Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 68

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 11/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 11/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Tu từ học Hy lạp La mã và Kinh thánh

Sau các nghiên cứu của chuyên gia Kinh thánh G. A. KENNEDY[124], nhiều nhà chú giải trên thế giới bắt đầu chú ý đến phương pháp Tu từ học để chú giải các thư của thánh Phaolô. Các thư của ngài cho chúng ta thấy kỹ năng thuyết phục và minh chứng về sự thật thần học của ngài, nhất là hai lá thư bàn về sự công chính hóa không do lề luật và do chính Thiên Chúa qua con đường của Đức Kitô, con Thiên Chúa. Ở đây để nắm được việc áp dụng phương pháp này, chúng ta cho một ví dụ tổng quát cách đọc Thư gởi tín hữu Roma theo phương pháp Tu từ học.

Như chúng ta đã biết, thánh Phaolô đã thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu xung quanh vùng Địa Trung Hải, và để giữ liên lạc, ngài thường viết thư cho họ. Nhiều nhà chú giải cho rằng phải nghiên cứu thư của thánh Phaolô theo cách viết thư thời đó hơn là theo mô hình Tu từ học[125]. Thực ra, thánh Phaolô cũng theo các nguyên tắc viết thư vào thời đó, chẳng hạn, trong Thư gởi tín hữu Roma, ngài luôn tôn trọng cấu trúc của lá thư: phần mở đầu (giới thiệu và địa chỉ người nhận, adresse), Rm 1,1-7,  một lời chào kết thúc, phần này tiếng La tinh gọi là postscriptum Rm 15,33. Thánh Phaolô cũng viết một phân đoạn tạ ơn (Rm 1,8-15)[126]; ngài chia sẽ tin tức (Rm 15,17-32) và gởi lời chào hỏi đến những người quen biết (Rm 16). Lá thư của ngài luôn giữ một tâm tình huynh đệ với việc bày tỏ các ước muốn, những yêu cầu và khích lệ (Rm 12-15).

Tuy vậy, các nhà chú giải nhận ra rằng, thánh Phaolô cũng áp dụng kỹ năng diễn thuyết của Tu từ học Hy lạp - La mã, trong các phân đoạn khác nhau[127]. Từ thư gởi tín hữu Rôma đến thư cho Philêmôn, nội dung dài ngắn tuỳ theo độc giả và đề tài ngài đề cập. Trong hai thư gởi tín hữu Côrintô (Cr 1 et 2), có nhiều phân đoạn có tính cách diễn văn.

Hai lá thư quan trọng gởi tính hữu Galát và sau đó tín hữu La mã, với một chủ đề tương tự, chứa đựng những biện luận Tu từ học[128]. Hơn nữa chúng ta cũng biết rằng, khi thư của ngài đến cộng đoàn, người ta sẽ đọc to trước mặt các tín hữu như một diễn văn, chính ngài đã cho chúng ta biết điều này trong thư gởi tín hữu Thêxalônica: "Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu đọc thư này cho tất cả các anh em" (1 Th 5,5,27).

Các nhà chú giải hiện nay đã nghiên cứu các thư của thánh Phaolô theo phương pháp Tu từ học, nhất là Thư gởi tín hữu Roma. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều nghiên cứu được biết đến trong cuốn The Romans Debate: năm 1976, để trả lời cho Donfried và  Karris[129], Wilhelm Wuellner đề nghị nghiên cứu Thư gởi tín hữu Roma với Tu từ học cổ điển cũng như hiện đại (Perelman-Olbrechts-Tyteca). Ông Karris xem phân đoạn Rm 1,1-15 như là exordium, một mở đầu. Ông cũng biện luận rằng thư gởi tín hữu La mã là một loại diễn văn minh chứng[130]. Và sau đây là cấu trúc Tu từ học của lá thư theo nghiên cứu của Karris: Exordium (mở đầu), 1,1-15; Transitus (giao tiếp) 1,16-17; Confirmatio (luận cứ) 1,18-15,13; Peroratio (kết luận), 15,14-16,23. Năm 1986, đồng ý với những đề nghị của Wuellner và dựa trên nghiên cứu của Burgess[131], Robert Jewett  cho rằng Thư gởi tín hữu Roma như là một lá thư ngoại giao (an Ambassadorial Letter) thuộc loại minh chứng[132]. Năm 1991, Robert Jewett  trở lại với nghiên cứu của ông và đưa vào những từ mới liên quan đến các chứng cứ: Exordium - 1,1-12; Narratio - 1,13-15; Propositio: - 1,16-17; Probatio -1,18-15,13; Peroratio - 15,14-16,23. Ông thêm vào phân đoạn narratio và thay thế từ confirmatio bằng chữ probatio, một từ ngữ cổ điển mà theo ông chỉ định phần chính của diễn văn (luận đề). Còn chữ confirmatio, chính là các phân đoạn biện luận cho luận đề.[133]

Nhưng những ví dụ mà chúng ta vừa thấy, các chú giải đã quá theo sát phương pháp Tu từ học Hy lạp và La mã, rất kinh điển và cứng nhắc. Họ giới hạn các phân đoạn Tu từ học và tìm gán cho nó một trong ba thể loại Tu từ học như chúng ta đã nói trên đây: pháp lý (judiciaire), thảo luận (délibératif) và minh chứng (épidictique), và cuối cùng nghiên cứu dispositio bố cục của bản văn.  Từ thời cổ đại đến nay, chứng ta ai cũng vậy, tuy học hỏi những phương pháp cách thức kinh điển ở trường lớp, nhưng mỗi áp dụng thể hiện được tự do và sáng tạo của tác giả (văn chương, hội họa hay chính trị tôn giáo). 

Chúng ta biết con người tự do của thánh Phaolô, kỹ luật nhưng không gò bó. Khi viết thư cho các cộng đoàn, điều quan tâm của ngài là truyền đạt đức tin và sự gắn kết của ngài với Tin Mừng Đức Kitô. Chính vì lòng tin mạnh mẽ đó, mà ngài dùng tất cả tự do trong phương tiện cũng như trong tư tưởng để truyền đạt. Như thế, chúng ta phải hiểu rằng, tuy các bản văn của ngài thể hiện lối Tu từ học Hy lạp và La mã, nhưng ngài cũng không sử dụng các yếu tố này một cách cứng nhắc.

Để tránh những sai lầm đáng tiếc trong khi dùng lối tiếp cận Tu từ học để nghiên cứu các thư của thánh Phaolô, Aletti[134], giáo sư dòng Tên người Pháp, học ở Pháp, nhưng được mời dạy ở Học viện Kinh thánh Roma, cũng như nhà nghiên cứu Kinh thánh người Hoa kỳ Murphy O’Connor[135] nhấn mạnh về quan trọng của propositio, tức "luận đề" của diễn văn.

Thực vậy, Aristote, ông tổ của Tu từ học Hy lạp không đòi hỏi khác hơn là chú trọng đến hai phần chính, được tạm dịch như sau: "trong diễn văn có hai phần, vì cần thiết phải nói lên được chủ đề và minh chứng. Hệ quả là, không thể không minh chứng khi chủ đề đã được nêu ra, hoặc minh chứng trước khi chủ đề được trình bày;... Từ hai phần này, một là propositio (luận đề); một là confirmation (minh chứng), như thể là người ta phân biệt một mặt là đặt vấn đề, và mặt khác là chứng minh."[136]

Nói cách khác, trong Thư gởi tín hữu Roma, mỗi đơn vị biện chứng theo một luận đề đã được thánh Phaolô đưa ra (propositio). Và ngài phát triển những lý luận, xác định rõ tư tưởng của ngài, và giải thích các lời nói hay chỉnh huấn lại lý lẽ của ngài. Chẳng hạn, chúng ta có những biện chứng khác khau như khi thánh Phaolô đưa ra như những ví dụ Rm 7,1-4, những tam đoạn luận Rm 6,5-10 (enthymèmes), những nguyên tắc Rm 2,6. 11, hoặc các trích dẫn Kinh thánh Rm 3,10-18.

Vậy đâu là bố cục của Rm trong phương pháp phân tích Tu từ học? Các nhà chú giải hiện nay, đều đống ý rằng Rm 1,16-17 luận đề chính của lá thư.  Aletti đã đề nghị cho chúng ta một cấu trúc của Thư gởi tín hữu Roma như sau[137]:

Thư chỉ (Adresse) 1,1-7

Ngỏ lời (Exorde) 1,8-17,

dẫn đến luận đề chính (propositio) 1,16-17

I (A)     1,18-4,25: người Do thái hay Hy lạp, được công chính hóa chỉ bởi đức tin

 (B)      5-8: đời sống mới và niềm hy vọng của những người được công chính hóa

II          9-11: Ít-ra-en và các dân tộc (tương lai của Ítraen)

Huấn dụ (Exhortations) 12,1-15,13;

Đoạn kết (Péroraison) 15,14-21;

Tin tức và lời chào cuối 15,22-33 + 16,1-27

Trong Thư gởi tín hữu Roma, nhiều nhà chú giải phân vân việc phân đoạn giữa chương 4 và bước sang chương 5. Chương này đóng vai trò gì trong toàn bộ luận chứng của thư?[138]  Theo Aletti, các  chuẩn điểm từ ngữ cũng như thần học không đủ để xác định và giới hạn chương 5[139]; nhờ cấu trúc Tu từ học chúng ta mới có thể đi đến quyết định: Rm 5 không thể là đoạn kết (peroratio) của Rm 1,18-4,25, tạo thành một khối rõ rằng và vững chắc0], vì nó quá dài so với một kết luận và không chứa đựng những tóm tắt các chủ đề vừa nói và hơn nữa, có các luận đề phục trong phân đoạn này (sub-propositiones): Rm 5,20-21. luận đề phụ này được mở ngỏ bởi Rm 5,1-11 (transition et introduction), và Rm 5,12-19 (expositio, sygkrisis Adam/Christ) trình bày so sánh tương quan giũa Adam và Đức Kitô.[141]

Như thế theo cấu trúc Tu từ học này, luận đề chính propositio Rm 1,16-17 làm phát triển các luận chứng  trong phần Rm 1,18-15,13 (probatio). Tuy vậy, trong phần luận chứng này, chúng ta còn có nhiều luận đề điều khiển các đơn vị luận chứng tuân theo các nguyên tắc của phương pháp Tu từ học Hy lạp và La mã.

Tiếp cận xã hội học

Trong phân đoạn D, phần I, của tài liệu Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội[142], chúng ta thấy có đề cập đến ba lối đọc Kinh thánh dựa trên những phương pháp đến từ các môn khoa học nhân văn: tiếp cận theo xã hội học, theo khoa nhân học văn hóa (anthropologie culturelle), và theo khoa tâm lý và phân tâm.

Ở đây, chúng ta chỉ tìm lại lịch sử và phương pháp của môn xã hội học ở Âu châu và thử xem các nhà chú giải đã áp dụng nó như thế nào vào việc đọc các bản văn Kinh thánh. Chúng ta sẽ bỏ qua tiếp cận nhân học văn hóa, môn học chuyên khảo sát về con người trong môi trường và vị trí của họ trong xã hội, và tiếp cận tâm lý, nhưng sẽ cố gắng nói về phương pháp phân tâm, nghiên cứu con người theo khoa học chuyên khảo sát về những đặc tính trừu tượng: ý thức và vô thức.

Chúng ta có thể định nghĩa môn xã hội học như là một nhánh của khoa học nhân văn, chuyên tìm hiểu và giải thích con người dựa trên cung cách suy nghĩ và hành động của họ trong chiều kích xã hội (cách biểu hiện và cách cư xử). Người ta có thể nghiên cứu con người qua công việc, gia đình, liên hệ, giới tính, chính trị, tôn giáo của họ. Cũng như các môn học khác, chúng ta thấy có nhiều lý thuyết xã hội học khác nhau: ví dụ như trường phái individualisme méthodologique (phương pháp luận cá nhân) và structuralisme (cấu trúc luận)...

Các triết gia và sử gia thời cổ đã ý thức vần đề này từ lâu. Chúng ta có Xénophon (người Hy lạp, sinh năm 440, 426 hay 430 và chết khoảng năm 355 trước Đức Kitô) với tác phẩm Economique (Kinh tế)[143], Platon (428/427-348/347 trước Đức Kitô) với  Le PolitiqueLa République, Aristote (384-322 trước Đức Kitô) với la Rhétoriquela Poétique, ...

Trong thời hiện đại, phải kể đến Francis Bacon (1561-1626) (Novum organum, La grande restauration des sciences), La Métrie (Homme machine) Issac Newton (1643-1727)... Lý thuyết xã hội đầu tiên phát xuất từ bá tước Saint Simon (1760-1825) với Physiologie sociale. Auguste Compte triển khai các lý thuyết xã hội trong tác phẩm Le système de politique positive (1851-54). Alexis de Toqueville (1805-1859) cũng được xem như các tiền nhân của khoa xã hội học (L’Ancien régime de la révolution, De la démocratie en Amérique). Sau đó khoa học này càng phát triển với các cuộc cách mạng kỹ nghệ và xã hội tại Âu châu.

Ở Pháp, Emile Durkheim là người đầu tiên đạt nền tảng cho một phương pháp có tính cách khoa học để nghiên cứu xã hội. Tác phẩm Les règles de la méthode sociologique (1895) là tiếp nối cuốn De la division du travail social (1893), luận án tiến sĩ của ông. Người đồng thời với Durkheim, ở Đức, là Max Weber (1864-1920), cũng là một trong những cha đẻ nổi tiếng của khoa học này, theo ông mục đích của xã hội học là : "(...) tìm hiểu hoạt động xã hội bằng diễn giải và từ đó giải thích có tính cách nhân quả các diễn tiến  và hệ quả của nó. Phải hiểu chữ ‘hoạt động’ như là một thái độ cư xử con người (...) Khi và ít ra là nhân tố hay các nhân tố truyền đạt cho nó một ý nghĩa chủ quan. Và bằng hoạt động xã hội, hoạt động mà theo nghĩa nhắm đến của nhân tố hay các nhân tố, liên quan đến thái độ cư xử kẻ khác, và vì điều đó, định hướng cho diễn tiến của nhân tố."[144]

Và như chúng ta đã biết, nhất là những người còn sống trong chế độ cộng sản, Karl Marx có một ảnh hưởng sâu đậm trong tư tưởng và phê phán xã hội.

Các điểm chính của tiếp cận nghiên cứu xã hội

Theo Emile Durkheim, để trở thành một môn học có tính cách khoa học, xã hội học phải tuân theo hai điểu kiện sau đây:

a) Nó là một đối tượng nghiên cứu riêng biệt, và để có tính cách hợp pháp, người ta phải phân biệt được nó với các môn học khác như triết học hay tâm lý học. Xã hội học là môn nghiên cứu dữ kiện xã hội (ví dụ, các trào lưu xã hội, tính dục, giáo dục, dân di trú, công việc, sinh viên, quân đội, miền quê hay tỉnh thành,...)

b) Phải có được một phương pháp với tính cách khoa học, khách quan, và nghiêm túc để nghiên cứu, gần giống như các môn khoa học chính xác, và cố gắng bỏ ra ngoài những gì có thể, những thiên kiến, chủ quan, cái nhìn hạn hẹp và đóng khung, hoặc những kinh nghiệm bình thường hay thô thiển (chẳng hạn, những công cụ mà người ta hay dùng như, bảng câu hỏi điều tra, thăm dò, quan sát trực tiếp hoặc gián tiếp, phỏng vấn, đàm thoại, chuyện kể, phân tích nhóm, phân tích nội dung, phân tích thống kê, phân tích các hệ thống giao lưu, diễn giải, nghiên cứu hành vi, tác động...  Người ta có thể nghiên cứu dựa trên số lượng, phẫm lượng hoặc cả hai.

Kinh thánh theo nhãn quan tiếp cận xã hội

Phải hiểu rằng, không một ai viết ra những quy trình chú giải một bản văn Kinh thánh theo tiếp cận xã hội; nhưng chỉ có những người muôn áp dụng những kiến thức khoa học của môn xã hội học để nghiên cứu hay đọc bản văn Kinh thánh. Chẳng hạn, nữ tu Lydie GOYENETCHE, đã đọc chân dung người đàn bà Esther trong bản tiếng Do thái (texte massorétique) theo phân tích xã hội.[145]

Trong lời dẫn nhập, Lydie xác định lý do chọn sách Esther và phương pháp để đọc nó: sách này có hai văn bản khác nhau, văn bản tiếng Do thái và văn bản tiếng Hy lạp (bản 70), bà chọn đọc theo tiếp cận xã hội vì nghĩ rằng hiện nay, chúng ta ít biết về phong tục tập quán những người Do thái trong bối cảnh văn hóa thời đó giữa thế kỷ thứ III và thứ II trước Đức Kitô.

Tiếp đến là cấu trúc của bài viết của nữ tu Lydie:

ESTHER: một vài  chuẩn điểm Kinh thánh

Esther và lịch sử trong Kinh thánh

Những chứng tích lịch sử và địa lý                       

Điểm chuẩn lịch sử

Điểm chuẩn xã hội

Esther: chân dung một người đàn bà

Sự chọn lựa của Esther

Một bản ngã chấp nhận: từ "tôi" đến "chúng ta"

Esther và ông Vua: từ vương quốc tới chủ nghĩa cứu độ

Và trong kết luận, nữ tu Lydie viết: "Đọc lịch sử Esther theo tiếp cận xã hội giúp chúng ta hiểu rõ hơn con người của Esther. Nếu không có lối phân tích như thế, người ta có thể diễn giải sai lạc việc mà người đàn bà này dấu hai lần nguồn gốc của mình, cũng như các do dự của bàn ta.

Với Esther, chúng ta hiểu rằng văn hóa và thành viên của một dân tộc không dựa trên những phong tục bên ngoài, nhưng đó làm nên một thân thể với dân tộc trong thử thách.

Cuối cùng Esther chỉ cho chúng ta thấy rõ biết bao là sức mạnh không được công nhận trong việc thống trị kẻ khác nhưng trong thử thách tin tưởng và quan hệ vô giá."

Chúng ta cũng có thể chọn phương pháp này để đọc bản văn Mt 25,14-30 liên quan đến công việc trần thế,  hoặc Mt 6,19-36 để hiểu về vật chất (Karl Marx và Engel), hoặc Mt 20,20-28 liên quan đến vấn đề lãnh đạo.

 

Chú thích:

[124] KENNEDY, The Art of Persuasion, 1963 ; "The Rhetoric of Advocacy", tr. 419-436 ; The Art of Rhetoric, 1972 ; Greek Rhetoric, 1983 ; New Testament Interpretation, 1984.

[125] DOTY, Letters, 1973 ; WHITE, "New Testament Epistolary Literature", 1984 ; AUNE, "Romans", 1991, tr. 278-296.

[126] MURPHY-O’CONNOR, Paul et l’art épistolaire, tr. 94.

[127] Trong The Romans Debate, (DONFRIED [éd]), nhiều nghiên cứu được làm trong viễn cảnh thư tín : STIREWALT (tr. l147-171), AUNE (tr. 278-296).

[128] ALETTI, "Paul et la Rhétorique", tr. 38.

[129] DONFRIED, "False Presuppositions", tr.  102-125 ; KARRIS, "Romans 14:1-15:13", tr. 65-84.

[130] WUELLNER, "Paul’s rhetoric", tr. 133-134.

[131] BURGESS, "Epideictic Literature", tr.  89-261.

[132] JEWETT, "Following", tr.  266.

[133] JEWETT, "Following", tr.  272-273.

[134] ALETTI, Comment Dieu est-il juste ?, tr.  34.

[135] MURPHY O’CONNOR, Paul et l’art épistolaire, tr.  126.

[136] "il n’y a dans le discours que deux parties, car il est nécessaire de dire quel est le sujet, et le démontrer. Il est, par conséquent, impossible, une fois qu’on l’a exposé, de ne pas le démontrer, ou de le démontrer sans l’avoir préalablement exposé ;... De ces deux parties, l’une est la proposition ; l’autre, la confirmation, tout comme si l’on distinguait d’une part le problème, d’autre part la démonstration" ARISTOTE, Rhétorique, III, 13, 1414a, 31-36.

[137] ALETTI, Israël et la Loi, tr.  32.

[138] Les exégètes se divisent sur la place de Rm 5 : 1) Rm 5,1-21 là đoạn kết của phân đoạn Rm 1-5 ; 2) Rm 5,1-21 khởi đầu một phân đoạn (Rm 5-8) ; 3) Rm 5,1-11 kết Rm 1-4 và Rm 5,12-21 mở Rm 6-8. ALETTI, "La présence d’un modèle rhétorique", tr.  17.

[139] ALETTI, Comment Dieu est-il juste ? tr.  38-49.

[140] ALETTI, "Rm 1,18-3,20", tr.  47-62.

[141] ALETTI, Israël et la Loi, tr.  15-28.

[142] L’interprétation de la Bible dans l’Eglise, document de la Commission Biblique Pontificale, 1993, chuyễn dịch bởi NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5/01/2015.

[143] Bản văn tiếng Hy lạp và bản dịch tiếng Pháp bởi Pierre Chantraine, Les Belles Lettres, 1949.

[144] "(…) comprendre par interprétation l'activité sociale et par là d'expliquer causalement son déroulement et ses effets. Nous entendons par "activité" un comportement humain (…) quand et pour autant que l'agent ou les agents lui communiquent un sens subjectif. Et par activité "sociale", l'activité qui, d'après son sens visé par l'agent ou les agents se rapporte au comportement d'autrui, par rapport auquel, s'oriente son déroulement." - Économie et société, Plon, 1971, tr.  4.

[145] Sr Lydie GOYENETCHE, Les femmes bibliques, Esther un chemin pour nous esther.pdf, tham khảo ngày 05/01/2015.

[145] "La lecture sociologique de l’histoire d’Esther nous aide finalement à mieux comprendre la personne d’Esther. Sans une telle analyse on aurait pu interpréter de travers le fait qu’elle cache à deux reprises ses, Fraternité du Carmel Saint Joseph, 10 décembre 2011. http://www.carmelitesdesaintjoseph.com/aventure/esther.pdf, tham khảo ngày 05/01/2015.

[146] "La lecture sociologique de l’histoire d’Esther nous aide finalement à mieux comprendre la personne d’Esther. Sans une telle analyse on aurait pu interpréter de travers le fait qu’elle cache à deux reprises ses origines, mais aussi ses hésitations.

Avec Esther nous comprenons que la culture et l’appartenance à un peuple ne repose pas sur des coutumes extérieures, mais sur un faire corps avec dans l’épreuve.

Enfin Esther nous montre combien la force ne s’affirme pas dans la domination de l’autre mais dans le risque de la confiance et de la gratuité de la relation."

 

---Còn tiếp---

zalo
zalo