Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 57

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 15/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 15/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

4. Học hỏi Kinh thánh

Ngôn ngữ Kinh thánh

Ai cũng biết, Kinh thánh không được viết trong ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, đa số các bản văn Cựu ước được soạn thảo trong ngôn ngữ Hêbrơ (tiếng Do thái cổ). Vua David, Salomon, hay ngay cả ngôn sứ Edêkien đã nói và viết trong ngôn ngữ này, ngôn ngữ của dân Thiên Chúa cho đến thời kỳ lưu đày bên Babylon vào năm 586 trước Đức Kitô. Trong lưu đày, dân Do thái bắt đầu từ bỏ dần dần ngôn ngữ ông bà để nói tiếng Aram (Araméen), một tiếng nói gần giống tiếng Hêbrơ, nhưng có nguồn gốc từ xứ (sở) Syria, ngày xưa gọi là xứ Aram. Tiếng Aram được truyền tải bởi các người lưu đày và thương lái trong toàn lãnh địa Trung Đông. Đến thế kỷ thứ V trước kỷ nguyên chúng ta, tiếng Aram đã trở thành ngôn ngữ hành chánh trong đế quốc Ba Tư. Một vài sách Kinh thánh Cựu ước được viết trong tiếng Aram.

Kể từ khi Trung Đông lọt vào tay đại đế Alexandre (356-323), tiếng Hy lạp đã trở thành ngôn ngữ thông dụng trong toàn lãnh địa. Các tỉnh thành và đô thị cai quản bởi các tướng lãnh Hy lạp. Do đó, ngôn ngữ này thay thế tiếng Aram trong thương mại và hành chánh. Nhưng tiếng Hy lạp sử dụng thời này khá đơn giản và bình dân so với ngôn ngữ văn chương cổ điển Hy lạp. Triết gia Platon đã gọi nó là koinê, ngôn ngữ chung. Các tác giả sách Tân ước viết bằng ngôn ngữ này.

Vào thời đó, các thợ thủ công, các thương (lái buôn) gia, có lẽ thương lượng giá cả và công việc của họ trong ngôn ngữ Hy lạp, nhưng dầu vậy, tiếng Aram vẫn còn phổ biến trong giới bình dân. Đức Giêsu Kitô và các môn đệ của Ngài nói tiếng Aram. Trong Tân ước, chúng ta một vài câu nói của Đức Giêsu Kitô trong tiếng Aram: "Êli, Êli, lêmasabácthani" (Mt 27,46).

Trong Tân ước, chúng ta thấy xuất hiện một vài từ La tinh[159], được viết trên bảng nhỏ gắn trên thập giá Đức Kitô "Đây là vua người Do thái" . Nhưng đó chỉ là ngôn ngữ hành chánh và luật pháp của đế quốc La mã, có lẽ rất ít dân chúng biết nói tiếng La Tinh. Đức Giêsu Kitô, vì Ngài là con của Thánh thợ mộc Giuse, sống trên một tuyến đường qua lại quan trọng, có lẽ Ngài cũng có thể nói được tiếng Hy lạp (vì Ngài không cần thông dịch viên khi Ngài ở trong vụ kiện), và tiếng Hêbrơ (tiếng Do thái cổ), vì nhiều lần Ngài vào trong hội đường Do thái và đọc Kinh thánh trước cộng đoàn cầu nguyện.

Ngữ nghĩa [160]

Việc nghiên cứu  từ ngữ là một bước cần thiết trong quá trình diễn giải Kinh thánh. Khi nói đến nghiên cứu, chúng ta phải từ bỏ hẳn thói quen xấu, thiếu nghiêm túc về trí thức, là dùng dụng cụ dịch thuật của các tự điển kỹ thuật số trên mạng Internet, chẳng hạn như google, có nghĩa là chúng ta lấy một chữ được dịch ra và cho đó là đúng mà không cố gắng làm một phê bình và phán đoán trên ngữ nghĩa đó.  Chúng ta lười biếng và không cố gắng tìm xem những chữ mà tác giả đã dùng có ý nghĩa gì vào thời kỳ đó và đã tiến triển trong ngữ nghĩa như thế nào qua nhiều thế kỷ. Nếu đọc vội vàng nhiều lúc chúng lại hiểu ngược lại những gì mà tác giả muốn nói qua từ ngữ đó.

Sau đây là năm yếu tố cơ bản trong việc nghiên cứu ngữ nghĩa:

a) nghiên cứu ngữ nghĩa bắt đầu bằng việc tìm hiểu và quan sát một từ ở trong nhiều cấp độ khác nhau, và nhất là cố gắng suy xét và biện luận để hiểu các ý nhị của từ đó và ý nghĩa xác thực của nó trong bối cảnh bản văn.

- Trước tiên, từ ngữ được xem xét trong bối cảnh trực tiếp, bối cảnh đó là câu văn, đoạn văn, mạch văn. Đây là một chú ý quan trọng của ngành ngôn ngữ học. Vì nếu một chữ có nhiều nghĩa, muốn xác định nghĩa đó, chỉ trông cậy vào bối cảnh trực tiếp của bản văn.

- Nghiên cứu ngữ nguyên học (étymologie), tức là xem xét ý nghĩa gốc của từ ngữ, và tiến trình phát triển của nó, cũng rất hay, nhưng chúng ta phải nắm vững nguyên tắc vừa nêu trên của ngôn ngữ học. Vì khi tìm thấy ngữ nghĩa gốc, chúng ta có khuynh hướng cho đó là nghĩa đúng trong mọi trường hợp.

- Chúng ta không dừng lại ở hai điểm trên, nhưng còn phải tiếp tục phân tích từ đó đưọc xử dụng như thế nào trong cùng một cuốn sách, cùng một tác giả, và so sánh với cách sách và các tác giả khác. Trong việc này, chúng ta cần dùng đến tự điển "từ ngữ tương liên" (concordance).

b) nghiên cứu ngữ nghĩa vận dụng khả năng phân tích và phán đoán để xác định rõ ý nghĩa, ví dụ khi ta đọc chữ "ézèr kenègedô", nói về bà Evà trong sách Sáng thế, nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ (CGKPV) dịch như sau: "Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Cũng như nhóm CGKPV, hầu hết các bản dịch chọn ý niệm trợ giúp ẩn chứa ý nghĩa đẳng cấp, kẻ trên người dưới. Nhưng khi làm một nghiên cứu ngữ nghĩa, chúng ta thấy từ ézèr có hai nghĩa thực sự sau đây:

- Từ ngữ diễn tả một hợp tác với một người yếu sức. Và từ này thường có nghĩa là "nâng đỡ, cứu giúp, cứu độ". Hơn nữa, trong hầu hết các xử dụng trong Cựu ước, từ ngữ áp dụng cho Thiên Chúa.

- Khi nó là động từ, từ ngữ có nghĩa là giao tiếp bằng lời nói, thông báo, thuật chuyện. Thể động từ ézèr trong câu này (St 2,18) có nghĩa là đối diện, hữu thể ngôi lời.

Như thế khi suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta thấy là người đàn bà được dựng nên không hẳn ở trong vai trò trợ tá như đa số các bản dịch thường hiểu, nhưng trước tiên và sâu thẳm, họ là người đồng loại, đồng đẳng, hỗ tương, người đối diện biết nói mà Ađam cần có để hoàn thiện và phát triển.

c) Nghiên cứu ngữ nghĩa giúp ta tránh lạc nghĩa. Chẳng hạn khi các tác giả Kinh thánh nói dùng chữ "quả tim" của một ai đó trong Kinh thánh, từ đó không có nghĩa tình cảm như chúng ta hiểu ngày hôm nay: "xé nát con tim, hay trái tim ngục tù", nhưng nó có nghĩa thật sự là "ý chí, trí nhớ, óc não". Như thế ta sẽ hiểu tại sao bản dịch tiếng Việt không dùng chữ "trái tim" như trong nguyên bản mà thay thế bằng ý niệm "lòng dạ": "Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà" (Mt 15,19) hoặc "Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2,19). Nghiên cứu ngữ nghĩa cho phép chúng ta định được tổng thể những ý nghĩa có thể có nơi một từ. Trong Đn 7,13-14, ngôn sứ dùng lối nói "Con Người" (fils de l’homme) để chỉ Đấng Thiên sai. Như thế, khi thánh Gioan dùng lối nói này trong Tin Mừng của ngài, chúng ta phải hiểu ngài muốn diễn tả thiên tính của Đức Kitô, chứ không phải là nhân tính của Ngài. Ngược lại, lối nói "Con của các thần thánh" (fil de dieux) để chỉ các hoàng tử phàm trần.

d) Nghiên cứu ngữ nghĩa cũng liên quan đến việc chú ý đến các lối diễn đạt riêng biệt của ngôn ngữ đó, và không có ở ngôn ngữ khác. Chúng ta sẽ thấy trong Kinh thánh có những cụm từ rất Do thái (hébraisme), ví dụ như khi một cô gái nói "tôi có đường đi đàn bà", có nghĩa họ đang có kinh nguyệt, rất Hy lạp (hellénisme) như "ceignez les reins de votre entendement", mà bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã chọn một diễn dịch rất khác: "anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức"  (1 Pr 1,13), thực sự có nghĩa là "hãy sẵn sàng phục vụ". Và chúng ta cũng không quên quan tâm đến các lối chơi chữ, châm biếm, trào phúng,...

e) Khi nới đến nghiên cứu từ ngữ, cũng phải nhắc đến những dấu chỉ và cấu trúc văn phạm: các thì của động từ, các dấu chấm, phẩy,...

Người Việt ít chú đến thời gian trong câu nói, họ chỉ nêu lên dữ kiện như đang xảy ra, nhưng các ngôn ngữ Tây phương, các thì quá khứ, hiện tại, hay tương lai, diễn đạt một ý nghĩa rất khác nhau. Trong văn phạm tiếng Do thái, nghiên cứu động từ cho phép trả lời được nhiều câu hỏi quan trọng. Tiếng Do thái không phân biệt (như ngôn ngữ Hy lạp) quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Động từ của ngôn ngữ Do thái dùng để chỉ trạng thái của sự việc: một trạng thái hoàn thành (accomplie) hay một trạng thái chưa hoàn thành (inaccomplie). Khi dịch thuật, trạng thái chưa hoàn thành có thể dùng khi thì tương lai, khi thì quá khứ, hay hiện tại. Như thế, khi hành động chưa hoàn thành hay chưa xảy ra, không hàm chứa mệnh lệnh.

Chẳng hạn, trong St 3,16: "Với người đàn bà, Chúa phán: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi". Trong bản gốc Do thái, các động từ của câu này ở trạng thái chưa hoàn thành (inaccomplie), nên câu nói không thể hiểu trong mệnh lệnh cách. Thiên Chúa không nguyền rủa hay chúc dữ cho con người dù họ phạm tội, Ngài chỉ tiên báo để ngăn ngừa và cảnh cáo.

Chúng ta cũng nên biết rằng, những chấm phẩy, đặt số câu và phân đoạn do những người đọc và nghiên cứu sau này. Các bản thảo gốc không chấm câu cũng không xuống hàng. Vì thế, khi đọc Kinh thánh, dời chỗ một dấu chấm hay một dấu phẩy làm thay đổi ý nghĩa.

Chẳng hạn, trong Ga 1,3: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành." Ở đây, chúng ta lại thấy có một diễn dịch muốn đơn giản hóa ý nghĩa - Không gì được tạo dựng không có Ngài, những gì đã được tạo dựng có sự sống trong Ngài.

Hoặc:

- Không có những gì được tạo dựng đã được làm không có Ngài; trong Ngài là sự sống.

Và nếu chúng ta đọc Kinh thánh trong ngôn ngữ nguyên thủy, chúng ta sẽ gặp nhiều trường hợp tương tự.

Bối cảnh văn hóa, xã hội, chính trị, và lịch sử

 Sách Kinh thánh, cũng như các tác phẩm khác của con người, được soạn thảo và viết trong một môi trường xã hội, văn hoá, chính trị và tôn giáo rất khác với đất nước con người và xã hội của Việt Nam, tuy chúng ta cũng như Đức Kitô đều là người Á châu. Chúng ta cũng có lẽ cảm thấy xa lạ khi nghe đến những từ ngữ như tộc trưởng, chế độ đa thê, các hy tế trên đồi cao hay trong đền thánh, hoặc những lễ lạc hội hè tôn giáo như lễ lều, yom Kippour (ngày đại xá), và các đồng drachme, đơn vị tiền tệ thời đó của dân Thiên Chúa.

Trong Kinh thánh, nhất là Cựu ước cũng chính là sách lịch sử Do thái, chúng ta đi vào một chiều dày lịch sử trải dài qua nhiều thế hệ dân tộc, các vương quốc, đế quốc, những nền văn minh lớn, khác biệt và phong phú như Ba tư (Perses), Babylon, Ai cập, Sirya, Hy lạp và La mã.

Như thế, muốn hiểu rõ ý nghĩa Kinh thánh, chúng ta được mời gọi và làm quen với đất nước và dân tộc Thiên Chúa. Công việc này cũng nói lên được tình yêu của chúng ta dành cho lời của Thiên Chúa. Học biết những dữ kiện văn hóa và lịch sử này cũng giống như học một ngôn ngữ ngoại quốc, cần có lòng yêu mến, tôn trọng và nhiều cố gắng.

Việc đầu tiên là chúng ta cần biết là địa lý và lịch sử. Chúng ta không thể đọc và hiểu những sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia hay của Edêkiên nếu trước mắt chúng ta không hiện ra tấm bản đồ của miền Cận Đông thời cổ và hiểu biết về các dân tộc hay bộ tộc Nếu chúng ta mở Kinh thánh, mà xem thường việc học hỏi lịch sử và văn hóa này, chúng ta sẽ chạm trán và sẽ có những nhận thức sai trái về lời của Thiên Chúa. Văn hóa là sự kết tụ, diễn đạt và tổng hợp của con người thể hiện qua lời nói, văn chương, phong tục tập quán và nghi lễ tôn giáo liên quan đến cuộc sống thường ngày. Học biết những dữ kiện này được nói đến trong Kinh thánh như Assyria, Mô áp, hoặc Ê đôm.

Hiểu biết môi trường sống Kinh thánh mang lại cho chúng ta nhiều lợi điểm và tránh những diễn giải sai lạc Kinh thánh.

- Soi sáng cho chúng ta về những thực tại nhắc đến trong các bản văn Kinh thánh, và đưa trí óc chúng ta ra khỏi u tối và thiển cận khi thiếu hiểu biết.

Chẳng hạn, trong đoạn văn: "Bà Ra khen và Lêa trả lời ông rằng: ‘Nào chúng tôi còn được chung phần và hưởng cơ nghiệp trong nhà cha chúng tôi nữa đâu? Chúng tôi chẳng bị cha coi là người xa lạ đó sao? Vì cha đã bán chúng tôi đi, lại còn nuốt ngon tiền bạc của chúng tôi. Vâng, tất cả tài sản Thiên Chúa đã lấy của cha chúng tôi thì thuộc về chúng ta và con cái chúng ta. Giờ đây mọi điều Thiên Chúa đã phán với ông, ông cứ làm’" (St  31,14-16).

Muốn hiểu thông suốt đoạn văn này, chúng ta cần biết tục lệ trao của hồi môn trong phong tục và lề luật Do thái (tục này cũng có trong nhiều dân tộc khác, với những tập quán cá biệt). Cha của cô dâu tương lai không giữ trọn của hồi môn được trao bởi nhà trai qua tay chàng rể tương lai, và sau đó ông cho lại con gái mình một phần hay trọn vẹn lúc đám cưới. Của hồi môn được trao cho cha của cô dâu, nhưng thực ra là để dành cho cô dâu trong lúc gặp hoạn nạn, chẳng hạn như chồng mất, không có gì để sống. Chính vì lý do này mà hai cô Ra khen và Lêa đã trách cha mình là ông La bân, đã không tuân thủ theo phong tục và lề luật truyền thống và đã nuốt trọn của hồi môn trao bởi Gia cóp. Như thế, các cô này sẽ không còn gì khi lâm hoạn nạn.

- Chúng ta có một diễn giải tinh tế và thông minh hơn.

Chẳng hạn, trong các bản văn Mt 25,14-30 và Lc 19,12-27, dụ ngôn những yến bạc (talents), nếu không biết về tiền bạc và kinh tế thời đó làm sao hình dung được sự quảng đại to lớn và sự tín cẩn của Thiên Chúa đối với con người?

Một ví dụ khác, trong phép lạ làm sống lại ông Lazarô (Ga 11,1-46), chúng ta sẽ không hiểu tại sao Đức Kitô phải chờ đến bốn ngày mới đi đến Betania để cứu sống ông Lazarô. Vì trong phong tục dân Do thái, phải chờ ba ngày mới xác định được người đó chết thật.

- Giúp chúng ta tránh sai lạc ngược nghĩa.

Chẳng hạn khi đọc "Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa" (Lc 18,25), có nhiều giải thích sai lầm (để lên cả trên mạng Internet) cho rằng lỗ kim là tên gọi của một cửa thành Giêrusalem, quá nhỏ và thấp đến nỗi lạc đà khó mà chui qua lọt. Nhưng trên thực tế, đến bây giờ chẳng một chuyên gia khảo cổ nào đã chứng minh được tên gọi đó. Chỉ là một suy đoán theo trí tuệ. Nhưng nếu chúng ta biết cách nói ngoa ngữ của văn hóa bình dân và ca dao khôn ngoan thời đó, lối nói ngoa ngữ này có tác dụng làm rõ hơn sự thật khó nắm bắt của Thiên Chúa. Có những chuyện mà con người nghĩ không tới, vì một phần sự thật là người bám theo sự giàu sang và của cải thì làm sao đến với kho tàng nước trời, nhưng theo tình yêu và lòng tin cậy của Thiên Chúa, thì tất cả đểu có thể xảy ra. Vả lại, Đức Kitô cũng đã nói sau đó: "Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa" (Lc 18,27, hoặc 1,37).

Như đã nhắc đến nhiều lần, Cựu ước là lịch sử dân Thiên Chúa, vì thế khi đọc các bản văn Kinh thánh chúng ta nên tìm lồng nó vào trong bối cảnh lịch sử thực thụ. Chúng ta sẽ không nắm bắt rõ những câu chuyện của các vị phán quan, chiến thắng Đavít chống lại Gôliát hay sự khôn ngoan của Salomon, nếu thiếu hiểu biết về lịch sử của đất nước này.

Trong Tân ước, nhiều nhân vật có liên quan trực tiếp đến lịch sử như hoàng đế Cêza, vua Hêrôdê, quan toàn quyền La mã Philatô,...

Nếu chúng ta hiểu được các chế độ phong kiến thời đó, chúng ta sẽ hiểu tinh tế hơn về các bài giảng của Đức Kitô về cung điện Thiên Chúa, về vương quốc nước Trời,...

Khao khảo cổ học cũng góp phần vào việc xác định một vài điểm liên quan đến lịch sử. Với những xác định đó, chúng ta có thể biết đúng hơn về bản văn gốc và tại sao trong truyền thống, một vài yếu tố bị sửa đổi.

Trong lời chào của thánh Phaolô trong thư ngài gởi cho tín hữu Roma, có tên của một người phụ nữ, Junia, đã sửa thành Junias sau này: "Xin gởi lời chào Anđrônicô và Giunia, đồng bào của tôi cùng là bạn tù của tôi, họ là những người trổi trang trong hàng các Tông đồ, và đã thuộc về Ðức Kitô trước tôi" (Rm 16,7). Bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã chọn đúng với tên Giunia, tên một người phụ nữ. Nhờ việc khám phá ra những tờ hợp đồng về đám cưới và những biên nhận buôn bán thời La mã, người ta nhận ra rằng không bao giờ có tên giống đực Junias như một vài bản thảo đã có. Vào thời đó, tên Junia, tên của đàn bà con gái khá phổ biến. Trong các ban viết của các thánh giáo phụ, (chẳng hạn như thánh Chrysostome, thế kỷ thứ IV), vẫn còn giữ tên Junia. Nhưng khi đến thế kỷ XIII, vì thấy có tên một người phụ nữ được thánh Phaolô gọi là Tông đồ, không hợp với quan điểm Giáo hội thời đó, nên họ đã sửa thành ông Junias.

Nói tóm lại, bỏ thời gian để tìm kiếm sách vở nói về các bối cảnh văn hóa, xã hội và lịch sử có liên quan đến Kinh thánh không những là điều kiện thiết yếu để hiểu Kinh thánh, một lời mời gọi, nhưng đó cũng là một cơ may như một quà tặng cho chúng ta: cho chúng ta thông thái và khôn ngoan hơn để khỏi lạc lối, cho ta làm quen với dân Thiên Chúa, và nhất là cho ta thấy những nét đẹp văn hóa của loài người thời cổ đại.

 

Chú giải một bản văn Kinh thánh

Đọc Kinh thánh, chia sẻ với các tín hữu khác, và ghi lại những gì mà Thiên Chúa muốn nói cho riêng mình và cho thế giới đã là một lối sống đức tin tốt. Nhưng chúng ta cũng có thể đi xa hơn với lời Thiên Chúa khi sẵn sàng nghiên cứu, suy nghĩ và soạn thảo những bài viết nghiêm túc và có ý nghĩa. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên các linh mục nên dành thời gian soạn thảo các bài giảng. Trong quá trình học hỏi, các sinh viên thần học phải làm vài luận văn nghiên cứu Kinh thánh, một công việc chuyên cần vất vả, cần có được nhiều hiểu biết nhưng với tấm lòng khiêm tốn, và trong tinh thần cầu nguyện với sự trợ giúp của Thánh Linh. Các giảng viên, dù rất bận bịu với nhiều công việc khác, vẫn luôn trau dồi kiến thức của mình với những bài viết có ý nghĩa.

Mỗi người, tùy hoàn cảnh và mục đích nhắm tới, chọn cho mình một đoạn văn, một câu, hay một chủ đề Kinh thánh để làm việc và soạn thảo một luận văn thích đáng.

Nên phân biệt và tránh ba nhầm lẫn nguy hại khi làm chú giải cho luận văn Kinh thánh. Chú giải không phải là một bài giảng ngày chủ nhật. Luận văn được xây dựng trên một nghiên cứu và tìm tòi khá phức tạp. Không nên chú giải bằng cách tâm lý hoá các dữ kiện và nhân vật theo tình cảm hỷ nộ ái ố của chính mình. Tránh việc lấp đầy khoảng trống bằng cách diễn tả lại những gì tác giả viết, hoặc nói nhiều nhưng thiếu ý.

Các điểm được đề cập tiếp theo sau đây không ngoài mục đích hướng dẫn một cách nào chúng ta công việc này. Nhưng nhớ rằng, các chỉ dẫn này có tính cách tương đối và dựa trên những kinh nghiệm chủ quan, lệ thuộc vào cách làm việc theo phương pháp của các tác giả Âu châu và phương cách đào tạo của một số phân khoa thần học tại Pháp.

Khách quan tính

Nguyên tắc đầu tiên trong chú giải là có trách nhiệm đối với những gì chúng ta diễn đạt và xác định. Tất cả đều dựa trên các biện luận dẫn chứng của chính mình. Một khẳng định không dẫn chứng là bằng chứng một cuộc tìm kiếm thiếu nghiêm túc và một suy đoán chủ quan, không hợp sự thật. Chúng ta nhắc lại ở đây hai khái niệm căn bản tương quan chặt chẽ với nhau:

- Khi nói đến chú giải, người ta nghĩ ngay đến phương pháp sử quan Kinh thánh, phương pháp muốn tìm đến ý nghĩa gần nhất của tác giả bản văn, nhờ việc nghiên cứu hình thức, cơ cấu, văn loại, các nguồn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp trên bản văn, và những gì mà bản văn cho chúng ta thấy.

- Thông diễn học, như chúng ta cũng đã bàn đến trong chương ba, là đường hướng diễn giải Thần học và Kinh thánh, liên kết và phát xuất từ chú giải, có mục đích tìm hiểu tại sao và trong chiều kích nào thông điệp Kinh thánh còn có giá trị và hiệu lực đối với chúng ta và đâu là Thánh ý Thiên Chúa nói với chúng ta trong thời đại này. Và như thế chúng ta hiểu rằng, Kinh thánh đã trả lời một cách khác nhau cho mỗi thế hệ con người sống trong lịch sử, tuỳ theo các vần đề và những đợi chờ của họ trong lĩnh vực đức tin và tôn giáo.

Một chú giải Kinh thánh không chú trọng đến sứ điệp thích hợp và dễ nắm bắt sẽ trở thành một thứ khoa học "vô sinh" và "phù hoa". Ngược lại, nếu thông diễn không dựa trên nền tảng một chú giải nghiêm túc, có tính cách khoa học và khách quan, sẽ là một thứ diễn giải theo cảm nhận và tùy tiện.

Khoa học tính

Trước tiên, cố gắng đọc bản văn trong ngôn ngữ gốc, Hy lạp hay Hêbrơ và sau đó dịch thuật nó. Nếu chúng ta tuyệt đối không có khả năng đọc bản ngôn ngữ gốc, hãy cố gắng đọc và so sánh nhiều bản dịch khác nhau, có bản dịch khá trung thành với bản gốc, và cũng có những bản dịch chú trọng về sứ điệp diễn đạt trong một ngôn ngữ thích ứng với sự hiểu biết của người sống trong thời đại này. Như chúng ta đã nói, đọc Kinh thánh và cầu nguyện, hay dành thật nhiều thời gian để lời Chúa soi sáng cho chúng ta.

- Kế đến, tìm kiếm và ghi lại các yếu tố hay các dấu chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu văn chương và các bối cảnh của bản văn như đã đề cập trên đây trong chương này.

- Cuối cùng, tìm và đặt vấn đề chính yếu của bản văn là điều kiện không thể thiếu cho việc nghiên cứu Kinh thánh. Các sinh viên nghiên cứu sinh thường ít khi hiểu thấu đáo công việc này và hay lẫn lộn việc tìm kiếm một chủ đề với việc đặt lại vấn đề chính yếu của bản văn, vấn đề Thánh ý của lời Thiên Chúa còn ẩn chứa dưới bản văn. Chúng ta không thể dừng lại ở mức độ quan sát, kể lại hay nghe theo một tác giả nào đó, nhưng phải cố gắng tìm thấy một câu hỏi có chiều sâu dẫn đưa chúng ta đến ý nghĩa mà chúng ta đang tìm.

Dĩ nhiên, nhiều lĩnh vực trong Kinh thánh đặt cho chúng ta nhiều câu hỏi: văn chương, xã hội, luân lý, chính trị, triết học, thần học. Nhưng cuối cùng là chúng ta hãy đặt câu hỏi của chúng ta trên nền tảng thần học, và vì đó là mặc khải của Thiên Chúa.

Khi tìm ra được câu hỏi chủ chốt và vấn đề thích đáng có ý nghĩa sâu sắc trong bản văn Kinh thánh, chúng ta bắt đầu tìm kiếm một thư mục tương ứng với vấn đề ta đang tìm hiểu và nghiên cứu. Hãy đọc các tác giả có tầm vóc và bàn cãi với những gì học viết và so sánh tìm hiểu tư tưởng và cách thức họ khi viết về vấn đề đó, để họ có thể soi sáng cho vấn đề ta đang tìm.

Vấn đề được đặt ra sẽ bắt chúng ta tìm những câu trả lời có biện chứng. Có nghĩa là, chúng ta phải cố gắng tìm ra các lập luận thật vững chắc, các dẫn chứng theo phương pháp, và các khẳng định không thể chối cãi được. Phải biết lập luận, vì chú giải và thông diễn chính là vấn đề lý luận.

Chú thích:

 

[159] Trong bản dịch  Kinh thánh của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, không có giữ lại chú thích này.

[160] Valérie DUVAL-POUJOL, "5ème clé, le sens des mots", trong 10 clés pour comprendre la Bible, http://www.relation-aide.com/art_description.php?id=326&cat=25, tham khảo ngày 27/03/2015.

---Còn tiếp---

zalo
zalo