Ngày tháng: 31/12/2024
Đang truy cập: 17

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 2/20 Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 2/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Từ thời các giáo phụ[24] đến thời Trung cổ

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu và những người Kitô hữu đầu tiên đọc Kinh thánh Do thái. Thánh Phaolô đã viết các thư để dạy dỗ, khuyên bảo và nâng đỡ các cộng đoàn ngài đã thành lập. Khi các tông đồ đã dần dần ra đi, các sách Tin Mừng bắt đầu xuất hiện. Và mãi đến đầu thế kỷ thứ hai sau Đức Kitô, ở La mã, thánh Justin[25] (sau này tử đạo), đã có nói đến việc đọc những "Hồi ký của các Tông đồ" (Mémoriaux des Apôtres) và "Những bài viết của các ngôn sứ" (Ecrits des Prophètes). Và sau các bài đọc này, luôn có những bài giảng huấn dụ, vì các bài đọc dùng để hỗ trợ cho việc giảng dạy. Để người nghe có thể hiểu, bài đọc và các bài giảng phải được soạn thảo trong ngôn ngữ của những người nghe. Người ở thành phố La mã có thể nghe và nói hai thứ tiếng: La tinh và Hy lạp. Như thế, bộ "Hồi ký của các Tông đồ", sau này trở thành Tân ước, được viết bằng tiếng Hy lạp. Nhưng Cựu ước thì sao? Những người Kitô hữu nguyên thủy đọc Kinh thánh Cựu ước, có lẽ là bản 70, bằng tiếng Hy lạp. Nhưng thời đó, họ cũng biết đến các bản Kinh thánh Cực Ước bằng tiếng Syriac (gần giống tiếng Aram, tiếng nói của Chúa Kitô), tiếng Copte (ngôn ngữ xưa của người Ai Cập), tiếng Ethiôpi, tiếng Gothique. Sự hiện hữu đa dạng các bản thảo, cho chúng ta biết rằng những người Kitô hữu nguyên thủy muốn cho mọi người đọc và hiểu Kinh thánh.

Những bản văn Kinh thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, dần dần được các cộng đoàn Kitô hữu công nhận là Lời của Thiên Chúa, và được xếp vào "thư quy" (canon). Qua đó, chúng ta nhận ra thẩm quyền của Giáo hội. Và dần theo thời gian, người ta đã đi đến việc tạo ra được một danh sách chung về các sách Kinh thánh. Thư quy tập hợp lại những cuốn sách, chứ không phải là một danh sách ngôn từ hay biến cố. Đối với các giáo phụ, những cuốn sách này đã được đón nhận, đọc và hiểu, trong các cộng đoàn Kitô hữu như là thức ăn nuôi dưỡng đời sống đức tin. Kinh thánh, đối với các ngài, chính là Lời của sự sống. Như thế, Lời này, phải được giảng giải sau khi đọc.

Để giúp cho việc giảng giải Kinh thánh, các giáo phụ đưa ra các quy tắc chú giải; chẳng hạn như, những quy tắc của thánh Grégoire thành Nysse hay của thánh Irénée thành Lyon. Nói một cách chung, các giáo phụ đã nghiên cứu 4 nghĩa của Kinh thánh của Origène: nghĩa của bản văn (sens littéral) hoặc nghĩa lịch sử; nghĩa phúng dụ (sens allégorique), nghĩa này cho phép chúng ta vượt qua giới hạn dữ kiện và chỉ cho chúng ta những gì phải tin; nghĩa ẩn dụ (sens tropologique) hoặc nghĩa luân lý, nghĩa này không những dạy cho chúng những điều phải tin, những còn những điều phải làm; và cuối cùng là nghĩa anagogique hoặc nghĩa thiêng liêng (mầu nhiệm), ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong Lời Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta biết mục đích tương lai của đức tin.  Như vậy, các giáo phụ không phải là những người đọc Lời Chúa một cách ngây thơ và hời hợt, họ đã dùng các công cụ để giảng giải, để tìm thấy đâu là thánh ý Thiên Chúa.

Các giáo phụ rất ưa thích một các đặc biệt phương pháp phúng dụ (allégorie). Origène d’Alexandrie, tuy không được phong thánh, một giáo phụ có uy tín nhất và cũng là nhà chú giải phong phú nhất thời đó. Ngài muốn dùng lại những phương pháp của thánh Phaolô để chú giải Kinh thánh. Ngài viết trong bài giảng thứ V của ngài về sách Xuất Hành rằng thánh Phaolô đã "dạy Giáo hội đến từ các dân tộc mà ngài đã thiết lập, phương pháp giải thích các sách của Lề luật" (Hom. in Ex 5,1). Theo ngài, những người Kitô hữu đến từ các dân tộc có thể diễn giải sai lầm các sách nầy, vì họ không có quen đọc chúng. Thực ra, theo Origène, thánh Phaolô sợ người dân ngoại giải thích các sách lề luật khắt khe và hạn hẹp như những người Do thái đã làm.

Origène, không những đã cho rằng ông theo sát các phương pháp chú giải của thánh Phaolô, mà còn đưa ra những bằng chứng trong các bản văn sau đây của thánh Phaolô: 1Cr 10,1-11; 2Cr 3,6-18; Gl 4,21-24; Dt 8,5 và 10,1[26]. Theo ngài, tất cả các đoạn văn này được giải thích theo phương pháp "thiêng liêng" hay còn gọi là phúng dụ của Kinh thánh. Ngài thường hay dùng trích dẫn 2Cr 3,7-18 như là một chương trình chú giải của ngài. Trong bài chú giải đoạn sách Xuất Hành 34, 33-34, đoạn này nói đến tấm khăn che mặt toả sáng vinh quang của ông Môsê, giáo phụ cho rằng chú giải của thánh Phaolô thật tuyệt (Hom. in Ex 12,1). Tấm màn che còn ở lại trên từ ngữ của Cựu ước (2 Co 3,14), và khi người ta trở lại theo Đức Kitô, màn che rớt xuống (2 Co 3,16). Về phần Origène, ngài giải thích rằng, tấm màn che mặt của chúng ta chính là những lo lắng liên quan đến việc thế trần: tiền bạc, ham muốn giàu sang. Trở lại với Đức Kitô, có nghĩa là quay lưng lại và học hỏi Lời Chúa, suy gẫm lề luật của Ngài đêm ngày (Tv 1)...

Theo bà Marguerite HARL[27], người đã bỏ công dịch Kinh thánh bản 70 từ tiếng Hy lạp sang tiếng Pháp, đã tóm tắt phương pháp Origène như sau: 1) tất cả các bản văn Kinh thánh đều có một nghĩa thiêng liêng; 2) đa số các bản văn Kinh thánh, ngay cả trong nghĩa văn chương, cũng cho người đọc một cơ hội, dựa trên sự tương quan, khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng ẩn dấu dưới văn tự; 3) vài văn đoạn Kinh thánh, hiếm hơn, không trực thuộc rõ ràng vào lĩnh vực câu chuyện hay lề luật, các độc giả không thể chú giải được khi đọc chúng; 4) phương pháp để đọc chúng, là phải tìm trong những bản văn này những chữ cũng có trong những đoạn văn có thể diễn dịch được, và bắt đầu bằng những từ ngữ này, để truy tìm trong tất cả sách Kinh thánh, cách thức mà người ta dùng chúng, và giải thích chúng. Khi liên kết những bản văn không thể giải thích với những bản văn, thông qua những từ ngữ được sử dụng trong những bản văn khác nhau, người ta sẽ khám phá ra ý nghĩa chung của các bản văn, ý nghĩa tổng quát, "rải rác" khắp sách Kinh thánh[28].

Nhiều giáo phụ theo phưong pháp của Origène như thánh Hilaire thành Poitiers, thánh Ambroise, thánh Augustinô thành Hippone (354-430). Theo nhà thần học thành Hippone nổi tiếng này, nội dung của hai sách "giao ước" này là một, vì những gì được Mặc khải trong Tân ước đã được ẩn dấu trong Cựu ước. Cả hai bộ sách "giao ước" này bổ túc lẫn nhau. Toàn bộ Kinh thánh (Cựu và Tân ước) giúp ta hiểu Đức Kitô. Muốn được như vậy, chúng ta phải chấp nhận việc diễn giải Kinh thánh, với những diễn đạt khác nhau, phải từ bỏ thói quen khép mình trong lối hiểu theo nghĩa "hẹp". Ở đoạn cuối của cuốn sách Les Confessions, thánh Augustinô viết: "người thì bảo vệ ý này, người khác có ý khác; tại sao không phải là cả hai, nếu cả hai đều thật, và tại sao lại không có thể có ý thứ ba, thứ tư, hoặc còn nữa nếu người ta muốn nhận ra chúng; tại sao không tin rằng Môsê đã nhận thức được tất cả...Tôi ước ao có tất cả những dữ liệu đúng tìm ra bởi mỗi người vang vọng trong những gì tôi nói, hơn là ngồi đó với một ý nghĩa thật khi loại trừ những nghĩa khác, không có gì sai lạc để gây sốc cho tôi cả."[29]

Thật tuyệt vời tư tưởng của thánh Augustinô! Ngài mời gọi mọi người tham gia vào việc đọc và giảng giải Kinh thánh, với điều kiện là điều tìm thấy phải thật, và chặt chẽ.

Ở phương Tây có thánh Augustinô như ta biết, ở phương Đông có Théodore (393-460), giám mục thành Cyr, nhà thần học và sử gia[30]. Ngài viết rất nhiều, và từng bị kết án bởi Giáo hội sau đó lại được công nhận. Không kể đến các công trình sử học và thần học của ngài, chúng ta chỉ nêu ra ở đây các tác phẩm chú giải Kinh thánh của ngài: chẳng hạn, những giảng giải sách Thánh vịnh, sách Diễm ca, các sách Ngôn sứ lớn và nhỏ, và các thư của thánh Phaolô. Ngài cũng có những tập câu hỏi-trả lời về những đoạn văn của "bát kinh" (8 kinh), các sách các Vua và các sách Biên niên sử.

Khi nói về việc đọc Kinh thánh của các giáo phụ, không thể không nói đến thánh Jérôme (Jérôme de Stridon, 347-420). Biết giỏi tiếng La tinh và Hy lạp, thánh Jérôme đã phát triển từ từ bản Kinh thánh thống nhất có tên là Vulgate, được hoàn thành năm 405. Nhờ công trình dịch thuật Kinh thánh của ngài từ những bản văn tiếng Hy lạp[31] qua tiếng La tinh, thánh Jérôme đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển Giáo hội Tây phương. Ngài đã cống hiến tất cả cuộc đời của mình vào việc diễn giải Kinh thánh. Một phần lớn diễn đạt của ngài dựa trên phương pháp "loại dạng thái" (typologie) của Origène.

Khi nghiên cứu một bản văn Kinh thánh, ngài quan sát các bản dịch hiện có, trong tiếng La tinh, Hy lạp và Do thái. Các bản khác nhau này giúp ngài tìm ra ý nghĩa gần nhất của tác giả được linh hứng. Trước tiên, ngài dịch lại bản văn, và kế đến ngài tìm ý nghĩa lịch sử của nó, và sau đó, ý nghĩa phúng dụ của các bản dịch Hy lạp và so sánh chúng. Nói cách khác, ngài không ngại so sánh các bản dịch Kinh thánh để có thể giải thích được những văn đoạn khó hiểu. Trong thư số 120 gởi cho Hédybia, ngài khái niệm hóa phương cách làm chú giải: "trong tim mỗi người chúng ta đếu có được ba mô tả quy luật cũa Kinh thánh. Thứ nhất là phải tìm hiểu ý nghĩa lịch sử, thứ hai theo phưong pháp ẩn dụ (tropologie), thư ba là hiểu theo tâm linh của mình (inteligence spirituelle)"[32]

Sau đó, các nhà chú giải làm những cuốn sách gom tụ các trích dẫn của các giáo phụ , những trích dẫn mà người ta cũng thấy bên lề của các bản văn thánh. Các nhà chú giải Kinh thánh đề nghị đọc Kinh thánh bắt đầu từ một thánh giáo phụ được xem như một đấng có thẩm quyền trong việc này. Đi đôi với việc này, họ truyền bá 4 nghĩa Kinh thánh mà Origène đã thiết lập như chúng ta vừa nói trên đây.

Nói tóm lại, việc giảng giải Kinh thánh thời Trung Cổ, cho đến thế kỷ thứ 14, luôn theo phương pháp của các giáo phụ. Nhưng dần dần, người ta chứng kiến việc tách rời thần học và giảng giải Kinh thánh.

Từ thời kỳ Phục Hưng đến thế kỷ thứ XIX

Thời kỳ Phục Hưng (La Renaissance, thế kỷ XV) mở đầu một giai đoạn mới cho việc chú giải Kinh thánh. Trong thời kỳ này, khoa học và đức tin bắt đầu tách biệt. Kinh thánh được xem như là một chất liệu để nghiên cứu một cách khoa học, chủ nghĩa nhân bản muốn đọc một cách cá nhân các văn bản linh thiêng, yêu cầu dịch các bản văn này trong các ngôn ngữ Tây Âu, để mỗi người có thể đọc được. Các thay đổi quyết định trong lĩnh vực chú giải Kinh thánh đến trong những thế kỷ sau đó.

Vào giữa thế kỷ thứ XVII, xuất hiện Richard SIMON (1638-1712)[33], một nhà chú giải quan trọng, tuy phương pháp và giảng giải của ông bị chỉ trích, không những bị kết án bởi Bossuet (1627-1704), giám mục Pháp, văn sĩ và nhà thuyết giảng, mà còn nhiều người khác nữa vào thời đó. Ông nổi tiếng với tác phẩm Histoire critique du Vieux Testament (Lịch sử có phê phán sách Cựu ước) năm 1678, được tái bản năm 2008[34]. Chính ông đã đưa từ "phê phán" (critique) vào trong ngữ pháp và nhất là trong thế giới chú giải Kinh thánh.

Nghiên cứu của Richard SIMON được trình bày qua ba phần "ba cuốn sách". Cuốn thứ nhất nói về lịch sử dân Do thái từ thời Môsê đến ngày nay (tức là đến thế kỷ của Richard Simon, thế kỷ XVII-XVIII). Cuốn sách này được biết đến nhiều nhất và nó đã gây ra nhiều phản bác và tranh cãi, vì tác giả đã dám nghi ngờ rằng Môsê không phải là tác giả của toàn bộ sách Ngũ kinh như Truyền thống đã nói (tr. 87-318). Cuốn thứ hai phân tích xử lý các bản dịch chính của Kinh thánh (tr. 319-542). Phần này, có lẽ chứa đựng nhiều mới mẽ hơn. Và trong cuốn thứ ba, ông bàn thảo về cách dịch Kinh thánh và nói đến những phương pháp diễn giải Kinh thánh của các tác giả Do thái cũng như Kitô hữu. Trong phần này, Richard SIMON biểu lộ thái độ châm biếm nhất là khi phê phán những đồng nghiệp xưa và nay. Tuy vậy, phải công nhận tầm quan trọng của các tác phẩm của ông, đặc biệt là, ngày nay, ở thế kỷ 21, chúng ta đang biết đến những xứng đáng cũng như các giới hạn của phương pháp phê phán sử quan.

Vậy đâu là những điểm chính yếu của chú giải Richard SIMON? Jean-Louis SKA, giáo sư tại học viện Kinh thánh Rôma, đã vạch ra cho chúng ta thấy 4 trục chính của Richard SIMON trong việc chú giải Kinh thánh[35]. Những "trạng thái bản văn": "Đầu tiên, không thể hiểu hoàn toàn các sách thánh, trừ phi người ta đã biết trước đó những tình trạng lúc mà các bản viết của các sách được tìm thấy tuỳ theo thời gian và nơi chốn khác nhau, và nếu như người ta tìm biết được một các chính xác tất cả những thay đổi đã xảy ra trong bản viết."[36]

Nguyên tắc thứ nhất, tương tự như phương pháp phân tích và phê phán bản viết (critrique textuelle) hiện nay, áp dụng trong chú giải Kinh thánh bắt đầu từ thời Phục Hưng. Phải xác định được bản văn nguyên thủy. Theo Jean Louis SKA, vào thời đó, người ta mới sáng chế ra máy in và việc in ấn sách bắt đầu từ đó, vì thế, khi in Kinh thánh, người ta bắt buộc phải chọn bản thảo tốt nhất giữa các bản khác mà họ đang có.

Nguyên tắc thứ hai là phải đặt câu hỏi về tác giả[37]. Như chúng ta đã nói trên đây, chính  nguyên tắc này đã làm cho Richard SIMON nổi tiếng. Ông dựa trên nó để tìm kiếm tính cách xác thực của các bản văn Kinh thánh, đặc biệt là vấn đề ông Môsê được cho là tác giả của Ngũ kinh.

Nguyên tắc ngắn gọn[38]: Richard SIMON đã lấy và phát triển phuơng pháp này từ giáo phụ Origène. Nguyên tắc này nói rằng những bản thảo mà chúng ta có được là những bản được rút gọn từ những bản chính dài hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây, Richard SIMON đã mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến những hệ quả bất ngờ khác: không phải chỉ có vấn đề các bản thảo khác nhau, nhưng còn phải suy nghĩ đến việc truyền tải bản văn. Đương nhiên các nhà chú giải Kinh thánh hiện nay cũng vẫn rất chú trọng vấn đề này.

Nguyên tắc thứ tư liên quan đến truyền thống truyền khẩu và truyền thống văn bản[39]. Richard SIMON muốn bảo vệ ý tưởng truyền thống, ý tưởng mà Giáo hội Công giáo rất ưa chuộng. Đã từ lâu, cũng như Giáo hội Do thái, Giáo hội chúng ta luôn xác định rằng có một truyền thống truyền khẩu bên cạnh truyền thống văn bản. Tuy khái niệm này có thể biến đổi một chút với thời gian, nhưng vẫn là một trong những điều mà các nhà chú giải phải chú ý. Không phải như một vài người đã nghĩ, khi một bản văn được viết, thì người ta im lặng trên vấn đề đó. Những hình thái truyền khẩu vẫn tồn tại sau khi các bản văn Kinh thánh đã ra đời. Và hai truyền thống có thể đã ảnh hưởng và bổ túc lẫn nhau. Như thế, chúng ta thấy việc đóng góp của Richard SIMON không nhỏ trong lĩnh vực chú giải.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua ông Jean Astruc[40], Tin lành, sinh tại Sauve (Gard) năm 1684 và chết tại Paris năm 1976, tuy là một bác sĩ đã viết nhiều tác phẩm quan quan trọng trong lĩnh vực triết học và y khoa về bệnh giang mai (syphilis) và các bệnh phong tình lây qua đường tình dục (maladies vénériennes), nhưng cũng là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực chú giải Kinh thánh. Năm 1753, ông xuất bản cuốn Conjectures sur les mémoires originaux dont il paraît que Moyse s’est servi pour composer le livre de la Genèse (Những giả thuyết về các hồi ký nguyên thủy trong đó cho rằng Môsê đã dùng để viết sách Sáng Thế). Ông đã chỉ ra được, trong Kinh thánh, và nhất là trong Ngũ kinh, mà theo truyền thống, Môsê là tác giả duy nhất, nhiều đoạn văn xuôi (prosateurs) có thể định căn được qua phong văn của chúng. Như vậy chúng ta có thể nói Astruc là cha đẻ của lý thuyết "tài liệu" (théorie documentaire)[41], một lý thuyết đã ảnh hưởng một thời gian dài trong lĩnh vực chú giải Kinh thánh.

Vào thế kỷ thứ XIX, hầu như các nhà nghiên cứu đều chấp nhận  ý tưởng cho rằng Môsê không thể là tác giả những đoạn văn, nằm trong Ngũ kinh, vì chúng được viết trong khoảng thế kỷ thứ IX và thứ V trước Đức Kitô. Khoảng cuối thế kỷ XIX, Julius Wellhausen[42], một nhà chú giải Kinh thánh người Đức (1844-1918), tuy không là người khởi xướng lý thuyết "tài liệu", đã hệ thống hoá phương pháp và cho nó một tính cách thích đáng mới. Trước đây và sau đó cũng không có ai có thể làm như ông. Vì thế, tất cả tất cả mô thức chú giải trải dài đến năm 1970 đều được gắn kết với tên ông.[43]

Theo Wellhausen (và rất đông những nhà chú giải kế nghiệp đã phát triển và phức tạp hóa lý thuyết này), Ngũ kinh là tác phẩm kết hợp bởi nhiều nguồn tài liệu. Mỗi tài liệu được viết một cách độc lập và được phát hành như vậy. Mỗi tài liệu có thể là tác phẩm của một hay nhiều tác giả đã khai thác các nguồn truyền khẩu hay văn bản được viết trước đó. Giả thuyết của Wellhausen cho rằng có 4 tài liệu cơ bản trong Ngũ kinh. Để dễ dàng nắm bắt, chúng ta trình bày chúng trong bảng tổng kết sau đây:

Tài liệu

Mã số

Niên đại

Tác giả

YAHVISTE (dựa trên YHVH)

J Jahvist

thế kỷ thứ X trước Đức Kitô

Văn sĩ miền nam (Giêrusalem) thuận về chế độ quân chủ trong nước Israël

ELOHISTE

(Elohim: Thiên Chúa)

E

thế kỷ thứ IX hoặc thứ VII trước Đức Kitô

Văn sĩ miền bắc (vương quốc Samarie) ít theo chủ trương quân chủ và ảnh hưởng bởi trào lưu ngôn sứ

DEUTÉRONOME

(Đệ Nhị Luật)

D

Cuối thế kỷ thứ VII trước Đức Kitô (triều đại vua Josias)

Nhà lập pháp ở Giêrusalem

SACERDOTAL (Tư tế)

P Priestercodex

Thế kỷ thứ VII

Các tư tế Giêrusalem bị lưu đày ở miền Babylone

 

Chú thích:

[25] Justin, http://religions.free.fr/2450_peres_eglise/2480-repas-justin.html, tham khảo ngày 25/03/2015.

[26] Vào thời Origène, Thư gởi tín hữu Do thái, được xem như là thư của thánh Phaolô.

[27] HARL, Marguerite, "Introduction à la Philocalie" Philocalie livre 1-20, Des Sources Chrétiennes, 302, Paris, Cerf, 1983.

[28] Marguerite HARL, "Introduction à la Philocalie", Philocalie livre 1-20, et La Lettre à Africanus sur l'histoire de Suzanne (par Origène), Des Sources Chrétiennes, 302, Cerf, Paris, mai 1983, tr.  99.

[29] "l’un défend une idée, un autre une autre idée ; pourquoi pas l’une et l’autre, si elles sont vraies, et pourquoi pas une troisième, une quatrième et tout autre si on peut les apercevoir ; pourquoi ne pas croire que Moïse les a toutes perçues … j’aimerais que toute donnée vraie saisie par chacun eut un écho dans mes paroles, plutôt que d’asseoir une seule idée vraie en excluant les autres où rien de faux ne me choquerait (theo cuốn  XII, 31/42).

[30] Théodore de Cyr, http://fr.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A9odoret_de_Cyr, tham khảo ngày 25/03/2015.

[31] Đa số các bản văn Kinh thánh, cộng với bản 70, được biết trong ngôn ngữ Hy lạp. Hơn nữa, ở các phố Hy lạp (les cités grecques), thường diễn ra những cuộc thảo luận thần học sôi động, trong khi đó, ở phương tây, ít thấy hơn các cuộc họp có tính cách thần học như vậy. Những bản dịch các chú giải Kinh thánh của Origène, cũng như các bài viết của Didyme người mù đã làm giàu kiến thức của những người Kitô hữu La tinh về các tác giả Đông phương.

[32] "Il y a dans notre cœur une triple description qui est la règle des Écritures. La première est de les comprendre selon le sens historique, la seconde selon la tropologie, la troisième selon l'intelligence spirituelle" (lettre 120 § 12, Jérôme de Stridon).

[33] Jean Louis SKA, "Richard SIMON, un pionnier sur les chantiers de la traduction", RSR 2009/2, Tome 97, tr.  307-316.

[34] Richard SIMON, Histoire critique du Vieux Testament (1678), suivi de Lettre sur l’inspiration. Nouvelle édition annotée et introduite par Pierre Gibert, Bayard, Paris, 2008.

[35] Jean Louis SKA, "Richard SIMON, un pionnier sur les chantiers de la traduction", RSR 2009/2, Tome 97, tr.  75-79.

[36] "Premièrement il est impossible d’entendre parfaitement les livres sacrés à moins que l’on ne sache auparavant les différents états où le texte de ces livres s’est trouvé selon les différents temps ou les lieux, et si l’on n’est instruit exactement de tous les changements qui lui sont survenus." (tr. 75, Richard SIMON)

[37] Richard SIMON, tr. 75-76.

[38] Richard SIMON, tr. 78.

[39] Richard SIMON, tr. 80-81.

[40] Jean Astruc, http://fr.wikipedia.org/wiki/Jean_Astruc, tham khảo ngày 25/03/2015.

[41] Thomas RÖMER, Jean-Daniel MACCHI, et Christophe NIHAN (éd), Introduction à l’Ancien Testament, Labors et Fides, Genève 2009, tr.  142.

[42] Julius Wellhausen, http://fr.wikipedia.org/wiki/Julius_Wellhausen, tham khảo ngày 25/03/2015.

[43] Thomas RÖMER, Jean-Daniel MACCHI, et Christophe NIHAN (éd), tr.  143.

---Còn tiếp---

 

 

 

 

 

 

 

zalo
zalo