CHƯƠNG I
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Con người theo hình ảnh Thiên Chúa
12. Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật.
Nhưng con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa với những khó khăn này, Giáo Hội, vì nhận được mặc khải từ Thiên Chúa, có thể đem lại lời giải đáp cho thấy rõ thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời giúp nhận thức cách xác đáng phẩm giá và ơn gọi của con người.
Thật vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất8 để quản trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa9. “Phàm nhân là gì mà Ngài nhớ đến, hay con người là chi để Ngài phải bận tâm? Ngài để con người chỉ thua kém thần linh một chút. Ngài ban vinh quang và danh dự làm triều thiên. Ngài cho thống trị các kỳ công tay Ngài thực hiện, Ngài đặt muôn vật dưới chân con người” (Tv 8,5-7).
Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: vì từ khởi thủy “Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,2-7). Việc họ chung sống chính là dạng thức đầu tiên của tình liên đới nhân vị. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được.
Vì thế, như ta đọc thấy ngay trang đầu của Thánh Kinh, Thiên Chúa nhìn “tất cả những gì Ngài đã làm, và thấy tất cả đều rất tốt đẹp” (St 1,31).
Tội lỗi
13. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng công chính, tuy nhiên, ngay từ buổi đầu lịch sử, vì nghe theo Thần Dữ, con người đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Dù đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như là Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Đấng Tạo Hóa10. Điều chúng ta biết nhờ mặc khải cũng phù hợp với kinh nghiệm của chính chúng ta. Vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng nhận ra rằng mình luôn hướng về sự dữ và bị dìm ngập trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hoá đầy thiện hảo. Những lúc từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy, con người phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời cũng phá vỡ toàn bộ sự hoà hợp đối với chính bản thân cũng như đối với tha nhân và mọi loài thụ tạo.
Như vậy, con người đã bị phân rẽ ngay trong chính bản thân mình. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, cho thấy cả một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, con người thấy rằng tự mình không đủ sức để vượt thắng cách hữu hiệu những cuộc tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy như đang bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải thoát và làm cho con người trở nên mạnh mẽ bằng cách đổi mới tâm hồn con người và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (x. Ga 12,31) là kẻ đã kìm giữ nhân loại trong vòng nô lệ tội lỗi11. Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn.
Dưới ánh sáng mặc khải này, ơn gọi cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người đang trải nghiệm đã tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng.
Yếu tố cấu thành con người
14. Là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn, con người tổng hợp nơi bản thân các yếu tố thuộc thế giới vật chất để từ đó, chính con người làm cho những yếu tố ấy đạt tới đỉnh cao và trở nên lời ca tụng không ngừng dâng lên Đấng Tạo Hóa12. Vì thế không được khinh miệt đời sống thể xác con người, nhưng trái lại phải coi thân xác là tốt lành và đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, vì những thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Như vậy, chính phẩm giá con người đòi hỏi con người phải biết ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác13, chứ không để thân xác ấy làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình.
Thật vậy, con người đã không lầm khi nhận biết mình cao quý hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh nhỏ của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội tâm, con người vượt trên vạn vật: khi con người quay về với lòng mình là lúc họ tìm về nơi nội giới thâm sâu này, ở đó, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn đang chờ đợi họ14, và cũng nơi đó, chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không bị mê hoặc bởi thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội, nhưng trái lại, đó là lúc con người đã đạt tới thực tại sâu xa của chính bản thân.
Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và khôn ngoan
15. Được dự phần vào ánh sáng của thần trí siêu nhiên, con người có lý để nhận định rằng chính nhờ trí tuệ mà họ vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại, nhờ chuyên chăm vận dụng tài trí của mình, con người đã thực sự tiến bộ trong ngành khoa học thực nghiệm, kỹ thuật và nghệ thuật. Trong thời đại chúng ta, con người đã đạt được những thành tích phi thường, nhất là trong việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Tuy nhiên con người vẫn không ngừng tìm kiếm và khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Thật vậy, cho dù phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi, trí khôn con người không bị giới hạn chỉ trong lãnh vực hiện tượng bên ngoài, nhưng còn có khả năng vươn tới sự hiểu biết đích xác về những thực tại khả tri.
Cuối cùng, tư chất thông minh của con người được kiện toàn và cần phải được kiện toàn nhờ sự khôn ngoan. Chính sự khôn ngoan dịu dàng lôi kéo tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân thật, là thiện hảo, để rồi nhờ thấm nhuần khôn ngoan mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.
Hơn hẳn những thế kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự khôn ngoan để tất cả những khám phá mới của con người mang tính nhân bản hơn. Thật vậy, vận mệnh tương lai của thế giới sẽ lâm nguy, nếu không còn những bậc hiền sĩ khôn ngoan. Hơn nữa, phải lưu ý rằng, nhiều quốc gia tuy nghèo nàn về kinh tế, nhưng lại giàu có về khôn ngoan, nên vẫn có thể trợ giúp rất đắc lực những quốc gia khác.
Với ân huệ Chúa Thánh Thần, con người sẽ nhờ đức tin để đạt tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm Thánh ý Thiên Chúa15.
Phẩm giá của lương tâm
16. Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy16. Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người17. Bằng một cách thế diệu kỳ, lương tâm giúp con người nhận biết lề luật ấy, lề luật được kiện toàn với tình mến Chúa yêu người18. Nhờ trung thành nghe theo lương tâm, các Kitô hữu liên kết với những người khác để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Càng dành ưu tiên cho lương tâm ngay thẳng, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những chọn lựa mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Cũng không hiếm xảy ra trường hợp lương tâm sai lầm do vô tri bất khả thắng, tuy nhiên, không vì thế mà lương tâm không còn giá trị. Nhưng không thể nói như vậy khi con người không chịu quan tâm tìm kiếm điều chân thật, điều thiện hảo, hay trong trường hợp vì quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.
Ý nghĩa cao cả của tự do
17. Nhưng chỉ trong tự do con người mới có thể quay về với sự thiện. Tự do là điều con người đương thời luôn đánh giá cao và hăm hở theo đuổi, và họ có lý khi làm như thế. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ vũ cho tự do một cách lệch lạc, xem tự do như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu19, tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hợp với Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vì thế, phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và được hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay hoàn toàn do cưỡng bức bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy khi biết tự giải thoát khỏi mọi kiềm toả của đam mê, để theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện, và sử dụng cách hiệu quả những phương tiện thích hợp và những nỗ lực cần thiết. Tự do của con người, vì bị tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện cách trọn vẹn động tác hướng về Thiên Chúa. Và trước toà án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình căn cứ vào điều thiện hay điều ác đã làm20.
Mầu nhiệm sự chết
18. Trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng tình cảm, con người có lý khi khiếp sợ cũng như phản kháng tình trạng hủy hoại hoàn toàn và sự kết thúc chung cuộc của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình, vốn không thể chỉ giản lược vào vật chất, luôn vùng lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng con người.
Trước cái chết, trong khi óc tưởng tượng của con người đành bất lực, thì Giáo Hội, được mặc khải chỉ bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người đã có thể tránh nếu như không phạm tội21, sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái ban lại cho con người ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời vào sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đã đem lại sự sống cho con người22. Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Đức Kitô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa.
Những hình thức và nguồn gốc của chủ thuyết vô thần
19. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người chính là được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thật thế, con người hiện hữu chính là nhờ Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương mà tạo thành và cũng vì yêu thương mà luôn luôn gìn giữ con người; hơn nữa, con người chỉ sống trọn vẹn theo chân lý khi tự do nhìn nhận tình yêu ấy và tín thác vào Đấng đã dựng nên mình. Tuy nhiên, có nhiều người đương thời với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa, do đó, chủ thuyết vô thần phải được kể là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Hạn từ chủ thuyết vô thần được dùng để chỉ về nhiều cách biểu hiện rất khác nhau. Thật vậy, có người minh nhiên phủ nhận Thiên Chúa, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa cả. Một số khác nghiệm xét vấn đề Thiên Chúa với một cách thức làm cho vấn đề đó như bị mất hẳn ý nghĩa. Nhiều người đã vượt quá giới hạn khoa học thực nghiệm, khi chủ trương chỉ dùng lý luận khoa học để giải thích mọi sự, hoặc trái lại, cho rằng không có chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi làm cho sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa; có thể nói những người này muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Một số khác tự tạo ra cho mình một hình ảnh về Thiên Chúa, để rồi Đấng mà họ bác bỏ, thật ra hoàn toàn không phải là Thiên Chúa của Tin Mừng. Số khác nữa thì không hề đặt vấn đề về Thiên Chúa, quả thật họ như chưa bao giờ lo nghĩ về tôn giáo và không thấy có lý do gì để bận tâm về vấn đề đó cả. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần thường phát sinh, hoặc do sự phản kháng mãnh liệt đối với sự dữ trong thế giới, hoặc do nhận định sai lầm về một số giá trị của con người cho đó là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho cả Thiên Chúa. Ngay cả chính nền văn minh hiện đại, không phải do tự bản chất, nhưng vì quá gắn chặt vào những thực tại trần thế, nên nhiều lúc có thể làm cho việc đến với Thiên Chúa trở nên khó khăn hơn.
Quả thực, những người cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và tránh né những vấn đề tôn giáo vì không nghe theo tiếng nói của lương tâm, chắc chắn đã có lỗi; tuy nhiên, chính các tín hữu thường cũng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Thật vậy, chủ nghĩa vô thần nói chung không phải nảy sinh do một nguyên nhân duy nhất, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới phản ứng phê phán chống lại các tôn giáo, và đặc biệt ở một vài nơi, phê phán chính Kitô giáo. Vì thế, có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo.
Chủ thuyết vô thần mang tính hệ thống
20. Thuyết vô thần hiện nay thường được trình bày trong dạng thức mang tính hệ thống; ngoài những yếu tố khác, hệ thống này nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của con người đến độ khó có thể chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở điểm con người chính là cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển lịch sử riêng của mình. Họ nghĩ rằng quan niệm đó không thể đi đôi với sự nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tác thành và là cùng đích của mọi vật, hay ít ra việc khẳng định về Thiên Chúa như thế là không cần thiết. Chủ thuyết này có thể được cổ vũ thêm bởi cảm giác về quyền lực mà những tiến bộ kỹ thuật hiện nay đem lại cho con người.
Trong số những hình thức vô thần hiện nay, không thể bỏ qua một hình thức vô thần mong giải phóng con người, nhất là về phương diện kinh tế và xã hội. Hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo làm cản trở công cuộc giải phóng đó, vì khi khơi lên nơi con người niềm hy vọng vào cuộc sống vị lai và hão huyền, tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế này. Bởi vậy, những người chủ trương lý thuyết ấy, một khi lên nắm chính quyền, họ kịch liệt chống lại tôn giáo, dùng cả những biện pháp cưỡng bách để truyền bá thuyết vô thần nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên.
Thái độ của Giáo Hội đối với chủ nghĩa vô thần
21. Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Giáo Hội rất đau lòng nhưng vẫn cương quyết tiếp tục lên án, như đã từng lên án23, những chủ thuyết vô thần cũng như những hành động nguy hại đi ngược lại lý trí và kinh nghiệm chung của con người, đồng thời làm cho con người mất đi sự cao cả sẵn có của mình.
Tuy nhiên Giáo Hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần đưa đến việc chối từ Thiên Chúa, bởi ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do thuyết vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo Hội thấy cần phải nghiệm xét những nguyên nhân ấy cách kỹ lưỡng và sâu xa hơn.
Giáo Hội cho rằng việc nhận biết Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa: bởi vì con người là tạo vật có trí tuệ và tự do được Thiên Chúa đặt để trong xã hội; nhưng nhất là vì con người, như những người con được mời gọi hiệp thông với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Ngài. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng, niềm hy vọng vào đời sống mai sau không làm suy giảm tầm quan trọng của những phận vụ ở trần gian này, mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp chu toàn những bổn phận ấy. Vả lại, nếu thiếu nền tảng là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ sẽ không có lời giải đáp, như thế, con người sẽ thường rơi vào tuyệt vọng.
Trong khi đó, mỗi người nhìn thấy nơi chính mình vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, một câu hỏi vẫn chưa được nhận thức rõ ràng. Thật vậy, có những lúc, nhất là trong những biến cố lớn lao của cuộc sống, không ai có thể hoàn toàn lẩn tránh được câu hỏi đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới đem lại được lời giải đáp trọn vẹn và hoàn toàn chính xác, Ngài là Đấng vẫn đang kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và thực hiện cuộc tìm kiếm khiêm tốn hơn.
Để có được phương thuốc chữa trị thái độ vô thần, cần nhờ đến những điểm giáo lý được trình bày cách thích hợp, đồng thời cũng phải nhờ vào cách sống trọn hảo của Giáo Hội cũng như của các thành viên trong Giáo Hội. Thật vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội là làm sao cho Thiên Chúa Cha và Chúa Con nhập thể được hiện diện và như thể trở nên hữu hình bằng cách chính Giáo Hội tự đổi mới và không ngừng thanh luyện chính mình24 dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Điều đó được thực hiện trước tiên nhờ chứng tá của một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là đức tin đã được hướng dẫn để có thể sáng suốt nhận định và thắng vượt những khó khăn ấy. Rất nhiều vị tử đạo đã và còn đang hùng hồn làm chứng cho đức tin ấy. Đức tin đó phải biểu lộ sự phong phú của mình bằng cách thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái, nhất là đối với người nghèo khổ. Sau hết, điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu, những người luôn đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin theo Tin Mừng25 và thể hiện mình là dấu chỉ hiệp nhất.
Thật vậy, dù hoàn toàn bác bỏ chủ thuyết vô thần, Giáo Hội vẫn thành tâm tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải góp phần xây dựng cách chính đáng thế giới này, là nơi họ đang chung sống: điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại chân thành và cẩn trọng. Vì thế, Giáo Hội lấy làm tiếc về sự kỳ thị giữa những người tin và không tin do một số nhà lãnh đạo quốc gia gây ra một cách bất công khi không nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người. Riêng đối với các tín hữu, Giáo Hội yêu cầu phải cho họ được thật sự tự do để có thể xây dựng đền thờ Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Đối với những người vô thần, Giáo Hội ân cần mời gọi họ hãy nghiên cứu Tin Mừng Chúa Kitô với một tâm hồn cởi mở.
Quả thật, Giáo Hội biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người, khi bảo vệ phẩm giá của ơn gọi làm người, nhờ đó đem lại niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng về vận mệnh cao cả của mình. Sứ điệp của Giáo Hội không hề làm hạ giá con người, trái lại đã chiếu toả ánh sáng, sự sống và tự do để giúp con người thăng tiến, và ngoài sứ điệp đó, không còn gì khác có thể thỏa mãn được lòng người: Lạy Chúa, “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn thao thức mãi cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”26.
Chúa Kitô, con người mới
22. Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến27 là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm nơi Chúa Kitô.
Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15)28, chính Chúa Kitô là con người hoàn hảo đã tái tạo nơi con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Vì trong Người, bản tính nhân loại đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu diệt29, nên trong chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng cao, đạt tới một phẩm giá siêu việt. Thật vậy, khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Người đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người30, đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi31.
Là Con Chiên vô tội, Người tự nguyện đổ máu ra để cho chúng ta được sống, và chính trong Người, Thiên Chúa đã hoà giải chúng ta với Ngài và với nhau32, và đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, do đó mỗi người chúng ta đều có thể nói như Thánh Tông Đồ rằng: Con Thiên Chúa “đã yêu thương tôi, lại hiến thân vì tôi” (Gl 2,20). Khi chịu khổ nạn vì chúng ta, Người không chỉ nêu gương để chúng ta theo vết chân Người33, nhưng còn mở ra con đường, để, nếu chúng ta bước theo Người, thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hoá và mang lấy một ý nghĩa mới.
Khi đã nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đảo34, người Kitô hữu nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23), nhờ đó họ có thể chu toàn giới luật mới của tình yêu thương35. Nhờ Thánh Thần làm “bảo chứng cho quyền thừa tự” (Ep 1,14), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm, cho tới khi “thân xác được cứu rỗi” (Rm 8,23): “Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ nhờ Thánh Thần của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác hay hư nát của anh em được sống” (Rm 8,11)36. Chắc chắn người Kitô hữu cần và có bổn phận chiến đấu chống lại sự dữ khi phải trải qua nhiều gian nan và phải chấp nhận cả cái chết; nhưng vì được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh, được đồng hoá với cái chết của Chúa Kitô, được vững lòng nhờ đức cậy trông, họ sẽ được sống lại37.
Điều nói trên không chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng còn cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh tác động một cách vô hình trong tâm hồn38. Thật vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người39 và vì thật sự chỉ có một ơn gọi tối hậu của con người, ơn gọi từ Thiên Chúa, nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết.
Đó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được mặc khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu. Như vậy, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, một bí ẩn sẽ đè bẹp chúng ta nếu không có Tin Mừng của Người. Chúa Kitô đã sống lại, khi dùng cái chết của mình để hủy diệt sự chết, Người đã ban cho ta sự sống dồi dào40, để, là những người con trong Chúa Con, chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, Cha ơi41!
--- Còn tiếp ---
---------------------------------------------------------------------------------------------------
[8] x. St 1,26; Kn 2,23.
[9] x. Hc 17,3-10.
[10] x. Rm 1,21-25.
[11] x. Ga 8,34.
[12] x. Đn 3,57-59.
[13] x. 1 Cr 6,13-20.
[14] x. 1 V 16,7; Gr 17,10.
[15] x. Hc 17,7-8.
[16] x. Rm 2,14-16.
[17] x. PIÔ XII, Thông điệp truyền thanh De conscientia christiana in juvenibus recte efformando, 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 271.
[18] x. Mt 22,37-40; Gl 5,14.
[19] x. Hc 15,14.
[20] x. 2 Cr 5,10.
[21] x. Kn 1,13; 2,23-24; Rm 5,21; 6,23; Gc 1,15.
[22] x. 1 Cr 15,56-57.
[23] x. PIÔ XI, Thông điệp Divini Redemptoris, 19.3.1937: AAS 29 (1937), tr. 65-106; PIÔ XII, Thông điệp Ad Apostolorum principis, 29.6.1958: AAS 50 (1958), tr. 601-614; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 451-453; PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 651-653.
[24] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.
[25] Pl 1,27.
[26] T. AUGUSTINÔ, Confes. I, 1: PL 32, 661.
[27] x. Rm 5,14; X. TERTULLIANÔ, De carnis resurr. 6: “Vì vậy, bất cứ điều gì mà bùn đất đã biểu thị đều nhắm về Chúa Kitô, Đấng sẽ đến”: PL 2, 802 (848); CSEL, 47, tr. 33, hàng 12-13.
[28] 2 Cr 4,4.
[29] x. CĐ CONSTANTINÔPÔLI II, điều 7: “Ngôi Lời không bị biến đổi trong bản tính xác thể, xác thể cũng không chuyển vào bản tính của Ngôi Lời”: DS 219 (428); xem thêm CĐ CONSTANTINÔPÔLI III: “Cũng thế, thể xác cực thánh, không tì vết và sống động của Người đã được thần hoá chứ không bị tan biến (theôtheisa ouk anèrethè), nhưng vẫn giữ nguyên bản chất và cách thế hiện hữu”: DS 291 (556); x. CĐ CALCÊĐÔNIA: “Phải nhận biết hai bản tính không pha trộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”: DS 148 (302).
[30] x. CĐ CONSTANTINÔPÔLI III: “Cũng vậy, ý chí nhân loại của Người được thần hoá chứ không bị mất đi”: DS 291 (556).
[31] Dt 4,15.
[32] 2 Cr 5,18-19; Cl 1,20-22.
[33] 1 Pr 2,21; Mt 16,24; Lc 14,27.
[34] Rm 8,29; Cl 1,18.
[35] Rm 8,1-11.
[36] 2 Cr 4,14.
[37] Pl 3,10; Rm 8,17.
[38] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 16.
[39] Rm 8,32.
[40] x. Liturgia Paschalis Byzantina.
[41] x. Rm 8,15; Gl 4,6; Ga 1,12 và 1 Ga 3,1.