Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 15

HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY (10)

CHƯƠNG V

BẢO VỆ HOÀ BÌNH

VÀ XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC

77. Nhập đề

Hiện nay, khi những đau khổ và nỗi lo âu trước sự tàn phá và mối đe dọa của hiểm họa chiến tranh vẫn còn đang đè nặng trên con người, toàn thể nhân loại bước vào một giai đoạn hết sức quyết định trong tiến trình trưởng thành của mình. Khi đã dần dần liên kết với nhau và ý thức nhiều hơn về sự hợp nhất, gia đình nhân loại phải bắt tay vào việc xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi, công việc này chỉ được tiến hành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều đổi mới tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Lúc đó, hòa với những nỗ lực và khát vọng cao cả của nhân loại, lời Tin Mừng sẽ chiếu tỏa một luồng sáng mới trên thời đại chúng ta, khi loan báo mối phúc thật dành cho những ai kiến tạo hòa bình, “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Do đó, khi làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và vô cùng cao đẹp của hòa bình và lên án sự dã man của chiến tranh, Công Đồng muốn tha thiết kêu mời các Kitô hữu, nhờ sự trợ giúp của Chúa Kitô, Đấng tác tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người để củng cố nền hòa bình đích thực trong công lý và tình yêu cũng như để điều động các phương tiện xây dựng hòa bình.

78. Bản chất của hòa bình

Hòa bình không hẳn chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào thế cân bằng giữa các lực lượng đối nghịch, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng thật chính xác và thích hợp khi định nghĩa hòa bình là “công trình của công lý” (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được ấn định cho xã hội loài người do chính Đấng sáng lập hòa bình, và được trở thành hiện thực nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công lý ngày càng hoàn hảo hơn. Thật thế, mặc dù ý nghĩa sâu xa nhất về công ích của toàn thể nhân loại đã được xác định bởi quy luật đời đời, thì những đòi hỏi cụ thể của công ích vẫn phải chấp nhận những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian; vì thế, không phải đạt được hòa bình một lần là sẽ được luôn mãi, nhưng phải không ngừng xây dựng hòa bình. Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và đã bị tội lỗi làm tổn thương, nên để có được hòa bình, mỗi người phải luôn luôn kiềm chế tham vọng của mình và chính quyền phải biết thận trọng cảnh giác.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hòa bình chỉ có được trên thế giới, nếu thiện ích của từng cá nhân được bảo đảm và mọi người đều tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của mình. Thái độ thực tâm muốn tôn trọng tha nhân và các dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ, và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bình có thể đem đến.

Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả khởi xuất từ sự bình an của Chúa Ki-tô, bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha. Vì chính Chúa Con nhập thể là Thái Tử Hòa Bình đã dùng Thánh Giá của Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, và khi quy tụ mọi người thành một dân tộc và một thân thể, Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người164, và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.

Do đó, khi “thực thi chân lý trong bác ái” (Ep 4,15), mọi Kitô hữu được khẩn thiết kêu mời hợp nhất với những người thực sự yêu chuộng hòa bình để vận động và xây dựng hòa bình.

Cũng trong tinh thần đó, chúng tôi không thể không ca ngợi những ai tranh đấu cho nhân quyền mà không dùng đến bạo động, nhưng sử dụng những phương cách tự vệ sẵn có của những người yếu kém, miễn sao không hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của cộng đồng.

Bao lâu con người chưa từ bỏ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Ki-tô trở lại, nhưng khi nào con người biết liên kết trong đức ái để thắng vượt tội lỗi, họ cũng sẽ thắng vượt bạo lực, cho tới khi lời sau đây được ứng nghiệm: “Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu nữa” (Is 2,4).

ĐOẠN 1

NGĂN NGỪA CHIẾN TRANH

79. Giảm thiểu sự vô nhân đạo của chiến tranh

Mặc dù những cuộc chiến tranh gần đây đã gây cho thế giới chúng ta biết bao thiệt hại nặng nề về vật chất cũng như tinh thần, thế mà cho tới nay, hàng ngày chiến tranh vẫn còn tiếp tục tàn phá tại một số nơi trên quả đất này. Hơn nữa, với đủ loại vũ khí khoa học được sử dụng trong chiến tranh, tính cách khốc liệt của cuộc chiến đe dọa sẽ đưa những kẻ tham chiến tới một sự man rợ còn tệ hại hơn các thời đại trước đây. Ngoài ra, hoàn cảnh phức tạp ngày nay và những mối bang giao nhiều rắc rối giữa các quốc gia đã dẫn đến những cuộc chiến âm ỉ kéo dài, với những phương pháp mới đầy xảo quyệt và mang tính phá hoại. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến tranh.

Đứng trước thảm trạng này của nhân loại, trước tiên Công Đồng muốn nhắc nhở đến giá trị ngàn đời của quyền lợi tự nhiên của các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó. Chính lương tâm nhân loại công bố những nguyên tắc đó càng ngày càng cương quyết hơn. Những hành động ngược lại những nguyên tắc đó, cũng như việc ra lệnh thi hành những hành động như thế đều là tội ác; sự thừa lệnh mù quáng cũng không đủ để bào chữa cho những người tuân hành những mệnh lệnh đó. Trong số những hành động trên, trước hết phải kể đến tội ác tiêu diệt cả một chủng tộc, một quốc gia hay một sắc tộc thiểu số, với bất cứ lý do gì hay bằng bất kỳ cách thức nào; những hành động như thế phải bị lên án gắt gao như những tội ác đáng ghê tởm. Và phải hết sức ca ngợi tinh thần can đảm của những người dám công khai chống lại những kẻ ra lệnh thi hành những tội ác trên.

Về vấn đề chiến tranh, hiện có nhiều hiệp ước quốc tế được khá nhiều quốc gia ký kết nhằm làm giảm bớt tính cách vô nhân đạo của những hoạt động quân sự và các hậu quả của chúng: chẳng hạn có những hiệp ước liên quan đến số phận của thương binh hoặc tù binh, và nhiều thỏa ước khác tương tự. Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng; hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những nhà chuyên môn về vấn đề này, tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn tính cách vô nhân đạo của chiến tranh. Vả lại, cũng là một điều hợp lý nếu vì lòng nhân đạo mà có những khoản luật dành cho những người vì lý do lương tâm từ chối không sử dụng khí giới, miễn là họ chấp nhận phục vụ cộng đồng nhân loại dưới một hình thức khác.

Dĩ nhiên, nhân loại chưa trừ được tận gốc chiến tranh. Và bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng. Như thế, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong đất nước có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, nhưng phải cân nhắc cẩn thận trong những vấn đề nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, chiến đấu để bảo vệ dân tộc một cách chính đáng là một việc, còn mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia khác lại là việc khác. Phải kể là bất hợp pháp mọi hành động sử dụng sức mạnh vũ khí vào mục tiêu chính trị hay quân sự, và khi xảy ra điều đáng buồn là chiến tranh đã khai diễn, thì không phải vì thế mà các phe tham chiến được phép làm gì thì làm.

Đối với những ai đang phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ hãy nghĩ mình là những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc, và nếu chu toàn được bổn phận này, họ thực sự đã góp phần vào việc củng cố hòa bình.

80. Chiến tranh toàn diện

Sự phát triển khí giới khoa học càng làm cho chiến tranh trở nên đáng sợ và tác hại khôn lường. Thật vậy, những hành động hiếu chiến đi đôi với việc sử dụng những thứ vũ khí này có thể mang đến những tàn phá lớn lao và gây hại cho mọi người, do đó vượt xa giới hạn của một hành động tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu tất cả những phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc được đem ra sử dụng, thì sẽ có một cuộc tương tàn hầu như hoàn toàn và cả hai bên tham chiến đều sẽ bị tận diệt, đó là chưa kể đến việc trái đất sẽ hứng chịu cảnh tan hoang và những hậu quả tàn khốc do việc sử dụng những khí giới ấy.

Tất cả những điều nói trên buộc chúng ta phải đổi mới toàn bộ cách nhìn của chúng ta về chiến tranh165. Con người thời đại này phải biết nghiêm túc quan tâm đến những hành động liên quan đến chiến tranh, vì bước tiến của các thế hệ mai ngày sẽ tùy thuộc nhiều vào những quyết định của họ hôm nay.

Trước tình trạng đó, đồng thuận với những lời kết án về chiến tranh toàn diện của những vị Giáo Hoàng gần đây166, Thánh Công Đồng tuyên bố:

Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi toàn bộ một thành phố hay một lãnh thổ rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người, vì vậy phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó.

Sự tai hại đặc biệt của chiến tranh hiện nay nằm ở chỗ nó tạo cơ hội cho những người có khí giới tối tân phạm vào những tội ác như đã nói và hậu quả gần như khó tránh khỏi, là có thể thúc đẩy ý muốn con người đi tới những quyết định hiểm độc nhất. Vậy, để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy đến, các Giám mục trên toàn thế giới đồng tâm tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những nhà cầm quyền các quốc gia cũng như những vị chỉ huy quân sự, hãy luôn luôn cân nhắc trách nhiệm lớn lao của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

81. Thi đua vũ trang

Những vũ khí khoa học rõ ràng không phải được thu trữ chỉ để sử dụng khi xảy ra chiến tranh. Thật vậy, chính nhận định cho rằng sức mạnh tự vệ của mỗi phe tùy thuộc vào khả năng nhanh chóng trả đũa đối phương, đã đưa đến việc tích trữ vũ khí mỗi năm một gia tăng, như là phương thức mới nhằm đe dọa đối phương có thể bất thần tấn công. Nhiều người cho rằng đó là cách thức hữu hiệu nhất để bảo toàn hòa bình giữa các quốc gia ngày nay.

Dù cho phương cách ngăn chặn đối phương này mang hình thức nào đi nữa, con người vẫn phải xác tín rằng cuộc chạy đua vũ trang, công việc mà khá nhiều quốc gia đang theo đuổi, không phải là một con đường an toàn để duy trì hòa bình một cách vững chắc, cũng như cái gọi là thế cân bằng lực lượng xuất phát từ việc thi đua đó cũng không phải là hòa bình chắc chắn và đích thực. Với cách thức đó, những nguyên nhân của chiến tranh không hề bị loại bỏ, trái lại còn có nguy cơ trở nên trầm trọng thêm hơn. Khi quá nhiều tài nguyên bị tiêu hao trong việc sáng chế những thứ vũ khí mới, thì những gì cần thiết cho việc chữa trị biết bao khốn khổ hiện tại của thế giới sẽ không được đáp ứng đầy đủ. Thay vì lo hàn gắn thật sự và triệt để những chia rẽ giữa các quốc gia, người ta lại làm cho những chia rẽ ấy lan rộng đến các vùng khác trên thế giới. Phải biết chọn những đường hướng mới bắt đầu từ việc canh tân tâm hồn để chấm dứt tệ trạng đó, để giải thoát thế giới khỏi mối âu lo đang đè nặng, và để hòa bình đích thực có thể được vãn hồi.

Bởi thế, cần phải tuyên bố một lần nữa: cuộc chạy đua vũ trang gây nên thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể chấp nhận được. Điều đáng lo sợ là cuộc chạy đua vũ trang, nếu vẫn còn tiếp diễn, đang chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để một ngày nào đó sẽ gây ra những thảm cảnh chết chóc tang thương.

Được cảnh báo trước về những tai họa mà nhân loại có thể gây nên, chúng ta hãy lợi dụng thời gian đang còn đây, để với ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ tìm được những phương thế giúp giải quyết các cuộc tranh chấp theo cách thế xứng đáng với con người hơn. Thiên Chúa quan phòng không ngừng đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chiến tranh đã có từ xưa. Do đó, nếu khước từ mọi cố gắng nói trên, chúng ta không biết sẽ đi về đâu trên con đường tội ác mà mình đã bước vào.

82. Triệt để cấm gây chiến, cổ võ hoạt động quốc tế nhằm tránh chiến tranh

Bởi thế, rõ ràng là chúng ta phải hết sức nỗ lực để chuẩn bị cho thời điểm mà tất cả các quốc gia đều đồng thuận trong việc triệt để ngăn cấm chiến tranh. Điều đó chắc chắn đòi hỏi phải thiết lập một công quyền quốc tế được mọi người thừa nhận, có thực lực hữu hiệu để bảo đảm cho mọi người cả về an ninh, về nghĩa vụ thực thi công bằng cũng như tôn trọng nhân quyền. Nhưng trước khi thiết lập được quyền bính đáng mong mỏi ấy, các cơ quan tối cao quốc tế hiện hành cần phải đem hết nỗ lực để nghiên cứu các phương thế thích hợp nhất để đem lại an ninh cho cộng đồng. Vì hòa bình phải phát sinh từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không là thứ hòa bình miễn cưỡng giữa các quốc gia do sợ hãi khí giới của nhau, nên tất cả cần phải cố gắng để chặn đứng cuộc chạy đua vũ trang; để bắt đầu thực hiện việc tài giảm binh bị, vốn không thể là một hành động đơn phương nhưng phải có sự thỏa thuận đồng bộ, kèm theo những bảo đảm thực sự và hữu hiệu167.

Trong lúc chờ đợi, không nên coi thường những nỗ lực đã có và đang có cho tới nay để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Điều cần làm là phải nâng đỡ thiện chí của một số đông người, dù đang có rất nhiều bận tâm trong phận vụ lãnh đạo, nhưng vẫn ý thức được trách nhiệm vô cùng nặng nề họ đang đảm nhận, nên đã tận lực loại trừ chiến tranh mà họ vẫn kinh tởm, ngay cả lúc phải đối mặt với những tình huống cụ thể đầy phức tạp. Hơn nữa, phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho họ nghị lực để bền tâm tiến tới và can đảm hoàn tất công trình của tình yêu thương cao cả đối với con người là kiên quyết xây dựng hòa bình. Ngày nay, chắc chắn công trình đó đòi hỏi họ phải có tâm hồn và tinh thần rộng mở vượt khỏi ranh giới quốc gia, phải từ bỏ tính tự ái dân tộc và tham vọng thống trị các quốc gia khác, phải nuôi dưỡng lòng tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại đang vất vả tiến tới một sự thống nhất hoàn hảo hơn.

Hiện nay đã có những nghiên cứu tỉ mỉ, tích cực và kiên trì cũng như những hội nghị quốc tế thảo luận về vấn đề hòa bình và giải giới, hãy xem đó như là bước đi đầu tiên trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này, và trong tương lai, càng phải hành động cấp bách hơn nữa để đạt được những kết quả thực tiễn. Tuy nhiên, không được ỷ lại vào cố gắng của một vài người để rồi quên đi tinh thần mà mỗi người cần phải có. Thật vậy, các nhà lãnh đạo quốc gia, những người vừa phải lo cho thiện ích của dân tộc mình, vừa phải đem lại công ích cho toàn thể thế giới, cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan điểm và tâm tình của quần chúng. Bao lâu những tâm tình thù hận, khinh miệt và nghi kỵ, những xung đột sắc tộc cũng như những ý thức hệ cố chấp vẫn còn gây nên chia rẽ và đối nghịch giữa con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo các quốc gia có cố công xây dựng hòa bình cũng vẫn vô ích. Do đó, cần phải cấp thiết canh tân việc giáo dục tinh thần và khơi dậy ý hướng mới cho dư luận quần chúng. Những ai đang nhiệt tình dấn thân trong công tác giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận quần chúng phải nhớ rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là ghi khắc vào tâm trí mọi người những cảm thức mới về hòa bình. Tất cả chúng ta đều có bổn phận thay đổi tâm hồn, phải mở rộng tầm nhìn về thế giới và về những hoạt động mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại tiến triển tốt đẹp hơn.

Đừng để những hy vọng hão huyền lừa dối chúng ta. Thật vậy, nếu chưa loại bỏ được hiềm khích và hận thù, chưa ký kết được những hiệp ước vững chắc và chân thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng trong tương lai, thì nhân loại hiện đang bị khủng hoảng trầm trọng, dù đã đạt tới một nền khoa học rất cao, vẫn có nguy cơ sẽ tiến dần đến giờ phút bi thảm nhất, lúc mà nhân loại sẽ không còn gặp được hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc. Tuy nhiên, khi nói lên những điều đó, Giáo Hội Chúa Kitô đang hiện diện giữa những lo âu của thời đại này vẫn luôn giữ vững niềm hy vọng. Bây giờ cũng như bao nhiêu lần khác, vào lúc thuận lợi hay không thuận lợi, Giáo Hội vẫn muốn loan báo cho thời đại hôm nay sứ điệp của các Tông đồ: “đây là thời thuận tiện” để cải thiện tâm hồn, “đây là ngày cứu độ”168.

ĐOẠN 2

XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

83. Nguyên nhân bất hòa và phương dược chữa trị

Để xây dựng hòa bình, trước hết cần phải tận diệt những nguyên nhân gây bất hòa giữa con người với nhau, đặc biệt là những bất công, vì đó chính là mầm mống của chiến tranh. Một số không ít những nguyên nhân này bắt nguồn từ những chênh lệch thái quá trong lãnh vực kinh tế, cũng như từ việc trì hoãn những phương thức điều chỉnh cần thiết. Một số nguyên nhân khác phát sinh từ đầu óc thống trị và miệt thị con người, và nếu tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, thì đó là lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác. Vì con người không thể chịu đựng được bao nhiêu hỗn loạn ấy, cho nên dù không có chiến tranh tàn khốc, thế giới vẫn không ngừng bị xáo trộn bởi những tranh chấp và những hành vi bạo lực giữa con người với nhau. Hơn nữa, những tệ hại này cũng xuất hiện trong chính những tương quan giữa các quốc gia, nên, để vượt qua hay ngăn ngừa những tệ hại đó và chặn đứng không để bùng phát bạo động, nhất thiết phải phối hợp và tổ chức các cơ quan quốc tế một cách tốt đẹp và vững chắc hơn, cũng như phải luôn khuyến khích việc thành lập những cơ quan cổ võ cho hòa bình.

84. Cộng đồng các dân tộc và các cơ quan quốc tế

Ngày nay mối tương quan giữa các công dân và các dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ, do đó, để nghiên cứu cách thích ứng và thực hiện cách hữu hiệu hơn những thiện ích của cả nhân loại, cộng đồng các dân tộc cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với những gì phải làm hiện nay, nhất là trong những vấn đề liên quan đến rất nhiều vùng cho tới nay vẫn còn đang chịu cảnh túng thiếu cơ cực.

Để đạt được những mục tiêu ấy, các cơ quan của cộng đồng quốc tế, tùy theo phận vụ của mình, phải đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người trong lãnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, lao động, cũng như trong những hoàn cảnh đặc biệt có thể gặp tại vài nơi, chẳng hạn cần phải hỗ trợ sự tăng trưởng toàn diện của các nước đang phát triển, giải quyết tình trạng khốn khổ của những người tị nạn tại nhiều nơi trên thế giới, hoặc cứu trợ những người di cư và gia đình họ.

Các cơ quan quốc tế đang hoạt động trên toàn thế giới hay tại địa phương thật đáng được nhân loại ghi ơn. Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền móng quốc tế cho cả cộng đồng nhân loại, để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta, đó là cổ võ sự phát triển khắp nơi và ngăn ngừa mọi hình thức chiến tranh. Trong tất cả những lãnh vực này, Giáo Hội vui mừng khi thấy tinh thần huynh đệ đích thực đang nảy nở giữa các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo; tinh thần đó nhằm giúp họ gia tăng thêm mãi nỗ lực xoa dịu nỗi thống khổ bao la của nhân loại.

85. Cộng tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế

Tình liên đới giữa nhân loại ngày nay cũng đòi hỏi phải thiết lập một sự cộng tác quốc tế rộng rãi hơn trong lãnh vực kinh tế. Thật vậy, mặc dù hầu hết các quốc gia đều đã độc lập, nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi ngay được tình trạng bất bình đẳng quá cách biệt cũng như mọi hình thức lệ thuộc không đáng có, và cả nguy cơ gặp nhiều khó khăn nội bộ nghiêm trọng.

Sự phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc vào những hỗ trợ về nhân sự và tài chánh. Chương trình giáo dục và huấn nghệ rất cần để chuẩn bị cho dân chúng trong mỗi quốc gia đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội. Việc đó cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia ngoại quốc, và những người này, khi thực hiện công việc ấy, đừng xử sự như những ông chủ, nhưng như những người hỗ trợ và cộng tác. Sự viện trợ vật chất cho các quốc gia đang phát triển sẽ khó thực hiện nếu không có những thay đổi sâu rộng trong chính sách thương mại hiện nay trên thế giới. Ngoài ra, cũng cần có chương trình viện trợ từ các quốc gia tiến bộ dưới nhiều dạng thức khác nhau như tặng phẩm, cho vay hoặc đầu tư tài chánh; trong việc này, bên cho phải làm với lòng quảng đại chứ không vì tham lam, và bên nhận cũng phải thật liêm chính công minh.

Muốn xây dựng một trật tự kinh tế đích thực cho thế giới, cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những tham vọng quốc gia, những âm mưu bá chủ chính trị, những toan tính độc tài quân phiệt cũng như mọi ý đồ tuyên truyền và áp đặt ý thức hệ. Hiện có rất nhiều hệ thống kinh tế và xã hội đã được đề ra, ước gì các nhà chuyên môn có thể dựa vào đó để đặt ra những cơ sở chung cho một nền mậu dịch quốc tế lành mạnh; điều đó sẽ dễ dàng hơn nếu mỗi người từ bỏ thành kiến riêng và không ngại đối thoại một cách chân thành.

86. Vài tiêu chuẩn thích hợp

Những tiêu chuẩn sau đây xem ra thích hợp cho việc cộng tác trên:

a) Các dân tộc đang phát triển cần chú tâm nhiều đến việc khẳng định quyết tâm mưu tìm sự tăng trưởng toàn vẹn cho người công dân như là mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát sinh và tăng triển trước tiên nhờ vào lao động và năng lực của chính dân tộc mình; thật vậy, sự tiến bộ không thể chỉ nhờ vào viện trợ của nước ngoài, nhưng trước hết phải dựa trên việc huy động toàn bộ nguồn tài nguyên của đất nước cũng như việc phát triển văn hóa và truyền thống riêng của chính mình. Trong lãnh vực này, những ai có nhiều ảnh hưởng trên người khác cần phải được trọng dụng.

b) Các quốc gia tiến bộ phải đảm nhận trọng trách giúp đỡ các nước đang phát triển hoàn tất các công việc đó. Vì thế, ngay trong đất nước mình, họ phải vận động về tinh thần cũng như vật chất cần thiết để thiết lập sự cộng tác đại đồng này.

Như thế, trong giao dịch thương mại, các nước giàu phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích của các quốc gia nghèo yếu hơn, vì chính nguồn lợi từ những sản phẩm bán ra rất cần cho nhu cầu sinh hoạt tại các quốc gia này.

c) Cộng đồng quốc tế có bổn phận phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên phải liệu sao để tài nguyên dành cho mục đích ấy được phân phối thật hữu hiệu và hoàn toàn công bằng. Phận vụ của cộng đồng này là, trong khi vẫn giữ nguyên tắc liên quan đến việc trợ cấp, phải điều phối sao cho các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới được thể hiện theo đúng quy chuẩn công bình.

Phải thiết lập những tổ chức có thể phát huy và điều hành nền mậu dịch quốc tế, nhất là với các quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về năng lực giữa các quốc gia. Phương thức tổ chức đó, cùng với những hỗ trợ về kỹ thuật, văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.

d) Nhiều trường hợp đòi hỏi phải cấp bách xét lại các cơ cấu kinh tế và xã hội; tuy nhiên phải coi chừng những giải pháp kỹ thuật chưa được suy xét chín chắn, nhất là những giải pháp đi ngược lại đặc tính thiêng liêng và sự thăng tiến của con người, dù có đem đến những tiện ích vật chất: vì “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Bất cứ phần tử nào của gia đình nhân loại cũng đều mang trong mình và trong những truyền thống tốt đẹp nhất của mình, một phần kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại, dù nhiều người chưa nhận biết Đấng đã ban cho họ những điều tốt đẹp đó.

87. Hợp tác quốc tế trong vấn đề gia tăng dân số

Sự hợp tác quốc tế là một vấn đề hết sức cần thiết, khi một số dân tộc ngày nay, ngoài bao nhiêu khó khăn khác, còn rất thường gặp phải một số khó khăn đặc biệt nữa phát sinh từ sự gia tăng dân số quá nhanh. Điều đang cần cấp thiết thực hiện là nhờ vào sự hợp tác toàn diện và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, phải nghiên cứu làm sao để có thể cung cấp và chia sẻ cho toàn thể nhân loại những gì cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục xứng hợp của con người. Thật vậy, một số quốc gia sẽ có thể cải thiện điều kiện sinh sống của họ rất nhiều nếu được huấn luyện đầy đủ, để chuyển từ những phương pháp canh tác nông nghiệp lạc hậu đến những kỹ thuật tối tân, được khéo léo ứng dụng vào những hoàn cảnh thực tế, đồng thời cũng cần thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn và phân chia đất đai cách công bình hơn.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, dĩ nhiên chính phủ có quyền và có bổn phận đối với những vấn đề về dân số trong quốc gia mình: chẳng hạn vấn đề liên quan đến luật xã hội và gia đình, vấn đề di dân từ thôn quê về thành thị, vấn đề thông tin về tình hình và nhu cầu quốc gia. Ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến vấn đề này, do đó, ước gì những người công giáo chuyên môn trong lãnh vực đó, nhất là trong các Đại học, hãy kiên nhẫn theo đuổi và phát huy sâu rộng hơn nữa việc học hỏi cũng như các công trình nghiên cứu.

Vì có nhiều người chủ trương cần phải giảm thiểu hoàn toàn tình trạng gia tăng dân số trên thế giới, hay ít ra tại một vài quốc gia, bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền, nên Công Đồng khuyến cáo mọi người phải chối từ những giải pháp đi ngược lại luật luân lý nhưng đang được đề cao một cách công khai hay riêng tư và đôi khi có tính cách bắt buộc. Thật vậy, vì kết hôn và sinh sản là quyền bất khả nhượng của con người, nên việc quyết định số con cái sẽ sinh ra tùy thuộc ở phán đoán đúng đắn của cha mẹ chứ không thể để cho chính quyền ấn định. Tuy nhiên, sự phán đoán của cha mẹ phải dựa trên một lương tâm ngay thẳng, do đó điều quan trọng là làm sao cho mọi người đạt được một trình độ trách nhiệm thích đáng và thật sự của một con người, một trách nhiệm biết cân nhắc mọi tình huống trong từng thời điểm nhưng vẫn luôn tôn trọng lề luật Thiên Chúa. Điều này còn đòi hỏi phải cải thiện khắp nơi tình trạng giáo dục và xã hội, nhất là cần phải có một nền giáo dục tôn giáo hay ít ra phải có một nền giáo dục đầy đủ về luân lý. Ngoài ra, dân chúng cần phải được thông tin chính xác về những tiến bộ khoa học trong việc tìm kiếm các phương pháp có thể giúp đôi vợ chồng điều hòa sinh sản, miễn là các phương pháp này được chứng minh rõ ràng là có hiệu quả và được nhìn nhận là phù hợp với luân lý.

88. Bổn phận của Kitô hữu trong việc cứu trợ

Các Kitô hữu phải tự nguyện và quảng đại cộng tác vào việc xây dựng một cơ chế quốc tế biết thật sự tôn trọng những quyền tự do hợp pháp và đầy tình huynh đệ thân ái giữa tất cả mọi người. Họ càng phải sẵn lòng thực hiện việc đó khi đại đa số nhân loại vẫn còn đang đau khổ trong cảnh bần cùng, đến nỗi chính Chúa Kitô hiện thân nơi những kẻ nghèo khổ, như đang lớn tiếng đòi hỏi các môn đệ của Người phải thực thi bác ái. Vì thế, đừng để xảy ra gương mù như trường hợp một vài quốc gia có đa số dân chúng mang danh Kitô hữu đang thản nhiên hưởng thụ quá nhiều của cải, trong lúc nhiều quốc gia khác sống thiếu thốn cùng cực, bị đói khát, bệnh tật và đủ mọi thứ bất hạnh dày vò. Tinh thần khó nghèo và bác ái mới là vinh dự và dấu chứng của Giáo Hội Chúa Kitô.

Thế nên, phải khen ngợi và cổ võ những Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, tự nguyện hiến thân phục vụ tha nhân và các dân tộc. Hơn thế nữa, toàn thể Dân Chúa theo gương sống và lời giảng dạy của các Giám mục, có bổn phận dùng mọi khả năng để xoa dịu những nỗi khốn cùng của thời đại ngày nay, và như Giáo Hội thời xưa quen làm, họ không chỉ cho đi những thứ mình có dư thừa, nhưng cả những gì đang cần cho chính bản thân.

Cách thức lạc quyên và phân phối viện trợ có thể linh động và không đồng loạt, nhưng cần phải được thực hiện theo kế hoạch tại các giáo phận, các quốc gia và trên toàn thế giới; và ở bất cứ nơi nào xem ra thuận tiện, các tín hữu công giáo nên hợp tác hoạt động với các anh em Kitô hữu khác. Tinh thần bác ái không ngăn trở nhưng trái lại còn đòi hỏi phải tiên liệu và tổ chức thật quy củ các hoạt động xã hội cũng như từ thiện. Vì thế, những người tình nguyện dấn thân phục vụ các quốc gia đang phát triển cần phải được huấn luyện đầy đủ tại các trụ sở đào tạo chuyên môn.

89. Sự hiện diện hữu hiệu của Giáo Hội trong cộng đồng quốc tế

Với sứ mạng do Chúa ủy thác, Giáo Hội rao giảng Tin Mừng và phân phát các kho tàng ân sủng cho tất cả mọi người; và ở bất cứ nơi nào trên hoàn cầu, Giáo Hội cũng góp phần củng cố hòa bình và thiết lập nền tảng vững chắc cho tình liên đới huynh đệ giữa mọi người cũng như giữa các dân tộc bằng cách làm cho mọi người nhận biết lề luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Vì thế, Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện giữa lòng các dân tộc để khơi động và thôi thúc sự hợp tác giữa mọi người qua các cơ sở hoạt động chính thức cũng như nhờ sự cộng tác tận lực và chân thành của mọi Kitô hữu, phát xuất từ ước nguyện duy nhất là phục vụ tất cả mọi người.

Sự cộng tác ấy sẽ hiệu quả hơn, nếu chính các tín hữu, với ý thức trách nhiệm làm người và làm Ki-tô hữu, nỗ lực phát động thiện chí sẵn sàng cộng tác với cộng đồng quốc tế ngay trong môi trường sinh hoạt của mình. Nên đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ trẻ về vấn đề này trong chương trình giáo dục tôn giáo cũng như huấn luyện công dân.

90. Vai trò của các Kitô hữu trong những tổ chức quốc tế

Cách thức hoạt động quốc tế tuyệt hảo nhất của các Kitô hữu chính là tham gia, hoặc cá nhân hoặc tập thể, vào những tổ chức hiện có hay sắp hình thành nhằm cổ võ việc cộng tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, những hiệp hội công giáo quốc tế khác nhau cũng có thể đóng góp nhiều hoạt động để xây dựng một cộng đồng hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc. Phải củng cố các hiệp hội này bằng cách gia tăng số hội viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, tăng cường các phương tiện cần thiết cũng như phối hợp chặt chẽ các năng lực hoạt động. Thật vậy, trong thời đại chúng ta hiện nay, những sáng kiến tập thể rất cần để có thể vừa hoạt động hữu hiệu vừa thỏa mãn nhu cầu đối thoại. Hơn nữa, những hình thức tổ chức ấy góp phần không ít vào việc gia tăng ý thức đại đồng là điều rất phù hợp với người công giáo, đồng thời cũng làm nảy sinh ý thức liên đới và trách nhiệm quốc tế thực sự.

Sau cùng, ước mong rằng người công giáo, để thực thi trọn vẹn nghĩa vụ của mình trong cộng đồng quốc tế, hãy tìm cách hợp tác tích cực và thiết thực với các anh em ly khai cùng tuyên xưng một tình bác ái theo Tin Mừng, cũng như với tất cả mọi người đang khao khát nền hòa bình đích thực.

Ngày nay, khi nhìn vào nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại, và để duy trì công lý cũng như tình yêu Chúa Kitô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công Đồng nhận thấy đây là lúc thích hợp để thiết lập một cơ quan cho Giáo Hội toàn cầu, có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn công giáo hỗ trợ sự phát triển của các vùng nghèo khổ cũng như cơ chế công bình xã hội giữa các quốc gia.

--- Còn tiếp ---

-------------------------------------------------------------------------------

[164] x. Ep 2,16; Cl 1,20-22.

[165] x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 291: “Do đó, trong thời đại này, thời đại của chúng ta, thời đại tự phụ về sức mạnh nguyên tử, thực là vô lý khi nghĩ rằng chiến tranh vẫn còn là một phương tiện thích hợp để đối phó với việc xâm phạm quyền lợi”.

[166] x. PI-Ô XII, Huấn từ 30.9.1954: AAS 46 (1954), tr. 589; Sứ điệp truyền thanh 24.12.1954: AAS 47 (1955), tr. 15tt.; GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 286-291; PHAO-LÔ VI, Diễn văn ở Liên Hiệp Quốc, 4.10.1965: AAS 57 (1965), tr. 877-885).

[167] x. GIO-AN XXIII, Th&oci

zalo
zalo