Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 220

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 3/20 Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

 

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 3/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Trong thời gian đầu, tài liệu E, phát xuất từ vương quốc miền bắc (Samarie), được đem đến Giêrusalem sau khi thành phố Samarie sụp đổ năm 722. Và từ đó nó được trộn lẫn với tài liệu J, tạo thành tài liệu JE (document jéhoviste).

 

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/bf/Modern_document_hypothesis.svg/300px-Modern_document_hypothesis.svg.png

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau thời lưu đày ở Babylone (582-538), tài liệu tư tế (P) đã thêm vào nhựng đoạn văn có tính cách pháp luật và trở thành Ps, sau đó lại hòa trộn với JE để cho bộ Tétrateuque (JEP), bốn cuốn đầu của Kinh thánh. Cuối cùng, sách Đệ Nhị Luật được thêm vào để tạo thành Ngũ kinh (JEDP) mà chúng ta có bây giờ.

Lý thuyết thật hấp dẫn đã đồng hành với bao nhà chú giải, và được xem như một "tín điều" trong một vài môi trường nghiên cứu Kinh thánh[44]. Trong một quãng thời gian dài hằng chục năm, không ai dám đặt lại câu hỏi về nó. Nhưng dần dần, bắt đầu xuất hiện những phê bình chống lại một lý thuyết đã không chú trọng đến sự phức tạp của cấu tạo bản văn.

- Trước tiên, tài liệu gọi là "Elohiste" (bởi vì theo Wellhaussen, người văn sĩ được cho là tác giả tài liệu này gọi Thiên Chúa là "Elohim" (trong tiếng Do thái, từ này có hình trạng một danh từ số nhiều với "- im". Theo lý thuyết tài liệu, những phân đoạn được chỉ ra trong Ngũ kinh, khi tụ hợp lại phải đến từ một cuốn sách hoàn hảo. Nhưng hiện nay, rất ít nhà chú giải còn tin có hiện hữu một cuốn sách như vậy.

- Thứ đến, tài liệu được gọi là "Yahviste", - bởi vì trong các đoạn văn này, tác giả giả sử đã gọi Thiên Chúa là Yahvé (thực ra người ta không thể gọi tên Thiên Chúa, nên khi gặp từ này được ghi bởi bốn phụ âm YHVH, người ta lấy chữ adonai, có nghĩa là chúa, và một số bản dịch đã lấy những nguyên âm của từ adonai bỏ và "tétragramme" YHVH (Tétra = 4, gramme = kí hiệu), nên chúng ta có trong những bản dịch Kinh thánh tây phương từ Yahvé, hoặc Yehovah,...- khó mà xác định một cách chính xác. Kết quả là, mỗi nhà chú giải các sách Ngũ kinh định một các khác nhau giới hạn của những đoạn văn thuộc cho là thuộc tài liệu này, mà không chỉ hoặc giải thích cho người đọc biết lý do việc xác định của họ. Hơn nữa, người ta cũng đạt lại vấn đề định niên đại của tài liệu này, một vài nhà chú giải cho rằng những đoạn văn này trong khoảng thế kỷ thứ VII hoặc sau đó.

- Cuối cùng, người ta nhận thấy có những khối lớn các bản văn không liên quan gì cả đến các bản văn khác được xếp trong cùng một tài liệu. Như thế, điều này không tương hợp chú nào với giả sử cho là người ta đã hoà nhập với nhau các tài liệu liên quan về một câu chuyện.

Và từ đó, các nhà nghiên cứu Kinh thánh đã cho ra hai giả thuyết khác.

- "Lý thuyết những mảng văn" (théorie des fragments) cho rằng người ta đã tổng hợp nhiều truyền thống truyền tải một cách độc lập thành bộ Ngũ kinh. Chẳng hạn, người ta xếp các bản viết đến từ các truyền thống độc lập có cùng một chủ đề trong một hay nhiều bản văn.

- "Lý thuyết ‘bổ túc’" cho rằng chỉ có một tài liệu duy nhất cơ bản, và tài liệu này được sửa chữa nhiều lần, nhất là được thêm vào các bản văn bổ túc.

Hiện nay, ở thế kỷ XXI này, các nhà nghiên cứu đã cố gắng làm rõ công việc của hai trường phái sáng tác văn bản sau đây:

- Trường phái Đệ nhị luật (DTR). Theo thuyết này, những bản văn Kinh thánh được viết ở Babylone đầu thời lưu đày bởi các luật sĩ xa quê hương. Một số người trong nhóm này rất gần với môi trường ngôn sứ, nhất là gần với các môn đệ của Giêrêmia. Trường phái Đệ nhị luật quan tâm trước tiên đến việc giải thích tại sao dân tộc Ítraen phải lưu đày sau khi mất quê hương, đền thờ và vua của họ. Các văn sĩ soạn thảo cốt yếu lịch sử của Ítraen bắt đầu từ sách Josuê đến sách các Vua. Người ta gọi trường phái này là Đệ Nhị Luật bởi vì họ chịu trách nhiệm việc hình thành sách Đệ Nhị Luật.

- Trường phái Tư tế (P). Các bản văn Kinh thánh thuộc nhóm này cũng được soạn thảo trong thời kỳ lưu đày, có lẽ trễ hơn một chút so với những bản văn của trường phái Đệ nhị luật. Theo như tên của trường phái, họ là những tác giả lớn lên trong môi trường giáo sĩ Ítraen. Người ta nhận ra phong văn của họ nhờ chú ý đến các chi tiết chăm chuốt, những xác định rõ thời gian, và danh sách gia phả.

Sau thời lưu đày, cả hai trường phái này tiếp tục chỉnh sửa các bản văn của Ngũ kinh cho tới hình thái mà chúng ta có ngày hôm nay. Do đó, người ta nói đến việc đọc lại thời Hậu Tư Tế và Hậu Đệ nhị Luật.

Trở về lại cuối thế kỷ thứ XIX, người ta cũng bắt đầu phương pháp so sánh lịch sử các tôn giáo. Nhưng thực ra, họ muốn xem các câu chuyện Kinh thánh như các huyền thoại gần giống  thấy nơi các tôn giáo khác, để loại đi các bản văn có tính cách kỳ diệu và siêu nhiên. Cũng trong thời kỳ này, rất nhiều bản văn viết về cuộc đời chúa Giêsu xuất hiện. Năm 1863, Joseph Ernest Renan[45], văn sĩ, triết gia, từ học, và sử gia, rất yêu mến khoa học, ông chấp nhận ngay giả thuyết của Darwin về sự tiến hoá của các loài vật. Ông thiết lập tương quan chặt chẽ giữa các tôn giáo và nguồn gốc chủng tộc địa lý. Từ năm 1863 đến 1881, ông đã soạn thảo ra 7 cuốn của bộ sách Histoire des origines du Christianisme (Lịch sử các nguồn gốc Kitô giáo; và cuốn Vie de Jésus  (Đời sống chúa Giêsu) năm 1863.

Tác phẩm này đã gây ấn tượng trong giới trí thức vào thời đó và tạo ra tranh cãi, vì ông cho rằng phải hiểu  tiểu sử của Chúa Giêsu như của bất cứ con người bình thường nào, và Kinh thánh phải chịu sự phân tích phê phán như những tài liệu lịch sử khác. Chủ trương này gây ra những tranh cãi say mê và tức giận trong Giáo hội Công giáo.

Trong thời gian này chúng ta phải nói đến một nhà thần học quan trọng khác đã dám đặt lại vấn đề chú giải truyền thống. Khoa chú giải lúc đó còn dùng Kinh thánh để giải thích các vần đề có tính cách khoa học, chẳng hạn như việc trời đất được thành hình.

Alfred LOISY (1857-1940)[46], giảng dạy Kinh thánh tại Học Viện Thần Học Công giáo Paris lúc mới thành lập (ICP) và giáo sư sau này tại Trường Thực Nghiệm Nghiên Cứu Cao Cấp (École pratique des hautes études, EPHE), đại học Sorbonne, là người khởi đầu năm 1902 sự khủng hoảng chủ nghĩa canh tân (hiện đại, modernisme), bị Rôma dứt phép thông công năm 1908, nhưng được phục hồi một cách mặc nhiên và không toàn bộ bởi Công đồng Vaticanô II. Năm 1891-1892, khi cho ra đời cuốn sách La composition et l’interprétation historique des livres saints (Tác văn và diễn giải theo lịch sử các sách thánh), ông đã bị giới thẩm quyền Giáo hội Công giáo chống đối, ngay cả Đức cha Hulst, người đã ủng hộ và đỡ đầu Loisy, cũng treo chức giảng dạy của ông ở đại học Công giáo và sau đó loại hẳn ông năm 1893.

Năm 1902, để phản bác cuốn sách Das Wesen des Christentum (Điều chính yếu của Kitô giáo) viết bởi nhà thần học Tin lành người Đức tên là Adolf von Harnack, Loisy xuất bản cuốn L’Evangile et l’Eglise (Tin Mừng và Giáo hội)[47], còn được gọi là sách đỏ vì bìa của nó màu đỏ, đã gây ra tranh cãi. Nhiều địa phận Công giáo kết án nó, nhưng Rôma vẫn chưa can dự vào. Tại sao tư tưởng của Loisy bị kết án? Để hiểu hơn vấn đề này, chúng ta nhắc lại câu nói nổi tiếng  đã gây ra nhiều bức xúc của ông: "Giêsu đã loan báo Nước Trời, nhưng chính Giáo hội lại đến."[48] Thực ra, khi đọc nó trong bối cảnh của bản văn, chúng ta hiểu hơn quan điểm của tác giả, không hẳn là chống đối Giáo hội, nhưng đã đọc Tin Mừng theo tính cách lịch sử: "Trách Giáo hội Công giáo qua tất cả quá trình phát triển hình thành, là trách cứ Giáo hội đã sống theo những gì không được cho là cần thiết đối với Tin mừng."[49] "Giêsu đã loan báo Nước Trời, nhưng chính Giáo hội lại đến." Giáo hội đến để mở rộng môi trường Tin mừng, mà chúng ta không thể giữ nguyên trạng thái, ngay từ khi việc khổ nạn của Đức Kitô đã khép lại.

Năm 1893, Đức Giáo hoàng Lêô XIII, là vị đầu tiên đã cho ra đời một Tông thư định hướng việc nghiên cứu và chú giải Kinh thánh, có tên là Providentissimus Deus.[50] Trước tiên vị Giáo hoàng này đã xem lại quá trình lịch sử nghiên cứu Kinh thánh từ thời giáo phụ cho đến lúc đó. Ngài lên án những sai lầm của chủ nghĩa duy lý và việc phê phán cực đoan, ngài trình bày những nguyên tắc nghiên cứu Kinh thánh và đưa ra những huấn dụ về cách giảng dạy Kinh thánh trong các đại chủng viện. Ngài cũng nói đến những mâu thuẫn bên ngoài giữa Kinh thánh và khoa học vật lý. Ngài cũng chứng tỏ rằng những mâu thuẫn bên ngoài này có thể giải thích được.

Tông thư Providentissimus Deus đã đối đầu với hai thách thức của thế kỷ XIX đối với thẩm quyền Kinh thánh: khoa học nhất là với lý thuyết tiến hoá và phương pháp phê phán sử quan. Theo Đức Giáo hoàng Lêô XII, một khoa học chân chính không thể nói chống lại Kinh thánh khi những sách này được giải thích một cách thỏa đáng, và những sai lầm của các giáo phụ không là những bằng chứng sai lầm của Kinh thánh. Hơn nữa, chưa chắc những gì chứng minh bởi khoa học đều đúng.

Kế đến ngài cho rằng sử dụng phương pháp phê phán sử quan để nghiên cứu Lời Thiên Chúa đem người ta tới việc đặt lại vấn đề toàn vẹn của Kinh thánh. Ngài công nhận những khác biệt trong các bản văn do bởi các văn sĩ, nhưng ngài lên án lối diễn giải cho rằng chỉ một phần Kinh thánh là đúng, trong khi các yếu tố khác là chủ đề gây sai lầm. Đối với ngài, việc giảng dạy Kinh thánh nhắm cốt yếu đến các sự thật và phương tiện cần thiết cho sự cứu độ. Nói một cách khác là Kinh thánh không có mục đích gì cả về khoa học.

Đức Giáo hoàng Piô X, kế nhiệm Đức Lêô, trong Tông hiến Lamentabili sane exitu ngày 3 tháng 7 năm 1907  đã lên án một cách cụ thể 65 đề nghị của phái Canh Tân (modernisme). Và vài tháng sau đó, ngày 8 tháng 9 năm 1907, Đức Giáo hoàng Piô X cho ra đời Tông thư Pascendi, có nhan đề phụ là, Tông thư của Đức Giáo hoàng Piô X về những sai lầm của chủ nghĩa Canh Tân (hay chủ nghĩa Hiện đại). Trong tài liệu này, ngài đã bác bỏ các luận đề của Alfred LOISY. [51]

Phải nói như François Laplanche trong tác phẩm La Crise de l’origine (Sự khủng hoảng của nguyên thủy)[52], người Công giáo đã không muốn rời khỏi đường lối chú giải có tính cách hộ giáo để đi vào khoa học các tôn giáo. Tuy vậy, người Công giáo không bao giờ từ bỏ việc diễn giải Kinh thánh. Chúng ta thấy rõ điều này hơn trong thế kỷ 20 và 21, thế kỷ mà chúng ta đang sống.

Thế kỷ XX-XXI

Bước vào thế kỷ XX, Giáo hội Công giáo bắt đầu sáng lập những trung tâm nghiên cứu Kinh thánh quan trọng. Trung tâm có thế giá nhất được thành lập năm 1890 tại đất thánh Giêrusalem, chính là Trường Kinh thánh và Khảo cổ học Pháp quốc[53], với sự khởi đầu với nhà chú giải danh tiếng Marie-Joseph Lagrange, dòng Đa Minh (1855-1938).  Nỗi đam mê và động lực thúc đẩy cha Marie-Joseph phát triển việc nghiên cứu Kinh thánh trong Giáo hội  Công giáo, vì thấy các giáo phái Tin lành quan tâm và có tự do trong việc nghiên cứu các bản văn Kinh thánh.[54]

Năm 1943, trong Tông thư Divino Afflante Spiritu, Đức Giáo hoàng Piô XII đã khích lệ một cách rõ ràng, các phương pháp chú giải phê phán và sự hỗ trợ của các công cụ khoa học có ích trong diễn giải sách thánh.[55]

Năm 1967, lúc mà Giáo hội đã không còn bắt buộc các linh mục tuyên thệ chống chủ nghĩa Canh tân Hiện đại (modernisme), ở Pháp, hội ACFEB[56] (Hiệp Hội Công giáo Nghiên cứu Kinh thánh) ra đời. Những nhà chú giải thành viên của Hội đã  nghiên cứu và diễn giải lại những bản văn theo phương pháp có tính cách lịch sử và khoa học, bị gián đoạn từ thời kỳ thiết lập tuyên thệ chống chủ nghĩa Hiện Đại (01/09/1910) cho đến giữa thời kỳ Công đồng Vaticanô  II (1962-1965), nhất là trong lĩnh vực cổ ngữ.

Năm 1964, Ủy Ban Kinh thánh Giáo Hoàng chào đón các nhà chú giải Kinh thánh Công giáo như những người hướng đạo trong Huấn dụ về sự thật lịch sử các Tin Mừng (Instruction sur la vérité historique des évangiles). [57]

Tài liệu ra đúng lúc khi các nhà nghiên cứu và chú giải đang đặt lại tính cách lịch sử của các dữ kiện đề trong  các  sách Tin Mừng: lịch sử của Đức Kitô có khách quan không? Những lời nói, hành vi và hoạt động của Đức Kitô được truyền đạt một cách đích thực hay không? Và nhất là khi xuất hiện các luận đề hấp dẫn của hai nhà thần học M. Dibelius và R. Bultmann[58] trên phương diện "lịch sử các hình thái văn học" (histoire des formes), đã muốn phân định nhân vật Giêsu Kitô ra hai thực tế khác nhau, một bên là Đức Kitô lịch sử, mà chúng ta không thực sự biết, vì không co tài liệu nào đã viết ra, và một bên khác là Đức Kitô của đức tin, và họ cho rằng đó là sáng tạo trong đức tin của cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy ở Giêrusalem. Bultmann đề nghị phương pháp loại bỏ ra ngoài các sác Tin Mừng những dữ kiện có tính cách thần thoại như các phép lạ, để nhìn Đức Kitô qua ánh mắt đức tin.

Tài liệu Giáo hội vừa nói ở trên đây nằm trong đường hướng của Tông thư Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo hoàng Piô XII. Tông thư vẫn luôn cổ võ và hỗ trợ việc nghiên cứu Kinh thánh theo các nguyên tắc thông diễn có tính cách lý luận và Công giáo và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các nhà chú giải, nhưng khuyến cáo  cảnh giác trước những thành kiến theo các trào lưu triết học và thần học, như là chủ nghĩa duy lý hay chối bỏ truyền thống làm sai lạc ngay đến các phương pháp lịch sử. Những nghiên cứu lịch sử trên sự hình thành truyền thống Tin Mừng, và các biến cố của đời sống Đức Kitô đã được chứng nhận.

Ngày 08 tháng 09 năm 1965, các nghị phụ đã bỏ phiếu đồng thuận Hiến chế Dei Verbum, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, một trong bốn tài liệu chính của Công đồng Vatican II, và đã được ban hành ngày 18 tháng 11 bởi Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Qua sáu chương của tài liệu, Giáo hội đã định điểm lại phương cách mặc khải của Thiên Chúa qua Kinh thánh, đã được đón nhận như là Lời phát ra từ miệng Ngài.

 Đến năm 1993, Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh cho ra đời tài liệu Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh. Giáo hội xác định lập trường của mình trên tất cả các câu hỏi có liên quan đến Kinh thánh, và muốn khảo sát tất cả các phương pháp có thể góp phần vào trong việc làm tăng giá trị giàu có chứa đựng trong các bản văn Kinh thánh, để lời của Thiên  Chúa có thể trở nên thực phẩm thiêng liêng cho các thành viên dân Thiên Chúa. Tài liệu đã phân định tầm quan trọng các công cụ chú giải Kinh thánh qua tên các gọi "phương pháp" hay tiếp cận, và đặt phương pháp sử quan lên hàng đầu các phương pháp khác. Chính Đức Hồng y Giuse Ratzinger đã viết lời mở đầu và đệ trình cho Đức Giáo hoàng Gioan- Phaolô II.

Năm 2007, trong tác phẩm Giêsu Nazaret[59], Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI tuyên bố rằng các chú giải Kinh thánh theo phương pháp phê phán sử quan phải được hỗ trợ bởi phương pháp thư quy và tín lý (exégèse cannonique, dogmatique).

Ngày nay, phương pháp phê phán sử quan vẫn có chỗ đứng thích đáng: một là phê phán nội tại có mục đích thiết lập lại được bản văn nhờ ngôn ngữ và các bản thảo xa xưa cho phép việc phân tích văn chương, hai là phê phán ngoại tại nhằm mục đích xác định vị trí bản văn trong lịch sử.

Bắt đầu từ những năm 1970, các nhà chú giải phê phán sử quan đã chú ý đến tầm quan trọng các khám phá mới trong các lĩnh vực khoa học nhân văn, và các khoa học văn bản như ký hiệu học (sémiotique), xã hội học và văn khoa. Họ diễn giải Kinh thánh nhờ sự kết hợp các phương pháp với nhau để làm sáng tỏ hơn các ý nghĩa của bản văn.

Và từ đó, các nhà chú giải cần phải xem các bản văn Kinh thánh như những tường thuật hay diễn văn được soạn thảo theo một văn phạm chuyện kể và có mục đích trong tiến trình truyền thông.  Công việc này được phát triển nhờ lý thuyết triết học thông diễn của triết gia Heidegger[60], và các người theo quan điểm của ông như Gadamer và Ricoeur.

Lý thuyết Thông diễn học của H. G. Gadamer, và sau đó, Paul Ricoeur, - được nhắc đến trong tài liệu Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội, ấn hành năm 1993, - đã ảnh hưởng rất lớn đến khoa học luận của chú giải Kinh thánh trong môi trường chú giải Pháp ngữ và  đòi hỏi các nhà chú giải đặt lại vấn đề tách biệt giữa bên viết và bên đọc. Trong khoảng các năm từ 1920 đến 1960, các nhà chú giải Hoa kỳ đã dùng và phát triển các tiếp cận văn học để đọc các bản văn Kinh thánh, họ chú ý đến kỹ thuật thuật chuyện của người kể trong mục đích truyền đạt thông điệp đến người đọc.

Các nhà chú giải luôn vận dụng khả năng phân tích và lý luận của mình để làm mạch lạc tương quan giữa phương pháp có tích cách phân tích lịch đại (diachronique), xuyên thời gian của phương pháp phê phán sử quan và các phương pháp có tính cách đồng đại (synchronique), đồng thời với thời gian, như các tiếp cận ký hiệu học, thuật chuyện, thư quy, Tu từ học, xã hội, ... Vấn đề này đang còn bàn bạc và tranh cãi, nhưng luôn trong mục đích làm giàu có và sáng tỏ ý nghĩa các bản văn Kinh thánh[61].

Kết luận chương I

Chúng ta vừa lược qua lịch sử chú giải Kinh thánh trong Do thái giáo, Kitô giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng. Bước đường này cho chúng ta nhận ra một phần về ý thức của Giáo hội và tầm quan trọng của các công cụ lịch sử, văn chương hay khoa học trong việc Thánh ý Thiên Chúa qua lời của Ngài. Dĩ nhiên, lịch sử thực sự của hơn hai ngàn năm đọc và hiểu lời Thiên Chúa không thể tóm gọn được trong vài chục trang giấy.

1) Trong truyền thống dân Thiên Chúa và ngay từ thời Đức Kitô, ai cũng hiểu rằng con người luôn được nuôi dưỡng đức tin và đời sống tôn giáo của họ bằng chính lời của Ngài. Chính Đức Kitô đã trả lời quỷ cám dỗ rằng: "Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).

Và Chúa Giêsu cũng đã nói với Mácta, người đã quá quan tâm lo lắng và bận rộn trong việc tiếp đãi Ngài khi thấy em mình chỉ biết ngồi nghe chuyện mà không phụ giúp chị mình: "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10,42).

Thánh Phaolô cũng xác định lại giá trị của Kinh thánh qua thư ngài gởi cho ông Timôthê "Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giêsu.  Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính." (2Tm 3,15-16).

Và sau đó thánh Phêrô cũng cho một lời khuyên rất sống động: "Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ" (1 Pr 2,2).

Lời Thiên Chúa là sự thật (x. Ga 17,17), và đem con người đến sự thật (x. Ga 8,32). Thiên Chúa giáo cũng như Giáo hội Công giáo không bao giờ quên điều này. Dei Verbum số 24 đề cập đến mối tương quan giữa Kinh thánh và một số sinh hoạt nhằm đào tạo đức tin trong Giáo hội: việc rao giảng Lời Chúa, dạy Giáo lý, bài giảng trong phụng vụ… Phần liên quan đến thần học toàn văn như sau: "Khoa thần học dựa trên Kinh thánh và Thánh truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi đuợc trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng chân lý đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Kitô".

2) Trong Thiên Chúa giáo, để tìm thấy ý nghĩa Thiên Chúa muốn nói, từ Đức Kitô, các thánh Tông đồ và môn đệ, qua thời kỳ các thánh giáo phụ, Trung cổ, và cho đến thế giới chúng ta ngày hôm nay, ai cũng tìm cho mình những phương pháp giúp phát triển và tìm hiểu sâu hơn lời của Thiên Chúa. Nhờ vậy, chú giải Kinh thánh đã phong phú và giàu có hơn. Với sự phát triển các ngành khoa học nhân văn, Lời của Thiên Chúa được Mặc khải dưới những nhãn quan mới. Những phương pháp lịch sử, văn chương, hay khoa học bổ túc cho nhau trong việc tìm kiếm và hiểu biết ý nghĩa thiêng liêng của Kinh thánh.

Trong một số phương pháp hay tiếp cận, chúng ta không đề cập đến, trong đó cách đọc gọi là "lecture fondamentaliste"[62], tạm dịch là lối chú giải nệ cổ hay bảo thủ, đọc sát nghĩa và không bao giờ quan tâm đến sự thật và cũng không đặt nó vào bối cảnh hình thành. Tài liệu Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội đã viết một các rõ ràng: "Lối tiếp cận bảo thủ nguy hiểm, vì nó hấp dẫn đối với những con người đang tìm kiếm những câu trả lời có sẵn của Kinh thánh cho những vấn đề của cuộc sống. Nó có thể đánh lừa họ khi đem lại cho họ những cách giải thích đạo đức nhưng lại là ảo tưởng hão huyền, thay vì nói cho họ biết rằng Kinh thánh không nhất thiết chứa đựng một câu trả lời trực tiếp cho mỗi vấn đề như thế. Chủ trương bảo thủ đưa tới một hình thức tự sát của tư tưởng, dù không nói ra. Nó đưa vào trong đời sống một xác tín giả dối, bởi vì nó vô tình lẫn lộn những giới hạn của con người trong sứ điệp Kinh thánh với bản chất thần linh của sứ  điệp ấy.’’ [63]

3) Khi nói đến Kinh thánh như một thực phẩm linh thiêng của Thiên Chúa, các nhà chú giải phải chú ý đến các độc giả mà Thiên Chúa đã ban tặng thực phẩm thần thiêng này. Lời của Thiên Chúa được tiếp đón và thông hiểu sẽ làm lớn mạnh đức tin và tình yêu của họ đối với Thiên Chúa. Như thế quan trọng là chúng ta luôn không bỏ qua các phương pháp chú giải ngày xưa và quan tâm đến các Thông diễn học ngày nay. Một khớp nối liên thông hỗ tương đang đuợc khám phá và phát triển.

Chúng ta hãy bước sang chương hai trên con đường tìm hiểu ý nghĩa Kinh thánh.

Chú thích:

 

[44] Tôi biết một câu chuyện khá thú vị có liên quan đến lý thuyết tài liệu này. Nhà chú giải Kinh thánh Jacques BRIEND, thầy của tôi, đã từng là giáo sư Kinh thánh ở đại học Công giáo Paris, cũng như ở Giê ru sa lem, có tiếng là rất nghiêm nhặt trong việc nghiên cứu Kinh thánh, và ông ta trước đây cũng là 1 trong 15 thành viên của Ủy Ban Kinh thánh thế giới. Ông ta là tác giả cuốn Cahier Evangile số 15, có chuyên đề là "Une lecture du Pentateuque", xuất bản năm 1976 (bộ sách CE chuyên xuất bản mỗi số với một đề tài Kinh thánh, tài liệu căn bản cho những ai học Kinh thánh). Đương nhiên, vào thời đó nhà chú giải Kinh thánh có tiếng tăm này, là một tronng những người dạy cho các sinh viên về phuơng pháp này. Nhưng 10 nằm sau đó, người ta khám phá ra rằng nhiều điểm của lý thuyết không thể được áp dụng nữa. Những sinh viên học Kinh thánh sau này biết rõ điều đó, nhưng còn những người không phái là sinh viên thần học thì sao ? Một hôm cha Jacques BRIEND được một cộng đoàn nữ tu mời đến thuyết trình về Kinh thánh, họ hớn hở đem cuốn Cahier số 15 ngài đã viết và xem như một tài liệu căn bản. Vào thời điểm đó, cha đã không còn dừng lại ở đó nữa, lý thuyết nghiên cứu sách Ngũ Kinh đã tiến triển,  và  như thế những điều xác quyết tron cuốn CE số 15 đã sai lạc rồi. Vì lo sợ các tín hữu Kitô giáo còn tiếp tục đọc  CE số 15, ngài xin nhà xuất bản đừng bỏ số đó trong danh sách các số CE.

[45] Ernest Renan, http://fr.wikipedia.org/wiki/Ernest_Renan, tham khảo ngày 25/03/2015.

[46] Alfred LOISY, http://fr.wikipedia.org/wiki/Alfred_Loisy, tham khảo ngày 25/03/2015.

[47] Alfred LOISY, L'Évangile et l'Église, Paris, Alphonse Picard et fils, 1902.

[48] Alfred LOISY, L'Évangile et l'Église, tr.  110-112.

[49] "Reprocher à l'Église catholique tout le développement de sa constitution, c'est donc lui reprocher d'avoir vécu, ce qui pourtant ne laissait pas d'être indispensable à l'Évangile même", Alfred LOISY, L'Évangile et l'Église, tr.  110-112.

[50] http://w2.vatican.va/content/leo-xiii/fr/encyclicals/documents/hf_l-xiii_enc_18111893_providentissimus-deus.html, tham khảo ngày 15/12/2014.

[51] Bài tóm tắt việc chống lại những người theo chủ trương Hiện Đại vẫn còn được nhắc lại trong motu proprio (tự sắc) Sacrorum antistitum năm 1910. Các linh mục vẫn phải tuyên thệ chống chủ nghĩa Hiện Đại mãi đến năm 1967, năm Giáo hội đã bỏ việc bó buộc này.

[52] François Laplanche, La Crise de l’origine. La science catholique des Évangiles et l’histoire au xxème  siècle, coll. de l’humanité, Paris, Albin Michel, 2006, 718 tr.

[53] Ngày nay, trường này trở nên một trung tâm nghiên cứu khảo cổ danh tiếng và được nước Pháp hỗ trợ một phần về tài chánh.

[54] Phải thán phục sự nhẫn nại và kiên trì của Cha Marie-Joseph Lagrange trước những thay đổi và biến chuyển qua 4 triều đại giáo hoàng trong công việc này. Theo sách mới viết của Bernard MONTAGNES, (Marie-Joseph LAGRANGE, une biographie critique, Histoire, Paris, Cerf, 2005), Đức Giáo hoàng Lêô XIII, đã mời cha Marie Joseph thành lập trường Kinh thánh và Khảo cổ, nhưng Đức Giáo hoàng Piô X, vì lo đối phó với phong trào Canh tân (chủ nghĩa Hiện đại), nên luôn lo sợ những hệ quả nguy hại của phương pháp chú giải có tính cách phê phán, và không ngừng nghi ngờ những công trình nghiên cứu của trường này, cho đến lúc ngài trách công khai năm 1912 qua sứ vụ của Đức Hồng y Gaetano de Lai (1853-1928). Đức Giáo hoàng Biển Đức XV, mặc dầu quay đầu lại với hướng đi trước đó, trong Tông thư Spiritus paraclitus, thay vì ủng hộ và cổ võ, đã không thừa nhận những công trình của cha Lagrange. Vào thời Đức Giáo hoàng Piô XI, công việc của cha chỉ được ca tụng vào cuối triều đại qua Hồng y Tisserand. Cuối cùng, định hướng nghiên cứu Kinh thánh của cha Marie- Joseph  chỉ được chấp nhận trong Tông thư Divino afflante Spiritu của Đức Giáo hoàng Piô XII năm 1943.

[55] Pie XII, Divino Afflante Spiritu, 30 septembre 1943, §15.

[56] Association Catholique Française pour l’Étude de la Bible.

[57] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, (Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh), Instruction du 21 avril 1964 sur la vérité historique des Evangiles, (Văn  bản La Tinh trong L’Oss. Rom. du 14 mai 1964 - dịch sang tiếng Pháp, xuất bản trong L’Oss. Rom, năm 1964).

[58] Rudolf Bultmann, http://fr.wikipedia.org/wiki/Rudolf_Bultmann, tham khảo ngày 25/03/2015.

[59] Joseph RATZINGER, Jésus de Nazareth, Tome 1, Essai, Paris, Flammarion, 2007.

[60] Martin Heidegger, http://fr.wikipedia.org/wiki/Martin_Heidegger tham khảo ngày 25/03/2015.

[61] DE MOOR Johannes C. (éd), Synchronic or Diachronic ? A Debate on Method in Old Testament Exegesis : Papers Read at the Ninth Joint Meeting of het Oudtestamentisch Werkgezeschap in Nederland en Belgie and the Society for Old Testament Study, Held at Kampen 1994, Leiden/New York/Cologne, Brill, 1994.

[62] F. "lecture fondamentaliste", L’Interprétation de la bible dans l’Eglise, Paris, Cerf, 1994, tr.  61-64.

[63] L’interprétation de la Bible dans l’Eglise, document de la Commission Biblique Pontificale, 1993, chuyễn dịch bởi NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5 tháng 01 năm 2015.

---Còn tiếp---

zalo
zalo