Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 224

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 16/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 16/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

4: Học hỏi Kinh thánh

Phương cách lập luận Kinh thánh.

- Ưu tiên cho những luận chứng văn dựa trên các dấu chỉ văn học và ngôn ngữ học trong bản văn nghiên cứu hay trong một bản văn có liên quan: từ ngữ, gốc chữ, lối cách văn phạm.

- Luận chứng đến trực tiếp từ bản văn có giá trị thuyết phục rất tốt, hơn luận chứng đến từ bên ngoài. Một luận chứng lấy ra từ một bối cảnh tương ứng sẽ có giá trị thuyết phục hơn luận chứng đến từ một bối cảnh khác.

- Đơn giản và trong sáng là ưu điểm của luận chứng. Nếu phức tạp hóa vấn đề, luận chứng trở nên khó hiểu và không thuyết phục.

- Phải biết ước lượng cấp độ quan trọng và giới hạn của luận chứng mình đang dùng. Một ngạn ngữ Á châu có câu "giết gà không cần đến dao mổ trâu". Chẳng hạn, không cần những lý thuyết cao siêu, phức tạp để minh chứng cho một vấn đề cụ thể. Hoặc một luận chứng có tính cách pháp lý có ý nghĩa trong một bối cản pháp lý, nhưng trong một bối cảnh khác, ý nghĩa này không chắc chắn cho lắm.

Nói tóm lại, chúng ta cố gắng hệ thống hóa việc nghiên cứu bản văn Kinh thánh dựa trên ba từ ngữ nghi vấn sau đây: Cái gì? Thế nào? Tại sao?

Hệ thống hóa

 Cái gì? Quan sát là giai đoạn thứ nhất của chú giải. Những yếu tố cơ bản của cấu trúc hình thức và nội dung của bản văn là gì? Bản chất của chúng là gì? Hãy ghi chép lại các tương đồng và đối nghịch, các yếu tố chủ thể của cấu trúc, từ ngữ ẩn dụ, ngoại lệ hay khác biệt đối với các nguyên tắc đã biết hay các ước lệ. Nói cụ thể hơn, chúng ta làm hai quan sát sau đây:

- Quan sát văn chương (đồng đại, synchronique)

* chú ý đến các dấu chỉ văn phong: từ nối kết (các liên từ), thì và thể của các động từ, các lối chơi chữ trong đại từ, sự lập lại từ ngữ hay lối diễn đạt, từ khóa hay lối diễn đạt cốt yếu, các tương song (parallélisme, alterné, concentrique, chiasme,...)

* chú ý đến các dấu chỉ kịch tính hay thi ca: các thay đổi nơi chốn, thời gian, nhân vật, cử tọa, hình ảnh, tiến trình hành động và tư tưởng... Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp phân tích văn chương đã nói đến trong chương 3: tiếp cận thuật chuyện, tu từ học, kí hiệu học, ...)

- Quan sát lịch sử (lịch đại, diachronique)(nằm trong phương pháp phê phán sử quan)

* chúng ta cố gắng phê phán vấn đề biên soạn của bản văn. Có những căng thẳng, những điều thiếu mạch lạc, rời rạc hay chắp nối, đối ngữ (doublets), các thô thiển, làm chúng ta nghĩ rằng bản văn đã được soạn thảo hay sửa chửa nhiều lần bởi những truyền thống khác nhau.

* Văn loại của bản văn là gì? Nó được soạn thảo theo một mô thức hay dựa vào một hình thức được biết đến vào thời đó. Chúng ta có thể so sánh chúng với những bản văn Kinh thánh khác?

* Có thể so sánh các bản văn Kinh thánh với các bản văn cổ điển miền Cận Đông (dành cho Cựu ước) hoặc với văn chương Hy lạp-La mã (dành cho Tân ước)?

* Khi phân biệt đến thời gian của bản văn và thời gian của tác giả, làm thế nào để có thể định vị tác bản văn trong lịch sử? Chúng ta rút ra được tình huống gì hay diễn biến gì của dân Ítraen hay của Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất?

Thế nào? Sắp xếp, tổ chức và hệ thống các dữ kiện là giai đoạn thứ hai của chú giải. Suy nghĩ và quyết định các quy tắc tổ chức các dữ kiện có hệ thống theo lối cách thuyết phục của riêng mình. Các dữ kiện phải tuân theo một quy luật sắp xếp rõ ràng, mạch lạc và có thể kiểm chứng được. Chúng ta cũng có thể theo hệ thống tổ chức của tác giả.

Tại sao? Tiêu hóa các luận chứng tìm thấy và tổng hợp hóa chúng thành tư duy của mình là giai đoạn thứ ba (synthétiser, từ cơ bản của luận văn). Điều quan trọng là trả lời được câu hỏi hay giả thuyết thần học của chúng ta qua bản văn. Sứ điệp chính của bản văn? Thánh ý của Thiên Chúa? Và nhất là phải tập từ bỏ ý tường là mình sẽ nói hết hay đề cập đến tất cả mọi vấn đề của bản văn. Lựa chọn một con đường tư duy đúng đắn cho chính mình là một học hỏi lớn trong việc chú giải Kinh thánh.

Cập nhật hóa

Vấn đề này  tương quan chặt chẽ với Thông diễn học.

- Nếu Kinh thánh chính là lời của Thiên Chúa nuôi sống và hướng dẫn đời sống chúng ta, làm sao để xác định một cách cụ thể và chính xác những gì mà Thiên Chúa muốn nói cho chúng ta? Việc cập nhật hóa một cách kính trọng ý nghĩa tìm thấy trong các bản văn Kinh thánh trên phương diện cá nhân sẽ đưa chúng ta đến một đức tin nhất quán hơn trong con người, cuộc sống và hành động, để chúng ta cũng có được một tình yêu lành mạnh và quân bình đối với Thiên Chúa và các anh em đồng loại khác. Và trên phương diện cộng đoàn, luật Kinh thánh giúp Giáo hội đi con đường Tin Mừng của Đức Kitô đã đi trước.

- Vì chưa có một phương pháp cụ thể dành cho việc cập nhật hóa đáng tin cậy, việc đầu tiên là tránh những "khẩu hiệu" (slogan, relativisme) như nguyên tắc điều khiển cuộc sống Kitô hữu, thiếu kiểm nghiệm và không biết các ý nghĩa đó có thực sự hòa hợp và đúng với tư tưởng của Đấng Sáng tạo và Đấng Cứu chuộc của chúng ta là Chúa Giêsu. Nguyên tắc đầu tiên của việc cập nhật hóa lời Thiên Chúa chính là sự thích ứng với đời sống Tin Mừng.

- Việc cập nhật hóa ý nghĩa Kinh thánh trong đời sống tuy là cần thiết nhưng không phải là một vấn đề đơn giản và dễ dàng. Chúng ta thường gặp ba khó khăn sau đây:

* Sự cách biệt văn hóa và xã hội giữa bản văn Kinh thánh và chúng ta là một trong những khó khăn lớn cho người đọc hôm nay. Philippe hỏi người quan chức ethiôpi đang đọc Kinh thánh, trong sách Công Vụ Tông Đồ rằng: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Và người quan chức trả lời: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" (Cv 8,30-31). Đương nhiên chúng ta có những người đi trước, những nhà chú giải và diễn giải, đã giúp cho chúng ta, nhưng động từ odêgeô Hy lạp, có nghĩa là dẫn dắt, hỗ trợ một ai đó để cung cấp cho họ những thông tin còn thiếu, được áp dụng cho hành động của Thánh Thần Thiên Chúa. Như thế, người hướng dẫn chúng ta trong việc cập nhật hóa lời thiêng chính là Ngôi Ba. Thánh Gioan nói: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến" (Ga 16,13).

 * Những khó khăn thứ hai phát xuất bởi cái nhìn thiếu khách quan của chúng ta. Khoa Thông diễn học hiện đại sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này. Chúng ta phải ý thức rằng, thế giới quan và thiên kiến chúng ta sẽ ảnh hưởng đến việc diễn giải Kinh thánh. Nhưng chính Kinh thánh sẽ đến chất vấn chúng ta trong cách chúng ta nhìn và hiểu thế giới, và đưa chúng ta đến một cái nhìn mới của bản văn và cứ như thế tiếp diễn. Việc đối thoại qua lại tạo thành quỹ đạo của Thông diễn học.

* Những khó khăn thứ ba là không có các quy luật phổ  quát cập nhật lời Thiên Chúa. Một đôi khi, chúng ta thấy một vài tác giả Kinh thánh bắt lấy cho mình một vài bản văn, lề luật, sấm truyền đã có trước, và áp dụng và đọc lại trong bối cảnh của họ, nhưng chúng ta cũng chẳng rút tỉa ra được phuơng pháp nào cả.

- Tuy khó, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn lời Thiên Chúa nuôi sống chúng ta, hãy cố gắng tìm thánh ý của Ngài cho hiện tại qua 3 tiêu  chuẩn gợi ý sau đây:

* Động lực cốt yếu chính là tình yêu: quy tắc cập nhật mà chúng ta đề nghị trong khi đọc Kinh thánh không bao giờ trái ngược với quy luật tình yêu của Đức Kitô và sự tự do tuyệt đối của Ngài. Điều chúng ta rút tỉa từ lời Thiên Chúa cho hôm nay có đúng với ý nghĩa tình yêu tuyệt đối của Đức Kitô hay không? Việc cập nhật hóa có giúp chúng ta thăng tiến trong tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho anh em và cho cả chính chúng ta hay không?

* Hoàn cảnh và tình huống chính là tiêu  chuẩn chính của việc cập nhật hóa lời Thiên Chúa. Đâu là chiều kích sâu thẳm ẩn chứa dưới văn hóa xã hội Kinh thánh, cũng là nền tảng cho thế giới chúng ta ngày hôm nay? Cái gì là đặc tính của nền văn hóa chúng ta? Điều gì lời Thiên Chúa có thể mang lại sự sống và điều thiện hảo trong thế giới hiện đại này? Bản văn Kinh thánh, như là những bản nhạc của Thiên Chúa, các ngôn sứ, Đức Kitô, các tông đồ, và những kẻ đã tin vào Ngài, chính là những nghệ sĩ diễn đạt bản "tình ca" thánh đó.

* Tiêu  chuẩn thứ ba của việc cập nhật hóa lời Thiên Chúa là việc ước đoán và đo lường các hệ quả có thể xảy ra. Điều chúng ta diễn giải không tổn hại đến con người, không là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực và uy quyền, và cũng khống cổ võ cho các tư tưởng thoái hóa.

Nói tóm lại, vấn đề cập nhật hóa Kinh thánh chính là ước muốn đem sự thật lời Thiên Chúa nhập thể trong cuộc sống.

Giảng dạy Kinh thánh

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể đọc Kinh thánh, nhưng muốn nghiên cứu sâu hơn về lời Thiên Chúa chúng ta cần đến các  giảng viên, những người được Giáo hội sai họ học hỏi chuyên sâu hơn trong lĩnh vực thần học và khoa Kinh thánh, để có thể phục vụ Giáo hội trong việc đào tạo các linh mục tương lai, các giảng viên giáo lý, các giáo dân dấn thân tích cực vào các chương trình mục vụ của Giáo hội.

Mỗi giảng viên hay giáo sư Kinh thánh, tự tìm lấy và soạn thảo giáo trình nội dung, và nhất là chọn cho chính mình một con đường sư phạm thích nghi với các học viên của mình.

Nói như thế, để hiểu rằng, những gì được viết trong phân đoạn này không nhằm mục đích cho bài học về cách giảng dạy Kinh thánh, nhưng chỉ là những nguyên tắc tổng quát và khách quan của việc giảng dạy Kinh thánh.

Trong lĩnh vực giảng dạy, giảng viên, còn được gọi là "thầy", là người dẫn dắt một cách tiệm tiến các "học viên" đạt đến ý nghĩa lời của Thiên Chúa, và luôn theo dỏi khả năng tiếp nhận và hiểu biết của họ trong quá trình học tập. Giảng dạy không có nghĩa là điều khiển và ảnh hưởng học viên theo ý mình, nhưng hãy nhường chỗ cho tác động của Thánh Linh. Người giảng dạy được ví như một "mục tử" (berger) dẫn dắt đoàn chiên của mình đến đồng cỏ tươi mát và trù phú, theo bước chân của mục tử tối cao, chính là đức Giêsu Kitô, trong sự trung thành tuyệt đối vào mặc khải của Chúa Cha.

Thế nào là giảng dạy theo Kinh thánh?

Động từ Hy lạp "didaskw", có nghĩa là "giảng dạy" được dùng khoảng 192 lần trong Kinh thánh, và chủ từ thường là người được Thiên Chúa sai đi giảng dạy cho dân chúng hoặc chính Thiên Chúa trong Cựu ước  và  chúa Giêsu trong Tân ước. Ví dụ:

"Giờ đây, hỡi Ítraen, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em"( Đnl 4,1).

"Lạy Chúa, trái đất tràn đầy tình thương Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con" (Tv 119/118, 64).

"Ban ngày, Ðức Giêsu giảng dạy trong Ðền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu.  Sáng sớm, toàn dân đến với Người trong Ðền Thờ để nghe Người giảng dạy" (Lc 21,37-38).

Khi nói đến việc giảng dạy, chúng ta nên phân biệt với việc rao giảng hay tuyên bố Tin Mừng, việc với tính cách "ngôn sứ", chức năng của những người được sai đi mang lời Thiên Chúa chất vấn con người về đức tin, công lý và hành vi của họ. Hãy so sánh các đoạn văn sau đây, chúng ta sẽ dể dàng nhận ra sự khác biệt giữa việc "học hỏi và nghiên cứu" Kinh thánh và việc "rao giảng Tin Mừng" (Cv 8,30-39 và Cv 2,14-36; Lc 24,27. 32 và Lc 4,16-21; Gr 7,2-4 và Gl 3,6-11).

Trong Tân ước, ngoài động từ giảng dạy, còn có những động từ khác diễn tả việc giảng dạy và học hỏi Kinh thánh. Đức Giêsu Kitô, suốt cuộc đời của Ngài dành cho việc đào tạo các môn đệ, và nhất là trong việc hiểu được lời của Thiên Chúa.

"Bấy giờ, Ðức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: ‘Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe’" (Mt 13,36). Động từ  dùng ở đây "diasafew", có nghĩa là giải thích, nói rõ chi tiết, cũng được thấy nơi Lc 24,27, trong bối cảnh hai môn đệ trên đường Emmau "Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh."

Chúng ta cũng đã có dịp nhắc đến câu chuyện giữa Philípphê với người quan thái giám người Ethiôpi: Philípphê "hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philípphê lên ngồi với mình" (Cv 8,31).

Đương nhiên vẫn còn thật nhiều ví dụ khác trong Kinh thánh, nói lên vai trò quan trọng của giảng dạy Kinh thánh. Trong sách Công vụ Tông đồ, khi thánh Luca diễn tả bốn điều kiên trì, siêng năng chăm chỉ nói lên đặc tính của những Kitô hữu, ngài đặt lên hàng đầu việc học hỏi Kinh thánh:

"Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Ðồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (Cv 2,42-47).

 Chuẩn bị tâm hồn, trí thức và soạn thảo

Các giáo sư đều phải cống hiến thời gian cho việc soạn thảo giáo trình. Ở Âu châu, giảng dạy một giờ ở đại học, đòi hỏi 20 giờ  chuẩn bị. Giảng dạy Kinh thánh cần nhiều thời gian hơn thế nữa, vì không chỉ soạn thảo giáo trình mà còn phải  chuẩn bị chính con người của mình để lắng nghe lời Thiên Chúa. Nếu không, lời giảng dạy sẽ sớm bị nhận ra là hời hợt và thiếu ý nghĩa.

- Khiêm tốn trong tâm hồn: trước tiên hãy ý thức rằng, những gì ta sẽ học, khám phá và sẽ truyền đạt cho các học viên, có thể gắn liền với những suy tư chủ quan phát xuất từ lý luận con người của chúng ta. Nhà ngôn ngữ học Eugène Nida[161] kể lại nhiều trường hợp vì có những thiên kiến ý thức hay vô thức, có thể đưa người giảng giải đến những chú giải đi rất xa với những gì đã muốn diễn đạt. Ví dụ trong một trường học ở Phi Châu, người hiệu trưởng được báo cáo rằng học sinh thường thúc khuya và trở nên mệt mỏi trong các buổi học. Ban chấp hành quyết định cúp tất cả đèn điện sau 22 giờ. Các học sinh trung học trú cho rằng, vì nhà trường muốn tiết kiệm năng lượng nên cúp điện và mỗi người tự sắm lấy cho mình một đèn bão để tiếp tục đọc sách và không đi ngủ. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy, nếu khống cố gắng tìm hiểu một cách khách quan và thiện chí, chúng ta có thể có những diễn giải rất sai.

Chúng ta hãy dành lấy thời gian, tự đặt (lấy) mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh để suy nghĩ và xem xét một vấn đề trước khi chú giải.

- Thứ đến chúng ta hãy học hỏi các nguyên tắc Thông diễn học và cố gắng vận dụng ý thức khách quan hơn là vô thức và cảm tính để chú giải Kinh thánh. Sau đây là 7 chìa khóa giúp ta giữ vững một cách nào đó tính khách quan của Kinh thánh:

1) Tôn trọng thẩm quyền và sự trong sáng của Kinh thánh.

2) Dùng Kinh thánh giải thích Kinh thánh.

3) Học biết tính cách lịch sử và văn phạm của bản văn.

4) Nắm vững các tiếp cận "đồng đại" (synchronique).

5) Ý thức tính cách tiệm tiến và lịch sử của mặc khải.

6) Chú ý tính cách Kitô học của Kinh thánh.

7) Nên dùng nguyên tắc loại suy đức tin.

- Lương thiện trong tư duy: là một chứng tá trong việc  chuẩn bị tri thức. Vì chúng ta biết rằng, đó chính là nơi tác động và thể hiện của Thánh Thần, là suối nguồn của sự thật. Khi chúng ta ý thức được rằng mình đang sống trong một xã hội, chuộng hình thức, vật chất bên ngoài, và  không mấy tôn trọng bản quyền tri thức của tác giả, chúng ta thường bị cám dỗ bởi việc sao và chép lại cho mình các tài liệu trong mạng lưới internet. Ai cũng có quyền đọc và trích dẫn, trông nhờ sự giúp đỡ của một tác giả qua tác phẩm họ viết, nhưng đừng bao giờ quên nhắc đến họ theo nhiều cách, trong các ghi chú ở cuối trang, hoặc ngay trong cách dẫn chứng và bàn cãi trong bài chú giải của mình. Sau đây có thể gọi là ba tiêu  chuẩn của tư duy Kinh thánh:

- Ước muốn đi tìm sự thật của lời Thiên Chúa.

- Ý thức và chấp nhận giới hạn của lý trí mình.

- Đối thoại với tư tưởng người khác.

 Một minh chứng sự lương thiện tri thức nằm trong việc soạn thảo mà kết quả là giáo trình trước khi giảng dạy.

- Nghiêm túc soạn thảo: các đề nghị đưa ra ở đây không mang tính cách phương pháp kinh điển dành cho việc chú giải Kinh thánh. Giảng viên nào, sau khi nắm bắt và làm chủ được một vài công cụ chú giải Kinh thánh, cũng có khả năng tìm cho mình một phương án làm việc thích hợp và có hiệu quả cho chính mình. 7 giai đoạn đề nghị sau đây chỉ có tính cách chia sẻ một kinh nghiệm và gợi ý.

1) Đọc và làm quen với các tác giả của bản văn và ý thức vai trò của Thánh Linh.

2) Minh chứng giới hạn của bản văn và vai trò của nó trong bối cảnh.

3) Tìm cấu trúc của bản văn và tìm hiểu văn loại của nó.

4) Xác định các từ khóa và vai trò của chúng.

5) Đặt bản văn trong bối cảnh xã hội và văn hóa.

6) Xác định các bản văn song song hoặc tương quan.

7) Soạn thảo bố cục bài chú giải theo các câu hỏi gợi ý sau đây: sứ điệp của tác giả dành cho các người nghe thời đó? Chúng ta biết gì về Thiên Chúa qua bản văn, về con người, về đức tin? Có một trật tự hay hệ thống trong ý nghĩa? Chú giải của chúng ta có tương đồng với mặc khải, với truyền thống, với Giáo hội ngày nay, và với các chú giải khác?

Bài soạn thảo của giảng viên không những có ích cho việc giảng dạy trong một lớp học, nhưng đó cũng là một kiến thức tốt cho lối học hỏi Kinh thánh theo nhóm.

Chú thích:

[161] Eugène A. NIDA, Coutumes et cultures, Anthropologie pour Missions Chrétiennes, Groupes Missionnaires, 1978, tr. 17-43.

---Còn tiếp---

zalo
zalo