Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 10/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG BỐN: MỘT TRÁI TIM MỞ RA CHO TOÀN THẾ GIỚI
142. Chúng ta nên nhớ rằng “có sự căng thẳng giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần lưu ý đến tầm vóc toàn cầu để không rơi vào suy nghĩ hẹp hòi nông cạn. Đồng thời cũng cần để mắt đến những gì xảy ra ở địa phương, là nơi chân chúng ta chạm đất. Cả hai chiều kích ấy hợp lại giúp chúng ta không bị rơi vào hai thái cực. Ở thái cực này, các công dân phải sống trong một thế giới toàn cầu hóa trừu tượng. [...] Ở thái cực kia, họ trở thành một viện bảo tàng dân gian địa phương, một thế giới tách biệt, cứ quanh quẩn mãi với những cái cũ kỹ, không có khả năng đối mặt với những thách thức khác lạ và quý chuộng cái đẹp mà Thiên Chúa ban cho bên ngoài biên giới của mình.” [124] Chúng ta cần có một tầm nhìn mang tính toàn cầu để giải thoát mình khỏi não trạng địa phương cục bộ. Khi ngôi nhà của chúng ta không còn là tổ ấm và bắt đầu trở thành một khu nội cấm, một nhà tù, thì tầm nhìn toàn cầu sẽ giải cứu chúng ta, vì nó như là một “nguyên nhân cứu cánh” sẽ lôi kéo chúng ta đến chỗ thành toàn. Đồng thời, cũng phải nhiệt tâm gìn giữ tính địa phương, vì tính địa phương có cái mà tính toàn cầu không có. Đó là khả năng trở nên men, đem lại sự phong phú, kích hoạt các cơ chế bổ trợ. Vì thế tình huynh đệ phổ quát và tình bằng hữu xã hội là hai cực không thể tách rời và cùng mang tình cốt yếu của mọi xã hội. Tách rời hai yếu tố ấy sẽ làm mỗi bên biến dạng và tạo ra sự phân cực nguy hiểm.
143. Giải pháp ở đây không phải là một sự cởi mở để rồi phá bỏ kho tàng riêng của mình. Không thể có đối thoại với người khác mà không ý thức về căn tính của mình, cũng vậy, không thể có sự cởi mở giữa hai dân tộc nếu không phát xuất từ tình yêu đối với đất nước, dân tộc và cội rễ văn hóa của mình. Chúng ta không thể thật sự gặp gỡ người khác nếu không đứng trên một nền móng vững chắc, vì chính trên nền móng này mà chúng ta có thể đón nhận quà tặng của người khác, và trao tặng món quà đích thực của mình. Chúng ta chỉ có thể tiếp đón tha nhân, là những người khác biệt, và trân trọng sự đóng góp độc đáo của họ khi chúng ta bén rễ chắc chắn trong dân tộc và văn hóa của mình. Mỗi người, với tất cả trách nhiệm, hãy yêu mến, chăm sóc xứ sở và lo lắng cho quê hương đất nước của mình, cũng như mỗi người phải yêu mến và chăm sóc ngôi nhà của mình để nó khỏi sụp đổ, vì những người hàng xóm sẽ chẳng làm điều đó thay ta. Cũng thế, thiện ích chung của thế giới đòi hỏi mỗi người phải bảo vệ và yêu mến quê hương mình. Nếu không, hậu quả của các thảm họa ở mỗi quốc gia cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh. Những điều này làm nổi bật ý nghĩa tích cực của quyền sở hữu tài sản: Tôi bảo vệ và vun trồng những gì tôi sở hữu, sao cho nó có thể góp phần vào thiện ích của mọi người.
144. Hơn nữa, điều đó cũng giả thiết phải có những cuộc trao đổi lành mạnh và phong phú. Kinh nghiệm sống ở một nơi và trong một nền văn hóa cụ thể là cơ sở cho phép ta hiểu biết sâu xa những khía cạnh của thực tại mà những người không có kinh nghiệm đó không thể dễ dàng nắm bắt được. Phổ quát toàn cầu không nhất thiết có nghĩa là mọi sự đều thuần nhất, đồng dạng, và chuẩn hóa theo một mô hình văn hóa phổ biến duy nhất, vì điều này rốt cuộc sẽ làm mất đi nét phong phú đa diện muôn sắc màu và tất cả sẽ hóa ra tẻ nhạt. Đó chính là cám dỗ như trong trình thuật cổ xưa về Tháp Babel: cố gắng xây nên một ngọn tháp vươn tới trời nhưng không diễn tả sự hiệp nhất giữa các dân tộc có khả năng thông truyền cho nhau sự đa dạng của mình. Trái lại, đó là một nỗ lực sai lầm, phát xuất từ lòng kiêu ngạo và tham vọng muốn tạo nên một sự hiệp nhất khác với sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn trong kế hoạch quan phòng của Ngài dành cho các dân tộc (x. St 11,1-9).
145. Việc mở ra với chiều kích phổ quát có thể là giả hiệu, khi phát xuất từ những người nông cạn, không có khả năng thấu hiểu tận cùng những thực tại của xứ sở mình, hoặc những người còn nuôi dưỡng sự oán hận khôn nguôi đối với dân tộc mình. Dù trường hợp nào đi nữa, “phải không ngừng mở rộng tầm nhìn để thấy rõ sự thiện hảo lớn hơn đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nhưng cần phải làm như thế, không thoái thác cũng không để bị mất gốc. Cần phải bén rễ sâu hơn vào mảnh đất màu mỡ và lịch sử của chính xứ sở mình, vốn là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm những việc nhỏ bé, gần gũi trong tầm tay, nhưng với một tầm nhìn rộng lớn hơn. [...] Đây không phải là một khối cầu tròn trịa gây hủy bỏ, cũng không phải là một bộ phận tách rời làm cằn cỗi” [125], mà là một khối đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, ở đó “toàn thể thì lớn hơn từng phần, và cũng lớn hơn tổng số các thành phần.” [126]
146. Có những thứ ái kỉ, bị ám ảnh bởi tính cục bộ địa phương, chứ không phải là tình yêu lành mạnh đối với dân tộc và văn hóa của mình. Những người ái kỉ đó che giấu một não trạng khép kín, bởi sự bất an và lo sợ nào đó đối với người khác, từ đó muốn dựng lên những bức tường bảo vệ chính mình. Thế nhưng, không thể có cảm thức “địa phương” lành mạnh mà lại thiếu tinh thần cởi mở chân thành và thân thiện đối với thực tại phổ quát, không cảm thấy bị chất vấn bởi những gì đang xảy ra ở nơi khác, không để cho mình được phong phú hơn nhờ các nền văn hóa khác cũng như không liên đới và quan tâm tới những thảm kịch đang xảy đến với các dân tộc khác. Trong khi đó, người ái kỉ mang tính địa phương cục bộ cứ quanh quẩn thường xuyên với một số ý nghĩ, một vài thói quen và hình thức an toàn nào đó, không có khả năng thán phục trước vô vàn những tiềm năng và vẻ đẹp được cả thế giới rộng lớn dâng hiến; họ thiếu tinh thần liên đới chân thực và quảng đại. Với lối sống mang não trạng cục bộ địa phương như thế, người ta sẽ không còn thực sự đón nhận gì nữa, sẽ không còn mở ra để người khác giúp mình hoàn thiện. Bởi thế, người ta chỉ giới hạn và dựa vào khả năng riêng để phát triển bản thân; cuộc sống trở nên tù hãm và bệnh hoạn. Vì, thật ra, một nền văn hóa lành mạnh tự bản chất thì cởi mở và hiếu khách, “một nền văn hóa mà không có các giá trị phổ quát thì đó không phải là một nền văn hóa thật.” [127]
147. Phải nhìn nhận rằng khi tâm hồn và trí óc của chúng ta càng hạn hẹp thì chúng ta càng ít có khả năng thấu hiểu thực tại chung quanh mình. Nếu không gặp gỡ và tiếp xúc với những người khác với mình, chúng ta sẽ khó biết rõ và đầy đủ về chính mình, về quê hương xứ sở mình. Các nền văn hóa khác không phải là “kẻ thù” mà chúng ta cần phải chiến đấu để bảo vệ mình, nhưng là những phản ánh khác nhau trong kho tàng phong phú vô tận của đời sống con người. Nhìn mình từ quan điểm của một người khác, khác với mình, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy và nhận thấy rõ ràng hơn những nét độc đáo của bản thân cũng như của nền văn hóa của mình: sự phong phú, những khả năng và những giới hạn của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần được triển nở trong “sự tương phản” cũng như trong “sự hòa hợp” với kinh nghiệm của những người sống trong các bối cảnh văn hóa khác[128]
148. Thật ra, sự cởi mở lành mạnh sẽ chẳng bao giờ đe dọa bản sắc riêng của ai cả. Được thêm phong phú nhờ các yếu tố đến từ nơi khác, một nền văn hóa sống động không du nhập hay chỉ sao chép, nhưng hội nhập các yếu tố mới ấy theo phương cách độc đáo của mình. Kết quả chung cuộc là một tổng hợp mới có ích cho tất cả, vì chính nền văn hóa nguyên gốc ấy cũng được nuôi dưỡng phát triển. Bởi thế tôi khuyến khích các dân bản xứ bảo tồn cội rễ và nền văn hóa tổ tiên của mình. Tuy nhiên, tôi muốn xác định rằng tôi không có ý định đề nghị một “chủ nghĩa bản địa” “hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tại, loại bỏ mọi pha trộn khác”, vì “bản sắc văn hóa riêng được đào sâu và trở nên phong phú là nhờ đối thoại với các nền văn hóa khác và phương cách thật sự bảo tồn nó không phải là cô lập mình, là điều chỉ làm mình nghèo nàn đi.” [129] Thế giới phát triển và chứa đầy vẻ đẹp mới mẻ nhờ những tổng hợp nối tiếp nhau được phát sinh giữa các nền văn hóa cởi mở và không có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.
149. Để có một mối tương quan lành mạnh giữa tình yêu quê hương và ý thức mình thuộc về gia đình nhân loại rộng lớn, chúng ta nên nhớ rằng xã hội toàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, nhưng đúng hơn đó chính là sự hiệp thông giữa các quốc gia, ý thức thuộc về nhau có trước sự xuất hiện các nhóm riêng. Mỗi nhóm người riêng biệt là một thành phần tháp nhập trong mối hiệp thông phổ quát, và khám phá ra vẻ đẹp của mình ở đó. Thế nên, mỗi người sinh ra, dù trong bối cảnh riêng nào, cũng biết rằng mình thuộc về một gia đình nhân loại rộng lớn hơn, nếu không có gia đình lớn ấy thì mình không thể hiểu được mình đầy đủ.
150. Tầm nhìn đó, sau cùng đòi chúng ta phải vui mừng chấp nhận rằng không một dân tộc nào, nền văn hóa nào hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi thứ. Để xây dựng một cuộc sống viên mãn chúng ta rất cần đến những người khác. Ý thức về những giới hạn và bất toàn của mình không hề là mối đe dọa, nhưng lại là chìa khóa để chúng ta mơ ước và theo đuổi một dự án chung. Bởi lẽ “con người là một hữu thể hữu hạn không giới hạn.” [130]
Bắt đầu từ chính khu vực của mình
151. Nhờ sự trao đổi giữa các khu vực, các nước nghèo được mở ra với thế giới rộng lớn hơn, và tính phổ quát không nhất thiết làm tan biến tính đặc thù của vùng. Một sự mở ra thích đáng và chân thực với thế giới bao hàm khả năng biết mở ra với láng giềng của mình trong gia đình các dân tộc. Sự hội nhập văn hóa, chính trị và kinh tế với các dân tộc lân cận nên đi kèm với một tiến trình giáo dục cổ võ giá trị về tình yêu đối với láng giềng, đó là bước đầu rất quan trọng hướng tới sự hội nhập phổ quát lành mạnh.
152. Ở một số khu vực lao động trong các thành phố của chúng ta, người dân vẫn có ý thức sống động về tình láng giềng. Mỗi người đều tự nhiên cảm thấy trách nhiệm tối lửa tắt đèn có nhau. Ở những nơi vẫn còn giữ được các giá trị cộng đồng này, người ta sống tương quan thân tình mang đặc điểm vô vị lợi, liên đới và tương trợ, khởi đi từ cảm thức về cái chung “chúng ta” trong cùng một khu phố. [131] Ước chi các quốc gia lân bang cũng sống tinh thần như thế, nhờ đó có thể cổ võ các mối tương quan nồng ấm giữa các dân tộc của họ. Tuy nhiên, nhãn quan cá nhân chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa các quốc gia. Tâm thức nghĩ rằng chúng ta phải tự bảo vệ mình và xem người khác như đối thủ hay kẻ thù nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa các dân tộc trong vùng. Có lẽ vì chúng ta đã được dạy dỗ trong bầu khí sợ hãi và nghi ngờ như thế.
153. Có những cường quốc và những doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự cô lập này, và thích đàm phán riêng với từng quốc gia. Trái lại, khi các quốc gia nhỏ hay nghèo có thể ký kết hiệp ước với các nước láng giềng trong khu vực, điều này cho phép họ thương thuyết trong tư cách một khối, và như vậy tránh được nguy cơ bị xé lẻ và phụ thuộc vào các nước lớn. Ngày nay, không Nhà nước nào cô lập mà lại có thể bảo đảm thiện ích chung cho dân nước mình.
--Ghi chú--
[124] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 234: AAS 105 (2013), 1115.
[125] Ibid., 235: AAS 105 (2013), 1115.
[126] Ibid.
[127] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn với các Đại biểu của giới Văn hóa Argentina, Buenos Aires, Argentina (12/04/1987), 4: L’Osservatore Romano, 14 tháng Tư 1987, tr. 7.
[128] Cf. Id., Diễn văn với Giáo triều Rôma (21/12/1984), 4: AAS 76 (1984), 506.
[129] Tông huấn Querida Amazonia (02/02/2020), 37.
[130] Georg Simmel, Brücke und Tür. Essays des Philosophen zur Geschichte, Religion, Kunst und Gesellschaft, ed. Michael Landmann, Köhler-Verlag, Stuttgart, 1957, 6.
[131] Cf. Jaime Hoyos-Vásquez, S.J., “Lógica de las relaciones sociales. Reflexión onto-lógica”, Revista Universitas Philosophica, 15-16 (tháng Mười Hai 1990 – tháng Sáu 1991), Bogota, 95-106
-----------------------------
---Còn tiếp---