Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 4/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG MỘT: BÓNG TỐI CỦA MỘT THẾ GIỚI KHÉP KÍN
42. Thật nghịch lý, khi chúng ta càng khép kín với người khác bằng thái độ co cụm và bất khoan dung, thì khoảng cách với người khác lại càng thu hẹp hoặc biến mất đến nỗi không còn quyền riêng tư. Mọi sinh hoạt trở thành cảnh trình chiếu có thể theo dõi, kiểm soát và cuộc sống ngày đêm liên tục bị giám sát. Truyền thông kỹ thuật số muốn phơi bày mọi sự, đời sống cá nhân bị soi mói, lột trần và bình phẩm, thường là nặc danh. Lòng tôn trọng người khác không còn nữa, thế nên ngay cả khi chúng ta quay mặt, phớt lờ hay giữ khoảng cách với người khác, chúng ta vẫn không chút xấu hổ soi mói từng chi tiết đời tư của họ.
43. Mặt khác, các chiến dịch truyền thông kỹ thuật số gây thù hận và triệt hạ không phải là hình thức tương trợ đáng ca ngợi như một số người vẫn nghĩ, nhưng chỉ là chuyện các cá nhân liên kết chống lại kẻ thù chung. Hơn nữa, “các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến con người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người.”[46] Nhất thiết phải có những cử chỉ thể lý, những biểu cảm trên khuôn mặt, những khoảnh khắc thinh lặng, ngôn ngữ cơ thể, kể cả mùi hương, tay run, mặt đỏ, mồ hôi đổ..., vì tất cả những tiểu tiết này đều nói lên điều gì đó và là một phần trong giao tiếp giữa con người với nhau. Các mối tương quan ảo của kỹ thuật số, không đòi hỏi những nỗ lực vun đắp tình thân, không dựa trên sự hỗ tương bền vững, cũng không xây dựng trên sự hòa hợp gắn bó theo năm tháng, thực chất chỉ là những mối tương quan mang dáng vẻ thân thiện bề ngoài mà thôi. Chúng không thực sự xây dựng cái chung, nhưng có xu hướng che giấu và thổi phồng chủ nghĩa cá nhân, thể hiện qua thái độ bài ngoại và khinh miệt những người yếu đuối dễ bị tổn thương. Chỉ có kết nối kỹ thuật số thì không đủ để bắc những nhịp cầu, không đủ để hợp nhất nhân loại.
44. Ngay khi duy trì cho bản thân lối sống tiêu thụ thoải mái, người ta đã chọn cho riêng mình cách thức giao tiếp có tính nhất quán và ngông cuồng nhằm cổ võ cho vô vàn hình thức thù nghịch, lăng mạ, bạc đãi, phỉ báng và bạo ngôn nhằm hủy diệt người khác, với việc không cần phải kiềm chế như phải làm trong giao tiếp thể lý, rốt cuộc tất cả chúng ta sẽ đi đến hủy diệt lẫn nhau. Qua máy điện toán và các thiết bị di động, tính hung hăng gây hấn mang chiều kích xã hội tìm được môi trường thuận lợi hơn bao giờ hết để phát huy tác hại của nó.
45. Điều này cho phép các ý thức hệ không còn phải e dè. Mới ít năm trước đây, những điều người ta không thể nói ra vì có nguy cơ bị khinh khi thì bây giờ có thể nói một cách sống sượng mà không bị lên án, ngay cả bởi một số chính trị gia. Đừng quên rằng “nhiều hoạt động nhằm lợi ích kinh tế khổng lồ đang diễn ra trong thế giới kỹ thuật số. Chúng có khả năng cài đặt những hình thức kiểm soát tinh vi rộng khắp, tạo ra những cơ chế nhằm thao túng lương tâm của nhiều cá nhân và tiến trình dân chủ của nhiều dân tộc. Việc có nhiều diễn đàn vận hành, rốt cuộc sẽ tạo điều kiện để những người có lối nghĩ giống nhau gặp nhau, và như thế làm mất đi cơ hội đối chiếu các khác biệt. Những vòng khép kín này tạo thuận lợi cho việc phát tán thông tin giả mạo và tin tức sai lệch, đồng thời nuôi dưỡng thành kiến và lòng hận thù.”[47]
46. Cần phải nhìn nhận rằng các hình thức cuồng tín có tính phá hoại, cũng thấy xuất hiện nơi các tín đồ tôn giáo, ngay cả các Kitô hữu. Các Kitô hữu cũng “có thể bị cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng ngôn từ qua internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số khác nhau. Ngay cả trong các phương tiện truyền thông Công giáo, các giới hạn có thể bị vượt qua, phỉ báng và vu khống có thể trở nên như cơm bữa, và mọi tiêu chuẩn đạo đức cùng sự tôn trọng danh tiếng của người khác có thể bị gạt đi.”[48] Thế thì làm sao có thể góp phần xây dựng tình huynh đệ mà Cha Chung Trên Trời đòi hỏi nơi chúng ta được?
47. Sự khôn ngoan đích thực đòi hỏi phải gặp gỡ thực tại. Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ đều có thể được chế tác, giấu giếm và sửa đổi. Thế nên việc gặp gỡ trực tiếp những giới hạn của thực tại trở nên không thể chấp nhận. Vì vậy, một cơ chế “chọn lựa” được thiết lập để qua đó tôi có thể lập tức tách biệt điều yêu thích khỏi điều không ưa, điều hứng thú với điều gây khó chịu. Tương tự như thế, chúng ta chọn người cùng chia sẻ thế giới của mình. Còn những người hoặc những hoàn cảnh làm chúng ta khó chịu hay không vừa ý, ngày nay chúng ta chỉ cần loại bỏ họ khỏi mạng ảo là xong; từ đó hình thành một thế giới ảo khiến chúng ta bị cô lập ngay trong thế giới thực chúng ta đang sống.
48. Nét đặc thù trong các cuộc gặp gỡ liên vị là khả năng ngồi xuống và lắng nghe người khác; khả năng này là khuôn mẫu cho thái độ chào đón của người vượt qua chính mình và chấp nhận người khác, quan tâm đến họ và mời họ đi vào trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, “thế giới ngày nay phần lớn là thế giới của người khiếm thính... Đôi khi, sự vội vã và cuồng loạn của thế giới hiện đại cản trở chúng ta để ý lắng nghe người khác. Chúng ta ngắt lời và phản bác khi họ chưa dứt lời. Xin đừng đánh mất khả năng biết lắng nghe”. Thánh Phanxicô “đã lắng nghe tiếng Chúa và tiếng người nghèo khổ, đã lắng nghe tiếng người đau bệnh và cả tiếng thiên nhiên. Ngài đã biến đổi lắng nghe trở thành một phong cách sống. Tôi ước ao hạt giống mà thánh Phanxicô đã gieo vãi được lớn lên trong tâm hồn nhiều người.”[49]
50. Trong đối thoại, dù nhẹ nhàng trao đổi hay sôi nổi tranh cãi, chúng ta đều có thể cùng nhau tìm kiếm sự thật. Điều này đòi hỏi phải bền tâm, cũng như đòi hỏi những phút giây lặng thinh và gian khổ, có khả năng kiên trì đón nhận vô vàn kinh nghiệm của các cá nhân và các dân tộc. Thông tin tràn ngập không khiến chúng ta thông thái hơn. Sự khôn ngoan không phát sinh từ những cái nhấp chuột tìm kiếm chớp nhoáng trên internet, cũng không là một khối dữ liệu chưa được kiểm chứng. Đó không phải là phương cách để sự khôn ngoan được chín muồi khi gặp gỡ sự thật. Tóm lại, các cuộc trò chuyện chỉ luẩn quẩn với những dữ kiện mới nhất, chỉ ở tầm mức là là mặt đất và chất đống thông tin. Chúng ta không tập trung chú ý, không đi sâu vào trọng tâm vấn đề và không nhận ra đâu là điều thiết yếu giúp cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Do đó, tự do trở nên một thứ ảo tưởng được rao bán cho chúng ta, dễ bị nhầm lẫn với việc tự do truy cập internet. Tiến trình xây dựng tình huynh đệ, dù mang tính địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được thực hiện nhờ tinh thần tự do và cởi mở hướng tới những cuộc gặp gỡ đích thực.
CÁC HÌNH THỨC LỆ THUỘC VÀ TỰ TI
51. Một số quốc gia kinh tế thịnh vượng có xu hướng đặt mình làm mô hình văn hóa cho các nước kém phát triển, thay vì làm cho mỗi nước có thể phát triển theo cách của mình, cũng như có thêm khả năng canh tân đất nước trong khi vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa riêng. Việc hoài cổ hời hợt và bi quan vốn dẫn đến thói sao chép và mua sắm thay vì sáng tạo, sẽ khiến các dân tộc trở nên tự ti. Giới thượng lưu tại các nước nghèo và đôi khi tại các quốc gia vừa mới thoát nghèo, thường không chấp nhận cách nghĩ và cách làm của người bản xứ, cũng như có xu hướng xem thường bản sắc văn hóa dân tộc, như thể đấy là nguyên nhân duy nhất của mọi điều tệ hại.
52. Tiêu diệt lòng tự hào là cách dễ dàng để thống trị người khác. Phía sau những xu hướng san bằng thế giới, là các lợi ích của giới quyền lực, muốn lợi dụng sự tự ti của dân chúng, để hình thành một nền văn hóa mới phục vụ giới tinh hoa, nhờ các phương tiện truyền thông và mạng internet. Chỉ những kẻ cơ hội chuyên đầu cơ tài chính và những kẻ bóc lột là được hưởng lợi, còn người nghèo thì luôn thua thiệt. Mặt khác, nhiều nhà lãnh đạo chính trị vì xem thường văn hóa dân tộc bản địa nên khó có thể đưa ra những kế hoạch phát triển hiệu quả được mọi người tự giác hưởng ứng và ủng hộ dài lâu.
53. Chúng ta quên rằng “không có sự tha hóa nào tồi tệ hơn là cảm thấy mình bị mất cội nguồn, không thuộc về ai cả. Một lãnh thổ có phì nhiêu hoặc một dân tộc có sinh hoa kết trái và xây dựng được tương lai hay không, tùy thuộc vào việc các thành viên của dân tộc đó có cảm thấy thuộc về nhau, các thế hệ và các cộng đồng trong đó có mối dây liên kết hòa hợp, đồng thời có tránh được tất cả những gì khiến người ta vô cảm với nhau và đưa đến tha hóa hơn hay không.”[50]
54. Bất chấp những đám mây đen mà chúng ta không được coi nhẹ như đã kể trên, trong phần tiếp theo, tôi muốn gợi lên những nẻo đường hy vọng mới. Quả thật, Thiên Chúa vẫn tiếp tục vãi gieo những hạt giống tốt trong gia đình nhân loại. Cơn đại dịch gần đây, lần nữa, lại cho phép chúng ta nhận ra và cảm kích vì nhiều người quanh ta, dẫu có sợ hãi, vẫn sẵn sàng dấn thân chấp nhận rủi ro nguy hiểm. Chúng ta bắt đầu hiểu ra rằng cuộc sống của chúng ta được đan dệt và đỡ nâng bởi những con người bình thường nhưng dũng cảm, chính họ đã viết nên những trang sử quyết định của nhân loại: các bác sĩ, y tá, dược sĩ, chủ tiệm, nhân viên siêu thị, công nhân vệ sinh, nhân viên điều dưỡng, tài xế chuyên chở, nhân viên nam nữ phục vụ các dịch vụ thiết yếu và an toàn công cộng, các tình nguyện viên, linh mục và tu si... Họ hiểu rằng không ai được cứu một mình.[51]
55. Tôi mời gọi mọi người hãy canh tân niềm hy vọng, vì hy vọng “nói với chúng ta về một thực tại bám rễ sâu trong thâm tâm mỗi người, chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện lịch sử ta đang sống. Hy vọng nói với chúng ta về lòng khát khao, về nguyện vọng, về nỗi ước ao có một cuộc sống viên mãn, về sự mong muốn đạt tới những điều vĩ đại, những gì lấp đầy trái tim và nâng cao tinh thần hướng tới những thực tại cao cả như chân, thiện, mỹ, công bằng và yêu thương... Hy vọng thì táo bạo, dám ra khỏi những tiện nghi cá nhân, những an toàn và thưởng phạt nhỏ nhoi thường giới hạn chân trời của chúng ta, hy vọng mở ra cho chúng ta những lý tưởng cao cả khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp và đáng giá hơn.”[52] Vì thế, hãy tiếp tục tiến bước trên các nẻo đường hy vọng.
--Ghi chú--
[46] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Christus Vivit (25/03/2019), 88.
[47] Ibid., 89.
[48] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/03/2018), 115.
[49] Trích trong phim Pope Francis: A Man of His Word, của Wim Wenders (2018).
[50] Diễn văn với Giới chức Lãnh đạo, Xã hội Dân sự và Ngoại giao, Tallinn, Estonia (25/09/2018): L’Osservatore Romano, 27 tháng Chín 2018, tr. 7.
[51] Buổi Cầu nguyện Ngoại thường trong thời Đại dịch (27/03/2020): L’Osservatore Romano, 29 tháng Ba 2020, tr. 10; Sứ điệp Ngày Thế giới Người Nghèo 2020 (13/06/2020), 6: L’Osservatore Romano, 14 tháng Sáu 2020, tr. 8.
[52] Lời chào mừng các Bạn trẻ tại Trung tâm Văn hóa Padre Félix Varela, Havana, Cuba (20/09/2015): L’Osservatore Romano, 21-22 tháng Chín 2015, tr. 6.
-----------------------------
---Còn tiếp---