Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 5/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG HAI: MỘT NGƯỜI XA LẠ TRÊN ĐƯỜNG
56. Tất cả những gì tôi đã đề cập ở chương trước không nên xem như một mô tả lạnh lùng tách biệt khỏi thực tại, bởi lẽ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.”[53] Trong nỗ lực tìm kiếm ánh sáng soi chiếu cho những gì chúng ta đang trải qua, và trước khi đưa ra vài đề nghị thực hành, tôi muốn dành một chương cho dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể cách đây hai ngàn năm. Tôi muốn làm thế, mặc dù Thông điệp này được gởi đến mọi người thành tâm thiện chí, không phân biệt niềm tin tôn giáo, vì câu chuyện trong dụ ngôn có liên quan đến mỗi người và chất vấn từng người chúng ta.
“Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Chúa Giêsu để thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?' Người đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?' Ông ấy thưa: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình'. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống'. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: ‘Nhưng ai là người thân cận của tôi?' Đức Giêsu đáp: ‘Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.' Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?' Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy'. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy'” (Lc 10,25-37).
57. Dụ ngôn này được đặt trong một bối cảnh rất xa xưa. Ngay sau trình thuật về việc sáng tạo vạn vật và con người, Kinh Thánh nói đến mối liên hệ giữa con người với nhau. Cain giết Abel em trai mình, sau đó Thiên Chúa hỏi: “Abel em ngươi đâu rồi?” (St 4,9). Câu trả lời của Cain thường cũng chính là câu trả lời của chúng ta: “Con là người giữ em con hay sao?” (nt.). Khi đặt câu hỏi trên, Thiên Chúa không muốn con người nại đến thuyết tiền định hay thuyết định mệnh hòng biện minh cho sự thờ ơ của mình. Ngược lại, Người khuyến khích chúng ta xây dựng một nền văn hóa khác có khả năng giải quyết các xung đột và quan tâm đến nhau.
58. Sách Gióp coi việc chúng ta được dựng nên từ một Đấng Tạo Hóa duy nhất là nền tảng cho một số quyền lợi chung: “Đấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải Đấng tạo ra nó hay sao? Cũng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng tôi hết thảy” (G 31,15). Nhiều thế kỷ sau, thánh Irênê cũng nói tương tự khi sử dụng ý tưởng giai điệu du dương: “Người tìm kiếm chân lý không nên để mình bị đánh lừa bởi quãng cách các âm thanh như thể chúng được tấu lên một cách riêng biệt, nốt này được tạo nên bởi nghệ sĩ này, nốt kia được tạo nên bởi nghệ sĩ kia không liên quan gì đến nhau; ngược lại, phải nhận ra rằng chỉ duy nhất một người đã sáng tác toàn bộ giai điệu.”[54]
59. Theo truyền thống Do Thái xưa kia, mệnh lệnh yêu thương và quan tâm đến người khác dường như chỉ bó hẹp trong tương quan giữa các người dân trong cùng một nước. Luật xưa dạy phải “yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18) thường được hiểu là yêu những người cùng một nước. Tuy nhiên, giới hạn này ngày càng nới rộng, đặc biệt khi đạo Do Thái vượt khỏi lãnh thổ Israel. Chúng ta thấy xuất hiện lệnh truyền đừng làm cho người khác điều mình không muốn họ làm cho mình (x. Tb 4,15). Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, giáo sĩ Hillel chú giải: “Đây là toàn bộ sách Luật và các Ngôn sứ. Các điều khác chỉ là bình luận”[55] Mong muốn bắt chước cách hành động của Thiên Chúa dần dần thay thế xu hướng chỉ nghĩ đến những người gần ta nhất: “Con người thì thương xót người thân cận, còn Đức Chúa xót thương mọi xác phàm” (Hc 18,13).
60. Giáo huấn của Hillel được Kinh Thánh Tân Ước diễn tả bằng những lời lẽ tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Mệnh lệnh này mang tính phổ quát, chung cho mọi người dựa trên nhân tính, vì Cha trên trời “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45). Vì vậy, có lời mời gọi: “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
61. Trong các văn bản Kinh Thánh cổ xưa nhất, chúng ta tìm thấy lý do tại sao phải mở rộng tâm hồn đón nhận người xa lạ. Lý do này bắt nguồn từ ký ức vững bền của người Do Thái: chính họ đã sống thân phận ngoại kiều bên Ai Cập:
“Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 22,20).
“Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 23,9).
“Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,33-34).
“Khi hái nho, thì anh em không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Ai Cập” (Đnl 24, 21-22).
Lời kêu gọi về tình huynh đệ dội vang trong toàn bộ Tân Ước:
“Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5,14).
“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,10-11).
“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3,14).
“Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
62. Tuy nhiên, lời mời gọi yêu thương này có thể bị hiểu sai. Không hề là chuyện nhỏ khi thánh Phaolô khuyến khích các môn đệ của ngài sống tình yêu thương “đối với nhau và đối với mọi người” (1 Tx 3,12) vì nhận thấy rằng các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang bị cám dỗ muốn hình thành các nhóm khép kín và tách biệt. Cũng vậy, cộng đoàn của thánh Gioan được yêu cầu phải đón tiếp các anh em khác “dù họ là những người xa lạ” (3 Ga 5). Bối cảnh này giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn người Samari nhân hậu: tình yêu không phân biệt người anh em khốn khó đến từ nơi này hay nơi kia. Bởi vì “tình yêu phá tan xiềng xích trói buộc khiến chúng ta bị cô lập và chia rẽ để từ đó xây nên những nhịp cầu. Tình yêu giúp chúng ta làm nên một đại gia đình, nơi ai cũng cảm thấy như ở nhà mình... Tình yêu ứa trào lòng thương xót và phẩm giá.”[56]
63. Đức Giêsu kể, có một người bị bọn cướp tấn công, gây thương tích, nằm thoi thóp bên đường. Nhiều người đi qua, nhưng không dừng lại. Đây là những người có địa vị trong xã hội, nhưng thiếu tấm lòng chân thật chăm lo công ích. Họ không thể dành vài phút để trợ giúp người bị nạn hoặc ít ra là kêu gọi giúp đỡ. Nhưng có một người đã dừng lại, đến bên và đích thân ra tay băng bó cho nạn nhân, lại còn bỏ tiền túi chi trả cho việc chăm sóc anh. Nhất là đã cho anh điều mà trong thế giới xô bồ này, chúng ta khư khư giữ lấy: thời giờ của mình. Chắc hẳn ông đã có kế hoạch cho ngày hôm đó với những gì cần thực hiện, những cuộc hẹn hoặc những gì ông muốn. Nhưng trước người bị nạn, ông sẵn sàng gác lại tất cả và dù không quen biết, ông thấy nên dành thời giờ cho anh.
64. Bạn đồng hóa mình với ai? Đây là câu hỏi thẳng thắn, trực tiếp và sâu sắc. Trong những nhân vật này bạn giống ai? Chúng ta phải nhận biết cơn cám dỗ dai dẳng đeo bám chúng ta, đó là cơn cám dỗ không lưu tâm đến người khác, đặc biệt là những người hèn yếu nhất. Quả thật, chúng ta đã tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại mù tịt về việc đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phát triển ngày nay. Chúng ta đã quen nhìn chỗ khác, bỏ qua và không biết đến những hoàn cảnh chung quanh cho đến lúc chúng trực tiếp chạm đến chúng ta.
65. Một người bị tấn công trên đường, thế mà nhiều người ngoảnh mặt bỏ đi như không thấy gì. Thường có những người lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy luôn. Việc quan trọng duy nhất đối với họ là tránh rắc rối; ai đó có phải chết vì lỗi của họ, họ cũng chẳng quan tâm. Nhưng đây là dấu chứng cho thấy có một lối sống phổ biến được tỏ lộ bằng nhiều cách thế, có khi tinh tế khó nhận biết hơn. Lại nữa, vì tất cả chúng ta đều tập trung lo cho nhu cầu của mình, nên khi gặp ai đó đang đau khổ thì chúng ta cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị quấy rầy, bởi lẽ chúng ta không muốn tốn thời giờ để dàn xếp những vấn đề của người khác. Đó là triệu chứng của một xã hội đang đau bệnh, chỉ lo vun đắp cho mình và quay lưng lại trước khổ đau của người khác.
66. Đừng để mình bị rơi vào tình trạng khốn cùng đó. Chúng ta hãy nhìn mẫu gương của người Samari tốt lành. Câu chuyện này kêu mời chúng ta khơi lại ơn gọi của mình, ơn gọi là công dân của đất nước mình và của toàn thế giới, những người xây dựng mối tương quan xã hội mới. Lời kêu gọi này luôn luôn mới mẻ, dù được trình bày như một luật cơ bản của con người: xã hội phải theo đuổi sự thăng tiến công ích và khởi đi từ mục đích này, phải không ngừng tái thiết trật tự chính trị xã hội, xây dựng các mối tương quan và các mục tiêu nhân bản của mình. Bằng hành động, người Samari tốt lành đã chứng tỏ rằng “sự hiện hữu của mỗi người chúng ta có mối liên kết sâu xa với sự hiện hữu của những người khác: cuộc đời không phải là thời gian trôi qua, nhưng là thời gian gặp gỡ.”[57]
67. Dụ ngôn này phác họa một hình ảnh chói lòa soi chiếu sự chọn lựa cơ bản mà chúng ta phải thực hiện để tái thiết thế giới đau thương này. Đối mặt với bao nỗi đau, với những vết thương, lối thoát duy nhất là làm như người Samari tốt lành. Mọi chọn lựa khác sẽ dẫn ta hoặc về phía bọn cướp, hoặc về phía những người bỏ đi, không xót thương trước nỗi khổ đau của nạn nhân đang quằn quại bên đường. Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã. Đồng thời, dụ ngôn còn cảnh giác chúng ta tránh thái độ của những người chỉ biết lo cho bản thân mà không chịu gánh vác những trách nhiệm không thể thoái thác của cuộc sống mỗi ngày.
68. Rõ ràng câu chuyện không đưa ra một huấn dụ về những lý tưởng trừu tượng, cũng không thu hẹp chỉ còn là một bài học luân lý đạo đức xã hội, nhưng bày tỏ cho chúng ta thấy yếu tính đặc trưng của con người mà chúng ta thường lãng quên: chúng ta được dựng nên để sống sung mãn, là điều chỉ đạt được trong tình yêu. Dửng dưng trước đau khổ của người khác không thể là một chọn lựa; không thể để ai đó cứ ở mãi “bên lề cuộc đời”. Lẽ ra điều này phải khiến chúng ta phẫn nộ đến nỗi không còn thanh thản, bởi lẽ chúng ta trăn trở trước nỗi đau của con người. Đó mới chính là ý nghĩa của phẩm giá!
69. Dụ ngôn rõ ràng, dễ hiểu, nhưng cũng gợi lên cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người chúng ta cảm nghiệm khi dần dần khám phá chính mình qua các mối tương quan với anh chị em. Trên đường, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những con người bị tổn thương. Thời nay số người bị tổn thương ngày càng nhiều. Việc tiếp nhận hay loại trừ những con người đáng thương bên đường có thể xem như tiêu chuẩn để đánh giá mọi dự án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Hằng ngày chúng ta phải quyết định chọn làm người Samari tốt lành hoặc làm người bộ hành dửng dưng ngoảnh mặt bỏ đi. Và nếu chúng ta chịu khó nhìn lại trọn cuộc đời mình cũng như toàn bộ lịch sử thế giới, chúng ta sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều là hoặc đã là những nhân vật này: tất cả chúng ta đều có chút gì đó của người bị thương tích, chút gì đó của kẻ cướp, chút gì đó của người quay mặt bỏ đi và chút gì đó của người Samari tốt lành.
70. Điều gây ấn tượng là tính cách của các nhân vật trong câu chuyện thay đổi hoàn toàn khi họ đối diện với tình cảnh khốn khổ của người nằm trên đường, của người bị hạ thấp. Không còn sự phân biệt giữa dân Giuđê với dân Samari, không còn vấn đề là vị tăng lữ hay gã lái buôn; đơn giản chỉ còn hai hạng người: người gánh lấy nỗi đau và người bỏ đi qua; người cúi xuống giúp đỡ và người quay mặt vội vã bỏ đi. Thật vậy, nhiều thứ mặt nạ, nhãn mác và áo xống lố lăng của chúng ta rơi xuống: Đó là thời khắc của sự thật! Chúng ta có cúi xuống, chạm đến và chăm sóc vết thương của người khác hay không? Chúng ta có cúi xuống, mang vác người này hoặc kẻ khác trên vai hay không? Đây là thách đố thời sự, chúng ta cần phải đương đầu mà không sợ hãi. Trong khi khủng hoảng, việc chọn lựa trở nên cấp bách: chúng ta có thể nói rằng trong hoàn cảnh như thế, nếu không là kẻ cướp hoặc không là người bỏ đi qua, thì cũng sẽ là người bị thương hoặc là người vác người bị thương lên vai.
71. Câu chuyện người Samari tốt lành vẫn tái diễn. Thật vậy, câu chuyện đó ngày càng trở nên hiển nhiên khi sự trì trệ xã hội chính trị biến nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới thành những con đường hiu quạnh, nơi các cuộc nội chiến và xung đột quốc tế cùng với việc cướp phá các phương tiện sinh sống khiến cho nhiều người bị loại ra bên lề và bị bỏ lại bên đường. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu không đưa ra giả thiết này hay giả thiết khác, kiểu như: điều gì sẽ xảy ra cho người bị thương trầm trọng, hoặc cho người đã giúp đỡ nạn nhân, nếu cơn phẫn nộ hoặc ước muốn báo thù xâm chiếm lòng họ? Ngài tin vào điều tốt nhất nơi thâm tâm con người và qua dụ ngôn, Ngài khích lệ họ cứ kiên vững trong tình yêu, hãy phục hồi những ai đau khổ và xây dựng một xã hội xứng đáng với tên gọi này.
--Ghi chú--
[53] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, 1.
[54] Thánh Irenaeus thành Lyons, Adversus Haereses, II, 25, 2: PG 7/1, 798ff.
[55] Talmud Bavli (Babylonian Talmud), Shabbat, 3la.
[56] Bài nói chuyện với những người được các Tổ chức Bác ái của Giáo hội trợ giúp, Tallinn, Estonia (25/09/2018): L’Osservatore Romano, 27 tháng Chín 2018, tr. 8.
[57] Sứ điệp video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26/04/2017): L’Osservatore Romano, 27 tháng Tư 2017, tr. 7.
-----------------------------
---Còn tiếp---