Ngày tháng: 12/05/2025
Đang truy cập: 12

ĐGH Phanxico, Sứ Điệp Gửi Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo - Phần 3/3 - 2020

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Hội Giáo hoàng truyền giáo - Phần 3/3

 

6) Về việc quyên góp tài chánh hỗ trợ sứ vụ truyền giáo, trước đây trong các cuộc họp tôi đã nói về nguy cơ biến HGHTG thành một tổ chức phi chính phủ, tập trung mọi nỗ lực vào việc tìm kiếm và phân phối tài chánh. Điều này phụ thuộc vào cái tâm của người thực hiện công việc hơn là vào công việc mà người đó thực hiện. Khi gây quỹ, việc vận dụng sáng tạo các phương pháp cập nhật mới mẻ để vận động tài chính từ các nhà tài trợ có tiềm năng và xứng đáng, chắc chắn là điều nên khuyến khích và thậm chí được xem là thích đáng. Nhưng nếu ở một số khu vực, việc quyên góp giảm sút, nhất là vì ký ức Kitô giáo bị phai mờ, thì trong những trường hợp này, chúng ta có thể bị cám dỗ muốn giải quyết vấn đề bằng cách che đậy tình hình và cậy dựa vào một số hệ thống gây quỹ hiệu quả hơn chuyên tìm kiếm các nhà tài trợ lớn. Thay vì che đậy nỗi đau trước cảnh sa sút đức tin và suy giảm nguồn tài lực, chúng ta hãy phó thác vào tay Chúa nỗi đau buồn ấy. Dẫu có thế nào, trong việc quyên góp giúp các nơi truyền giáo, nên tiếp tục ưu tiên hướng đến tất cả những người đã được rửa tội, đồng thời cũng cần đổi mới cách thức quyên góp cho việc truyền giáo ở mỗi quốc gia, nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo vào tháng 10. Giáo hội tiếp tục thăng tiến như vốn dĩ vẫn hằng thăng tiến nhờ “đồng xu nhỏ của bà góa nghèo” cũng như nhờ sự đóng góp của đoàn người đông đảo cảm nhận được Đức Giêsu chữa lành và an ủi, và chính bởi điều này và bởi tràn ngập lòng biết ơn, họ dâng cúng những gì họ có.

7) Đối với việc sử dụng các khoản quyên góp đã nhận, phải có cảm thức Hội Thánh (sensus Ecclesiae) trong việc cân nhắc việc phân bổ quỹ, nhằm hỗ trợ các tổ chức và dự án đang thực hiện sứ mạng tông đồ và loan báo Tin Mừng cách đa dạng và tại nhiều nơi trên thế giới. Phải luôn quan tâm đến những nhu cầu cơ bản nhất của cộng đồng, đồng thời phải tránh những hình thức phúc lợi, bởi lẽ những hình thức này thay vì mang lại những công cụ truyền giáo tích cực, cuối cùng lại làm con tim nguội lạnh và dung dưỡng hiện tượng ăn bám vào sự bảo trợ, cả ở bên trong Hội Thánh. Đóng góp của anh chị em nên nhắm đến mục đích đáp ứng cụ thể những nhu cầu khách quan, mà không lãng phí nguồn tài lực cho các sáng kiến nặng phần lý thuyết, vị ngã hoặc phát sinh từ thói khoe mẽ kiểu giáo sĩ của ai đó. Đừng chiều theo mặc cảm tự ti hoặc cơn cám dỗ đua đòi các tổ chức siêu chức năng chuyên thu tiền với những lý do chính đáng, rồi dùng phần lớn số tiền thu được để nuôi bộ máy quan liêu và quảng cáo cho thương hiệu của họ. Cả việc quảng cáo này đôi khi cũng có thể trở thành phương cách tìm kiếm tư lợi, qua việc phô trương hoạt động trợ giúp người nghèo và người thiếu thốn.

8) Đối với người nghèo, anh chị em cũng đừng quên họ. Đây là lời căn dặn mà, tại Công đồng Giêrusalem, các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã truyền đạt cho Phaolô, Banaba và Titô, những người đã đến để thảo luận về sứ vụ của họ giữa những người không cắt bì: “Họ chỉ yêu cầu chúng tôi là phải lưu tâm đến người nghèo” (Gal 2,10). Theo lời căn dặn đó, Phaolô đã tổ chức những cuộc lạc quyên vì lợi ích của anh em ở Hội Thánh Giêrusalem (x. 1Cr 16, 1). Ngay từ lúc khởi đầu, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và bé mọn đã thuộc về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các việc bác ái về phần xác và phần hồn dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn biểu hiện “lòng ưu ái của Thiên Chúa”, là điều thách thức cuộc sống đức tin của mọi Kitô hữu vốn được kêu gọi mang lấy những tâm tình của Đức Giêsu (x. Phil 2, 5).

9) Qua mạng lưới toàn cầu của mình, các HGHTG phản ánh sự phong phú đa dạng của “một dân với hàng ngàn khuôn mặt”, được quy tụ nhờ ân sủng của Đức Kitô, với lòng nhiệt thành truyền giáo. Lòng nhiệt thành đó không mãnh liệt và sống động như nhau ở mọi nơi và mọi lúc. Mặc dù vậy, khi chia sẻ cùng một nỗi cấp bách phải tuyên xưng Đức Kitô đã chết và phục sinh, lòng nhiệt thành này vẫn được diễn tả qua các hoạt động với những trọng tâm khác nhau khi thích ứng với các bối cảnh khác nhau. Sự mặc khải của Tin Mừng không đồng nhất với bất kỳ nền văn hóa nào, thế nên khi gặp gỡ những nền văn hóa mới chưa đón nhận sứ điệp Kitô giáo, thì cùng với việc rao giảng Tin Mừng không được áp đặt một hình thức văn hóa cụ thể nào. Ngày nay, trong hoạt động của các HGHTG cũng vậy, không cần chất thêm những hành lý nặng nề, thay vào đó nên duy trì diện mạo sơ khởi phong phú của Hội với những điểm quy chiếu chung đến những điều cốt yếu của đức tin. Bất kỳ tham vọng nào nhằm chuẩn hóa hình thức loan báo Tin Mừng đều có thể che khuất tính phổ quát của đức tin Kitô giáo, thậm chí chỉ quảng bá cho những khuôn sáo và những khẩu hiệu thời thượng trong một vài giới và tại một vài nước có ưu thế về văn hóa và chính trị. Về vấn đề này, cả mối tương quan đặc biệt liên kết các HGHTG với Đức thánh cha và Hội Thánh Rôma cũng được coi là một nguồn tài lực và hỗ trợ giúp tất cả được tự do thoát khỏi những hoạt động thoáng qua theo thời, sự san bằng các trường phái tư tưởng đơn phương hoặc sự đồng nhất văn hóa mang dấu ấn của chủ nghĩa thực dân mới. Tiếc thay, đây là những hiện tượng đã được ghi nhận cả trong môi trường Hội Thánh.

10) Trong Hội Thánh, các HGHTG không phải là một thực thể tự thân, treo lơ lửng trong không trung. Một trong những đặc điểm riêng của các HGHTG luôn cần được bồi đắp và đổi mới, đó là mối dây liên kết đặc biệt với Giám mục của Hội Thánh Rôma, vị chủ trì trong đức ái. Thật tốt đẹp và an ủi khi biết rằng mối liên kết này được thể hiện qua một công việc được thực hiện cách vui tươi, không tìm những tràng pháo tay cũng không ưa đòi hỏi yêu sách. Một công việc mà nhờ không kể công, được đan kết với sự phục vụ của Đức thánh cha, là tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa. Tôi xin anh chị em, dấu đặc trưng cho thấy sự gần gũi của anh chị em với Giám mục Rôma chính là ở điểm này: sự chia sẻ lòng yêu mến Hội Thánh vốn phản chiếu tình yêu đối với Đức Kitô, được cảm nghiệm và diễn tả cách âm thầm, không kiêu căng tự phụ, không lo đánh dấu “lấn đất giành sân”. Những nỗ lực hằng ngày phát sinh từ lòng bác ái và mầu nhiệm của tính nhưng không, nâng đỡ biết bao người vẫn hằng biết ơn sâu sắc, ngay cả khi không biết cảm ơn ai, vì họ chẳng biết gì về HGHTG kể cả cái tên. Trong lòng Hội Thánh, mầu nhiệm đức ái hoạt động theo cách ấy. Chúng ta tiếp tục cùng nhau tiến lên, vui vẻ tiến bước giữa những thử thách, nhờ ân huệ và sự an ủi của Chúa. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, chúng ta hân hoan nhận biết rằng tất cả chúng ta đều là những đầy tớ vô dụng, khởi đầu là chính bản thân tôi.

Kết luận

Hãy nhiệt tình tiến lên! Có rất nhiều việc phải làm trên hành trình đang chờ đón anh chị em. Nếu có phải thay đổi phương thức hoạt động, nên hướng đến sự giảm nhẹ hơn là gia tăng gánh nặng, nhằm hoạt động cách linh hoạt chứ không tạo thêm sự quan liêu cứng nhắc và luôn là nguy cơ thu vén cho mình. Hãy nhớ rằng sự tập quyền quá đáng, thay vì trợ giúp, có thể làm phức tạp tính năng động truyền giáo. Cả việc vận hành các sáng kiến ở cấp quốc gia cũng như việc trao đổi trợ giúp giữa các Hội Thánh và cộng đồng địa phương, vốn được cảm nhận như hoa trái hữu hình và dấu chỉ bác ái giữa anh chị em trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma, tất cả đều có thể đe dọa diện mạo của mạng lưới HGHTG.

Dù thế nào đi nữa cũng phải xét xem mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động của các HGHTG có được soi sáng bởi một điều duy nhất thiết yếu này hay không, đó là chút tình yêu đích thực đối với Hội Thánh như phản ánh tình yêu dành cho Chúa Kitô. Anh chị em phục vụ do lòng nhiệt thành tông đồ, nghĩa là do sự thúc đẩy của sự sống thần linh mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tác động trong cộng đoàn Dân Chúa. Anh chị em hãy suy nghĩ và tìm cách làm cho tốt việc của mình, hãy làm “như thể mọi thứ tuỳ thuộc vào anh chị em, trong khi biết rằng thật ra mọi sự đều tuỳ thuộc vào Thiên Chúa” (Thánh Inhaxiô Lôyôla). Như tôi đã đề cập với anh chị em trong một cuộc gặp gỡ của chúng ta: hãy bắt chước tinh thần sẵn sàng của Đức Maria. Khi đến thăm bà Êlisabét, Đức Maria không hành động theo tư cách cá nhân: Mẹ đi như một nữ tỳ của Chúa Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang trong lòng. Mẹ không nói gì về bản thân mình, chỉ mang Con của mình và ca ngợi Thiên Chúa. Mẹ không phải là nhân vật chính. Mẹ đã đi với tư cách là nữ tỳ của Đấng là nhân vật chính duy nhất của sứ vụ truyền giáo. Tuy nhiên, Mẹ không lãng phí thời gian, Mẹ đi vội vã và làm những gì cần thiết để chăm sóc người bà con của mình. Mẹ dạy chúng ta sự sẵn sàng, sự vội vã của lòng trung tín và sự thờ lạy.

Xin Đức Mẹ canh giữ anh chị em và các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, và xin Con của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, ban phúc lành cho anh chị em. Trước khi lên trời Người hứa luôn ở với chúng ta cho đến tận thế. 

Rôma, ngày 21 tháng 5 năm 2020,

Đền Thánh Gioan ở Latêranô,

lễ Trọng mừng Chúa Lên Trời

PHANXICÔ

 

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-cac-hoi-giao-hoang-truyen-giao-41160 (cập nhật 27/4/2023)

zalo
zalo