Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 84

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 20/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 20/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Kết luận tổng quát

Từ một câu hỏi đơn giản lúc đầu - "này người anh em, cậu có biết có một cuốn sách nào đó căn bản, viết bằng tiếng Pháp, tóm gọn và chỉ dẫn cho biết tất cả các phương pháp đọc và chú giải Kinh thánh không?" - đã dẫn dắt chúng ta vào một cuộc mạo hiểm và khám phá thế giới của Kinh thánh và Truyền thống, không những của Giáo hội Công giáo, mà của Do thái giáo và các Giáo hội Kitô giáo khác.

Từ ngữ mạo hiểm nói lên tính các liều lĩnh đi vào trong một lĩnh vực bao gồm nhiều kiến thức và chuyên môn rộng lớn, liên quan không những đến vấn đề đức tin, thần học mà còn về các khoa học nhân văn khác. Nói như thế, để hiểu rằng, những gì được viết ra nơi đây như là một bước khởi đầu khiêm tốn, hy vọng làm sáng tỏ đôi chút những khái niệm khó khăn trong lĩnh vực diễn giải Kinh thánh.

Ở các trường  thần học hay các nơi dạy đọc Kinh thánh, không ai dám đề cập đến tất cả các công cụ đến từ truyền thống trong một cuốn sách, những phương pháp rất khác nhau đến từ lĩnh vực văn học, nhân văn xã hội, cho phép bởi Giáo hội Công giáo chúng ta ngày nay[196], họ chỉ đưa ra một con đường phương pháp cụ thể, thích hợp với các học viên trong một tiến trình khá dài và qua đó các học viên làm quen với một vài phương pháp hay các tiếp cận phân tích được biết đến ngày nay, hầu mong giúp ích cho việc hiểu lời Thiên Chúa và diễn giải Kinh thánh.

Ngoại trừ một vài người, thường xuất thân từ lĩnh vực chuyên môn của họ trong đời thường, họ dùng những phương pháp nhân văn đã quen biết để làm khí cụ cho việc đọc Kinh thánh của họ. Chẳng hạn, bà Marie BALMARY, là một nhà phân tâm học, hành nghề đã hơn 30 năm, và luôn tiếp tục nghiên cứu vấn đề chuyên môn của bà. Vì yêu mến Kinh thánh, bà theo học với một nhà chú giải có tên tuổi Paul BEAUCHAMP, dòng tên, để tiếp cận với Lời Thiên Chúa.

Marie BALMARY bắt đầu với sách Sáng thế, về nguồn gốc con người, và vận dụng kiến thức phân tâm học có sẵn của mình đễ tiếp cận Lời Thánh. Năm 1986, Marie BALMARY xuất bản cuốn Le sacrifice interdit, Freud et la Bible[197], đọc về ý nghĩa một hy tế không xảy ra, hy tế của Issac. Bà ta vẫn luôn tiếp tục đọc Kinh thánh với tiếp cận phân tâm học này. Và thường như thế, những người đã có được những kiến thức nhân văn có sẵn trong quá trình học và làm việc của mình, dùng cho việc tìm hiểu sâu xa và phong phú hơn Lời của Thiên Chúa.

Chú giải Kinh thánh, một lịch sử sống động

Như chúng ta đã thấy trong lịch sử diễn giải Kinh thánh, chú giải được định nghĩa như một nghiên cứu sâu xa  và có tính cách phê phán một bản văn. Công việc này được thực hiện với tất cả các bản văn vào thời, vào thế kỷ II trước Đức Kitô. Nguời ta đã chú giải một cách nghiêm túc các bản văn của thi hào Homère. Trước khi có chú giải Kitô giáo, người Do thái  đã được thực hiện công việc này để đọc các bản văn Kinh thánh. Các giáo phụ, những nhà thần học đầu tiên của Giáo hội Kitô giáo đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm phân tích giải thích các bản văn Kinh thánh. 

Vào thế kỷ thứ XIX, các tiếp cận phân tích và phê phán các bản văn Kinh thánh nở rộ và phát triển một cách phong phú. Phương pháp phê phán sử quan đã chiếm ưu thế và chinh phục các nhà chú giải. Lúc đầu, Giáo hội Công giáo đã dè dặt với phương pháp chú trọng đến lịch sử của bản văn, sau đó đến năm 1943, như chúng ta thấy, Tông thư Divino afflante Spiritu của Đức Giáo hoàng Piô XII, đã cởi bỏ việc kiểm duyệt gắt gao các chú giải.

Marie-Joseph LAGRANGE và Roland de VAUX, hai nhà chú giải đã có công rất lớn trong việc bắt đầu và phát triển phương pháp phê phán sử quan tại Pháp, đã gặp nhiều khó khăn lúc đầu, để thuyết phục phái bảo thủ trong Giáo hội chấp nhận phương pháp này, hay nói đúng hơn là họ phải đối đầu với việc hòa hợp lý thuyết lịch sử các bản văn với thần học linh hứng Kinh thánh.[198]

Trong thế kỷ XX, nhiều phương pháp và tiếp cận mới đã xuất hiện, phân tích thuật chuyện, Tu từ học, ký hiệu học,..., phương pháp phê phán sử quan tuy vẫn luôn chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong chú giải. Giáo hội, nhất là Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, đã khuyên các nhà chú giải nên dùng các phương pháp khác nhau để hỗ trợ cho nhau trong vấn đề nhận biết ý nghĩa Lời Thiên Chúa.

Một hiểu biết mới về ý nghĩa và sự thật

Và ngày nay, ảnh hưởng bởi các triết học đương thời, của triết gia Heidegger, Gadamer, Paul Ricoeur, người ta nhận ra rằng ý nghĩa Kinh thánh không phải đơn thuần là ngữ nghĩa chất chứa trong các bản văn, mà một gặp gỡ năng động giữa nhiều yếu tố: sách, tác giả, người đọc, và nhiều tác nhân khác. Vì thế, ý nghĩa Lời Thiên Chúa không tự áp đặt cho một độc giả thụ động. Gadamer, như chúng ta đã nhắc đến, nghĩ rằng việc hiểu biết một tác phẩm có liên hệ rất chặt chẽ với trải nghiệm hiện sinh của người đọc; trong chú giải một bản văn, ý nghĩa mở rộng về phía người đọc hơn là người viết.[199]

Như thế, phương pháp đọc tường thuật hay chuyện kể, một phân tích đồng đại, khác với phương pháp lịch đại phê phán sử quan,  đã chú ý đến việc trao đổi thông điệp giữa tác giả và độc giả, vì người đọc chính là thành phần năng động của truyền thông giao tiếp này. Người ta khám phá ra giữa câu chuyện được viết và thế giới của nó xen lẫn vào các thao tác của việc đọc bản văn. Nhờ việc đọc, độc giả sẽ đạt đến việc xây dựng và cư ngự một thế giới mà bản văn đã đề nghị cho họ.[200]

Từ một tiếp cận chú tâm vào các quy luật soạn thảo bản văn và các dữ kiện lịch sử, người chú giải thời nay hướng phân tích của mình đến sự tiếp nhận bản văn. Nói như thông diễn học, bản văn chờ đợi những gì người đọc góp phần vào. Điều chính yếu của ý nghĩa hướng về biến cố "đọc". Phương pháp thuật chuyện đã nắm lấy các phân tích văn chương và dựa trên khoa triết học ngôn ngữ và diễn đạt. Người đọc sẽ khám phá những gì còn ẫn dấu trong bản văn, những gì không được nhắc đến một cách tỏ tường.

Việc đọc Kinh thánh là một mạo hiểm khám phá rất năng động, đòi hỏi khả năng và tâm tưởng của người đọc cũng như những gì học nắm bắt được từ tác giả. Triết gia người Pháp Paul RICOEUR đã cố gắng lý thuyết hóa sự dấn thân của người đọc bằng nhiều cách thức, khi nói rằng ý nghĩa tách ra từ bản văn được lấy lại bởi người đọc, ý nghĩa mà họ đã trải nghiệm trong cuộc sống...[201]

Những nguời chủ trương đọc Kinh thánh theo phương pháp sử quan, phương pháp muốn đi tìm bản văn gốc, hoặc cho rằng, qua bản văn họ có, họ có thể tìm thấy ý nghĩa của người viết. Như thế ý nghĩa tùy thuộc vào tác giả đã định một lần cho tất cả. Và cuộc tranh cãi giữa các nhà chú giải theo phương pháp lịch đại và những người áp dụng phương pháp đồng đại đã giảm dịu đi rất nhiều.

Thật ra các cuộc tranh cãi về ý nghĩa giữa các nhà chú giải ảnh hưởng bởi các phương pháp đọc Kinh thánh khác nhau này, xét cho cùng không hợp với Lời hằng sống của Thiên Chúa luôn muốn tỏ hiện với con người bằng nhiều cách khác nhau, như ta đã thấy qua phụng vụ, cầu nguyện, giáo lý và linh thao. Các tín hữu không cần phải trở nên thông thái để có thể đón nhận Lời Thiên Chúa, Lời nuôi sống chính đức tin của họ. Nữ tu Geneviève MEDÉVIELLE đã viết khi suy nghĩ về việc đón nhận ý nghĩa Lời Thiên Chúa trong linh thao và các gặp gỡ linh hướng: "Nhưng chúng ta cũng có thể trải nghiệm một bất ổn khi nghe một bài đọc không có tiếng vang nào trong lòng chúng ta và cho chúng ta. Công cụ phê phán sử quan đã thực sự đào sâu khoảng cách giữa người đọc và bản văn Kinh thánh, đến nỗi mà người đọc đã quên mất sự liên đới riêng biệt đức tin với những kẻ người mà đức tin của họ được đặt để trong bản văn."[202]

Nhờ tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, Ý nghĩa Lời Thiên Chúa luôn là lương thực tươi mới cho đời sống của tất cả ngững người tin vào Thiên Chúa và cho Giáo hội.

Viễn cảnh của việc đọc Kinh thánh

"Giáo hội, dân Thiên Chúa, đã ý thức được giúp đỡ bởi Chúa Thánh Thần trong việc hiểu biết và diễn giải Kinh thánh"[203] và đã chỉ cho chúng ta, những người tín hữu, thấy những viễn cảnh mới việc đọc và tiếp cận Kinh thánh:

- Trải nghiệm Lời Thiên Chúa, trong cuộc sống cộng đoàn một cách bền vững, qua việc tìm hiểu sâu xa và giải thích một các tiệm tiến Mặc khải đón nhận.

- Ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn tác động trong mọi tiếp cận với Lời Thiên Chúa, Ngài là Thần Khí của sự thật (Ga 16,12-13).

- Mầu nhiệm Đức Kitô luôn là trung tâm điểm của Kinh thánh (Dei Verbum, 14-16).

Từ viễn cảnh này, Giáo hội đưa ra các "kim chỉ nam" cho các nhà chú giải, cho các hoạt động mục vụ và phụng vụ, cho các tín hữu, người đọc Lời Thiên Chúa:

- Trước tiên, các nhà chú giải Công giáo, có nhiệm vụ học hỏi, nghiên cứu và giải thích Kinh thánh với mục đích đem tất cả giàu có của ý nghĩa Lời Thiên Chúa đến cho các mục tử và tín hữu. Họ chú ý đến tính cách lịch sử của Mặc khải Kinh thánh[204], nhưng không bao giờ quên rằng các bản văn viết bởi các tác giả con người chính là Lời Thiên Chúa. Họ phải luôn đặt trọng tâm chú giải vào Kitô học, vào mầu nhiệm Đức Kitô và truyền thống của Giáo hội và cũng nên chú ý đến tính cách phổ quát của Lời Thiên Chúa, có nghĩa là chú ý đến những chờ đợi nơi các tôn giáo và của thế giới hiện nay.[205] Giáo hội cũng không quên nhắc lại các nhiệm vụ chính yếu của những nhà chú giải: nghiên cứu, giảng dạy và xuất bản.[206] Tương quan giữa Kinh thánh và các môn Thần Học khác, chỉ cần nhắc lại câu xác quyết này của Giáo hội: "việc nghiên cứu Kinh thánh" có thể một cách thực thụ là "linh hồn của Thần học" (Dei Verbum, số 24).[207]

- Thứ đến, viễn cảnh cập nhật hoá Kinh thánh trong đời sống không chỉ là một cần thiết cho đức tin người Công giáo, nhưng đó cũng là việc minh chứng sự thật của Lời Thiên Chúa luôn sống động và luôn mới.

Giáo hội đưa ra trước tiên các nguyên tắc tại sao phải luôn cập nhật hóa Lời Thiên Chúa: a) sứ điệp Kinh thánh luôn tương đối hóa và làm triển nở và phong phú hóa hệ thống giá trị và các tiêu  chuẩn hành vi cư xử của mỗi thế hệ, b) sứ điệp Thiên Chúa luôn có giá trị bền vững và vượt thời gian, c) sứ điệp Tin Mừng gắn liền với tính năng động của truyền thống sống của cộng đoàn đức tin.

Từ các nguyên tắc này, Giáo hội đưa ra ba phương pháp: a) Kinh thánh giải thích Kinh thánh, b) một chú giải tuân thủ theo một con đường phương pháp nghiêm túc và khách quan, c) theo con đường của Thông diễn học.

Và Giáo hội cũng nói đến các giới hạn của việc cập nhật hóa Kinh thánh: a) tránh các cách đọc theo khuynh hướng và bè phái, b) tránh các lý thuyết chống lại các hướng đi nền tảng của Kinh thánh, c) tránh các cập nhật hóa đi ngược công lý và bác ái Kitô giáo, và chú trọng đến tinh thần của Công đồng Vaticanô II (Nostra Aetate, 4).[208]

- Viễn cảnh trong việc đọc Kinh thánh cũng nhắm vào việc hội nhập văn hóa,  trên nền tảng thần học nói rằng "Lời Thiên Chúa siêu vượt các nền văn hóa trong đó Lời Ngài đã diễn đạt và có khả năng lan truyền trong các văn hóa khác, để đạt đến tất cả con người trong bối cảnh văn hóa nơi họ sống .’’[209] Cụ thể, hội nhập văn hóa có nghĩa là - a) dịch Kinh thánh trong ngôn ngữ địa phương, - b) diễn giải sứ điệp Kinh thánh tương hợp với cách cảm nhận, suy nghĩ, và cách sống trong bối cảnh văn hóa cá biệt, c) không chỉ theo một chiều duy nhất, mà phải thấy được sự triển nở hỗ tương.[210]

Giáo hội không quên các nơi chốn quan trọng qua đó tất cả các tín hữu được nuôi sống bằng Lời Thiên Chúa, mà chúng ta đã đề cập một vài yếu tố phổ thông trong chương V, chương cuối cùng của sách này: Phụng vụ, lectio divina, công tác mục vụ, và trong hiệp thông giữa các Giáo hội Kitô giáo.[211]

Tuy sách đã dài, nhưng cũng không thể đề cập đến tất cả những gì liên quan đến việc đọc Lời Thiên Chúa. Hy vọng là các vần đề nêu ra trong đây sẽ khuyến khích và cổ võ chúng ta trong việc đi tìm gặp gỡ chính Đức Kitô qua Lời của Ngài, quà tặng vô giá ban tặng cho nhân loại.

Chú thích:

[196] L'Interprétation de la Bible dans l'Eglise : Allocution de sa Sainteté le pape Jean-Paul II et document de la Commission biblique pontificale, Broché, Paris, Cerf, 1994.

[197] Marie BALMARY, Le sacrifice interdit : Freud et la Bible, Paris, Grasset, 1986.

[198] Guy COUTURIER (giám đốc xuất bản), Les patriarches et l’histoire, Paris-Montréal, Cerf(lectio divina)-Fides, 1998.

[199] Hans Georg GADAMER, Warheit und Methode. Grundzüge einer philosophischen Hermeneutik, Türbingen, Mohr Siebeck, 1990.

[200] Anne-Laure ZWILLING, "Lire et interpréter : l’exégèse, le texte et le lecteur, trong Lire et interpréter, les religions et leurs rapports aux textes fondateurs, Genève, Labor et Fides, 2013, tr. 210.

[201] Paul RICOEUR, Temps et récit. Tomme III : Le temps raconté, Paris, Le Seuil, 1985.

[202] "Mais nous avons pu aussi expérimenter le malaise d’une lecture qui ne semble avoir aucun écho en nous et pour nous. L’outillage historico-critique a si fortement creusé la distance entre le sujet lecteur et le texte biblique, que le lecteur en est venu à oublier sa propre solidarité croyante avec ceux dont la foi s’est déposée dans ces textes". Geneviève MEDÉVIELLE, "Dans l’accompagnement spiriruel", trong La Bible, Parole adressée, xuất bản bởi Jean Louis SOULETTIE và Henri Jérôme GAGEY, Lectio Divina 183, Paris, Cerf, 20O1, tr. 83.

[203] L’Interprétation de la Bible dans l’Église, Commission Biblique Pontificale, Paris, Cerf, 1994, tr. 84.

[204] Khi nói đến tính cách lịch sử của Kinh thánh, Giáo hội luôn nhắc nhở các nhà chủ giải sử dụng phương pháp sử quan như sau : "En conséquence, les exégètes ont à se servir de la méthode historico-critique. Ils ne peuvent, toutefois, lui attribuer l’exclusivité. Toutes les méthodes pertinentes d’interprétation des textes sont habilitées à apporter leur contribution à l’exégèse de la Bible". L’Interprétation de la Bible dans l’Église, tr. 92.

[205] L’Interprétation de la Bible dans l’Église, tr. 94.

[206] L’Interprétation de la Bible dans l’Église, tr. 94-97.

[207] L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise, tr. 99.

[208] L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise, tr. 106.

[209] "... la Parole de Dieu transcende les cultures dans lesquelles elle a été  exprimée et a la capacité de se propager dans les autres cultures, de façon à atteindre toutes les personnes humaines dans le contexte culturel  où elles vivent". L’Interprétation de la Bible dans l’Église, tr. 107.

[210] L’Interprétation de la Bible..., tr. 107-109.

[211] L’Interprétation de la Bible..., tr. 109-116.

---Còn tiếp---

zalo
zalo