Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 9/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG BỐN: MỘT TRÁI TIM MỞ RA CHO TOÀN THẾ GIỚI
128. Để cho khẳng định theo đó tất cả chúng ta, với tư cách là con người, đều là anh chị em, không chỉ là một ý tưởng trừu tượng mà trở thành hiện thực cụ thể, chúng ta phải đối mặt với một số thách đố. Các thách đố này thúc đẩy chúng ta, buộc chúng ta phải có những tầm nhìn mới và triển khai những giải đáp mới.
129. Những thách đố phức tạp nảy sinh khi người kế bên chúng ta là di dân[109]. Tất nhiên, tốt nhất là tránh được những cuộc di cư không cần thiết. Muốn thế, thì tại các nước xuất phát di dân phải làm sao để dân chúng có thể có được một cuộc sống xứng phẩm giá, và nhờ đó họ có được những điều kiện để phát triển toàn diện. Nhưng khi nào còn chưa có những tiến bộ đáng kể theo hướng đó, thì bổn phận của chúng ta là phải tôn trọng quyền mỗi người có nơi sinh sống không chỉ đáp ứng các nhu cầu căn bản của bản thân và gia đình, mà còn thể hiện được đầy đủ tư cách của một nhân vị. Những nỗ lực của chúng ta dành cho những người di cư mới đến có thể được tóm tắt trong bốn động từ sau đây: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và làm cho hội nhập. Thật vậy, “đây không phải là các chương trình trợ giúp từ trên xuống, mà là cùng nhau đảm nhận cuộc hành trình thông qua bốn hành động này, để xây dựng các thành phố và quốc gia, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn giáo của chúng, vừa cởi mở trước những dị biệt và biết quý trọng các dị biệt đó theo tinh thần của tình huynh đệ nhân loại.” [110]
130. Điều này bao hàm một số việc cần thiết, nhất là để đáp ứng cho những người đang trốn tránh các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Có thể nêu ra một số ví dụ như: gia tăng và đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập cảnh; thực hiện các chương trình bảo lãnh cá nhân và cộng đồng; mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn yếu thế nhất; cung cấp chỗ ở thích đáng xứng hợp với phẩm giá; bảo đảm an ninh cá nhân và được hưởng các dịch vụ thiết yếu; bảo đảm sự hỗ trợ thích đáng từ lãnh sự, quyền được giữ giấy tờ tùy thân, được tiếp cận với hệ thống tư pháp cách công bằng, khả năng mở tài khoản ngân hàng và bảo đảm nhu cầu tối thiểu để sinh tồn; cho họ được tự do đi lại và khả năng làm việc; bảo vệ trẻ vị thành niên và bảo đảm cho các em được học hành theo cấp lớp quy định; dự phóng các chương trình bảo trợ hay chỗ ở tạm thời; bảo đảm tự do tôn giáo; thúc đẩy hội nhập xã hội; hỗ trợ đoàn tụ gia đình; và chuẩn bị những cộng đồng địa phương cho quá trình hội nhập[111]
131. Điều quan trọng đối với những người đã nhập cư lâu hơn và đã hội nhập vào đời sống xã hội, là việc áp dụng ý niệm “quyền công dân”, vốn “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ và nhờ có quyền công dân mọi người được hưởng công lý. Vì thế, trong các xã hội của chúng ta, cần phải nỗ lực thiết lập ý niệm về quyền công dân đầy đủ và loại bỏ kiểu nói nhóm thiểu số mang tính kỳ thị là kiểu nói khiến người ta có cảm giác cách biệt và tự ti, mở đường cho sự thù địch và bất hòa, phá hỏng các thành tựu và tước đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị kỳ thị.” [112]
132. Ngoài các biện pháp thiết yếu khác nhau đó, các nước không thể một mình triển khai các giải pháp thỏa đáng “bởi vì hệ quả của sự lựa chọn của mỗi quốc gia chắc chắn sẽ có tác động trên toàn bộ cộng đồng quốc tế.” Do đó, “các đáp ứng chỉ có thể là kết quả của một công trình chung.” [113] Thực hiện qua việc thiết lập một hệ thống luật pháp toàn cầu liên quan đến vấn đề di dân. Trong mọi trường hợp, “cần phải lập ra các kế hoạch trung hạn và dài hạn, không chỉ giới hạn trong việc ứng phó khẩn cấp. Những kế hoạch này, một mặt sẽ trợ giúp những người di dân hội nhập hữu hiệu vào các quốc gia tiếp nhận họ, mặt khác thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia nguyên quán của họ thông qua các chính sách liên đới. Tuy nhiên, các chính sách này không làm cho việc trợ giúp phụ thuộc vào các chiến lược và những thực hành có tính ý thức hệ xa lạ hoặc mâu thuẫn với văn hóa của các dân tộc được trợ giúp.” [114]
133. Những con người khác nhau, đến từ những cảnh đời và văn hóa khác nhau, có thể trở nên quà tặng, bởi vì “chuyện di dân cũng là chuyện gặp gỡ giữa con người và văn hóa: đối với cộng đồng và xã hội tiếp nhận họ, di dân mang đến cơ hội để mọi người được giàu thêm kinh nghiệm và để phát triển con người toàn diện.” [115] Thế nên, “đặc biệt, cha xin các bạn trẻ đừng tham gia vào các mạng lưới của những kẻ muốn dùng các con chống lại các bạn trẻ khác di cư đến đất nước của các con, khi coi họ là những kẻ nguy hiểm và như những người không có cùng phẩm giá bất khả nhượng riêng cho mỗi người.” [116]
134. Mặt khác, khi chúng ta chân thành đón nhận người khác, điều này sẽ mang lại cho họ những khả năng phát triển mới mẻ trong khi họ vẫn giữ được bản sắc của mình. Các nền văn hóa khác biệt, qua nhiều thế kỷ đã ngày càng trở nên phong phú, cần được giữ gìn kẻo thế giới chúng ta trở nên nghèo nàn. Đồng thời, những nền văn hóa ấy cần được thúc đẩy để mở ra với những kinh nghiệm mới qua sự gặp gỡ những thực tại khác. Chúng ta không nên coi thường nguy cơ trở thành nạn nhân của sự xơ cứng văn hóa. Đó là lý do tại sao “chúng ta cần giao tiếp với nhau, khám phá những di sản phong phú của nhau, quý trọng những gì nối kết chúng ta lại và xem những dị biệt như là cơ hội phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau. Cần đối thoại trong kiên nhẫn và tin tưởng. Làm sao để các cá nhân, các gia đình và các cộng đồng biết chuyển trao những giá trị văn hóa của mình và đón nhận những giá trị tốt đẹp từ các kinh nghiệm của người khác.” [117]
135. Ở đây tôi muốn đề cập đến vài ví dụ mà tôi đã từng đưa ra. Văn hóa La-tinh là “một thứ men mà các giá trị và khả năng của nó đã làm cho đất nước Hoa Kỳ được phong phú thêm về rất nhiều mặt [...]. Một làn sóng di cư ồ ạt rốt cuộc bao giờ cũng có ảnh hưởng và làm biến đổi nền văn hóa của một địa phương [...]. Làn sóng nhập cư ồ ạt từ Ý đã để lại dấu ấn trên nền văn hóa của xã hội Argentina, và sự có mặt của khoảng 200.000 người Do Thái có ảnh hưởng rất nhiều trên lối sống văn hóa của thành phố Buenos Aires. Nếu những người di dân được giúp đỡ hội nhập vào xã hội thì họ là mối phúc lành, là nguồn phú túc và là quà tặng mới mẻ thúc đẩy xã hội phát triển.” [118]
136. Nhìn xa hơn, Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb và tôi đã ghi nhận rằng “mối quan hệ không gì thay thế và cũng không được coi nhẹ giữa Đông và Tây hiển nhiên là mối quan hệ thiết yếu nhờ đó cả hai bên, với nền văn hóa của mình, có thể làm cho nhau trở nên phong phú, thông qua việc trao đổi và đối thoại giữa hai nền văn hóa. Phương Tây có thể khám phá nơi văn minh phương Đông những phương dược cho một số căn bệnh tâm linh và tôn giáo gây ra bởi sự thống trị của chủ nghĩa duy vật. Và phương Đông có thể tìm thấy nơi phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát khỏi sự yếu nhược, chia rẽ, xung đột cùng với sự yếu kém về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Cần phải quan tâm đến các khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, vốn là thành tố cốt yếu trong việc định hình nhân cách, văn hóa, và văn minh của phương Đông. Cũng cần phải củng cố các quyền căn bản của con người, nhằm góp phần bảo đảm một đời sống có phẩm giá cho mọi người ở phương Đông và phương Tây, tránh những chính sách với chuẩn mực nước đôi.” [119]
137. Sự trợ giúp lẫn nhau giữa các quốc gia xét cho cùng sẽ sinh lợi cho tất cả. Mỗi quốc gia tiến bộ dựa trên nền tảng văn hóa gốc của mình là một kho tàng cho toàn thể nhân loại. Cần phải ý thức hơn nữa rằng ngày nay hoặc chúng ta cùng được cứu thoát hoặc không ai được cứu cả. Nghèo đói, suy đồi và đau khổ ở một vùng nào đó trên trái đất sẽ âm thầm phát sinh ra nhiều vấn đề mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh chúng ta. Nếu chúng ta lo lắng vì một chủng loài nào đó bị tận tuyệt, thì chúng ta lại càng phải lo lắng hơn vì ở nhiều nơi trên thế giới có những người và những dân tộc mà các tiềm năng và vẻ đẹp của họ không được phát triển do nghèo đói hay bởi những giới hạn khác về cơ cấu. Bởi vì, chuyện này cuối cùng rồi sẽ làm tất cả chúng ta trở nên nghèo nàn.
138. Nếu điều đó đã luôn luôn đúng, thì ngày nay nó đúng hơn bao giờ hết, vì thế giới hiện tại liên kết với nhau rất chặt chẽ bởi hiện tượng toàn cầu hóa. Chúng ta cần đạt được một trật tự pháp lý, chính trị và kinh tế có tính toàn cầu, khả dĩ “làm gia tăng và định hướng cho việc hợp tác quốc tế vì sự phát triển tất cả các dân tộc trong tình liên đới.” [120] Cuối cùng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới, bởi vì “việc trợ giúp cho các nước nghèo được phát triển” cũng có nghĩa là “tạo nên của cải cho mọi người.” [121] Từ quan điểm phát triển toàn diện, điều này cũng giả thiết phải “để cho các nước nghèo có tiếng nói hữu hiệu đóng góp vào những quyết định chung” [122] và “tạo điều kiện cho các nước nghèo và kém phát triển dễ dàng tiếp cận với thị trường quốc tế.” [123]
Sẵn sàng đón tiếp vô điều kiện
139. Tuy nhiên, tôi không muốn giản lược ý tưởng này vào một loại thuyết vị lợi. Cần có tinh thần “vô vị lợi”. Đó là khả năng làm điều gì đó chỉ vì tự thân điều ấy là tốt, không mong nhận được kết quả nào, không mong được đền đáp tức thời. Tinh thần vô vị lợi khiến chúng ta có thể đón tiếp người xa lạ, ngay cả khi điều này không đem lại cho chúng ta lợi ích cụ thể nào. Thực tế, một số quốc gia chỉ muốn đón nhận các nhà khoa học hoặc các nhà đầu tư mà thôi.
140. Ai không sống tình huynh đệ vô vị lợi thì cuộc sống người ấy sẽ biến thành cuộc mua bán đổi chác nhọc nhằn, luôn cân đo đong đếm điều mình cho đi và nhận lại. Trái lại, Thiên Chúa luôn trao tặng một cách vô vị lợi, đến độ Ngài trợ giúp cả những người bất tín với Ngài. “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6,3-4). Chúng ta đón nhận sự sống cách nhưng không, chúng ta đã không phải trả giá nào cho sự sống cả. Do đó, tất cả chúng ta có thể cho đi mà không mong được đền đáp bất cứ điều gì, làm điều tốt lành cho người khác mà không đòi hỏi họ phải đáp lại bằng cách đối xử tốt với mình. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).
141. Giá trị thực sự của các quốc gia trên thế giới được đo bằng khả năng ý thức mình không chỉ là một quốc gia mà còn như một gia đình của nhân loại. Điều này được đặc biệt tỏ lộ trong các thời kỳ khủng hoảng. Các hình thức chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, xét cho cùng, là biểu hiện của việc không có khả năng sống tinh thần vô vị lợi này. Họ sai lầm khi nghĩ rằng có thể tự mình phát triển mà chẳng quan tâm gì đến thảm họa ở các quốc gia khác, và cho rằng đóng kín cửa thì sẽ được bảo vệ tốt hơn. Di dân bị coi là kẻ đến chiếm đoạt chẳng cống hiến được gì. Điều này dẫn họ đến niềm tin ngây ngô cho rằng người nghèo thì nguy hiểm hoặc vô dụng, trong khi người có quyền lực là ân nhân đầy lòng quảng đại. Chỉ có nền văn hóa xã hội và chính trị nào sẵn sàng đón tiếp người khác một cách vô vị lợi mới có tương lai.
--Ghi chú--
[109] Cf. Các Giám Mục Mexico và Hoa Kỳ, Thư Mục vụ về Di dân: “Strangers No Longer Together on the Journey of Hope” (tháng Giêng 2003).
[110] Tiếp kiến chung (03/04/2019); L’Osservatore Romano, 4 tháng Tư 2019, tr. 8.
[111] Cf. Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2018 (14/01/2018): AAS 109 (2017), 918-923.
[112] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04/02/2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng Hai 2019, tr. 7.
[113] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, 11/01/2016: AAS 108 (2016), 124.
[114] Ibid., 122.
[115] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Christus Vivit (25/03/2019), 93.
[116] Ibid., 94.
[117] Diễn văn với Các nhà lãnh đạo, Sarajevo, Bosnia và Herzegovina (06/06/2015): L’Osservatore Romano, 7 tháng Sáu 2015, tr. 7.
[118] Latinoamérica. Conversaciones con Hernán Reyes Alcaide, ed. Planeta, Buenos Aires, 2017, 105.
[119] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04/02/2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng Hai 2019, tr. 7.
[120] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 67: AAS 101 (2009), 700.
[121] Ibid., 60: AAS 101 (2009), 695.
[122] Ibid., 67: AAS 101 (2009), 700.
[123] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 447.
-----------------------------
---Còn tiếp---