Ngày tháng: 09/05/2025
Đang truy cập: 14

ĐỨC GIÊSU VÀ “SỨ VỤ NƯỚC TRỜI” (1/2)

ĐỨC GIÊSU VÀ “SỨ VỤ NƯỚC TRỜI”

Kitô Giáo khởi đầu chỉ với một nhóm lao động bình dân, đi theo một vị thầy Do Thái ít người biết đến, tại một vùng hẻo lánh của Đế Quốc Rôma. Dùng những lời rao giảng và hành vi bị cho là cách mạng, vị kinh sư bên lề xã hội này bị lên án là lộng ngôn và phản quốc, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Vị kinh sư bên lề xã hội này chính là Đức Giêsu, Đấng sáng lập và đặt nền tảng cho Kitô Giáo. Nhờ dựa trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu, và hồi tưởng lại lời giảng dạy cùng các sự kiện trong cuộc đời của Đức Giêsu, các môn đệ đã mạnh dạn tuyên xưng những gì họ cảm nhận nơi cộng đoàn của họ. Qua lời rao giảng của các Tông Đồ, tôn giáo mà Đức Giêsu khởi sự đã trở thành tôn giáo về Đức Kitô, Đấng Mêsia mang ơn cứu độ đến cho thế trần. Mặc cho những cơn bắt đạo dồn dập và thảm khốc, Kitô Giáo vẫn tồn tại; và chỉ vài thập niên sau khi Hoàng đế Constantine thống trị được toàn Đế Quốc Roma, Kitô Giáo đã phát triển nhanh chóng để trở thành một quốc giáo. Với chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược bối cảnh văn hóa Hy Lạp của Đế Quốc Rôma và hậu cảnh Do Thái Giáo mà Đức Giêsu đã sống và thực hiện sứ vụ Nước Trời. Sau đó, chúng ta sẽ tóm tắt sứ mạng và niềm tin về thiên tính của Ngài cùng với sự thành hình của các bản Tin Mừng.

HẬU CẢNH VĂN HÓA HY LẠP

Năm 339 TCN, vua Philíp II ở Macêđônia thu tóm các đảo quốc Hy Lạp, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì bị sát hại. Alexander lên kế vị cha mình, tiêu diệt mọi lực lượng phản động, và thừa thế mở rộng bờ cõi. Lần lượt các vùng đất xa gần rơi vào tay Đại đế Alexander: Tiểu Á, Giuđa và Giêrusalem, Ai Cập, và đến năm 334 TCN, Đế Quốc Persia cũng nằm trong tay Alexander. Khi dự tính thôn tính luôn Ấn Độ thì quân lính của ông nổi loạn vì quá mệt mỏi, Alexander đành phải kéo quân trở về sau một thập niên chinh chiến, nhưng chiến công của ông đã để lại một đế chế bao la, trải dài từ Anh Quốc cho đến Syria, Địa Trung Hải và miền bắc Africa.

Sống dưới sự thống trị của Đế Quốc Hy Lạp, dân Do Thái vẫn tiếp tục thực hành tôn giáo của họ, nhưng mọi giao tiếp xã hội đều được thể hiện qua ngôn ngữ Hy Lạp. Các binh sĩ Hy Lạp được phép kết hôn với người Persia, và các tập tục địa phương được kết nối vào một khuôn văn hóa chung. Đây là sự khởi đầu của tiến trình Hy Lạp Hóa (Hellenization). Nhưng Alexander qua đời bất thình lình ở tuổi 33, và vì không có người nối dõi, quyền cai trị trên Đế Quốc Hy Lạp rơi vào sự tranh chấp giữa bốn vị tướng lãnh cao nhất và dòng dõi của họ. Chỉ 150 năm sau, Đế Quốc Hy Lạp sụp đổ sau cuộc thất trận với quân đội Rôma tại Côrintô (146 TCN). Trong giai đoạn này, Giuđa bị xâu xé giữa hai quyền lực Ptolemies (Ai Cập) và Seleucids (Tây Á) của Đế Quốc Hy Lạp. Quân Seleucids (175-164 TCN) thống trị Giêrusalem và gây vô số tai họa cho dân Do Thái. Họ làm ô uế Đền Thờ bằng cách tế một con heo trên bàn thánh, bãi bỏ Lề Luật Torah và nghi thức lễ Vượt Qua, cấm cắt bì cũng như kết án tử hình nhanh chóng những kẻ phản đối. Nhà Macabê nổi dậy, dùng chiến thuật du kích, lật đổ chế độ Seleucids và giành lại tự do cho Giêrusalem (166-160 TCN). Nhà Macabê hỗ trợ việc thiết lập vương triều Hátmônê, vốn cuối cùng chiếm đóng cả vùng Giuđa và để dân Do Thái được phép tự quản lý. Năm 53 TCN, vị tướng tài giỏi của Rôma là Pompey, đem quân can thiệp vào nội chiến của Hátmônê và biến vương triều này thành một chư hầu của Rôma. Sau nhiều chuyển biến chính trị phức tạp giữa Rôma và Giêrusalem, Hêrôđê, vốn là một người ngoại bang, được bổ nhiệm làm vua của dân Do Thái. Hêrôđê dẹp tan vương triều Hátmônê vào năm 37 TCN. Ông mất chỉ hai năm sau khi Đức Giêsu được sinh ra.

Dưới Đế Quốc Rôma, việc giao dịch thương mại và nghiên cứu học thuật phát triển nhanh chóng giữa các đô thị như Rôma, Antiôkia, Alexandria, vốn tạo nên sự hài hòa giữa văn hóa La Tinh và Hy Lạp. Hiệu quả là một không gian công cộng, căn cứ trên các giá trị nhân bản (Pax Rômana) được thành hình. Việc điều hành trong Đế Quốc được chia thành nhiều địa hạt với các quan tổng trấn mỗi vùng, và phải gửi báo cáo thường xuyên về Rôma. Các vùng thuộc địa phải trả sưu thuế nặng nề, bù lại họ được quân đội Rôma bảo vệ khỏi sự tấn công của dân man di ngoại biên. Dọc theo biên giới có nhiều binh trại phòng thủ kiên cố sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm chiếm. Ranh giới phân biệt bộ lạc hay sắc tộc bị xóa bỏ, thay vào đó hệ thống đường sá được thiết lập, mang lại trật tự trong Đế Quốc, vốn đã giúp các nhà truyền giáo mang Tin Mừng đến những vùng đất xa xôi (Cv 13-20).

Trong khi triết học Hy Lạp tôn thờ tinh thần của con người thì văn hóa Rôma khai triển nghệ thuật tổ chức xã hội, hệ thống giao thông, trang bị quân sự và điều hành luật pháp. Chưa bao giờ trong lịch sử có một đế quốc rộng lớn nhưng vẫn được thống nhất như thế. Hệ thống tôn giáo dân sự là công cụ duy trì quyền lực và sự hiệp nhất của Đế Quốc Rôma. Người dân thờ các thần Zeus, Apollo, Hera hay Aphrodite, cùng với các thần nhỏ tại địa phương vốn bảo trợ các phạm vi đất đai, mùa màng, súc vật, sức khỏe, sinh sản, tình yêu và chiến tranh. Giới bình dân gắn bó với các tập tục huyền bí, ma thuật và thờ các thần nam nữ từ Syria, Persia và Ai Cập. Họ tổ chức các nghi thức tế lễ công cộng để xin ơn các thần và tránh khỏi bị các thần trả thù. Giới thượng lưu chỉ trích quần chúng về sự mê tín dị đoan và tìm sự bình an tâm linh nơi triết lý Khắc Kỷ. Họ phó thác cuộc sống cho định mệnh vốn đã được mặc định sẵn. Tôn giáo của Rôma không đặt nặng vào sự ràng buộc luân lý hay tín lý, mà chỉ mong đem lại sự thái bình của Đế Quốc và tránh tai họa hay quấy rối từ kẻ thù. Kitô Giáo manh nha ra đời trong bối cảnh mạng lưới văn hóa Hy-Lạp này.[1]

Có ba yếu tố quan trọng mà văn hóa Hy Lạp tác động lên sự phát triển của Giáo Hội sơ khai. Trước tiên, chiến thắng của Đại đế Alexander (336 TCN) tạo nên hiện tượng Hy Lạp Hóa (Hellenization) qua ngôn ngữ Hy Lạp. Cho dù sau khi Alexander chết, ngôn ngữ Hy Lạp vẫn là yếu tố định hình cho sinh hoạt của người dân tại các vùng Địa Trung Hải, thay thế ngôn ngữ địa phương trong các lĩnh vực kinh doanh, chính quyền và giáo dục. Hệ quả quan trọng của tiến trình Hy Lạp Hóa là sự kiện Kinh Thánh Do Thái được dịch sang tiếng Hy Lạp (Septuagint, nghĩa là “Bản Bảy Mươi” hay LXX). Từ đó, cả dân Do Thái lẫn dân ngoại đều đọc chung một bản Kinh Thánh và giúp dân Do Thái hòa nhập dễ dàng hơn với dân ngoại. Phaolô cũng trích dẫn bản Kinh Thánh Septuagint này trong các thư của ngài.

Yếu tố thứ hai đóng góp cho tiến trình phổ quát hóa văn hóa Hy Lạp là hệ thống đường sá do Đế Quốc Rôma xây. Trên khắp các vùng miền, quân đội Rôma đi đến đâu thì thiết lập đến đó những con đường lát đá, vốn đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng các chiến mã và chiến xa của họ. Những con đường này tồn tại qua nhiều thế kỷ, góp phần vào sự phát triển kinh tế, hành chính và quân đội của Đế Quốc. Hệ thống di chuyển thuận tiện này là nền tảng cho sự ổn định của “Pax Rômana”, vốn cung cấp phương tiện cho việc truyền thông và vận chuyển hàng hóa. Cũng trên những nẻo đường này, Phaolô đã thực hiện ba cuộc hành trình với hơn mười ngàn dặm, nhằm mang Tin Mừng Kitô Giáo đến muôn dân, vì ngài tin rằng tận thế sắp đến (Cv 13-20). Truyền thông cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển và hiệp nhất của Giáo Hội.

Yếu tố quan trọng thứ ba là niềm hy vọng của người Do Thái về Đấng Mêsia sẽ đến, vốn nuôi dưỡng tinh thần phấn đấu của họ dưới sự thống trị của Rôma. Đây chính là động lực cho cuộc nổi dậy của nhà Macabê, khi Antiôkhô Epiphany làm ô uế Đền Thờ và áp bức dân Do Thái với sưu thuế nặng nề. Cho dù chiến thắng của nhà Macabê chỉ tạm thời, thành công chính trị kết hợp với niềm tin tôn giáo đã tạo nên não trạng cánh chung, vốn là hậu cảnh cho sứ vụ Nước Trời của Đức Giêsu. Sống với sự thù ghét của dân Do Thái và bách hại của Đế Quốc, Kitô hữu càng nhận ra Tin Mừng Kitô chính là sự hiện thực của lời hứa Cựu Ước và tạo nên sức sống mới nơi cộng đoàn họ. Như thế, những gì xảy ra trong văn hóa Hy Lạp và bối cảnh Do Thái Giáo giúp chúng ta trân trọng hơn tác động của Tin Mừng lên Giáo Hội sơ khai.

HẬU CẢNH DO THÁI GIÁO

Khoảng cách giữa Cựu Ước và Tân Ước chỉ là vài trang trong sách Kinh Thánh, nhưng bao gồm 400 năm lịch sử thăng trầm của Do Thái Giáo, từ ngôn sứ Malakhi cho đến Gioan Tẩy Giả. Theo tiên tri Đanien, có năm đế quốc thống trị thế giới: Babylon, Persia, Hy Lạp, Rôma và một vương quốc sắp đến. Đến năm 539 TCN, Đế Quốc Persia đánh bại Đế Quốc Babylon và dân Do Thái được giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của ngôn sứ Nêhêmia, dân Do Thái trở về quê hương, xây tường thành và tái thiết Đền Thờ, hưởng tự do và an bình sau 40 năm bị đày đọa. Do Thái Giáo tin rằng Thiên Chúa chọn họ làm dân riêng và họ sống phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Người. Lịch sử bị thống trị và làm nô lệ cho ngoại bang thôi thúc sự mong chờ Đấng Mêsia đến giải phóng dân tộc họ. Tâm thức luôn được nhắc nhở bởi Lề Luật và việc tôn thờ một mình Thiên Chúa đã khiến họ tách biệt với lối sống “sa đọa” của dân ngoại. Do Thái Giáo tin rằng Đấng Tạo Thành trời đất lập giao ước với tổ tiên của họ, buộc họ chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa. Sau khi được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, Thiên Chúa ban cho họ Thập Giới trên núi Sinai. Mặc dù rất nhiều lần họ phản bội Thiên Chúa, Người vẫn không bỏ rơi họ mà còn sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, răn đe và nhắc nhở: Hãy giữ vững niềm tin vào Đấng Mêsia sẽ đến!

Sau khi vào “Đất Hứa”, dân Do Thái thiết lập vương quốc và xây nên Đền Thờ (I) dưới thời trị vì của vua Đavít và Salômôn. Đền Thờ là một kỳ tác vĩ đại và hoàn mỹ, đặc biệt ở nơi cực thánh được tô điểm lộng lẫy và chứa Hòm Bia Thiên Chúa. Sau khi Salômôn mất, vương quốc này bị phân chia làm hai: Israel và Giuđa, nhưng rồi bị Đế Quốc Babylon thống trị, Đền Thờ bị phá hủy, dân chúng bị bắt đi lưu đày. Sau khi Đế Quốc Persia chiến thắng Babylon (436 TCN), dân Do Thái được trả tự do và trở về Giêrusalem. Họ xây dựng lại một Đền Thờ (II), nhỏ và khiêm tốn hơn Đền Thờ (I). Nhưng chỉ một thế kỷ sau đó, toàn thể vùng Palestin bị Đế Quốc Hy Lạp chiếm đóng (332 TCN). Dân Do Thái nổi dậy giành độc lập nhiều lần, cuối cùng nhà Macabê với chiến thuật du kích lấy lại Giêrusalem (167 TCN). Lúc này ở Do Thái có hai nhóm Hacidics và Hellenizers hậu thuẫn cho nhà Macabê và lập nên vương triều Hátmônê. Nhưng sau đó họ bất mãn vì nhà Macabê chỉ tập trung bành trướng thế lực. Nhóm Hacidics phân hóa thành một phái tìm cách sống thánh thiện giữa đời thường (Pharisêu) và một phái nhỏ hơn rút vào hoang địa tìm cuộc sống thánh thiện tách biệt (Étxênê). Còn nhóm Hellenizers (tiền thân của Xađốc) chủ trương cải tiến và kết hợp với văn hóa Hy Lạp.

Đến năm 63 TCN, vùng Giuđa rơi vào tay Đế Quốc Rôma và dân Do Thái bị xem là công dân hạng hai. Chế độ Rôma thống trị cách tàn bạo và khắt khe với dân Do thái hơn nhiều so với thời Đế Quốc Hy lạp. Nhiều hội đường Do Thái Giáo bị nhà nước biến thành nơi hội họp cho các nghị viên và tổ chức nghi lễ. Tại Alexandria, hình tượng của hoàng đế được trưng bày trong hội đường, khiến người Do Thái phản đối dữ dội và gây tranh chấp đổ máu dưới triều đại Hoàng đế Gaius Caligula (37-41 CN). Về phía nội bộ, Do Thái Giáo đang có sự căng thẳng giữa các ý thức hệ về cách sống đạo trong khi mong chờ Đấng Mêsia đến. Trong khi nhóm Xađốc kết hợp với chính quyền Rôma để điều hành việc phụng tự của Đền Thờ, nhóm Dêlốt tìm cách phục hồi chủ quyền bằng bạo lực và khủng bố. Trong khi nhóm Pharisêu áp dụng Torah vào cuộc sống thường ngày, nhóm Étxênê tách biệt khỏi xã hội ô uế để bảo vệ sự tinh tuyền của Lề Luật. Nói chung, các lãnh đạo Do Thái kỳ vọng Đấng Mêsia sẽ khôi phục niềm hãnh diện của dân tộc. Còn quần chúng khao khát Đấng Cứu Tinh nhưng dễ bị lôi cuốn bởi điềm hay dấu lạ. Có nhiều người Do Thái tản mác khắp nơi trên thế giới, gọi là “Do Thái Lưu Vong” (Diaspora).

Linh đạo của Do Thái Giáo được định hình chính yếu bởi các phái Pharisêu, Xađốc và Étxênê. Trước tiên, phái Pharisêu (“perishaya” nghĩa là “tách biệt”) giữ thái độ nghiêm túc về thực hành tôn giáo và củng cố chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Họ tuân phục từng chữ viết của Lề Luật và tích cực bảo vệ lối chú giải truyền khẩu. Phái này có những kinh sư chuyên chú giải Kinh Thánh cho phù hợp lối sống của người dân tại các miền quê. Họ chỉ ra sự thánh thiện không chỉ là việc dâng lễ hiến tế tại Đền Thờ, mà bởi sự vâng phục Lề Luật. Họ tạo nên truyền thống chú giải Torah truyền khẩu để giúp người dân dễ áp dụng Lề Luật vào cuộc sống hàng ngày. Họ khai triển thêm nhiều chi tiết về luật giữ ngày Sabbath, luật giữ chay và luật giữ sự thanh sạch, vốn trở nên gánh nặng cho các tín đồ (Mt 23,1-4). Nhóm Pharisêu tin vào sự sống lại của kẻ chết, sự tồn tại của thiên thần và sự sống đời sau. Điều này mang lại niềm an ủi cho con người khi đối đầu với đau khổ và củng cố niềm tin vào sự công chính của Thiên Chúa vượt trên mọi truân chuyên.

Cho dù nhóm Pharisêu thường bị chỉ trích là sống giả dối và giữ luật theo hình thức, thật ra họ chia sẻ một số quan điểm với Đức Giêsu về hình phạt và ân thưởng ở đời sau, sự sống lại của thân xác, sự tồn tại của thiên thần và tự do chọn lựa của con người. Sau khi Đền Thờ bị phá hủy, Hội đường trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn, cũng như huấn luyện các rabbi và sáng tác Mishnah để bảo đảm sự liên tục của Do Thái Giáo. Thời Đức Giêsu, người Pharisêu chiếm số đông nhất trong các phái giáo Do Thái và chia làm hai phe: phe bảo thủ (Shamai) và phe cấp tiến (Hillel). Chỉ những Pharisêu có học thức (kinh sư) mới trở thành lãnh đạo. Đa số họ là người bình dân và thợ thuyền, thao thức với việc cam kết tuân giữ Lề Luật. Sau khi Đền Thờ sụp đổ, phe Shamai dần biến mất, và phe Hillel cấp tiến tiếp tục tổ chức học hỏi Torah tại các Hội đường, phát triển truyền thống chú giải Kinh Thánh gọi là “Halakha”. Chính nhờ đó mà Do Thái Giáo còn tồn tại đến ngày nay.

Phái Xađốc gồm các quý tộc và thượng tế cấp tiến, có tư duy thông thoáng hơn. Quyền lực và ảnh hưởng của họ gắn bó với nghi lễ tại Đền Thờ ở Giêrusalem. Họ công nhận Lề Luật của Môsê, nhưng chỉ tin vào Ngũ Thư và loại bỏ lối chú giải truyền khẩu của phái Pharisêu. Họ không tin có sự sống lại của thân xác, đời sống vĩnh cửu, phán xét cá nhân, và sự tồn tại của thần lành hay thần dữ vì những điều này không được đề cập trong Ngũ Thư. Phái Xađốc thân thiện với chính quyền ngay cả trước khi Rôma cai trị. Họ cũng cộng tác đắc lực với nhà Macabê để đạt lợi ích thực tế và vì đó bị thất sủng với Hêrôđê một thời gian. Nhưng không lâu sau, họ hợp tác với triều đình Hêrôđê và Đế Quốc Rôma. Thượng Hội Đồng Sanhedrin cũng như các vị Thượng Tế ở Giêrusalem đều là người của phái này. Nhờ có học thức và hiểu biết về văn hóa Hy-La, phái Xađốc giúp môi giới giữa dân Do Thái với chính quyền Rôma, nhưng cũng vì sự thân thiện này mà họ không được dân Do Thái yêu chuộng. Sau khi Đền Thờ bị phá hủy (70 CN), phái Xađốc hầu như biến mất.

Nhóm thứ ba là Étxênê, chủ trương một linh đạo tách biệt, rút khỏi thế giới sa đọa, vào hoang địa để theo đuổi cuộc sống khổ hạnh, cầu nguyện, tuân thủ ngày Sabbath cũng như sự tinh tuyền của Lề Luật Môsê. Tên gọi “Étxênê” nghĩa “những kẻ thánh thiện” hay “thầy thuốc”. Có lẽ vì vậy mà họ kết nối nghi thức thanh tẩy và buổi ăn cộng đoàn vào các cử hành phụng vụ. Một số học giả đề nghị rằng Gioan Tẩy Giả có mối tương quan với nhóm này. Linh đạo của họ nhấn mạnh sự công chính, sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tội nhân và sự bất tử của linh hồn. Tuy nhiên, khác với phái Pharisêu, người Étxênê không tin sự sống lại của thân xác và tránh tham dự mọi hoạt động chính trị công cộng. Ngày nay, người ta biết nhiều về phái Étxênê qua Cuộn Sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls) được khám phá vào năm 1947.

Cả hai nhóm Pharisêu và Xađốc đều xem lời rao giảng của Đức Kitô như mối đe dọa cho ảnh hưởng của họ trên dân Do Thái. Đức Giêsu chỉ trích thái độ duy Lề Luật của nhóm Pharisêu, chỉ nhắm vào bề ngoài trong khi xem thường nguyên tắc công bằng và lòng thương xót của Thiên Chúa (Mt 23, 23). Cùng lúc, Đức Giêsu phản biện cách phái Xađốc giản lược đức tin thành nghi thức phụng vụ, cùng sự gắn bó với quyền lực thế gian. Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống và chỉ ra sai lầm của phái Xađốc khi họ chối bỏ sự sống lại của thân xác (Mt 22,31-32). Đức Giêsu cũng lên án thái độ tự cao và tự công chính của nhóm Xađốc (Lc 18,9-14).

Ngoài ra, sau những cuộc nổi dậy chống lại quân Rôma, hơn một triệu người Do Thái ra đi và sống lưu vong tại Alexandria, Antiôkia và các vùng Tiểu Á. Hạn từ “lưu vong” (Diaspora) được dùng trong lịch sử để nói về những cuộc lưu đày từ thời Assyria (721 TCN) và Babylon (587 TCN). Người Do Thái Lưu Vong được phép thi hành nghi thức Sabbath và các ngày lễ, được miễn bổn phận thờ cúng hoàng đế nhưng vẫn phải đóng thuế Đền Thờ. Họ thiết lập nhiều cộng đoàn và Hội đường để học hỏi Kinh Thánh (bản dịch Septuagint). Vào các mùa lễ hội, họ hành hương về Giêrusalem và dâng lễ tế tại Đền Thờ theo quy định của Lề Luật. Qua thời gian, có nhiều dân ngoại “kính sợ Thiên Chúa” (God-fearer), nhưng chưa muốn chấp nhận nghi thức cắt bì và Lề Luật Do Thái. Nhóm người này trở thành nhịp cầu giúp Tin Mừng Kitô kết nối với dân ngoại đang sống trong Đế Quốc Rôma.

SỬ LIỆU VỀ ĐỨC GIÊSU

Biến cố Kitô có thể tiếp cận từ các nhãn quan khác nhau như sử liệu Rôma, Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Trong thư khố Rôma cổ đại, tên “Giêsu” và “Kitô hữu” được một số tác giả ngoại giáo như Phlegon, Suetonius, Thallus và Mara Bar-Serapion nhắc đến. Phlegon, sinh năm 80 CN, một sử gia Rôma gốc Tralles, tác giả hai cuốn Chronicles và Olympics, nhắc đến sự kiện mặt trời bị che lấp khi Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Suetonius, một sử gia Rôma ở giai đoạn 69-112 CN, trong tác phẩm Lives of the Twelve Caesars, đề cập đến Kitô hữu và Đức Giêsu. Thallus, một sử gia Hy Lạp, tác giả ba bộ sử ký về vùng Địa Trung Hải, cung cấp lời giải thích cho biến cố nhật thực khi Đức Giêsu chết trên thập giá. Mara Bar-Serapion, một triết gia Stoic, sáng tác khoảng thập niên 60-70 CN, cho rằng vì dân Do Thái giết vị “Vua Khôn Ngoan”, họ bị Thiên Chúa trừng phạt, đuổi ra khỏi Đất Hứa và tản mác khắp mặt đất. Ông lý luận thêm rằng Socrates không chết vì Platô còn sống, Pythagore không chết vì còn Hera, và vị “Vua Khôn Ngoan” không chết vì ngài để lại một quy luật mới cho thế gian.[2]

Các tài liệu trên chỉ đề cập sơ qua đến tên Đức Giêsu, nhưng hai sử liệu của Pliny the Younger và Tacitus trình thuật chi tiết hơn về Kitô hữu và bối cảnh của Giáo Hội sơ khai. Pliny the Younger, quan tổng trấn tại địa hạt Bithynia-Pontus (Thổ Nhĩ Kỳ), viết cho Hoàng đế Trajan (112 CN) báo cáo sự kiện các Kitô hữu tụ tập bất hợp pháp: “Họ là những người tôn thờ Đức Giêsu như Thiên Chúa” (Thư 10). Pliny muốn biết cách xử lý nhóm này cho hợp pháp. Điều này chứng tỏ Pliny nghe đến Đức Giêsu và có dính líu đến lịch sử bách hại nơi Giáo Hội sơ khai. Tacitus, bạn của Pliny và tác giả tập sử yếu “The Annals” (115 CN), kể lại sự kiện Hoàng đế Nêrô đốt kinh thành Rôma để phát triển dự án xây dựng của ông (64 CN). Khi Nêrô bị dân chúng hoài nghi là người khởi sự cuộc đại hỏa, ông đổ thừa cho các Kitô hữu, vốn đang sống âm thầm trong bóng tối, lo sợ sự thù ghét của dân thành Rôma. Nêrô tố cáo các Kitô hữu tội đốt phá kinh thành, tống giam và xử tử nhiều người rất dã man. Tacitus ghi rằng các tín hữu này đi theo Đức Kitô, người bị quan tổng trấn Philatô đóng đinh tại địa hạt Giuđa, dưới thời Hoàng đế Tibêriô. Thông tin của Tacitus, dù không nhiều chi tiết, ít nhất cho thấy trong vài thế kỷ sau cái chết của Đức Giêsu, một sử gia ngoại giáo đã nghe biết về Ngài.

Về phía Do Thái Giáo, sử gia Flavius Josephus, một vị tướng Do Thái gốc Galilê, tổ chức cuộc nổi dậy chống chế độ Rôma vào các năm 66-70 CN. Khi Josephus và binh sĩ bị lực lượng Rôma bao vây tại pháo đài Masađa, thay vì đầu hàng, họ quyết định tự tử bằng cách rút thăm ai sẽ giết ai. Cuối cùng đến phiên Josephus, ông thuyết phục người còn sót lại đầu hàng. Khi bị bắt và điệu đến tướng Vesparian của Rôma, Josephus dùng tài chính trị để tiên đoán vị tướng này sẽ trở thành hoàng đế tương lai. Điều này thành hiện thực, vì sau khi Nêrô tự vẫn và ba hoàng đế tranh nhau kế vị trong vòng một năm, các tướng lãnh Rôma bầu chọn Vesparian lên ngôi hoàng đế. Josephus để lại các sử liệu giá trị về Do Thái Giáo ở Palestin như: “Các Cuộc Chiến Do Thái Giáo” (Jewish Wars) và hai mươi tập sách về lịch sử dân Do Thái từ thời Ađam và Evà, gọi là “Lịch Sử Do Thái Cổ Đại” (Jewish Antiquities). Tác phẩm này nói đến một vị Cứu Thế (Mêsia) tên Giêsu, có một người anh em là Giacôbê và làm nhiều phép lạ. Điều quan trọng là một sử gia Do Thái nổi tiếng trong thế kỷ I ghi nhận những chi tiết phù hợp với những gì được biết qua các bản Tin Mừng. Josephus viết:

“(63) Vào lúc ấy có Giêsu, một nhân vật khôn ngoan, không biết có hợp pháp khi gọi Ngài là người, nhưng Ngài thực hiện những việc vĩ đại và là một thầy dạy chân lý rất hấp dẫn cho dân chúng. Ngài lôi cuốn nhiều dân Do Thái lẫn dân ngoại. Ngài được tôn như Đấng Cứu Thế, và bị Philatô, nghe theo lời tố cáo của các giới hữu trách của chúng ta, lên án đóng đinh vào thập giá. Những kẻ yêu mến Ngài ngay từ lúc đầu đã không bỏ rơi Ngài, vì sau ba ngày, Ngài xuất hiện với họ như còn sống, như các ngôn sứ Thiên Chúa báo trước các điều này và hàng chục ngàn biến cố tuyệt vời khác về Ngài. Cũng vậy, phái Kitô hữu, lấy tên Ngài để gọi cho họ, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.[3]

Ngoài các tài liệu của Josephus, ở thế kỷ V, tên Đức Giêsu được nhắc đến trong cuốn Talmud, một sưu tập các lời chú giải Kinh Thánh Do Thái theo truyền thống Kinh Mishnah. Về phía Kitô Giáo, Phaolô là tác giả phong phú nhất. Tên của ngài gắn liền với mười ba cuốn sách trong Tân Ước. Phaolô cho biết những thông tin căn bản về Đức Giêsu: người gốc Do Thái, sinh bởi người nữ, có một số anh em, trong đó có Giacôbê, quy tụ mười hai Tông Đồ, rao giảng về Nước Trời cho người Do Thái, dạy các tín hữu sống công bằng, không được ly dị, cuối cùng dự buổi Tiệc Ly với các môn đệ trước khi bị đóng đinh vì một môn đệ phản bội Ngài.

Có một nguồn sử liệu quan trọng gọi là “Q” (“Quelle”, tiếng Đức nghĩa “nguồn”). Dù không phải Tin Mừng và không còn tồn tại, nó cung cấp nguồn liệu mà hai thánh ký của Tin Mừng Mátthêu và Luca khai thác. Khi so sánh ba bản Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca, có những trình thuật tương tự nên được gọi là Tin Mừng Nhất Lãm (Synoptic). Tin Mừng Máccô được viết đầu tiên. Nhưng vì có quá nhiều sự kiện tương đồng giữa Mátthêu và Luca mà không thấy trong Máccô, hầu hết các học giả ở thế kỷ XIX đồng ý rằng Mátthêu và Luca dùng sử liệu “Q”. Họ giả định rằng tài liệu “Q” xuất hiện khoảng thập niên 50-60 trước Máccô, có lẽ hàm chứa những chi tiết như: Lời Nguyện “Lạy Cha”, các Mối Phúc, biến cố Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc, và việc chữa lành con trai của một sĩ quan tại Capernaum. Nếu giả thuyết này đúng, “Q” là sử liệu sớm nhất về Đức Giêsu, dù không còn tồn tại. Ngoài ra, Mátthêu và Luca có lẽ tham khảo những nguồn liệu riêng, được các học giả gọi là “M” và “L”. Hơn nữa, ít nhất 52 tài liệu viết bằng tiếng Hy Lạp Cổ (Coptic) được khám phá trong “Thư Viện Nag Hammadi” vào năm 1945 tại Nag Hammadi (Ai Cập). Trong đó, nhiều bản ngoại thư như “Tin Mừng Theo Philliphê”, đặc biệt “Tin Mừng Theo Tôma”, ghi lại 114 câu nói của Đức Giêsu, nhưng không đề cập biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Điều này cho thấy sự đa dạng của Kitô Giáo trong các thế kỷ đầu, tại mỗi khu vực văn hóa như Palestin, Alexandria, Antiôkia, có cách chú giải Tin Mừng về Đức Kitô rất khác nhau.

Nói chung, qua tra cứu cẩn thận dựa trên quy chuẩn sử liệu, các học giả kết luận cách hiểu đúng nhất về Đức Giêsu là xem Ngài như một vị ngôn sứ thời cánh chung. Qua Cuộn Sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls), chúng ta biết văn chương Khải Huyền lan rộng trong Do Thái Giáo ở thế kỷ I. Đây là niềm tin về sự thống trị của quyền lực sự dữ sẽ bị lật đổ qua cuộc phán xét cuối cùng, và sự thiết lập một vương quốc dưới vương quyền của Đấng Mêsia. Đám đông đi theo Đức Giêsu không xa lạ gì với hậu cảnh “Nước Trời đã gần đến”. Cả bốn Tin Mừng và hai mươi ba tài liệu khác trong Tân Ước, kể cả “Q” và các ngoại thư Tin Mừng, được viết trong tâm thức này. Do đó, chúng ta phải dựa vào bối cảnh lịch sử của những người tiếp thu Tin Mừng để có sự hiểu biết phổ quát về Đức Giêsu.

---Còn tiếp---


[1] Ramsey Macmullen, Christianizing the Roman Empire: AD 100-400 (University of New Mexico, NM,1984).

[2] W.F.C. Frend, The Rise of Christianity, (Fortress Press, NY, 1984).

[3] x. The Jewish Antiquities, Bk18, Chapter 3, (The Works of Josephus, William Whiston trans., Hendrickson Publishers, 1987). “Now, there was about this time Jesus, a wise man, if it be lawful to call him a man, for he was a doer of wonderful works-a teacher of such men as receive the truth with pleasure. He drew over to him both many of the Jews, and many of the Gentiles. He was [the] Christ; (64) and when Pilate, at the suggestion of the principal men amongst us, have condemned him to the cross, those that loved him at the first did not forsake him, for he appeared to them alive again the third day, as the divine prophets have foretold these and ten thousand other wonderful things concerning him; and the tribe of Christians, so named from him, are not extinct at this day.”

zalo
zalo