Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Phần 8/20
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI CỦA THÁNH PHANXICO ASSISI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
CHƯƠNG BA: DỰ PHÓNG VÀ KIẾN TẠO MỘT THẾ GIỚI MỞ
112. Chúng ta không thể không nói rằng việc mong muốn và tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác và cho toàn thể nhân loại cũng hàm ý việc cố giúp con người và xã hội trưởng thành trong việc sống các giá trị luân lý làm phát triển con người toàn diện. Trong Tân Ước, có nói tới một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22) được diễn tả bằng từ Hy lạp agathosyne. Agathosyne nghĩa là gắn kết với sự thiện, tìm kiếm điều thiện. Hơn nữa, còn là muốn tìm điều có giá trị hơn, điều tốt đẹp nhất cho người khác. Đó là giúp họ trưởng thành, phát triển một cuộc sống lành mạnh, vun trồng các giá trị chứ không chỉ là các thiện ích vật chất. Tiếng La tinh có một diễn ngữ tương tự bene-volentia, nghĩa là thái độ muốn điều tốt đẹp cho người khác. Đó là một ước muốn mạnh mẽ những điều tốt đẹp, một hướng chiều về tất cả những gì tốt đẹp và tuyệt vời, thúc đẩy chúng ta làm phong phú cuộc sống của người khác bằng những điều tốt đẹp, thanh cao và hướng thượng.
113. Về điểm này, tôi lấy làm buồn mà nhấn mạnh rằng “chúng ta bị suy thoái luân lý đã từ rất lâu, chúng ta coi thường đạo đức, lòng nhân ái, niềm tin và sự trung thực. Đã đến lúc phải nhìn nhận ra rằng thói hời hợt vô tư này chẳng có ích gì cho chúng ta. Các nền tảng của đời sống xã hội bị hủy hoại như thế rốt cuộc sẽ khiến chúng ta chống lại nhau chỉ để bảo vệ lợi ích riêng tư.”[86] Chúng ta hãy quay lại với việc cổ võ làm điều thiện, cho bản thân và cho toàn thể nhân loại, và như thế chúng ta sẽ cùng nhau tiến bước hướng tới sự phát triển đích thực và toàn diện. Mọi xã hội cần phải bảo đảm các giá trị được lưu truyền, bằng không điều được lưu truyền sẽ là lòng vị kỷ, bạo lực, đồi trụy dưới nhiều hình thức, sự dửng dưng và, cuối cùng, một cuộc đời khép kín trước chân trời siêu việt và cố thủ trong những lợi ích cá nhân.
114. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến tình liên đới. “Sự liên đới, như là một nhân đức luân lý và là một thái độ xã hội vốn là kết quả của một sự hoán cải cá nhân, đòi hỏi dấn thân của nhiều chủ thể có trách nhiệm về giáo dục và đào tạo. Trước tiên, tôi nghĩ đến các gia đình được mời gọi đảm nhận sứ mạng hàng đầu và thiết yếu, là giáo dục. Gia đình là nơi đầu tiên các giá trị của tình yêu thương và huynh đệ, chung sống và sẻ chia, quan tâm và chăm sóc người khác được sống và truyền thụ lại. Gia đình cũng là môi trường ưu tiên để truyền dạy đức tin, bắt đầu từ những cử chỉ đơn sơ diễn tả lòng đạo mà các bà mẹ dạy cho con cái mình. Các nhà giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ tận tâm dạy dỗ trẻ nhỏ và thanh thiếu niên trong trường học hoặc trong các trung tâm xã hội giáo dưỡng khác nhau, cần phải ý thức rằng trách nhiệm của họ cũng liên quan đến các chiều kích luân lý, tâm linh và xã hội. Các giá trị tự do, tôn trọng lẫn nhau và tình liên đới có thể được truyền thụ ngay từ khi còn nhỏ. [...] Những người làm việc trong ngành văn hóa và truyền thông xã hội cũng có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là với xã hội hiện nay, khi các phương tiện thông tin và liên lạc ngày càng phổ biến.”[87]
115. Sống trong thời đại như hôm nay khi mọi thứ dường như phân rã và mất tính nhất quán, chúng ta nên nhấn mạnh tới sự “bền vững”[88], bắt nguồn từ việc ý thức mình có trách nhiệm về sự yếu kém của người khác trong khi theo đuổi xây dựng một vận mệnh chung. Sự liên đới, được biểu lộ cụ thể trong việc phục vụ, có thể có những hình thức rất khác nhau trong trách nhiệm chăm lo cho người khác. Mà phục vụ “phần lớn là quan tâm đến những hoàn cảnh bấp bênh. Phục vụ có nghĩa là chăm sóc những thành viên yếu kém của gia đình chúng ta, xã hội chúng ta, dân tộc chúng ta.” Trong khi làm nhiệm vụ này, mỗi người có thể “gác lại những nhu cầu, khát vọng, ham muốn quyền lực của mình, đối diện với cái nhìn cụ thể của người anh em yếu kém nhất. [...] Phục vụ luôn nhìn đến khuôn mặt của họ, chạm vào da thịt của họ, cảm nhận gần gũi với họ đến mức, đôi khi, phải chịu lấy “nỗi đau” và cố gắng cải thiện tình cảnh của họ. Vì thế, phục vụ không bao giờ có tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng, mà là phục vụ con người.”[89]
116. Những người rốt hết thường “sống một tình liên đới đặc biệt tồn tại giữa những người đau khổ, những người nghèo túng, những người mà nền văn minh của chúng ta dường như lãng quên, hay tệ hơn, rất muốn quên. Liên đới là một từ không phải lúc nào người ta cũng thích; tôi có thể nói rằng, đôi khi nó bị biến thành một từ xấu xí không thể nói ra. Nhưng thật ra đó là một từ có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ làm vài việc quảng đại lúc này lúc khác. Liên đới có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng, ưu tiên cho cuộc sống của tất cả mọi người hơn là cho việc sở hữu thiện ích của một ít người. Nó cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại các nguyên nhân có tính cơ cấu sinh ra nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, thiếu đất đai và thiếu nhà ở, chối bỏ các quyền xã hội và lao động. Nó có nghĩa là đương đầu với những tác hại hủy diệt của đế chế tiền bạc. [...] Sự liên đới, hiểu theo nghĩa sâu xa nhất, là một cách làm nên lịch sử và đó chính là điều các phong trào quần chúng thực hiện.”[90]
117. Khi nói đến việc chăm sóc ngôi nhà chung là hành tinh của chúng ta, chúng ta đang nại đến mức tối thiểu của ý thức cộng đồng phổ quát và tinh thần quan tâm lẫn nhau vốn vẫn còn tồn tại nơi con người. Thật vậy, nếu một người có thể dùng nước cách dư dả nhưng vì nghĩ đến người khác nên quyết định sử dụng cách tiết kiệm, thì người ấy đã đạt đến mức đạo đức cao cả thúc đẩy họ vượt trên chính bản thân mình và nhóm của mình. Đó quả là một đức tính nhân bản tuyệt vời! Chúng ta cũng phải sống như vậy, nếu nhìn nhận các quyền của mọi người, ngay cả khi họ sinh ra ở nơi khác.
XEM LẠI VAI TRÒ XÃ HỘI CỦA TÀI SẢN
118. Thế giới hiện hữu là để cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị được sinh ra trên trái đất này với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, khả năng, quê quán, nơi cư trú, và biết bao điều khác nữa, đều không thể được coi là ưu tiên hoặc được dùng để biện minh cho đặc quyền của một số người gây thiệt thòi cho mọi người khác. Do đó, với tư cách là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người được sống với phẩm giá và có những cơ hội thích đáng để phát triển toàn diện.
119. Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, một số hiền giả đã suy tư và triển khai một viễn kiến phổ quát về mục đích chung của các của cải thiên nhiên[91] Từ đó họ đi đến quan điểm cho rằng khi một người không có được những điều kiện cần thiết để sống xứng đáng với phẩm giá con người thì đó là vì có một người khác đang chiếm giữ nó. Thánh Gioan Kim Khẩu tóm tắt điều đó khi nói rằng “không chia sẻ một phần của cải của mình cho người nghèo là ăn cắp của người nghèo và cướp đi chính mạng sống của họ. Của cải chúng ta sở hữu không phải là của chúng ta mà là của họ.”[92] Nói cách khác, như thánh Grêgôriô Cả đã khẳng định: “Khi chúng ta trao cho người nghèo cái gì đó, thì không phải là chúng ta cho họ những gì của mình, nhưng là trả lại cho họ những gì thuộc về họ.”[93]
120. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại cho mọi người lời của thánh Gioan Phaolô II mà có lẽ sức thuyết phục của lời này chưa được nhận biết đầy đủ: “Thiên Chúa đã ban trái đất cho toàn thể loài người, để trái đất có thể nuôi sống tất cả các thành viên của nó, không loại trừ hay thiên vị.”[94] Theo nghĩa này, tôi nhắc lại rằng “truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền tư hữu là tuyệt đối hoặc bất khả xâm phạm, và đã nhấn mạnh đến vai trò xã hội của mọi hình thức tư hữu.”[95] Nguyên tắc tất cả mọi người được hưởng dùng chung những tài sản thiên nhiên là “nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức - xã hội.”[96]; đó là quyền tự nhiên, nguyên thủy và ưu tiên[97]. Tất cả các quyền khác liên quan đến của cải cần thiết cho sự phát triển toàn diện của các nhân vị, gồm cả quyền tư hữu và mọi quyền sở hữu khác, thì “không được cản trở, trái lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền này”, như thánh Phaolô VI đã khẳng định[98]. Quyền tư hữu chỉ có thể được xem như một quyền tự nhiên thứ yếu và xuất phát từ nguyên tắc về mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo. Điều này có những hệ quả rất cụ thể phải được phản ánh trong việc vận hành xã hội. Tuy nhiên, thực tế thường xảy ra là các quyền thứ cấp lại được đặt trên các quyền ưu tiên và quyền nguyên thủy, đó là điều không thích đáng.
121. Như vậy, không ai có thể bị loại bỏ dù họ sinh ra ở đâu, và càng không thể bị loại trừ vì đặc quyền của những người khác, những người được sinh ra ở một nơi có hoàn cảnh thuận lợi hơn. Các giới hạn và ranh giới của các quốc gia không thể ngăn cản điều này. Như thế không thể chấp nhận việc một người có ít quyền hơn vì họ là phụ nữ, cũng như không thể chấp nhận được rằng nơi sinh ra hay nơi cư trú của người nào đó tự nó là lý do khiến người đó ít có cơ hội hơn để sống xứng phẩm giá của mình và để thăng tiến.
122. Sự phát triển không được nhằm mục đích ngày càng thu tích của cải cho một số ít người, nhưng phải bảo đảm “các quyền con người, quyền cá nhân và xã hội, về kinh tế và chính trị, bao gồm cả quyền của các quốc gia và dân tộc.”[99] Quyền tự do kinh doanh hoặc thị trường của một số người không thể lấn át quyền của các dân tộc và phẩm giá của người nghèo, cũng không lấn át nghĩa vụ tôn trọng môi trường, bởi vì “ai sở hữu cái gì đó, thì chỉ là để quản lý nó vì lợi ích của mọi người.”[100]
123. Hoạt động kinh doanh thực sự “là một ơn gọi cao quý nhằm tạo ra của cải và làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn cho mọi người.” [101] Thiên Chúa khích lệ chúng ta, mong đợi chúng ta phát triển những khả năng mà Ngài đã ban cho chúng ta, cũng như Ngài đã ban cho vũ trụ này đầy các tiềm lực. Trong kế hoạch của Ngài, “mỗi người được kêu gọi để thăng tiến sự phát triển của mình” [102], điều này bao gồm việc phát triển khả năng kinh tế và kỹ thuật, để gia tăng phúc lợi và của cải. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các khả năng kinh doanh, vốn là ơn phúc Chúa ban, phải được định hướng rõ ràng để phát triển người khác và để xóa đói giảm nghèo, nhất là qua việc tạo ra nhiều loại công ăn việc làm. Quyền tư hữu luôn gắn liền với một nguyên tắc quan trọng hơn và ưu tiên hơn đó là mọi tư hữu phải phục tùng mục đích phổ quát liên quan đến các phúc lợi của trái đất và do đó, mọi người đều có quyền sử dụng chúng.[103]
124. Ngày nay, việc xác tín về mục đích phổ quát liên quan đến các của cải trên trái đất cũng phải áp dụng cho cả các quốc gia, cho lãnh thổ và tài nguyên của các quốc gia đó. Nếu đúng là tất cả những điều này không chỉ được xem xét khởi đi từ tính hợp pháp của quyền tư hữu và quyền công dân của một quốc gia nhất định, mà còn từ nguyên tắc đầu tiên về mục đích phổ quát của các phúc lợi trên trái đất, thì chúng ta có thể khẳng định rằng vì không được khước từ quyền hưởng dùng tài nguyên trên lãnh thổ đối với những người túng quẫn đến từ nơi khác, nên mỗi quốc gia cũng thuộc về người nước ngoài. Thật vậy, như các giám mục Hoa Kỳ đã dạy, có những quyền cơ bản “đã có trước, có trước bất kỳ xã hội nào, vì chúng xuất phát từ phẩm giá được ban cho mỗi nhân vị xét như là thụ tạo của Thiên Chúa.” [104]
125. Điều này cũng giả thiết một cách hiểu khác về các mối liên hệ và trao đổi giữa các quốc gia. Nếu mỗi nhân vị có một phẩm giá bất khả xâm phạm, nếu mỗi người là anh chị em của tôi và nếu thế giới này thực sự thuộc về mọi người, thì việc một người sinh ra ở đây hay sống ở nước ngoài đều không quan trọng. Đất nước của tôi cũng có trách nhiệm đối với sự phát triển của người ấy, tuy có thể thực hiện trách nhiệm này theo nhiều cách khác: quảng đại đón tiếp họ trong trường hợp khẩn thiết, giúp cải thiện điều kiện sống trong chính đất nước của họ, tránh lạm dụng hoặc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia, từ chối cộng tác vào các hệ thống tham nhũng vốn cản trở sự phát triển xứng đáng của người dân. Điều có giá trị cho các quốc gia thì cũng áp dụng cho các vùng khác nhau trong mỗi quốc gia, giữa các vùng này thường có những bất bình đẳng nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi vì không có khả năng nhìn nhận phẩm giá bình đẳng của con người nên các khu vực phát triển hơn tại một số quốc gia, mong muốn rũ bỏ ‘gánh nặng' là những vùng nghèo hơn, để họ có thể gia tăng hơn nữa mức tiêu thụ của mình.
126. Chúng ta đang nói về một mạng lưới quan hệ quốc tế mới, bởi vì không có cách nào để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của thế giới nếu chỉ nghĩ đến các hình thức giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân hoặc các nhóm nhỏ. Hãy nhớ rằng “sự bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ các quốc gia, và buộc chúng ta phải suy nghĩ đến một nền đạo đức học về các mối quan hệ quốc tế.” [105] Và công lý đòi hỏi phải công nhận và tôn trọng không chỉ các quyền cá nhân, mà cả quyền xã hội và quyền của các dân tộc[106]. Điều chúng ta đang nói ở đây ám chỉ rằng phải bảo đảm “quyền cơ bản của các dân tộc, đó là quyền được tồn tại và tiến bộ.” [107], điều này đôi khi bị cản trở nghiêm trọng bởi áp lực của nợ nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc trả nợ chẳng những không tạo thuận lợi cho việc phát triển, mà còn hạn chế và gây khó khăn bởi những điều kiện chế tài ngặt nghèo. Dù vẫn tôn trọng nguyên tắc theo đó mọi khoản nợ đã ký vay hợp pháp đều phải hoàn trả, nhưng cách thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các nước giàu không được gây nguy hại cho sự tồn tại và phát triển của các nước nghèo.
127. Hẳn nhiên, để thực hiện tất cả những điều này đòi hỏi phải có một lối suy nghĩ khác. Nếu chúng ta không cố gắng suy nghĩ theo lối mới, thì những điều tôi nói ở đây xem ra chỉ là không tưởng. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận nguyên tắc tổng quát theo đó có những quyền chỉ bắt nguồn từ nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người, thì chúng ta có thể đảm nhận thách đố dám mơ nghĩ về một nhân loại khác. Chúng ta có thể ước mong có được một hành tinh, nơi đó mọi người đều được cung cấp đất đai, nhà ở và việc làm. Đây thực sự là con đường của hòa bình, chứ không phải là chiến lược vô nghĩa và thiển cận nhằm gieo rắc sợ hãi hoặc ngờ vực trước các đe dọa từ bên ngoài. Bởi lẽ một nền hòa bình đích thực và lâu bền chỉ có thể được thực hiện “khởi đi từ một nền đạo đức toàn cầu về tình liên đới và hợp tác, nhằm phục vụ một thế giới tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại.” [108]
--Ghi chú--
[86] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 229: AAS 107 (2015), 937.
[87] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2016 (08/12/2015), 6: AAS 108 (2016), 57-58.
[88] Về mặt từ nguyên, bền vững (solidity) có liên quan với liên đới (solidarity). Liên đới, theo nghĩa đạo đức-chính trị trong suốt hai thế kỷ qua, dẫn đến một cấu trúc xã hội chắc chắn và bền vững
[89] Bài giảng Thánh lễ, Havana, Cuba (20/09/2015): L’Osservatore Romano, 21-22 tháng Chín 2015, 8.
[90] Bài nói chuyện với các Tham dự viên tại Cuộc Gặp gỡ Các Phong trào Đại chúng (28/10/2014): AAS 106 (2014), 851-852.
[91] Cf. Thánh Basiliô, Bài giảng XXI, Quod rebus mundanis adhaerendum non sit, 3.5: PG 31, 545-549; Regulae brevius tractatae, 92: PG 31, 1145-1148; Thánh Phêrô Kim Ngôn, Sermo 123: PL 52, 536-540; Thánh Ambrôsiô, De Nabuthe, 27.52: PL 14, 738ff.; Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium, 6, 25: PL 35, 1436ff.
[92] De Lazaro Concio, II, 6: PG 48, 992D.
[93] Regula Pastoralis, III, 21: PL 77, 87.
[94] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (01/051991), 31: AAS 83 (1991), 831.
[95] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 93: AAS 107 (2015), 884.
[96] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (14/09/1981), 19: AAS 73 (1981), 626.
[97] Cf. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 172.
[98] Thông điệp Populorum Progressio (26/03/1967): AAS 59 (1967), 268.
[99] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), 33: AAS 80 (1988), 557.
[100] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 95: AAS 107 (2015), 885.
[101] Ibid., 129: AAS 107 (2015), 899.
[102] Cf. Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/03/1967): AAS 59 (1967), 265; Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 16: AAS 101 (2009), 652.
[103] Cf. Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 93: AAS 107 (2015), 884-885; Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 189-190: AAS 105 (2013), 1099-1100.
[104] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Thư Mục vụ Chống Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc Open Wide Our Hearts: The Enduring Call to Love (tháng 11, 2018).
[105] Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 51: AAS 107 (2015), 867.
[106] Cf. Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 6: AAS 101 (2009), 644.
[107] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (01/05/1991), 35: AAS 83 (1991), 838.
[108] Diễn văn về Vũ khí Hạt nhân, Nagasaki, Nhật Bản (24/11/2019): L’Osservatore Romano, 25-26 tháng Mười Một 2019, 6.
-----------------------------
---Còn tiếp---