Ngày tháng: 30/12/2024
Đang truy cập: 22

ĐÔI NÉT VỀ NĂM PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

WHĐ (26.11.2022) – Hằng năm, thường vào cuối tháng 11 Dương lịch, Giáo hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới.

Năm Phụng vụ của Giáo Hội có 52 tuần lễ, khởi đầu từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng và kết thúc vào chiều thứ Bảy sau Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên, Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Thật vậy, dưới nhãn quan thần học, “Giáo hội triển khai toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô qua chu kỳ một năm, từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày lễ Ngũ Tuần, và cho đến việc mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và cuộc Ngự đến của Chúa” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1194).

Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô – cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người – liên tục được loan báo và đổi mới qua việc cử hành các biến cố trong cuộc đời của Người và trong các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Theo đó, năm Phụng vụ bao gồm 2 chu kỳ: Chu kỳ theo mùa và chu kỳ các Thánh.

I. CHU KỲ THEO MÙA

Năm Phụng vụ chia thành 5 mùa với cao điểm là mùa Phục Sinh rồi đến Giáng Sinh, và được chuẩn bị bằng Mùa Chay và Mùa Vọng, còn xen kẽ giữa các mùa gọi là Mùa Thường Niên.

1. Mùa Vọng: nhằm mục đích hướng về ngày Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để hoàn tất lịch sử, nhưng gần hơn là chuẩn bị tâm hồn tín hữu kỷ niệm Mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian vào Lễ Giáng Sinh.

Mùa Vọng kéo dài khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng đến chiều ngày 24/12. Các bài đọc Mùa Vọng mời gọi tín hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng, không bị đè nặng và xao lãng bởi những lo toan của thế gian này (x. Lc 21, 34-36). Trong mùa Vọng, lễ phục màu tím nói lên yếu tố sám hối theo nghĩa chuẩn bị, tĩnh lặng và rèn luyện tâm hồn để đón nhận niềm vui trọn vẹn của Lễ Giáng Sinh.

2. Mùa Giáng Sinh: kỷ niệm sự giáng sinh của Con Một Thiên Chúa trong thế giới. Tín hữu được mời gọi sống mầu nhiệm Emmanuel -Thiên Chúa ở cùng chúng ta - và suy ngẫm về hồng ân cứu độ được ban tặng qua việc Đức Giêsu được sinh ra để chết cho chúng ta. Phụng vụ Mùa Giáng Sinh bắt đầu với Thánh Lễ canh thức Đêm Giáng Sinh và kết thúc với Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Mùa Giáng Sinh có tuần bát nhật Giáng Sinh.

3. Mùa Chay: Theo nguyên nghĩa, Mùa Chay là mùa 40 ngày, con số mang ý nghĩa biểu tượng Kinh Thánh: 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa để vào đất hứa, 40 ngày ông Môsê ở trên núi Giao Ước Sinai, và 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa. Là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh, mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào lúc mặt trời lặn vào Thứ Năm Tuần Thánh.

Trong mùa Chay, tín hữu tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện bằng việc đọc Sách Thánh; phục vụ bằng cách bố thí, không chỉ thông qua việc cho đi tiền bạc, mà còn chia sẻ thời gian và tài năng của mỗi người; và thực hành sự tự chủ qua việc ăn chay, khi không chỉ kiêng thịt, tránh dùng những thứ xa xỉ mà còn phải thực sự hoán cải nội tâm khi cố gắng trung thành tuân theo ý Chúa.

Tam Nhật Vượt Qua: Việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay, và dẫn đến việc cử hành mầu nhiệm cứu chuộc qua cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly của Thứ Năm Tuần Thánh cho đến Kinh Chiều II Chúa Nhật Phục sinh.

4. Mùa Phục Sinh: được đặc trưng bởi niềm vui của cuộc sống vinh quang và chiến thắng sự chết được thể hiện đầy đủ nhất trong tiếng kêu vang dội của Kitô hữu: Alleluia! Mọi đức tin bắt nguồn từ niềm tin vào sự phục sinh: "Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng; cả đức tin của anh em cũng trống rỗng" (1 Cor 15, 14).

Là giai đoạn quan trọng nhất trong tất cả các mùa phụng vụ, mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mùa Phục Sinh có tuần Bát Nhật Phục Sinh, như một cách kéo dài niềm vui của ngày Chúa Nhật Phục Sinh, được cử hành như lễ trọng kính Chúa, dù không đọc Kinh Tin Kính nhưng không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch nào, ngoại trừ thánh lễ an táng.

5. Mùa Thường Niên: là thời gian để lớn lên và trưởng thành, trong đó mầu nhiệm Chúa Kitô được mời gọi thâm nhập sâu hơn vào lịch sử cho đến khi tất cả mọi sự cuối cùng được thu hút vào Chúa Kitô. Trong mùa thường niên, tuy Phụng vụ không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm ấy trong toàn thể, các tín hữu được mời gọi suy tư giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu giữa dân Ngài.

Mùa thường niên gồm 34 tuần, xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh và mùa Chay (khoảng 4-8 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (khoảng 6 tháng).

II. CHU KỲ CÁC THÁNH

Mầu nhiệm Chúa Kitô, diễn ra qua chu kỳ các mùa, mời gọi tín hữu sống mầu nhiệm của Người trong cuộc sống thường ngày. Lời kêu gọi này được minh họa rõ nét chu kỳ các Thánh. Theo sách Giáo lý Công giáo, “Khi kính nhớ các Thánh, trước hết là Mẹ Thiên Chúa, kế đến là các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử đạo và các Thánh khác, vào những ngày nhất định trong năm Phụng vụ, Hội Thánh nơi trần thế biểu lộ sự hiệp thông với phụng vụ thiên quốc. Hội Thánh tôn vinh Đức Ki-tô, vì ơn cứu độ Người đã hoàn thành nơi những chi thể đã được tôn vinh của Người. Gương sáng của các ngài khích lệ Hội Thánh trên đường về với Chúa Cha” (GLCG, 1195).

Một cách cụ thể Giáo hội cung cấp những bậc lễ khác nhau, như công cụ quan trọng để mừng kính các mầu nhiệm về Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh hầu giúp tín hữu phong phú hoá, và canh tân đời sống thiêng liêng.

1. Bậc Lễ trọng

Được qui định là bậc cao nhất, tất cả các Lễ Trọng đều được bắt đầu từ Kinh Chiều I ngày hôm trước, nghĩa là ngày mừng lễ sẽ dài hơn một ngày bình thường. Trong cử hành lễ Trọng, có kinh Vinh Danh và Kinh Tin kính. Đối với trường hợp lễ Trọng có lễ Vọng, ví dụ như Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô thì phải cử hành thánh lễ Vọng.

Theo lịch Phụng vụ chung, Giáo hội cử hành:

- Lễ Trọng mừng kính Chúa bao gồm: Lễ Giáng sinh, Lễ Hiển linh, Lễ Phục sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Lễ Chúa Kitô Vua. 

- Lễ Trọng mừng kính Đức Maria: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lễ Truyền Tin, và Lễ Đức Mẹ Lên trời.

- Lễ Trọng mừng kính các Thánh: Lễ Thánh Giuse, Lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và lễ Các Thánh.

Trong khi một số Lễ Trọng luôn được cử hành “cố định” theo lịch phụng vụ - ví dụ, lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày 25. 12, lễ các Thánh ngày 1.11,  lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8. 12, …. Thì có những Lễ Trọng được cử hành thay đổi dựa theo ngày của Lễ Phục sinh. Lễ Hiện Xuống là 50 ngày sau Lễ Phục Sinh; lễ Chúa Ba Ngôi là Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Hiện Xuống; lễ Mình máu Thánh Chúa là Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống; lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là Thứ Sáu đầu tiên sau Lễ Mình Thánh Chúa,...

2. Lễ Kính

Lễ Kính được cử hành giới hạn trong một ngày bình thường nên không có Kinh Chiều I, trừ lễ kính Chúa trùng vào ngày Chúa Nhật thường niên. Trong thánh lễ, có kinh Vinh Danh. Lịch Phụng vụ đề ra 3 loại lễ Kính:

- Lễ Kính Chúa: lễ Thánh Gia Thất, lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh (2.2), lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, lễ Chúa Giêsu Biến hình (6.8), lễ Suy tôn Thánh giá (14.9). Các lễ kính Chúa có bậc lễ ưu tiên trên các Chúa nhật Giáng sinh và thường niên, do đó, trong trường hợp khi các lễ này trùng vào Chúa nhật thì phải cử hành theo lễ kính Chúa.

- Lễ Kính Đức Maria: lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Elisabet (31.5), lễ Sinh nhật Đức Mẹ (8.9).

- Lễ Kính các Thánh: lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại (25.1), lễ Thánh Marcô, Tác giả Tin Mừng (25.4), lễ Thánh Philipphê và Giacôbê Tông đồ (3.5), lễ Thánh Matthia Tông đồ (14.5), lễ Thánh Tôma Tông đồ (3.7), lễ Thánh Giacôbê Tông đồ (25.7), lễ Thánh Lôrensô Phó tế tử đạo (10.8), lễ Thánh Batôlômêô Tông đồ (24.8), lễ Thánh lễ Thánh Matthêu Tông đồ Thánh sử (21.9), lễ Thánh Luca Thánh sử (18.10), lễ Thánh Simon và Giuđa Tông đồ (28.10), lễ Thánh Anrê Tông đồ (30.11), lễ Thánh Têphanô Tử đạo tiên khởi (26.12), lễ Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử (27.12), và lễ Các Thánh Anh hài (28.12).

- Lễ Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael (29.9), lễ Lập Tông tòa Thánh Phêrô (22.2), lễ Cung hiến Đền thờ Latran (9.11).

3. Lễ nhớ: Lễ nhớ được chia làm 2 loại: Lễ nhớ buộc và Lễ nhớ tự do.

Lễ nhớ buộc: Lễ có ghi trong lịch Phụng vụ chung, đòi phải cử hành đúng ngày, trừ trường hợp gặp các lễ khác trùng vào lễ nhớ này có quyền ưu tiên hơn. Trong mùa Chay, không bó buộc phải cử hành lễ nhớ buộc.

Lễ nhớ tự do: không nhất thiết phải được ghi trong lịch Phụng vụ chung, chủ tế được quyền chọn lựa có thể cử hành hay không tùy nhu cầu mục vụ. ngoài ra, khi lịch chung để tên nhiều vị thánh nhớ tự do trong cùng một ngày thì có thể tuỳ nghi chọn một vị Thánh để mừng.

Ngày Chúa nhật

Ngày Chúa Nhật được gọi là ‘Ngày của Chúa’, ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, và theo truyền thống từ thời các tông đồ, các tín hữu tụ họp nhau lại lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Thật vậy, “Đó là ngày quy tụ cộng đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Ki-tô Giáo, ngày của niềm vui và ngày nghỉ việc. Ngày Chúa nhật là “nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (GLCG, 1193).

Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II phản ánh rất rõ tầm quan trọng của ngày này: “ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 106).

III. MÀU SẮC TRONG PHỤNG VỤ

Trong lịch Phụng vụ, màu sắc của mỗi ngày tương ứng với việc cử hành Phụng vụ chính của ngày hôm đó và có ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Theo sách Nghi thức Rôma, 1969, có 4 màu chính được sử dụng trong phụng vụ bao gồm: trắng, xanh lá cây, đỏ và tím.

1. Màu trắng: được xem là tượng trưng cho niềm vui, sự chiến thắng, và sự thuần khiết có được từ đức tin. Màu trắng được dùng trong mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, các lễ về Chúa, Đức Mẹ, các Thiên thần, và các Thánh không tử đạo.

2. Màu xanh lá cây: biểu tượng của hy vọng, sự sống, và sự phát triển. Màu xanh lá cây được dùng trong Mùa Thường Niên.

3. Màu đỏ: tượng trưng máu và lửa. Màu đỏ được dùng trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, trong các lễ kính các Thánh Tông Đồ, các Thánh Sử và các Thánh Tử Đạo.

4. Màu tím: liên quan đến sự ăn năn, thống hối, và chờ đợi. Màu tím đặc biệt được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Ngoài ra, màu tím cũng được dùng khi cử hành lễ an táng và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Ngoài ra, cũng có thêm màu hồng, tượng trưng cho niềm vui lên được khơi lên trong hành trình chờ đợi và sám hối. Màu hồng được sử dụng vào Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay.

***

Với đôi nét về Năm Phụng vụ của Giáo hội, chúng ta nhận thấy rằng, lịch Phụng vụ không phải chỉ là những qui định, luật lệ, chỉ dẫn cho việc thờ phượng. Sâu xa hơn, lịch Phụng vụ còn là lời nhắc nhớ, mời gọi chúng ta sống chu kỳ thời gian trong một năm về sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại. Thật thế, với đỉnh cao là Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, Phụng vụ không chỉ tưởng niệm các biến cố đã xảy ra, nhưng còn hiện tại hóa, làm cho các biến cố ấy đi vào đời sống, và biến đổi cách chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa, nhìn nhận thế giới, và nhìn nhận chính mình cách mầu nhiệm nhờ ân sủng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn: simonhoadalat.com

zalo
zalo