Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 87

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 9/20 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

ĐỌC VÀ DIỄN GIẢI KINH THÁNH - Phần 9/20

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Khi làm "phê phán bản thảo", họ phải đi qua ba bước sau đây:

a) bước thứ nhất là phê phán ngôn từ (critique verbale):  vì người ta cho rằng các thư ký, thợ sao chép bằng tay các bản thảo ngày xưa (không có máy điện toán và máy in như bây giờ) có thể phạm những lỗi chính tả, văn phạm. Đôi khi họ quên sót, nhầm lẫn, thêm bớt vào bản văn. Cũng đôi khi, họ cố ý sửa đổi bản văn để chép vào đó những giáo điều mà họ muốn truyền bá, hoặc họ muốn chỉnh sửa một đoạn văn cho thích hợp với Cựu ước. Như thế, nhiệm vụ của những người chú giải, giảng dạy trong các trường thần học, hay những nghiên cứu sinh đang làm luận án Kinh thánh, phải qua giai đoạn khó khăn này, có nghĩa là phải đọc, suy nghĩ và lý luận để truy tìm các lỗi này, hầu hy vọng thiết lập được một bản văn gốc đúng như tác giả đã viết.

b) bước thứ hai là "phê phán ngoại tại": để phân tích các bản thảo, các chuyên gia muốn xếp chúng thành từng bộ, từng "gia đình", họ phải tìm nguồn gốc chúng và nhất là niên đại (ngày tháng ra đời của bản thảo), và thẩm quyền những người đã gìn giữ và bảo vệ chúng. Như thế các chuyên gia, dù khó khăn cũng đã thiết lập được một cách tương đối, hệ thống giá trị các bản thảo, có nghĩa là có những bản được đánh giá tốt hơn những bản khác. Người ta đã xác định được những bản rất xưa bằng da cừu (parchemin) đến từ truyền thống quan trọng Ai cập và Tây phương, viết từ thế kỷ thứ II.

c) bước thứ ba là "phê phán nội tại": việc phân tích các bản thảo khác nhau giúp các chuyên gia tìm ra được một vài nguyên tắc,  các thói quen của truyền tải có chung trong tất cả các bộ bản thảo. Chẳng hạn, những người sao chép thường có thói quen bổ túc bản văn và làm cho hay hơn về mặt văn phạm hay phong văn. Như thế, khi làm công việc phê phán, các chuyên gia của chúng ta, phải chú ý đến điều này, và trong những trường hợp cụ thể, họ phải quyết định lựa chọn các bản văn ngắn nhất, và đôi khi khó hiểu nhất,  có những từ ngữ xa xưa hơn,  là bản có thể gần đúng nhất với tác giả. Vì chúng ta biết rằng các thợ sao chép hoặc văn sĩ,  thường có khuynh hướng loại bỏ những diễn đạt vụng về, kỳ cục, khó hiểu. Hệ quả là, trong phương pháp nội tại, các chuyên gia Kinh thánh phải chọn "câu văn" có nhiều khúc mắc nhất.

Nhưng hãy nhớ rằng, những bàn thảo xưa nhất chưa hẳn là những bản thảo đúng nhất. Để đào sâu hơn về vấn đề này, những người biết pháp ngữ và anh ngữ nên đọc các tác phẩm sau đây: 1) Bruce M. Metzger,  A Textual Commentary on the Greek New Testament, United Bible Societies, London-New York, 1975; 2) Louis Vaganay et C.-B. Amphoux, Initiation à la critique textuelle du Nouveau Testament, Paris, Cerf, 1986.

Sau khi thực hiện xong việc phê phán này, các người đọc và chú giải Kinh thánh nên dịch lại bản văn ra ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Như thế họ sẽ nắm vững hơn các ý nghĩa của bản văn cho giai đoạn kế tiếp.[100]

3) Giai đoạn thứ ba là "phân tích văn chương" (analyse littéraire).[101] Phải phân tích từ ngữ, cú pháp, văn phạm, bố cục, và cấu trúc của bản văn, để có thể tiếp cận và nắm bắt ý nghĩa của nó. Đương nhiên, đối với Kinh thánh, muốn thành công theo phương pháp phê phán sử quan, các nhà chú giải phải giỏi tiếng Do thái, Aram, và Hy lạp cổ. Trong giai đoạn thứ ba này, chúng ta có ba phân tích phải làm: phân tích ý nghĩa từ ngữ, phân tích cú pháp, và phân tích cấu trúc của bản văn.

4) Giai đoạn thứ tư là phê phán các nguồn (critique des soeurces).  Mục đích là để khám phá đoạn văn chúng ta chọn được viết từ đâu, bởi nguồn cung cấp tư liệu nào,... Giai đoạn này giúp các nhà chú giải hiểu được lịch sử của bản văn và môi trường hoặc bối cảnh tạo ra nó. Vì tất cả các bản văn đều ẩn chứa lịch sử của tác giả, của những độc giả, và nhất là bản văn có tru[15ng tâm là những nhân vật chính yếu như Đức Kitô. Các nhà chú giải đặt vấn đề và tìm cách hiểu về hình thái và truyền thống của bản văn. Chẳng hạn, như chúng ta biết rằng Tin Mừng Nhất Lãm có hai nguồn chính, nghĩa là hai văn bản gốc chứa đựng tất cả những yếu tố trong Tin Mừng Nhất Lãm.

5) Giai đoạn thứ năm là "phân tích văn loại" (analyse de la "forme" du texte). Hai nhà thần học và chú giải danh tiếng người Đức đã cho ra đời phương pháp này vào đầu thế kỷ XX: R. Bultmann et M. Dibelius.[102] Đến nay, nhiều chỉnh sửa được bổ túc cho phương pháp. Người ta phải nhận ra rằng mỗi đoạn văn được viết theo nhiều thể loại khác nhau. Khi sắp xếp các văn bản này theo từng thể loại, người ta khám phá ra được những mô hình văn chương có quy tắc mà các tác giả Kinh thánh vâng theo để soạn thảo bản văn của họ. Theo phương pháp của R. Bultmann, người ta sắp xếp các thể loại văn chương gặp trong các Tin Mừng theo hai nhóm, les logia, ngôn từ và  récit chuyện kể.

Trong nhóm logia, chúng ta có lời ngôn sứ, lời thuộc lĩnh vực khôn ngoan, những phán quyết pháp luật, dụ ngôn, những câu nói có chủ từ là danh xưng "tôi" (ich wörter), những lối nói (Nachfolge Reden), và những sưu tập các logia.

Trong nhóm chuyện kể, chúng ta có 4 thể loại, và trong mỗi thể loại, chuyện kể thường theo cấu trúc sau đây.

- Phép lạ: a) nhà phép thuật xuất hiện, giới thiệu bệnh nhân, và diễn tả họ, b) chuẩn bị bối cảnh c) tình cảm của nhà phép thuật, d) chứng nhận sự khỏi bệnh và tác động trên người xem.

- Tranh cãi: a) hành động hay cử chỉ gây sốc, b) giới thiệu và  chất vấn đối phương, phản ứng và câu hỏi của Chúa Giêsu, d) xao động, thinh lặng, ngạc nhiên của đối phương.

- Mô thức (paradigme theo R. Bultmann, 1884-1976)[103] hoặc apophdigme, một phán ngôn giống như châm ngôn  (theo M. Dibelius). Đó là những chuyện kể ngắn, rất ít chi tiết, được dùng cho giảng dạy: Mc 3,1-6; Mt 19,13-15; 22,15-22.

- Những tóm lược các hoạt động của Đức Kitô, thường dùng các động từ ở thì quá khứ  chưa hoàn thành "imparfait".

Kế đến, người chú giải tiếp tục nghiên cứu với phương pháp gọi là Sitz im Leben trong tiếng Đức (môi trường sống). Thực vậy, những thể loại văn chương này sẽ được đặt trong tương quan với việc truyền bá lời của Chúa Giêsu và lời dạy giáo lý nguyên thủy. Những lời này được dùng trong các chức năng khác nhau trong các cộng đoàn: giảng dạy, phụng vụ (chuyện lập bí tích Thánh thể), giáo lý, truyền giáo.

6) Giai đoạn phê phán lịch sử các truyền thống. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu hay chú giải Kinh thánh, cố gắng tìm kiếm và xác định được sự truyền tải các bản văn trước khi trở thành một truyền thống. Trước tiên, người ta nói đến việc truyền tải những yếu tố cơ bản (Überlieferungsgeschichte), chẳng hạn như các truyền thống có liên quan đến Đức Kitô trong các Tin Mừng Nhất Lãm, tùy thuộc vào các môi trường truyền bá khác nhau, và những quan tâm khác biệt trong các lĩnh vực như giáo lý, cộng đồng, hoặc pháp lý.

Nói một cách cụ thể hơn, trong giai đoạn này, những người nghiên cứu hay đọc Kinh thánh, cố gắng tìm lại dấu vết các công đoạn sáng tạo một bản văn Tin Mừng Nhất Lãm: làm thế nào để biết và suy nghĩ trên những gì Đức Kitô đã thực sự nói hay làm? Trên những dữ kiện cơ bản giống nhau, các tác giả Tin Mừng đã đặt nó vào nội dung một câu chuyện họ kể. Qua giai đoạn này, người ta có thể biết được sự phát triển đức tin của các cộng đoàn khác nhau, từ việc tin vào con người Giêsu sinh ra ở Nazareth tới đức tin vào Ngài như Thiên Chúa vinh quang. Và các nhà chú giải cũng cố gắng phân biệt giữa Đức Kitô lịch sử và Đức Kitô được rao giảng.[104]

7) Và chúng ta cũng đi đến giai đoạn cuối cùng của phương pháp phê phán sử quan khá đầy đủ và phức tạp này: "phê phán việc soạn thảo" (Redaktiongeschicht). Mục đích của phương pháp này là để xác định được mục tiêu thần học, mục vụ, luân lý của tác giả, khi họ viết tác bản văn của họ, họ đã sửa đổi các dữ liệu truyền thống để thích nghi với độc giả của họ. Việc soạn thảo một bản văn luôn đi đôi với việc lựa chọn các dữ liệu cần thiết, sửa đổi đôi chút, và đặt nó trong bối cảnh câu chuyện mình muốn kể, và nhất là thông điệp mình đã tin và muốn truyền bá.

Để làm việc này, các nhà chú giải, hay người nghiên cứu và học hỏi Kinh thánh, tìm những dấu chỉ văn chương như từ ngữ chuyên biệt (từ riêng mà tác giả hay dùng, như cái nhìn bao quanh của Đức Kitô trong Tin Mừng theo thánh Maccô, những lập lại nhiều lần, những quen sót cố ý hay vô tình...).

Sau khi lược qua quá trình phương pháp sử quan phê phán, với việc nghiên cứu có tính cách khoa học  và lịch sử, chúng ta hiểu tại sao phương pháp này được các trường chú giải Kinh thánh sử dụng và cổ võ. Ngay cả trong tài liệu chính của Ủy Ban Kinh thánh Giáo Hoàng, cuốn Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh[105], phát hành năm 1993, Giáo hội đã dành ưu thế cho "phương pháp" này, và phân biệt với các công cụ văn chương khác bằng các từ "analyse" và  "approche" mà chúng ta có thể dịch là "phân tích" và "tiếp cận".[106]

Phải công nhận rằng phương pháp này bó buộc các nhà chú giải, các giáo sư giảng dạy, hoặc các sinh viên môn Kinh thánh phải đầu tư rất nhiều, hao tốn sức lực và thời gian. Họ nên nắm vững các môn học cần cho sự chú giải theo phương pháp này: cổ ngữ, văn phạm, cú pháp, văn chương so sánh, lịch sử các tôn giáo, triết học, khảo cổ, tu từ học, ... Nó còn giúp cho chúng ta tránh những cách đọc thiển cận và nguy hại như cách đọc theo lối nệ cổ hay bảo thủ "fondamentaiste".[107]

Nhưng kể từ năm 1970, chú giải Kinh thánh theo phương pháp phê phán sử quan, bị chất vấn bởi các phương pháp văn chương và khoa học nhân văn khác như: khoa văn chương và ngôn ngữ học trong đó có môn ký hiệu học, xã hội học, phân tâm học, nhân chủng học, và ngay cả chính trị học nữa. Các nhà chú giải nhận ra rằng, các phương pháp chỉ là những công cụ có ích để giúp chúng ta hiễu được một phần nào đó sự thật Kinh thánh. Các nhà chú giải đã phát triển việc nghiên cứu Kinh thánh đã sử dụng bổ túc lẫn nhau các phương pháp khác cùng với phương pháp sử quan để đọc Kinh thánh, đặc biệt là phân tích cách tường thuật (narrative)(Phân tích thuật chuyện)[108], xã hội học và phân tích Tu từ học.

Nếu phương pháp phê phán sử quan chú trọng về cách phân tích lịch đại "diachronique"[109], trong khi đó các phương vừa nói trên đây theo phân tích có tính cách đồng đại "synchronique", chú trọng và so sánh các chi tiết Kinh thánh, mà không cần tham khảo những yếu tố lịch sử của việc soạn thảo, và môi trường soạn thảo trong lịch sử. Ngược lại, phương pháp phê phán sử quan cũng có thể làm người ta quên rằng, bản văn mà chúng ta có hiện tại, đã trải qua bao truyền thống Kitô hữu,  lời Thiên Chúa đã nuôi sống họ, và lời đó luôn sống động nhờ họ. Nếu phải tìm ra bản thật, chúng ta có thể làm nghèo đi lời Thiên Chúa qua việc đón nhận của con người từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

Tiếp cận Thư quy

Ngôn từ Thư quy được dùng hơi gượng ép. Người ta dịch nó từ các dùng trong Anh ngữ của  J. A. Sanders: "canonical criticism" (1972). Thực ra quy trình này bao gồm phương pháp đa dạng để đọc các bản văn Kinh thánh mà trong đó điểm chung là chú ý đến sự thành hình, bản chất, vai trò và thẩm quyền của Thư quy (canon). Trong mọi trường hợp, người ta đọc và nghiên cứu các bản văn với trạng thái hiện nay và trong bối cảnh xác định của Thư quy ở nội dung cuốn sách, sau đó, trong bối cảnh rộng hơn ở toàn bộ Cựu ước hay Tân ước. Những người chú giải theo phương pháp tôn trọng toàn bộ Thư quy, đối lập với giai đoạn phân tích hình thức văn loại của bản văn trong phương pháp sử quan phê phán.

Như chúng ta đã thấy một vài yếu điểm của phương pháp phê phán sử quan đã được nêu lên trên đây, chúng ta cũng hiểu được vì sao Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI yêu thích phương pháp Thư quy và mời gọi các nhà chú giải áp dụng bổ túc cho các phương pháp khác: "Có một đường hướng trong toàn bộ, vì thế mà Cựu ước và Tân ước không thể tách rời. Đúng thế, diễn giải Kitô học đã thấy trong Đức Giêsu Kitô chìa khóa của toàn bộ, và bắt đầu từ Ngài, người ta hiểu Kinh thánh như là một cuốn sách hiệp nhất, thức đẩy một hành động đức tin, và nó không thể chỉ là kết quả của một phương pháp hoàn toàn lịch sử. Nhưng hành động đức tin này chuyên chở lý lẽ, một lý lẽ lịch sử: nó cho phép thấy được sự hiệp nhất nội tại của Kinh thánh, và từ đó, chúng ta có được một nhận thức mới về các công đoạn khác nhau của hành trình thành lập, mà không lấy đi khỏi nó nguồn gốc lịch sử."[110]

Như thế, chú giải theo tiếp cận thư quy nối tiếp phương pháp phê phán sử quan và bổ túc phương pháp này trong vấn đề thần học. Khi sử dụng tiếp cận thư quy, chúng ta phải ý thức ba điểm quan trọng sau đây:

a) Kinh thánh là một công trình Mặc khải hiệp nhất: hệ quả, là chúng ta dùng lời Thiên Chúa để hiểu lời Thiên Chúa (Lc 24,25-27).

b) Tuy Kinh thánh được viết bởi con người, nhưng tác giả duy nhất là Thánh Thần Thiên Chúa: "Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.’’  (2 P 1,19-21).

c) Lời Thiên Chúa không phải là một đối tượng văn chương nghiên cứu, mà chủ yếu là thức ăn nuôi dưỡng đời sống tâm linh và chuẩn mực đạo đức của con người trong đời sống thế trần. Vì thế Lời Ngài phải là linh hồn của thần học, như hội thánh đã khẳng định. Nên trong lịch sử hình thành Thư quy, dù đôi khi có những sửa đổi, nhưng những sửa đổi này phải làm làm chúng ta suy nghĩ và diễn giải cho cuộc sống chúng ta.

Sau đây là năm câu hỏi mà các nhà chú giả Kinh thánh theo tiếp cận Thư quy thường đặt ra (B. S. CHILDS, 1923-2007):

1) Đoạn văn mà chúng ta đọc và muốn tìm hiểu đã đến với chúng ta như nó đang hiện hữu, Thiên Chúa muốn nói cho chúng ta ý nghĩa gì?

2) Có chăng những đoạn văn khác giới hạn nó hay những đoạn văn hướng chúng ta tới một diễn giải bắt buộc?

3) Bản văn của chúng ta đang đọc ảnh hưởng thế nào tới những bản văn khác trong Kinh thánh?

4) Bản văn chúng ta đọc, có giới hạn một bản văn khác, hay bản văn này định hướng cho chú giải một bản văn khác?

5) Đâu là hệ quả của những yếu tố liên quan đến việc soạn thảo bản văn, nhất là khi chúng ta so sánh được những yếu tố thêm vào trong cùng một phân đoạn?

Phương pháp phân tích lối thuật chuyện[111]

Giữa những năm 1920 và 1960, các nhà chú giải ở Hoa kỳ bắt đầu chú ý đến nghệ thuật chuyện kể trong Kinh thánh, đến chiến lược thuật chuyện của người kể (narrateur) đối với những độc giả nhắm tới.

Ở Âu châu, Hans-Georg Gadamer (1900-2002), triết gia người Đức, học trò của Martin Heidegger, được xem như cha đẻ của "thông diễn" triết học (herméneutique). Tác phẩm Vérité et méthode (Wahrheit und Methode), nổi tiếng nhất trong các sách của ông, đặt ra nền tảng của môn Thông diễn học còn có thể gọi là tường giải. Quan trọng là trong tác phẩm này, Gadamer cố gắng tách biệt quá trình diễn giải một bản văn triết học ra khỏi tất cả phương pháp của các môn khoa học chính xác. Ông bảo vệ ý tưởng cho rằng những sự thật thoát khỏi những kiểm chứng khoa học. Chính ý niệm triết học này đã mở đường hướng mới cho việc giải thích Kinh thánh.

Sau đó, Paul Ricoeur (1913-2005), một triết gia người Pháp quan trọng nhất của thế kỷ XX, đã nghiên cứu và phát triển môn Hiện tượng học và Thông diễn học (la phénoménologie et l’herméneutique), trong việc đối thoại thường hằng với các môn khoa học nhân bản và xã hội. Ông quan tâm đến chủ nghĩa Hiện Sinh Kitô hữu và thần học Tin lành. Các tác phẩm của ông chuyên về những chủ đề "ý nghĩa" (sens), "tính chủ quan" (subjectivité) và diễn giải học trong tiểu thuyết, văn chương và phim ảnh. Ở đây, quan trọng là Paul Ricoeur, cũng là nhà chú giải Kinh thánh.[112]

Nói tóm lại, Gadamer và Ricoeur, đã ảnh hưởng lớn đến các nhà nghiên cứu và chú giải Kinh thánh trong ngôn ngữ tiếng Pháp, và giúp họ phân biệt giữa việc sáng tác và đọc các văn bản.

Các giả định triết học này giúp các nhà chú giải Kinh thánh phát triển môn phân tích thuật cách thuật chuyện. Khác với phương pháp phê phán sử quan, phân tích thuật chuyện không chú ý đến việc soạn thảo và sự hình thành của bản văn, những người đọc theo phương pháp "synchronique" này, chỉ chú ý đến bản văn đã hoàn thành có trước mắt. Họ không làm công việc khảo cổ bản văn. Mục đích của phân tích thuật chuyện là muốn thiết lập truyền thông giữa bản văn và người đọc.

Đọc và học hỏi một chuyện kể, theo phân tích này, bao gồm việc lấy ra được cách thức mà tác giả dùng để cấu tạo bản văn và phân tích chúng, chú ý đến cái mà người ta gọi là "chiến lược" thuật chuyện. Theo phương pháp này, các nhà nghiên cứu và học hỏi Kinh thánh phân tích và xử lý 7 yếu tố kiến tạo bản văn sau đây:

1) Các giới hạn của chuyện kể: câu chuyện mở đầu và kết thúc ở đâu? Phải tìm ra được các chỉ dẫn về thời gian, không gian, nhân vật, hành động, chủ đề, để có thể giới hạn câu chuyện. Câu chuyện này có bao nhiêu màn, bao nhiêu cảnh, và chúng được nối kết với nhau như thế nào? Làm sao câu chuyện nhỏ này được đặt trong bối cảnh lớn hơn, trước và sau câu chuyện có những chuyện kể hoặc các văn bản khác?

2) Phân tích tình tiết (l’intrigue)[103]: 5 yếu tố sau đây tạo tình tiết trong một chuyện kể, a) tình huống mở đầu, b) yếu tố gây khúc mắc cần được giải quyết, còn gọi là những yếu tố gây xáo trộn (complication), c) hành động tạo sự thay đổi (action transformatrice), d) giải lý những khúc mắc, e) tình cảnh kết thúc. Câu chuyện có một hay nhiều tình tiết chồng chất lên nhau? Có những tình tiết không có kết thúc? Có những kết thúc có hậu hoặc những kết thúc bằng cái chết, bệnh hoạn, tai nạn?

3) Phân tích nhân vật. Các nhân vật không hẳn là người. Nhân vật cũng có thể là gia súc hay động vật hoặc đồ vật, nên trong phương pháp thuật chuyện, chúng ta gọi đó là những "tác nhân" (actants) trong câu chuyện. Nhân vật cá thể hay cộng đoàn? Có những nhân vật có chiều dày và cũng có những ít phức tạp hơn trong câu chuyện. Ai là anh hùng, nhân vật chính, và ai là đối thủ của họ, ai là những người theo phe này hay phe nọ, hay có liên quan chồng chéo đến cả hai? Có những nhân vật lèo lái câu chuyện và có những nhân vật ngây ngô.

Các nhân vật biến chuyển như thế nào trong câu chuyện? Người kể chuyện trình bày thế nào về các nhân vật? Ông có cảm tình với nhân vật nào và hướng dẫn người đọc ghét bỏ nhân vật nào? Người đọc có  khoảng cách nào đối với các nhân vật của câu chuyện? Người kể chuyện, giống như những tác giả phim chuyện (Hàn Quốc hay Việt Nam), đưa người đọc hướng về những những điều họ muốn diễn đạt.

Do đó người nghiên cứu bản văn theo phương pháp này phải chú ý đến việc tìm ra những lối ngắm nhìn, hay ống kính của tác giả (focalisation): a) dàn dựng tổng quát, tầm ống ngắm zéro (focalisation zéro), người kể chuyện tạo khung cảnh câu chuyện được kể và cho độc giả những thông tin chưa biết của các nhân vật; b) tầm ống ngắm ngoại tại, cảnh cố định, độc giả được đưa vào khung cảnh, biết, thấy những gì mình biết, và thấy các nhân vật; c) tầm ống ngắm nội tại, cảnh gần, người đọc hiểu được nội tâm và suy nghĩ của nhân vật. Người đọc hay nghiên cứu chuyện kể tự hỏi mình biết nhiều hơn, bằng, hay ít hơn các nhân vật về diễn tiến tình tiết?

4) Phân tích cách sử dụng thời gian của người thuật chuyện (la temporalité). Các tình tiết câu chuyện được kể theo tốc độ nào? Để hiểu được cách dùng thời gian của tác giả, người đọc tự hỏi, đâu là thời điểm của câu chuyện, và phải chú ý đến các trạng từ chỉ thời gian, hôm nay, ngày mai, hôm sau, cùng lúc ấy,... , những hành động đáng lẽ phải diễn ra, nhưng bị bỏ quên (les ellipses). Câu chuyện được kể tuần tự theo thời gian hay theo một sắp xếp khác về thời gian. Người kể chuyện có thể kể hằng giờ câu chuyện xảy ra trong một giây hoặc kể trong một giây câu chuyện thật dài trong thực tế. Thời gian chuyện kể khác với thời gian thực tế, tùy theo ý muốn và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Tác giả có thể đi lùi thời gian hoặc dự phóng trong tương lai của câu chuyện. Mỗi  thay đổi thời gian có ý nghĩa gì?

5) Phân tích khung cảnh câu chuyện. Nhà nghiên cứu, chú giải hay người đọc bản văn Kinh thánh, để ý và tìm ra những trạng từ chỉ thời gian, không gian, văn hóa, xã hội, và tất cả các dữ kiện khác của câu chuyện kể. Tất cả những chỉ định từ này có nghĩa thực hay biểu tượng? Chúng liên quan trực tiếp đến những phân đoạn của chuyện kể hay gián tiếp? Đâu là thế giới của câu chuyện?

6) Phân tích "ai" là người kể (la voix narrative). Những người đọc hay nhà nghiên cứu bản văn phải tự hỏi ai là người kể chuyện. Họ cố gắng tìm hiểu những tính cách và yếu tố của người kể chuyện, người đã lèo lái một cách nào đó những người đọc theo chiến lược của họ. Và từ những dữ liệu được khám phá, người đọc hoặc nhà chú giải có thể có một nhận định trên quan điểm và giá trị của người kể. Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng: người kể chuyện này có hành động trong câu chuyện hay không? Nếu có, họ có thể tác động trên bản văn qua những bình phẩm như giải thích, thông dịch, đánh giá,... hoặc một các kín đáo và tế nhị hơn như những trích dẫn, chơi chữ, khôi hài, châm biến, chế nhạo, hiểu lầm?

7) Bản văn và người đọc. Đây là giai đọan cuối cùng của phương pháp. Người đọc và các nhà chú giải hay nghiên cứu bản văn Kinh thánh phải làm một tổng kết dựa trên ý tưởng sau đây: tất cả chuyện kể được viết dành những người độc giả đã ước định trước và những người độc giả đọc bản văn sau đó như chúng ta bây giờ. Như thế, nhờ suy luận, chúng ta cũng biết có thể có hai loại tác giả, người kể chuyện (l’auteur implicite) có mặt trong câu chuyện, và tác giả này trông cậy vào sự cộng tác năng động của độc giả, và những độc giả này, như đã nói, được gọi là độc giả ước định (lecteur implicite). Để có được sự hợp tác, người kể chuyện đề nghị qua câu chuyện của họ một hiệp đồng hay hiệp ước với người đọc ước định.

Để khám phá được hiệp ước này, người đọc hay nhà nghiên cứu bản văn phải tự đặt những câu hỏi sau đây:

- Chuyện kể thuộc thể văn nào: phép lạ, chữa bệnh, trừ quỷ, tranh cãi, sử thi (épopée), ơn gọi,...? Nếu chúng ta đặt nó vào nền văn hóa của thời đó, thời của câu chuyện được viết, tác giả muốn diễn giải điều gì? Như thế bản văn có ý nghĩa gì đối với chúng ta bây giờ?

- Câu chuyện mà chúng ta đọc bây giờ có những quy ước gì? Nếu có, trong viễn cảnh nào? Người kể chuyện hay tác giả ước định (ngụ ý, auteur implicite) muốn phỏng định trước những hiểu biết gì nơi những độc giả ước định hay ngụ ý: chẳng hạn như tác giả ngụ ý có thể cho rằng các độc giả của mình là những người biết Cựu ước, biết văn hóa và tôn giáo thời đó,...? Những kiến thức này có được nói đến trong bản văn hay không?

- Trong câu chuyện, chúng ta có để ý đến những "khoảng trống" (des blancs), những dữ kiện không được nhắc đến?

- Câu chuyện có dự trù những ngạc nhiên của độc giả hay không? Chẳng hạn, tác giả có thể hướng độc giả tới một dự đoán kết cục nào đó, nhưng tác giả làm cho độc giả bất ngờ với một kết quả khác.

- Tác giả ngụ ý có ý định muốn độc giả ngụ ý tự  vào quá trình đồng hoá với một trong những nhân vật hay không?

- Trong phần nào chúng ta  như những độc giả ngày nay được tìm và xây dựng ý nghĩa và diễn giải?

- Câu chuyện có làm những độc giả ngụ ý và độc giả ngày nay phải đối diện và đi vào những kiến thức, niềm tin, câu hỏi, và tương quan với thế giới của tác giả, với Thiên Chúa hay không?

Như chúng ta đã thấy, đọc Kinh thánh theo phương pháp phân tích lối thuật chuyện cũng phức tạp và phong phú không kém gì phương pháp phê phán sử quan.

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho những người đọc hoặc muốn học hỏi sâu xa về Kinh thánh: làm thế nào để nối khớp hai phương pháp bản chất khác nhau, một bên là nghiên cứu đồng đại, "synchronique", tính các đồng thời gian, và một bên khác, lịch đại, "diachronique", tính cách xuyên thời gian.[114]

 

Chú thích:

[100] Alain GIGNAC, "Traduction et expérience de lecture, réflexions théologiques sur leur signification en christianisme", Théologique, 15, số 2, 2007, tr. 67-88.

[101] Cách phân tích này có lẽ các em học sinh cấp ba và đại học cũng đã từng thực hành một cách nào đó khi bình giải văn thơ.

[102] M. DIBELIUS, http://fr.wikipedia.org/wiki/Martin_Dibelius, tham khảo ngày 25/03/2015.

[103] Bultmann, thần học gia người Đức, Tin lành, nổi tiếng với phương pháp "démythologie" (giải hóa thần thoại) trong các sách Tin Mừng, để tiến gần đến sự thật lịch sử trong Kinh thánh. Sau đây là những tác phẩm có tiếng của ông đã dịch ra tiếng Pháp : L'Histoire de la tradition synoptique, Paris, Seuil, 1973 ; Jésus : mythologie et démythologisation, préf. Paul Ricœur, Paris, Seuil, 1968 ; Foi et Compréhension, trad. André Malet, Paris, Seuil, 1969.

[104] Nếu muốn hiểu thêm xin đọc : J.-P. Meier, Un certain Juif Jésus. Les données de l’histoire. Cuốn I : Les sources, les origines, les dates (LD), Cerf, Paris, 2005, chương VI : "Comment déterminer ce qui vient de Jésus ?", tr. 101-118.

[105] L'Interprétation de la Bible dans l'Église, Allocution de Sa Sainteté le pape Jean-Paul II et document de la Commission Biblique Pontificale, Paris, cerf, 1994.

[106] Xem bản dịch của cha NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 17/ 12/ 2014.

[107] "E. Cách giải thích bảo thủ  (fondamentalsite). (Nguyên tắc). Cách giải thích bảo thủ khởi đi từ nguyên tắc cho rằng Kinh thánh vì là Lời Thiên Chúa, đã được linh hứng và không vướng sai lầm, nên phải được đọc và giải thích sát chữ trong mọi chi tiết. Nhưng “giải thích sát chữ” ở đây hiểu là một cách giải thích sơ đẳng, cứ chữ, nghĩa là loại bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm hiểu Kinh thánh mà có để ý đến nguồn gốc lịch sử và sự phát triển của Kinh thánh. Như thế, lối giải thích này đi ngược lại việc sử dụng phương pháp phê bình-lịch sử, cũng như bất kỳ phương pháp khoa học nào nhằm giải thích Kinh thánh." NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 17/12/ 2014.

[108] Theo bản dịch của cha NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 17/ 12/ 2014.

[109] "Diachronique", từ có gốc Hy lạp, hình thành bởi dia có nghĩa là qua bởi đó, và chronos, thời gian. Phương pháp phê phán sử quan có tính cách diachronique, có nghĩa là phương pháp này phân tích các dữ liệu không đến từ cùng một thời gian và cụng một nơi chốn. Ngược lại, "Synchronique", phương pháp sử dụng những dữ liệu nằm trong các bản văn mà chúng ta có được bây giờ, mà không cần tìm lại, bản chính thật của tác giả ngày xưa.

[110] "qu’il existe une direction dans cet ensemble, que l’Ancien et le Nouveau Testament ne peuvent être dissociés. Certes, l’herméneutique christologique, qui voit dans Jésus-Christ la clé de l’ensemble et qui partant de lui, comprend la Bible comme un unité, postule un acte de foi, et qu’il ne peut résulter d’une méthode purement historique. Mais cet acte de foi est intrinsèquement porteur de raison, d’une raison historique : il permet de voir l’unité interne de l’Ecriture et, par là, d’avoir une compréhension nouvelle des différentes phases de son cheminement, sans leur retirer leur originalité historique." Joseph Ratzinger-Benoît XVI, Jésus de Nazareth, Paris, Flammarion, 2007, tr. 14. -http://assomption.org/fr/spiritualite/saint-augustin/revue-itineraires-augustiniens/lire-avec-les-yeux-du-coeur/iv-augustin-aujourd-hui/tendances-actuelles-de-l2019exegese-par-sophie ramond#sthash.HvFItU87.dpuf, tham khảo ngày 05/12/2014.

[111] A. WÉNIN, Brève présentation de l’analyse narrative, http://www.segec.be/Documents/Fesec/Secteurs/religion/Outil-Breve-pres_anal-narrative.pdf., tham khảo ngày 18/ 12/ 2014.

[112] Paul RICOEUR, L’herméneutique biblique, Présentation et traduction par François-Xavier Amherdt, coll. La nuit surveillée, Paris, Cerf, 2001.

[113] Thực ra "tình tiết" không lột bỏ được ý nghĩa từ ngữ intrigue trong nghệ thuật kể chuyện, nhưng không tìm thấy từ nào khác hơn trong Tự điển tiếng Việt.

[114] Thực ra, hai từ ngữ kỹ thuật "synchronique" và "diachronique" của Kinh thánh rất khó dịch ra tiếng Việt. Tôi mượn ở đây lối dịch của cha NGUYỄN Tất Trung, dòng Đa Minh, http://catechesis.net/news/VAN-KIEN-GIAO-HOI-62/VIEC-GIAI-THICH-KINH-THANH-TRONG-HOI-THANH-Phan-1-275/, tham khảo ngày 17/ 12/ 2014. Tôi cũng cố gắng giải thích hai từ này trong một chú thích số 52.

---Còn tiếp---

zalo
zalo