Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 12/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG NĂM: MỘT NỀN CHÍNH TRỊ TỐT ĐẸP HƠN
170. Một lần nữa tôi xin lặp lại rằng “cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 đã từng là cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới quan tâm hơn đến các nguyên tắc đạo đức, để điều tiết lại hoạt động đầu tư tài chính và sự thịnh vượng giả tạo, nhưng đã không có phản ứng nào dẫn đến việc suy nghĩ lại những tiêu chuẩn lạc hậu đang tiếp tục vận hành thế giới.” [147] Thật vậy, có vẻ như việc khai triển các chiến lược thực sự trên thế giới sau cuộc khủng hoảng đã khiến chủ nghĩa cá nhân thêm lớn mạnh, sự hòa nhập lại kém đi, trong khi những người có thực quyền thì càng tự tung tự tác, luôn tìm được lối thoát mà chẳng thiệt hại gì.
171. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng “theo định nghĩa cổ điển, công lý là trả cho mỗi người phần của họ, nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào được coi mình là tuyệt đối, có quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội khác. Cách cụ thể để hạn chế quyền lực đó là phải phân chia quyền lực cách hữu hiệu giữa phần lớn các chủ thể (nhất là quyền lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật) và phải tạo ra một hệ thống pháp lý để điều chỉnh các yêu sách và quyền lợi. Tuy nhiên, thế giới ngày nay cho chúng ta thấy có nhiều quyền lợi giả tạo và đồng thời có nhiều khu vực rộng lớn dễ bị tổn thương, nạn nhân của việc thực thi quyền lực cách tồi tệ.” [148]
172. Thế kỷ XXI “chứng kiến quyền lực của chính quyền các quốc gia đang dần suy yếu, hầu hết là vì các thành phần kinh tế và tài chính xuyên quốc gia có xu hướng thống lãnh chính trị. Trước tình hình này, thật chính đáng để phát triển các tổ chức quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn, với những viên chức được bổ nhiệm cách công minh thông qua thỏa thuận giữa các chính phủ quốc gia và được trao quyền xử phạt.” [149] Khi nói tới việc có thể có một số hình thức thẩm quyền thế giới được luật pháp chi phối[150], chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến một thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một thẩm quyền như vậy ít nhất cũng phải thúc đẩy việc thành lập các cơ quan thế giới hữu hiệu hơn, có năng lực đem lại lợi ích chung cho toàn cầu, xóa bỏ đói nghèo và bảo vệ chắc chắn các quyền cơ bản của con người.
173. Về khía cạnh này, tôi cũng xin lưu ý sự cần thiết phải cải tổ “Cơ quan Liên hiệp quốc, cũng như các cơ cấu kinh tế và nền tài chính quốc tế, nhằm mang lại tính xác thực cụ thể cho ý niệm về gia đình các dân tộc.” [151] Khỏi phải nói, điều này đòi hỏi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh trường hợp quyền thu nạp thành viên chỉ do một vài quốc gia quyết định, và ngăn chặn những áp đặt văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do căn bản của các quốc gia yếu hơn trên cơ sở khác biệt ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia.” [152] Đồng thời, “theo các nguyên tắc được nêu trong Lời mở đầu và các Điều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, ta có thể thấy việc làm của Liên hiệp quốc được coi như sự phát triển và cổ võ việc thượng tôn pháp luật, dựa trên việc nhìn nhận rằng công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát... Cần phải bảo đảm tình trạng thượng tôn pháp luật và sử dụng không mệt mỏi các biện pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, vốn là những điều thực sự tạo nên quy phạm pháp lý nền tảng.” [153] Cần phải ngăn chặn việc tước bỏ thẩm quyền của Cơ quan này, vì các vấn đề và thiếu sót của nó đều có thể được đưa ra để cùng nhau thương lượng và giải quyết.
174. Cần có lòng can đảm và quảng đại để tự ý đặt ra các mục tiêu chung và bảo đảm cả thế giới sẽ tuân thủ một số quy tắc thiết yếu. Để điều này thực sự hữu ích, cần phải “trung thành với các thỏa ước đã ký kết (pacta sunt servanda)” [154], và tránh “cơn cám dỗ muốn dùng đến luật của sức mạnh hơn là sức mạnh của luật.” [155] Điều này có nghĩa là phải tái lập “các phương thế mang tính quy phạm để giải quyết các tranh cãi cách hòa bình cũng như để củng cố phạm vi và sức mạnh ràng buộc của các phương thế ấy.” [156] Trong số các phương thế mang tính quy phạm này, nên dành ưu tiên cho các thỏa ước đa phương giữa các quốc gia hơn các thỏa ước song phương, vì các thỏa ước đa phương bảo đảm công ích phổ quát thực sự và bảo vệ các quốc gia yếu hơn.
175. Nhờ ơn Chúa quan phòng, nhiều tập hợp và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp các thiếu sót của cộng đồng quốc tế, như thiếu phối hợp trong các tình huống phức tạp, thiếu quan tâm đến các nhân quyền căn bản và các nhu cầu thiết yếu của một số nhóm nào đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy một áp dụng cụ thể của nguyên tắc phụ đới, nguyên tắc này biện minh cho sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và tổ chức ở các cấp thấp hơn như một phương tiện để tham gia và bổ sung cho hoạt động của nhà nước. Các nhóm và tổ chức này thường thực hiện những nỗ lực rất đáng ca ngợi trong việc phục vụ công ích và một số thành viên có những hành động thực sự anh hùng, điều này cho thấy nhân loại chúng ta còn có những khả năng tốt đẹp biết bao.
176. Ngày nay đối với nhiều người, chính trị là một từ mang nghĩa xấu, thường do các việc sai trái, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Lại còn có những toan tính làm suy yếu chính trị, thay thế chính trị bằng kinh tế học hay biến chính trị thành một ý thức hệ nào đó. Tuy nhiên, liệu thế giới chúng ta có thể vận hành mà chẳng cần đến chính trị hay không? Liệu có thể có một tiến trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội mà không cần một nền chính trị lành mạnh hay không? [157]
177. Ở đây tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng “chính trị không được lệ thuộc vào kinh tế, cũng như kinh tế không được lệ thuộc vào các mệnh lệnh và các mô thức kỹ trị chạy theo hiệu quả.” [158] Mặc dù phải dứt khoát bác bỏ thói lạm dụng quyền lực, tham nhũng, coi thường luật pháp và tính thiếu hiệu năng, nhưng “không thể biện minh cho một nền kinh tế không chính trị, vì như thế sẽ không thể đưa ra một đường lối khác có khả năng xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện tại.” [159] Thay vào đó, “cần một nền chính trị có tầm nhìn bao quát, đưa ra được cách tiếp cận mới mẻ, toàn diện cùng với cuộc đối thoại liên ngành về các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng.” [160] Nói cách khác, một “nền chính trị lành mạnh có khả năng cải cách, điều phối và mang lại cho các thể chế những cách thực hiện tốt nhất giúp vượt thắng các áp lực tiêu cực và thói quan liêu trì trệ.” [161] Chúng ta không thể đòi buộc kinh tế phải làm được điều này và cũng không chấp nhận để kinh tế nắm quyền lực thực sự của quốc gia.
178. Trước nhiều kiểu chính trị kém cỏi chỉ nhắm lợi ích trước mắt, tôi muốn lặp lại rằng “khả năng điều hành đất nước được thể hiện ở chỗ: giữa thời kỳ gian khó, vẫn duy trì được những nguyên tắc tổng quát và tư duy theo công ích dài hạn. Các thế lực chính trị không dễ đảm nhận trách vụ này trong công cuộc xây dựng đất nước” [162], càng không dễ dàng trong việc lập một dự án chung cho gia đình nhân loại, vào lúc này và trong tương lai. Cần phải nghĩ tới những người sẽ đến sau chúng ta, nhưng không nhằm phục vụ các mục tiêu bầu cử, mà vì đây là đòi hỏi của nền công lý chân chính. Như các Giám mục Bồ Đào Nha đã huấn dụ, trái đất “là khoản vay mà mỗi thế hệ đều nhận được và phải trao trả cho thế hệ sau.” [163]
179. Trên bình diện toàn cầu, xã hội đang mắc phải những khiếm khuyết trầm trọng về cơ cấu, không thể giải quyết bằng cách chắp vá hoặc bằng các giải pháp vội vã may nhờ rủi chịu. Có những điều cần phải thay đổi, bằng cách thiết lập lại nền tảng và thực hiện những cải cách quan trọng. Chỉ có một nền chính trị lành mạnh, bao gồm các lĩnh vực và các kỹ năng đa dạng nhất, mới có khả năng giám sát tiến trình này. Nền kinh tế nào nằm trong một chương trình chính trị, xã hội, văn hóa và đại chúng nhắm đến việc xây dựng công ích sẽ có thể “mở ra con đường cho những cơ hội khác, không ngăn chặn sự sáng tạo và những ước mơ tiến bộ của con người, nhưng định hướng nguồn sáng tạo và ước mơ ấy theo những nẻo đường mới.” [164]
180. Nhìn nhận mọi người là anh chị em và tìm kiếm một tình bằng hữu xã hội bao gồm mọi người không hẳn là điều không tưởng. Điều này đòi hỏi phải dứt khoát dấn thân để tìm ra các phương thế hữu hiệu đạt mục đích này. Mọi nỗ lực theo hướng này đều trở thành việc thực thi đức ái cao cả. Quả vậy, một cá nhân có thể giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, nhưng khi cùng với những người khác xây dựng các chương trình xã hội về tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, là họ đã bước vào “lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, đó là bác ái chính trị.”[165] Điều này bao hàm việc việc kiến tạo một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội.[166] Một lần nữa, tôi kêu gọi hãy nhìn nhận lại giá trị của chính trị như “một ơn gọi cao cả và như một trong những hình thức cao quý nhất của bác ái, vì nó tìm kiếm lợi ích chung.” [167]
181. Mọi dấn thân được học thuyết xã hội của Giáo hội gợi hứng đều “phát xuất từ tình yêu, mà theo lời dạy của Chúa Giêsu, tình yêu này là bản tóm kết toàn bộ Lề luật (x. Mt 22,36-40).” [168] Điều này có nghĩa là nhìn nhận rằng “lòng yêu thương, thực hiện bằng những cử chỉ nhỏ bé của việc quan tâm đến nhau, vừa mang tính chất dân sự lẫn chính trị, và biểu lộ trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.” [169] Vì thế, tình bác ái không chỉ thể hiện trong các mối tương quan gần gũi và thân thiết mà cả trong “các mối tuong quan vĩ mô mang tính xã hội, kinh tế và chính trị” nữa. [170]
182. Đức bác ái chính trị này phát sinh từ ý thức xã hội vượt trên mọi tư duy cá nhân chủ nghĩa: “Bác ái xã hội sẽ khiến chúng ta yêu quý công ích, thúc đẩy chúng ta nỗ lực tìm kiếm điều có ích cho hết mọi người, được xem không chỉ như những cá thể riêng rẽ, mà còn trong chiều kích xã hội nối kết họ lại với nhau.” [171] Mỗi chúng ta hoàn toàn là một con người khi chúng ta thuộc về một dân tộc, đồng thời chẳng có dân tộc thực sự nào lại không tôn trọng tính cách riêng của các cá nhân. “Dân tộc” và “con người” là các thuật ngữ có tương quan với nhau. Tuy nhiên, ngày nay có những mưu toan giản lược con người thành những cá nhân đơn độc, dễ dàng để cho các thế lực theo đuổi lợi ích bất minh thao túng. Nền chính trị tốt sẽ tìm cách xây dựng các cộng đồng ở mọi bình diện của đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh và định hướng lại việc toàn cầu hóa và như thế sẽ tránh gây ra những hậu quả hỗn loạn.
183. “Tình yêu thương mang tính xã hội” [172] giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới[173]. Bác ái không phải là tình cảm đơn thuần, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu cho mọi người. Tình yêu thương mang tính xã hội là một “sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới ngày nay, có khả năng đổi mới các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp cách sâu xa, từ bên trong.” [174]
184. Bác ái là điều cốt lõi của mọi xã hội lành mạnh và cởi mở, tuy nhiên ngày nay “nó dễ bị coi là không thích hợp trong việc giải thích và định hướng các trách nhiệm đạo đức.” [175] Bác ái, khi đi cùng với thái độ dấn thân cho chân lý, thì vượt xa cảm xúc cá nhân, nhờ đó không dễ dàng “trở thành tế vật cho những cảm xúc và ý kiến chủ quan tuỳ tiện.” [176] Thật vậy, mối liên hệ chặt chẽ của bác ái với chân lý làm cho nó mang tính phổ quát và tránh khỏi “bị giới hạn trong một lĩnh vực hẹp hòi, thiếu các mối tương quan.” [177] Bằng ngược lại, “trong sự trao đổi giữa nhận thức và thực hành, bác ái sẽ bị loại khỏi các dự án và tiến trình thúc đẩy sự phát triển con người trong chiều kích phổ quát.” [178] Không có chân lý, cảm xúc thiếu đi nội dung tương quan và xã hội. Vì thế, việc mở ra với chân lý sẽ bảo vệ bác ái khỏi “một thứ chủ thuyết duy tín vốn tước mất chiều kích nhân văn và phổ quát của nó.” [179]
185. Bác ái cần ánh sáng của chân lý, là điều chúng ta không ngừng tìm kiếm. “Ánh sáng chân lý vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin”[180], không chấp nhận bất cứ hình thức nào của thuyết tương đối. Tuy nhiên, nó vẫn tôn trọng sự phát triển của các ngành khoa học và những đóng góp thiết yếu của khoa học trong việc tìm ra các phương tiện chắc chắn và thực tiễn nhất để đạt được các kết quả mong muốn. Vì khi thiện ích của những người khác bị đe dọa, chỉ có ý tốt thôi thì không đủ, nhưng phải thực hiện hiệu quả những gì họ và các quốc gia của họ cần để phát triển.
--Ghi chú--
[147] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[148] Diễn văn với các Thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25/09/2015): AAS 107 (2015), 1037.
[149] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 175: AAS 107 (2015), 916-917.
[150] Cf. Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 67: AAS 101 (2009), 700-701.
[151] Ibid.: AAS 101 (2009), 700.
[152] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 434.
[153] Diễn văn với các Thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25/09/2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041.
[154] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 437.
[155] Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2004, 5: AAS 96 (2004), 117.
[156] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 439.
[157] Cf. Uỷ Ban Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp, Tuyên ngôn Réhabiliter la Politique (17/02/1999).
[158] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[159] Ibid., 196: AAS 107 (2015), 925.
[160] Ibid., 197: AAS 107 (2015), 925.
[161] Ibid., 181: AAS 107 (2015), 919.
[162] Ibid., 178: AAS 107 (2015), 918.
[163] Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, Thư Mục vụ Responsabilidade Solidária pelo Bem Comum (15/09/2003), 20; cf. Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 159: AAS 107 (2015), 911.
[164] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 191: AAS 107 (2015), 923.
[165] Piô XI, Bài nói chuyện với Liên đoàn Sinh viên Đại học Công giáo Ý (18/12/1927): L’Osservatore Romano, 23 tháng Mười Hai 1927, tr. 3.
[166] Cf. Id, Thông điệp Quadragesimo Anno (15/05/1931): AAS 23 (1931), 206-207.
[167] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 205: AAS 105 (2013), 1106.
[168] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[169] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 231: AAS 107 (2015), 937.
[170] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[171] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 207.
[172] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (04/03/1979), 15: AAS 71 (1979), 288.
[173] Cf. Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/03/1967), 44: AAS 59 (1967), 279.
[174] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 207.
[175] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[176] Ibid., 3: AAS 101 (2009), 643.
[177] Ibid., 4: AAS 101 (2009), 643.
[178] Ibid.
[179] Ibid., 3: AAS 101 (2009), 643.
[180] Ibid.: AAS 101 (2009), 642.
-----------------------------
---Còn tiếp---