Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 71

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 6/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 6/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

2. Ý nghĩa Kinh thánh

Ý nghĩa Kinh thánh: dữ kiện và sự thật

Sau khi trình bày một cách lý thuyết về ý nghĩa Kinh thánh, chúng cũng tóm tắt lại vấn đề bằng một câu hỏi khác cụ thể hơn: đâu là tương quan giữa "dữ kiện" và "sự thật" trong các bản văn Kinh thánh?

Nhiều tín hữu băn khoan khi nghe thấy các  nhà chú giải diễn đạt lại một số dữ kiện hay câu chuyện Kinh thánh. Họ nói, sự thật Kinh thánh là như vậy sao? Để trả lời cho vấn đề này, chúng ta cần xác định lại những ý niệm sau đây:

- Không lẫn lộn giữa "dữ kiện" và sự thật". Một dữ kiện hay câu chuyện, dù trong bất cứ thời kỳ nào, khi được truyền tải đến người nhận,  nghe, hay đọc, được hiểu và trình bày qua kiến thức, kinh nghiệm và khả năng của chứng nhân, phóng viên, ký giả hay tác giả. Như thế, dữ kiện hay câu chuyện đến tai mắt của chúng ta đã là những dữ kiện hay câu chuyện "diễn giải" (interprétation) qua tai mắt chứng nhân. Khi các dữ kiện hay câu chuyện được truyền tải, dữ kiện và các câu chuyện đó cũng sẽ tiếp nhận khác nhau tuỳ theo kiến thức, kinh nghiệm, và khả năng tiếp nhận của người nghe hay đọc.

- Ý niệm về sự thật là ý niệm trừu tượng và phức tạp đòi hỏi con người, chứng nhân hay người nhận, phải vận dụng lý trí, kiến thức và trải nghiệm đức tin nữa để tiến gần tới sự thật. Có những dữ kiện đơn giản nói lên một sự thật cơ bản, nhưng cũng có những sự thật không thể nắm bắt một cách dễ dàng. Vì thế, cũng có nhiều phương pháp và kỹ thuật văn chương hầu mong diễn đạt gần với sự thật.

Khi cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh, mười một chương đầu của sách Khải Nguyên đã kể chuyện Thiên Chúa tạo dựng, với những dữ kiện lồng trong các văn bản có tính cách thần thoại (mythe). Như thế sự thật là Thiên Chúa đã sáng tạo ra như thế thật sao? Và phải hiểu sự thật đó như thế nào?

Việc đầu tiên, chúng ta ai cũng biết là vũ trụ không được cấu trúc bởi ba tầng trời có nước ở bên trên và mỗi ngày sáng tạo cũa Thiên Chúa không diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tác giả đã muốn diễn tả cho chúng ta sự thật trước tiên là chính Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả những gì hiện hữu, thứ đến là việc tạo dựng đến từ thánh ý và quyền năng của Ngài, và cuối cùng là tất cả tạo vật đều được dựng nên tốt đẹp như hình ảnh toàn thiện của Ngài. Để diễn đạt những sự thật cao siêu này, tác giả đã dùng thể văn thần thoại (mythe). Nói rộng hơn, nhiều bản văn khác trong Kinh thánh cũng được viết dưới thể văn thần thoại này.

Chính tại sao, chúng ta có thể khẳng địng rằng lịch sử sáng tạo được kể bởi sách Khải Nguyên là đúng thật, dù ngay cả các yếu tố văn bản không phải là những dữ kiện khoa học.

Chúng ta phải biết rằng thần thoại không là văn loại huyền thoại, cũng không là văn sáng tạo theo tưởng tượng. Nhưng cũng đừng lẫn lộn thần thoại với lối văn dụ ngôn. Theo ý nghĩa đúng của văn loại, thần thoại là một chuyện kể được dùng để diễn tả ngôn ngữ con người với ẩn dụ, những thực tại siêu vượt, thoát khỏi nhận thức trực tiếp. Ngôn ngữ thơ văn có lẽ là cách thức thích hợp nhất để diễn đạt sự thật gần với cảm tính và hy vọng. Thần thoại có lẽ là lối diễn đạt thích đáng nhất để diễn tả những thực tại siêu vượt, như là những sự thật về nội tâm con người hay những tác động bên ngoài của Thiên Chúa.

Đối với những dụ ngôn trong Tân ước, Đức Kitô đã tìm ra những hình ảnh gần với đời sống con người, xây dựng qua kinh nghiệm của họ, để đem họ tới một sự thật khác siêu vượt hơn: ví dụ như, quyền bính của vua chúa hay uy lực của các người chủ, chu kỳ hàng năm các vụ mùa gieo giống và gặt hái, đạo đức giả của giới cầm quyền và lãnh đạo, sự quan tâm của người mục tử với đàn chiên,... Khi nghe những câu chuyện này, chắc chắn rằng không ai thời đó sẽ hiểu theo nghĩa đen, nghĩa sát chữ, một cách khác nhau, mỗi người sẽ dùng lý trí và kinh nghiệm của mình để hiểu xa hơn, một thực tại ở mức độ cao hơn, và dần dần họ cũng có thể tiến gần vào sự thật tuyệt đối của Thiên Chúa trong kinh nghiệm quan hệ tình yêu với Ngài. 

Về phần những bản văn có tính cách lịch sử, chúng ta cũng hay có khuynh hướng không hiểu rõ sự khác biệt tế nhị giữa khái niệm "lịch sử" và "thực tại lịch sử". Đầu óc chúng ta khi suy luận theo lối đối lập nhị nguyên (dualisme), hay tạo ra một phân biệt sai lầm về thời gian và vĩnh cữu. Chúng ta nhận biết sự có mặt của Đức Kitô trên trần gian và hành động của Ngài, nhờ vào những dữ kiện lịch sử được xác định, chẳng hạn như, việc Ngài sinh ra, rao giảng, bắt bớ, bị đóng đinh trên thập giá, nhất là việc Ngài được mai táng một lúc và một nơi nào đó, là lịch sử. Nhưng cùng một lúc, sự sinh ra và chết đi của Ngài hướng chúng ta đến một ý nghĩa siêu vượt hơn vì những sự việc ấy nói cho con người biết cách thức mà Thiên Chúa đã can thiệp vào thực tại lịch sử. Con người đã khám phá ra một sự thật siêu vượt khác: Giêsu, con người sinh ra bởi Maria, là Thiên Chúa, đến trong thế giới không gian và thời gian hữu hình từ cõi đời đời. Nhờ đức Giêsu, qua cái chết và sự sống lại, chúng ta đã có đường dẫn tới vĩnh cữu. Chính Ngài là nơi gặp gỡ giữa thời gian và vĩnh cữu, biến cố lịch sử và sự thật siêu nhiên.

Khi Thiên Chúa hiện diện và tác động trong mỗi biến cố lịch sử thế giới như là chúng ta đã nghiệm thấy trong sâu thẳm của mình, chúng ta cần tu chỉnh lại quan điểm sai lầm đối lập nhị nguyên giữa thời gian và vĩnh cữu, giữa dữ kiện và sự thật. Mỗi giây phút trong lịch sử và trong cuộc sống ẩn chứa mầm vĩnh cửu. Vĩnh cửu vượt qua thời gian cũng như là sự thật siêu vượt dữ kiện. Ngôn ngữ con người luôn cố gắng diễn đạt sự thật này và phương hiệu quả nhất để làm điều đó chính là thần thoại: thần thoại diễn tả một cách độc nhất vô nhị mầu nhiệm không chối cãi được của tác động tương quan giữa thực tại con người và sự thật Thiên Chúa.

Chính vì thế, chúng ta xác quyết rằng, lịch sử tạo dựng được kể bởi sách Sáng thế là đúng thật, ngay cả khi các yếu tố của câu chuyện không phải là những dữ kiện có tính cách khoa học. Việc sinh ra, chết đi và sống lại của Đức Kitô là xác thực, dù các chi tiết không trùng hợp với suy luận tự nhiên của lý trí. Các môn đệ của Đức Kitô đã thấy, đã sống và đã tin (Ga 20,19; 1Cr 15,3-8). Họ là các nhân chứng đã nói và viết ra những sự thật lịch sử của Đức Kitô phục sinh trong thân xác con người, nhưng cũng trong cơ thể phục sinh đã được biến hình thành thân xác vinh hiển.

Mặc dầu lý trí có khả năng trừu tượng hoá những gì chúng ta gọi là dữ kiện, thời gian, không gian và thực tại lịch sử, lý trí chúng ta cũng có khả năng nhận biết những thực tại này luôn tràn ý nghĩa và hiện hữu vĩnh hằng. Các bản văn Kinh thánh, qua các dữ kiện lịch sử, thi văn, dụ ngôn, thần thoại, diễn đạt trong không gian và thời gian, ẩn chứa những sự thật mà trí tuệ con người chúng ta có thể tìm ra được ý nghĩa. Kinh thánh là quà tặng vô giá, quà tặng minh chứng gặp gỡ giữa thời gian và vĩnh cữu, giữa con người và Thiên Chúa.

Kết luận chương 2

Trong viễn cảnh ý nghĩa và sự thật trong chương này, chú giải là một quá trình cần thiết để tìm hiểu thánh ý. Biểu đồ sau đây sẽ tích tụ và biểu trưng những gì chúng ta vừa bàn đến.

                                                         

                                                                   Thiên Chúa

                                                                  Thánh Thần

                                                          (Nguyên lý tác động)

aaaaaa aaaaaaaaaaaaaaaaaa ò        ò        ò 

              Tác giả (quá khứ)        ð        KINH THÁNH    D     độc giả (hiện tại)

                              ô

                                                               (Đức Kitô)

aaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa ò      ô      ñ

                                                               Giáo hội

 

Biểu đồ cho chúng ta thấy, ý nghĩa Kinh thánh không chỉ đơn thuần là ý nghĩa của bản văn, nhưng là một thực tại tương quan năng động, trong đó Thánh Thần Thiên Chúa là nguyên lý tác động trên tất cả tác nhân.

Kinh thánh là lời của Thiên Chúa, qua đó Ngài mặc khải cho con người thánh ý, sự thật sáng tạo và cứu độ của Ngài. Tất cả những điều này qui tụ vào mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, đã được loan báo từ trước trong Cựu ước. Trong viễn cảnh này, chúng ta hiểu được ý nghĩa tràn đầy và sung mãn của Kinh thánh. Lời Thiên Chúa mặc khải sinh động, đổi mới và tái tạo sự sống dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Do đó, chúng ta biết rằng, tác giả, do linh hứng,  đã soạn thảo bản văn trong quá khứ, đã không biết được tất cả ý nghĩa sống động, ý nghĩa có được nhờ người đọc và nghiên cứu các bản văn thánh này. Tác giả, tuy vắng mặt trong bản văn, nhưng cũng để lại dấu ấn kiến thức và phương pháp của ông trong bản văn. Các pháp chú giải Kinh thánh cũng giúp cho người đọc hôm nay nối kết được đức tin của người đã viết ra lời của Thiên Chúa. Như vậy những người đọc hay diễn giải Kinh thánh, nhờ Thánh Linh, đi vào một truyền thống đến từ ngàn đời, được gìn giữ, bảo vệ và phát triển nhờ các Giáo hội tông truyền. Nếu Kinh thánh là sách của tất cả nhân loại, có một chỗ đứng đặc biệt trong cộng đồng con người, cũng chính nhờ Giáo hội đã đọc, sống, trải nghiệm, và tuyên bố các bản văn này như là Lời của Thiên Chúa.

2) Để cho Lời Thiên Chúa có ý nghĩa đối với người nghe, người đọc hay người nghiên cứu sâu xa hơn, những tác nhân này phải tiếp nhận Lời này như lời một người khác muôn nói hay bày tỏ cho mình biết. Lời được tiếp nhận, như là một lời sống động, đến từ bên ngoài, làm sống dậy và thôi thúc người tiếp nhận, dù chưa phân tích và diễn giải, cũng đã là ý nghĩa rồi.

Tiếp nhận lời Thiên Chúa như một lời đến từ người khác bắt buộc người đọc hay người nghe chú ý, suy nghĩ, và lấy khoảng cách để hiểu. Như thế ý nghĩa không thể đến trực tiếp và đứng chết một chỗ như cách đọc của phe phái nệ cổ (fondamentaliste) mà Giáo hội đã kết án. Điều kiện thứ hai của ý nghĩa Kinh thánh, là người đọc hiện hữu trước lời của Thiên Chúa như đang đứng trước chính Ngài. Thiên Chúa nói với tôi chứ không ai khác. Đó cũng chính là điều kiện để làm cho lời Ngài đổi mới lại lời của tôi, hay của người đọc.

3) Nói như trên, chúng ta cũng đừng quên rằng Kinh thánh là lời của con người. Như thế, lời đó cũng phụ thuộc vào các hình thức văn loại của con người trong thời kỳ được viết. Lời Kinh thánh không xem như là một chân lý siêu hình học có tính cách phổ quát cho toàn nhân loại. Kinh thánh là linh hồn của thần học, nhưng lời của các bản văn Kinh thánh không thể được xem như là kho của các luận chứng thần học. Tuy Đức Kitô là chìa khóa dẫn giải Kinh thánh Kitô giáo, Cựu ước trước tiên là một tài liệu lịch sử của dân Thiên Chúa và tài liệu văn minh và cuộc sống cụ thể của dân tộc sống ở Trung Đông. Các dữ kiện không chỉ là biểu tượng hay tinh thần của bản văn.

Đặc tính của lời Thiên Chúa là tạo ra những tương quan và nối kết giữa người và người. Thiên Chúa đã nói với tôi, tôi nhận ra Ngài, và tôi nghe lời Ngài. Thiên Chúa vô hình, nhưng Ngài đã nói qua các trung gian: trong Cựu ước, chúng ta thấy, tác giả thường viết - Giavê phán. Thiên Chúa nói, và chúng ta nghe.  Đó không chỉ là một phuơng pháp văn học, nhưng là ý thức của lương tâm. Ngài không bày tỏ điều gì cho một độc giả chung chung, nhưng Ngài nói với một người, một người nào đó. Lời Thiên Chúa có ý nghĩa của một hành động, lời đó đòi hỏi chúng ta một câu trả lời. Ý nghĩa lời Thiên Chúa là sự tạo ra liên kết giữa hai nhân vị, tạo ra một giao ước. Vì tương quan liên kết này, ý nghĩa Kinh thánh tác động đến chúng ta trong ngày hôm nay và trong khung cảnh này. Lắng nghe lời Chúa nói với dân Ngài thời đó, chúng ta hiểu được sự kiện hằng hữu trong Mặc khải Thiên Chúa. Trời đất thay đổi, khung cảnh thay đổi, con người và văn hóa biến dần theo thời gian, nhưng ý định và tình yêu Ngài không hề thay đổi. Ngài đã trung thành và ứng xử đại lượng với người ngày xưa thì Ngài cũng ứng xử với chúng ta như vậy.

Ý nghĩa sống động và đa dạng của Kinh thánh được lắng nghe, hiểu biết và đón nhận, cũng nhờ bởi các công cụ và phương pháp đến từ các môn khoa học văn chương, lịch sử, nhân văn. Chúng ta sẽ bàn đến điều này trong chương kế tiếp.

---Còn tiếp---

zalo
zalo