Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 73

ĐGH Phanxico, Thông điệp Fratelli Tutti, Phần 11/20 - 2021

Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 11/20

THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI

 

CHƯƠNG NĂM: MỘT NỀN CHÍNH TRỊ TỐT ĐẸP HƠN

154. Để phát triển một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên việc sống tình bằng hữu xã hội của các dân tộc và các quốc gia, chúng ta cần một nền chính trị tốt đẹp hơn, nhằm phục vụ thực sự cho thiện ích chung. Nhưng thật đáng buồn, nhiều nền chính trị ngày nay thường mang những hình thức cản trở tiến trình hướng về một thế giới khác.

CÁC HÌNH THỨC CHỦ NGHĨA DÂN TÚY VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO

155. Việc coi thường những người yếu kém có thể ẩn sau những hình thức của chủ nghĩa dân túy, chuyên mị dân nhằm lợi dụng họ, phục vụ cho các mục đích riêng của nó; hoặc những hình thức của chủ nghĩa tự do phục vụ cho các lợi ích kinh tế của những kẻ quyền lực. Trong cả hai trường hợp, chúng ta khó mà nghĩ về một thế giới mở ra có chỗ đứng cho mọi người, bao gồm những người yếu kém nhất, và là thế giới biết tôn trọng các nền văn hóa khác nhau.

     “Thuộc về dân” hay “dân túy

156. Trong những năm gần đây, các từ “chủ nghĩa dân túy” và “người theo chủ nghĩa dân túy” đã tràn ngập các phương tiện truyền thông và trong ngôn ngữ hằng ngày. Thế nên những từ ngữ ấy đã mất đi giá trị mà chúng đã từng có, và làm cho xã hội vốn dĩ đã chia rẽ trở nên phân cực. Tình trạng đi đến mức người ta đang cố phân loại tất cả mọi người, mọi nhóm, mọi xã hội và chính quyền là “dân túy” hay “không dân túy”. Ngày nay, một người không thể bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ chủ đề nào mà không bị xếp loại cách này hay cách khác, hoặc để bị hạ uy tín cách bất công hoặc để được ca tụng đến tận mây xanh.

157. Ý muốn xem chủ nghĩa dân túy như chìa khóa giải thích thực tại xã hội tạo ra một vấn đề khác: người ta quên lãng ý nghĩa chính đáng của khái niệm “dân”. Bất cứ cố gắng nào nhằm gỡ bỏ khái niệm này khỏi ngôn ngữ thông thường đều có thể dẫn đến việc loại trừ chính khái niệm dân chủ được hiểu là “chính quyền của dân”. Dù vậy, để khẳng định xã hội là cái gì hơn nữa chứ không chỉ là một tập hợp các cá nhân, thì cần thiết phải sử dụng hạn từ “dân”. Thực tế có những hiện tượng xã hội tạo ra các nhóm đa số, có các xu hướng lớn và các khát vọng mang tính cộng đồng. Hơn nữa, họ có thể nghĩ đến những mục tiêu chung vượt trên các khác biệt để cùng thực hiện một dự án chung. Sau cùng, sẽ rất khó thực hiện một dự án lớn dài hạn nào đó nếu điều ấy không trở thành nguyện vọng chung của mọi người. Tất cả những yếu tố này nằm phía sau cách chúng ta dùng những từ “dân” và “thuộc về dân”. Nếu chúng không được xem xét cẩn thận - với sự phê bình thích đáng về trò mị dân - thì rất có thể người ta đã bỏ qua một trong những khía cạnh căn bản của thực tại xã hội.

158. Ở đây, có thể có hiểu lầm. “Dân” không phải là một phạm trù luận lý học, cũng không phải là một phạm trù huyền nghiệm, nếu qua những từ đó chúng ta muốn nói rằng mọi sự dân làm đều tốt, hoặc cho rằng người dân là thực tại ‘thiên thần'. Đúng hơn, đó là một phạm trù huyền thoại [...]. Khi bạn muốn giải nghĩa thế nào là một dân tộc, bạn dùng các phạm trù luận lý để giải thích, bởi vì bạn phải làm như thế. Nhưng nếu theo cách đó bạn sẽ không thể giải thích được ý nghĩa việc thuộc về một dân tộc. Khái niệm “dân” có ý nghĩa sâu xa hơn, không thể trình bày bằng ngôn ngữ luận lý. Thuộc về một dân là tham dự vào căn tính chung phát sinh từ các mối liên kết xã hội và văn hóa. Và đó không phải là cái gì có tính tự động, nhưng là một quá trình chậm chạp và khó khăn... tiến tới một dự phóng chung. [132]

159. Có những vị thủ lãnh “thuộc về dân”. Họ là những người có khả năng diễn giải được cảm xúc và tính năng động văn hóa của dân tộc mình, cũng như các xu thế lớn quan trọng trong xã hội. Nỗ lực phục vụ của họ, qua cố gắng tập hợp và lãnh đạo, có thể trở thành cơ sở cho một dự phóng dài hạn để thay đổi và tăng trưởng, bao hàm việc thừa nhận vị trí của người khác trong việc theo đuổi thiện ích chung. Nhưng điều này có thể bị thoái hóa để thành một thứ “chủ nghĩa dân túy” không lành mạnh, đó là khi khả năng lãnh đạo biến thành tài khéo léo hấp dẫn của một cá nhân, dùng nền văn hóa dân tộc làm khí cụ chính trị, nhờ vào ngọn cờ ý thức hệ nào đó, để phục vụ cho kế hoạch cá nhân và để tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hoặc có khi, họ tìm cách lấy lòng dân bằng cách khơi gợi những xu hướng hạ cấp và ích kỉ của một số thành phần dân chúng. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi các cơ chế và luật pháp bị khống chế, với những chiêu trò thô thiển hay tinh tế.

160. Các nhóm dân túy khép kín làm lệch lạc ý nghĩa của từ “dân”, vì thực tế những gì họ nói không thực sự là nói về dân. Thực ra, phạm trù “dân” có tính mở ra. Một dân sống động, năng động, hướng tới tương lai, là một dân không ngừng mở ra đón nhận một tổng hợp mới, qua khả năng đón nhận các khác biệt. Để thực hiện như thế, dân ấy không phủ nhận căn tính của mình, nhưng sẵn sàng để được thúc đẩy, được thách thức, được mở rộng và nhờ người khác được thêm phong phú, và do đó mà có tiến bộ.

161. Một dấu hiệu khác cho thấy sự suy giảm khả năng lãnh đạo thuộc về dân là việc tìm kiếm những lợi ích trước mắt. Việc đáp ứng các yêu sách của dân chỉ để bảo đảm số phiếu bầu hay tìm kiếm sự ủng hộ, nhưng lại chẳng có tiến bộ trong các nỗ lực gian nan và bền bỉ nhằm cung ứng cho người dân các nguồn lực giúp họ phát triển và sinh sống bằng chính những cố gắng và khả năng sáng tạo của họ. Về phương diện này, tôi đã tuyên bố rõ là “tôi không có ý định đề ra một thứ chủ nghĩa dân túy vô trách nhiệm.” [133] Một mặt, việc xóa bỏ sự bất bình đẳng đòi hỏi phải phát triển kinh tế, bằng cách khai thác tiềm năng của mỗi vùng và như thế bảo đảm được sự bình đẳng bền vững[134]. Mặt khác, “chỉ nên xem các dự án phúc lợi xã hội đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp như những giải pháp tạm thời.” [135]

162. Vấn đề lớn nhất là việc làm. Đây thực sự là vấn đề “của dân” - bởi vì nó cổ võ thiện ích của dân - đó là cung ứng cho mọi người cơ hội để những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng trong mỗi người được nảy mầm, là các tài năng, sáng kiến và sức khỏe. Đây là sự trợ giúp tốt nhất có thể dành cho người nghèo, là con đường tốt nhất dẫn đến một cuộc sống có phẩm giá. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng, “việc giúp đỡ người nghèo về mặt tài chính luôn phải được xem chỉ là một giải pháp tình thế tạm thời trước nhu cầu cấp bách. Mục tiêu thật sự luôn phải là giúp họ có một cuộc sống xứng với nhân phẩm qua công việc của họ.” [136] Vì các hệ thống sản xuất hay thay đổi, nên các chính sách phải lo sao để cơ cấu tổ chức xã hội bảo đảm cho mọi người đều có cơ hội đóng góp tài năng và những cố gắng của mình. Thật vậy, “không có cái nghèo nào tệ hại hơn cái nghèo của người lao động bị tước mất việc làm và phẩm giá.” [137] Trong một xã hội thực sự tiến bộ, việc làm là chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội, vì việc làm không chỉ là phương kế sinh nhai mà còn là phương tiện giúp phát triển nhân vị, xây dựng các tương quan lành mạnh, thể hiện chính mình và chia sẻ các tài năng Chúa ban. Việc làm còn cho chúng ta ý thức về trách nhiệm cải tạo thế giới, và cuối cùng, để chúng ta sống như một người dân.

     Các lợi điểm và giới hạn của những quan điểm tự do

163. Khái niệm “dân tộc”, bao hàm một quan điểm tích cực về các mối liên kết cộng đồng và văn hoá, thường bị bác bỏ bởi các quan điểm tự do theo chủ nghĩa cá nhân, vốn coi xã hội chỉ là tổng thể của các lợi ích cùng tồn tại. Người ta nói về việc tôn trọng tự do, nhưng lại chẳng bắt nguồn từ một lịch sử chung; trong một vài hoàn cảnh, những người bảo vệ quyền lợi của những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội thường bị chỉ trích là những người theo chủ nghĩa dân túy. Khái niệm dân tộc bị coi là một cấu trúc trừu tượng, một điều không thực sự tồn tại. Nhưng điều này sẽ tạo ra một sự phân cực không cần thiết, vì cả khái niệm “dân tộc” lẫn khái niệm “người thân cận” đều không thể bị coi là thuần túy trừu tượng hay lãng mạn, theo cách phủ nhận hay coi thường các tổ chức xã hội, khoa học và dân sự[138][138].

164. Mặt khác, bác ái hợp nhất cả hai chiều kích - trừu tượng và định chế - vì nó đòi hỏi một quá trình thay đổi lịch sử hiệu quả bao gồm mọi thứ: định chế, pháp luật, kỹ thuật, kinh nghiệm, giám định chuyên môn, phân tích khoa học, thủ tục hành chính, v.v... Thật vậy, “không thể có cuộc sống riêng tư nếu không được trật tự công bảo vệ. Một mái ấm gia đình sẽ không thực sự đầm ấm nếu không được bảo vệ bởi luật pháp, bởi một trạng thái yên bình dựa trên luật pháp, với mức an sinh tối thiểu được bảo đảm bởi sự phân công lao động, trao đổi thương mại, công bằng xã hội và quyền công dân chính trị.” [139]

165. Lòng bác ái đích thực có khả năng kết hợp tất cả những yếu tố này trong mối quan tâm đối với người khác. Trong trường hợp gặp gỡ cá vị, cả khi gặp gỡ những anh chị em ở xa hoặc bị lãng quên, lòng bác ái có thể làm được như vậy bằng cách sử dụng mọi phương tiện mà các thể chế của một xã hội có tổ chức, tự do và sáng tạo có khả năng tạo ra. Chẳng hạn, ngay cả người Samari nhân hậu cũng cần có một quán trọ gần đó có thể cung cấp sự trợ giúp mà cá nhân anh không có. Tình yêu thương người thân cận phải thực tế và không lãng phí những gì cần thiết để thay đổi lịch sử nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và người thiệt thòi. Tuy nhiên, đôi khi, các ý thức hệ cánh tả hay các học thuyết xã hội gắn với cách hành động cá nhân chủ nghĩa và các phương thức không hiệu quả chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, đang khi phần lớn những người bị bỏ rơi thì lại phó mặc cho thiện chí của người khác. Điều này cho thấy không những cần có một tinh thần huynh đệ lớn hơn, mà còn phải có một tổ chức thế giới hiệu quả hơn để giúp giải quyết các vấn đề đang khiến cho những người bị bỏ rơi đang sống lao đao ngắc ngoải ở các nước nghèo phải khốn khổ. Nó cũng cho thấy rằng không có một giải pháp nào, không có một phương pháp luận được chấp nhận nào, không có một công thức kinh tế nào có thể áp dụng đồng đều cho tất cả. Ngay cả những nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt nhất cũng có thể đề xuất các hướng hành động khác nhau.

166. Thế nên, mọi sự đều phụ thuộc vào khả năng nhìn ra nhu cầu phải thay đổi tâm hồn, thái độ và lối sống của chúng ta. Nếu không, các tuyên truyền chính trị, các phương tiện truyền thông và những kẻ định hình công luận sẽ tiếp tục cổ võ một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và ngây thơ trước những lợi ích kinh tế vô độ và định chế xã hội chỉ phục vụ những người đã được hưởng quá nhiều quyền lực. Lời phê phán của tôi về mô hình kỹ trị không hề  ngụ ý rằng nếu chúng ta kiểm soát được các thái quá của nó thì mọi sự sẽ ổn. Nguy cơ lớn hơn không do các sự vật, các thực tại vật chất hay các thể chế, mà do cách chúng được sử dụng. Nó liên quan đến sự yếu đuối của con người, xu hướng ích kỷ - là điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là “dục vọng”: đó là khuynh hướng nơi con người, chỉ quan tâm đến cái tôi của mình, nhóm của mình, những quyền lợi nhỏ nhen của riêng mình. Dục vọng không phải là một thói xấu chỉ có ở thời đại của chúng ta. Nó đã có mặt từ khi có con người, nó chỉ thay đổi và mang những hình thức khác nhau qua các thời đại, bằng cách sử dụng bất cứ phương tiện nào mà mỗi giai đoạn lịch sử đem đến cho nó. Tuy nhiên, có thể chế ngự được dục vọng nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa.

167. Giáo dục và chăm sóc, quan tâm đến người khác, cái nhìn toàn diện về cuộc sống và sự phát triển tinh thần: tất cả những điều này đều là thiết yếu để có được các mối tương quan nhân bản có phẩm chất cao và giúp xã hội chống lại những bất công, lệch lạc và lạm dụng kinh tế, kỹ thuật, chính trị và sức mạnh truyền thông. Một số quan điểm tự do bỏ qua nhân tố này về sự yếu kém của con người và hình dung một thế giới tuân theo một trật tự đã định sẵn, trật tự này tự nó có khả năng bảo đảm một tương lai tươi sáng và cung cấp giải pháp cho mọi vấn đề.

168. Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề, ngay cả khi người ta cứ muốn chúng ta tin vào tín điều tân tự do này. Trước bất kỳ thử thách nào, lối suy nghĩ nghèo nàn và lặp đi lặp lại này luôn đưa ra cùng một công thức. Chủ nghĩa tân tự do chỉ đang tái sinh khi sử dụng các khái niệm ma thuật “chảy tràn” hoặc “nhỏ giọt” - mà không gọi đích danh - như một giải pháp duy nhất cho các vấn đề xã hội. Nó không nhận ra rằng cái gọi là “chảy tràn” không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng, vốn là nguồn gốc phát sinh những hình thức bạo lực mới đe dọa kết cấu của xã hội. Nhất thiết phải có một chính sách kinh tế chủ động nhằm “cổ võ một nền kinh tế thiên về đa dạng trong sản xuất và sáng tạo trong kinh doanh [140] giúp tạo thêm việc làm chứ không phải cắt giảm. Đầu cơ tài chính, chủ yếu nhằm thu lợi nhuận nhanh chóng, tiếp tục gây tàn phá. Thật vậy, “nếu không có các hình thức nội tại về sự liên đới và tin tưởng hỗ tương, thị trường không thể chu toàn phận vụ kinh tế một cách trọn vẹn được. Và ngày nay sự tin tưởng này đã mất đi rồi.” [141] Kết quả cuối cùng không đúng như dự kiến, và các công thức giáo điều của lý thuyết kinh tế đang thịnh hành đã chứng tỏ không phải là không sai lầm. Tính mong manh của các hệ thống thế giới khi đối đầu với đại dịch đã cho thấy rõ rằng không phải mọi sự đều có thể được giải quyết bằng tự do thị trường. Nó cũng chứng tỏ rằng, ngoài việc khôi phục một đời sống chính trị lành mạnh không lệ thuộc vào tài chính, “chúng ta phải đặt nhân phẩm trở lại trung tâm và trên trụ cột đó, xây dựng các cấu trúc xã hội thay thế mà chúng ta cần có.” [142]

169. Chẳng hạn một số phương thức kinh tế đóng kín và chuyên biệt hóa, dường như không dành chỗ cho các phong trào bình dân đại chúng vốn liên kết những người thất nghiệp, người lao động thời vụ và không chính thức cùng với biết bao người không dễ tìm được việc làm trong các cơ cấu hiện hành. Tuy nhiên, những phong trào đó lại điều hành nhiều loại hình kinh tế bình dân và sản xuất cộng đồng. Cần phải nghĩ đến một mô hình xã hội, chính trị và kinh tế sao cho có thể huy động sự tham gia “của cả các phong trào bình dân, đồng thời tiếp sức cho các hệ thống quản lý địa phương, quốc gia và quốc tế nhờ nguồn năng lực đạo đức phát sinh từ việc cả những người bị loại trừ cũng được góp phần kiến tạo một vận mệnh chung”, trong khi cũng phải bảo đảm rằng “những phong trào này, những kinh nghiệm liên đới phát triển từ dưới lên, từ tầng đất nền, có thể quy tụ, phối hợp chặt chẽ hơn và tiếp tục gặp gỡ nhau.” [143] Tuy nhiên, điều này phải diễn ra sao cho không đi ngược lại cách thức hoạt động đặc trưng của họ, vì họ là “những người gieo mầm thay đổi, những người thúc đẩy một tiến trình hội tụ hàng triệu hành động lớn nhỏ được đan dệt cách sáng tạo như các câu chữ trong một bài thơ.” [144] Theo nghĩa này, họ chính là “những nhà thơ xã hội”, những người hoạt động, đề xướng, cổ võ và giải phóng theo cách của mình. Nhờ họ mới có thể có được sự phát triển con người toàn diện vượt ra khỏi “ý tưởng coi các chính sách xã hội như chính sách nhắm vào người nghèo, chứ không hề là các chính sách với người nghèo và của người nghèo, lại càng không nằm trong dự án liên kết mọi người.” [145] Họ có thể gây phiền toái và khó phân loại đối với một số “lý thuyết gia”, nhưng chúng ta phải can đảm nhìn nhận rằng, nếu không có họ, “nền dân chủ sẽ trở nên èo uột, chỉ còn là một cái tên, chỉ là hình thức; mất đi nét đặc trưng tiêu biểu của nó và trở thành vô hồn, vì đã gạt bỏ con người trong cuộc đấu tranh liên lỉ cho phẩm giá và trong việc xây dựng vận mạng của con người.” [146]

 

     --Ghi chú--

[132] Antonio Spadaro, S.J., Le orme di un pastore. Una conversazione con Papa Francesco, in Jorge Mario Bergoglio - Papa Francesco, Nei tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013, Rizzoli, Milan 2016, XVI; cf. Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 220-221: AAS 105 (2013), 1110-1111.

[133] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 204: AAS 105 (2013), 1106.

[134] Cf. Ibid.: AAS 105 (2013), 1105-1106.

[135] Ibid., 202: AAS 105 (2013), 1105.

[136] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 128: AAS 107 (2015), 898.

[137] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh (12/012015): AAS 107 (2015), 165; cf. Bài nói chuyện với các Tham dự viên tại Cuộc Gặp gỡ Các Phong trào Đại chúng (28/10/2014): AAS 106 (2014), 851-859.

[138] Cũng có thể nói tương tự đối với phạm trù Nước Thiên Chúa trong Kinh Thánh.

[139] Paul Ricoeur, Histoire et Vérité, ed. Le Seuil Paris, 1967, 122.

[140] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 129: AAS 107 (2015), 899.

[141] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 35: AAS 101 (2009), 670.

[142] Bài nói chuyện với các Tham dự viên tại Cuộc Gặp gỡ Các Phong trào Đại chúng (28/10/ 2014): AAS 106 (2014), 858.

[143] Ibid.

[144] Bài nói chuyện với các Tham dự viên tại Cuộc Gặp gỡ Các Phong trào Đại chúng (05/11/2016): L’Osservatore Romano, 7-8 tháng Mười Một 2016, tr. 4-5.

[145] Ibid.

[146] Ibid.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo