Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 77

ĐGH Phanxico, Thông điệp Fratelli Tutti, Phần 7/20 - 2021

Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 7/20

THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI

 

 

CHƯƠNG BA: DỰ PHÓNG VÀ KIẾN TẠO MỘT THẾ GIỚI MỞ

87. Con người được tạo dựng cách nào đó, sao cho họ không thể sống, phát triển và đạt đến mức thành toàn nếu không “chân thành trao ban chính mình.”[62] Con người cũng không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình, nếu không gặp gỡ người khác: “Tôi chỉ thực sự thông hiệp với chính mình trong mức độ tôi thông hiệp với người khác.[63] Điều đó giải thích tại sao không ai có thể cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương. Điều này tỏ lộ bí ẩn của kiếp nhân sinh đích thực, vì “sự sống tồn tại nơi nào có mối liên kết, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những mối quan hệ chân thực và sự gắn bó thủy chung. Ngược lại, sự sống không tồn tại nơi nào người ta cho rằng mình chỉ thuộc về mình và sống như những ốc đảo: cái chết đã thắng thế nơi những thái độ này.“[64]

VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH

88. Từ đáy sâu tâm hồn, tình yêu tác tạo những mối dây liên kết và mở rộng cuộc hiện sinh khi kéo con người ra khỏi chính mình để đến với người khác[65]. Được tạo dựng cho tình yêu, mỗi người chúng ta đều mang trong mình “một phép ‘xuất thần': ra khỏi chính mình để tìm gặp nơi người khác chính bản thân mình cách tròn đầy hơn.[66] Đó là lý do tại sao “con người bằng mọi cách, phải thực hiện cho được việc ra khỏi chính mình.[67]

89. Nhưng trong cuộc sống tôi không thể thu hẹp các mối tương quan để chỉ còn liên hệ với một nhóm nhỏ, ngay cả với riêng gia đình tôi, bởi lẽ tôi không thể hiểu được mình nếu không có một mạng lưới liên hệ rộng rãi hơn: không chỉ là những liên hệ hiện tại của tôi mà cả những liên hệ đã có trước đây và đào luyện tôi suốt cả cuộc đời. Dẫu tôi có được mối tương quan rất thắm thiết với người mà tôi yêu quý, thì tôi cũng không được quên rằng người này không chỉ sống vì tôi cũng như tôi không chỉ sống vì người ấy. Mối liên hệ của chúng ta, nếu lành mạnh và chân thật, sẽ rộng mở đến những người khác, nhờ đó chúng ta sẽ được triển nở và phong phú hơn. Hiện nay, cảm thức xã hội, với ý nghĩa cao quý nhất của sự hợp quần, ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho những mối liên kết ích kỷ mang dáng vẻ thắm thiết. Thế mà tình yêu chân chính vốn làm cho con người được triển nở cùng với tình bằng hữu đích thực chỉ ngự trị nơi những tâm hồn biết mở ra để được lấp đầy. Muốn kết đôi hay trở nên bạn hữu, chúng ta phải mở rộng con tim để đến với những nhóm người khác, nhờ đó chúng ta có khả năng ra khỏi chính mình, ngõ hầu đón nhận tất cả mọi người. Những nhóm khép kín và những đôi bạn chỉ biết đến mình tạo thành một cái “chúng tôi” đối nghịch với mọi người, thường là biểu hiện rõ ràng của thói ích kỷ chỉ lo phòng giữ cho riêng mình.

90. Điều đáng nói là nhiều ngôi làng nhỏ trong những vùng hẻo lánh đã có thể quảng đại tiếp đón các khách hành hương và xem đó như bổn phận thiêng thánh của lòng hiếu khách. Những cộng đoàn tu sĩ thời trung cổ cũng đã chứng tỏ điều đó, như Luật Thánh Biển Đức minh chứng. Mặc dù việc đón tiếp này có thể gây xáo trộn cho nề nếp trật tự và bầu khí thinh lặng của các Đan viện, Thánh Biển Đức yêu cầu “phải hết sức ân cần chăm sóc những người nghèo và các khách hành hương.[68] Việc gặp gỡ những người ngoài cộng đoàn vừa là một thách thức vừa là một món quà mà lòng hiếu khách là cách thức biểu lộ cụ thể của việc sẵn sàng đón nhận. Các đan sĩ hiểu rằng, mọi điều giá trị mà họ thủ đắc nhờ tu luyện đều cần phải đi kèm với khả năng vượt khỏi chính mình để mở ra với người khác.

     Giá trị vô song của tình yêu

91. Người ta có thể củng cố một số thái độ mang dáng vẻ giá trị luân lý: dũng cảm, tiết độ, chuyên chăm và những đức tính khác. Nhưng để các hành vi được tương hợp với các nhân đức luân lý, cần phải xét xem những hành vi ấy có mang lại sức năng động có khả năng mở ra và liên kết với người khác hay không, nếu có thì đến mức độ nào. Sức năng động này chính là đức ái được Thiên Chúa phú ban, nếu như không có, chúng ta chỉ có thể vun trồng vẻ ngoài của nhân đức, vốn không có khả năng xây dựng đời sống chung. Chính vì thế thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Augustinô, đã khẳng định rằng: sự tiết độ của người hà tiện không phải là nhân đức[69] Về phần mình, thánh Bônaventura giảng giải rằng: nếu không có đức ái, các nhân đức khác không thể giúp ta thực sự chu toàn các giới răn “như cách Thiên Chúa muốn.[70]

92. Tầm vóc thiêng liêng của đời người mang nét đặc trưng của tình yêu. Tình yêu, suy cho cùng, là “tiêu chuẩn xác định cuộc đời của một người có giá trị hay không.[71] Tuy nhiên, có những tín hữu nghĩ rằng uy thế của họ là ở chỗ áp đặt ý thức hệ lên người khác hoặc ở chỗ dùng bạo lực để bảo vệ sự thật hoặc bằng cách rầm rộ biểu dương lực lượng. Là các tín hữu, tất cả chúng ta đều phải nhận biết điều này: tình yêu là điều tối thượng, đừng bao giờ để tình yêu lâm vào vòng nguy hiểm và nguy hiểm trầm trọng nhất chính là việc không yêu thương (x. 1 Cr 13,1-13).

93. Để xác định rõ đặc điểm của tình yêu được chúng ta cảm nghiệm nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Thánh Tôma Aquinô đã định nghĩa tình yêu như một chuyển động khiến ta tập chú đến người khác “bằng cách xem người ấy như là một với chính mình.”[72] Tình cảm dành cho người khác dẫn đến việc mưu cầu thiện ích cho người ấy cách vô vị lợi. Điều này khởi đi từ cảm thức quý mến, trân trọng phẩm giá của người khác, tóm lại được diễn tả bằng từ ngữ “bác ái”: người được yêu là người rất “quý báu” đối với tôi, “người ấy được đánh giá cao.”[73] Và “tình yêu khiến ai đó đẹp lòng (grata) tôi chính là lý do khiến tôi trao ban cho họ cách vô vị lợi (gratis).”[74]

94. Do đó tình yêu bao trùm hơn, chứ không chỉ là hàng loạt nghĩa cử. Đó là những hành động phát xuất từ sự liên kết với người khác ngày càng bền chặt hơn, nhìn nhận phẩm giá của người ấy, thấy họ đáng được tôn trọng, dễ mến và tốt đẹp, bất kể dáng vẻ bên ngoài hoặc tình trạng đạo đức của họ. Yêu người khác vì bản thân người ấy, vì những gì họ là, sẽ thúc đẩy chúng ta mưu cầu điều tốt đẹp nhất cho họ. Chỉ khi vun trồng loại tương quan này chúng ta mới có thể tạo được tình bằng hữu xã hội không loại trừ và tình huynh đệ mở ra cho hết mọi người.

TÌNH YÊU MỞ RỘNG

95. Sau hết, tình yêu thúc đẩy chúng ta hiệp thông với hết mọi người. Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác. Bởi tính năng động của nó, tình yêu đòi ngày một mở rộng, ngày càng có khả năng đón nhận người khác, bằng cách thực hiện một cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ làm cho tất cả các vùng ngoại vi cùng hướng đến cảm thức thật sự thuộc về nhau. Như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”(Mt 23,8).

96. Các vùng miền và các quốc gia cũng cần vượt ra khỏi ranh giới của chính mình. Thật vậy, “việc ngày càng gia tăng số lượng các kết nối và thông tin liên lạc trong thế giới ngày nay khiến chúng ta ý thức rõ ràng về tính thống nhất và định mệnh chung giữa các quốc gia. Chúng ta nhận ra trong những biến chuyển của lịch sử cũng như trong tính đa dạng của các sắc dân, các xã hội và các nền văn hóa, các mầm mống của thiên hướng tạo lập một cộng đồng những anh chị em biết đón nhận và chăm sóc cho nhau.”[75]

     Xã hội mở có khả năng dung nạp mọi người

97. Có một số vùng ngoại vi ở ngay bên chúng ta, giữa thành phố hoặc trong chính gia đình chúng ta. Cũng có một hình thức tình yêu phổ quát mở ra, không mở ra về địa lý nhưng mở ra trong cuộc sống. Đó là khả năng mỗi ngày mở rộng vòng tròn thân thiện của tôi, tìm đến với những người không hẳn nhiên được tôi quan tâm, dù họ ở gần bên tôi. Hơn nữa, mỗi anh chị em đau khổ, bị xã hội bỏ rơi hoặc không ngó ngàng tới, đều là ngoại kiều ngay trong đất nước họ sinh ra, một thứ ngoại kiều của thực tế cuộc sống. Họ có thể là một công dân với đầy đủ giấy tờ, nhưng bị đối xử như người ngoài ngay trên đất nước mình. Nạn kỳ thị chủng tộc là một thứ virus dễ dàng đột biến và thay vì biệt tăm thì lại ẩn núp rình chờ.

98. Tôi muốn nhắc đến những “người lưu vong ẩn mặt” bị đối xử như bộ phận ngoại lai trong xã hội[76] Nhiều người khuyết tật “cảm thấy họ sống mà chẳng thuộc về ai và cũng chẳng được tham dự vào việc gì.” Còn nhiều người khác bị “ngăn cản không được có đầy đủ tư cách công dân.” Mối quan tâm của chúng ta không chỉ là chăm sóc họ mà còn bảo đảm cho họ được “tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và Giáo hội. Đó là hành trình vừa đòi hỏi lại vừa khó khăn, sẽ ngày càng góp phần vào việc đào tạo lương tâm biết nhìn nhận mỗi cá nhân là một con người duy nhất và không thể thay thế.” Tôi cũng nghĩ đến “những người cao tuổi, nhất là vì yếu đuối khuyết tật, đôi khi bị coi là gánh nặng.” Tuy nhiên, mỗi người trong số những người này đều có thể mang lại “phần đóng góp riêng vào thiện ích chung, qua đời sống độc đáo họ đã trải qua.” Cho phép tôi nhấn mạnh rằng phải có “can đảm mang lại tiếng nói cho những người, vì  có khiếm khuyết mà bị phân biệt đối xử. Bởi vì, thật đáng buồn, kể cả ngày nay tại một số nước, người ta khó lòng nhìn nhận phẩm giá bình đẳng của những con người này.”[77]

     Những cách hiểu không đúng về tình yêu phổ quát

99. Tình yêu vượt khỏi các ranh giới được đặt nền tảng trên điều được gọi là “tình bằng hữu xã hội” trong mỗi thành phố hoặc mỗi quốc gia. Khi một cộng đồng có được tình bằng hữu xã hội chân chính, thì đây chính là điều kiện để cộng đồng đó thực sự mở ra đón nhận mọi người. Lý tưởng này không phải là chủ thuyết phổ quát giả hiệu của người luôn có nhu cầu phải đi đây đi đó, họ đi vì không chịu đựng được cũng không yêu mến người dân nước mình. Kẻ xem thường chính người dân nước mình thường thiết lập thứ bậc trong xã hội: người hạng nhất hoặc hạng hai, người có phẩm giá cao hay phẩm giá kém, người có nhiều quyền hoặc ít quyền. Bằng cách này, họ phủ nhận việc có chỗ cho tất cả mọi người.

100. Chắc chắn tôi không đề xuất một chủ thuyết phổ quát độc đoán và trừu tượng, được nghĩ ra hoặc lên kế hoạch bởi một số người và được giới thiệu như một lý tưởng với tham vọng đồng nhất, thống trị và cướp bóc. Có thứ mô hình toàn cầu hóa “nhất quyết đạt đến sự đồng nhất một chiều và mưu toan loại trừ mọi khác biệt và mọi truyền thống chỉ nhằm tìm kiếm sự thống nhất hời hợt bề ngoài. [...]. Nếu có mô hình toàn cầu hóa nào đó có ý định san bằng tất cả [...], như thể san bằng một khối cầu, thì loại toàn cầu hóa này phá hủy tính phong phú cũng như tính đặc thù của từng con người và của từng dân tộc.”[78] Chủ thuyết phổ quát sai lầm này cuối cùng sẽ tước mất nét đa dạng muôn màu và nét đẹp của thế giới và rốt cuộc cả nhân tính của nó nữa. Thật vậy, “tương lai không chỉ đơn điệu một màu, nhưng [...] có thể muôn màu muôn sắc, nếu chúng ta can đảm nhìn ngắm nó trong nét đa dạng và khác biệt mà mỗi cá nhân có thể cống hiến. Ôi, gia đình nhân loại chúng ta cần học hỏi biết mấy cách sống chung hòa thuận êm ấm mà không cần mọi người phải giống y như nhau![79]

VƯỢT KHỎI THẾ GIỚI CỦA CÁC ĐỐI TÁC

101. Giờ đây chúng ta hãy quay lại với dụ ngôn người Samari nhân hậu vì dụ ngôn này vẫn còn nhiều điều để dạy chúng ta. Khi ấy có một người bị thương nằm bên đường. Những người đi ngang qua nạn nhân đã không chú tâm lắng nghe tiếng thúc giục trong lòng mình để trở nên những người thân cận; họ đang bận tâm đến bổn phận, đến địa vị xã hội, đến uy thế nghề nghiệp trong xã hội của họ. Họ cảm thấy mình rất quan trọng đối với xã hội thời ấy và lo lắng hoàn thành vai trò đó sao cho tốt. Người bị thương bị bỏ rơi bên đường quả là điều phiền toái làm gián đoạn mọi chương trình này, hơn nữa người này chẳng có chức vị gì. Anh ta chẳng là ai cả, không thuộc một nhóm được nể trọng nào, chẳng có vai trò gì làm nên lịch sử cả. Trong khi ấy, có một người Samari nhân hậu đã vượt qua cám dỗ xếp hạng hẹp hòi này, chính ông cũng không thuộc bất kỳ nhóm nào trong số này, đơn thuần ông chỉ là một người khách lạ không có địa vị đặc biệt nào trong xã hội. Vì không bị ràng buộc bởi chức danh và địa vị, ông có thể tạm dừng cuộc hành trình, thay đổi chương trình của mình, và sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi sự ngoài dự tính để giúp đỡ người bị thương đang cần đến ông.

102. Câu chuyện này có thể gợi lên những phản ứng nào trong thế giới hôm nay, vẫn hằng xuất hiện ngày càng nhiều nhóm xã hội bám vào một danh tính tách biệt họ với những người khác? Làm sao câu chuyện ấy có thể đánh động tâm hồn những con người có xu hướng tự sắp xếp để ngăn ngừa sự hiện diện của mọi người xa lạ, có thể làm xáo trộn bản sắc cũng như cơ cấu phòng thủ và đóng kín của họ? Ở đây, họ không thể là người thân cận, họ chỉ có thể thân cận với những ai làm lợi cho họ. Như thế, từ ngữ ‘người thân cận' mất hết ý nghĩa, và chỉ còn ‘bạn đối tác' là có ý nghĩa, đối tác vì cùng hoạt động cho những lợi ích nhất định[80].

     Tự do, bình đẳng và huynh đệ

103. Tình huynh đệ không đơn thuần được phát sinh bởi tôn trọng tự do cá nhân hoặc tuân thủ sự bình đẳng. Mặc dù đây là những điều kiện tiên quyết nhưng không đủ để tình huynh đệ tất yếu nảy sinh. Tình huynh đệ còn mang lại điều gì đó tích cực hơn cho tự do và bình đẳng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình huynh đệ không được vun xới cách ý thức, nếu không có một ý chí chính trị cổ võ tình huynh đệ, qua việc giáo dục tình huynh đệ, đối thoại và khám phá các giá trị của nhau để làm phong phú cho nhau? Điều này khiến tự do bị thu hẹp, chỉ còn là tình trạng cô lập, tự ý muốn thuộc về ai hoặc về cái gì cũng được, hoặc chỉ muốn chiếm hữu và hưởng thụ mà thôi. Điều này hoàn toàn không diễn tả hết được sự phong phú của tự do vốn luôn hướng đến tình yêu.

104. Sự bình đẳng cũng không đạt được bằng một định nghĩa trừu tượng cho rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng”. Đúng hơn, nó có được khi chúng ta vun trồng ý thức và giáo dục về tình huynh đệ. Những người là đối tác của nhau chỉ tạo ra những xã hội khép kín. Trong xã hội đó, đâu là chỗ cho người không thuộc các nhóm đối tác, nhưng ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình mình?

105. Chủ nghĩa cá nhân không làm cho chúng ta tự do hơn, bình đẳng hơn, huynh đệ hơn. Đơn thuần gộp tổng số lợi ích cá nhân không thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho cả nhân loại. Nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi rất nhiều điều tệ hại đang ngày càng mang tầm mức toàn cầu. Nhưng chủ nghĩa cá nhân cực đoan là thứ virus khó loại trừ nhất. Nó lừa dối chúng ta. Nó khiến chúng ta tưởng rằng tất cả hệ tại ở việc để cho tham vọng cá nhân được tự do vận hành, như thể hễ cứ theo đuổi những tham vọng và an toàn cá nhân là chúng ta có thể xây dựng được lợi ích chung.

TÌNH YÊU PHỔ QUÁT THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

106. Để thăng tiến trên con đường xây dựng tình bằng hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát, có một điều cơ bản và thiết yếu cần phải nhìn nhận là: ý thức giá trị lớn lao của mỗi người, mỗi nhân vị, ở mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Nếu mỗi người có giá trị lớn lao như thế, thì cần phải quả quyết rõ ràng rằng “riêng việc một số người sinh ra ở nơi ít tài nguyên hoặc kém phát triển thì không thể là lý do để biện minh cho việc họ phải sống kém phẩm giá.”[81] Nguyên tắc cơ bản này của đời sống xã hội thường bị bỏ qua theo nhiều cách bởi những người thấy rằng nó không phù hợp với thế giới quan của họ hoặc không phục vụ cho các mục tiêu của họ.

107. Mọi người đều có quyền sống đúng nhân phẩm và được phát triển đầy đủ. Không quốc gia nào được từ chối quyền cơ bản này. Mọi người đều có quyền này ngay cả đối với người không có khả năng làm việc hoặc được sinh ra và lớn lên với những hạn chế. Thật vậy, điều này không làm giảm phẩm giá cao cả của người ấy xét như một nhân vị, phẩm giá này không dựa trên hoàn cảnh cuộc sống mà dựa trên giá trị nội tại của chính con người ấy. Khi nguyên tắc cơ bản này không được tôn trọng, thì tình huynh đệ cũng như sự sống còn của nhân loại sẽ không có tương lai.

108. Một số xã hội chỉ chấp nhận một phần nguyên tắc này. Họ đồng ý rằng mọi người đều phải có cơ hội, nhưng lại cho rằng mọi sự tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Từ quan điểm phiến diện này, sẽ là vô nghĩa khi “đầu tư để những người chậm chạp, những người yếu kém hoặc thiểu năng có thể làm được điều gì đó trong cuộc đời.”[82] Đầu tư cho những người yếu kém có thể là điều không mang lại lợi nhuận, cũng như kém hiệu quả. Việc này đòi hỏi một nhà nước luôn có mặt và tích cực hoạt động, cũng như các tổ chức xã hội dân sự vốn thực sự hướng tới con người và công ích, phải vượt lên trên hoạt động tự do của cơ chế duy hiệu năng trong một số hệ thống kinh tế, chính trị hoặc ý thức hệ.

109. Đối với những người sinh ra trong các gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, được học hành đến nơi đến chốn, được nuôi dưỡng no đủ nên khỏe mạnh, hoặc tự nhiên có được các khả năng trổi vượt, chắc chắn sẽ không cần một nhà nước tích cực mà chỉ yêu cầu có tự do. Nhưng hiển nhiên không thể áp dụng cùng một quy tắc ấy cho những người khuyết tật, những người sinh ra trong một gia đình nghèo khổ cùng cực, được giáo dục kém cỏi và không được chăm sóc y tế đầy đủ như họ đáng được. Nếu xã hội được điều hành chủ yếu bởi các tiêu chuẩn của thị trường tự do và duy hiệu năng, thì sẽ không có chỗ cho những con người như thế và tình huynh đệ chỉ là một mỹ từ lãng mạn.

110. Thực ra “tuyên bố về tự do kinh tế trở thành một diễn từ mâu thuẫn khi hoàn cảnh thực tế ngăn cản nhiều người không thực sự tiếp cận được nó và các cơ may tìm được việc làm thì giảm sút.”[83] Những từ ngữ như tự do, dân chủ hay tình huynh đệ đều trở nên vô nghĩa. Vì trong thực tế, “bao lâu hệ thống kinh tế - xã hội của chúng ta còn tạo ra một nạn nhân và bao lâu chỉ còn một người bị gạt bỏ, thì chúng ta không thể ăn mừng tình huynh đệ phổ quát.”[84] Một xã hội thực sự nhân bản và huynh đệ sẽ có khả năng bảo đảm cách bền vững và hữu hiệu chuyện mọi thành viên đều được đồng hành trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, không chỉ để đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ, mà còn để họ có thể cống hiến những gì tốt nhất của bản thân, cho dù sự cống hiến của họ không nhiều lắm, cho dù họ bước đi chậm chạp hay năng lực của họ có giới hạn.

111. Với những quyền không thể bị tước bỏ, nhân vị, tự bản chất, là mở ra để tương quan. Từ nơi sâu thẳm tâm hồn vang lên tiếng mời gọi chúng ta vượt lên trên chính mình để gặp gỡ người khác. Bởi thế, “cần phải cẩn thận để không rơi vào những lầm lẫn có thể nảy sinh từ việc hiểu sai khái niệm nhân quyền và sử dụng sai các quyền đó. Thực vậy, ngày nay người ta có xu hướng đòi hỏi quyền cá nhân ngày càng lớn - tôi muốn nói đến tính chất cá nhân chủ nghĩa. Điều này ẩn giấu một quan niệm về nhân vị tách biệt khỏi mọi bối cảnh xã hội và nhân học, con người được xem gần giống như một “đơn tử” (monad), ngày càng vô cảm với mọi sự [...]. Nếu các quyền của cá nhân không được sắp đặt hài hòa với thiện ích lớn hơn, thì rốt cuộc quyền đó sẽ tự cho mình là vô giới hạn và từ đó trở thành nguồn xung đột và bạo lực.”[85]

 

     --Ghi chú--

[62] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, 24.

[63] Gabriel Marcel, Du refus à l’invocation, ed. NRF, Paris, 1940, 50.

[64] Kinh Truyền Tin (10/11/2019): L’Osservatore Romano, 11-12 tháng Mười Một 2019, 8.

[65] Cf. Thánh Tôma Aquinô: Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, q. 1, a. 1, ad 4: “Dicitur amor extasim facere et fervere, quia quod fervet extra se bullit et exhalat”.

[66] Karol Wojtyła, Tình yêu và Trách nhiệm, London, 1982, 126.

[67] Karl Rahner, Kleines KirchenjahrEin Gang durch den Festkreis, Herderbücherei 901, Freiburg, 1981, 30.

[68] Regula, 53, 15: “Pauperum et peregrinorum maxime susceptioni cura sollicite exhibeatur”.

[69] Cf. Summa Theologiae, II-II, 9.23, a. 7; Thánh Augustinô, Contra Julianum, 4, 18: PL 44, 748: “Những kẻ keo kiệt từ bỏ biết bao thú vui, để có thêm của cải hoặc vì sợ thấy của cải của mình vơi bớt!”

[70] “Secundum acceptionem divinam” (Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, a. 1, q. 1, concl. 4).

[71] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 15: AAS 98 (2006), 230.

[72] Summa Theologiae II-II, q. 27, a. 2, resp

[73] Cf. ibid., I-II, q. 26, a. 3, resp.

[74] Ibid., q. 110, a. 1, resp.

[75] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2014 (08/12/2013), 1: AAS 106 (2014), 22.

[76] Cf. Kinh Truyền Tin (29/12/2013): L’Osservatore Romano, 30-31 tháng Mười Hai 2013, tr. 7; Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh (12/01/2015): AAS 107 (2015), 165.

[77] Sứ điệp Ngày Thế giới Những Người khuyết tật (03/12/2019): L’Osservatore Romano, 4 tháng Mười Hai 2019, 7.

[78] Diễn văn với Cộng đồng Tây Ban Nha và Các Nhóm Di dân tại Hội nghị Tự Do Tôn giáo, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ (26/09/2015): AAS 107 (2015), 1050-1051.

[79] Diễn văn với Giới trẻ, Tokyo, Nhật Bản (25/11/2019): L’Osservatore Romano, 25-26 tháng Mười Một 2019, 10.

[80] Về nhận định này, tôi lấy cảm hứng từ tư tưởng của Paul Ricoeur, “Le socius et le prochain”, trong Histoire et Vérité, ed. Le Seuil, Paris, 1967, 113-127.

[81] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 190: AAS 105 (2013), 1100.

[82] Ibid., 209: AAS 105 (2013), 1107.

[83] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 129: AAS 107 (2015), 899.

[84] Sứ điệp gửi Sự kiện “Economy of Francesco” (01/05/2019): L’Osservatore Romano, 12 tháng Năm 2019, 8.

[85] Diễn văn tại Nghị viện Châu Âu, Strasbourg (25/11/2014): AAS 106 (2014), 997.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo