CHƯƠNG III
ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI
63. Một vài khía cạnh của đời sống kinh tế
Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội.
Nền kinh tế hiện đại, cũng như các lãnh vực khác trong đời sống xã hội, đều mang dấu ấn của việc con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, của các mối quan hệ và tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều và rộng lớn hơn, và cả sự can thiệp thường xuyên hơn giữa các thế lực chính trị. Song song với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để cung ứng đầy đủ hơn những nhu cầu luôn gia tăng của gia đình nhân loại.
Tuy nhiên, không thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền kinh tế tiến bộ, như thể bị yếu tố kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi gần như toàn bộ đời sống cá nhân cũng như xã hội đều bị tiêm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế, cả những nước theo kinh tế tập sản cũng như ở các quốc gia khác. Trong lúc sự phát triển đời sống kinh tế, nếu được điều khiển và phối hợp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn, hoặc ở một vài nơi còn làm thoái hoá địa vị xã hội của những người yếu thế và đưa đến thái độ khinh miệt những kẻ nghèo túng. Giữa lúc đại đa số vẫn chưa có được những nhu yếu phẩm cần thiết, thì một thiểu số, ngay trong những vùng kém mở mang, lại sống dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực song hành kề cận bên nhau. Trong khi một thiểu số được quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo trách nhiệm và sáng kiến riêng của mình, nhiều khi còn phải sống trong những điều kiện sinh hoạt và lao động không xứng với phẩm giá con người.
Sự chênh lệch tương tự về kinh tế và xã hội cũng xuất hiện giữa ngành nông nghiệp, kỹ nghệ cũng như các ngành dịch vụ, và cả giữa những miền khác nhau của cùng một quốc gia. Tình trạng mâu thuẫn giữa các cường quốc kinh tế và các quốc gia khác càng ngày càng trở nên trầm trọng và có thể đe dọa cả nền hoà bình thế giới.
Con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn về những chênh lệch ấy, cũng như xác tín chắc chắn là những kỹ thuật tân tiến và những năng lực kinh tế đang nằm trong tay thế giới ngày nay, có thể và phải sửa đổi được những tệ trạng kia. Muốn vậy, nhiều cải tổ trong đời sống kinh tế xã hội cần phải được thực hiện, và tâm thức cũng như thái độ của mọi người cần phải được đổi mới. Để đạt được mục đích ấy, trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội đã giải trình dưới ánh sáng Tin Mừng, và đặc biệt trong thời gian gần đây, đã công bố những nguyên tắc về công bình và chính trực trong đời sống cá nhân, xã hội và quốc tế cho hợp với những đòi hỏi của lương tri nhân loại. Thánh Công Đồng muốn xác quyết lại những nguyên tắc đó, đồng thời vạch ra một vài hướng đi phù hợp với tình trạng hiện nay của thời đại, đặc biệt quan tâm đến những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế138.
ĐOẠN 1
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
64. Phát triển kinh tế để phục vụ con người
Ngày nay hơn bao giờ hết, để đối phó với sự gia tăng dân số và đáp ứng những nguyện vọng càng lúc càng nhiều của nhân loại, chắc chắn phải nghĩ đến việc gia tăng sản lượng nông nghiệp và công nghệ, cũng như khối lượng các dịch vụ. Vì thế, phải cổ vũ việc phát triển kỹ thuật, tinh thần cải tiến canh tân, tìm cách thiết lập và khuếch trương các xí nghiệp, thích nghi các phương pháp sản xuất và động viên sự nỗ lực kiên trì của các nhà sản xuất, tóm lại là tất cả những yếu tố góp phần vào việc phát triển. Tuy nhiên, mục đích căn bản của sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ con người, và là con người toàn diện, theo đúng cấp bậc giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo, ở đây phải hiểu là phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế với những phương pháp và quy luật riêng, phải luôn được thực hiện trong giới hạn của trật tự luân lý139, để có thể hoàn thành điều Thiên Chúa muốn thực hiện nơi con người140.
65. Phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người
Việc phát triển kinh tế phải luôn đặt dưới sự kiểm soát của con người; không được để mặc cho sự định đoạt tuỳ ý của một số ít người hoặc của những tập thể, nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị hay một số quốc gia giàu mạnh. Ngược lại, ở bất cứ cấp độ nào, phải có càng nhiều người càng tốt, và nếu ở cấp quan hệ quốc tế, thì tất cả các quốc gia cần góp phần tích cực vào việc điều hướng sự phát triển. Cũng vậy, những sáng kiến của cá nhân và của các tập đoàn tự lập phải được phối kết với hoạt động của chính quyền cũng như cần được tổ chức cách thích đáng và đồng bộ.
Không thể phó mặc việc phát triển cho diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá nhân, cũng không thể để cho một mình chính quyền điều động. Do đó, phải tố giác những sai lầm của các học thuyết nhân danh một thứ tự do sai lạc để ngăn cản những cải tổ cần thiết; và của cả những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể141.
Ngoài ra, người công dân nên nhớ mình có quyền lợi và nghĩa vụ phải đóng góp tuỳ theo khả năng vào việc phát triển thực sự cộng đồng mình đang sinh sống, và chính quyền cũng phải công nhận nghĩa vụ và quyền lợi này. Đặc biệt, tại những miền còn kém mở mang, nơi mà tất cả mọi tài nguyên đều đang rất cần phải được tận dụng, nếu ai để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc làm mất đi nguồn hỗ trợ cần thiết về vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng của mình – dĩ nhiên quyền di chuyển chỗ ở của mỗi cá nhân vẫn được duy trì – phải kể là đã gây thiệt hại trầm trọng cho công ích.
66. Phải chấm dứt tình trạng chênh lệch quá lớn trên bình diện kinh tế xã hội
Để đáp ứng những đòi hỏi của công bình và chính trực, trong khi vẫn luôn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải kiên trì nỗ lực để sớm chấm dứt tình trạng chênh lệch quá lớn về kinh tế, đi đôi với nạn phân biệt đối xử trong lãnh vực cá nhân và xã hội, hiện còn tồn tại và vẫn đang gia tăng. Cũng thế, tại những vùng đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong kế hoạch sản xuất và mậu dịch nông nghiệp, cần phải giúp đỡ cho các nông dân vừa có thể gia tăng sản lượng và tiêu thụ được sản phẩm, vừa phải thực hiện những chương trình cải tổ và canh tân cần thiết để thu được lợi tức tương ứng, để không cứ ở mãi trong giai cấp công dân hạ đẳng như vẫn thường thấy. Phần các nông dân, nhất là những người thuộc lớp trẻ, phải cố gắng kiện toàn khả năng chuyên môn, điều không thể thiếu nếu muốn phát triển nền nông nghiệp142.
Sự di chuyển chỗ ở là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bình và chính trực đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và trở nên bấp bênh. Những công nhân đến từ một quốc gia hay một miền khác, là những người góp phần lao động vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên phải cố gắng tránh mọi hình thức phân biệt đối xử về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể tìm được một nơi cư trú xứng hợp; cũng phải giúp họ dễ dàng hội nhập vào đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất đang tiếp nhận họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.
Trong những trạng huống kinh tế đang biến chuyển, cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội công nghệ đang triển khai hệ thống tự động hoá chẳng hạn, phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, cũng như hấp thụ được sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghiệp vụ, đồng thời phải bảo đảm đời sống và nhân phẩm, nhất là của những người vì bệnh tật, tuổi tác, phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.
ĐOẠN 2
NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN
TOÀN BỘ ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI
67. Việc làm, điều kiện lao động và giải trí
Lao công của con người trong việc sản xuất và trao đổi sản phẩm hay cung ứng dịch vụ kinh tế luôn có giá trị cao hơn những yếu tố khác, xét ra chỉ là những phương tiện trong đời sống kinh tế.
Thật vậy, công việc lao động, hoặc làm cho chính mình hoặc làm thuê cho người khác, đều trực tiếp phát xuất từ con người, qua đó có thể nói, con người để lại dấu ấn của mình trên thiên nhiên và vận dụng thiên nhiên theo ý muốn của mình. Lao động thường là phương thế để con người nuôi sống bản thân và gia đình, để liên kết với anh em và phục vụ họ, để có thể thực thi bác ái đích thực và cộng tác vào việc hoàn tất công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta biết chắc rằng, khi dâng các việc làm cho Chúa, con người được cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của lao động khi làm việc với chính đôi tay của mình tại Nazareth. Do đó, mỗi người có quyền làm việc và có bổn phận phải cần mẫn làm việc; trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội có nhiệm vụ giúp người công dân có thể tìm được công ăn việc làm đầy đủ. Sau cùng, tuỳ theo phận vụ và khả năng sản xuất của mỗi người cũng như tuỳ tình trạng của xí nghiệp và công ích, tiền lương phải được chi trả sao cho người lao động có đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hoá và tinh thần143.
Hoạt động kinh tế thường là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều người, do đó, nếu việc tổ chức và điều hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ người lao động nào thì đều là bất công và vô nhân đạo. Ngay cả ngày nay, vẫn thường xảy ra tình trạng công nhân, một cách nào đó, trở thành nô lệ cho chính công việc của mình. Điều ấy không thể được biện minh bằng bất cứ quy luật kinh tế nào. Vì thế, mọi tiến trình lao động sản xuất cần phải thích hợp với nhu cầu và cuộc sống của con người, đặc biệt với nếp sống gia đình, nhất là trong trường hợp liên quan đến các bà mẹ, và lúc nào cũng phải lưu tâm đến điều kiện phái tính và tuổi tác. Hơn nữa, người lao động cũng phải có cơ hội để phát huy tài năng và nhân cách ngay trong lúc làm việc. Dĩ nhiên họ phải dành thời giờ và sức lực cho công việc với tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên, họ cũng phải được nghỉ ngơi và có thời gian nhàn rỗi đầy đủ dành cho đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng phải có cơ hội để tự do phát huy những tài nghệ và khả năng mà có thể trong công việc của nghề nghiệp, họ ít có dịp để trau giồi.
68. Tham gia vào xí nghiệp, tổ chức kinh tế toàn cầu, tranh chấp lao động
Trong các xí nghiệp kinh tế, chính các nhân vị đang cùng hợp tác làm việc, đó là những con người tự do và tự lập, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, cần phải cổ vũ sự tham gia tích cực của mọi người vào việc quản trị xí nghiệp, bằng những phương thức thích hợp, tuỳ theo nhiệm vụ của mỗi người, hoặc họ là chủ nhân, nhà thầu, hoặc là đốc công hay công nhân, trong khi vẫn giữ được sự thống nhất cần thiết trong việc điều hành công việc144. Trong nhiều trường hợp, việc đưa ra những quyết định thuộc lãnh vực kinh tế và xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi xí nghiệp, nhưng với quy mô rộng lớn hơn, và việc này có ảnh hưởng đến số phận tương lai của công nhân cũng như của con cái họ, nên họ cũng phải được tham gia vào những quyết định này, bằng cách hoặc chính họ góp ý hoặc qua những đại diện tự họ bầu chọn.
Trong số những quyền lợi căn bản của con người, cần phải kể đến quyền dành cho giới lao động được tự do lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế cách tốt đẹp, ngoài ra, cũng phải kể đến quyền tự do tham gia vào hoạt động của những hiệp hội này mà không sợ bị trả thù. Nhờ việc tham gia có tổ chức như thế, liên kết với việc huấn luyện dần dần về kinh tế và xã hội, mọi người sẽ ngày càng ý thức hơn về bổn phận và nhiệm vụ của mình, qua đó, tuỳ theo khả năng và tài sức cá nhân, tất cả đều cảm thấy mình đang góp phần vào việc phát triển toàn bộ kinh tế và xã hội cũng như vào việc mưu cầu thiện ích chung.
Trong trường hợp xảy ra những tranh chấp về kinh tế xã hội, cần phải cố gắng đi đến một giải pháp ôn hoà. Nhưng điều phải làm trước tiên là luôn luôn tìm cách thực hiện cuộc đối thoại chân thành giữa các nhóm liên hệ, tuy nhiên việc đình công, ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn là cần thiết, dù đó phải là biện pháp cuối cùng, để bênh vực quyền lợi riêng và đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của giới lao động. Dù sao cũng cần tìm cách trở lại con đường thương thuyết và đối thoại hoà giải càng sớm càng hay.
69. Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng
Thiên Chúa đã muốn đặt để trái đất và muôn loài trong đó cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng, làm sao để của cải tạo ra phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý, theo sự hướng dẫn của luật công bằng đi đôi với tình bác ái145. Đây chính là mục tiêu chung của việc sử dụng của cải trần thế, phải được lưu tâm trong bất cứ hình thức tư hữu nào, đã được các định chế hợp pháp của các dân tộc chấp nhận, tuỳ theo những khác biệt và biến động của hoàn cảnh. Vì thế, khi sử dụng của cải, con người phải coi tài sản mình đang sở hữu cách chính đáng không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung, trong ý nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác146. Đàng khác, mọi người đều có quyền nhận được phần của cải đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là điều các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo Hội đã nghĩ đến khi dạy cho mọi người biết về bổn phận phải giúp đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp bằng của dư thừa147. Về phần những người đang sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền nhận được từ sự giàu có của người khác những gì cần thiết để sinh sống148. Trước con số quá lớn những người đói khổ trên thế giới, Thánh Công Đồng thiết tha kêu gọi mọi người và mọi chính quyền hãy nhớ đến lời sau đây của các Giáo phụ: “Hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ”149, và tuỳ theo khả năng, mỗi người hãy thực tâm san sẻ và dùng tài sản mình đang có để đặc biệt hỗ trợ, hoặc cho cá nhân, hoặc cho quốc gia nào đó phương tiện để chính họ có thể tự túc và phát triển.
Trong những xã hội có nền kinh tế kém mở mang, nhiều khi sự chung hưởng của cải được thực hiện phần nào qua những tập tục và truyền thống riêng của cộng đồng, nhờ đó, mỗi thành viên có được những gì cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, phải tránh đừng cố chấp giữ lại một tập tục nào đó, nếu thực sự không còn đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại; và ngược lại, cũng đừng vì thiếu khôn ngoan mà phá bỏ những tập tục tốt đẹp vẫn còn đem lại nhiều lợi ích, miễn là được thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Trong khi đó, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, hệ thống tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội cũng là cách góp phần vào việc thực hiện sự chung hưởng của cải. Hơn nữa, cần phải cổ vũ những dịch vụ thuộc lãnh vực gia đình và xã hội, nhất là những dịch vụ liên quan đến văn hoá và giáo dục. Tuy nhiên, trong việc thiết lập những tổ chức trên, cần phải lưu tâm đừng để người công dân rơi vào thái độ phần nào thụ động, trốn tránh trách nhiệm hoặc từ chối phục vụ xã hội.
70. Vấn đề đầu tư và tiền tệ
Liên quan đến các kế hoạch đầu tư, phải làm sao tạo được công ăn việc làm và đem lại lợi tức đầy đủ cho dân chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai. Bất cứ ai – cá nhân, tập thể hay chính quyền – đang nắm giữ vai trò quyết định trong việc đầu tư và tổ chức đời sống kinh tế, cũng đều phải chú tâm đến những mục tiêu trên, và phải ý thức bổn phận nặng nề của mình, một mặt phải sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân hoặc cho cả cộng đồng có được đời sống xứng hợp, mặt khác phải tiên liệu cho tương lai, và thiết lập sự quân bình thích đáng giữa những nhu cầu tiêu thụ của cá nhân hoặc của đoàn thể trong hiện tại, và những đòi hỏi phải đầu tư cho thế hệ mai sau. Họ cũng phải luôn quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của các quốc gia hay những miền kinh tế kém mở mang. Trong vấn đề tiền tệ, cũng phải tránh đừng gây nguy hại cho lợi ích của đất nước mình cũng như của các quốc gia khác. Ngoài ra, cũng phải dự liệu sao cho những người yếu kém về kinh tế không bị thiệt thòi cách bất công do những biến động về trị giá tiền tệ.
71. Tiến tới sở hữu và quyền tư hữu; vấn đề ruộng đất
Quyền sở hữu và các hình thức khác của quyền tư hữu trên của cải vật chất giúp cho con người biểu lộ nhân vị, hơn nữa cũng tạo cơ hội để mỗi người chu toàn phận sự của mình trong phạm vi xã hội cũng như trong lãnh vực kinh tế, vì thế, cần quan tâm tạo điều kiện dễ dàng cho cá nhân cũng như các đoàn thể sở hữu một số tài sản vật chất.
Quyền tư hữu hay quyền làm chủ tài sản vật chất bảo đảm cho mỗi người một không gian vô cùng cần thiết cho đời sống tự lập của cá nhân và gia đình, và các quyền này phải được hiểu là gắn liền với quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một trong những điều kiện cho các quyền tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình150.
Ngày nay chủ quyền hay quyền tư hữu mặc nhiều hình thức khác nhau, và sự khác biệt này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu không kể đến các công quỹ xã hội, những quyền lợi và dịch vụ do xã hội đảm trách, thì tất cả mọi hình thức tư hữu chính là nhân tố không thể coi thường để đem lại sự an toàn cho con người. Điều vừa nói về quyền tư hữu tài sản vật chất, cũng có giá trị đối với những tài sản phi vật chất, chẳng hạn như những khả năng chuyên môn trong nghề nghiệp.
Dù sao, quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng, tuỳ theo những đòi hỏi của công ích và chỉ trong phạm vi đó mà thôi, và phải có đền bù thỏa đáng. Ngoài ra, công quyền cũng có bổn phận ngăn ngừa đừng để ai lạm dụng quyền tư hữu mà xâm phạm đến công ích151.
Quyền tư hữu tự bản chất cũng đã có tính cách xã hội, đặt nền tảng trên quyền chung hưởng của cải152. Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu dễ trở thành nguy cơ đưa đến tham lam và gây xáo trộn trầm trọng, đến độ đã tạo cớ cho những người đòi hủy bỏ cả quyền tư hữu.
Trong nhiều miền kinh tế kém mở mang, vẫn còn những đồng ruộng rộng lớn bao la nhưng chỉ được canh tác sơ sài hay bị bỏ hoang cách uổng phí, trong khi phần lớn dân chúng không có đất hoặc chỉ được hưởng một phần ruộng vườn quá ít ỏi, dù đang khi đó, việc tăng gia sản xuất nông nghiệp rõ ràng là một vấn đề cấp bách. Nhiều khi những người làm thuê cho địa chủ, hoặc những nông dân tá canh, chỉ lãnh được một khoản tiền công hoặc phần lợi tức không xứng với nhân phẩm, không có được chỗ ở xứng hợp, lại còn bị bọn trung gian bóc lột. Thiếu mọi bảo đảm an sinh, họ sống trong tình trạng lệ thuộc hoàn toàn, đến nỗi hầu như không còn có thể hành động theo sáng kiến và trách nhiệm của mình nữa, và đối với họ, tất cả các hoạt động phát triển văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội, chính trị đều bị cấm chế. Do đó, tuỳ trường hợp, cần phải có những cuộc cải cách nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện điều kiện lao động, cung ứng những bảo đảm an sinh trong việc thuê mướn, khuyến khích sáng kiến khi làm việc; nhất là để phân chia ruộng đất chưa được canh tác đầy đủ cho những người có khả năng khai thác để sinh lợi. Trong trường hợp này, cần phải cung cấp vật dụng và những phương tiện cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ về giáo dục và đào tạo khả năng hợp tác chính đáng trong lao động. Khi phải thi hành việc truất hữu do nhu cầu của công ích, việc đền bù cần được lượng định theo đúng lẽ công bình, sau khi đã xét đến mọi hệ quả kèm theo.
72. Hoạt động kinh tế xã hội và vương quốc Chúa Kitô
Các Kitô hữu đang tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, cần phải xác tín rằng họ có thể đóng góp nhiều hơn cho nền thịnh vượng của nhân loại và cho hoà bình thế giới. Trong những hoạt động này, dù là cá nhân hay tập thể, họ phải là những mẫu gương luôn toả sáng. Đang khi vẫn nỗ lực để đạt được khả năng chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết, các Kitô hữu phải bảo toàn bậc thang giá trị xác đáng giữa các hoạt động trần thế, luôn trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, sao cho toàn thể cuộc sống, trong khung cảnh riêng tư cũng như giữa lòng xã hội, đều được thấm nhuần tinh thần các mối phúc thật, đặc biệt là tinh thần nghèo khó.
Tất cả những ai nghe theo Chúa Kitô, trước tiên đều tìm kiếm Nước Thiên Chúa, từ đó có được một tình yêu mãnh liệt và trong sáng hơn để giúp đỡ các anh chị em của mình, đồng thời chu toàn đức công bình dưới sự thúc đẩy của tình bác ái yêu thương153
--- Còn tiếp ---.
--------------------------------------------------------------------------------------
[138] x. PIÔ XII, Sứ điệp ngày 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 273; GIOAN XXIII, Huấn từ cho Đoàn Lao công Công Giáo Tiến Hành Ý, A.C.L.I., 1.5.1959: AAS 51 (1959) tr. 358.
[139] x. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 190tt.; PIÔ XII, Sứ điệp ngày 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 276tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 450; CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica, ch. I, số 6: AAS 56 (1964), tr. 147.
[140] x. Mt 16,26; Lc 16,1-31; Cl 3,17.
[141] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Libertas pr„stantissimum, 20.6.1888: AAS 20 (1887-1888), tr. 597tt.; PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) tr. 191tt.; PIÔ XI, Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 39 (1937), tr. 65tt.; PIÔ XII, Sứ điệp Giáng Sinh 1941: AAS 34 (1942), tr. 10tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1964), tr. 401-464.
[142] Về những vấn đề nông nghiệp, đặc biệt xem GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961) tr. 341tt.
[143] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 649-662; PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 200-201; PIÔ XI, Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), tr. 92; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh vọng lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), tr. 20; PIÔ XII, Huấn từ ngày 13.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 172; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh gửi giới công nhân Tây Ban Nha, 11.3.1951: AAS 43 (1951), tr. 215; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 419.
[144] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 408, 424, 427; chữ “curatione” (điều hành) lấy lại từ bản văn Latinh của Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 199. Về diễn tiến vấn đề, xem thêm: PIÔ XII, Huấn từ 3.6.1950: AAS 42 (1950), tr. 485-488; PHAOLÔ VI, Huấn từ 8.6.1964: AAS 56 (1964), tr. 574-579.
[145] x. PIÔ XII, Thông điệp Sertum l„titia: AAS 31 (1939), tr. 642; GIOAN XXIII, Allocutio consistorialis: AAS 52 (1960), tr. 5-11; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 411.
[146] x. T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 32, a. 5 ad 2; T. TÔMA, q. 66, a. 2: xem dẫn giải trong LÊÔ XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 651; xem thêm PIÔ XII, Huấn từ 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 199; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh 1954: AAS 47 (1955), tr. 27.
[147] x. T. BASILIÔ, Hom. in illud Luc„ “Destruam horrea mea”, số 2: PG 31, 263; LACTANTIÔ, Divinarum Institutionum, lib. V, về sự công bình: PL 6, 565B; T. AUGUSTINÔ, In Joann. Ev. tr. 50, số 6: PL 35, 1760; T. AUGUSTINÔ, Enarratio in Ps. CXLVII, 12: PL 37, 1922; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Hom. in Ev., bài 20, 12: PL 76, 1165; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Regul„ Pastoralis liber, phần III, ch. 21: PL 77, 87; T. BÔNAVENTURA, In III Sent., d. 33 dub. 1: xb. Quaracchi III, 728; T. BÔNAVENTURA, In IV Sent., d. 15, p. II, a. 2, q. 1: IV, 371b; Qu„st. de superfluo: ms. Assisi, Bibl. comun. 186, ff. 112a-113a.; T. ALBERTÔ CẢ, In III Sent., d. 33, a. 3, sol. 1: xb. Borgnet XXVIII, 611; T. ALBERTÔ CẢ, In IV Sent., d. 15, a. 16: T. ALBERTÔ CẢ, XXIX, 494-497. Về việc xác định của cải dư thừa trong thời đại chúng ta: x. GIOAN XXIII, Sứ điệp truyền thanh truyền hình, 11.9.1962: AAS 54 (1962), tr. 682: “Bổn phận của mọi người và là bổn phận cấp bách của các Kitô hữu, là thẩm định của cải dư thừa căn cứ trên định mức về nhu cầu của người khác, và quan tâm lo lắng để việc quản trị và phân phối của cải trần thế đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.”
[148] Trong trường hợp này có thể áp dụng nguyên tắc: “Trong lúc cùng quẫn cực độ, mọi sự đều trở thành của chung, nghĩa là phải được chia sẻ”. Đàng khác, những điều liên quan đến lý do, phạm vi và phương cách áp dụng nguyên tắc đề ra trong bản văn, ngoài các tác giả đương thời được công nhận, xem thêm T. TÔMA, Summa Theol., II-II, q. 66, a. 7. Hiển nhiên, để áp dụng đúng nguyên tắc ấy, phải tôn trọng mọi điều kiện theo như luân lý đòi hỏi.
[149] x. GRATIANI, Decretum C. 21, dist. LXXXVI: xb. Friedberg I, 302. Câu nói này được tìm thấy trong PL 56, 491A và PL 56, 1132B; x. Antonianum, 27, 1952, tr. 349-366.
[150] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), tr. 643-646; PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 191; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 199; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), tr. 17; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.9.1944: AAS 36 (1944), tr. 253; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 428-429.
[151] X. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), tr. 214; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 429.
[152] x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh lễ Hiện xuống 1941: AAS 44 (1941), tr. 199; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961) tr. 430.
[153] Về việc sử dụng đúng đắn của cải theo giáo lý của Tân ước, x. Lc 3,11; 10,30tt.; 11,41; 1 Pr 5,3; Mc 8,36; 12,29-31; Gc 5,1-6; 1 Tm 6,8; Ep 4,28; 2 Cr 8,13tt; 1 Ga 3,17-20.