Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 230

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 1/20 - Phaolô Ngô Đình Sĩ

 

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 1/20

Lm. Phaolô Ngô Đình sĩ

DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

Một giáo sư Kinh thánh ở Việt Nam, tình cờ gặp tôi một ngày nọ ở Paris, khi biết tôi giảng dạy về Kinh thánh, nên hỏi rằng: "này người anh em, cậu có biết có một cuốn sách giáo khoa nào đó căn bản, viết bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, tóm gọn và chỉ dẫn cho biết tất cả các phương pháp đọc và chú giải Kinh thánh không?" Một câu hỏi đơn giản, thành thực, nhưng khó trả lời.

- Trên thực tế, không có tác giả nào đã soạn thảo ra một cuốn sách giáo khoa tổng hợp như thế, vì ở Âu châu, ít thấy xuất bản các sách giáo khoa Thần học, nhất là về các phương pháp chú giải Kinh thánh. Chúng ta cũng có thể tìm thấy một vài cuốn sách cơ bản đề cập các phương pháp chủ yếu như, phê phán sử quan[1], hay phân tích theo lối  thuật chuyện[2], hoặc một vài sách tổng hợp các bài viết theo một chủ đề nói về chú giải Cựu ước[3] hay Tân ước[4]. Năm 1993, Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh, đã phát hành tài liệu chính thức  Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh (L’Interprétation de la Bible dans l’Église), trong đó đề cập đến các phương pháp diễn giải Kinh thánh và xác định đường hướng tốt nhất cho việc chú giải, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư Providentissimus và 50 năm Tông thư Divino afflante Spiritu[5].

- Từ thời Đức Kitô đến nay, nhiều thế kỷ đã trôi qua, Giáo hội đã không ngừng diễn giải Lời Chúa, như lương thực hằng ngày nuôi duỡng cuộc sống kitô hữu, như lời thánh Phaolô đã viết cho Timôthê: "Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính." (2Tm 3,15-16)[6]. Chính thánh Phaolô cũng thường trích dẫn Cựu ước trong các thư của Ngài, để minh chứng cho sự thật về Tin mừng của Đức Kitô. Những người Kitô hữu, Tin lành, cũng như Công giáo, đã biết sử dụng nhiều phương pháp để tìm hiểu sâu xa ý nghĩa lời Thiên Chúa.

- Nhà thần học Henri de Lubac, trong sách của ông[7],  đã xác định truyền thống của chú giải Lời Chúa, khi nhắc lại bốn nghĩa Kinh thánh của giáo phụ Origène (185-254)[8]: "Người ta đã biết từ lâu, vào khoảng đầu thế kỷ 12, đã có những quy tắc truyền thống, áp dụng cho tất cả những ai muốn diễn giải Kinh thánh. Người ta đã biết bảy nguyên tắc huyền nhiệm của Tyconius, thánh Augustinô đã chấp nhận, và thánh Isidore   đã truyền bá. Người ta cũng không quên rằng chính thánh Tông Đồ (Phaolô) cũng đã từng áp dụng, bằng ví dụ,  một regulam intellegendi allegoricas actiones. Dầu sao, quy tắc phúng dụ này không như historia hay ordo, cách này hay cách kia đều khác. Vậy người ta nhận biết những leges historiae, một allegoriae consequentia, những rationes anagogicae: tất cả các cách diễn đạt này có từ thời các giáo phụ. Có lẽ, ngoài lịch sử, những nghĩa khác có vẻ có tự do hơn trong trong áp dụng. Thánh Jérôme đã phê bình về phép phúng dụ, và hơn phép ẩn dụ, khi ngài phản đối những tự Do thái quá của Eusèbe de Césarée, đi theo phương pháp Origène, và nhiều người khác, theo ngài, và cũng nhắc lại như ngài: phép ẩn dụ có trước mặt nó một khoảng không gian tự do,...quy tắc sử quan thì chặt chẽ, ẩn dụ quá tự do."[9]

- Giáo hội Công giáo, từ Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum, 1965), văn kiện quan trọng của Công đồng Vaticano II, đến văn kiện Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh, mở ra những chân trời mới cho công việc chú giải. Người ta được tự do nghiên cứu để khai thác các văn loại và các khám phá mà lịch sử và khoa học đem lại, mà không sợ những cấm đoán đè nặng từ trong Giáo hội.

Câu hỏi vô tình của vị giáo sư thần học làm cho tôi nghĩ đến việc đọc và giảng dạy Kinh thánh ở Việt Nam. Các tín hữu và các sinh viên thần học thực sự gặp nhiều khó khăn để tiếp cận được các tài liệu cơ bản về chú giải viết trong ngôn ngữ ngoại quốc, và họ cũng không có được các sách nói về vấn đề này trong tiếng Việt. Nếu không có được sự trợ giúp của các phương pháp, chúng ta sẽ có thể mất cơ hội đào sâu ý nghĩa lời Thiên Chúa và học hỏi từ chính Ngài, để được thánh hóa trong đời sống[10]. Làm sao biết được thánh ý Thiên Chúa muốn dạy tôi qua Lời Ngài?

Để đáp nhu cầu nêu trên, thiết nghĩ Giáo hội Viêt Nam cần có một tài liệu cơ bản, không chỉ là một cẩm nang kỹ thuật trình bày và giải thích các công cụ và  phương pháp dùng cho việc đọc và học hỏi  các bản văn Kinh thánh, nhưng phải là một cuốn sách cho chúng ta biết một chút về lịch sử, ý nghĩa và các nơi chốn thể hiện lời Thiên Chúa trong Giáo hội.

Trong sách này, chương đầu tiên sẽ lược qua lịch sử việc diễn giải Kinh thánh ngay từ thời trước Đức Kitô. Người Do thái đã đọc Kinh thánh như thế nào. Kinh thánh của họ trở nên sách Cựu ước của chúng ta. Tiếp đến là thời sau Đức Kitô, thời đại các thánh giáo phụ, thời Trung cổ, và đến chúng ta ngày hôm nay, với các phương pháp mới mẻ.

Chương thứ hai sẽ tìm hiểu vấn đề liên quan đến ý nghĩa của Kinh thánh: từ nghĩa một từ ngữ đến ý nghĩa của bản văn, và từ ý nghĩa bản văn đến Thánh ý Thiên Chúa. Ý nghĩa được định nghĩa bởi các tài liệu chính thức của Giáo hội cũng như ý nghĩa được làm sáng tỏ và phong phú hóa nhờ Thông diễn học hiện đại.

Một phần lớn các phương pháp, phân tích và tiếp cận sẽ được xem xét trong chương thứ ba. Chúng ta sẽ bỏ qua các phương pháp phức tạp và đòi hỏi nhiều kiến thức văn hóa Tây phương. Ngay cả ở Âu châu, chúng ta có thể đọc được các tác phẩm diễn giải một bản văn Kinh thánh nào đó theo một phương pháp đến từ các môn khoa học nhân văn và xã hội, nhưng sẽ không có một sách nào đề cập trực tiếp đến các phương pháp này áp dụng trong Kinh thánh.

Một cách cụ thể, đứng trước một sách hay một bản văn Kinh thánh, chúng ta phải làm gì để đọc và diễn giải? Chương thứ tư muốn đề nghị một hành trình tiệm tiến, bắt đầu từ lúc giở sách Kinh thánh, cầu nguyện đến các giai đoạn cụ thể đi vào việc tìm hiểu ý nghĩa, và giảng dạy cho những người khác.

Với chương thứ năm, chúng ta sẽ kết thúc cuốn sách, thăm viếng lại các nơi chốn lời Thiên Chúa đã và đang thể hiện: phụng vụ và bí tích, cầu nguyện và chia sẻ, linh thao, linh hướng và giáo lý.

Hãy cùng nhau lên đường khám phá các chủ đề vừa nói trên, một hành trình có lẽ sẽ có đôi chút phức tạp, nhưng là một du hành thích thú.

1.  Lịch sử quá trình diễn giải Kinh thánh

Lịch sử đọc và diễn giải Kinh thánh trong Giáo hội sẽ giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng và những khó khăn trong việc giải thích Kinh thánh.Đối với Giáo hội Công giáo, "việc nghiên cứu Kinh thánh là linh hồn của thần học."[11]  Do đó, khác với truyền thống Do thái giáo và những người Tin lành, các thẩm quyền luôn cẩn trọng và để mắt đến việc chú giải Kinh thánh. Giáo hội đã không dể dàng chấp nhận những phương pháp hoặc công cụ mới đến dùng cho việc chú giải. Văn kiện Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh, chỉ mới xuất bản năm 1993[12], gần 2000 năm sau Thiên Chúa giáng sinh.

Truyền thống Do Thái, Hy Lạp và Ki-tô giáo nguyên thủy[13]

Trước tiên, chúng ta nên biết rằng, Kinh thánh là bộ sách lịch sử của dân tộc Do thái. Dù họ có đức tin hay vô thần, không một ai trong dân tộc này có thể chối bỏ lịch sử đó. Kinh thánh của dân tộc Thiên Chúa chọn, được thu thập và công nhận  và sắp đặt trong những "thư quy» (canon)[14] nhiều thế kỷ trước Đức Kitô. Hiện nay, Kinh thánh của người Do thái có hai bộ chính sau đây[15]:

- Bản văn Hy lạp, dịch từ tiếng Do thái, còn gọi là bản 70, ra đời vào thế kỷ thứ 3 trước Đức Kitô, gồm có 47 cuốn sách[16], được xếp theo trình tự sau đây: Sách Ngũ kinh, sách lịch sử, sách  văn thơ, và sách ngôn sứ.

- Bản văn tiếng Do thái, gồm 39 cuốn, nhờ chứng tá của sử  gia Do thái Josephe Flavius[17]. Hội đường Do thái ở Giêrusalem thời đó không muốn công nhận 6 cuốn sách sau đây: Sách Khôn Ngoan, Huấn Ca, Tôbia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê.

- Ngoài ra, trong thế kỷ thứ nhất trước Đức Kitô, trong các hội đường Do thái giáo nói tiếng Hy lạp, họ sử dụng một bản Kinh thánh bằng tiếng Hy lạp, gồm có những cuốn sách  giống như bản 70.

Các linh mục Do thái, từ nguyên thủy và nhờ ơn huệ Thiên Chúa, họ có quyền giảng giải các lề luật (Kinh thánh) và nếu ai gặp khó khăn trong việc đọc Kinh thánh, họ tìm đến các linh mục để được trả lời các vấn nạn[18]. Ngoài các linh mục, các ngôn sứ cũng có thể nhắc cho dân chúa lắng nghe và thi hành các lề luật. Ở nước Ítraen hiện nay, vẫn còn có các trường học các ngôn sứ, cũng gọi là "trường thông giải" (maison d’interprétation).

Người Do thái đã dùng từ lâu những phương pháp giải thích Kinh thánh. Phương pháp péchât giải thích thật sát nghĩa hoặc theo nghĩa đen của từ ngữ; phương pháp derâsch bình giải bản văn, để làm cho bản văn được ăn khớp với các lề luật truyền khẩu hay được viết thành văn bản. Phương pháp đầu thường dùng để giải thích Tôra (Lề Luật nghĩa rộng), và phương pháp thứ hai được dùng diễn giải các sách Ngôn Sứ trong hội đường Do thái. Với phương pháp thứ hai, người thông giải có tự do hơn để tìm kiếm và đào sâu ý nghĩa của bản văn và từ đó phát sinh ra những midraschim bao gồm hai loại: halakha hay còn gọi là midrasch halakhique, giải thích các vấn đề pháp lý, tôn giáo, và đưa ra các quy định trong nghi lễ và hành xử ở ngoài tôn giáo;  và haggada hay là midrasch haggadique, chuyên về luân lý.

Người Do thái giáo nói tiếng Hy lạp có một phương pháp chú giải khác gọi là "phúng dụ" (allégorie). Họ giải thích bản văn Kinh thánh với nghĩa bóng, hoặc nghĩa ẩn dụ, biểu tượng. Những người đầu tiên dùng phương pháp này sống ở Alexandrie (bút hiệu là Aristée và Aristobule de Panéas)[19], vào thế kỷ thứ 2 trước Đức Kitô.  Sau đó, Philon[20], một văn sĩ nổi tiếng, đã quy định các quy tắc phương pháp chú giải phúng dụ này và chính ông cũng đã diễn giải nhiều bản văn Kinh thánh. Hình như những người Do thái giáo thuộc phái Essénien cũng sử dụng phương pháp này.

Vào thời Đức Kitô, người Do thái đã trở về sau lưu đày, dưới sự dẫn dắt và giảng dạy lề luật của Étra (Er 7,10) - khuôn thước của các luật sĩ sau này - đã ý thức tầm quan trọng của việc vâng theo lề luật để tiếp tục trung thành với giao ước và sự sống còn của dân tộc Ítraen (Nkm 8,3. 18; 10,29). Từ đó, các luật sĩ cho mình trách nhiệm chú giải Kinh thánh, và nhất là lề luật. Họ lo lắng việc tuân thủ một cách nghiêm túc các giới răn của lề luật, điều này bắt họ phải định rõ ý nghĩa và giới hạn những yêu cầu của Thiên Chúa (Nkm 13). Vì thế chúng ta thấy, trong các Tin Mừng, những người luật sĩ, ủng hộ bởi các người Biệt phái (pharisieu), đã nhiều lần tố cáo chống lại Đức Kitô, vì theo họ, Ngài đã không tuân giữ các giới răn của lề luật, nhất là những việc tuân thủ nghiêm túc ngày sabát (ngày thứ bảy) (Lc 6,7). Lúc đó, xuất hiện nhiều trường phái chú giải lề luật giữa lòng Do thái giáo: Shammaï rất nghiêm nhặc, khắc khe và tuân thủ sát nghĩa các giới răn của Lề Luật; trong khi đó, trường phái Hillel, thì tự do và mềm dẻo hơn. Gamaliel[21], thầy cũ của Phaolô, là cháu nội của Hillel (Cv 5,34-39).

Đương nhiên, người Do thái vẫn tiếp tục đọc và phát triển việc chú giải Kinh thánh của họ cho đến hôm nay, với nhiều phương pháp khác nữa[22], nhưng chúng ta không đề cập ở nơi đây, để thời gian xem lại cách thức Đức Kitô và thánh Phaolô chú giải Kinh thánh.

Như các ngôn sứ, Đức Giêsu Kitô trích dẫn Kinh thánh, để giảng dạy và để giúp những người nghe hiểu rõ hơn về Mặc khải Thiên Chúa (Mt 4,4; Mc 10,7; 11,17; 12,36). Nhưng rất khác với các luật sĩ, cũng như những người Biệt phái, Ngài không bị gò bó một cách hạn hẹp trong các chi tiết của lề luật, nhất là việc tuân giữ tuyệt đối ngày sabát, Ngài mời gọi tất cả mọi người, nhất là những kẻ tự giam mình trong hạn hẹp của từ ngữ và tính chất trần thế của lề luật,  xem xét và suy nghĩ đến mục đích thiêng liêng và tối cao của lề luật: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát." (Mc 2,27)(Mc 2,23-27, 3,1-6; Ga 5,1-18, 9,1-41). Những người Do thái người có học và am hiểu Kinh thánh thời chúa Giêsu, thường đi vào những cuộc tranh cãi về lề luật, và tự giam hãm lấy chính họ trong ngục tù của thông minh và trí óc hẹp hòi của mình. Trong khi đó, Đức Kitô luôn mời gọi họ hướng tới thánh ý Thiên Chúa, ý nghĩa đích thực của lề luật (Mt 22,23-33 hoặc Mt 15, 3-9, 23,16-24).

Trong những đoạn văn khác, chúng ta thấy Đức Kitô trích dẫn Kinh thánh để giải thích mầu nhiệm nhập thể và sứ mạng của Ngài. Lời Kinh thánh sẽ soi sáng và làm cho những người theo và nghe Đức Kitô hiểu hành động yêu thương và nhận biết Ngài là đấng cứu độ được Chúa Cha sai đến (Lc 4,16-20; 20,9-18. 41-44; 22,37; 24,25-27; Mt 12,38-42; 21,12-17; 26,31).

Chúng ta đã thấy được tầm quan trọng diễn giải Kinh thánh trong lịch sử cứu độ. Những môn đệ của Đức Kitô cũng tiếp tục tìm hiểu mầu nhiệm mặc khải qua chính ánh sáng của lời Thiên Chúa. Đặc biệt là Thánh Phaolô, xuất thân từ Biệt phái, được giáo dục trong môi trường đào tạo các giáo sĩ Do thái giáo (Plm 3,5), và như đã nói, là học trò của Gamaliel, nên ngài đã nắm vững các lối chú giải Do thái. Ngài thường dùng phương pháp mà những nhà chú giải Kinh thánh ngày nay gọi là "typologie", tạm dịch là phương pháp "so sánh dạng thức". Ngài dùng những gương mẫu, mô hình, tương ứng, trong các biến cố hoặc nhân vật trong Cựu ước để diễn đạt, so sánh và mô phỏng giao ước mới, các biến cố, con người và sứ mạng của Đức Kitô: chẳng hạn, Ađam đối lập với Đức Kitô trong Rm 5,12-21; Abraham, cha của những kẻ tin (Rm 4, Gl 3 và 4), hoặc Rm 3,9-18.

Nhưng đôi khi, Ngài cũng làm chúng ta ngạc nhiên khi ngài dùng một cách rất tự do phương pháp chú giải truyền thống midrash, rất kỹ thuật theo những quy ước định sẵn để đọc các bản văn Kinh thánh. Hai trong những công cụ thông dụng của midrashgezerah shawahqal wahomer. Công cụ thứ hai, có nghĩa là nhẹ và bền vững, là phương pháp lý luận chắc chắn để xác định một vấn đề. Trong khi đó, gezerah shawah (cùng một chữ, cùng một câu), dựa trên sự giống nhau của những từ ngữ trong hai bản văn khác nhau, được sắp lại gần nhau, và sự kết hợp này, cho phép một diễn giải, làm sáng tỏ, mở rộng. Bắt đầu từ những chữ giống nhau của các bản văn không liên quan gì đến nhau, người chú giải, biến chúng thành một bản văn hiệp ý (Rm 4,1-12; Gl 3,10-14)[23].

Những người Kitô hữu nguyên thủy có lẽ nghe nhiều lời Kinh thánh và hiểu hơn chúng ta bây giờ, về các mặc khải Thiên Chúa. Phần lớn các trích dẫn Kinh thánh trong sách Công vụ Tông đồ có mục đích chỉ dạy cho chúng ta đấng cứu độ đã được loan báo từ lâu bởi các ngôn sứ: ví dụ như, trong Cv 17,2-3 và 5. Thánh Luca đã ghi lại rất nhiều trích dẫn Kinh thánh trong các bài rao giảng các Tông đồ (Cv 2,14-36; 3,11-26; 4,9-11; 8,26-35; 13,16-41); có lẽ, những người Kitô hữu nguyên thủy, đã sưu tập những trích dẫn Kinh thánh có liên quan đến lời hứa của Thiên Chúa về đấng cứu tinh. Nhiều trích dẫn trong Tân ước đến từ Tv 118, 22; 110,1; 16,8-11; Is 28,6;  59,20-21; Gr 31,31-34.

Chú thích:

[1] Odette MAINVILLE, La Bible au creuse de l’histoire, Coll. Sciences bibliques, Montréal, Médiaspaul, Canada, 1995.

[2]Daniel MARGUERAT et Yvan BOURQUIN, Pour lire les récits bibliques. Initiation à l’analyse narrative, Paris, Cerf, 2009.

[3] Michaela BAUKS, Christophe NIHAN (éd), Manuel d’exégèse de l’Ancien Testament, Genève, Labors et Fides (Le Monde de la Bible 61), 2008.

[4]Philippe ABADIE (éd), Aujourd’hui, lire la Bible. Exégèses contemporaines et recherches universitaires, Lyon, Profac, 2008.

[5]COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise, Paris, Cerf, 1994.

[6]Trích từ Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnbible/vn2timo.htm, tham khảo ngày 19/03/2015.

[7]Henri De LUBAC, Exégèse médiévale. Les quatre sens de l’Écriture, Aubier-Montaigne, 1959, 1961, 1964, Cerf, 1993, tr. 23.

[8]ORIGÈNE, http://fr.wikipedia.org/wiki/Orig%C3%A8ne, tham khảo ngày 25/03/2015.

[9]Henri De LUBAC, Exégèse médiévale. Les quatre sens de l’Écriture, Aubier-Montaigne, 1959, tr. 23.

[10] Jean Louis CHRETIEN, "Se laisser lire avec autorité par les Saintes Ecritures", RSR (Recherches de Science Religieuse), số 1, Tome 92, Paris, 2004, tr. 119-137.

[11] Dei Verbum, số 24.

[12] L'Interprétation de la Bible dans l'Eglise, Commission Biblique Pontificale, Allocution de Jean Paul II, Préface du Cardinal Ratzinger, Introduction du Père Jean Luc Vesco, o. p., Paris, Cerf, deuxième édition, 1994.

[13] Pierre GIBERT, Petite histoire de l’exégèse biblique, Paris, Cerf (Lire la Bible 94), 1992.

[14] Từ ngữ "canon",  đến từ gốc Hy lạp κανών, và tiếng Do thái qaneh, có nghĩa đen là cây sậy. Vì có lẽ, người ta đã chặt một nhánh cây sậy để làm thước đo, nên từ canon có nghĩa mới là thước đo của những người thợ mộc. Trong lãnh vực triết học, từ canon đã trở thành quy luật, giới hạn, tiêu chuẩn, mô hình. Vào thế kỷ thứ 2, giới Kitô hữu dùng chữ canon, trong thành ngữ "canon de la vérité", thước đo sự thật, và "règle de l’assemblé", có nghĩa là "règle de la conduite", quy luật cộng đoàn. Thánh Phaolô dùng chữ này để chỉ ranh giới vùng đất ngài rao giảng Tin mừng (2Cr 10,13-16). Đến thế kỷ thứ 4, Giáo hội dùng từ này để chỉ các thư quy Kinh thánh (năm 363 ở Công đồng Laodicée và năm 392, trong thư Festale của Athanase d’Alexandrie).

[15] Constantin CHAUVIN, La Bible depuis ses origines jusqu'à nos jours. La Bible chez les Juifs, Hachette, Éd.1900, Paris. Hoặc La Bible chez les Juifs, http://www.mediterranee-antique.fr/Auteurs/Fichiers/ABC/Chauvin_Constantin/Bible/Bible_1.htm, tham khảo ngày 09/12/2014.

[16] Kinh thánh Cựu ước của chúng ta theo trình tự gần giống bản này gồm có 45 cuốn vì 4 sách Các Vua, được gộp lại thành hai cuốn Các Vua 1 và 2.

[17] FLAVIUS Josèphe, http://fr.wikipedia.org/wiki/Flavius_Jos%C3%A8phe, tham khảo ngày 25/03/2015.

[18] Đệ Nhị Luật 21,5 "Bấy giờ các tư tế, con cái Lê-vi, sẽ tiến lại, vì Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã chọn họ để họ phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Ðức Chúa, và căn cứ vào lời họ mà mọi vụ tranh tụng và đả thương được giải quyết".

[19] Aristobule de Panéas, http://fr.wikipedia.org/wiki/Aristobule_de_Pan%C3%A9as, tham khảo ngày 25/03/2015.

[20] Philon d’Alexandrie, http://fr.wikipedia.org/wiki/Philon_d'Alexandrie, tham khảo ngày 25/03/2015.

[21] Gamaliel, http://fr.wikipedia.org/wiki/Gamaliel_l'Ancien, tham khảo ngày 25/03/2015.

[22] Constantin CHAUVIN, La Bible chez les Juifs, Hachette, Éd. 1900, Paris. hoặc là La Bible chez les Juifs, phần II, "Kinh thánh nơi người Do thái kể từ Đức Giêsu Kitô" (La Bible chez les Juifs depuis Jésus Christ) - http://www.mediterranee-antique.fr/Auteurs/Fichiers/ABC/Chauvin_Constantin/Bible/Bible_1.htm, tham khảo ngày 09/12/2014.

[23] Jean-Bosco Matand Bulembat, Noyau et enjeux de l'eschatologie paulinienne : de l'apocalyptique juive et de l'eschatologie hellénistique dans quelques argumentations de l'apôtre Paul, Walter de Gruyter, 1997, tr.  59.

---Còn tiếp---

zalo
zalo