ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 17/20
Lm. Ngô Đình Sĩ
4. Học hỏi Kinh thánh
Hội thảo theo nhóm (atelier hay séminaire)
Ngày nay, trong các đại học, hiện có một hình thức học hỏi và nghiên cứu theo nhóm hội thảo gọi là "atelier" dành cho các sinh viên cấp cử nhân, và "séminaire", cho các sinh viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Từ "séminaire", đến từ la ngữ seminarium, bao hàm ý nghĩa nơi ương mầm, hạt giống, hay mầm sống. Trong Giáo hội Công giáo, từ ngữ được dịch khá sát nghĩa "chủng viện", nơi ươm trồng và đào tạo linh mục. Giới đại học dùng từ ngữ này mới đây để chỉ phương pháp học hỏi theo cách đối thoại kiểu Socrate. Một nhóm sinh viên từ 8 đến 12 người, được dẫn dắt bởi giáo sư của mình hay một giảng viên khác, chuyên môn về vấn đề hội thảo, gặp nhau hai tuần một lần, để bàn thảo và nghiên cứu với mục đích chuẩn bị cho các luận văn tương lai của họ.
Mục đích đầu tiên của hội thảo theo nhóm làm cho các sinh viên làm quen với các phương pháp thích ứng cho chủ đề nghiên cứu của họ và tập cho họ tranh luận với các tư tưởng khác nhau được chia sẻ trong quá trình hội thảo. Giáo sư hướng dẫn cho họ trước những bản văn, bài báo hay sách có liên quan đến vấn đề, để các sinh viên đọc và suy nghĩ trước, sau đó họ sẽ đem ý tưởng của họ, ý tưởng có luận chứng, đến trao đổi và bàn bạc trong nhóm. Học hỏi theo lối hội thảo tương đối không theo một hình thức quy định trong giáo dục đại học so với hệ thống giáo trình hay các diễn thuyết đại học (conférence).
Đối với việc học hỏi Kinh thánh, hình thức "atelier" hay "séminaire" giúp các sinh viên học hỏi và thực hành trực tiếp các phương cách chú giải và diễn giải một bản văn Kinh thánh.
Giảng viên hay một chuyên gia Kinh thánh, suy nghĩ và đề nghị một chủ đề, tuỳ theo cấp độ học viên: họ có thể nhắm tới một vấn đề trong một cuốn sách thánh, hoặc qua một bản văn Kinh thánh, họ muốn các học viên tập làm quen với một phương pháp chú giải thích ứng. Họ cố gắng chọn một thư mục bao gồm một hay hai bài viết cơ bản và quan trọng, hoặc một chương đoạn trong một cuốn sách mà các học viên cần phải đọc, suy nghĩ và ghi lại trên giấy các tư tưởng, biện chứng và giả thiết trả lời của họ.
Trong buổi hội thảo, giảng viên là người quan sát, lắng nghe và dẫn dắt cuộc hội thoại theo trúng con đường sư phạm mong muốn và tránh đi lạc vấn đề.
Giảng viên là người luôn để ý nối kết tổng hợp các ý tưởng và những khám phá trong một hệ thống khá mạch lạc và ghi lại các câu hỏi còn lại, hệ quả của hội thoại.
Một trong những thành viên của hội thảo sẽ được giảng viên chỉ định ghi chép diễn tiến tư tưởng bàn cải, góp ý và soạn thảo thành một đúc kết cho lần hội thảo kế tiếp.
Trước khi kết luận, chúng ta có một phân biệt nhỏ giữ "atelier" (nơi chế tạo và sản xuất) và "séminaire". Trong các học nhóm theo phương pháp "atelier", chủ đề, mức độ tư duy thấp hơn lối hội thảo trong các "séminaire". Giảng viên sẽ hướng dẫn và dành nhiều thời gian giảng giải cho học viên, khác với việc bàn cãi tích cực đòi hỏi các sinh viên thạc sĩ hay nghiên cứu sinh tiến sĩ. Họ phải tập nắm lấy phần chủ động.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể tóm tắt việc làm của giảng viên hay chuyên gia, người điều khiển và hướng dẫn các "séminaires" theo 7 lối diễn đạt sau đây:
1) Chuẩn bị chủ đề và phương pháp sư phạm theo cấp độ học viên.
2) Tìm kiếm một bản văn Kinh thánh, cho một chủ đề thích ứng với việc học hỏi, và đưa ra một thư mục thích hợp.
3) Định và giới hạn các mục tiêu nhắm đến của nhóm hội thảo: chức năng định hướng và chức năng học tập.
4) Chuẩn bị và tiên đoán trước các vấn đề và câu hỏi mà các học viên có thể gặp phải, các vấn đề gây sốc và nhạy cảm.
5) Soạn thảo một chương trình rõ ràng chi tiết, tiến triển và có lôgic của học hỏi.
6) Ghi chép chi tiết các bàn cãi và hiểu biết của việc hội thảo, cũng như các câu hỏi, và các nhận xét về mặt phương pháp và sư phạm.
7) Cuối cùng luôn làm tổng kết và kiểm điểm xem chúng ta đã đạt được mục đích và các mục tiêu nhắm đến hay không.
Thay lời kết, phương pháp học hỏi và nghiên cứu Kinh thánh theo lối cách hội thảo trong các "séminaire" có ít nhất ba lợi điễm sau đây:
- Về phương diện đức tin và ý nghĩa Kinh thánh, tư tưởng rất hay của thánh Augustinô, mà chúng ta cũng đã nhắc đến trong chương đầu - "Tôi ước ao có tất cả những dữ liệu đúng tìm ra bởi mỗi người vang vọng trong những gì tôi nói, hơn là ngồi đó với một ý nghĩa thật khi loại trừ những nghĩa khác, không có gì sai lạc để gây sốc cho tôi cả"[162] - sẽ là một chứng tá cho việc chia sẻ những khám phá ý nghĩa lời Thiên Chúa trong hội thảo theo nhóm. Học viên cũng có thể tìm thấy được ý nghĩa mà đôi khi giảng viên cũng không nghĩ đến. Và giảng viên sẽ đón nhận nó như một giàu có và sống động của lời thiêng, lời thật sự linh hứng bởi Thiên Chúa.
- Về phương diện tri thức, đó cũng chính là phương pháp học tập làm phát triển khả năng suy luận và rèn luyện trí óc chúng ta trước những đối lập hoặc lối nhìn khác trên một vấn đề. Cái nhìn và câu hỏi của người khác bắt trí óc mình phải suy nghi và sửa đổi và mở rộng quan điểm. Mỗi người chúng ta nhận ra được hạn hẹp của chính mình và tập đón nhận cái mới trong tư tưởng người khác. Ý tưởng của hai người thì thông minh hơn quan điểm một cá thể và đến gần hơn với sự thật.
- Về phương diện xã hội, người ta cần có những con người biết làm việc theo nhóm và mang lợi ích chung. Lời Thiên Chúa sẽ sống động và có ý nghĩa hơn khi được bàn thảo qua các con cái của Ngài. Lời đó qua hội thảo sẽ nối kết và nuôi sống chúng ta trong tình huynh đệ thực thụ, vì ý kiến đến từ người anh em của mình cũng là lời được Thánh Thần tác động và soi sáng.
Chúng ta ai cũng biết câu chuyện của vị tướng ngoại giáo Naaman, người đã được chữa lành bệnh cùi, nhờ tắm 7 lần trên sông suối thuộc nước dân Thiên Chúa. Nhưng điều đáng nhớ ở đây, là vị tướng này đã giận dữ và không nghe theo lời ngôn sứ Elisê, nhưng tâm hồn ông đã tỉnh thức nhờ lời khuyên của các đầy tớ của ông (2V 5,11-14).
1) Với một chương đoạn khá dài, gần 40 trang, chúng ta vừa trình bày trong quá trình suy nghĩ và đề nghị các giai đoạn sẽ phải đi qua trong việc học hỏi và giảng dạy Kinh thánh. Không dễ khi đứng trước một bản văn Kinh thánh: những người tín hữu Kitô giáo yêu mến tìm hiểu sâu xa hơn về Kinh thánh, các chủng sinh và sinh viên khao thần học, các nghiên cứu sinh khoa Kinh thánh, các giảng viên, giáo sư, chuyên gia...
Trong hầu hết các phân khoa thần học ở Âu châu, các giáo sư ít khi dạy trực tiếp các phương pháp. Đối với các sinh viên trong những năm cử nhân, các giáo sư đề cập đến các phương pháp chú giải qua thực hành trong các hội thảo theo nhóm (atelier). Đối với các nghiên cứu sinh, chính họ phải đọc nhiều sách vở và tìm ra cho mình các công cụ và phương pháp để chú giải Kinh thánh. Và đối với các giáo sư ở các trường đại học, không phải là với bằng cấp tiến sĩ chuyên môn về Kinh thánh, là mình có tất cả khả năng để hiểu hết Kinh thánh. Nghiên cứu Kinh thánh là quá trình của một đời người, và đến khi nhắm mắt, ước muốn của họ là gặp được Thiên Chúa để hỏi cho ra lẽ các điều còn huyền bí trong các bản văn.
Nói như thế, để hiểu rằng, những gì được viết ra nơi đây là một liều lĩnh, và sẽ có nhiều phê phán, về phần nội dung cũng như hình thức, nhưng nếu không có những sự liều lĩnh này, chúng ta vẫn nghe thấy một điệp khúc: hãy bày cho tôi một hay nhiều phương pháp để học hỏi và nghiên cứu Kinh thánh?
2) Đối với các giảng viên Kinh thánh, đào tạo, nhất là đào tạo trong Kinh thánh là một công việc đầy thú vị, hứng khởi, vì chúng ta truyền đạt những gì quý báu nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta: lời của Ngài. Hơn nữa, khi làm việc này, chúng ta luôn ý thức rằng rất may mắn có Thiên Chúa đồng hành, cố vấn và nâng đỡ chúng ta.
Nhưng công việc này cũng là một trách nhiệm quan trọng và lớn lao đối với đầu óc nhỏ hẹp của chúng ta. Thật là một trọng trách khi phải truyền tải và giải thích một cách đích thực và trung thành lời của Đấng Tối Cao, sáng tạo vũ trụ và cứu độ con người và là Cha của chúng ta.
Như chúng ta đã nói, giảng dạy không phải là một thuyết giảng tự phát, các giảng viên tự huấn luyện học hỏi và đào tạo mình trước đã, sau đó mới có thể truyền đạt cho học viên. Trong Kinh thánh, Thiên Chúa không cần học vị tiến sĩ, nhưng Ngài cần các con cái chuyên cần và siêng năng lắng nghe lời Ngài dạy bảo. Chúa Giêsu nói với Matta: "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10,42). Tuy không quan trọng học vị tiến sĩ, các giảng viên đừng bao giờ sao nhãng việc trau dồi và mài chuốt các khí cụ để đọc Kinh thánh. Thánh Phaolô đã nói với ông Timôthê: "Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý"(2Tm 2,15).
3) Nghe Chúa Giêsu nói như thế, chúng ta nghĩ ngay đến các anh chị em tín hữu Kitô giáo, họ cũng có quyền lắng nghe lời Cha mình. Các tín hữu Tin lành đọc trực tiếp hằng ngày Kinh thánh, còn đối với người Công giáo, các mục tử chỉ mới bắt đầu cổ võ việc đọc lời Thiên Chúa hăng ngày mà thôi. Và khoảng 50 năm trước đây, các mục tử Công giáo còn khuyên các tín hữu không nên tự đọc Kinh thánh, vì sợ họ hiểu sai đường lạc hướng. Thật là sốc khi nghe thấy điều này. Chúng ta nên nhớ rằng, chính lời Thiên Chúa dạy dỗ và mặc khải cho chúng ta, chứ không phải là chính chúng ta lấy lời Ngài để dạy cho người khác: "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi"(Mt 10,24-25a). Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu tất cả cho dân Ngài. Vì Lời thiêng không nằm im lặng trong sách nhưng còn được rao giảng sống động trong phụng vụ bí tích, cầu nguyện, hay linh hướng. Đó cũng chính là đề tài mà chúng ta sẽ bàn tới trong chương cuối của sách này.
Chú thích:
[162] "l’un défend une idée, un autre une autre idée ; pourquoi pas l’une et l’autre, si elles sont vraies, et pourquoi pas une troisième, une quatrième et tout autre si on peut les apercevoir ; pourquoi ne pas croire que Moïse les a toutes perçues … j’aimerais que toute donnée vraie saisie par chacun eut un écho dans mes paroles, plutôt que d’asseoir une seule idée vraie en excluant les autres où rien de faux ne me choquerait (theo cuốn XII, 31/42).
---Còn tiếp---