Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 33

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 10/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 10/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Làm sao để tạo ra được một giao tiếp chung giữa hai phương pháp? Làm sao để có thể làm nổi bật chiều kích lịch sử và tuyên xưng của Mặc khải Kinh thánh trong phương pháp phân tích thuật chuyện? Trong thời điểm hiện nay, những người nghiên cứu Kinh thánh cũng chưa đem lại những câu trả lời thỏa đáng những câu hỏi trên đây. Trong tương lai, chúng ta vẫn còn có những tranh luận có  tính cách khoa học luận (épistémologique) giữa phân tích thuật chuyện và việc nghiên cứu sử quan của chú giải có tính cách phê phán, giữa tính cách xuyên thời gian và đồng thời gian...

Khi bàn bạc đến phân tích thuật chuyện, chúng ta đã gác qua một bên một phương pháp văn chương khác, rất khó với văn hóa Việt Nam chúng ta, đó là phương pháp dựa trên lý thuyết văn học "sémiotique".[115] Nếu những ai muốn nghiên cứu Kinh thánh theo phương pháp này, xin tìm đọc những tài liệu sau đây:

- Sémiotique, une pratique de lecture et d’analyse des textes bibliques, Cahier Evangile, n° 59, Paris, Cerf, 1987.

- Agnès GUEURET, L’Engendrement d’un récit, L’Evangile de l’enfance selon saint Luc, Coll. "Lectio Divina", n° 113, Paris, Cerf, 1983.

- Les Nouvelles voies de l'exégèse, en lisant le Cantique des cantiques, par ACFEB[116], XIXe congrès de l'Association catholique pour l'étude de la Bible (Toulouse, septembre 2001), Études réunies sous la direction de Jacques Nieuviarts et Pierre Debergé, Coll. "Lectio Divina", n° 190, Paris, Cerf, 2002.

Ở đây, hãy đi vào một phương pháp nghiên cứu khác, có tính cách đồng đại hay đồng thời gian (synchronique). Ủy ban Kinh thánh Giáo Hoàng gọi phương pháp này là khoa phân tích tân Tu từ (nouvelle rhétorique).

Phương pháp phân tích Tu từ

Trước khi đi sâu vào lịch sử và chi tiết của Tu từ học, để tránh những sự nhầm lẫn đáng tiếc khi sử dụng từ ngữ, chúng ta nên phân biệt ba ngữ văn sau đây: 

1) Phân tích Tu từ: theo truyền thống Do thái, truyền thống Sêmít (analyse rhétorique sémitique), phương pháp phân tích này dùng diễn giải Kinh thánh và Kinh Coran của người Hồi giáo[117]. Một trong những chuyên gia phương pháp Tu từ Sêmít, Roland MEYNET, đã giải thích như sau: "L’analyse rhétorique prétend aussi que ces compositions n’obéissent pas aux règles de la rhétorique gréco-latine, mais aux lois spécifiques de la rhétorique hébraïque dont les auteurs du Nouveau Testament sont les héritiers directs »[118] (Phân tích Tu từ học chủ trương rằng những yếu tố cấu tạo của bản văn không vâng theo các quy tắc của môn Tu từ học Hy lạp-La mã, nhưng nó tuân theo các luật đặc biệt của khoa Tu từ học Hêbrơ mà các tác giả Tân ước chính là những thừa kế trực tiếp.) Tuy có nhiều nhánh khác nhau, nhưng một cách chung , phân tích Tu từ dựa trên việc khám phá các cấu trúc đối xứng (AB - B’A’, ABC - C’B’A‘) trong bản văn, song song ngữ văn, hiệu ứng soi gương, và hình thái chữ X (Chiasme). Theo Roland MEYNET, có sự khác biệt nền tảng giữa Tu từ học Sêmít và Tu từ học Hy lạp-La mã, ông viết: "Le Grec veut convaincre en imposant un raisonnement imparable; le Juif au contraire indique le chemin que le lecteur doit emprunter s'il désire comprendre. "Com-prendre": prendre ensemble’’[119] [Người Hy lạp, để thuyết phục, họ đặt ra một lý luận bền vững, người Do thái, ngược lại, họ chỉ con đường mà người đọc phải mượn nếu họ muốn hiểu. "Com-prendre"(hiểu): bắt lấy (prendre), cùng nhau (ensemble)].

2) Vậy Tu từ học Hy lạp-La mã cổ điển nghĩa là gì? Tu từ học vừa có nghĩa là khoa học vừa có nghĩa là nghệ thuật nói chuyện, diễn thuyết, giảng giải, với mục đích chinh phục sự đồng thuận của thính giả. Từ ngữ "rhétorique" (dịch trong tiếng Việt là Tu từ học) đến từ tiếng La tinh rhetorica, lấy lại từ tiếng Hy lạp rhêtorikê tekhnê, và được dịch ra trong tiếng Pháp bằng những chữ như "kỹ thuật, nghệ thuật, hùng biện". Ngoài định nghĩa có tính cách tổng quát này, khoa Tu từ học được phát triển trong lịch sử với hai ý niệm hơi đối nghịch nhau: một bên nghiêng về sự thuyết phục, một bên khác chú trọng về nghệ thuật ăn nói, hùng biện. Tu từ học Hy lạp, trong lối áp dụng của nhóm người theo chủ nghĩa ngụy biện (sophistes) và được hệ thống hóa bởi triết gia Aristote, nghiêng về hướng thuyết phục. Trong khi đó, vào thời La mã cổ đại, theo định nghĩa của nhà hùng biện Cicéron và Quintilien, Tu từ học được xem như một nghệ thuật ăn nói, một phương pháp để ăn nói hay "bene dicendi scientia" . Sau đó, khoa Tu từ học đi vào các bản viết, và nhất là các tác phẩm văn chương và bi kịch. Do đó, khoa Tu từ học này dần dần bị giới hạn trong "phong văn" (stylique), một danh sách thống kê những ngôn từ biểu trưng hay ẩn dụ để trang hoàng và làm đẹp cho bản văn.

Dù Hy lạp hay La tinh, phương pháp Tu từ học bắt đầu bằng ba ý niệm cơ bản: logos, pathos, ethos. Những lối này được chọn tuỳ theo mục đích của bài thuyết trình hay câu chuyện để ăn nói. Logos, từ có gốc Hy lạp, có nghĩa là lời, lý lẽ, luận lý, có hệ thống,  dịch ra tiếng Pháp là logique. Một bài thuyết trình, hay diễn văn, hay một câu chuyện nói trước công chúng theo lối logos, có lý luận, có hệ thống bền vững, sẽ thuyết phục được cử tọa. Người ta có thể dùng nó cho nhiều việc, luật sư trong toà án, diễn văn chính trị, bài giảng tôn giáo,...

Lối soạn diễn văn hay bài nói chuyện hay thuyết trình theo lối pathos sẽ tạo ra cho khán, thính giả một hệ quả khác, nhưng cũng nhắm vào việc thuyết phục. Cũng như logos,  từ Hy lạp pathos (đau khổ, thương khó), khi được dùng trong diễn văn, sẽ gây ra nơi khán thính giả những tính cảm, yêu, thích ghét, cảm mến, hay thù hận. Như thế,  dùng lý trí không thôi chưa chắc đã thuyết phục, ngôn ngữ gây sốc, gợi lòng thương cảm, có khi quyến rũ rất mạnh mẽ trên cử tọa.

Và từ Hy lạp ethos, diễn tả cá tính, thói quen, tài năng,  hạnh kiểm và nhân đức của một con người, như dũng cảm, can đảm, tươi vui,... Khi nhà hùng biện soạn thảo bàn văn với lối ethos này, ông hoặc tự lấy tiếng tăm của mình để thuyết phục, hoặc trích dẫn một nhân vật lẫy lừng nào đó để nâng đỡ lý luận của mình. Triết gia Platon không tích những lập luận kiểu này, vì ông cho đó những điều đó khiến người ta rời khỏi sự thật.

Nếu có ba lối soạn thảo thuyết giảng, Triết gia Hy lạp Aristote (384-382 trước Đức Kitô) cũng cho ra ba loại diễn văn: a) diễn văn thảo luận (délibératif) thường dùng trong lĩnh vực chính trị, với mục đích làm cho cử tọa đi tới một quyết định và quyết định đó đúng đắn, có đích điểm là sự thiện, b) diễn văn pháp lý (judiciaire) đuợc dùng cho luật sư cố gắng thuyết phục quan tòa khi kết tội một phạm nhân hay biện hộ cho một bị cáo, có đích diểm là sự thật, c) diễn văn giải bày hay minh chứng (démonstratif) dùng để ca tụng hoặc chê trách một ai đó, có đích điểm là sự đẹp, hiện nay, người ta dùng từ "giá trị" (valeur)  (Chân, thiện mỹ).

Bảng tổng kết dưới đây sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn chung về ba loại diễn văn của Tu từ học Hy lạp-La mã.

 

Cử toạ

Thì

Tác động

Giá trị

loại biện chứng

Pháp lý

thẫm phán

Quá khứ đơn

Kết án-bảo vệ

Công lý-bất công

Tam đoạn luận (hay suy luận - déductif)

Thảo luận

Cộng đoàn

Tương lai đơn

Cố vấn-khuyên can

Lợi ích-nguy hại

Dẩn dụ  (hay qui nạp- inductif)

Minh chứng

Khán giả

Hiện tại

Ca tụng-khiển trách

Cao thượng-thấp hèn

Khuếch đại (Amplification)

3) Tân Tu từ học học là gì? Năm 1958, triết gia Chaïm PERELMAN (1912-1984), cùng với Lucie OLBRECHTS-TYTECA, đã làm sống lại Tu từ học ở thế kỷ XX, khi xuất bản Traité de l’argumentation, la nouvelle rhétorique[120] (Nguyên lý lập luận, Tân Tu từ học). Tác phẩm nằm trong truyền thống lý thuyết những diễn văn có tác dụng thuyết phục. Làm sao để tìm nền tảng cho những phán đoán có tính các ước định giá trị. Đối với hai tác giả này, luận lý và chỗ đứng quan trọng của nó trong Tu từ học Hy lạp La mã chính là nền tảng của môn Tân Tu từ học. Một trong những người phát triển trường phái này là triết gia pháp Michel Meyer. Ông định nghĩa luận lý như là một cuộc thương lượng hàm thụ giữa các đối tác giao tiếp. Qua các tác giả ngôn ngữ học như Roman JAKOBSON[121], Gérard GENETTE và nhóm µ, chúng ta biết có một nhánh khác của Tân Tu từ học sinh ra ở giữa thế kỷ XX, gọi là Tu từ học những hình thái (figures).

Chúng ta quay trở lại với hệ thống Tu từ học. Đối với triết gia Hy lạp Aristote, một diễn văn Tu từ có hai phần quan trọng, đó là luận đề và luận lý. Nhưng theo Quintilien, lý thuyết gia người La mã, một diễn văn Tu từ học phải được soạn theo quy trình của 5 yếu tố cơ bản  sau đây: inventio, dispositio, elocutio, actiomemoria. Mỗi giai đoạn phải được thực hiện kỹ lưỡng theo quy trình và phương pháp.

Trong giai đoạn đầu Inventio, diễn giả phải nắm vững chủ đề, biết những hệ quả của vấn đề. Cụ thể, diễn giả khám phá dữ kiện, định nghĩa và xác định nó, đánh giá trị, và đạt câu hỏi về tính cách hợp pháp của nó, để có thể áp dụng loại diễn văn nào[122], pháp lý, thảo luận hay minh chứng? Như chúng ta đã nói ở trên, diễn giả tiếp tục chọn một trong ba lối biện luận hay còn gọi là những phương tiện để thuyết phục cho diễn văn của mình: logos, pathos hay ethos[123]. Diễn giả có thể dùng hai loại dẫn chứng, loại thứ nhất, Aristote gọi là atecnai, chứng cứ ngoại tại, và entechnai, chứng cứ nội tại. Tu từ học học dùng những từ ngữ khác để diễn đạt: những chứng cứ intrinsèques và những chứng cứ extrinsèques. Những chứng cứ ngoại tại được xếp như sau: văn bản luật pháp, chứng tá cổ điển hay hiện đại, hiệp ước hay hiệp định, những lời thú tội dưới sự tra tấn, và những lời thề. Những chứng cứ nội tại như tiểu sử nhân vật trong điếu văn, suy diễn hay tam đoạn luận. Kế đến, diễn giả, phải chú trọng đến bối cảnh và chuyên đề (lieu và topique).

Giai đoạn thứ hai, dispositio, bao gồm việc soạn thảo cấu trúc bản văn, sắp xếp các luận lý, cho phù hợp với các chuyên đề và bối cảnh của bản văn. Mục đích của giai đoạn này là làm cho bản văn sáng tỏ, rõ rằng, và dễ hiểu. Nó giúp cho diễn giả đừng quên sót những yếu tố quan trọng của diễn văn, và xét lại phương pháp của mình, trước khi thuyết trình. Dispositio có các bước tiến sau đây: Mở đầu (exorde), tường thuật (narration), ngoài đề  (disgression), kết luận (péroraison).

- Mở đầu (exorde): Diễn giả bắt đầu diễn văn bằng cách thu hút sự chú ý của cử tọa (tiếng La tinh gọi là captatio benevolentiae). Ông phải gây sự chú ý và mở lòng tiếp nhận những gì ông sẽ nói. Ông cũng có thể đưa thính giả vào câu chuyện của mình. Và sau đó ông sẽ trình bày chủ đề và sự kiện.

- Tường thuật (narration): trong dàn bài, diễn giả trình bày tuần tự các dữ kiện liên quan đến vấn đề đặt ra trong tinh thần khách quan. Tường thuật những câu chuyện được dùng như chất liệu cho những biện luận sau đó. Diễn giả có thể sử dụng những nguồn như lịch sử, huyền thoại hoặc tự sáng tạo lấy. Quan trọng là, phần tường thuật này phải rõ ràng, ngắn gọn, đáng tin cậy.

- Ngoài đề (disgression): để làm cho cử tọa tránh nhàm chán, diễn giả có thể làm họ thư giản bằng một câu chuyện khôi hài không liên quan trực tiếp đến lý luận của ông để chuẩn bị đi đến kết luận. Theo sách Rhétorique à Herennius (Rhetorica ad Herennium, tiếng La tinh), của một tác giả vô danh ở thế kỷ thứ I trước Đức Kitô, trong phần này, người ta có thể bày tỏ "giận dữ, thương xót, ghét bỏ, lăng mạ, hòa giải, bác bỏ những luận điệu thái quá". Nhưng chung chung, các diễn giả thường chọn cách làm khánh thính giả cười, như thế họ có thể chiếm được cảm tình của cử tọa.

- Kết luận (peroraison): Để kết, diễn giả cũng theo ba bước sau đây, 1) khuyếch đại (amplification) và gợi ý kiến cho cử tọa theo những giá trị luân lý hay tinh thần của họ. Diễn giả có thể dùng lối pathos, lấy nguồn ở các bối cảnh và chuyên đề, 2) Tình cảm (passion), gợi lòng thương xót hoặc tức giận nơi khán giả, 3) tóm lược (récapitulation), diễn giả tóm lại những luận cứ của mình và đi đến kết luận.

Chúng ta vừa đi qua giai đoạn thứ hai, thấy nhiều bước soạn thảo kỹ lưỡng của môn Tu từ học, trong giai đoạn thứ ba, Elocution, diễn giả phải ngồi xuống và viết diễn văn của mình. "Văn là người",  theo Cicéron, phần này thể hiện được khả năng của diễn giả, tài văn chương  của ông. Để viết một diễn văn hay, ông cố gắng tạo cho mình một phong văn (style), ông có thể sử dụng những hình ảnh, biểu tượng, ẩn dụ, thi ca, và tạo nhịp điệu giúp diễn đạt ý nghĩa diễn văn của mình. Theo sách Rhétorique à Herennius, diễn văn phải đạt được ba tiêu chuẩn sau đây: lịch lãm, ý tưởng sắp xếp gọn gàn cân đối, và đẹp. Nói tóm lại, Elocutio, dựa trên hai yếu tố cơ bản: phong văn và hình thái ẩn dụ Tu từ học (figure de rhétorique). Chúng ta có thể tóm gọn các quy luật ước định của giai đoạn thứ ba (elocutio) trong bảng sau đây:

Phong văn (styles)

Mục đích

Chứng cứ

Giai đoạn diễn văn

Cao quý (noble)

Gây xúc động (émouvoir, "movere")

pathos

Kết luận và ngoài đề (péroraison et digression)

phong cách (tenue)

giải thích (expliquer, "docere")

logos

tường thuật, xác quyết và tóm lược (narration, confirmation et récapitulation)

thư thái (medium)

Làm hài lòng (plaire, "delectare")

ethos

mở đầu và ngoài đề (exorde et digression)

Actio là giai đoạn kế tiếp. Chính là lúc diễn giả trình bày diễn văn của mình trước công chúng. Nhiều người gọi nó là elocution, lẫn lộn với giai đoạn thứ ba chúng ta vừa mới nói trên đây. Điều quan trọng nhấy ở đây là âm giọng của diễn giả. Theo sách Rhétorique à Herennius, diễn giả phải điều khiển tiếng nói của mình lúc trầm lúc bổng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhẹ nhàng êm dịu, lúc mạnh mẽ. Hãy nhớ đến câu chuyện của nhà hùng biện nổi tiếng Démosthène, đã vượt qua sự nói ngọng của mình, nhờ ngậm một hòn đá trong miệng và luyện tập diễn thuyết trước gầm thét của sóng biển. Kế đến, diễn giả cũng phải chú trong đến cách diễn đạt và bày tỏ thái độ qua khuôn mặt và cử chỉ thân thể và đôi tay. Hãy chú ý đến cách diễn văn của các nhà chính trị hùng biện. Họ giống như một kịch sĩ trên sân khấu, nhìn họ, cử tọa có thể bị thu hút vào những lý thuyết của họ. Nhưng để thực hiện được điều đó, các diễn giả phải soạn và nắm vững một giai đoạn khác mà các sách Tu từ học gọi là memoria.

Trí nhớ (mémoire-memoria): giai đoạn này có tên trong tiếng Hy lạp "mnèmè" là nghệ thuật để nhớ diễn văn đã soạn thảo của mình. Diễn giả không cầm giấy để đọc diễn văn như bây giờ, nên trong Tu từ hiện đại, họ thường bỏ quên giai đoạn này, vì cho là không cần thiết. Cicéron, lý thuyết gia thời La mã cổ đại cho kỹ năng đó là thiên phú; trong khi đó, Quintilien, người cùng thời với Cicéron, nghĩ rằng, diễn giả phải tập luyện dựa trên cấu trúc của diễn văn và các phương các tạo kỹ năng trí nhớ (mnémotechnique). Aristote không nhắc đến vấn đề này trong các tác phẩm về Tu từ học của ông. Phần này có lẽ được thêm vào sau đó trong Tu từ học. Tác phẩm Rhétorique à Herennius định nghĩa trí nhớ như kho tàng giữ các ý tuởng đã soạn thảo. Tác giả vô danh này phân ra làm hai loại trí nhớ: trí nhớ tự nhiên là một món quà thiên phú, và trí nhớ có được nhờ kỹ thuật tập luyện và kinh nghiệm Tu từ học của diễn giả. Diễn văn có hay cũng nhờ phần lớn vào khả năng diễn đạt của diễn giả. Như một kịch sĩ, diễn giả thuyết trình hay là nhờ thuộc và nắm rõ bản văn của mình.

Chùng ta vừa luợc qua phương pháp Tu từ học Hy lạp - La mã, tồn tại và sống lại trong nhiều môi trường hiện đại: văn hoá, nghệ thuật, xã hội, pháp lý, chính trị và tôn giáo. Vậy từ khi nào, người ta dựa vào phương pháp này để tìm hiểu các văn bản Kinh thánh, và đúng hơn là các thư của thánh Phaolô?

 

Chú thích:

[115] Đây cũng là một ý niệm văn chương khó dịch ra tiếng Việt Nam, tôi xin trích dẫn ra đây một đoản văn của tài liệu Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh : "3. Cách phân tích ký hiệu : Trong số các phương pháp được gọi là đồng thời gian (synchroniques), tức là những phương pháp tập trung vào việc nghiên cứu bản văn Kinh thánh như bản văn được đọc trong tình trạng chung kết, phải kể đến cách phân tích ký hiệu. Từ khoảng hai mươi năm nay, cách phân tích này đã được khai triển nhiều trong một số môi trường. Trước tiên, phương pháp này được gọi bằng một từ tổng quát là “duy cấu trúc”, coi nhà ngữ học người Thuỵ sĩ Ferdinand de Saussure là ông tổ. Đầu thế kỷ này, Ferdinand đã khai triển một lý thuyết cho rằng mỗi ngôn ngữ là một hệ thống những tương quan. hệ thống này tuân theo những qui luật nhất định. Nhiều nhà ngữ học và văn chương đã có một ảnh hưởng đáng kể trong quá trình chuyển biến của phương pháp này. Đa số các nhà Kinh thánh sử dụng phương pháp ký hiệu để nghiên cứu Kinh thánh lại cho Algirdas J. Greimas và Ecole de Paris mà ông là người sáng lập là đơn vị chủ xướng lý thuyết này. Những cách tiếp cận và những phương pháp tương tự, đặt căn bản trên khoa ngữ học hiện đại, được khai triển ở những chỗ khác. Ở đây chúng tôi xin trình bày và phân tích vắn tắt phương pháp của Greimas.  Phương pháp ký hiệu dựa trên ba nguyên tắc hoặc ba giả thuyết chính :  Nguyên tắc nội tại : Mỗi một bản văn tạo nên một toàn thể nghĩa. Phân tích là xem xét toàn thể bản văn, nhưng chỉ bản văn mà thôi, chứ không nại vào những dữ kiện “ngoại tại” như tác giả, độc giả, những biến cố được kể lại, lịch sử việc biên soạn. Nguyên tắc cấu trúc của ý nghĩa : Chỉ có ý nghĩa qua và trong mối tương quan, đặc biệt là tương quan dị biệt. Như thế, phân tích một bản văn là thiết lập hệ thống những tương quan (đối nghịch, chuẩn nhận...) giữa những yếu tố với nhau, khởi từ đó mà kiến tạo ý nghĩa của bản văn. Nguyên tắc ngữ pháp của bản văn : Mỗi bản văn liên quan đến một ngữ pháp, nghĩa là một số những qui luật hoặc cấu trúc nào đó. Trong một toàn bộ những câu được gọi là bài văn (discours), có những cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ lại có ngữ pháp riêng". NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 19/12/2014.

[116] Association Catholique Française pour l'Étude de la Bible.

[117] http://fr.wikipedia.org/wiki/Rh%C3%A9torique_s%C3%A9mitique ; tham khảo ngày 19/12/2014.

[118] Roland MENEY, "L’ANALYSE RHÉTORIQUE, Une nouvelle méthode pour comprendre la Bible", http://www.retoricabiblicaesemitica.org/Articolo/francese_080121.pdf, tham khảo ngày 19/12/2014.

[119] Roland MEYNET,  Lire la Bible, Paris, Flammarion, 2003.

[120] Chaïm PERELMAN, Lucie OLBRECHTS-TYTECA, Traité de l’argumentation,..., éditions  de l’Université de Bruxelles, 6ème éd., 2008.

[121] Tác giả này đã đưa ra cho chúng ta một giản đồ giao tiếp truyền thông có giá trị căn bản :

                                                   bối cảnh

Người phát biểu       (gởi, phát)      - thông tin -                            người nghe (tiếp nhận)

                                                  Kênh (phương tiện)

                                                   Mã

[122] Nhưng đối với Perelman, việc phận biệt các loại diễn văn này không quan trọng. Chúng ta phải phân biệt từ loại diễn văn Pháp lý, Biện luận hay Minh chứng không phải là những thể văn như tiểu thuyết, thi ca, hay kịch bản,... Nói đúng hơn, là các diễn văn này nhắm đến ba loại cử tọa khác nhau : thẩm phán, cộng đoàn, khán giả.

[123] Aristote gọi đó là những chứng cứ (preuves).

---Còn tiếp---

zalo
zalo