Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 62

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 4/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 4/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

2. Ý nghĩa kinh thánh

Trong chương 1, chúng ta đã nhắc nhiều lần ngôn từ "ý nghĩa". Đúng ra là không ai xa lạ với nó. Nhưng khi nói về ý nghĩa một điều gì đó, rất nhiều câu hỏi được đặt ra bó buộc chúng ta phải định nghĩa nó rõ hơn. Có những ý nghĩa rất cụ thể, đưa chúng ta đến việc nhận biết trực tiếp vấn đề. Ví dụ như khi ta nói, "lương thực hằng ngày" thì ai cũng hiểu, nhưng nếu nói, "lương thực trí tuệ", hay "lương thực hằng sống", thì có lẽ ai cũng phải dừng lại một chút để suy nghĩ. Mặc khác, ý nghĩa của tác giả chưa chắc đã hoàn toàn trùng hợp với bản văn, và nơi đầu óc tiếp nhận của người đọc. Như thế, trong lĩnh vực đặc biệt như Kinh thánh, lời Thiên Chúa được viết bởi kỹ thuật và bàn tay con người, vấn đề ý nghĩa không là một ý niệm đơn giản.

Chúng ta đã nhắc qua bốn loại ý nghĩa của bản văn Kinh thánh phát xuất từ kinh nghiệm các giáo phụ và các định nghĩa mới đây về "ý nghĩa" trong các tài liệu của Giáo hội Công giáo.

Hơn nữa, khi nói đến vấn đền ý nghĩa, chúng ta cũng không thể bỏ qua những khám phá gần đây của các triết gia trên vấn đề "Thông diễn học" (herméneutique): Hans-Georg GADAMER, Paul RICOEUR, Hans Robert JAUSSE.

Nhưng ý nghĩa không chỉ là một hay nhiều dữ kiện nắm bắt một cách hoàn toàn khách quan bởi trí tuệ, nhưng nó cũng là một nguyên tố năng động, có tính cách chủ quan, dẫn dắt và điều khiển con người trong tư tưởng và đời sống.

Vì thế, chúng ta cố gắng tìm hiểu lại bằng cách đi từng bước một từ câu hỏi căn bản ý nghĩa là gì cho đến khái niệm ý nghĩa trong Kinh thánh, ý nghĩa được trải nghiệm qua nhiều thế kỷ và được cập nhật hóa trong thời đại của chúng ta ngày nay.

Ý nghĩa theo Triết học

Cái được gọi là "ý nghĩa" là một đối tượng không dễ nắm bắt, bởi tính trừu tượng, đa diện và đa cấp của nó. Trong khái niệm "ý nghĩa",  chúng ta nhận thấy những mối quan hệ phức tạp giữa trừu tượng và cụ thể,  giữa xã hội và cá nhân, phổ niệm và cá biệt.

"Ý nghĩa" là sự tổng hợp nhiều tương quan: giữa sự vật/hiện tượng; giữa người nói và người nghe; giữa cá nhân và xã hội, giữa ngôn ngữ và văn hóa…, và cả giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ (hay quan hệ liên ngôn ngữ). Như thế, "ý nghĩa" sẽ được nắm bắt theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào góc độ quan sát: sự vật, khái niệm, là thái độ/ tình cảm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho "ý nghĩa", mặc dù đã được các nhà triết học nghiền ngẫm và tìm hiểu từ thời Cổ đại đến nay, vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và trọn vẹn.

Trong tiếng Trung hoa 意思, hai "tượng từ" này đều được kiến tạo và đạt trên hình ảnh biểu hiệu của quả tim, dấu chỉ dẫn đến các ý niệm trừu tượng nội tại như tâm thần và trí óc. Trong chữ ý, trên chữ tâm, tấm lòng và trí óc được soi sáng bởi ánh sáng của chữ nhật, và trong chữ nghĩa, tâm trí được trải rộng ra trên cánh đồng là chữ điền. Như thế, tìm ý nghĩa một cái gì hay điều gì luôn đòi hỏi con người chúng ta vận dụng trí óc, suy luận và có khả năng trình bày và diễn dịch.

Trong tiếng Pháp, từ "sens" được dịch ra tiếng việt chúng ta bằng từ "ý nghĩa". Chữ "sens" được định nghĩa dưới hai cấp độ trong triết học siêu hình (métaphysique). Từ "ý nghĩa" liên quan trực tiếp đến các  vấn đề của con người: cùng đích, lịch sử, lý do hiện hữu và hành động, nguyên tắc giá trị và luân lý của con người. Từ "ý nghĩa" bao gồm ý niệm "nền tảng", "biện minh", "lý lẽ hiện hữu", và "giá trị".

Mặt khác, "ý nghĩa" cho chúng ta nhận thấy một điều chỉ được hiểu trong một mạng lưới, tạo thành một ý niệm hài hòa, năng động, công trình của tư tưởng. Chẳng hạn, trong câu nói của Saint Exupéry: "Cái gì cho ý nghĩa cuộc sống, cho ý nghĩa sự chết". [64]

Chúng ta thấy, có ba cấp độ nhận thức trong từ "ý nghĩa" theo siêu hình học:

a) lý trí: khi nói đến "ý nghĩa", chúng ta nghĩ đến một sự việc có cơ sở, có nền tảng, được biện minh bởi nguồn gốc của nó, và loại bỏ ra ngoài những gì sai lạc, ước định và may rủi.

b) trật tự: điều có ý nghĩa ở trong vùng suy luận và nắm bắt được của trí tuệ và khôn ngoan.

c) chỉ đạo: một điều có nghĩa đưa chúng ta đến một điều ý nghĩa khác, tiến triển theo một quy luật thông minh, mang một giá trị tin cậy và chứa đựng một nội dung không ngõ cụt và bế tắc.

Nói theo cách ngôn ngữ học, khái niệm ý nghĩa bao hàm ba chiều kích sau đây:

a) chiều đứng (plan axiologique): khi muốn biết ý nghĩa, chúng ta đặt các câu hỏi sau đây, nến tảng ở đâu, có giá trị gì, lý lẽ hiện hữu ra sao?

b) chiều ngang (plan sémantique, ngữ nghĩa): có nghĩa gì (trong hiện tại)? Hiểu làm sao? Giải thích thế nào?

c) chiều sâu (plan téléologique, cùng đích): Đâu là hướng đi? Tiến triển ra sao? Tới đích nào?

Như thế, từ ý nghĩa có liên quan mật thiết đến việc diễn giải hay thông diễn (herméneutique)[65], ý niệm Hy lạp đã có từ lâu, nhưng được các triết gia thời hiện đại hệ thống hóa thành lý thuyết đọc, giải thích và diễn giải các bản văn: Hans-Georg Gadamer, Paul Ricoeur.

Thông diễn học

Một chút lịch sử

Chúng ta có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau trong Thông diễn học cổ điển: một bên chú trọng đến luận lý có nguồn gốc từ triết học Aristote và việc diễn giải các bản văn tôn giáo, và một bên khác là "hermétisme", một triết học, một giáo phái, một khoa học huyền bí hoặc một đường lối tìm kiếm thiêng liêng về sự cứu độ dựa vào những kiến thức ẩn dụ đến từ vũ trụ (tử vi, bói số,...).

Khoa Thông diễn học hiện đại được chia làm hai nhánh: bình luận và diễn giải các bản văn văn chương và thi phú, bản văn pháp luật, Kinh thánh, chứng tá và diễn văn lịch sử,  những bản văn triết học và nhánh thứ hai, là việc phân tích và diễn giải các triệu chứng bệnh nhân trong phân tâm học theo Paul Ricoeur, hoặc việc thông giải những phán đoán giá trị (như đúng/sai, xấu/tốt, đẹp/xấu) từ lịch sử đến trạng thái sức khỏe theo Michel Foucault[66] (1926-1984).

Như thế, Thông diễn học là việc diễn giải hay chú giải các bản văn nói chung. Việc chú giải các bản văn tôn giáo như Kinh thánh là một điều hết sức tế nhị và quan trọng như chúng ta đã thấy trong phần I, khi lược qua lịch sử chú giải Kinh thánh trong các Giáo hội Do thái giáo và Thiên Chúa giáo. Vì người ta không thể trực tiếp hiểu được những mầu nhiệm mặc khải, người ta cần diễn giải để biết thánh ý Thiên Chúa. Những việc này phải được làm một cách nghiêm túc và cẩn trọng. Vì thế, ngày xưa, chú giải các bản văn thiêng thánh được làm bởi các triết gia hoặc thần học gia. Như chúng ta cũng biết, trong nến văn hóa Á đông, các triết gia và những nhà khôn ngoan vẫn luôn diễn giải các biểu tượng thần linh.

Ở Âu châu, nghiên cứu, dịch thuật và Thông diễn học bắt đầu từ thời Phục Hưng (thế kỷ XIV đến XVI). Để diễn giải, người ta cần đến các phương pháp qua hai câu hỏi sau đây: Ai là tác giả thực thụ, nhất là trong các bản văn Kinh thánh, khi nói đến linh hứng, hoặc viết theo ngôn pháp, viết theo mệnh lệnh của ai đó? Trong trường hợp nào và theo mức độ nào chúng ta tin cậy vào thông giải của người đọc, các nhà chú giải, đâu là giá trị của các chú giải này?

Dĩ nhiên, thông giải đã có khởi nguồn từ thời Cổ đại, nhưng ở đây chúng ta chú ý đến môn diễn giải triết học, qua vài tác giả ở  thế kỷ 20 tại Âu châu. Giữa thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX,  đối với Wilhelm Dilthey (1833-1911)[67], Thông diễn học chỉ có thể đạt đến mục đích chính yếu khi nó phục vụ trách nhiệm tín lý. Cùng thời đó, trong văn học ngoài đời, việc diễn giải các tác phẩm cổ điển đã trở nên một chứng tá không chối cãi được lưu truyền đến nay trong truyền thống. Việc quan tâm đến việc diễn giải lại các bản văn gốc trong triết học cũng như thần học chứng tỏ rằng "hiểu biết" trở thành một vấn đề có ý nghĩa.

Schleiermacher (1768-1834)[68], triết gia và thần học gia Tin lành, cha đẻ thực sự của ngành Thông diễn học hiện đại, định nghĩa Thông diễn học như sau: có tính cách phổ quát, có khả năng hiễu các bản văn, độc lập với nội dung và có thể áp dụng khắp nơi. Sự hiểu biết trở thành một công việc thỏa hiệp ý nghĩa. Như thế, Thông diễn học tìm trước tiên một thỏa thuận trên tất cả phân đoạn của văn bản, và những gì không hiểu lệ thuộc vào khả năng khám phá tư tưởng của tác giả. Và người ta bắt đầu nói đến "Thông diễn học lịch sử".

Triết gia người Đức Martin Heidegger (1889-1976) không đồng ý và chống lại với tư tưởng này, vì nó làm thoát đi chính yếu. Ông đề nghị một tiếp cận khác, thay vì cố gắng nắm bắt bản văn bằng sự đồng thuận, nhưng tiếp nhận bản văn như nó đang có với những điều khó nắm bắt, với những gì không thể diễn đạt hay hình thành (informulé). Đối với Heidegger, những gì nói lên trong cái không hình thành được này, trong ẩn dấu này, dưới mặt nạ này, và luôn là một bí ẩn, đó chính là "être de l’étant" (Dasein), là sự thật của vấn đề, và chính vì thế, chúng ta cần một nghiên cứu thông diễn học.

Một trong những môn đồ của Heidegger, Hans-Georg Gadamer, đã xuất bản năm 1960 Vérité et méthode[69] (Sự thật và phương pháp). Trong tác phẩm này, Gadamer chỉ trích sai lầm trong khái niệm khách quan qua việc dùng các phương pháp thường dùng trong các môn khoa học nhân văn. Tác giả cho chúng ta thấy rằng một bản văn hay một công trình sáng tạo chỉ được giải thích theo chủ quan tính, theo những gì người đọc hay nghiên cứu chờ đợi. Trong việc đọc, hiện hữu một áp lực giữa thực thể quá khứ của bản văn và chân trời mong đợi của hiện tại. Hơn nữa, Gadamer cho thấy rằng tất cả các bản văn là sự trả lời cho một câu hỏi đã đặt ra. Như thế, công việc của sử gia hay nhà chú giải là chỉ cho thấy đâu là câu hỏi trong quá khứ và bản văn trả lời cho chúng ta ngày nay như thế nào. Nói một cách khác, nhờ tư tưởng của Gadamer, chúng ta phải phân biệt được quá trình diễn giải các tác phẩm triết học và tất cả phương pháp và kiến thức riêng biệt của khoa học chính xác. Có những ý nghĩa và sự thật, thoát khỏi những nghiên cứu có tính cách khoa học.

Paul Ricoeur (1913-2005)[70], triết gia uy tín của Pháp, chuyên về Hiện tượng học cũng như Thông diễn học, là người luôn quan tâm và đối thoại không ngừng với các khoa học nhân văn và xã hội. Ông là một Kitô hữu Tin lành, nên cũng rất chú trọng đến hiện sinh và thần học Thiên Chúa giáo. Các bài viết của ông xoay quanh những ý niệm về ý nghĩa, về chủ quan, và vai trò diễn giải trong các bản văn sáng tạo, nhất là trong văn chương và lịch sử.

Ông thường đặt vấn đề về thông diễn, nhất là chú giải các bản văn Kinh thánh, cũng như là việc diễn giải các triệu chứng phân tâm về cơ bản và mục đích. Thông diễn học của Ricoeur phát triển qua việc phân tích các biểu tượng, dẫn đến sự bàn luận với phân tâm học (De l’interprétation. Essai sur Freud).[71]

Phân tích phép ẩn dụ là một trong những chủ đề quan trọng của Thông diễn học. Trong tác phẩm La métaphore vive[72], Ricoeur luận chứng rằng phép ẩn dụ, theo nghĩa rộng của Aristote, là qui trình trí tuệ đặc biệt và có giá trị riêng của nó. Ông viết: "Phép ẩn dụ, chính là khả năng sản xuất một ý nghĩa mới, điểm chớp nhoáng ý nghĩa xảy ra ở chỗ mà sự không tương hợp ngữ nghĩa sụp đổ trong việc đối đầu giữa nhiều cấp độ ý nghĩa, để sản xuất một ý nghĩa mới, ý nghĩa chỉ tồn tại trên con đường bị phá hủy của lĩnh vực ngữ nghĩa. Trong lối văn miêu tả, tôi dám nói rằng những cái mà tôi gọi là sự tổng hợp tương đồng tạo ra ít mới mẻ thua phép ẩn dụ, nhưng ở đây nói trong việc soạn thảo, việc thiết kế thời gian câu chuyện, thời gian kể chuyện."[73]

Paul Ricoeur mời gọi chúng ta vượt qua lối nhìn quen thuộc trong phép ẩn dụ, một lối nói tô điểm cho bản văn, để nhận ra vai trò tri thức của nó. Để hiểu hết ý nghĩa của phép ẩn dụ, chúng ta phải đặt nó trong bối cảnh của câu chuyện.

Một tác giả thứ ba cần nhắc đến trong môn Thông diễn học, là ông Hans Robert JAUSSE[74], triết gia và lý thuyết gia người Đức (1921-1997). Ông lấy lại quan điểm của Gadamer và làm sáng tỏ lý thuyết Thông diễn học. Ông đề nghị ba điều chủ yếu:

- Diễn giải một bản văn là suy nghĩ, nhìn lui vào quá khứ và tìm thấy ý nghĩa.

- Dựng lại lịch sử bản văn, là tìm kiếm để hiểu đặc tính khác chất chứa trong bản văn.

- Thông hiểu tại chỗ một bản văn, giá trị mỹ thuật của nó và hệ quả tạo ra khi đọc nó.

Triết học và Thông diễn học soi sáng cho chúng ta hiểu nhiều về khái niệm ý nghĩa, quan trọng thần học và trong diễn giải Kinh thánh.

 

Chú thích:

[64] "Ce qui donne un sens à la vie donne un sens à la mort", Antoine de Saint-Exupéry, Terre des hommes, 1939, tr.l256.

[65] Từ ngữ này đến từ tiếng Hy lạp có nghĩa nguyên thủy là "nói", "phát biểu" và được hội ý với tên của một vị thần Hy lạp Hermès, sứ giả đại diện các thần thánh để diễn dịch lại mệnh lệnh của họ.

[66] Michel FOUCAULT, "Nietzsche, la généalogie, l’histoire", bài được viết năm 1971, và đã được đăng lại trong Lectures de Nietzsche, nhà xuất bản LGF, 2000.

[67] Wilhelm Dilthey, http://fr.wikipedia.org/wiki/Wilhelm_Dilthey, tham khảo ngày 25/03/2015.

[68] Schleiermacher, http://fr.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Schleiermacher, tham khảo ngày 25/03/2015.

[69] Hans-Georg GADAMER, Vérité et méthode, éd. intégrale, Paris, Seuil, 1996.

[70] Paul RICOEUR, http://fr.wikipedia.org/wiki/Paul_Ric%C5%93ur, tham khảo ngày 25/03/2015.

[71] Paul RICOEUR, De l'interprétation. Essai sur Sigmund Freud, Le Seuil, 1965.

[72] Paul RICOEUR, La métaphore vive, Le Seuil, 1975.

[73] "La métaphore, c'est la capacité de produire un sens nouveau, au point de l'étincelle de sens où une incompatibilité sémantique s'effondre dans la confrontation de plusieurs niveaux de signification, pour produire une signification nouvelle qui n'existe que sur la ligne de fracture des champs sémantiques. Dans le cas du narratif, je m'étais risqué à dire que ce que j'appelle la synthèse de l'hétérogène ne crée pas moins de nouveauté que la métaphore, mais cette fois dans la composition, dans la configuration d'une temporalité racontée, d'une temporalité narrative." Paul RICOEUR, La métaphore vive, Le Seuil, 1965.

[74] Hans Robert JAUSSE, http://fr.wikipedia.org/wiki/Hans_Robert_Jauss, tham khảo ngày 25/03/2015.

---Còn tiếp---

zalo
zalo