Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 59

ĐGH Phanxico, Thông điệp Fratelli Tutti, Phần 1/20 - 2021

Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 1/20

THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI

 

1. Fratelli tutti[1] (Hỡi tất cả anh em): Thánh Phanxicô Assisi đã viết như thế khi ngỏ lời với các anh chị em của mình nhằm đề nghị một lối sống mang hương vị Tin Mừng. Tôi muốn nhấn mạnh đến một trong những lời khuyên của ngài, qua đó ngài kêu gọi phải có một tình yêu vượt khỏi các rào cản địa lý và không gian. Ngài bảo: hạnh phúc cho ai biết yêu người “dù người ở xa cách hay gần bên.”[2] Với những lời lẽ đơn sơ này, ngài diễn tả bản chất của mối tình huynh đệ cởi mở, cho phép nhìn nhận, tôn trọng và yêu mến mỗi người, dù về mặt thể lý họ không ở gần, hay dù cho họ sinh ra hay sống ở đâu đi chăng nữa.

2. Chính vị thánh của tình huynh đệ, của sự giản dị và niềm vui này, đã từng truyền cảm hứng để tôi viết Thông điệp Laudato Si', nay lại thúc đẩy tôi viết tiếp Thông điệp mới này, về chủ đề tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Thật vậy, thánh Phanxicô không những cảm thấy mình là anh em với mặt trời, biển khơi và các ngọn gió mà còn biết nối kết hơn nữa với những gì đã làm nên xác thân của mình. Ngài đã gieo vãi niềm an bình ở khắp nơi, đồng thời sống cận kề những người nghèo khó, những người bị bỏ rơi, những người bệnh, những người sống bên lề xã hội, những người rốt hết.

KHÔNG BIÊN GIỚI

3. Trong cuộc đời thánh Phanxicô, có một tình tiết cho chúng ta thấy tấm lòng rộng mở không biên giới của ngài, một tấm lòng có khả năng vượt khỏi những cách biệt về xuất xứ, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là câu chuyện ngài viếng thăm vị Sultan Malik-el-Kamil tại Ai Cập. Cuộc viếng thăm vô cùng gian nan, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều vì ngài thì nghèo khó, phương tiện thì ít ỏi, mà đường xá lại cách trở xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và tôn giáo khác biệt... Cuộc hành trình này, vào thời điểm của cuộc Thập tự chinh lúc đó, càng cho thấy thánh Phanxicô muốn biểu lộ hơn nữa tình yêu vĩ đại, ước ao ôm trọn tất cả mọi người. Lòng trung thành của ngài với Chúa cũng ngang bằng với tình yêu mà ngài dành cho anh chị em mình. Bất chấp những khó khăn hiểm nguy chực chờ, thánh Phanxicô đã đến gặp vị Sultan với cùng một tâm thế ngài đã truyền đạt cho các môn đệ của mình là: đừng chối bỏ căn tính của mình khi “đang sống giữa những người Xaraxen và những người không tin khác. đừng tranh luận cũng đừng cãi cọ, nhưng vì Chúa hãy chịu đựng mọi người.”[3] Trong bối cảnh lúc đó, đây quả là lời khuyên bảo phi thường. Chúng ta có ấn tượng rằng tám trăm năm trước đây, thánh Phanxicô đã biết kêu mời hãy tránh mọi hình thức thù địch hoặc xung đột, cũng như hãy sống “nhẫn nhịn” cách khiêm tốn và huynh đệ với những người không cùng chia sẻ niềm tin với mình.

4. Thánh Phanxicô đã không gây ra những cuộc chiến lý lẽ nhằm áp đặt các luận thuyết nhưng ngài thông truyền tình yêu Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (1 Ga 4,16). Như vậy, ngài trở nên người cha khơi dậy giấc mơ về một xã hội huynh đệ, vì “chỉ có ai sẵn sàng đến bên người khác trong chính nếp sống của họ nhằm giúp họ trở nên chính mình nhiều hơn chứ không nhằm lôi kéo họ về phía mình, mới thực sự được gọi là cha.[4] Trong thế giới với những tháp canh và thành lũy thời bấy giờ, các đô thị bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc chiến đẫm máu giữa các dòng tộc quyền thế, và cảnh nghèo đói lan tràn khắp các vùng nông thôn. Tuy nhiên, lúc đó, thánh Phanxicô đã đón nhận được sự bình an nội tâm đích thực và giải thoát mình khỏi mọi ước muốn thống trị người khác, trở thành một trong những người rốt hết và tìm cách sống hòa hợp với tất cả. Chính ngài đã truyền cảm hứng cho thông điệp này.

5. Tôi luôn ưu tư đến các vấn đề liên quan đến tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Những năm gần đây, trong các dịp khác nhau, tôi đã nhiều lần đề cập về chủ đề đó. Trong thông điệp này, tôi muốn thu tập và đặt chúng trong bối cảnh suy tư rộng lớn hơn. Hơn nữa, nếu khi soạn thảo Laudato Si' tôi đã tìm được nguồn cảm hứng từ người anh em của tôi là Đức Bartôlômêô, Thượng phụ Chính Thống giáo, người đã mạnh mẽ cổ võ cho việc bảo vệ thế giới tạo thành, thì lần này, tôi cảm thấy được khích lệ bởi vị Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb mà tôi đã gặp tại Abu Dhabi để nhắc lại rằng Thiên Chúa “đã tạo dựng nhân loại, tất cả đều bình đẳng với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, đồng thời đã kêu gọi họ cùng chung sống với nhau như anh em.[5] Đây không đơn thuần là một hành động ngoại giao nhưng là một suy tư phát sinh từ cuộc đối thoại và dựa trên một cam kết chung. Thông điệp này đã tiếp thu và khai triển những chủ đề quan trọng được đề cập trong văn kiện mà chúng tôi đã cùng nhau ký kết. Và ở đây tôi cũng đã trình bày, theo ngôn phong của tôi, những ý kiến từ các thư từ, tài liệu mà nhiều người và nhiều nhóm trên khắp thế giới gởi đến cho tôi.

6. Những trang sau đây không nhằm trình bày một giáo huấn hoàn chỉnh về tình yêu thương huynh đệ nhưng muốn tập chú vào chiều kích phổ quát và rộng mở của tình huynh đệ dành cho tất cả mọi người. Tôi xin cống hiến thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn cho việc tiếp tục suy tư, với hy vọng rằng khi đối mặt với những toan tính thời nay nhằm loại trừ hoặc bỏ mặc con người, chúng ta có thể phản ứng bằng một viễn tượng mới mẻ về tình huynh đệ và bằng hữu xã hội, mà không dừng lại ở ngôn từ. Mặc dầu thông điệp này được viết từ niềm xác tín Kitô giáo vốn nâng đỡ và nuôi dưỡng tôi, nhưng tôi cũng đã tìm cách biến những suy tư này thành lời mời gọi đối thoại giữa tất cả những người thiện chí.

7. Hơn nữa, khi thông điệp này đang được soạn thảo, cơn đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, phơi trần những an toàn giả tạo của chúng ta. Các phản ứng rời rạc của các quốc gia cho thấy rõ họ không có khả năng phối hợp hành động. Mặc dầu các quốc gia có được siêu kết nối, người ta vẫn chứng kiến một sự phân mảnh khiến việc giải quyết các vấn đề sát sườn của chúng ta càng thêm khó khăn. Nếu có ai đó tin rằng vấn đề chỉ là phải bảo đảm làm sao cho có được một sự vận hành tốt hơn những gì trước đây chúng ta đã làm hoặc tin rằng bài học duy nhất cần rút ra đó là phải cải thiện các hệ thống và những quy định hiện hành, thì đích thị đây là một kẻ bịt tai nhắm mắt chối bỏ thực tại.

8. Tôi ước mong rằng trong thời đại hiện nay, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần làm sống lại khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tất cả cùng chung tay: “Đây là bí quyết tuyệt hảo để ước mơ và biến đời ta thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Không ai có thể đơn độc đương đầu với cuộc đời. [...] Chúng ta cần có một cộng đồng để được nâng đỡ và được hỗ trợ, đồng thời trong cộng đồng đó chúng ta giúp nhau nhìn về phía trước. Mơ ước cùng nhau quan trọng biết mấy! [...] Khi đơn độc, người ta có nguy cơ thấy những ảo ảnh, thấy những gì không có thật; còn ước mơ là do cùng nhau tạo nên.”[6] Vậy chúng ta hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em.

 

     --Ghi chú--

[1] Admonitiones (Huấn ngôn), 6, 1.

[2] Ibid., 25.

[3] Thánh Phanxicô Assisi, Regula non bullata (Luật Không Sắc Chỉ), 16: 3.6.

[4] Eloi Leclerc, O.F.M., Exil et tendresse, Éd. Franciscaines (1962), p. 205.

[5] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04/02/2019): L’Osservatore Romano, 4–5/02/2019, tr. 6.

[6] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ Liên tôn và Đại kết với Giới trẻ, Skopje, North Macedonia (07/05/2019): L’Osservatore Romano, 09/05/2019, tr. 9.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo