiên cho việc

tự đề cao và quảng bá các sáng kiến của riêng mình. Lại có những tổ chức và thực thể khác dường như bị thống trị bởi mối ám ảnh phải liên tục xác định lại tầm quan trọng và vị trí của mình trong Giáo hội, với lẽ biện minh là muốn phục hồi sứ vụ của mình cho tốt hơn. Bởi đó – như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã từng đề cập – người ta nuôi dưỡng cả ý tưởng giả dối rằng một người càng là Kitô hữu thì càng có chỗ trong những cấu trúc bên trong của Giáo hội, trong khi trên thực tế hầu như tất cả những người chịu Phép rửa đều sống đức tin, đức cậy, đức mến trong cuộc sống bình thường của họ, mà không hề xuất hiện trong các ủy ban Giáo hội và cũng không chú tâm đến những phát triển chính sách mới nhất của Giáo hội[5].

Bận tâm chỉ đạo. Đôi khi có chuyện các thể chế và tổ chức được thành lập để trợ giúp các cộng đoàn Hội Thánh sử dụng những ơn được Chúa Thánh Thần ban cho các cộng đoàn đó, nhưng rồi càng về sau người ta càng đòi phải có quyền tối cao và kiểm soát các cộng đoàn mà họ phải phục vụ. Thái độ này hầu như luôn kèm theo giả định đòi thực thi vai trò người “được ủy thác” và người cấp phép. Thực tế, trong những trường hợp này chúng ta hành xử như thể Giáo hội là kết quả của việc chúng ta phân tích, lên chương trình, đồng ý và ra quyết định vậy.

Thuộc thành phần tinh hoa. Nhiều khi những người thuộc về các tổ chức và các thực tại được tổ chức trong Giáo hội có cảm tưởng mình là tinh hoa, thuộc tầng lớp cao quý, tuy ý tưởng này không được nói ra. Một tầng lớp chuyên gia vượt trội tìm cách mở rộng không gian của mình, trong sự đồng lõa hoặc cạnh tranh với những thành phần tinh hoa khác trong Giáo hội, đồng thời huấn luyện các thành viên của mình theo những hệ thống và cách lý luận trần tục mang tính thắng thua hoặc thẩm quyền kỹ thuật chuyên nghiệp, luôn luôn với chủ đích là đẩy mạnh đặc quyền thống trị của mình.

Tách rời khỏi dân chúng. Cơn cám dỗ thuộc giới tinh hoa trong một số thực thể liên kết với Giáo hội đôi khi kèm theo cảm giác bề trên và không khoan nhượng đối với những người chịu Phép rửa, đối với Dân Thiên Chúa là những người có thể thường xuyên đến giáo xứ và các đền thánh, nhưng không thuộc về số những người “tích cực” dấn thân trong các tổ chức Công Giáo. Trong những trường hợp này, Dân Thiên Chúa cũng được xem như một đám đông trì trệ, luôn cần được thúc đẩy và động viên với “ý thức” dùng các lý lẽ, lời kêu gọi hay dạy bảo để khích lệ. Người ta hành động như thể sự vững mạnh của đức tin là kết quả của luận chứng thuyết phục hay của các phương pháp đào tạo.

Lý thuyết trừu tượng. Khi vị ngã, các tổ chức và các định chế liên kết với Giáo hội không còn tiếp xúc với thực tại và mắc chứng bệnh lý thuyết trừu tượng. Người ta mở thêm nhiều địa điểm khai triển chiến lược cách không cần thiết, nhằm tạo ra các kế hoạch và đường lối hướng dẫn chỉ dùng để tự quảng cáo cho những người sáng chế ra chúng. Người ta xem xét các vấn đề và phân tách chúng trong các phòng nghiên cứu mang tính trí thức, ở đó tất cả đều được chế ngự, được đánh bóng theo những ý thức hệ ưa thích hơn. Tách ra khỏi bối cảnh thực, tất cả đều có thể bị biến hóa thành điều hão huyền, giả tạo, ngay cả những điểm quy chiếu đến đức tin hay những lời kêu cầu Chúa Giêsu và Thánh Thần.

Duy hiệu năng. Ngay cả trong Giáo hội, các tổ chức vị ngã và xem mình thuộc thành phần tinh hoa, rốt cuộc, thường nhất nhất rập khuôn theo các mô hình hiệu quả trần thế, như các mô hình cạnh tranh khốc liệt trong lãnh vực kinh tế hay xã hội. Sự chọn lựa duy hiệu năng khiến người ta an tâm với ảo tưởng rằng họ đã “dàn xếp các vấn đề” cách ổn thỏa, kiểm soát được mọi chuyện, gia tăng tầm quan trọng của mình, cải thiện sự quản trị của các cơ cấu hiện hành. Tuy nhiên như tôi đã nói với anh chị em trong buổi gặp gỡ năm 2016, một Giáo hội e ngại không dám phó thác cho ân sủng của Chúa Kitô mà chỉ chú trọng đến tính hiệu quả của bộ máy quan liêu là một Giáo hội đã chết, mặc dầu các cấu trúc và chương trình có lợi cho các giáo sĩ và giáo dân “duy hoạt động” hẳn sẽ còn kéo dài hàng nhiều thế kỷ.

Các lời khuyên cho cuộc hành trình

Nhìn vào hiện tại, hướng đến tương lai và tìm xem những phương cách giúp các HGHTG vượt qua những cạm bẫy giăng mắc trên đường để có thể tiến bước, xin cho phép tôi đưa ra một vài đề nghị, giúp anh chị em phân định. Vì anh chị em cũng đã bắt đầu tiến trình xem xét lại các HGHTG và muốn được Đức thánh cha chỉ dẫn và gợi ý, tôi đề nghị anh chị em chú ý một số tiêu chuẩn và những điểm tổng quát, không cần đi sâu vào chi tiết vì tùy theo hoàn cảnh anh chị em có thể phải thích ứng và thay đổi.

1) Với những gì có thể và không suy diễn quá đáng, anh chị em hãy bảo vệ hoặc tái khám phá sự hòa nhập của các HGHTG giữa lòng Dân Thiên Chúa, sự thích ứng của các HGHTG với cuộc sống thực nơi các Hội Truyền Giáo đã phát sinh. Sẽ là việc thiện ích khi “dìm mình” sâu hơn vào cuộc đời thực của con người, như chúng vốn là. Thật tốt đẹp khi mỗi người ra khỏi những vấn đề cá nhân khép kín của riêng mình trên hành trình theo Chúa Giêsu. Phải hạ mình đi vào những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, ngay cả bằng cách chăm chút hay thử phục hồi cách hành động và tiếp xúc theo kiểu hệ thống huyết mạch [ban đầu] của các HGHTG, trong sự liên đới chặt chẽ với mạng lưới Giáo hội (các giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn, nhóm). Nếu ưu tiên cho sự hòa nhập vào Dân Thiên Chúa, với ánh sáng và khó khăn của nó, chúng ta có thể thoát khỏi cạm bẫy của lý thuyết trừu tượng cách dễ dàng hơn. Cần phải giải quyết các vấn đề và đáp ứng các nhu cầu thực, hơn là lo thiết lập công thức và đề xuất các kiến nghị. Có lẽ các trực giác hữu ích có thể nảy sinh từ chính cách tiếp cận từng người trong đời thường, chứ không từ những nhóm khép kín hay từ những phân tích lý thuyết về sự năng động nội tại của mình, nhờ thế những quy trình hoạt động của Hội được thay đổi và cải thiện, thích ứng với những bối cảnh và tình huống khác nhau.

2) Tôi đề nghị phải làm sao để hệ thống tổ chức cốt lõi của các HGHTG vẫn nối kết với các thực hành cầu nguyện và quyên góp cho việc truyền giáo. Thiết chế này thật quý báu và đắt giá bởi đặc tính đơn giản và cụ thể của nó, diễn tả nét tương hợp của các HGHTG với đức tin của Dân Thiên Chúa. Cần phải linh hoạt và thích nghi, nhưng không được quên lãng hay làm biến chất ý định căn bản này của các HGHTG. Chính trong cách thức đơn sơ và cụ thể của việc cầu xin Chúa, Đấng khai mở các con tim để chúng đón nhận Tin Mừng và việc mời gọi tất cả hỗ trợ cách cụ thể cho việc truyền giáo mà ngay vào lúc này mỗi người có thể vui mừng cảm thấy ước muốn tìm gặp và gần gũi với tất cả những gì chỉ thuộc về Giáo hội mà thôi, ngay cả trong hoàn cảnh tai ương dịch bệnh đang đe dọa khắp nơi. Vậy anh chị em hãy tìm ra những con đường mới, các thể thức mới để phục vụ; tuy nhiên, khi làm thế, đừng phức tạp hóa những gì vốn đã là đơn giản.

3) Các HGHTG được và phải được nhìn nhận như dụng cụ phục vụ cho sứ vụ truyền giáo của các Hội Thánh địa phương, trong viễn cảnh sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh toàn cầu. Sự đóng góp của các Hội Truyền Giáo vào việc loan báo Tin Mừng, vốn luôn được xem là quý giá, hệ tại ở chức năng dụng cụ này. Tất cả chúng ta, bằng tình yêu và lòng biết ơn và cả qua những hoạt động của mình, được mời gọi canh giữ các mầm sống thần linh được Thần Khí của Chúa Kitô làm nảy nở và phát triển nơi đâu Thần Khí muốn, cho dù đó là sa mạc khô cằn. Tôi xin anh chị em khi cầu nguyện, hãy vui lòng cầu khẩn Chúa trước hết cho tất cả chúng ta sẵn sàng nhận ra các dấu chỉ hoạt động của Người, để rồi giúp toàn nhân loại nhận biết các dấu chỉ đó. Chỉ điều này thôi cũng có thể hữu ích: cho chúng ta, cho thâm tâm chúng ta, hãy cầu xin để việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần không bị giảm thiểu thành một định đề cằn cỗi và rườm rà [mở đầu] những cuộc hội họp và bài giảng của chúng ta. Ngược lại chẳng ích gì khi suy tư lý luận và đưa ra lý thuyết về các siêu chiến lược hay “các hướng dẫn từ trung ương” cho sứ vụ truyền giáo, và xem đấy như “nơi tàng trữ” chiều kích truyền giáo của Hội Thánh theo cách tự giả định và đầy ngạo mạn kiêu căng, rồi trao phó cho chúng nhiệm vụ đánh thức tinh thần truyền giáo của người khác hoặc cấp phép truyền giáo cho người khác. Có một số hoàn cảnh khi lòng nhiệt thành truyền giáo bị nguội lạnh đi, thì đó là dấu hiệu đức tin đang phai nhạt. Và trong những trường hợp này, ý định dùng các chiến lược và diễn từ nhằm làm cho ngọn lửa đã bị dập tắt bùng cháy lên, rốt cuộc sẽ làm nó suy yếu hơn và chỉ khiến sa mạc lan rộng hơn mà thôi.

4) Tự bản chất, việc phục vụ của các HGHTG cho phép các thành viên hoạt động tiếp xúc với vô số các thực tại, các tình huống và sự kiện vốn làm nên nguồn sức sống mạnh mẽ cho Hội Thánh, trên mọi lục địa. Nơi nguồn sống này, trong lịch sử Giáo hội, chúng ta có thể đối mặt với biết bao trở ngại nặng nề, tuy nhiên chúng ta cũng có thể bắt gặp cả những ơn chữa lành và an ủi mà Chúa Thánh Thần gieo vãi cách nhưng không trong nếp sống bình thường của những con người có thể gọi là “tầng lớp bình dân thánh thiện”. Vậy anh chị em hãy phấn khởi vui mừng vì những cuộc gặp gỡ anh chị em đã trải nghiệm nhờ vào hoạt động của các HGHTG, khi biết ngạc nhiên bởi những cuộc gặp gỡ này. Tôi nghĩ đến những câu chuyện tôi đã được nghe kể về biết bao phép lạ xảy ra nơi các trẻ em, có lẽ các em gặp được Chúa Giêsu nhờ những sáng kiến do Hội Trẻ Em Truyền Giáo đề xuất. Do đó hoạt động của anh chị em không bao giờ là hoạt động “cằn cỗi vô sinh” theo kiểu chỉ hoạt động cách quan liêu. Không thể có các quan lại hoặc viên chức truyền giáo. Chính lòng biết ơn của anh chị em có thể trở thành ơn ban và chứng tá cho toàn thế giới. Để mang lại sự ủi an cho tất cả mọi người, bằng những phương tiện đang có, anh chị em có thể kể lại câu chuyện của những con người và cộng đoàn mà anh chị em đã có dịp gặp gỡ, gặp gỡ dễ dàng hơn những người khác; kể về những con người và cộng đoàn trong đó phép lạ của đức tin, đức cậy và đức mến được tỏa sáng cách nhưng không.

5) Hãy biết ơn về những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi những người được Chúa yêu thương, những người bé nhỏ nghèo hèn, Chúa đã mặc khải cho họ những điều mà Người giấu kín những kẻ khôn ngoan (x. Mt 11, 25-26). Lòng biết ơn này có thể giúp anh chị em dễ dàng hơn trong việc tránh cạm bẫy của thói tự quy ngã và biết ra khỏi chính mình bước theo Đức Giêsu. Tự nó, ý tưởng truyền giáo theo kiểu vị ngã đã là phi lý rồi, vì khi đó người ta chỉ dành thời gian để thưởng lãm và tôn vinh các sáng kiến của riêng mình. Đừng lãng phí thời gian và công sức “tự ngắm mình”, soạn thảo các kế hoạch chỉ lo tập trung vào các cơ chế nội bộ, vào sự vận hành và hiệu năng của bộ máy quan liêu của chính mình. Hãy nhìn ra bên ngoài. Đừng ngắm mình trong gương. Hãy đập vỡ mọi cái gương trong nhà! Các tiêu chí đề ra trong việc thực hiện các chương trình phải nhắm làm sao để các cơ cấu và thủ tục được tinh giản và linh hoạt hơn, thay vì làm cho mạng lưới HGHTG trở nên nặng nề bởi các yếu tố quan liêu. Chẳng hạn, các Giám đốc Quốc gia, trong nhiệm kỳ của mình, nên để tâm nhận biết những người có khả năng kế nhiệm, với tiêu chí duy nhất được đề xuất là những ai có lòng nhiệt thành truyền giáo hơn, chứ không phải những người thuộc nhóm bạn hữu hay các thành viên cùng hội cùng thuyền với mình.

 

Chú thích:

[4] x. Hồng Y J. Ratzinger, Các Phong Trào của Giáo hội và Vị Trí Thần Học của chúng. Bài tham luận tại Hội nghị thế giới về các phong trào trong Giáo hội, Rôma, 27-29.05.1998

[5] x. Một hội đoàn không ngừng đổi mới, Bài tham luận tại hội nghị ở Rimini, 1.9.1990

---Còn tiếp---

zalo
zalo