Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 61

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 13/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 13/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

4. Học hỏi Kinh thánh

Trong chương thứ nhất, chúng ta trình bày một ít về lịch sử. Chương thứ hai đã đề cập đến vấn đề ý nghĩa. Con cái của Ngài, những người đã tin theo Ngài, hay ngay cả những người đang còn tìm hiểu về Ngài, luôn đi tìm cho mình ý nghĩa lời Thiên Chúa. Khi nói đến tìm kiếm, chúng ta nói đến các phương tiện và công cụ, đó cũng chính là đề tài của chương thứ ba mà chúng ta vừa bàn tới.

Nhưng vẫn còn có những câu hỏi thích đáng khác. Với sự cổ võ của Giáo hội Công giáo ngày nay, tôi muốn đọc và tìm hiểu sâu xa hơn về Kinh thánh, một bộ sách bao gồm nhiều tác phẩm, tôi phải bắt đầu như thế nào, và làm sao để sử dụng đứng đắn các công cụ trợ giúp?

Những người khác, các sinh viên thần học hay những người nhận lãnh hay dấn thân vào các công việc mục vụ hay giáo lý, cũng cần biết phải nghiên cứu và soạn thảo các luận văn kết quả của việc đọc và nghiên cứu Kinh thánh, họ cũng tự hỏi phải làm thế nào, phải chọn làm sao các bản văn Kinh thánh và những công cụ phương pháp nào?

Và hơn thế nữa, có những người có bổn phận giảng dạy lời Thiên Chúa, họ đã từng học biết một cách nào đó các lối cách nghiên cứu một bản văn Kinh thánh, nhưng họ cũng luôn mong muốn tìm học thêm, vì kiến thức trong lĩnh vực này thì phong phú và vô tận. Trong chương bốn này, chúng ta cố gắng trả lời một cách nào đó cho các câu hỏi vừa nêu. Và dĩ nhiên, đó cũng chỉ là những đề nghị theo tính cách chủ quan, chứ không phải là những lý thuyết nến tảng có tính cách phổ quát khách quan. Ai cũng có thể tạo cho mình một con đường học hỏi Kinh thánh.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng đọc các bản văn Kinh thánh không có nghĩa là dùng các phương pháp phân tích như một công thức nấu ăn để có được bữa ăn ngon miệng. Kinh thánh đáng được tôn trọng như chính lời nói ra từ môi miệng Thiên Chúa. Ngài muốn con người hiểu được Thánh ý của Ngài, muốn nhân loại nhận ra tình yêu và con đường của Ngài, và mời gọi họ bước vào các giao ước loan báo trong Kinh thánh.

Nghiên cứu Kinh thánh đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn là khi nghe hoặc đọc một vài đoạn văn của Tin Mừng, cầu nguyện với một vài Thánh vịnh. Những người học hỏi Kinh thánh luôn nhớ rằng lời thiêng như đoản kiếm sắc bén đã nói trong thư Êphêsô "hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,17) và thư gửi tín hữu Do thái: "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người." (Dt 4:12). Như thế, việc mài sắc kiến thức Kinh thánh sẽ giúp chúng ta tiếp cận hơn với Thiên Chúa và dẫn dắt chúng ta trên con đường sống đức tin Kitô hữu.

Chúng tôi muốn giúp những người yêu mến đọc Kinh thánh, dù học viên hay giảng viên, đọc, đào sâu, và suy nghĩ và trao đổi nhận thức cùng nhau trên các bản văn Kinh thánh. Chúng ta đã biết qua một vài công cụ phương pháp, nhưng ở đây, trong chương này, là một trong những con đường hay những bước đi cụ thể để đến và lắng nghe lời Thiên Chúa. Chúng tôi đã chọn những bước đi theo lối quy nạp để đi đến những kết luận và những áp dụng cho chính mình. Lối đi này ngược với cách thức suy diễn (déductive), bắt đầu bằng một ý tưởng hay một câu hỏi và sau đó tìm kiếm các biện chứng trong các bản văn. Phương pháp suy diễn này thường được dùng trong các bài giảng và suy niệm.

Đọc Kinh thánh như một người tín hữu yêu mến Lời Thiên Chúa bao gồm việc  chuẩn bị khởi đầu cho việc học Lời Ngài. Chúng ta không thể đến với Lời Ngài khi thiếu kính trọng và yêu mến. Sự kính trọng và yêu mến được bày tỏ qua việc  chuẩn bị nghiêm túc tâm hồn, tài liệu và lòng khiêm tốn. Vì đọc hay học hỏi Kinh thánh là một cầu nguyện.

Nghiên cứu các bản văn Kinh thánh đòi hỏi nhiều cố gắng hơn để diễn giải đúng đắn lời thiêng. Trên quãng đường này, chúng ta có thể gọi đó là diễn giải Kinh thánh. Ba quá trình quan trọng được diễn tả qua ba cụm từ sau đây: tìm hiểu bản văn, nắm bắt chủ đề chính yếu, áp dụng hay cập nhật hóa. Trong giai đoạn này, chúng ta đi tìm các ý nghĩa lời của Thiên Chúa.  Bản văn nói gì? Ý nghĩa thần học như thế nào? Ngài muốn nói gì qua các bản văn này cho chúng ta ngày hôm nay?

Giảng dạy có lẽ là phần quan trọng và khó khăn nhất, vì những gì ta đọc đã trở nên sống động và phải nuôi sống chúng ta và để chúng ta có thể  truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của mình cho các anh em khác.

Giảng viên Kinh thánh đón nhận những câu hỏi và góp ý của các học viên. Học viên đón nhận một cách năng động trong tinh thần lắng nghe, suy nghĩ và bày tỏ ý kiến.

Khi đọc và học hỏi Kinh thánh, giảng viên chắc chắn đã soạn thảo trên giấy mực, thì khi học hỏi, học viên cũng phải trải qua những thử thách này trong việc ghi diễn tả lại ý nghĩ của mình trên giấy viết. Viết là một quá trình thách đố của sự thật, vì khi viết ra được chúng ta mới biết được đâu là những gì mình đã nắm bắt được.

Đọc Kinh thánh

Nơi chốn và thời gian

Lời Thiên Chúa đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa, gần sự linh thánh. Do đó, việc đầu tiên mà chúng ta phải làm, là chọn một nơi và một giờ trong tuần, hoặc trong tháng để đọc và học hỏi Kinh thánh. Kế đến, hãy  chuẩn bị một chương trình và một lịch trình để xác định rõ những gì mình sẽ làm với Kinh thánh.

Ai cũng tưởng việc này là bình thường, nhưng khi chúng ta tìm kiếm và xác định được nơi chốn làm việc và trung thành với ngày giờ đã chọn, việc đó nói lên niềm xác tín, lòng yêu mến, và sự kính trọng đối với Kinh thánh. Chúng ta không đọc Kinh thánh vì bắt buộc hay vì bổn phận phải soạn thảo một bài dạy hay làm một bài giảng, nhưng những người có nhiệm vụ làm các công việc này, phải cố gắng tạo thói quen gặp gỡ với lời Thiên Chúa. Như thế chúng ta mới có thể nhận ra rằng chính lời đó nuôi chúng ta sống, và khi chia sẻ với các anh em khác, lời đó mới thực sự có ý nghĩa. Nếu một linh mục chỉ giảng những lời mình ghi nhận vì bổn phận và máy móc, hoặc một giảng viên Kinh thánh chỉ dạy những gì nghiên cứu qua sách vở, thì những lời giảng dạy đó trở nên vô bổ và thiếu tinh thần thiêng liêng, đôi khi đó cũng là dấu chỉ không tôn trọng lời Thiên Chúa.

Như chúng ta đã có nói trên đạy, đọc Kinh thánh chính là cầu nguyện. Hoặc nói một cách khác hơn, những ai nghiên cứu Kinh thánh cũng phải tự đặt mình vào trạng thái cầu nguyện. Vì chúng ta đang ở trước nhan thánh Chúa.

Hãy kêu cầu Thánh Thần Thiên Chúa đến giúp chúng ta như Ngài đã linh hứng các tác giả trước đây. Tự hạ mình khiêm tốn, để cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho tâm trí mình đi vào nhiệm ý thiêng liêng, để hiểu lời của Ngài. Và nên khắc ghi lời nguyện cầu của Đức Kitô: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại Mặc khải cho những người bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.’’ (Mt 11,25-26)

Như thế, ngay cả những nhà nghiên cứu và chú giải Kinh thánh, là những người biết nhiều ngôn ngữ và hiểu biết nhiều môn khoa học nhân văn có liên quan đến Kinh thánh, họ cũng cần có tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện xin Thánh Thần giúp họ hiểu biết.

Khi không muốn đọc tìm hiểu Kinh thánh một mình, cũng rất hay khi chúng ta tìm kiếm những người yêu mến Kinh thánh để cùng nhau tìm hiểu Lời Thiên Chúa. Lời Ngài là quà tặng cho mọi người, nhưng không phải ai cũng tiếp cận dễ dàng và hiểu được. Chúng ta nếu có thể nên nhờ đến sự trợ giúp của một hướng dẫn có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này. Hơn nữa, ngoài vấn đề sư phạm học hỏi, một nhóm nghiên cứu là một nơi lý tưởng để chia sẻ, nâng đỡ, và hỗ trợ cho nhau trong đức tin và trong tình huynh đệ. “Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô. Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu" Cv 11,25-26.

Tư liệu cơ bản

Cuốn sách đầu tiên mà chúng ta phải có là cuốn Kinh thánh. Chúng ta cũng có thể gặp trường hợp các học viên, khi phải làm một bài viết về Kinh thánh, đã không cố gắng, đọc trực tiếp bản văn nhiều lần để suy nghĩ, và trong khi đó, họ đọc những tác phẩm nói về bản văn hay sách thánh đó. Một sai lầm nghiêm trọng từ phương pháp đến tinh thần tu đức!

Tuy chúng ta có rất nhiều tác phẩm rất hay, chú giải chi tiết từng câu trong Kinh thánh, nhưng các sách bàn về Kinh thánh không thể thay thế được lời Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải đọc trực tiếp lời của Thiên Chúa, các tư liệu khác là những "công cụ", tuy được soạn thảo bởi các chuyên gia uyên bác, nhưng chỉ được sử dụng trong những lúc ta cần đến, và chúng sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ một vài vấn đề  khoa học, văn chương hay lịch sử liên quan đến Kinh thánh. Một người Kitô hữu trưởng thành trong đức tin phải biết đánh giá đúng giá trị  của những tư liệu trợ giúp này, và loại bỏ ra ngoài những tư liệu chi phối hoặc ngăn cản Thần khí Thiên Chúa đến giúp chúng ta hiểu biết thánh ý Thiên Chúa.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều bản dịch Kinh thánh để học hỏi và nghiên cứu. Chúng ta hiện nay có Kinh thánh của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế và một vài ấn bản của Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ, dịch từ các bản văn Hy lạp và Do thái. Nếu được, chúng ta cũng nên có, sách Kinh thánh bằng tiếng Do thái và Tân ước bằng tiếng Hy lạp (Nouveau Testament interlinéaire grec-français, Maurice Carrez, 1993) hoặc trên mạng internet (www.sefarim.fr, toàn bộ Kinh thánh Do thái, được các giáo sĩ Do thái dịch qua tiếng Anh và Pháp, và được diễn giải bởi Rachi). Trong tiếng Pháp, người ta thường đọc bản Bible de Jérusalem  hay bản TOB (traduction oecuménique de la Bible, bản dịch Đại kết). Trong Giáo hội Tin lành, có ba văn bản Anh ngữ rất gần với các bản gốc: la New American Standard Bible (NASB), la Holman Christian Standard Bible (HCSB) et New King James Version (NKJV)(bản dịch tiếng Pháp: la Bible du roi Jacques).

- Một "concordance biblique", tạm dịch là "tự điển từ ngữ tương ứng Kinh thánh"  - chính là tự điển liệt kê các từ Kinh thánh, trong đó, chúng ta sẽ đọc được nghĩa thứ nhất của chữ, nguồn gốc của chữ, và các đoạn văn Kinh thánh đã dùng những từ ngữ đó. Nếu đọc được Anh ngữ, chúng ta nên có một trong hai cuốn sách sau đây: "l’Exhaustive Concordance" của Strong[153] hoặc "Analytical Concordance" của Young. [154]

- Một cuốn tự điển Kinh thánh. Các tự điển Kinh thánh giải thích cho chúng ta các từ ngữ trong bối cảnh của chúng[155].  Trong đó, có những bài viết cho chúng ta biết các nơi chốn, các dân tộc, tiền bạc, các đơn vị đo lường của thời đó được nói đến trong Kinh thánh. Ngày nay, chúng ta có thể đọc tham khảo được các tự điển này ở mạng internet, nhưng với điều kiện là chúng ta phải truy tầm được nguồn gốc và sự nghiêm túc khoa học của chúng.

- Các sách dẫn nhập về Kinh thánh. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ Pháp, chúng ta có "Introduction à l’Ancien Testament", ấn hành bởi Thomas Römer, Jean Daniel Macchi et Christophe Nihan, Labor et Fides, 2005.

- Một vài cuốn sách "commentaires", tức là sách chú giải về một đoạn văn hay một cuốn sách Kinh thánh. Các sách này có rất nhiều, ở các nước Tây Phương, và nhất là trong các thư viện của những đại học Thiên Chúa giáo.

- Một cuốn sách nói về lịch sử dân Thiên Chúa, về Do thái giáo và những lễ lạc và phụng vụ của họ.

- Các nguyệt san hoặc định kỳ chuyên về các đề tài Kinh thánh, như Cahier Evangile, trong tiếng Pháp.

- Một cuốn vở, để ghi chép lại những tìm kiếm và suy nghĩ (đến) từ việc đọc Kinh thánh.

Lựa chọn

Trong các đại chủng viện, chương trình  học Kinh thánh được trải dài qua 6 hay 7 năm học. Trong chu kỳ thường gọi là triết học, chủng sinh bắt đầu với các các sách căn bản của Cựu ước, Ngũ thư, Ngôn sứ, và Tin Mừng Nhất Lãm, khi bước qua chu kỳ thần học, họ học Sách Khôn ngoan, Thánh vịnh, rồi đến sách Công vụ Tông đồ, các thư thánh Phaolô, Tin Mừng theo thánh Gioan, sách Khải Huyền,...

Đối với người Kitô hữu, nên bắt đầu bằng Tân ước. Vì khi đọc Tân ước chúng ta cũng phải tham khảo sách Cựu ước, như đã nói, chính Cực ước đã chứa đựng mặc khải mầu nhiệm cứu độ, và Tân ước sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu Cựu ước và ngược lại. Chúng ta có thể bắt đầu bằng Tin Mừng Nhất Lãm. Hoặc chúng ta đọc lần lượt trước tiên là Tin Mừng theo thánh Maccô, kế đến Matthêô, và thánh Luca, hoặc chúng ta đọc cả ba cùng một lúc và chọn những đoạn văn hay những phần quan trọng trong ba Tin Mừng này.

Sau đó, chúng ta có thể đọc sách Công vụ Tông đồ, Tin Mừng theo thánh Gioan, sách Khải huyền, và cuối cùng là các thư của các Tông đồ.

Đối với Cựu ước, trước khi thiết lập cho riêng mình quá trình đọc và nghiên cứu, chúng ta có thể đọc các sách theo thứ tự của thư quy Công giáo hoặc theo những nhóm sách được xếp vào cùng một phạm trù văn loại.

Chú thích:

[153] James STRONG, The New Strong's Expanded Exhaustive Concordance of the Bible, Hardcover, 2010.

[154] Robert YOUNG, Young's Analytical Concordance to the Bible, Hendrickson Publishers, Hardcover, 2011.

[155] Xavier LÉON-DUFOUR, Dictionnaire du Nouveau Testament, Paris, Seuil, 2010.

---Còn tiếp---

zalo
zalo