Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 27

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 18/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

 

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 18/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

5. Những nơi Lời Thiên Chúa thể hiện

"Kinh thánh trong cộng đoàn phụng vụ, như một con cá bơi trong nước"[163], câu nói thật có ý nghĩa của Marie Louis CHAUVET, mở đầu cho việc tìm hiểu Lời Thiên Chúa thể hiện và tác động thế nào trong cộng đoàn con cái Ngài. Philippe BÉGUERIE còn dám nói và lý luận minh chứng rằng "Kinh thánh được sinh ra từ Phụng vụ".[164] Như thế, tìm hiểu vai trò Kinh thánh trong phụng vụ là một điều cần thiết để nhận thấy vai trò sống động của Lời Thiên Chúa.

Nhưng lời của Ngài không chỉ được thể hiện qua phụng vụ mà thôi, tất cả đời sống Kitô hữu đã có cơ may được đồng hành và nâng đỡ bởi Kinh thánh. Trong những gặp gỡ linh hướng, linh mục và người được hướng dẫn thiêng liêng luôn bắt đầu bằng việc lắng nghe lời của Cha mình.

Có những cách thức cầu nguyện hoàn toàn với Kinh thánh, dưới hình thức Lectio divina. Ngôn từ này là một diễn đạt tiếng La tinh, dùng để chỉ một phương pháp cầu nguyện đã được phát triển trong các tu viện Đông phương.

Và ngày hôm nay, các Giáo hội Công giáo hoàn cầu đã tìm cách đưa Kinh thánh, như một thành phần cốt yếu của giáo lý. Dầu vậy, ai cũng công nhận là mối tương quan chặt chẽ này, nhưng chẳng ai có thể làm sáng tỏ liên hệ giữa Kinh thánh và giáo lý.

Đó cũng chính là cấu trúc của chương này với các phân đoạn theo các chủ đề vừa nêu.

Kinh thánh và phụng vụ

Kinh thánh sinh ra từ Phụng vụ[165]

Philippe Béguerie, năm 1976, trong tờ La Maison-Dieu, số 126, đã viết một bài báo diễn tả việc tương quan chặt chẽ giữa Kinh thánh và Phụng vụ, trong thời Cựu ước cũng như Tân ước. Chính Công đồng Vaticanô II đã đưa phụng vụ về với Kinh thánh, mà ngày nay người tín hữu dễ dàng nhận ra điều đó trong các nghi lễ và bí tích. Nhưng điều quan trọng mà tác giả muốn nói ở đây, là Kinh thánh, không được xem như là một bộ sưu tập lời Thiên Chúa, một yếu tố quan trọng của phụng vụ, nhưng là sự thể hiện và Mặc khải lời Thiên Chúa qua phương tiện các nghi lễ phụng tự. Như vậy, chúng  cũng có thể nói rằng Phụng vụ sinh ra với Kinh thánh. Cả hai như một giao ước, một gặp gỡ giữa Thần Linh con người.

Ba chiều kích minh chứng tương quan sâu thẳm giữa Lời Thiên Chúa và Phụng vụ, trước tiên là lịch sử, thứ đến là tư tưởng khôn ngoan và hiền triết trong Kinh thánh, và sau cùng là Truyền thống qua việc tiếp nhận và lựa chọn của dân Thiên Chúa.

1) Kinh thánh và Phụng vụ đều có chung một khởi điểm. Biến cố nền tảng Xuất hành của Cựu ước, nếu không được cử hành trong một nghi lễ đối thoại giữa con người và Thiên Chúa, thì có lẽ nó sẽ bị đi vào quên lãng, hay như là một tưởng nhớ quá khứ. Truyền thống phụng vụ đã làm cho biến cố sống động như một hiện tại qua phụng vụ, và hơn nữa, trong soạn thảo cũng như trong việc hội tập cộng đồng của bản văn Kinh thánh, các lời nói, đối thoại, hình ảnh biểu tượng, đến từ những thói quen phụng vụ.

Và trong Tân ước, biến cố nền tảng bí tích thánh thể, kể lại cũng theo một nguyên tắc gần giống như thời Cựu ước. Nhiều trang sách Tin Mừng đã mang lấy dấu vết của cộng đoàn, họ tụ họp để cử hành tiệc thánh. Dân Thiên Chúa tập hợp không chỉ để cử hành một biến cố quá khứ, nhưng để sống lại tác động Thiên Chúa trong lịch sử. Lời Thiên Chúa được đưa vào như một hiện diện của Thiên Chúa. Các bản văn Cựu ước và các thư mục vụ các tông đồ được đưa vào trong sách Thánh, trước tiên là sách của cộng đoàn dân Cha, và được sử dụng trong phụng vụ.

Như thế, chúng ta nói rằng, Phụng vụ, chính là ngôi nhà, một cư ngụ của Kinh thánh. Khi một nhóm người, một trường phái muốn liên kết với tư tưởng của thủ lãnh của họ, họ sẽ lấy văn bản của người đó ra đọc. Nhưng đối với các Kitô hữu, thái độ của họ thật khác lạ. Không những họ không có bản viết từ tay Đức Kitô, mà thay vào từ ngữ "bản viết", họ thích, chọn và dùng chữ "lời". Hành động diễn đạt qua từ "lời" sẽ hoàn toàn khác với hành động đến từ chữ "bản viết" và hành động lắng nghe một lời nói không thể giống như hành động nghe đọc một bản văn. Phụng vụ Công giáo là nơi mà sách trở thành lời.

2) Chúng ta thấy Kinh thánh không là một bộ sưu tập lời thiêng sử dụng trong phụng vụ. Chính là Đấng Khôn Ngoan ở trong ngôi nhà của mình. Hay nói đúng hơn, nhờ phụng vụ, Kinh thánh đã xây một ngôi nhà để mời chúng ta đến cư ngụ. Có người xem ngôi nhà này như một mê cung, tất cả có thể xa lạ với những ai không thường xuyên đến. Phải đến cư ngụ ngôi nhà đó để ngôi nhà đó bao bọc chính mình.

Nói về Kinh thánh, có lẽ chúng ta có thói quen muốn áp dụng ngay những Lời nghe thấy mà không muốn để Lời đó ngự trị trong tâm hồn mình. Ước muốn tiêu thụ và áp dụng này cũng có thể so sánh với việc mà thánh Phaolô hằng chiến đấu và mời gọi tín hữu suy nghĩ: "Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống" (2Cr 3,6c). Thật đáng buồn khi thấy não trạng của một số Kitô hữu, ảnh hưởng bởi các bài giảng thiếu tính cách Tin mừng và đầy kết án tôi lỗi, đã làm cho Kinh thánh như những lời răn dạy đến từ bên ngoài, mà không là lời Thiên Chúa ngự trị tâm hồn từ bên trong.

Trong Kinh thánh, có một bộ sách luôn đóng một vai trò độc nhất trong phụng vụ: đó là các Thánh vịnh. Thánh vịnh là lời của Thiên Chúa, nhưng luôn được đọc hoặc hát bởi chúng ta. Thánh vịnh, lời Thiên Chúa, nhưng mang những câu hỏi và trả lời của con người. Sự hiện diện của bộ Thánh vịnh trong Kinh thánh và trong phụng vụ, tạo thành một đối thoại tuyệt vời giữa con người với Thiên Chúa. Lời Thiêng đến trên miệng của chúng ta, và mang những từ ngữ và hình ảnh của sự trả lời của Thiên Chúa.

3) Kinh thánh sử dụng trong phụng vụ sẽ không có ý nghĩa khi chúng ta không tiếp nhận đó là lời Thiên Chúa. Chúng ta đón nhận lời đó vì chúng ta đã biết Lời đó đến từ môi miệng Thiên Chúa.

Vấn đề khó khăn của các Kitô hữu ngày nay là các bản văn Kinh thánh đến với tai chúng ta như những lời quá mới, khó hiểu và đôi khi kỳ lạ. Các mục tử cũng đôi khi sai lầm và lẫn lộn giữa "bài giảng" và "giáo trình" Kinh thánh, khi muốn làm một chú giải, với các giải thích thông thái...

Phụng vụ mời gọi chúng ta kiên nhẫn theo một quá trình làm quen với lời Thiên Chúa trong nhiều năm tháng. Có nhiều người đàn ông hay nói khôi hài rằng, đàn bà để yêu, chứ không phải để hiểu. Hãy yêu mến lời Thiên Chúa trước và Ngài sẽ dạy chúng ta hiểu. Hơn nữa chúng ta luôn luôn khám phá Thánh ý  mới  của Thiên Chúa trong một bản văn mà chúng ta có thể đã nghe hàng trăm lần.

Khi nói lời Thiên Chúa là một bản văn chúng ta đón nhận thì không sai, nhưng đúng hơn phải nói, lời Thiên Chúa đến trước mặt chúng ta để chúng ta nhận biết và yêu mến.

Những suy nghĩ trên đây dẫn chúng ta đến một đổi thay trong cách chúng ta lựa chọn các bản văn Kinh thánh trong phụng vụ.

- Nên suy nghĩ và từ bỏ khuynh hướng dùng Kinh thánh cho chủ đích trần thế và con người của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta lựa chọn các bản văn Kinh thánh với mục đích tuyên truyền và thuyết phục trong chiến dịch phụng vụ như là lễ ơn gọi, lễ kêu gọi giúp đỡ việc xây cất,... Lời Thiên Chúa dẫn chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài và làm hoán cải tâm hồn chúng ta trong bác ái xã hội. Không được xem lời của Ngài như một thư viện để chúng ta lấy ra từ đó những "slogans" (khẩu hiệu) có (thẩm) uy quyền phục vụ cho hành động của chúng ta.

- Tránh những cập nhật quá thơ ngây và đơn giản. Lời Thiên Chúa cũng không là một thần chú bùa phép làm biến mất các vấn đề con người của chúng ta. Lời Ngài có tính cách hoàn thiện hóa (accomplir), chính là một lời mời trong tự do và tôn trọng, một đối thoại yêu thương với chúng ta, chứ không phải là một diễn đạt của ý chí chúng ta.

- Trong các bài giảng phụng vụ, một số mục tử có khuynh hướng luân lý hóa lời Thiên Chúa, và dùng Kinh thánh như là một công cụ giảng dạy luân thường đạo lý. Làm như thế chúng ta có thể đi tới một sai lầm quan trọng, là quên mất rằng lời Thiên Chúa trong phụng vụ là thời gian mời gọi con người khám phá và ngạc nhiên trước tình yêu bao la của Ngài. Các bài đọc Kinh thánh, chính là sự hiển linh, hiện diện mặc khải của Ngài, và có ý nghĩa đưa dẫn chúng ta tới Người đã nói và mời gọi chúng ta. Khi thật sự gặp Ngài trong tình yêu con người sẽ hoán cải và thay đổi trong chiều hướng bác ái, như trong câu chuyện của người thủ lãnh thu thuế trong Tin Mừng theo thánh Luca: "... Còn ông Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn"» (Lc 19,1-10).  

Hơn là những quy luật của luân lý, lời Thiên Chúa là nguốn mạch của sự sống, nguồn mạch một sự sống khác với sự sống hiện có của chúng ta và biến đổi lối sống của chúng ta.

Bài viết của Philippe Béguerie đã cho chúng ta một cái nhìn rất hay về Kinh thánh và phụng vụ. Giáo hội Công giáo cũng như các Giáo hội Kitô giáo vẫn luôn tìm hiểu hơn nữa sự hiên diện và vai trò của lời Thiên Chúa trong phụng vụ.

Vai trò của Kinh thánh trong phụng vụ

Năm 2004, phân khoa thần học Thụy sĩ nói tiếng Pháp (Fribourg, Genève, Lausanne, Neuchatel) đã tổ chức cho các nghiên cứu sinh ngành tiến sĩ năm khóa hội thảo với chủ đề " La présence et le rôle de la Bible dans la liturgie", và kết quả hội thảo nghiên cứu được xuất bản hai năm sau đó.[166]

- Khóa hội thảo thứ nhất đề cập đến Kinh thánh trong phụng vụ Do thái giáo và phụng vụ Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất, và cho chúng ta thấy có ảnh hưởng tương quan giữa phụng vụ và thư quy Kitô giáo.

- Khóa hội thảo thứ hai nói về bộ Thánh vịnh, dùng trong phụng vụ Do thái giáo đã trở nên bộ sách cầu nguyện trong Kitô giáo.

- Khóa thứ ba đưa ra các chiều kích lịch sử và việc hệ thống hóa các mối tương quan giữa Kinh thánh và phụng vụ.

- Khóa hội thảo thứ tư dành cho việc khảo sát bộ sách bài đọc Kinh thánh dành cho phụng vụ ngày nay.

- Và cuối cùng, hội thảo đã bàn về vấn đề tuyên bố Lời Thiên Chúa trong phụng vụ.

Chúng ta sẽ không viết lại ở đây nội dung của các hội thảo này, nhưng chỉ quan tâm đến bài viết của Martin KLÖCKENER[167], ông đã tổng kết các hội thảo và trình bày 12 viễn cảnh của Kinh thánh và phụng vụ, trong quan điểm của một nhà ngôn ngữ học và một giảng viên đại học, chứ không phải là một nhà chú giải, một sử gia, hay một mục tử. Ông viết với tư cách là một thần học gia Công giáo, nhưng luôn trong tinh thần hiệp thông với các Giáo hội Kitô giáo khác, và quan tâm đến các quan điểm của họ.[168]

1) Tương quan giữa việc công bố lời Chúa Kitô giáo và việc đọc Kinh thánh Do thái giáo. Hai tôn giáo của mặc khải đều có nền tảng là Kinh thánh, tuy họ diễn giải khác nhau về tác động của Thiên Chúa duy nhất trong lịch sử. Nhưng cả hai đều công nhận sự linh hứng của Thiên Chúa trong các tác phẩm soạn thảo bởi con người. Và cả hai có bổn phận làm cho dân Thiên Chúa nghe được mặc khải này và giúp họ bám rễ trong đức tin và trong thực tế của cuộc sống. Cả hai đều tuyên bố và làm sống động lịch sử cứu độ trong cộng đoàn của Giao ước. Như thế, sự hiện diện của Kinh thánh trong phụng vu Do thái giáo cũng như Công giáo hay Kitô giáo là một sự thật nền tảng cho đức tin.

2) Chức năng quy phạm của Kinh thánh trong phụng vụ, ở thời kỳ giao điểm giữa Do thái giáo đến muộn của Giao ước đầu tiên và Kitô giáo tiên khởi. Chúng ta thấy có những khác biệt việc sử dụng Kinh thánh Cựu ước bởi người Do thái và những người Kitô hữu tiên khởi.

Tác giả Himbaza[169] và Erich Zenger[170] đã minh chứng rằng các bài đọc và Thánh vịnh đã là những yếu tố cố định của phụng vụ trong đền thánh Giêrusalem với các nghi lễ hy tế. Chính những người Biệt phái khởi xướng việc đọc Kinh thánh thường xuyên trong các hy lễ. Như thế, một khuynh hướng rõ ràng cho việc Kinh thánh tuyên bố trước dân tham dự vào phụng vụ có tính cách quy  chuẩn, không những cho đời sống tôn giáo mà còn cho các chi tiết của việc hy tế, và cũng như trong các hội đường Do thái.

Chúng ta có ảnh hưởng hỗ tương giữa Kinh thánh và phụng vụ: nhờ việc sử dụng Kinh thánh trong phụng vụ, nối kết giữa con người và Thiên Chúa, Kinh thánh trở nên các quy  chuẩn cho cuộc sống.

Đối với phụng vụ Kitô hữu hay Công giáo, nhiều câu hỏi trong chiều hướng này cũng được đặt ra. Đâu là vai trò của Kinh thánh được tuyên bố trong tương quan giữa lex orandi, lex credendi và lex agendi? Từ "quy luật" ở đây không dùng nghĩa pháp lý, nhưng trong ý hướng lựa chọn các ý nghĩa cơ bản cho cuộc sống.

3) Vai trò của Kinh thánh trong phụng vụ đối với việc xác định thư quy. Yves-Marie BLANCHARD, giáo sư Kinh thánh, chuyên về Gioan tại Đại học Công giáo Paris, đã suy nghĩ về vần đề này[171]. Việc đón nhận Kinh thánh trong phụng vụ là một trong những tiêu  chuẩn quyết định của thư quy. Lúc ban đầu, có nhiều bản văn được đọc trong phụng vụ mà không cần được chấp nhận như thư quy. Nhưng kể từ thế kỷ thứ tư, tất cả các Giáo hội Kitô giáo chỉ chấp nhận các bài đọc của thư quy Kinh thánh trong bí tích Thánh thể và trong các nghi lễ khác. Trong sách các giờ kinh phụng vụ, người ta có thể đọc thêm các bài giảng của các giáo phụ và chuyện các thánh.

4) Cấu trúc và tổ chức việc tuyên bố Kinh thánh. Việc các bài sắp xếp và tổ chức các đọc Kinh thánh trong phụng vụ trong lịch sử các Giáo hội, Do thái giáo cũng nhưng Kitô giáo, là một điểm mạnh. Từ thế kỷ thứ XVI, các Giáo hội Tin lành, tách rời Giáo hội Công giáo về việc này. Họ có nguyên tắc để các mục sư tự do lựa chọn các bản văn Kinh thánh[172]. Một số Giáo hội khác hiện nay vẫn còn lấy nguyên tắc dựa trên hệ thống truyền thống và hệ thống Công giáo đổi mới sau Công đồng Vaticanô II.[173]

5) Vị trí của Cựu ước trong các bài đọc phụng vụ. Nhiều tác giả trong các khóa hội thảo này đã bàn đến chỗ đứng quan trọng của Cựu ước trong phụng vụ. Khác với trước đây, sau Công đồng Vaticanô II, Ordo lectionum Missae của Giáo hội Công giáo năm 1969 và được tái bản năm 1981 đã dành cho các bài đọc Cựu ước một vị trí quan trọng trong bí tích Thánh thể. Nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi trên các nguyên tắc chọn lựa.[174]

6) Thánh Vịnh trong phụng vụ. Cũng như vấn đề các bài đọc Cựu ước, nhiều tác giả đã đề cập đến các Thánh vịnh trong phụng vụ. Nhưng các dùng đương nhiên là khác với Do thái giáo. Kitô giáo đọc các Thánh vịnh dưới quan điểm Kitô học, nhưng vẫn quan tâm để ý và luôn mở rộng đến toàn bộ lịch sử cứu độ. Truyền thống Kitô giáo luôn coi trọng và đánh giá cao Thánh Vịnh, vì chứa đựng chiều kích sâu và dày thiêng liêng. Con người luôn cần có một nguồn suối cho sự sống linh thiêng và cho việc cầu nguyện. 

7) Tính cách bí tích của việc đọc Kinh thánh trong phụng vụ, nơi các tôn giáo khác. Các tác giả thần học Công giáo đã nói đến tính cách bí tích trong việc tuyên bố các bài đọc Kinh thánh.[175] B. BÜRKI, mục sư Tin lành, cũng phát triển suy nghĩ này và mời gọi hãy chú ý vì vấn đề này cũng được đạt ra cho các Giáo hội Tin lành từ lâu, nhưng họ không phát triển và đào sâu.

Công đồng Vaticanô thứ 2 đã nhấn mạnh rằng chính Đức Kitô tự  hiện diện và nói với chúng ta khi các bản văn Kinh thánh được đọc dưới sự linh hứng.[176]

8) Sự tham dự và sẵn sàng của tín hữu khi đối với các bài đọc Kinh thánh. Giáo hội Công giáo có một hệ thống bài đọc chung cho các tín hữu tham dự phụng vụ, bao gồm các bài đọc dành cho thánh lễ chủ nhật, các thánh lễ trong tuần. Trong bộ sách Cá Giờ Kinh Phụng Vụ, với các giờ cầu nguyện khác nhau trong ngày, có rất nhiều bài đọc Kinh thánh.

Câu hỏi được đạt ra là: sách ordo lectionum nào dành cho tín hữu nào trong hoàn cảnh nào của Giáo hội và của đức tin cá thể? Có nên phát triển nhiều hệ thống bản văn Kinh thánh: ví dụ, một dành cho các tu viện và phụng vụ của họ, một bộ khác cho các giáo xứ, một bộ thứ ba nữa cho các nhóm hoặc cho các trường hợp đặc biệt? Hoặc có nên từ chối việc bó buộc phải dùng Ordo lectionum Missae và việc chọn các đoạn văn Kinh thánh trong các nghi lễ khác?... Tất cả các câu hỏi này xứng đáng được các nhà thần học, các mục tử, bàn bạc và nghiên cứu.

9) Tính cách khác biệt của việc đọc Kinh thánh tuỳ theo bản chất của nghi lễ? M. COLLIN đã gợi ra vấn đề và P. De CLERCK đã trở lại với vấn đề này. Trong Giáo hội Công giáo, trong thánh lễ, và trong bí tích rửa tội, nghi thức hướng trực tiếp đến mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, các bài đọc Tân ước được ưa chuộng, còn trong các nghi lễ khác, nhất là trong sách phụng vụ các giờ kinh, Giáo hội chú trọng hơn đến các bài đọc Cựu ước.

10) Mở rộng giáo lý Kinh thánh và đào sâu việc đọc lời Thiên Chúa[177]. Nhiều tác giả đã nói đến vấn đề này trong các khoá hội thảo. Nhưng ai cũng đồng ý rằng, việc học hỏi, nghiên cứu, và suy niệm Kinh thánh trong mục đích giúp cho tín hữu tham dự một cách ý thức và năng động vào các bài đọc Kinh thánh trong phụng vụ. Việc này xứng đáng chiếm một chỗ đứng quan trọng trong học hỏi giáo lý của tất cả các Giáo hội Kitô giáo.

11) Bài giảng Kinh thánh[178]. Khi nói đến các bài đọc Kinh thánh trong phụng vụ, chúng ta không thể bỏ qua các bài giảng. Trong Do thái giáo, sau bài đọc Kinh thánh, họ làm một diễn giải bản văn. Các bài viết kitô giáo rất xưa cũng đã nói về việc giải thích các bản văn Kinh thánh. Giáo hội Công giáo luôn có những bài giảng sau các bài đọc. Nhưng nhờ Công đồng Vaticanô II, các nội dung bài giảng chú trọng nhiều hơn đến việc giải thích Kinh thánh trong thánh lễ và trong các nghi thức phụng vụ khác. Tương quan giữa Kinh thánh và bài giảng là một vấn đề quan trọng đang còn được bàn cãi rất nhiều trên phương diện thần học và mục vụ. Đức Giáo hoàng Phanxicô của chúng ta hiện nay cũng rất chú trọng đến vấn đề này.

12) Việc tuyên bố các bài đọc Kinh thánh là một nghi thức. Nghi lễ có một đặc tính rất đặc biệt: nghi thức tạo ra ý nghĩa cho cộng đoàn phụng vụ, và cho cá nhân tham dự. Khi cử hành phụng vụ, Giáo hội chuyên tải cùng một lúc niềm tin của mình, và như thế, Giáo hội luôn quan tâm trong soạn thảo chi tiết các nghi thức liên quan đến việc tuyên bố Kinh thánh.

A. Join-Lambert đã cống hiến một bài viết cho sách các bài đọc Kinh thánh (évangéliare) và biểu tượng của sách. Theo ông, đó chính là "une mystagogie de la présence du Christ dans l’assemblée liturgique."[179] Từ mystagogie là một ý niệm khó dịch ra tiếng việt. Chúng ta thử giải thích nó như sau: theo tiếng Hy lạp, mystagogie, dịch sát, có nghĩa là hướng dẫn vở lòng vào mầu nhiệm. Giáo hội Công giáo dùng để chỉ thời gian của người tân tòng bắt đầu bước vào các mầu nhiệm của đức tin, và nhất là tham dự mầu nhiệm thánh thể. Như thế, sách các bài đọc, dẫn đưa tín hữu bước vào sự hiện diện của Đức Kitô trong cộng đoàn phụng vụ.

 

Kinh thánh và đời sống tâm linh

Qua các hội thảo nói trên, trong tinh thần hiệp thông giữa các Giáo hội Kitô giáo, chúng ta hiểu được phụng vụ và bí tích là nơi thuận tiện và ý nghĩa của Kinh thánh. Ngài luôn hạ xuống với chúng ta để bày tỏ, mặc khải, và mời gọi chúng ta hiểu và yêu mến Ngài. Trong tinh thần đó, người Kitô hữu may mắn còn biết được nhiều nơi chốn khác nhờ đó lời Thiên Chúa đến với chúng ta: cầu nguyện và linh hướng.

Chú thích:

 

[163] "La Bible est dans l’assemblée liturgique comme un poisson dans l’eau", Louis Marie CHAUVET, "La Bible dans son site liturgique", dans La Bible, parole adressée,..., Lectio Divina 183, Ed. par Jean-LouisE SOULETTI et Henry Jérôme GAGEY,  Cerf, Paris, 2001, tr.  60.

[164] Philippe BEGUERIE, "La Bible née de la liturgie", Maison Dieu, n° 126/2, 1976, tr.  108-116.

[165] Philippe BEGUERIE, "La Bible née de la liturgie", Maison Dieu, n° 126/2, 1976, tr.  108-116.

[166] Présence et rôle de la Bible dans la liturgie, édité par Martine Klöckerner, Bruno Bürki, Arnaud Join-Lambert, Academic Presse Fribourg, Academic Press Fribourg, Suisse, 2006, tr. 6.

[167] Présence et rôle de la Bible..., tr. 387-410.

[168] Présence et rôle de la Bible..., tr. 387.

[169] Innocent HIMBAZA, "L’utilisation de l’Écriture dans le culte juif au début de l’ère chrétienne", trong Présence et rôle..., tr. 19-42.

[170] Erich ZENGER, "Les psaumes dans le culte et la piété du peuple d’Israël", trong Présence et rôle..., tr. 97-123.

[171] Yves-Marie BLANCHARD, "Interdépendance entre la formation du Canon biblique chrétienne et la lecture liturgique", Présence et rôle..., tr. 69-93.

[172] Ralph KUNZ, "La lecture biblique dans le culte des Eglises protestantes de Suisse alémanique et d’Allemagne", Présence et rôle..., tr. 262. 267.

[173] Paul De CLERK, "L’Ordo lectionum missae de l’Église romaine", Présence et rôle..., tr. 239-252.

[174] Paul De CLERK, "L’Ordo lectionum missae de l’Église romaine", Présence et rôle..., tr. 242-246.

[175] Patrick PRÉTOT, "Vatican II - nouvelle appréciation de la Parole de Dieu", Présence et rôle..., tr. 205-225.

[176] Hiến Chế về Phụng Vụ thánh (Sacrosactum Concilium), n° 7.

[177] Marc LIENHARD, "Lire, prêcher et interpréter la Bible dans le culte : les intentions des réformateurs", tr. 189-203.  Patrick PRÉTOT, "Vatican II - nouvelle appréciation de la Parole de Dieu", trong Présence et rôle..., tr. 206.

[178] Marc LIENHARD, "Lire, prêcher et interpréter la Bible dans le culte : les intentions des réformateurs", Présence et rôle..., tr. 189-203.

[179] Arnaud JOIN-LAMBERT, "L’Evangéliaire pour une mystagogie de la présence du Christ dans l’assemblée liturgique", Présence et rôle..., tr. 345-365.

---Còn tiếp---

zalo
zalo