Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 71

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 7/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 7/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

3. Các công cụ diễn giải Kinh thánh

Tài liệu chính thức của Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh ban hành năm 1993, đã trình bày khá chi tiết các phương pháp, phân tích và tiếp cận các bản văn Kinh thánh trong Giáo hội.  Chương thứ 3 của cuốn sách này sẽ cố gắng diễn đạt một phần lớn các phương pháp nói đến trong tài liệu của Giáo hội. Các phuơng pháp hay tiếp cận khác như ký hiệu học (sémiotique),  các phương pháp dựa theo ngữ cảnh như tiếp cận "giải phóng" (libéraliste), "nữ quyền" (féministe), "nệ cổ" (fondmentaliste) ít biết đến và quá xa lạ với hiểu biết và văn hóa Việt Nam, nên chúng ta sẽ bỏ qua.

Để hiểu tầm quan trọng của việc dùng các phương pháp Kinh thánh, chúng ta hãy đọc bản văn sau đây của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, mở đầu tài liệu Giáo hội: "Một trong những đặc tính của tổng luận này là sự quân bình và chừng mực. (...). Chú giải Công giáo không chỉ chú ý đến các phương diện trần thế của mặc khải Kinh thánh, đó đôi khi cũng là một lầm lẫn của phương pháp phê phán sử quan, cũng không chỉ quan tâm đến các chiều kích thiêng liêng, như phái nệ cổ đã mong muốn; chú giải Kinh thánh đưa ra ánh sáng cho bên này hay bên nọ, kết hiệp trong "hạ cố" Thiên Chúa (Dei Verbum 13), là nền tảng của toàn bộ Kinh thánh (§. 14). Sống trong một thế giới, nơi mà những nghiên cứu khoa học chiếm phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực, khoa chú giải Kinh thánh phải tự làm cho mình một vị trí tương ứng là cần thiết. Đó cũng là phương diện hội nhập văn hóa đức tin, nằm trong sứ mạng của Giáo hội, tương quan với việc tiếp nhận mầu nhiệm Nhập Thể (§. 16)."[87]

Trong chương này, hãy bắt đầu với các tiếp cận Kinh thánh trong truyền thống Dân Thiên Chúa, vì chính Đức Kitô và các môn đệ của Ngài, và đặc biệt là thánh Phaolô, đã áp dụng để diễn giải lời Thiên Chúa.

Kế đến, các phuơng pháp "phúng dụ" (allégorie) và "dạng thái học" (typologie) cũng được mến chuộng bởi các thánh giáo phụ.

Sau đó, chúng ta nhảy vọt đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với phương pháp phê quán sử quan, luôn còn thống trị trên địa hạt chú giải ngày nay.

Nhưng với các khám phá mới triết học qua Thông diễn học, Giáo hội, như đã nói, không thể phủ nhận các tiếp cận mới đến từ các khoa học văn chương, nhân văn, xã hội, tâm lý.

Phương pháp truyền thống Do Thái

Cổ võ bởi Giáo hội

Ủy Ban Giáo hoàng Kinh thánh, nhắc đến một cách ngắn gọn trong đoạn 1.C.2. Tiếp cận nhờ cậy đến truyền thống chú giải Do thái, những yếu tố sau đây:

- Cựu ước đã hoàn thành trong Do thái giáo từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V trước kỷ nguyên của chúng ta. Tân ước được sinh ra trong môi trường Do thái giáo này, và cũng từ đó Giáo hội Kitô giáo tiên khởi phát sinh. Ngày nay, nhờ những khám phá ở Qumrân và những nghiên cứu mới về lịch sử Do thái cổ, chúng ta nhận thức được sự phức tạp của thế giới Do thái, ở đất Ítraen, và trong xứ sở lưu đày trong suốt thời kỳ này. Và cũng từ đó, chúng ta có truyền thống diễn giải Kinh thánh Do thái giáo.

- Việc dịch thuật các bản văn Kinh thánh Cựu ước tiếng Hêbrơ sang tiếng Hy lạp. Chúng ta có hôm nay bản 70 (la Bible de la Septante).

- Các bản "Targoumin" tiếng Aram: Targoum là tên gọi dành cho các bản dịch Kinh thánh (Cựu ước) sang tiếng Aram, tiếng nói của Đức Kitô và những người thời đó. Công việc này là công trình của các thông dịch viên trong các hội đường Do thái, đôi khi, một người đọc một câu Kinh thánh trong tiếng Hêbrơ, và thông dịch viên chuyển ngay sang tiếng Aram. Trong Tin Mừng theo thánh Mathêô và thánh Máccô, Đức Giêsu Kitô trên thập giá đã thốt lên thánh vịnh 22, tương hợp với văn bản Targoum.

- Các nhà chú giải Kitô giáo, luôn dùng Kinh thánh Cựu ước để giải thích ý nghĩa của các bản văn Tân ước. Những nhà chú giải Kinh thánh danh tiếng như, giáo phụ Origène và thánh Jêrôm, luôn học hỏi những gì tốt đẹp trong truyền thống bác học chú giải Kinh thánh Do thái để diễn giải thông minh hơn các bản văn Kinh thánh. Và ngày nay, các nghiên cứu sinh vẫn luôn học hỏi và dùng đến các phương pháp này trong luận văn Kinh thánh của họ.

- Ngoài các sách Kinh thánh ở trong Thư Quy Do thái, chúng ta còn có các sách gọi là "ngụy thư" (apocryptes), ngày nay người ta gọi là "giữa hai giao ước" (intertestamentaire), phong phú và đa dạng. Những tài liệu này là nguồn quan trọng trong việc diễn giải Kinh thánh.

- Các tiến trình chú giải đa dạng của người Do thái được nhận thấy trong sách Cựu ước. Ví dụ như các sách Sử Biên 1 và 2, diễn giải sách Các Vua; các trích dẫn Cựu ước và lý luận của Thánh Phaolô trong các thư của ngài.

- Cựu ước và Tân ước, cũng như trong truyền thống văn chương Do thái, đều có chung các dạng thái văn chương như Dụ ngôn, Phúng dụ, Tuyển tập (anthologie) và các phương pháp như "Centon" (góp nhặt và sáng chế lại), "relecture" (nhìn lại), "pesher"[88], đặt gần lại với nhau hai bản văn xa cách trong Kinh thánh[89], Thánh vịnh và Thánh thi, Thị kiến, Mặc khải và Giấc mơ, Các văn bản Khôn ngoan (Hiền Triết).

- Ngoài các Targoumine, chúng ta còn có Midrashim, các bài giảng và diễn giải.

Dân tộc Do Thái, Kinh thánh và Kitô giáo

Năm 2001, Giáo hội xuất bản một tài liệu khác, nói rõ hơn tầm quan trọng của truyền thống Do thái trong Kinh thánh Kitô giáo, ngay trong chủ đề văn bản: Le peuple Juif et ses saintes Ecritures dans la Bible chrétienne.[90]

Tài liệu mới này phát triển những gì chúng ta vừa nói  trên đây qua bốn chương đoạn.

- Chương thứ nhất khẳng định Kinh thánh dân tộc Do thái là nền tảng của Kinh thánh Kitô giáo (n° 2-18). Trong các phân đoạn A và B, Giáo hội nói rằng Tân ước đã nhìn nhận thẩm quyền của Kinh thánh của dân Do thái, và Tân ước được xác định bởi Cựu ước như là một hoàn thành và phù hợp với Kinh thánh dân Do thái...

- Chương thứ hai nói đến các chủ đề nền tảng trong Kinh thánh của Dân Do thái và việc đón nhận trong đức tin vào Đức Kitô (n° 16-65).

- Chương thứ ba, Giáo hội trình bày những người Do thái trong Tân ước (n° 66-83).

- Và chương thứ tư là đoạn kết (n° 84-87).

Chúng ta chú ý ở đây phân đoạn D của chương thứ nhất, Giáo hội đã nêu rõ hơn các phương pháp chú giải Do thái được dùng trong Tân ước:

- Bảy quy luật được truyền thống Do thái cho là của Hillel (qua đời 10 năm sau kỷ nguyên Đức Kitô), trong đó hai phương pháp đầu tiên thương được sử dụng là qal wa-homer gezerah shawah. Hai phương pháp này nói một cách chung tương tự như phép loại suy (analogie). Một đặc trưng của hai quy luật này là lập luận thường dựa trên ý nghĩa của một từ ngữ. Và ý nghĩa lấy ra từ một chữ trong một bối cảnh và sau đó áp dụng nó trong một bối cảnh khác.

Qal wa-homer là lối lý luận có mục đích lấy ra một sự thật tiên thiên (có trước) từ một trích dẫn Kinh thánh. Chúng ta có thể kiểm chứng phương pháp trong các đoạn văn Kinh thánh sau đây: Mt 6, 30; 7, 11; Ga 7, 23; 10, 34-36; Rm 5, 15.17; 2 Cor 3, 7-11.

Gezerah shawah, có nghĩa đen là " loại suy ngôn từ" (analogie verbale) hoặc là "bình đẳng thể loại" (equal category). Theo định nghĩa của Richard Longnecker, gezerah shawah bao gồm việc đặt gần lại với nhau hai bản văn Kinh thánh có cùng chung một từ để ý nghĩa của từ trong bản văn này cũng có thể áp dụng cho bản văn kia.  Chúng ta có thể  nhận thấy gezerah shawah trong Mt 12, 1-4; Cv 2, 25-28; Rm 4, 1-12; Gl 3, 10-14; Dt 1,13 và 2,8; 4,3 và 4,4; 5,5 và 5,6; 6,20 và 7,1.10; 10,6-7 và 10,37-38.

- Chú giải Kinh thánh ở Qumrân và Tân ước. Trên phương diện hình thức và phương pháp, Tân ước, và nhất là các Tin Mừng, có một cách trích dẫn Kinh thánh rất giống Qumrân. Các lối dẫn nhập hay mở đầu những trích dẫn thường giống nhau: chẳng hạn, "đã viết như thế" (ainsi il est écrit), "như đã được viết " (comme il est écrit), "phù hợp với những gì đã được nói" (conformément à ce qui a été dit)". Qumrân cũng như Tân ước nhận ra trong các lời ngôn sứ như sự hoàn thành ở thời đại của họ đang sống, một cách vượt qua sự chờ đợi và sự hiểu biết của ngôn sứ. Qumrân và Tân ước đã có cùng một niềm tin qua sự thông hiểu hoàn toàn các lời ngôn sứ đã được Mặc khải với "Bậc Thầy Công Lý" (Maître de Justice) của cộng đoàn Qumrân, và Đức Giêsu Kitô của tín hữu Kitô giáo. Khi đọc các sách của Qumrân, chúng ta thấy họ cũng có những chú giải giống thời đại của chúng ta: Kinh thánh được xem như là lời của Thiên Chúa. Họ diễn giải một số bản văn theo nghĩa văn chương và lịch sử, và trong khi đó cũng có một số khác, được diễn giải áp dụng vào thời họ đang sống, một cập nhật hóa lời Thiên Chúa.

Nhưng cũng có một khác biệt đáng kể: Điểm khởi đầu của các bản văn Qumrân, chính là Kinh thánh, trong Tân ước, chính là Đức Kitô.

- Những ám chỉ rất có ý nghĩa đến Cựu ước. Tân ước thường ám chỉ đến các biến cố Cựu ước như một phương tiện để minh chứng ý nghĩa các biến cố trong đời sống Đức Kitô. Chẳng hạn như các câu chuyện thời trẻ thơ của Đức Kitô trong Tin Mừng theo Thánh Mathêô tỏ lộ tất cả ý nghĩa nếu như chúng ta đọc thấy đằng sau đó những câu chuyện Kinh thánh và hậu Kinh thánh có liên đến Môsê. Tin Mừng thời trẻ thơ của Đức Kitô thì liên quan với phong văn gợi ý Kinh thánh được tìm thấy ở thế kỷ thứ nhất trong các Thánh vịnh của Salomôn hoặc các thánh thi của Qumrân. Các bài ca của Maria, của Zacharia, và của Simêôn có thể so sánh với các thánh thi của Qumrân. Một số biến cố của đời sống Đức Giêsu Kitô, như thần hiển khi Chúa Giêsu nhận phép thanh tẩy bên bờ sông Jordan, việc biến hình trên núi, phép lạ hóa bánh ra nhiều, phép lạ đi trên mặt nước, giống như được kể với ý tưởng liên quan đến các biến cố hay các câu chuyện của Kinh thánh Cựu ước. Các đối đáp của khán giả trong các dụ ngôn, chẳng hạn như chuyện những người thợ vườn nho giết người trong Matthêu cũng như trong hai Tin Mừng khác chứng tỏ rằng họ đã quen với cách xử dụng kho tàng hình ảnh Kinh thánh như một kỹ thuật để diễn tả một thông điệp hay một bài học.

Huấn dụ "Le peuple Juif et ses saintes Ecritures dans la Bible chrétienne" cho chúng ta thấy việc sử dụng Kinh thánh để giải thích Kinh thánh là một phương pháp không những hữu ích mà rất gần với sự thật mặc khải.

Kinh thánh giải thích bởi Kinh thánh

Đây chính là thước đo vàng bạc của chú giải Kinh thánh. Các nhà thần học gọi phương pháp này là "loại suy đức tin" hay "loại suy Kinh thánh". Nhưng cũng có nhiều câu hỏi trên vấn đề này: sách nào thì có thẩm quyền so với các sách khác? Nhiều sách gọi là "đệ nhị thư quy" được Giáo hội Công giáo chấp nhận như sách Tôbia, Giuđitha, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Barúc, 1 và 2 Macabê, các đoạn thêm vào trong sách Étte và sách Danien, nhưng chúng không nằm trong Thư Quy Do thái và các Giáo hội Tin lành gọi là những ngụy thư.[91]

Tuy vậy, chúng ta vẫn luôn nhớ rằng tác giả chính là Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài luôn là nguồn mạch lạc và nhất kiến của Kinh thánh. Triết gia Pháp Pascal đã nói: "Chỉ có Thiên Chúa mới nói rõ về Thiên Chúa".

Phương pháp Kinh thánh để giải thích Kinh thánh, hay còn gọi là loại suy đức tin, chứa đựng các chiều kích nền tảng  sau đây: 1) trong một chủ đề của Kinh thánh, lời Thiên Chúa được phát biểu xa xưa nhất là lời quan trọng nhất, 2) lời Kinh thánh ở sách này sẽ giải thích và làm sáng tỏ ý nghĩa bản văn khác của Kinh thánh, 3) các sự thật và ý nghĩa trong Kinh thánh không mâu thuẫn nội tại và thần học, 4) những bản văn khó hiểu sẽ được giải thích và soi sáng bởi các bản văn rõ hơn. [92]

Các lời Mặc khải đầu tiên

Trong sách Sáng thế, đoạn 3 câu 15, Thiên Chúa nói với quỷ dữ tại vườn Địa Đàng: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó". Phải nhiều thế kỷ sau đó chúng ta mới có thể hiểu rõ lời mặc khải quan trọng này của Thiên Chúa nói với Evà, khi lời đó được làm sáng tỏ với sự nhập thể của Đức Kitô. Những lời đầu tiên của Thiên Chúa được mặc khải từ đầu như một hạt giống đang nảy mần theo thời gian của nhân loại, như một chuyển động từ từ theo giai đoạn. Thiên Chúa là một nhà sư phạm giỏi, luôn tôn trọng khả năng tiếp nhận và hiểu biết của con người. Thánh Phaolô đã hiểu rõ điều này khi nói: "Cũng như ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính.  Vậy anh em nên biết rằng: những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Ápraham. Ðàng khác, Kinh thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ làm cho dân ngoại nên công chính nhờ đức tin, nên đã tiên báo cho ông Ápraham Tin Mừng này: Nhờ Người, muôn dân sẽ được chúc phúc. Như vậy, những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Ápraham, người có đức tin." (Gl 3,6-9)

Lời Thiên Chúa diễn giải lời Thiên Chúa

So sánh các bản văn tương ứng cùng một tác giả để hiểu ý tuởng của ông và ý nghĩa của bản văn. Chẳng hạn, hãy so sánh Mt 5,38-42, Đức Giêsu nói: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi"  với Mt 26,28: "vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội".

So sánh các bản văn tương ứng của các tác giả khác. Chúng ta có thể bắt đầu so sánh bằng cách nghiên cứu ngữ nghĩa, chúng ta tìm một từ khóa chung hiện hữu trong các bản văn khác nhau và tìm hiểu ngữ nghĩa của chúng theo bối cảnh văn chương của các bản văn đó. Chẳng hạn, lời của Thiên Chúa nói với Môsê  trong sách Xuất hành "Ông Môsê nói: "Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài." Người phán: "Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Ðức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót." Người phán: "Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống." Ðức Chúa còn phán: "Ðây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy" (Xh 33,18-23), cũng giống như lời Ngài nói với ngôn sứ Elie "Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Ðức Chúa". Sau đó trong Tân ước chúng ta thấy Môsê và Elie đều có mặt trên núi Sinai nơi mà đức Giêsu Kitô biến hình: "Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.  Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Ðức Giêsu lại, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi" (Mt 17,1-9).

Để diễn giải, chúng ta  cũng có thể so sánh hai hoặc nhiều bản văn có cùng một chủ đề hay cùng một ý nghĩa, ví dụ như về ăn uống, giữ chay.

Diễn giải Cựu ước bằng ánh sáng Tân ước

Đối với người Kitô hữu, mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô giúp chúng ta hiểu hơn các bản văn Cựu ước. Chính Ngài cũng đã giúp các môn đệ và đám đông hiểu ý nghĩa lề luật và lời Thiên Chúa trong sách Cựu ước. Thánh Gioan nói: "Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có" (Ga 1,17).

Khi các người Saduccéen đến bắt bẻ Thiên Chúa về sự sống lại, họ dẫn chứng lề luật về việc cưới vợ trong truyền thống Do thái và được nói đến trong Cựu ước, Ngài nói với họ: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,  chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn để kẻ chết sống lại, thì chính ông Môsê cũng đã cho thầy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Ðức Chúa là Thiên Chúa của tổ phục Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống" (Lc 20,34-38).

Lời Thiên Chúa không chống đối nhau

Điều này là nguyên tắc căn bản của chú giải Kinh thánh Kitô giáo. Nhưng nếu chúng ta gặp các bản văn đối kháng nhau về tưởng thì phải hiểu làm sao?

Những mâu thuẫn trong hình thức văn loại chứng minh được tính xác thực của các chứng tá có các lối nói và cách diễn đạt khác nhau: các tác giả trong các Tin Mừng nhất lãm, tuy có những dữ kiện chung nhưng mỗi người có một lối viết khác nhau. Và Tin Mừng theo Thánh Gioan còn có sắc thái riêng biệt. Hơn nữa, mục đích và đối tượng của các ngài không giống nhau.

Có những mâu thuẫn rất được biết đến qua hai lối nói của thánh Phaolô và thánh Giacôbê về đức tin: "Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Ðiều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai" (Rm 3,21-22) và "Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Ðàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin" (Gc 2,17-18). Hai thánh tông đồ không diễn tả cùng một ý nghĩa của từ ngữ đức tin trong hai bối cảnh khác nhau.

Hãy cố gắng đi vào chiều sâu của các "nghịch lý" trong Kinh thánh. Vì các nghịch lý cũng là một phương các nói đến các mầu nhiệm thoát khỏi lý trí của con người.  Trong trường học, chúng ta thường được dạy theo lý luận theo một chiều của tư duy. Sức mạnh của lối lý luận này là loại bỏ các mâu thuẫn: chẳng hạn màu đen, không thể là màu trắng. Trong đức tin, chúng ta các nhà thần học cũng thường hay làm như vậy. Nhưng ngay cả trong đời sống con người, sự thật mà chúng ta thấy được thường lấn át những sự thật thoát khỏi lý trí con người. Những sự thật đó, thường ẩn chứa trong các nghịch lý. Nghịch lý là bề mặt của hai yếu tố mâu thuẫn đối kháng, nhưng chúng đến từ một nguồn và đi đến cùng một mục đích. Ngay cả trong khoa học, chúng ta cũng có nhiều nghịch lý: ánh sáng vừa là hạt cũng là sóng.  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Nhập thể, Thánh giá, là những nghịch lý của Kitô giáo. Chính các nghịch lý này đòi hỏi các tín hữu luôn quan sát, suy nghĩ và phán đoán trong tinh thần khiêm tốn để bước vào sự thật vĩ đại của Đức Kitô.

Sau đây là một số ví dụ về nghịch lý trong Tân ước, đòi hỏi trí óc và thông minh của chúng ta bước vào thế giới luận lý  biện chứng: Ơn huệ và công trạng, Nước trời đã đến rồi, nhưng vẫn chưa hiện hữu, Thánh ý Chúa và ý muốn của con người, bản tính của Đức Kitô, hành động của con người và tác động của Thánh Linh,...

Nếu chúng ta ở lại trên một phía chúng ta sẽ mất sự thật trong phía khác. Lý trí đức tin mời gọi chúng ta đi vào năng động của Thiên Chúa.

Diễn giải văn tối ý bằng văn bản sáng tỏ

Chẳng hạn, các đoạn văn của sách Khải huyền hay một vài bản văn nói về sự trở lại của Đức Kitô vẫn còn rất khó hiểu đối với Kitô hữu chúng ta. Như thế, khi diễn giải chúng ta phải cậy nhờ đến các bản văn khác để làm sáng tỏ hơn vấn đề. Các tín hữu thời đó cũng như các môn đệ cứ nghĩ rằng ngày Đức Kitô lại đến đã gần kề và đó chính là ngày tận thế với các dấu hiệu kỳ lạ và tai họa đã được loan báo, họ hỏi Đức Kitô: "Sau đó, lúc Người ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: "Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ những sự việc ấy sẽ xảy ra, và điềm gì báo trước cuộc quang lâm của Thầy và báo trước tận thế". Đức Giêsu đáp: "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính Ta đây là Ðấng Kitô", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn."Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát."Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho tất cả các dân ngoại được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng"»(Mt 24,3-14). Nhưng sau đó đức Giêsu Kitô quả quyết: "Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi" (Mt 24,36; Mc 13,32; Cv 1,7).

 Kinh thánh Cựu ước và Tân ước bổ túc và soi sáng cho nhau. Bởi thế trong các truyền thống dẫn giải Do thái cũng như vào thời Đức Kitô, có hai phương pháp thường được áp dụng, chúng ta sẽ đề cập đến tiếp theo sau đây.

 

Chú thích:

 

[87] "Un autre trait caractéristique de cette synthèse est son équilibre et sa modération. (…). L’exégèse catholique n’attache pas son attention aux seuls aspects humains de la révélation biblique, ce qui est parfois le tort de la méthode historico-critique, ni aux seuls aspects divins, comme le veut le fondamentalisme ; elle s’efforce de mettre en lumière les uns et les autres, unis dans la divine “condescendance” (Dei Verbum, 13), qui est à la base de toute l’Écriture (§. 14). Dans un monde où la recherche scientifique prend plus d’importance en de nombreux domaines, il est indispensable que la science exégétique se situe à un niveau comparable. C’est un des aspects de l’inculturation de la foi qui fait partie de la mission de l’Église, en lien avec l’accueil du mystère de l’Incarnation (§. 16)"

[88] Le pesher (số nhiều là pesharim), là một danh từ tiếng Hêbrơ chỉ định phương pháp diễn giải Kinh thánh riêng biệt của các giáo phái ở Qumrân. Họ diễn giải các Ngôn Sứ hay Sấm Truyền như là những lời đang nói với hiện tại. Theo phương pháp này, họ không để ý đến bối cảnh lịch sử. Học cập nhật hóa các bản văn Kinh thánh và diễn giải các biến cố trong hiện tại như là đang ở trong thời cánh chung. Tên gọi pesher đến từ phong văn soạn thảo : một đoạn văn Kinh thánh được mở đầu bằng lối nói " diễn giải điều này là" (pesher ha-davar) hoặc "diễn dịch của nó là" (pishro).

[89] "Thông diễn loại suy" :  người ta hòa nhập một cách mặc nhiên các diễn đạt Kinh thánh : ví dụ, 2Cr 4, 5-6 hòa lẫn với St 1, 3 và Is 9, 1.

[90] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Le peuple Juif et ses saintes Écritures dans la Bible Chrétienne,  http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/pcb_documents/rc_con_cfaith_doc_20020212_popolo-ebraico_fr.html, tham khảo ngày 25/03/2015.

[91] Valérie DUVAL-POUJOL, "Septième clé  : L’Ecriture s’explique par l’Ecriture" trong 10 clés pour comprendre la Bible, Empreinte Temp Présent, 2004.

[92] Valérie DUVAL-POUJOL, "Septième clé : L’Ecriture s’explique par l’Ecriture, http://www.relation-aide.com/art_description.php?id=329&cat=25, tham khảo ngày 25/03/2015.

---Còn tiếp---

zalo
zalo