Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 209

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 5/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 5/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

2. Ý nghĩa Kinh thánh

Thông diễn học và Thần học Công giáo

Claude Geffré, nhà thần học pháp, tu sĩ dòng Đa Minh, đã từng là giáo sư trụ cột của Đại học Công giáo Paris, trình bày những hệ quả quan trọng của Thông diễn học trong bài viết "Les enjeux actuels de l’herméneutique chrétienne" (Vào cuộc hiện nay của Thông diễn học Kitô giáo).[75]

Theo ông, thần học của Thánh Thomas d’Aquinô đã trở nên trong lịch sử như là một mô thức nền tảng của thần học Giáo hội Công giáo, một thần học được xem như intellectus fidei (tri thức nội tại trong đức tin), và như là một khoa học của đức tin. Nền thần học này nhắm đến việc giải thích trật tự vũ trụ và được xem như là hoàng hậu của các khoa học khác. Nhưng ngày nay, người ta đã đặt lại vấn đề khái niệm trật tự theo quan điểm siêu hình học này. Người ta vượt qua sự hiểu biết trực tiếp hiển nhiên để đi đến việc hiểu biết thực nghiệm và lịch sử. Đối tượng của sự hiểu biết không là sự thật vĩnh cữu, nhưng là lịch sử và toàn bộ hiện tượng. Vì Thiên Chúa thoát khỏi các giới hạn suy luận của lý trí, đối tượng của thần học được biến dạng. Thần học không chỉ xem như là một diễn văn nói về Thiên Chúa, nhưng là một diễn văn liên quan đến ngôn ngữ mà con người dùng để nói về Thiên Chúa. Như thế, Thông diễn học là một diễn văn chú trọng đến ngôn ngữ diễn đạt Thiên Chúa. Thần học[76] theo Thông diễn học đặt vấn đề tương quan giữa việc diễn giải và bản văn trong viễn cảnh mà các nhà thần học đã nhận từ mặc khải.

Claude GEFFRE cố gắng trình bày sự khác biệt giữa mô thức thần học theo tín lý (modèle dogmatique) và thần học Thông diễn học (modèle herméneutique).

- Trong thần học cổ điển, chúng ta bắt đầu bằng giáo huấn của giáo quyền và Kinh thánh. Truyền thống can thiệp vào như những chứng từ cho thần học. Trong viễn cảnh này, diễn văn thần học như là một phản ảnh của Giáo hội thể chế và có thể trở thành một hệ thống không chối cãi, và đôi khi đi đến một chủ nghĩa, một ý thức hệ.

- Theo thần học thông diễn, chúng ta luôn khởi đầu nghiên cứu thần học bằng một bản văn, Kinh thánh hay những  nhìn lại qua trải nghiệm trong truyền thống Giáo hội. Như chúng ta đã nói ở trên, theo Gadamer, vì tôi sống trong cùng một truyền thống, nguồn gốc phát xuất các bản văn tôi đọc, nên tôi mới có thể cố gắng để hiểu. Chúng ta luôn luôn nằm trong một truyền thống ngôn ngữ có truớc. Thần học theo quan điểm Thông diễn học bày tỏ sự tách rời suy nghĩ siêu hình học (métaphysique) xem tư tưởng như là sự biểu hiện, dù khi khoa Thông diễn học không từ bỏ chiều kích hữu thể (ontologique) trong các phát biểu.

Thông diễn học cho phép căn định luận lý thần học theo hiểu biết lịch sử theo nghĩa của triết gia Heidegger, nghĩa là không phải hiểu kiến thức tri thức theo mô thức chủ thể và đối tượng, nhưng hiểu một hiện sinh hay một cách thức hiện hữu ở đó không có kiến thức quá khứ mà không hiểu biết trước và diễn giải trước hiện sinh của chúng ta.

Đối tượng trực tiếp của thần học sẽ không là những chuỗi dài các phát biểu tín lý mà nhà thần học cố gắng tìm tòi sự thông minh siêu đẳng, nhưng đối tượng của thần học chính là toàn bộ các bản văn  được hiểu trong lĩnh vực Thông diễn học của mặc khải. Tuy là lấy khoảng cách với siêu hình học và các biểu tượng ý niệm của nó, thần học theo Thông diễn học không từ bỏ việc suy luận về chiều kích hữu thể trong các định từ. Thần học cũng như Kinh thánh theo Thông diễn học chú trọng đến hữu thể (chính yếu) của ngôn ngữ theo đường hướng tư tưởng của Heidegger và Ricoeur. Theo các triết và thần học gia này, ngôn ngữ, trước khi là công cụ của truyền thông giữa con người, đã là một "lời" một "phát biểu" của thế giới. Chúng ta có thể nói được rằng thực thi thần học trùng hợp với một lắng nghe thế giới, nhưng lắng nghe qua mã số vĩ đại, chính là các bản văn Kinh thánh.

Mô thức thần học thông diễn đưa chúng ta đến một sự hiểu biết khác hơn về ý nghĩa và sự thật. Ý nghĩa Kinh thánh và sự thật thần linh không sẽ không là một tương hợp đầy đủ và chính thức giữa trí tuệ và thực tại. Có nghĩa là chúng ta nghĩ rằng thần học là những chứng thực hoặc những diễn giải năng động tiên báo sự viên mãn của sự thật trùng hợp với mầu nhiệm của thực tại thần linh. Sự thật theo Thông diễn học Heidegger aletheia (Hy lạp) chất chứa hai chiều kích biểu lộ và cùng đích (manifestative và eschatologique).  Trong bản thể, sự thật đưa chúng ta tới những gì tỏ hiện không ẩn dấu. Vén màn sự thật đi đôi với việc che nó lại. Sự thật thần học cũng có liên quan đến mỹ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật.

Chúng ta thấy, Thông diễn học đem chúng ta đến một điểm quan trọng liên quan đến ý nghĩa Kinh thánh là ý niệm về sự thật. Theo Claude Geffré, sự thật trong ngữ nghĩa Do thái emeth, hàm chứa ba ý tưởng sau đây: bền vững, xác nhận và hoàn thành. Theo quan niệm của Gioan, sự thật được kết hợp với ý tưởng biểu lộ, hiểu biết, và hoàn thành. Chúng ta thấy cùng một lúc trong ý niệm sự thật có chiều kích lý trí, hiền triết và đạo đức: "những ai thực thi sự thật, thì đến trong ánh sáng" (Ga 3,21). Sự thật tiến đến với Đức Kitô, và đưa chúng ta vào những gì sẽ đến hoặc hay hơn là những diễn ra mới. Có phải chúng ta cũng đang tìm hiểu sự thật Kinh thánh và thần học như những gì đang tiến đến (advenir) một cách thường hằng theo các câu hỏi về sự tiến triển của thế giới và Giáo hội. Sự thật luôn mở cho chúng ta đến một chân trời không đoán trước.

Thông diễn học và ý nghĩa Kinh Thánh

Bước ngoặc nghiên cứu thần học theo Thông diễn học mời gọi chúng ta đến một ý nghĩa và sự thật khác với khái niệm của Siêu hình học, nền tảng của thần học tín lý cổ điển, và với quan điểm cực đoan của sự thật dưới chủ nghĩa lịch sử ở thế kỷ thứ XIX. Trong hai trường hợp, người ta muốn tìm thấy mối tương quan tức khắc với sự thật mặc khải, hoặc sự thật này trùng hợp với hữu thể sung mãn với gốc nguồn, hoặc sự thật được định căn từ ý nghĩa Kinh thánh sáng tạo lại bởi phương pháp phê phán lịch sử.

Nhưng đến ngày nay, Giáo hội đã ý thức rằng, không thể đi trực tiếp vào sự thật mặc khải qua biến cố của Đức Giêsu Kitô. Sự thật của thông điệp Kitô giáo nằm trong hệ thống chứng tá. Và khi nói đến chứng tá, là nói đến diễn giải các biến cố trước các diễn biến lịch sử. Như thế, những ngôn từ đầu tiên của đức tin là lịch sử từ đầu đến cuối. Và ngôn ngữ thần học suốt quá trình lịch sử của Giáo hội là những ngôn từ diễn giải lệ thuộc vào các điều kiện văn hóa, xã hội, và Giáo hội trong quá trình thần học.

Với Thông diễn học thần học hay Kinh thánh, một ý thức mới xuất hiện: mối tương quan giữa ngôn ngữ thần học, Kinh thánh, tín điều với việc đón nhận, sống và trải nghiệm của các tín hữu (khi nói đến tín hữu, là những người tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô, trong đó có hàng giáo phẩm), là những điều kiện  chuẩn định cho sự thật. Nói một cách riêng, sự đón nhận Kinh thánh bởi Giáo hội như là lời của Thiên Chúa là thước đo đích thực của ý nghĩa và sự thật Kinh thánh.

Chúng ta có ba hệ quả sau đây trong việc ngiên cứu Kinh thánh và thần học:

- Sự thật mặc khải không tách rời với sứ điệp và trải nghiệm. Edward Schillebeeckx nói rằng: "Kitô giáo trước tiên không là một sứ điệp phải được tin, nhưng là một trải nghiệm đức tin đã trở thành một sứ điệp"[77]. Diễn giải Kinh thánh hay ngôn ngữ thần học ngày nay dựa trên sự phân tích phê phán kết nối giữa trải nghiệm đức tin nguyên thủy và kinh nghiệm lịch sử đức tin của tín hữu đương thời. Lời Thiên Chúa sống động và đem lại sức sống qua trải nghiệm đức tin nguyên thủy trên biến cố đức Giêsu Kitô như biến cố cứu độ đến từ Thiên Chúa, ngay cả khi các biến cố đó được diễn dịch khác nhau. Như thế, để đảm bảo giá trị sự thật và diễn biến thường hằng của sứ điệp Kitô giáo, chúng ta phải phân định giữa các cấu trúc thường hằng qua kinh nghiệm nến tảng Kitô giáo, sau đó suy nghĩ và phân tích các mô thức tư tưởng, nghĩa là các yếu tố đến từ trải nghiệm của Kinh thánh Tân ước, và của  những thế hệ Kitô hữu tiếp theo sau đó.

- Không có sự truyền tải sống động của đức tin khi khi không có những diễn đạt sáng tạo đổi mới trong đời sống đức tin hiện nay. Lời Thiên Chúa luôn là những ngôn từ sống động đòi hỏi chúng ta phải trả lời trong cuộc sống. Để hiểu hơn về thông diễn Thần học và Kinh thánh, chúng ta cũng nên bỏ thời gian tìm hiểu Thông diễn học trong các khoa học nhân văn và lịch sử đương thời. Chính vì thế chúng ta mới hiểu tại sao Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI khuyên các nhà chú giải Kinh thánh nên kết hợp phương pháp phê phán sử quan với các tiếp cận hiện đại khác như "thư quy" hay "lối thuật chuyện".

- Khi nói về thông diễn trong thần học và Kinh thánh, khi có nhiều diễn giải, nhiều người cho là "relativisme", tương đối hóa các sự thật, và có thể đến quá nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng trên thực tế, Thông diễn học bao hàm nhiều  chuẩn mực để bắt các nhà thần học hay chú giải phải tuân theo để kiểm chứng lại sự đích thật của diễn văn thần học. Trong viễn cảnh Công giáo, thay vì nói đến một  chuẩn mực duy nhất hay một quy luật, "canon" trong  quy luật "le canon", chúng ta nên nói một loại suy tương đồng của đức tin (analogie de la foi) hay hệ thống tương tác giữa các thẩm quyền khác nhau: Kinh thánh, Truyền thống, và huấn dụ hiện nay của giáo quyền. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc đón nhận cũa Kitô hữu ngày nay dưới sự hướng dẫn và linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Như thế ý nghĩa Kinh thánh không phải là một ý nghĩa không thay đổi và được truyền tải từ thế kỷ này sang thế kỷ khác như một kho chứa bất động hình thành một lần cho tất cả. Các tài liệu chính yếu của Giáo hội Công giáo về ý nghĩa và sự thật Kinh thánh cũng không bao giờ phủ nhận điều này.

Dei Verbum

Như đã nói trong chương 1, Dei Verbum, Hiến chế Tín Lý, trong tiếng việt, là một trong bốn tài liệu quan trọng của Công đồng Vaticanô II nói về Mặc khải Thiên Chúa trong Kinh thánh, được bỏ phiếu chấp thuận ngày 8 tháng 9 năm 1965, và được ban hành bởi Đức Giáo hoàng Phaolô VI ngày 18 tháng 11 năm 1965. Qua việc Giáo hội điểm lại cách thức mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh thánh và sự đón nhận của Kitô hữu như lời của Ngài, chúng ta nhận ra được ba chìa khóa rất quan trọng việc tìm ý nghĩa Lời Thiên Chúa.

1) Ý Nghĩa Kinh thánh, trước tiên là Thánh ý của Thiên Chúa. Công đồng đã xác quyết tín lý cơ bản truyền từ nguyên thủy Thiên Chúa giáo đến Giáo hội chúng ta ngày hôm nay: "Quả vậy, Kinh thánh là Lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần."[78]  Như thế, khi chúng ta đọc hoặc nghiên cứu Kinh thánh, chúng ta không đi tìm ý nghĩa của một bản văn thông thường, nhưng chúng ta đặt mình trước chân lý Thiên Chúa, và chân lý đó sẽ nuôi sống và dạy bảo chúng ta. Cũng như Thánh Thần Thiên Chúa đã linh hứng các tác giả phàm trần, đã hướng dẫn Truyền thống trong việc đọc và truyền bá mặc khải Kinh thánh, Ngài cũng sẽ giúp chúng ta đi tìm thánh ý của Thiên Chúa.

Khi nói đến tác động linh hứng của Thánh Thần, chúng ta cũng không quên rằng, chính Thánh Thần cũng là ánh sáng nối kết Cựu ước và Tân ước, mặc khải cho chúng ta thấy mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu con Thiên Chúa. Nhờ Cựu ước chúng ta hiểu Tân ước và ngược lại. Công đồng cũng nói: "Vậy Thiên Chúa, Đấng linh hứng và tác giả các sách Cựu và Tân ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân ước được tiềm ẩn trong Cựu ước và Cựu ước được tỏ hiện trong Tân ước . Thật vậy, tuy Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước mới trong máu Ngài (Lc 22,20; 1Cr 11,25), nhưng các sách Cựu ước, đã được thâu dụng trọn vẹn trong lời rao giảng Phúc Âm , thì đạt được và giãi bày đầy đủ ý nghĩa của mình trong Tân ước (Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2Cr 3,14-16), và ngược lại, làm sáng tỏ và giải nghĩa Tân ước."[79]

2) Chìa khóa ý nghĩa thứ hai chính là Đức Kitô, con Thiên Chúa nhập thể. Đây là mầu nhiệm đặc biệt của đức tin Thiên Chúa giáo. Đọc hoặc chú giải Kinh thánh có mục đích tối hậu là hiểu được Thánh ý Thiên Chúa qua mầu nhiệm của Đức Kitô. Công đồng viết: "Vậy trong Kinh thánh, tỏ hiện sự “hạ cố” kỳ diệu của Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu, mà vẫn không làm tổn thương sự chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa, “để chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào.” Quả thế, các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người."[80]

3) Và chìa khóa thứ ba của ý nghĩa Kinh thánh chính là Giáo hội: "Nhưng bởi vì Kinh thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Thánh Thần. Và để khám phá ra chính xác ý nghĩa của các bản văn thánh, cũng phải kỹ lưỡng xem xét đến nội dung và sự duy nhất của toàn thể Kinh thánh, dựa trên Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo hội và sự suy loại đức tin. Các nhà chú giải có nhiệm vụ dựa theo những quy tắc đó mà cố gắng hiểu thấu và trình bày ý nghĩa Kinh thánh cách sâu sắc hơn, ngõ hầu nhờ sự học hỏi có thể gọi là chuẩn bị đó, phán quyết của Giáo hội được chín chắn. Quả vậy mọi điều liên hệ đến việc giải thích Kinh thánh cuối cùng đều phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo hội, vì Giáo hội đã nhận từ Thiên Chúa mệnh lệnh và nhiệm vụ  gìn giữ và giải thích lời Thiên Chúa."[81]

Ý nghĩa của Kinh thánh không hoàn toàn lệ thuộc vào các phương pháp văn chương và những kiến thức đến từ của các môn khoa học lịch sử, nhân văn, nhưng dựa vào trải nghiệm đức tin, trải nghiệm minh chứng sự có mặt của Thánh Thần Thiên Chúa, trải nghiệm sống động của truyền thống Giáo hội, đã đọc, cầu nguyện, và chú giải của Giáo hội.

Gần hai mươi năm sau Công đồng Vat II, Giáo hội Công giáo ban hành một văn kiện liên quan trực tiếp đến việc diễn giải Kinh thánh.

Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh[82]

Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II quá cố, trong diễn văn mở đầu văn kiện, khi lược qua nội dung các thông điệp từ Providentissimus Deus  đến Divino afflante Spiritu,  đã nhắc nhở chúng ta về những điều mà chúng ta đã đền cập trên đây: ý nghĩa thiêng liêng, ý nghĩa do tác động Thánh Linh, bảo vệ bởi Huấn quyền, và nhất là hòa hợp với mầu nhiệm nhập thể.[83]

Phần thứ hai của văn kiện, Giáo hội cũng đã nói đến những vấn đề ý nghĩa của Kinh thánh. Giáo hội công nhận ích lợi của các khám phá mới đến từ thông diễn triết học qua hai tác giả Gadamer và  Ricoeur mà chúng ta đã nói trên đây: "Đóng góp của các lý thuyết giải thích hiện đại, có tính cách triết học, cùng với những phát triển gần đây của việc nghiên cứu khoa học các nền văn chương giúp cho khoa chú giải Kinh thánh hiểu biết sâu xa hơn về nhiệm vụ của mình."[84]

Khi đồng thuận với Gadamer và Paul Ricoeur, Giáo hội chỉ trích và bác bỏ quan điểm của nhà thần học Tin lành người đức Rudolf Bultmann (1884-1976) mà chúng ta đã nhắc đến trên đây. Ông dùng phương pháp diễn giải gọi là "loại bỏ huyền thoại" (démythisation) trong Kinh thánh, để con người thời đại chúng ta có thể chấp nhận và hiểu. Vì theo ông, những gì ẩn chứa trong huyền thoại không có tính cách khách quan về thề giới, mà chỉ là một cách của con người muốn tự hiểu mình. Như thế, các huyền thoại phải được giải thích bằng triết học hiện đại.

Đặc biệt là, trong văn kiện này, tuy khó và phức tạp, Giáo hội vẫn quan tâm đến các ý kiến khác nhau,  đã cố gắng đưa ra ba nguyên tắc tổng quát về ý nghĩa: nghĩa chữ (sens littéral), nghĩa thiêng liêng (sens spirituel), và nghĩa tràn đầy (sens plénier).

Nghĩa chữ

Hay còn gọi là ngữ nghĩa, hay nghĩa theo chiều ngang như chúng ta đã định nghĩa trong phân đoạn đầu của chương ba này, cho việc diễn giải bản văn, vì không có nghĩa đen, thì chúng ta không thể đi đến nghĩa bóng. Nhưng Giáo hội cũng không muốn chúng ta hiểu lầm giữa ngữ nghĩa và nghĩa sát chữ mà những người theo chú giải nệ cổ dùng. Nói đúng hơn, ngữ nghĩa không phải là nghĩa mà chúng ta lấy từ tự điển rồi áp dụng lên bản văn. Ví dụ như, khi một ai đó nhờ dụng cụ dịch thuật của google dịch từ tiếng ngoại quốc ra tiếng Việt, chúng ta nhận ra ngay sự ngớ ngẩn của bản văn. Ngữ nghĩa, hay nghĩa theo chữ, vẫn phải theo các quy luật ngữ nghĩa mà chúng ta đã định nghĩa trên đầu chưa này.

Ý nghĩa văn chương của Kinh thánh là ý nghĩa bản văn do sáng tạo của tác giả con người được linh hứng. Các tác giả này vận dụng tất cả tài năng, khả năng hiểu biết về văn chương và phương pháp viết văn của họ để soạn thảo. Người ta phân tích bản văn trong bối cảnh lịch sử và văn chương của bản văn, như thế, nghiên cứu văn loại cổ điển và lịch sử thời đại xuất phát bản văn là điều cần thiết.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, một bản văn, không chỉ có một nghĩa theo chữ, một nghĩa văn chương.  Một mặt, bản văn được viết, có liên quan đến nhiều cấp độ của thực tại và mặt khác, một ngôn từ con người, dù chỉ có một nghĩa, vẫn có thể hiểu khác nhau. Ví dụ trong Ga 11,50: "Các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt", lời tuyên bố của vị thượng tế Caipha, vừa là một tính toán chính trị, cũng là một mặc khải.

Ý nghĩa thiêng liêng

Giáo hội định nghĩa như sau: "người ta gọi là “nghĩa thiêng liêng”. Theo cách chung, ta có thể định nghĩa ý nghĩa thiêng liêng, hiểu theo đức tin Kitô giáo, là nghĩa được các bản văn Kinh thánh diễn tả, khi người ta đọc các bản văn đó dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô và đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm đó. Bối cảnh này có thật."[85] Nói một cách khác, ý nghĩa thiêng liêng được trình bày qua hai yếu tố sau đây:

- Ý nghĩa thực vượt trên nghĩa văn chương và lịch sử của bản văn, nghĩa mà Thiên Chúa muốn nói cho chúng ta dưới sự linh hứng của Thánh Thần, hiểu được nhờ soi sáng của đức tin vào mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại của Đức Kitô. Trong trường hợp này, ý nghĩa văn chương và lịch sử của Tân ước cũng là ý nghĩa thiêng liêng. Đối với Cựu ước, đức tin Công giáo, xem đó là những loan báo trước mầu nhiệm của đấng cứu độ. Ý nghĩa thiêng liêng luôn gắn liền với bản văn, gắn liền với nghĩa văn chương và lịch sử. Ý nghĩa đó không phải là kết quả chủ quan đi từ tưởng tượng và suy luận trí tuệ.

- Khi Đức Kitô là chìa khóa diễn giải của tất cả Kinh thánh, các nhà chú giải, từ xưa tới nay, không bao giờ dừng lại trước ý nghĩa văn chương và lịch sử. Như chúng ta cũng đã nhắc trước đây, ý nghĩa thiêng liêng được thấy nhờ ba suy luận mở rộng: ý nghĩa ngụ ngôn (Mt 21,33-44, Mc 12,1-11) hay dạng thức (Rm 5,14), ý nghĩa luân lý hay biểu tượng (1Cr 10,6-11; Rm 15,4), ý nghĩa loại suy (analogie)(Kn 22,1-19; Lc 21,8-36).

Ý nghĩa tràn đầy

Giáo hội nhìn nhận có nhiều tranh cãi trong khi nêu ra ý niệm "ý nghĩa tràn đầy". Vì Ý nghĩa thiêng liêng đã là một ý nghĩa tràn đầy. Văn kiện Giáo hội đã định nghĩa như sau: “Nghĩa sung mãn” là một kiểu nói tương đối mới đang gây nên những tranh luận. Nghĩa sung mãn được định nghĩa là một ý nghĩa sâu xa hơn của bản văn, do Thiên Chúa muốn, nhưng không được tác giả loài người diễn tả rõ ràng. Người ta khám phá ra nghĩa này trong một bản văn Kinh thánh, khi nghiên cứu bản văn này dưới ánh sáng của những bản văn Kinh thánh khác đã sử dụng bản văn ấy hoặc dựa vào mối liên hệ của nó với việc phát triển nội tại của Mặc khải .»[86] Để hiểu rõ hơn quan điểm của Giáo hội, chúng ta xem qua ví dụ sau đây:

- Bối cảnh bản văn Mt 1,23 "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’" cho chúng ta một ý nghĩa tràn đầy của đoạn văn Cựu ước Is 7,14: "Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen."

Giáo hội muốn nói rằng ý nghĩa tràn đầy, được  đến bởi linh hứng của Thánh Thần cho tác giả trần thế, dù ông cũng không biết được ý nghĩa của điều đó. Cũng chính Thánh Thần đã hướng dẫn và tác động trên tín hữu và Truyền thống của Giáo hội để chúng ta thấy được ý nghĩa tràn đầy ngày hôm nay.

 

Chú thích:

 

[75] Claude GEFFRE, "Les enjeux actuels de l’herméneutique chrétienne", Revue de L’Institut Catholique de Paris, N° 55, 09/1995, tr. 131-148.

[76] Khi nói đến thần học, trong đó có việc chú giải Kinh thánh.

[77] "le christianisme n’est pas d’abord un message qui doit être cru, mais une expérience de foi qui devient un message". Edward SCHILLEBEECKX, Expérience humaine et foi en Jésus Christ, Paris, Cerf, 1981, tr. 50.

[78] CĐ Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa , ch. 2,9.

[79] CĐ Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa , ch. 4,16.

[80] CĐ Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa , ch. 3,13.

[81] CĐ Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa , ch. 2,12.

[82] L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise. Document de la Commission Biblique Pontificale, 1993, L’interprétation de la Bible,... http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5 tháng 01 năm 2015.

[83] L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise.

[84] L’Interprétation de la Bible dans l’Eglise.

[85] L’Interprétation de la Bible,... http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5 tháng 01 năm 2015.

[86] L’interprétation de la Bible,... http ://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 5 tháng 01 năm 2015.

---Còn tiếp---

zalo
zalo