Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 61

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 12/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 12/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Tiếp cận Kinh thánh với khoa phân tâm học

Phân tâm học

Khi muốn đọc một bản văn Kinh thánh dưới lăng kính của khoa Phân tâm học, chúng ta phải hiểu nguồn gốc và cơ bản của khoa này.

Theo lịch sử, Sigmund Freud[147], người Đức, gốc Do thái, - khi áp dụng phương pháp gọi là "cure carthatique" hay còn gọi là phương pháp "carthatique", (tẩy, thanh lọc), phát triển bởi bác sĩ Joseph Brauer người Áo, - phương pháp làm mất đi những rào cản tâm lý và ý thức của bệnh nhân qua việc thôi miên để đánh thức dậy những thương tổn tâm hồn chôn dấu trong tiềm thức, những thương tổn này nhân các rối loạn tâm thần hay thể xác của bệnh nhân, và tạo ra việc buông thả cảm xúc để giải phóng bệnh nhân, phương pháp xử dụng chính yếu lời nói và ngôn ngữ của bệnh nhân - đã khám phá ra vô thức và từ đó phát triển ra phương pháp phân tâm để chăm sóc các bệnh tâm thần, điển hình là bệnh kích động cuồng trí (hystérique).

Phân tâm học quan tâm đến việc giải thích những hành vi hay ý nghĩ trong ngôn từ tâm thần (psychique):

- Một ý tưởng hay một hành vi không ngẫu nhiên; các việc xảy ra này có một ý nghĩa liên hệ đến những gì trước đó. Phân tích hay khai thác vô thức (inconscient) cho phép đưa ra ánh sáng vấn đề. Có những hành động xem như "không cố ý", "không mạch lạc",  "phi lý"  ví dụ như những giấc mơ, việc nói lộn (lapsus), hành vi thiếu sót (acte manqué) hoặc những triệu chứng bệnh không do bởi thể lý, chẳng hạn như bệnh nổi cuồng (hystérie).

- Như thế, những hành động hay ngôn từ xem như sai lạc, nhưng thực sự là những hành động có nguyên do đến từ vô thức. Phân tâm học có thể hiểu và giải thích được diễn đạt của vô thức. Mặc dù những sự việc đó luôn ở trong vô thức, khoa phân tâm bố trí những kỹ thuật và một lý thuyết hầu mong thông hiểu các hệ luận vô thức và giúp người chịu đau khổ giải quyết được các vấn đề tâm thần của họ. Khoa phân tâm học đã trở nên một lĩnh vực rộng lớn dựa trên việc khai thác vô thức với sự cộng tác tự do của người "bệnh", làm xuất hiện những đè nén hay ức chế trong vô thức.

- Theo định nghĩa của Freud, phân tâm học là một quá trình điều tra những tiến trình tâm linh, khó nắm bắt; cũng là cách xử lý các chứng loạn thần (troubles névrotiques) hay tâm thần dựa trên phương pháp vừa nói trên (cure psychanalytique), cũng gọi là một chuỗi khái niệm có màu sắc tâm linh, đạt được nhờ phương pháp điều tra vô thức và hoà nhập với một môn học mới gọi là "siêu tâm học" (métapsychologie). Trong hai tác phẩm Topiques của ông, Topique thứ nhất được viết trong những năm 1895 đến 1905 và cuốn thứ hai từ 1929 đến 1938. Freud phát triển và thay đổi một vài yếu tố của khoa phân tâm.

- Theo Freud, con người có một vô thức tâm linh, một tưởng và một ý chí tiềm ẩn, và khác với những tư tưởng và ý chí của ý thức. Trong cuốn sách Cinq leçons sur la psychanalyse (5 bài học về phân tâm) Freud cho rằng bệnh cuồng trí là hậu quả của việc không thể đè nén hoàn toàn một khát vọng không chịu được, đã hiện ra ở ý thức bàng những biểu hiện thay thế, gọi là "triệu chứng", giữ lại những ảnh hưởng bất ổn liên quan đến ước ao bị loại khỏi ý thức. Để diễn giải phân tâm, chúng ta có thể đạt ra nhiều câu hỏi sau đây: Cái gì là bản chất của các khát khao bị vứt bỏ ngoài ý thức? Đâu là bản chất của việc đè nén? Làm thế nào để dám nói mình biết những gì tự bản chất "không thể biết"?

- Trong cuốn Topique thứ nhất, Freud nói đến "thúc năng" (pulsion) là một thành phần năng động của bộ máy tâm lý. Tác giả phân biệt "thúc năng tính dục" và "thúc năng tự tồn" (đói khát). Thôi thúc là một cơ chế giả định rằng tâm lý bị kích thích bởi nhiều tác nhân kích thích mà nguồn gốc ở nơi thân xác và biểu hiện qua tâm lý.  Trong cuốn Pulsion et destins des pulsions, Freud định nghĩa pulsion với 4 yếu tố chính sau đây: 1) nguồn, kích thích thân xác đến từ đâu? Từ bộ phận nào của thân thể?, 2) Thúc đẩy, thúc năng tạo ra một căng thẳng kéo dài, nó luôn năng động, 3) Mục đích: Thúc năng muốn đạt được thỏa mãn, dưới nhiều cách khác nhau, 4) Đối vật, chính từ nơi thúc năng muốn thỏa mãn mục đích. Hệ quả là "thúc năng" có bốn đích điểm: 1) đảo vấn đề ngược lại, ví dụ như tình yêu biến thành hận thù; 2) quay chống lại chính mình, những gì bị ném bỏ ra ngoài trở lại "cái tôi" của chủ thể; 3) dồn nén, hiện trạng liên quan đến "thúc năng" trở thành vô thức; 4) thăng hoa (sublimation), vượt qua biểu chứng (symptôme) trong một đòi hỏi có thể được thỏa mãn.

Năm 1920, trong cuốn Topique thứ hai, để giải thích các câu hỏi phát xuất trong các việc chữa bệnh, Freud định nghĩa "nơi chốn" thứ hai của phân tâm: 1) Cái gọi là "le ça" Siêu ngã, vượt ngoài giới hạn bó buộc thực tại, trụ cột "thức năng" vô thức của nhân tính, 2) "le Moi", Ngã, trách nhiệm và chịu đựng các thực tại bản thể, 3) "le Surmoi", Vượt Ngã, ghi vào nội tâm những cấm đoán. Freud dẫn vào hay ý niệm tương phản của "thúc năng" (pulsion): thúc năng của sự chết (pulsion de mort) và thúc năng của sự sống (pulsion de vie). Thúc năng sự sống bao gồm thúc năng tính dục và tự tồn, trong kkhi đó thúc năng sự chết biểu hiện qua khuynh hướng bẫm sinh muốn giảm nhẹ căng thẳng, muốn lập lại, và muốn chết. Freud nêu tên ba hiện tượng sau đây: névrose, psychose, và perversion.

- Névrose, có thể dịch là "chứng loạn thần", xuất phát từ xung đột giữa Siêu ngã (le ça) và Ngã (le moi), nghĩa là giữa thái độ muốn thỏa mãn thúc năng và thái độ xem thường thực tại, và dồn nén vào vô thức, và gây ra hệ quả là những sự xung đột tâm lý và những biểu chứng kéo theo. Phân tâm học nhắm đến việc giải thích bất khả thỏa mãn thúc năng trong thực tế, và bệnh học hiện ra như là một thỏa hiệp qua các biểu chứng. Theo Freud, ba giải pháp có thể xảy ra: 1) loại bỏ căn bệnh bằng suy nghĩ, bệnh nhân đối đầu và thắng vượt yếu đuối, ném bỏ những gì là hệ quả của thời thơ bé của bản Ngã; 2) những thúc năng tìm lại con đường bình thường của sự phát triển; 3) thăng hoa, theo Freud đó là con đường tốt nhất, cho phép cá nhân đó đầu tư năng lượng tình dục hoặc bạo lực vào trong những hoạt động không tính dục hoặc không bạo lực.

Freud cũng phân biệt các loại cuồng trí: hystérie (cuồng), névrose obsessionnelle (ám ảnh), névrose phobie (lo lắng sợ hải). Tác giả giải thích những névrose này bắt đầu bằng mặc cảm Oedipe.[148]

- Psychose (rối loạn tâm thần), khác với névrose đã nói trên, chứng sự xung đột tranh chấp giữa Siêu ngã và Ngã (le ça le moi), Psychose, theo Freud, cái Ngã xung đột với thế giới bên ngoài, xung đột được diễn dịch ra bằng các hiện tượng "ảo giác" (hallucinations) và "mê sảng" (délires), nói cách khác là mất đi ý thức thực tại. 

- Perversion (trụy lạc), là hệ lụy giữa ý niệm "tính dục thơ ấu" và những tiến triển của nó.

Có nhiều bàn cãi và đóng góp vào phân tâm học đến sau Freud, nhưng mục đích của chúng ta là không đi sâu vào nghiên cứ tâm bệnh học theo Freud. Một đóng góp quan trọng đáng chú ý trong ngành phân tâm đến từ Jacques Lacan[149], người Pháp.

Ông đã cải cách các học thuyết phân tâm của Freud áp dụng nghiên cứu từ ngôn ngữ học để làm sáng tỏ thêm cấu trúc tâm linh của Freud, đề nghị một cấu trúc khác nhằm miêu tả bộ máy tâm trí con người: Thực (réel)(ý thức về thực tại), khác với ý thức nội tâm), Tưởng (imaginaire)(hình ảnh,...), Biểu tượng (symbolique). Ý nghĩa (sens) là tương giao giữa tưởng  và biểu tượng, hay là một sự sắp xếp các hình tượng tưởng tượng theo một trật tự nhất định sao cho nó mang một ý nghĩa.
Sự rối loạn của các hình tượng là một trong những nguyên căn của các dấu hiệu bệnh lý. Cái ý nghĩa tiếp xúc trực tiếp với cái Thực: đó là cách mà con người tiếp cận đến cái Thực khó hiểu, ngoài tầm với. Ví dụ: các tôn giáo cho cái chết một ý nghĩa nào đó. Các ngành khoa học chính xác hay lĩnh vực y khoa đào sâu nghiên cứu, đưa ra những giả thiết để tìm hiểu thế giới tự nhiên, vũ trụ, thân thể. Khi cái Thực di chuyển tự do, vòng Ảo và Biểu tượng đứt rời nhau, cái ý nghĩa bị biến mất. Nơi Thực giao với Biểu tượng được gọi là Khoái lạc phallic (jouissance phallique). Nơi Tưởng và Thực giao nhau, Lacan gọi đó là Khoái lạc Khác (jouissance Autre).[150]

                                                          Nơ Boroméên

Tiếp cận Phân tâm học và Kinh thánh

Có người tự hỏi môn này có liên quan gì đến vấn đề diễn giải Kinh thánh, mà sao chúng ta phải biết đến? Tài liệu chính thức của Giáo hội[151] đã chính thức nhắc đến như một tiếp cận mới trong việc tìm hiểu ý nghĩa Kinh thánh. Một số người Kitô hữu ở Âu châu đã dùng công cụ này như một phương pháp để đọc Kinh thánh. Bài viết "Bible et psychanalyse. Quelques éléments de réflexion"[152] của tác giả Ellian Cuvillier, giáo sư Học viện thần học Tin lành ở Montpellier, cho chúng ta một vài yếu tố để suy nghĩ và nhận định về lý thuyết tiếp cận phân tâm dùng để đọc các bản văn Kinh thánh.

- Trước tiên, theo tác giả, thử nghiệm lý thuyết đọc Kinh thánh với Phân tâm học này, không là một "công cụ" thông thường như các phương pháp khác. Vì tiếp cận này hàm chứa một chiều kích có tính cách chủ quan trực thuộc vào hệ ý tưởng liên quan đến "sự thật", chứ không phải là hệ thống tương quan đến "kiến thức". Trong phần thứ nhất, Ellian Cuvillier bắt đầu bằng việc suy nghĩ về các điều kiện cơ bản để có thể "lắng nghe theo phân tâm học" các bản văn Kinh thánh. Và trong phần kế tiếp, tác giả cố gắng, qua các ví dụ cụ thể, chỉ dẫn ra các chủ đề hay lĩnh vực mà chúng ta có thể áp dụng phương pháp này, một cách khớp nối với chú giải.

Điều kiện cơ bản

Chúng ta nên nhắc lại ở đây: phân tâm học là cách lối chữa bệnh qua việc lắng nghe diễn dạt của một người đang đau khổ vì các triệu chứng tâm bệnh, với một bác sĩ phân tâm. Khoa phân tâm học đặt niềm tin vào các yếu tố cơ bản sau đây: 1) mối tương quan của con người và nguồn gốc của họ, 2) hiện tượng đè nén là nguyên nhân phát sinh mối liên hệ phức tạp giữa ý thức và vô thức, 3) ngôn ngữ con người có một cấu trúc liên quan đến vô thức, 4) hiệu quả việc chữa trị lệ thuộc vào sự tự nguyện nối kết các "ý diễn" trong quá trình chữa bệnh.

- Như thế khi áp dụng tiếp cận phân tâm vào Kinh thánh, chúng ta phải lắng nghe các bản văn như người bác sĩ phân tâm đối với bệnh nhân của họ, có nghĩa là chúng ta phải có cùng một niềm tin và dụng các kỹ thuật lắng nghe của khoa học này. Chúng ta không đọc bản văn, nhưng lắng nghe bản văn. Không có điều gì trong bản văn được coi là ngẫu nhiên cả, chúng ta chú ý đến các chuyển dịch có ý nghĩa, những tình cảm, nơi chốn, từ ngữ, lối cách diễn đạt,...

- Nhà chú giải cố gắng đạt tâm trí mình vào việc lắng nghe từng chi tiết của bản văn, nghe những ý nghĩa thoát ra ngoài ý nghĩa thông thường của nó. Họ vận dụng tất cả kinh nghiệm, kiến thức và tập trung của mình để chú ý đến các yếu tố vô thức làm biến đổi một cách vô tình bản văn, các lapsus calami, đa nghĩa của các từ (signifiants, diễn ý), các diễn đạt mơ hồ không rõ ràng hay khó khăn về văn phạm, tỏ lộ ra yếu tố kháng lại hay ước muốn của vô thức. Lắng nghe phân tâm học các bản văn cho phép nhà chú giải hiểu ra được một vài yếu tố đặc biệt của bản văn. Đi lên thượng nguồn, nhà chú giải, với phương pháp phân tâm, thấy được những gì quyết đoán tiền sử của bản văn, vô thức của việc sáng tạo bản văn. Đi xuống hạ nguồn, nhà chú giải nhận ra các yếu tố "trước mắt", hoặc trong trục "ý định" của bản văn.

- Người lắng nghe các bản văn Kinh thánh theo phân tâm học phải có kinh nghiệm thấu đáo về việc lắng nghe phân tâm. Nói một cách khác, người đã trải nghiệm qua quá trình phân tâm. Các nhà phân tâm, trước khi được công nhận là bác sĩ phân tâm bởi trường phái của họ (của Freud hoặc Lacan ở Pháp) đã có kinh nghiệm nhiều năm như một bệnh nhân diễn đạt với một bác sĩ phân tâm.

- Nói tóm lại, tiếp cận phân tâm áp dụng vào việc diễn giải Kinh thánh cho phép chúng ta biết cái gì đã cấu thành bản văn từ nguốn gốc, và những gì các bản văn đưa ra đằng trước mà "chính nó cũng không biết", những gì bản văn muốn nói. Vì phương pháp này được nhắc đến trong tài liệu của Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh, nên chúng ta cố gắng lược qua để biết, nhưng việc áp dụng đòi hỏi nhiều yếu tố khác mà chúng ta khó có thể đạt được (có).

Một vài bản văn có thể được áp dụng diễn giải theo lối phân tâm học.

- Lapsus calami: Dina và các anh em của cô ta (Gn 34).

- Kháng cự của bản văn: Chúa Giêsu và dân ngoại (Mt 8,5-13; Mt 15,21-28).

- Tiếp cận Phân tâm và các bản văn theo lối tường thuật huyền thoại: Vườn địa đàng.

- Tiếp cận phân tâm với các bản văn có tính cách lịch sử: Mt 4,21.

- Tiếp cận phân tâm với các diễn văn thư tín: Gc 1, 16-25.

- Tiếp cận phân tâm với việc diễn giải tôn giáo Kinh thánh: Mt 4,1-11.

- Tiếp cận phân tâm với việc diễn giải các tường thuật phép lạ: Mt 1,18-25.

Kết luận chương  3

Một quãng đường thật dài vừa đi qua, chúng ta có thể kết luận chương sách này với ba điểm đáng nhớ.

1) Ngày nay, Giáo hội đã có nhiều kinh nghiệm và biết dùng nhiều phương pháp đến từ kiến thức khoa học trong ước muốn tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa. Những phương pháp này tuy rất khác nhau, về bản chất cũng như lối cách, nhưng vẫn bổ túc cho nhau trong việc kiếm tìm chân lý và  ý nghĩa của lời Thiên Chúa để nuôi sống đức tin những người Kitô hữu. Một vài phương pháp được cho là thích hợp với chú giải Kinh thánh hơn là một số khác. Vấn đề này luôn là là những đề tài tranh cãi tùy theo trường phái văn hóa khác nhau.

Tài liệu Việc giải Kinh thánh trong Giáo hội, của Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh, xếp phương pháp sử quan lên hàng đầu và gọi các công cụ khác bằng danh từ Tiếp Cận và Phân Tích. Nhưng Giáo hội đã mở ra một con đường thật rộng khi chấp nhận hầu hết các phương pháp đến từ các khoa học nhân văn, xã hội, tâm lý và lịch sử của con người. Điều này cũng nói lên được rằng Thánh Linh không chỉ tác động trong lĩnh vực riêng biệt Kitô giáo nhưng Ngài cũng có mặt mọi nơi chốn hoạt động nhân loại. Việc kết hợp và sử dụng các phương pháp bổ túc cho nhau trong việc dẫn giải Kinh thánh là môt việc làm có ý nghĩa và giúp con người thoát ra khỏi giới hạn của lý trí con người.

2) Khi nói công cụ, là nói đến việc hiểu biết một cách thông thạo bản chất và cách sử dụng công cụ đó. Như chúng ta đã thấy, mỗi phương pháp, là một đại diện cho một khoa học của con người mà chúng ta cần vận dụng trí óc và thời gian để học biết công cụ đó. Vì thế, có những nhà chú giải chỉ chuyên tâm vào một phương pháp, và không muốn mạo hiễm vào một thế giới "công cụ" khác mà mình không nắm vững. Vả lại, có những công cụ đối nghịch với nhau, chẳng hạn như phương pháp phê phán sử quan thì dựa trên những phân tích có tích cách "lịch đại", có nghĩa là đi tìm bản văn và ý nghĩa thật của tác giả trong lịch sử, và phương pháp nghiên cứu theo lối thuật chuyện thì phân tích bản văn theo tính cách "đồng đại", có nghĩa là chấp nhận bản văn như nó đã có trước mắt của chúng ta ngày hôm nay. Nhưng các tác giả cũng đang cố gắng thuần hóa các công cụ khác nhau này trong một mục đích duy nhất là nhận ra thánh ý Thiên Chúa nói với chúng ta ngày hôm nay. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng cũng có những công cụ không được xem cùng một cấp độ sử dụng như các công cụ khác, công cụ đó dấn thân con người chúng ta vào lĩnh vực sự thật, như tiếp cận phân tâm. Khi không có kinh nghiệm trong khoa phân tâm học, chúng ta cũng không thể sử dụng nó.

Một phương pháp khác mà Giáo hội thường lên án, như phương pháp "nệ cổ". Việc đọc lời Thiên Chúa theo cách này rất nguy hiểm, vì lấy nghĩa đen của lời xưa áp dụng trực tiếp cho hôm nay: nhiều giáo phái Kitô giáo cứ loan báo  hằng năm và xác định ngày tận thế. Và ngược lại, cũng có những phương pháp duy lý, bác bỏ tất cả những gì thoát khỏi kiểm chứng khoa học và suy luận của lý trí.

3) Cuối cùng, công cụ cũng chỉ là những phương tiện. Lão Tử có nói: "Theo tay ta chỉ thì ngươi sẽ thấy trăng, theo lời ta nói thì ngươi sẽ thấy đạo, nhưng tay ta không phải là trăng, lời ta không phải là đạo."

Ẩn dụ tay chỉ trăng thật thú vị, vì công cụ có khoa học và phức tạp đến mấy cũng chỉ là công cụ. Điều mà chúng ta muốn và cũng là điều mà Thiên Chúa muốn cho là chính Thánh ý của Ngài. Người chú giải không nên bị dụ dỗ và quyến rũ bởi tinh tế của các khí cụ, nhưng luôn hướng tâm mình đi tìm chính yếu. Mặt khác, vì lời Thiên Chúa bao hàm ý nghĩa tự do tuyệt đối của Ngài, lời đó sẽ dẫn đưa tâm trí chúng ta thoát khỏi hạn hẹp và cố chấp của con người. Như trường hợp thánh Phaolô, các nhà chú giải luôn tranh cãi về phương pháp ngài dùng, nhưng thật ra, với đức tin và sự nối kết với Đức Kitô, ngài rất tự do khi dùng các tất cả các phương tiện ngôn ngữ và văn chương mà ngài đã học và đã biết với mục đích là làm nổi bật sự thật của Thiên Chúa. Thánh Augustinô nói: "aime et fais ce que tu veux", có nghĩa là "hãy yêu, rồi làm tất cả những gì bạn muốn". Chính mầu nhiệm tình yêu làm cho chúng ta hiểu được thánh ý.

Chú thích:

[147] Sigmund FREUD, http://fr.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud, tham khảo ngày 26/03/2015.

[148] Trong thần thoại Hy lạp, Oedipus là con trai của nhà vua Laius và  hoàng hậu Jocasta thành Thebes. Từ trước khi chàng ra đời, có một lời sấm cho rằng chàng là người sẽ giết vua cha và cưới mẹ chàng. Vì vậy, Laius lo sợ và ông đã bàn với hoàng hậu là phải giết Oedipus do sợ chàng sẽ giết cha, cưới mẹ. Cuối cùng, Oedipus lại được giấu đi, và được một người khác nuôi. Khi chàng lớn lên, lúc đó xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì nó xé xác. Vua Laius nghe tin, ông đi tới trả lời câu hỏi của nó, ở đây Oedipus gặp Laius, họ tranh cãi về hướng đi rồi Oedipus giết Laius mà không biết đó là cha của mình, và Creon, anh hoàng hậu Jocasta lên ngôi. Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: "Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân." Oedipus liền nói: "Đó là con người". Con nhân sư biết mình đã thua, nó đổ xuống bức tường mà chết. Về hoàng hậu Jocasta nhờ mang chiếc vòng thanh xuân nên vẫn giữ lại được sự trẻ trung và nhan sắc của mình. Sau đó Oedipus đã gặp và cưới Jocasta mà không hay biết đó là mẹ chàng rồi lên ngôi vua Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà chàng không hay biết.

Ngày kia, có một hầu cận già của vua Laius đã cho biết Oedipus là kẻ giết vua cha, ông đau khổ, khi đó hoàng hậu Jocasta tự tử. Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu mà chọc đui mù mắt ông và bỏ đi. Oedipus sống trong sự đau khổ đến khi ông chết.

Sigmun Freud mượn huyền thoại Hy lạp Oedipus để giải thích căn tính của các triệu chứng phân tâm học. Khi còn trẻ thơ, đứa bé gắn bó với mẹ, và không muốn ai chiếm đoạt mẹ mình, đứa trẻ trai xem người cha như đối thủ của mình. Introduction à la psychanalyse, trad. fr., Paris, Payot, 1966, tr.  190-191.

[149] Jacques LACAN, http://fr.wikipedia.org/wiki/Jacques_Lacan, tham khảo ngày 26/03/2015.

[150] Philippe JULIEN, Pour lire Jacques Lacan : le retour à Freud, Essai, Paris, Seuil, 1995.

[151] L’interprétation de la Bible dans l’Eglise, document de la Commission Biblique Pontificale, 1993, chuyễn dịch bởi NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5/01/2015.

[152] Etudes Théologiques et Religieuses, Tome 82, 2007/2, tr. 159-177.

---Còn tiếp---

zalo
zalo