Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 239

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 19/20 - Lm. Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 19/20

Lm. Ngô Đình Sĩ

5. Những lời Thiên Chúa thể hiện

Lectio Divina

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI nói: "Thực thi lectio divina, nếu việc đó phát huy một cách hiệu quả, tôi tin chắc rằng, sẽ mang lại cho Giáo hội, một mùa xuân tu đức mới."[180]

Lection divina - thành ngữ La tinh có nghĩa sát là "đọc thánh", và chúng ta có thể hiểu rộng hơn: "đọc theo đức tin" - là cách đọc Kinh thánh thường hằng của các tín hữu Do thái giáo trong đức tin và trong tinh thần cầu nguyện. Đối với các tín hữu Do thái giáo hay Kitô giáo, họ đều muốn tìm hiểu chiều sâu của Thánh ý Thiên Chúa qua ngôn ngữ diễn đạt của con người.

Giáo phụ Origène nói: "để đọc Kinh thánh một cách có hiệu quả, chúng ta cần phải đọc một cách thường xuyên, với sự tập trung và trong tinh thần cầu nguyện". Năm 220, chính ngài là người đầu tiên đã đưa ra 4 nguyên tắc của lectio divina cho Giáo hội Kitô giáo, các nguyên tắc này dựa trên 4 ý nghĩa Kinh thánh của ngài: lịch sử, phúng dụ, ngụ ý và loại suy.

Thánh Ambrôsiô đã đưa lectio divina vào Âu châu. Các thánh Pâcôm, Augustinô, Basile thành Cêzarê, Biển đức thành Nursi, đã xếp lectio divina, làm việc tay chân và việc tham dự vào đời sống phụng vụ, và xem như là ba trụ cột của đời sống các tu sĩ.

Khoảng năm 1150, tu sĩ Guigues thứ 1 le Chartreux[181], đã hệ thống hóa 4 giai đoạn của lectio divina trong tác phẩm Scala claustralium (các bậc thang của tu sĩ)[182]: đọc, chiêm niệm (méditation), cầu nguyện, chiêm ngắm (contemplation). Và dần dần, phương pháp này được áp dụng cho tất các Kitô hữu, linh mục, phó tế và giáo dân. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Dei Verbum, và sau đó Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị và Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã động viên những người Kitô hữu trong việc tu đức này.[183]

Chúng ta cũng nên nhắc lại ba đặc tính của lời Thiên Chúa: Mặc khải, sinh sản, và hiệp thông với Đức Kitô. Theo tinh thần này, chúng ta thực thi mỗi ngày hay hằng tuần lectio divina:

1) Đọc (lectio): chúng ta lắng nghe lời Thiên Chúa một các tập trung, vì khi lời Thiên Chúa được đọc lên, chính Ngài đã hiện diện lúc đó. Việc lắng nghe này đòi hỏi thinh lặng, sẵn sàng, tự do và chú ý.

Người đọc cũng như người nghe phải đạt mình vào trong một khung cảnh an bình, thư giản, gạt bỏ ra ngoài những suy tư lo lắng, và không vận dụng trí óc để phê phán và suy nghĩ. Lectio  là một mở ngỏ, khai tâm chứ không phải một chinh phục.

Chúng ta có thể đọc và lắng nghe một lần thứ hai hay thứ ba, để lời Thiên Chúa thấm vào hồn.

2) Chiêm niệm (méditation): sau khi lắng nghe lời Thiên Chúa trong thinh lặng, chúng ta bắt đầu chiêm niệm, suy nghĩ. Chúng ta phải tránh việc muốn lý luận và tìm tòi diễn giải bản văn và tìm các áp dụng cho đời sống. Chúng ta phải cẩn trọng trong suy niệm, đừng lấy mình làm trung tâm điểm, nhưng đưa chính mình đến Thiên Chúa. Trong giai đoạn này, chúng ta cũng lắng nghe suy niệm và chia sẻ của những người khác, lời Thiên Chúa đến qua kinh nghiệm của họ làm thức tỉnh chính mình.

Khi gặp các điều khó hiểu, chúng ta dựa vào các thông tin trong các ghi chú dưới cuối trang của các sách Kinh thánh có giải thích.

Và chúng ta cũng nên ghi chép lại những gì mình đã nhận được từ lời Thiên Chúa.

3) Cầu nguyện (oratio): và dần dần sau khi lắng nghe và suy niệm lời Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu làm những cầu nguyện từ các lời Kinh thánh, bằng các ngôn từ đơn giản, những câu nói ngắn gọn, nâng đỡ cho một cầu nguyện nội tâm sâu thẳm. Lời cầu nguyện nội tâm là động lực phát ra từ tâm hồn, một chiêm ngắm trước vĩ đại và sắc đẹp của mầu nhiệm mặc khải.

Lời cầu nguyện, nuôi sống bởi lời Thiên Chúa, có thể giống như các lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh, trong sách Diễm Ca, trong Tân ước: thờ lạy, ngợi khen, tin tưởng, tạ ơn, xin ơn hoán cải và tha thứ, khẩn xin.

4) Chiêm ngắm (contemplation): trong thinh lặng Thiên Chúa, con người cảm nhận được sự sống viên mãn ban tặng cho mình. Với tâm hồn trầm tư, người cầu nguyện đi vào an bình. Cái nhìn của họ được soi sáng bởi ánh sáng vĩnh cữu và tấm lòng của họ hướng về của cải không hư mất: chính lúc này, l’oratio, lời cầu nguyện trở nên chiêm ngắm. Quả tim và tâm hồn con người gắn liền với Đấng Tạo Dựng.

Chiêm ngắm là món quà mà Thiên Chúa đã nối kết chúng ta  với Ngài, là sự nghĩ ngơi trong tình yêu tuyệt đối. Sự nghỉ ngơi này biến đổi tâm hồn của chúng ta, và cho phép chúng ta thành tất cả đối với Thiên Chúa. Chiêm ngắm là ca tụng vương quyền của Ngài, sự bao la và rộng luợng của ân huệ, và tuyên xưng rằng chúng ta thuộc về Ngài, ở trong Ngài, và nhờ Ngài.

Lectio divina làm hiện diện các dấu chỉ Thiên Chúa trong các hành vi và lời nói của chúng ta hằng ngày.[184]

Linh thao

Linh Thao là một phương pháp cấm phòng theo tác phẩm  les exercices spirituelles, bao gồm việc cầu nguyện và chiêm niệm một cách tiệm tiến, viết bởi thánh Inhã Loyola (1491-1556)[185] qua kinh nghiệm tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của ngài. Sách được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó được dịch ra tiếng La tinh, được phê chuẩn bởi Đức Giáo hoàng Phaolô III (31 tháng 07 năm 1548, Pastoralis Officii).

Tiếng Việt đã dịch phương pháp này với thành ngữ "linh thao": linh là thiêng liêng, là tinh thần; thao là luyện tập, thao tác; là phương thức rèn luyện nội tâm trong thinh lặng và qua cầu nguyện, dựa theo kinh nghiệm và những lời khuyên của Thánh Inhã Loyola.[186]

Thánh sáng lập dòng Tên  đã đề nghị một tiến trình cấm phòng kéo dài một tháng. Các suy niệm, chiêm ngắm và lập lại trong mỗi ngày sẽ giúp người cấm phòng thấy rõ hơn trong đời sống và hướng họ tới thánh ý Thiên Chúa. Sách Les exercices spirituelles, có thể được xem như một cuốn hướng dẫn những người linh hướng trong thời kỳ cấm phòng.

Trong tuần lễ thứ nhất, người cấm phòng nhận thức được hiện hữu của sự dữ, dối trá và tất cả những gì dẫn đến cái chết trong thế giới và trong chính họ. Người cấm phòng đối diện với sự thật và nhận ra tội lỗi của mình để trông cậy hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Một cách chung, tuần lễ đầu tiên sẽ kết thúc với bí tích hòa giải.

Tuần lễ thứ hai là quãng đường đồng hành với Đức Giêsu Kitô trong đời sống của Ngài ở miền Galilê. Quãng đường khởi đầu với mầu nhiệm nhập thể và kết thúc với biến cố lễ lá. Cha hay người linh hướng có thể lựa chọn thêm một vài khung cảnh hay biến cố của đức Giêsu Kitô mà thánh Inhã không đề cập đến trong sách. Người linh hướng luôn thích nghi với các nhu cầu thiêng liêng của người cấm phòng trong các lần nói chuyện riêng với nhau. Trong các suy niệm, người cấm phòng xin một ơn huệ và một nhận biết trong nội tâm giúp dẫn dắt đời sống mới của họ. Tuần lễ này kết thúc bằng một suy nghĩ khởi đầu cho một lựa chọn trong đời sống: theo hay không theo bước Đức Kitô.

Trong suốt tuần lễ thứ ba, người cấm phòng sống với Đức Kitô mầu nhiệm khổ nạn của Ngài: từ Bethania đến đến việc mai táng trong mồ sau khi bị đóng đinh trên thập giá.

Người cấm phòng chiêm ngắm sự phục sinh của Đức Kitô trong tuần lễ thứ tư: Ngài hiện ra với Mẹ Ngài và với các môn đệ của Ngài. Đời sống họ biến đổi: họ tìm thấy trong Đức Kitô phục sinh sức mạnh để rao truyền sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự sống và sự tự do linh thiêng của Ngài.

Tuy không đi sâu vào chi tiết, chúng ta thấy qua sự mô tả này, cầu nguyện, chiêm niệm và chiêm ngắm trong linh thao dựa trên nền tảng Kinh thánh, nhất là các sách Tin Mừng. Hơn nữa trong sách của ngài, thánh Inhã để cho các cha hoặc người linh hướng tự do lựa chọn các bản văn Kinh thánh thích nghi với những người cấm phòng.

Trong bài viết "La Bible dans l’accompagnement spirituel", nữ tu Geneviève MÉDEVIELLE, giáo sư thần học luân lý của Đại học Công giáo Paris đã quan sát tác động lời Thiên Chúa nói chung trong các linh hướng, và trong linh thao nói riêng. Và sau đây là quan điểm của nữ tu MÉDEVIELLE[187]: "Trong mọi trải nghiệm, nhận thức thiêng liêng, như việc lựa chọn ánh sáng Đức Kitô, giả định việc lắng nghe lời Thiên Chúa trong đời sống cũng như trong việc đọc cầu nguyện Kinh thánh. Lắng nghe và đáp trả Lời Thiên Chúa ở đây và bây giờ, như diễn đạt của nhận thức  trong linh thao của thánh Inhã bao gồm việc ‘tìm và thấy thánh ý của Thiên Chúa."[188]

1) Trong phần thứ nhất, nữ tu MÉDEVIELLE minh chứng rằng đọc Kinh thánh cầu nguyện (lecture priante) đã là một trong những bước linh thao. Vì nhận thức trong sự thật và đáp trả lời Thiên Chúa, theo thánh Inhã, là một kinh nghiệm phục sinh. Lời của đấng Tối Cao đòi hỏi con người hòa hợp thâm sâu vào Đức Kitô, người đã dâng hiến thân mình vì tình yêu, một nần cho tất cả trên cây thánh giá. Như thế tiếng đáp trả của người cấm phòng với Thiên Chúa giống như là lời của Đức Kitô ở trong vườn cây dầu ngày nào. Qua việc chiêm ngắm khổ nạn, Thánh Thần Thiên Chúa ban cho người cấm phòng môt sự sống mới.

- Linh thao bao gồm năng lực việc phân định, phê phán và quyết định như một quà tặng của Thánh Linh Thiên Chúa. Thánh Inhã nhận ra việc phân định nhận thức này, như tiến trình tăng trưởng trong đời sống của Thánh Thần, là sự tích hợp giữa ước muốn, tình cảm, phản ứng, và lựa chọn  trong một thái độ hiện sinh hoàn toàn gắn kết với việc bước theo Đức Kitô. Linh thao nhắm mục đích dẫn đưa người cấm phòng đến một tự do thiêng liêng trong việc phục vụ, tình yêu và ca tụng Thiên Chúa. Như thế, trong tiến trình này, hiện hữu một nối kết khá phức tạp qua các giai đoạn, sự tiến triển, và việc đọc lại các yếu tố trong đời sống có dấu vết của thánh ý Thiên Chúa. Và chính nơi này, là chỗ thích hợp đễ Lời Thiên Chúa soi sáng và biến đổi con người chúng ta qua tác động của Thánh Thần Thiên Chúa.

- Như thế, đọc Kinh thánh cầu nguyện giả định người linh thao hay trong gặp gỡ linh hướng, người Kitô hữu chấp nhận vượt qua một ngưỡng cửa: một quyết định. Vì khi cầu nguyện, người cấm phòng, mở lòng và tâm trí mình đón nhận Lời Thiên Chúa, và để Lời Ngài thẩm thấu vào trong nội tâm, nguồn gốc mọi hành vi, và nơi chốn chiến đấu thiêng liêng cho các quyết định hợp với đức tin. Vì việc đọc Kinh thánh trong cầu nguyện không phải là việc chiêm ngắm một cách thụ động một bản văn Kinh thánh, nhưng là để Lời Thiên Chúa ủi an, thúc đẩy, đánh thức, và hoà giải chiến đấu nội tâm. Paul Beauchamp, nhà thần học Kinh thánh nói: "trong Kinh thánh, không có gì khác ngoài việc thúc đẩy xáo trộn con người, để họ đi vào việc kính sợ Thiên Chúa đến lúc trở thành môn đệ."[189]

- Nhưng việc đọc Kinh thánh cầu nguyện trong linh thao được  chuẩn bị, xác định, với nhiều cẩn trọng. Các bản văn Kinh thánh được cha linh hướng hoặc tác nhân linh hướng chọn lựa theo tiến trình năng động từ mầu nhiệm nhập thể cho đến Phục sinh. Sự lựa chọn này có mục đích đưa dẫn các người cấm phòng đến việc từ bỏ các thông đồng với tội lỗi, của thế giới và của chính mình, từ bỏ mơ ước toàn năng để tìm thấy niềm vui trong giới hạn, trong nghèo khó, và trong khiêm tốn. Tuy vậy, người linh hướng cũng như người được linh hướng tránh các cạm bẩy của việc đọc Kinh thánh ngoài quy định của đức tin:

a) Phải tôn trọng và trung thành tuyệt đối với các bản văn Kinh thánh.

b) Khi đọc bản văn, phải đặt nó trong bối cảnh.

c) Người được linh hướng hay người cấm phòng chỉ đọc các bản văn lựa chọn bởi cha hay người linh hướng.

2) Trong phần hai của bài viết, nữ tu MÉDEVIELLE nói về cập nhật hóa Kinh thánh. Phương pháp chiêm ngắm trong sách Linh Thao, tuy được nói một cách ngắn gọn, nhưng rất nghiêm nhặt.

- Phải tuân thủ ba tiến trình khai mở sau đây: a) tạo một khung cảnh tâm lý và thiêng liêng dành cho việc chiêm ngắm, b) giới hạn trí tưởng tượng với việc trình bày rõ ràng chủ điễm, c)  chuẩn bị việc tiếp nhận của ý muốn người cầu nguyện.

- Sự chiêm ngắm đòi hỏi tập trung và sự hiện hữu ba khả năng giác quan: thấy, nghe, và xem xét.

- Việc đọc Kinh thánh trong nguyện cầu phải được xác nhận qua các biến chuyển của Thánh Linh...

Việc cập nhật hóa Kinh thánh trong lối đọc cầu nguyện, đi tìm sự thật Lời Thiên Chúa cho cuộc sống, sẽ được minh chứng bởi việc phục vụ các anh em chúng ta trong tình yêu. Như trong phụng vụ, thân thể chúng ta tham dự vào một vai trò sống động trong việc hiểu biết mầu nhiệm, việc đọc Kinh thánh và cập nhật hoá trong đời sống là làm sống lại tình yêu Đức Kitô phục sinh. Theo Đức Kitô, có nghĩa là học biết và làm quen với các cử chỉ và hành vi, tinh thần và sứ điệp của Ngài. Sự chiêm ngắm trong linh thao, trong việc đọc Kinh thánh trong cầu nguyện, là một trường học giáo lý đức tin.

Kinh thánh và giáo lý

Theo truyền thống cổ điển của Giáo hội, giáo lý Công giáo nhịp nhàng theo khuôn mẫu traditio/redditio.

Từ ngữ La tinh traditio có nghĩa là truyền tải, chỉ việc trao cho những người dự tòng các diễn đạt nền tảng của đức tin. Truyền tải là việc tin tưởng của cộng đoàn Kitô hữu đối với những người đang  chuẩn bị nhận lãnh kho tàng căn bản của đức tin. Sự liên hệ giữa cộng đoàn Kitô hữu và các dự tòng không chỉ là một vấn đề sư phạm giáo lý.

Chính Đức Kitô là người nối kết họ với nhau: "Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi mãi cho tới Ngày đó." (2Tm 1,12)

Từ "giáo lý" ở đây được dịch từ chữ "paraqh,kh", có nghĩa là "vật ký gởi". Truyền tải, trước khi có ý nghĩa là một hành động thuyền thông, đã là một nghĩa cử đức tin tác động và đồng hành với Chúa Thánh Thần.

Giáo hội ngày xưa trao ban cho các dự tòng kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha.

Redditio, có nghĩa là "hoàn trả lại", chỉ việc người dự tòng đọc kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha trước cộng đoàn. Việc làm này chứng tỏ rằng, những gì mà cộng đoàn ký thác cho họ, đã trở thành của họ, và có thể tuyên xưng trước mặt mọi người.

Và sau đó, Giáo hội giao phó cho các giảng viên giáo lý có nhiệm vụ truyền tải đức tin qua các "biểu tượng" nền tảng như Kinh thánh - đầu tiên là các Tin Mừng - phụng vụ và các bí tích, kinh Lạy Cha và các kinh khác, các giới răn và việc bước theo Đức Kitô, đời sống trong Giáo hội, các tuyên xưng đức tin... Tất cả những điều này không chỉ có tính cách kiến thức và trí tuệ, nhưng tạo thành con đường đức tin sống động của Giáo hội

Về vấn đề "redditio" (hoàn trả), các Kitô hữu, những người đã nhận các kho tàng này, làm thế nào để trở nên chứng nhân của Đức Giêsu Kitô. Trong thực tế, giáo lý là một công việc mục vụ, một tiến trình giáo dục, nhắm đến sự trưởng thành trong đức tin của các tín hữu và cộng đồng của họ.

Trong Tông huấn Catechesi Tradendae, Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc qua một cách ngắn gọn "nguồn mạch" của giáo lý Công giáo số 27:

"Môn Giáo lý luôn múc nội dung của nó từ một nguồn hằng sống của Lời Chúa được truyền lại trong Thánh truyền và Kinh thánh, bởi vì “Thánh truyền và Kinh thánh làm thành một kho tàng duy nhất của Lời Thiên Chúa, đã được trao phó cho Hội Thánh” như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta. Công đồng muốn rằng “thừa tác vụ Lời Chúa - mục vụ giảng dạy, dạy Giáo Lý, và tất cả các hình thức giáo huấn Kitô khác… - phải được nuôi dưỡng đầy đủ và lớn mạnh trong sự thánh thiện nhờ Lời Kinh thánh” ..."

Sau đó, trong một tài liệu mới hơn, Verbum Domini, của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI. Ngài đúc kết thành quả của Khoá họp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII với chủ đề: Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh, diễn ra từ ngày 05 đến 26-10-2008. Các giám mục duyệt lại việc thực thi những chỉ thị của Công đồng Vatican II về Lời Chúa, Dei Verbum, đồng thời đối phó với những thách thức mới liên quan đến lĩnh vực Lời Chúa.

Trong 3 phần chính của Tông huấn: Verbum Dei (Lời Chúa), Verbum in Ecclesia (Lời Chúa trong Hội Thánh), và Verbum Mundo (Lời Chúa cho Thế giới), chúng ta chú ý đến số 74 ở phần 2 có liên quan đến vấn đề Kinh thánh và giáo lý:

"Một phương diện quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo hội, lúc mà người ta có thể khôn ngoan tái khám phá đặc tính trung tâm của Lời Thiên Chúa, là việc dạy giáo lý; việc giảng dạy giáo lý này, dưới các hình thức và theo các giai đoạn khác nhau, phải luôn luôn đồng hành với Dân Thiên Chúa...(Lc 24,13-35), theo một nghĩa nào đó, biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý tập trung vào việc “giải thích Kinh thánh”, mà chỉ duy Chúa Kitô mới có thể ban cho (Lc 24,27-28), khi chỉ cho thấy Kinh thánh được hoàn tất nơi bản thân Người...

... Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý “phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; ... chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn văn Kinh thánh – đặc biệt những đoạn văn nói về các Mầu nhiệm Kitô giáo. Công việc dạy giáo lý luôn luôn hàm chứa việc kết hợp Kinh thánh với đức tin và Truyền thống Giáo hội, sao cho những lời này được nhận thức là những lời hằng sống,..."

Giáo hội đã mở ra cho chúng ta các viễn cảnh quan trọng trong giáo lý khi đặt Kinh thánh làm trọng tâm của việc truyền tải đức tin. Thế giới vận chuyển không ngừng và con người đang sống trong các bối cảnh văn hóa luôn đổi mới. Việc nhấn mạng vai trò và nội dung của Kinh thánh cũng sẽ giúp cho con người tìm lại nguồn cội của tình yêu. Ngày hôm nay, với internet và các mạng xã hội, người ta có thể tiếp cận ngay đến các bản văn Kinh thánh, như thể là người ta có thể nắm bắt thông tin và sự thật ở trạng thái thô sơ không cần qua các trung gian. Việc này có thể đưa đến hai hệ quả: một cách đọc theo lối bảo thủ và nệ cổ, không lấy khoảng cách với các dữ kiện trong các bản văn, hai là lấy một cách đọc theo lối chủ quan, có khuynh hướng tương đối hóa các bản văn linh thiêng theo các diễn giải rất cá nhân.

Chính trong hoàn cảnh này, giáo lý cần phải đặt trọng tâm trên lời Thiên Chúa. Có nghĩa là chúng ta không chỉ hài lòng với việc tường thuật lại các mặc khải hay các mầu nhiệm trừu tượng. Nhưng giáo lý mời gọi con người học biết lắng nghe đức Giêsu Kitô qua lời của Ngài, và đọc thường xuyên Kinh thánh như là một lương thực nuôi sống đức tin.

Như thế,  giáo lý ngày nay phải suy nghĩ và nên tránh hai lối cách truyền tải đức tin sau đây:

- Nên tránh việc coi Kinh thánh như là một bộ tài liệu tham khảo, như là một kho dẫn chứng cho các biện luận đức tin của chúng ta.

- Không dùng Kinh thánh để giải thích và lấp đầy khoảng trống giữa đức tin và cuộc sống. Chẳng hạn như chúng ta dùng các bản văn Kinh thánh để minh chứng các chủ đề liên quan đến cuộc sống có tính cách luân lý như: tình bằng hữu, chia sẻ, kính trọng... Đó là tất cả giá trị con người, dù ở trong tôn giáo nào, chúng ta cũng phải giữ lấy.

Nhưng Kinh thánh trong giáo lý đưa chúng nhận ra sự thật của tình yêu và con đường hy sinh của đúc Kitô. Và như thế, dù đau khổ và thất bại trăm lần, niềm hạnh phúc của chúng ta vẫn chính là Thiên Chúa.[190]

Kết luận chương 5

Trong bước đường vừa mới đi qua, chúng ta biết rằng lời Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho một số người, các nhà chú giải, hay những người nghiên cứu, nhưng là Lời mà Thiên Chúa muốn bày tỏ cho tất cả, cho các những người đã tin vào Thiên Chúa, Do thái giáo, cũng như Kitô giáo nói riêng và sau đó cho thế giới nói chung.

Trong cuộc hành trình này, tuy rằng chúng ta không thể thăm viếng qua tất cả các nơi chốn thể hiện Lời Thiên Chúa, nhưng qua cộng đoàn phụng vụ, gặp gở linh hướng, hay tham dự giáo lý. Các Kitô hữu đã có may mắn và hạnh phúc gặp gỡ chính đức Giêsu Kitô, Con một của Thiên Chúa, để trở nên các nhân chứng tình yêu của Ngài trong thế giới. Chúng ta rút tỉa ra ba kết luận sau đây.

1) Tất cả mọi người đều có thể tiếp cận Lời Thiên Chúa. Vì yêu thương Thiên Chúa hạ cố đến với loài người qua Kinh thánh.[191] Công đồng Vaticanô II đã mời gọi các tín hữu một cách rõ rằng:

"Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những ai phục vụ Lời Chúa cách chính đáng, với tư cách là phó tế hoặc giảng viên giáo lý, phải gắn bó với Kinh thánh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng”, trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó cho họ. Cũng vậy, thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh .» (số 25, Dei Verbum) .[192]

Chẳng hạn như một người cha, nếu ông không cúi xuống để bồng bế, thì đứa con thơ đang nằm bệt dưới đất không thể tự đứng lên và với tới người cha nó. Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta cũng như thế qua Kinh thánh.

Mỗi người chúng ta, ai cũng có thể đón nhận món quà cao quý này của Thiên Chúa, dù ở nhà chúng ta, trong gia đình hay trong cộng đoàn Giáo hội.

2) Vai trò trung gian của Giáo hội trong việc đưa Lời Thiên Chúa đến với muôn dân. Công đồng Vaticanô II xác định:

"Giáo hội luôn tôn kính Kinh thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh truyền, Kinh thánh đã và đang được Giáo hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Kinh thánh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Kinh thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn...» (Dei Verbum, số 21).[193]

Ngày nay, Giáo hội Công giáo đã ý thức nhiều hơn về sức mạnh của Lời Thiên Chúa trong tất cả hoạt động của Giáo hội. Nhờ vậy, người Công giáo cũng bắt đầu ý thức vào việc nghe đọc và học hỏi Kinh thánh trong đời sống.

3) Tương quan giữa các Kitô hữu và những người được sai loan truyền Tin Mừng. Trong chương này, chúng ta đã không bàn đến một cách kỹ lưỡng vai trò của các mục tử, các giảng viên, hay các nhà nghiên cứu Kinh thánh, chúng ta cũng không nói đến bản chất và hiệu quả của các bài giảng[194], các bài viết về Kinh thánh, nhưng chúng ta cũng nhắc đến nhiều lần tầm quan trọng của họ trong việc hiểu sâu xa hơn về lời Chúa và giúp chúng ta khỏi lạc hướng.

Công đồng Vativanô II cũng đã nói rõ ràng về điều này: "Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Kinh thánh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng."[195]

Nhưng không chỉ những người có trách vụ giảng dạy, mới phải đọc và nghiên cứu Kinh thánh. Thiên Chúa mời gọi toàn dân Ngài mở tai lắng nghe lời Ngài dạy bảo. Lời nói đánh thức, cho chúng ta tự do, chữa lành, và sáng tạo con người. Thiên Chúa đã chọn phương tiện này để đàm thoại và bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta.  Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta, nếu chúng ta biết lắng nghe, hiểu và trả lời. Giữa Ngài và chúng ta bắt đầu một liên hệ thực, được nuôi sống bằng lòng trung thành và bằng hữu. Chúng ta sẽ nhận ra tình yêu cao cả và chân thật của Ngài. Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy lời thiêng biến đổi tâm hồn và cuộc sống chúng ta.

Như thế, việc đọc Kinh thánh của những người Kitô hữu hướng về việc tuyên xưng đức tin, đức tin này dựa trên nền tảng Lời Thiên Chúa, khi đọc Kinh thánh các Kitô hữu chấp nhận tất cả những gì được viết trong các sách trong Thư Quy Công giáo, chính Lời Thiên Chúa Mặc khải cho loài người.

 

Chú thích:

[180] "La pratique de la lectio divina, si elle est promue de façon efficace, apportera à l'Eglise, j'en suis convaincu, un nouveau printemps spirituel". Benoît XVI, le 16 septembre 2005.

[181] G4uigues 1er Le Chartreux, http://fr.wikipedia.org/wiki/Guigues_Ier_le_Chartreux, tham khảo ngày 27/03/2015.

[182] http://de.wikipedia.org/wiki/Scala_claustralium.

[183] Lectio Divina, theo Wikipedia, http://fr.wikipedia.org/wiki/Lectio_divina, xem ngày 16/03/2015.

[184] Lectio Divina, La Parole de Dieu chaque jour, http://lectiodivina.catholique.fr/accueil/, tham khảo ngày 16/03/2015.

[185] http://fr.wikipedia.org/wiki/Ignace_de_Loyola.

[186] Chính là ý nghĩa mà Thánh Inhã  đã viết trong chú thích đầu tiên giải thích tựa đền của sách ngài : "Par ce terme d’exercices spirituels, on entend toute manière d’examiner sa conscience, de méditer, de contempler, de prier vocalement et mentalement, et d’autres opérations spirituelles, comme il sera dit plus loin. De même, en effet, que se promener, marcher et courir sont des exercices corporels, de même appelle-t-on exercices spirituels toute manière de préparer et de disposer l’âme pour écarter de soi toutes les affections désordonnées et, après les avoir écartées, pour chercher et trouver la volonté divine dans la disposition de sa vie en vue du salut de son âme".

[187] Geneviève MÉDEVIELLE, "La Bible dans l’accompagnement spirituel", trong La Bible, Parole adressée, Lectio Divina 183, Jean-Louis SOULETTI và Henri-Jérôme GAGEY, Cerf, Paris, 2001, tr. 81-93.

[188] Geneviève MÉDEVIELLE, "La Bible dans l’accompagnement...", tr. 81-82.

[189] Paul BEAUCHAMP, Parler d’Ecritures Saintes, Paris, Seuil, 1987, tr. 40. "Il ne s’agit pas d’autre chose dans la Bible, dit Paul Beauchamp, que ce bouleversement de l’homme par lequel on entre dans dans la crainte de Dieu jus’quà devenir disciple." trích dẫn bởi, G. MEDÉVIELLE, "La Bible dans l’accompagnement...", tr. 88.

[190] Pierre-Marie CARRÉ, La Parole du Seigneur (Lời Thiên Chúa), Cahier Évangile, số 163. Về Huấn dụ Verbum Domini, tr. 45-47.

[191] "Vậy trong Kinh thánh, tỏ hiện sự “hạ cố” kỳ diệu của Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu, mà vẫn không làm tổn thương sự chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa, “để chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” . Quả thế, các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người" (Dei Verbum, số 13).

[192] Dei Verbum, số 25, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/HienChe/DeiVerbum/03PhanHai.html, tham khảo ngày 19/03/2015.

[193] Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vatican2/verbum06.htm. Tham khảo ngày 19/03/2015.

[194] Đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói về bài giảng, nhất là trong tông huấn Evangelii gaudium ở các đoạn 135-159, trong đó ngoài những việc khác, ngài nói : "Bài giảng lễ có một giá trị đặc biệt xuất phát từ bối cảnh Thánh Thể, khiến nó vượt lên trên tất cả các bài giáo lý bởi vì nó là khoảnh khắc cao điểm nhất của sự đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người, trước khi đi vào thông hiệp bí tích. Bài giảng tiếp nối cuộc đối thoại đã bắt đầu giữa Chúa và dân Người. Người nói bài giảng phải hiểu rõ tâm tư cộng đoàn của mình để tìm hiểu đâu là sự ước muốn Thiên Chúa cách sống động nóng bỏng nhất của họ, và ở đâu mà sự đối thoại đầy tình thương yêu này đã bị bóp nghẹn hay đã không sinh ra được hoa trái".

Một "sách phụng vụ" cho các bài giảng được trình bày với báo chí, ngày, 11/02/2015, tại Vatican, bởi bộ trưởng phụng vụ, Đức Hồng Y Robert Sarah, cùng với Đức Cha Arthur Roche thư ký và Cha Corrado Maggioni, SMM, phó thư ký. Một cuốn "sách các bài giảng lễ" như thế đã được các thượng phụ Thượng Hội Đồng giám mục năm 2008 yêu cầu về Lời Thiên Chúa và yêu cầu này đã được ĐGH Biển Đức XVI nhắc lại trong tông huấn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà theo ngài thì "bài giảng không đáp ứng với Verbum Domini lôgic của các phương tiện truyền thông", đã chấp thuận văn bản cuối cùng. Mai Khôi phỏng dịch Un Directoire pour les homélies publié par le Vatican, L'homélie ne répond pas à la logique des moyens médiatiques. Trong Trang Mạng Truyền Thông Giáo Huấn Xã Hội Cống Giáo, http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=2944, tham khảo ngày 19/03/2015.

[195] Dei Verbum 25.

---Còn tiếp---

zalo
zalo