Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 2/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG MỘT: BÓNG TỐI CỦA MỘT THẾ GIỚI KHÉP KÍN
9. Tôi không có ý thực hiện một phân tích rốt ráo hay một nghiên cứu toàn diện về mọi thực tại đang xảy ra, mà chỉ đề nghị chúng ta hãy chú ý đến một số những xu hướng của thế giới hiện nay đang cản trở sự thăng tiến của tình huynh đệ phổ quát.
10. Sau nhiều thập niên, dường như thế giới đã rút ra được bài học từ những cuộc chiến tranh và thất bại, để rồi dần dần hướng đến nhiều hình thức hòa hợp mới. Chẳng hạn, đã có những tiến triển trong việc thực hiện giấc mơ một châu Âu thống nhất có khả năng thừa nhận những cội rễ chung và hân hoan đón nhận sự đa dạng phong phú của nó. Chúng ta nhớ đến “niềm xác tín vững chắc của các vị sáng lập Liên hiệp châu Âu, họ đã mường tượng ra một châu Âu tương lai đặt nền tảng trên khả năng cùng nhau làm việc để vượt thắng các chia rẽ cũng như cổ võ hòa bình và hiệp thông giữa tất cả các dân tộc trên lục địa này.”[7] Cũng vậy, niềm mong ước hòa hợp châu Mỹ Latinh đã được củng cố, đồng thời những bước khởi đầu đã được tiến hành. Tại một số quốc gia và khu vực khác, các nỗ lực hòa giải và thiết lập mối quan hệ hữu nghị đã gặt hái được nhiều thành quả, bên cạnh đó các nỗ lực khác cũng tỏ ra có nhiều hứa hẹn.
11. Tuy nhiên, những diễn tiến lịch sử cũng cho thấy có dấu hiệu xấu đi. Các xung đột xưa cũ xem ra đã lùi vào dĩ vãng nay đang bùng phát trở lại, các hình thức chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, thù hằn và hiếu chiến đang trỗi dậy. Tại một số nước, ý tưởng đoàn kết dân tộc và thống nhất quốc gia, do ảnh hưởng của các ý thức hệ, đã tạo ra những hình thức vị kỷ mới cũng như đã xóa bỏ ý thức xã hội dưới chiêu bài bảo vệ lợi ích quốc gia. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng “mỗi thế hệ phải đảm nhận những cuộc đấu tranh cũng như những thành tựu của các thế hệ đi trước và nâng lên những tầm mức cao hơn nữa. Đây là con đường. Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ giành được một lần là có mãi nhưng phải chinh phục mỗi ngày. Không thể thỏa mãn với những gì đã đạt được trong quá khứ và mặc sức tận hưởng như thể chúng ta chẳng biết gì về tình cảnh của biết bao anh chị em đang phải chịu đựng những bất công khiến tất cả chúng ta đều bị chất vấn.”[8]
12. “Mở ra với thế giới” là kiểu nói được các ngành kinh tế và tài chính ưa chuộng và ngày cách riêng được sử dụng để nói đến việc mở cửa vì quyền lợi nước ngoài hoặc để các thế lực kinh tế được tự do đầu tư vào mọi quốc gia mà không gặp trở ngại hay rắc rối nào. Nền kinh tế toàn cầu lợi dụng các xung đột địa phương và việc thờ ơ với thiện ích chung để áp đặt một mẫu hình văn hóa duy nhất. Nền văn hóa này thống nhất thế giới nhưng chia rẽ loài người và các quốc gia, bởi lẽ “khi càng toàn cầu hóa, xã hội làm chúng ta gần nhau nhưng không làm chúng ta thành anh em với nhau.”[9] Chúng ta cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới mang tính chất đám đông, một thế giới đề cao lợi ích cá nhân và hạ giá chiều kích của đời sống cộng đồng. Đúng là có nhiều thị trường nhưng nơi đó con người chỉ đóng vai trò người tiêu thụ hay người qua lại đứng nhìn. Về nguyên tắc, sự phát triển của xu hướng toàn cầu hóa này tạo thuận lợi cho những vùng có căn tính mạnh mẽ hơn, có khả năng tự bảo vệ mình, nhưng lại có khuynh hướng làm suy giảm căn tính của những khu vực yếu kém và nghèo khó hơn, khiến những khu vực này dễ bị tổn thương và phụ thuộc hơn nữa. Như thế nền chính trị càng thêm suy nhược so với các thế lực kinh tế xuyên quốc gia, chuyên áp dụng chính sách “chia để trị”.
13. Cũng bởi lý do này, cảm thức lịch sử ngày càng lu mờ, dẫn đến thực trạng phân rã hơn nữa. Có một loại “giải gỡ cấu trúc” đang thấm nhiễm nền văn hóa ngày nay, theo đó nại đến tự do, con người muốn làm nên tất cả từ số không. Điều nó để lại chỉ là nhu cầu tiêu thụ vô độ với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cạn cợt. Chính trong bối cảnh này, tôi muốn khuyên nhủ các bạn trẻ rằng: “Nếu có ai đó đề nghị và bảo các bạn đừng ngó ngàng lịch sử, đừng đếm xỉa đến kinh nghiệm của các bậc lão thành, khinh miệt quá khứ và chỉ hướng đến tương lai do họ bày vẽ ra, thì đây chẳng phải là một thứ cạm bẫy khiến các bạn dễ dàng làm theo những gì họ chỉ dạy hay sao? Những kẻ này muốn các bạn trở nên hời hợt, mất gốc, hoài nghi, để rồi chỉ tin tưởng vào những hứa hẹn và làm theo những ý đồ của họ. Đó chính là cách thức các ý thức hệ thuộc đủ loại sắc màu vận hành: chúng phá hủy (hay giải gỡ cấu trúc) mọi khác biệt để rồi có thể thống trị mà không bị phản kháng. Để làm được như thế, chúng cần các bạn trẻ khinh thường lịch sử, chối bỏ di sản tinh thần và nhân văn phong phú do các thế hệ cha ông truyền lại, không biết gì về những chuyện đã xảy ra trước đây.”[10]
14. Đây chính là những hình thức thực dân mới về văn hóa. Chúng ta đừng quên rằng “các dân tộc từ bỏ truyền thống của mình và, vì sính bắt chước hay bị bạo lực kích động, vì sự cẩu thả tắc trách hay do vô tâm vô tình mà chịu để cho người ta cướp đoạt linh hồn của mình, thì rốt cuộc những dân tộc này không chỉ đánh mất bản sắc tinh thần mà cả chuẩn mực đạo đức của mình, để rồi cuối cùng sẽ đánh mất cả sự độc lập về tư tưởng, kinh tế và chính trị nữa.”[11] Một phương cách hữu hiệu làm suy yếu ý thức lịch sử, tư duy phê phán, ý muốn dấn thân cho công lý và những tiến trình hòa hợp là làm cho những từ ngữ quan trọng mất đi ý nghĩa hay đánh tráo khái niệm của chúng. Ngày nay, những từ ngữ như dân chủ, tự do, công bằng, thống nhất thực sự có ý nghĩa gì? Chúng đã bị bóp méo và xuyên tạc để sử dụng như công cụ thống trị, như những câu chữ sáo rỗng có thể dùng để biện minh cho bất kỳ hành động nào.
15. Cách tốt nhất để thống trị và giành quyền kiểm soát dân chúng là gieo rắc nỗi tuyệt vọng và chán nản, ngay cả trên danh nghĩa bảo vệ một số giá trị nào đó. Ngày nay, ở nhiều quốc gia, việc cường điệu, cực đoan hoá và gây phân hoá đã trở thành những công cụ chính trị. Người ta sử dụng nhiều chiến lược khác nhau như chế giễu, gây nghi ngờ và khích bác, để phủ nhận quyền sống hoặc quyền có ý kiến của người dân. Phần đóng góp của họ cho sự thật và các giá trị khác không được nhìn nhận, chính vì thế xã hội hóa ra nghèo nàn và bị cường quyền ngạo mạn khuất phục. Khi đó chính trị không còn là cuộc thảo luận lành mạnh liên quan đến những kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện điều kiện dân sinh và gia tăng thiện ích chung nhưng chỉ là các mánh khóe của thị trường, nhắm đến kết quả tức thời hòng tìm cách hữu hiệu nhất để triệt hạ người khác. Trong cuộc đấu đá hèn hạ này, việc tranh luận hóa thành tình trạng thường xuyên tranh cãi và đối kháng.
16. Trong các cuộc xung đột lợi ích khiến người ta đối đầu với nhau và chiến thắng đồng nghĩa với việc loại trừ đối thủ, thì làm thế nào có thể nâng tầm nhìn để nhận ra người lân cận hoặc trợ giúp những ai quỵ ngã trên đường? Ngày nay, người ta cho rằng việc đặt kế hoạch cho những mục tiêu lớn lao nhằm thăng tiến toàn thể nhân loại có vẻ là điều hoang tưởng. Khoảng cách giữa chúng ta ngày càng xa, trong khi cuộc hành trình gian nan và chậm chạp tiến đến một thế giới ngày càng hợp nhất và công bằng lần nữa đành phải quay gót thoái lui, không thể chống cưỡng.
17. Chăm sóc cho thế giới nơi chúng ta đang sống đồng nghĩa với chăm sóc chính mình. Nhưng chúng ta cần phải liên đới với nhau thành một cái “chúng ta” đang cùng chung sống trong một Ngôi nhà. Các thế lực kinh tế chỉ cần lợi nhuận càng nhanh càng tốt nên không quan tâm đến việc chăm sóc trái đất. Các tiếng nói gióng lên yêu cầu chiếu cố đến môi trường thường phải im bặt hoặc bị chế giễu bằng các lập luận bề ngoài xem ra hợp lý nhưng thực chất chỉ là bức màn che đậy những lợi ích đặc thù. Trong nền văn hóa mà chúng ta đang tạo ra này, một nền văn hóa nông cạn và thiển cận vì chỉ tìm kiếm những thành quả tức thời, thiếu viễn kiến chung, “có thể thấy trước rằng, việc cạn kiệt một số các nguồn tài nguyên, chính là bối cảnh để từng bước dễ dàng đưa đến những cuộc chiến mới, viện cớ những yêu sách cao thượng.”[12]
18. Dường như có một số thành phần nhân loại đáng phải hy sinh để tạo thuận lợi cho những thành phần khác được xem là đáng được sống thảnh thơi. Rốt cuộc, “con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người nghèo hoặc khuyết tật, chưa hữu dụng (như trẻ sắp ra đời), hoặc chẳng còn ích lợi gì (như người già cả). Chúng ta đã trở nên vô cảm với mọi kiểu hoang phí, trước hết là hoang phí thực phẩm, loại hoang phí tệ hại nhất.”[13]
19. Việc giảm tỉ lệ sinh đẻ, dẫn đến dân số bị lão hóa, cùng với việc người già bị bỏ mặc trong đơn độc tủi buồn, cho thấy rằng chúng ta đã quy tất cả về cho mình, chỉ có lợi ích cá nhân của chúng ta là quan trọng. Vì thế, “đối tượng thường bị thải bỏ không chỉ là thực phẩm hoặc những thứ dư thừa mà là chính con người.”[14] Chúng ta đã thấy những gì mà người già cả tại một số nơi trên thế giới đã phải hứng chịu vì virus Corona. Lẽ ra họ đã không phải chết như thế. Nhưng trong thực tế, những điều tương tự đã từng xảy ra vì những đợt nắng nóng và trong những tình huống khác, người già đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Chúng ta không nhận ra rằng khi cô lập người già và bỏ mặc họ cho người khác chăm sóc, không có sự gần gũi và quan tâm thích đáng của các thành viên trong gia đình, là chúng ta đã làm cho chính gia đình bị biến dạng và bần cùng. Hơn nữa, rốt cuộc điều này còn tước mất của người trẻ sự nối kết cần thiết với nguồn cội và với di sản khôn ngoan mà họ không thể tự mình đạt được.
20. Việc loại bỏ này tỏ lộ ra bằng nhiều cách, chẳng hạn nỗi ám ảnh phải cắt giảm chi phí lao động mà không tính đến những hậu quả tai hại của nó, bởi lẽ nạn thất nghiệp kéo theo sẽ làm gia tăng tầng lớp nghèo[15]. Thêm vào đó, việc loại trừ này mang lấy những hình thức tệ hại tưởng như không còn tồn tại, như tệ phân biệt chủng tộc, cứ ẩn nấp và rồi lại liên tục xuất hiện. Những biểu hiện phân biệt chủng tộc vẫn còn khiến chúng ta xấu hổ khi cho thấy những gì được gọi là tiến bộ xã hội thì không có thực chất cũng không bền vững.
21. Một số quy định kinh tế tỏ ra hữu hiệu cho việc tăng trưởng, nhưng đối với việc phát triển con người toàn diện thì không[16]. “Gia tăng sự giàu có, nhưng kèm theo những bất bình đẳng; và như thế những hình thức nghèo đói mới lại nảy sinh.”[17] Khi cho rằng thế giới ngày nay đã xóa đói giảm nghèo ấy là người ta đo lường sự nghèo đói với những tiêu chuẩn cũ không hề thích ứng với những thực tại ngày nay. Thực vậy, chẳng hạn trước đây người ta không xem việc thiếu điện năng là dấu hiệu nghèo đói cũng như là nguồn gốc của sự lầm than khổ cực. Sự nghèo đói luôn phải được hiểu và xem xét trong bối cảnh những gì có thể thực hiện vào thời điểm lịch sử nhất định.
22. Rõ ràng là nhiều khi trong thực tế, không có bình đẳng nhân quyền cho hết mọi người. Việc tôn trọng nhân quyền “là [...] điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể phát triển về mặt xã hội và kinh tế. Khi phẩm giá con người được tôn trọng, và khi quyền con người được công nhận và bảo đảm, thì năng lực sáng tạo và mối tương quan với người khác sẽ được triển nở, đồng thời nhân cách con người sẽ được phát huy qua những việc làm nhắm đến thiện ích chung.”[18] Tuy nhiên “khi chú ý quan sát xã hội hiện nay, chúng ta nhận ra vô vàn mâu thuẫn, nhiều đến nỗi chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu rằng phẩm giá bình đẳng của mọi người, vốn được long trọng công bố bảy mươi năm trước, có thực sự là được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đề cao trong mọi hoàn cảnh hay không. Trong thế giới ngày nay, còn tồn tại nhiều hình thức bất công, được dung dưỡng bởi quan điểm coi thường con người và mô hình kinh tế dựa trên lợi nhuận, sẵn sàng bóc lột, loại trừ và thậm chí tiêu diệt người khác. Trong lúc một phần nhân loại sống trong nhung lụa thì một phần khác thấy phẩm giá mình bị chối bỏ, bị khinh khi hoặc bị chà đạp và các quyền căn bản thì không được nhìn nhận hoặc bị vi phạm.”[19] Những chuyện này nói lên điều gì về quyền bình đẳng dựa trên chính phẩm giá của con người?
23. Cũng vậy, cơ cấu tổ chức xã hội trên toàn thế giới còn lâu mới phản ánh được việc phụ nữ hoàn toàn có phẩm giá và quyền lợi y như nam giới. Lời lẽ khẳng định là một chuyện, còn quyết định và thực tế lại là một chuyện khác. Thực vậy, “các phụ nữ trong hoàn cảnh bị loại trừ, ngược đãi và bạo lực phải chịu nghèo khổ gấp đôi bởi vì họ thường là những người ít có khả năng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.”[20]
24. Chúng ta cũng thừa nhận rằng “mặc dù cộng đồng quốc tế đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng nô lệ dưới mọi hình thức, và đang tiến hành nhiều kế hoạch chống lại hiện tượng này, nhưng ngày nay vẫn còn hàng triệu người, bao gồm trẻ em, nam giới và nữ giới thuộc mọi lứa tuổi, bị tước mất tự do và bị cưỡng bách sống trong những điều kiện không khác gì nô lệ. [...] Thời nay cũng như thời xưa, gốc rễ của nô lệ chính là quan điểm cho phép đối xử với con người như đồ vật. [...] Có thể là do bị ép buộc, bị lừa dối, hay bị cưỡng bức về thể lý hay tâm lý, con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, bị tước đoạt tự do, bị bán, bị biến thành vật sở hữu trong tay người khác. Khi đó họ bị đối xử như phương tiện chứ không như mục đích”. Các mạng lưới tội phạm “thường sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để mồi chài các thanh niên thiếu nữ, những người còn rất trẻ, ở khắp nơi trên thế giới.”[21] Thật là đồi bại không còn gì để nói khi các phụ nữ bị hành hạ ngược đãi và rồi bị buộc phải phá thai. Thật là kinh khủng gớm ghê khi có người bị bắt cóc để bán nội tạng. Chính vì thế nạn buôn người và những hình thức nô lệ hiện đại trở thành vấn đề toàn cầu phải được toàn thể nhân loại nghiêm túc xem xét, vì “các tổ chức tội phạm sử dụng mạng lưới toàn cầu để đạt mục tiêu của họ, nên các dấn thân nhằm xóa bỏ hiện tượng này phải là một nỗ lực chung và cũng có tính toàn cầu với sự cộng tác của các thành phần khác nhau trong xã hội.”[22]
25. Chiến tranh, tấn công khủng bố, bách hại sắc tộc và tôn giáo cùng biết bao tổn hại khác cho phẩm giá con người được phán xét khác nhau, tùy theo mức độ chúng có phù hợp trong việc mang lại lợi ích nào đó, nhất là lợi ích kinh tế. Chúng được xem là đúng chừng nào còn hợp theo ý muốn nhà cầm quyền, và một khi không hợp ý nhà cầm quyền thì không còn đúng nữa. Thật đáng buồn khi phải nói rằng các tình trạng bạo lực này “đã trở nên phổ biến đến nỗi có thể gọi là “cuộc thế chiến thứ ba” phân mảnh.”[23]
26. Không có gì phải ngạc nhiên về việc này nếu chúng ta nhận ra rằng những chân trời chung hợp nhất chúng ta không còn tồn tại nữa; thật vậy, trong mọi cuộc chiến, điều đầu tiên bị hủy hoại là “thiên hướng xây dựng tình huynh đệ vốn gắn liền với bản tính của gia đình nhân loại.” Hậu quả là, “mọi tình huống gây đe dọa đều làm nảy sinh mối hoài nghi và thúc đẩy con người rút lui vào vùng an toàn của mình.”[24] “Và như vậy, thế giới chúng ta loay hoay trong một mâu thuẫn dị thường: chúng ta tin rằng chúng ta có thể giữ cho thế giới ổn định và hòa bình bằng một cảm thức an toàn giả tạo, chỉ dựa trên não trạng sợ hãi và ngờ vực.”[25]
27. Thật là nghịch lý, có những nỗi sợ hãi từ bao đời truyền lại dẫu cho kỹ thuật có phát triển thế nào cũng không vượt thắng được; ngược lại, chúng có thể ẩn nấp và lan truyền đằng sau những kỹ thuật tân kỳ. Ngày nay cũng thế, bên ngoài các bức thành cổ xưa là vực thẳm, là lãnh địa xa lạ, là sa mạc hoang vu. Bất cứ điều gì phát xuất từ đó đều không thể tin cậy, vì đều xa lạ, không quen biết, không quen thuộc, không thuộc thành phần ngôi làng của chúng ta. Đó là vùng đất của “man dân”, là kẻ chúng ta phải lo phòng thủ đối địch bằng mọi giá. Do đó, các bức tường mới được dựng lên để tự vệ, để rồi thế giới bên ngoài không còn tồn tại mà chỉ còn thế giới “của tôi”, đến nỗi những người khác, không còn được xem là con người với phẩm giá không thể tước bỏ, nhưng chỉ là “bọn chúng” mà thôi. Chúng ta lần nữa lại đương đầu với “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa, để ngăn ngừa cho khỏi giáp mặt với các nền văn hóa khác, với các dân tộc khác. Và rốt cuộc những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã dựng xây. Họ không có chân trời để hướng tới, bởi thiếu vắng sự đổi trao với các nền văn hóa khác, với những người khác.”[26]
28. Nỗi cô đơn, sợ hãi và bất an của những người cảm thấy bị hệ thống này bỏ rơi tạo nên thửa đất màu mỡ cho vô số thế lực “mafia”. Thực vậy, những thế lực này nảy sinh bởi lẽ chúng tự cho mình là người bảo vệ những kẻ bị lãng quên, thông thường bằng cách trợ giúp họ ngay cả khi mục đích của chúng là nhắm đến những lợi ích bất chính. Cũng có một kiểu dẫn dắt mang đặc điểm mafia, bằng cách lôi kéo người ta vào một cộng đồng mang tính huyền bí giả tạo, với những ràng buộc phụ thuộc và gắn bó rất khó thoát khỏi.
--Ghi chú--
[7] Diễn văn tại Nghị viện Châu Âu, Strasbourg (25/11/2014): AAS 106 (2014), 996.
[8] Gặp gỡ Giới chức Chính quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao, Santiago, Chile (16/01/2018): AAS 110 (2018), 256.
[9] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 19: AAS 101 (2009), 655.
[10] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Christus Vivit (25/03/2019), 181.
[11] Hồng y Raul Silva Henriquez, Bài giảng trong buổi hát kinh Te Deum, Santiago de Chile (18/09/1974).
[12] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 57: AAS 107 (2015), 869.
[13] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh (11/01/2016): AAS 108 (2016), 120.
[14] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh (13/01/2014): AAS 106 (2014), 83-84.
[15] Cf. Diễn văn với Tổ chức “Centesimus Annus pro Pontifice” (25/05/2013): Insegnamenti I, 1 (2013), 238.
[16] Cf. Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/03/1967): AAS 59 (1967), 264.
[17] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 22: AAS 101 (2009), 657.
[18] Diễn văn với Chính quyền Dân sự, Tirana, Albania (21/09/2014): AAS 106 (2014), 773.
[19] Sứ điệp gửi các Tham dự viên Hội nghị Quốc tế về “Nhân quyền trong Thế giới Ngày nay: Những thành tựu, thiếu sót và tiêu cực” (10/12/2018): L’Osservatore Romano, 10-11 tháng Mười Hai 2018, tr. 8.
[20] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 212: AAS 105 (2013), 1108.
[21] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2015 (08/12/2014), 3-4: AAS 107 (2015), 69-71.
[22] Ibid., 5: AAS 107 (2015), 72.
[23] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2016 (08/12/2015), 2: AAS 108 (2016), 49.
[24] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2020 (08/12/2019), 1: L’Osservatore Romano, 13 tháng Mười Hai 2019, tr. 8.
[25] Diễn văn về Vũ khí Hạt nhân, Nagasaki, Japan (24/11/2019): L’Osservatore Romano, 25-26 tháng Mười Một 2019, tr. 6.
[26] Đối thoại với Giáo viên và Sinh viên tại San Carlo College ở Milano (06/04/2019): L’Osservatore Romano, 8-9 tháng Tư 2019, tr. 6.
-----------------------------
---Còn tiếp---