CHƯƠNG II
CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI
23. Mục đích Công Đồng nhắm tới
Giữa những đặc điểm nổi bật của thế giới hôm nay, phải kể tới sự gia tăng những mối tương giao giữa con người với nhau, được phát huy phần lớn nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, mối tương giao huynh đệ giữa con người được nên trọn hảo không phải ở nơi những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đồng các nhân vị, một cộng đồng đòi hỏi phải có sự tôn trọng trọn vẹn phẩm giá thiêng liêng của nhau. Mặc khải Kitô giáo đã giúp nhiều vào việc cổ vũ cho sự hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời cũng hướng dẫn chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về những quy luật của đời sống xã hội mà Tạo Hoá đã khắc ghi vào bản tính đạo đức và luân lý của con người.
Vì những văn kiện mới đây của Huấn Quyền Giáo Hội đã trình bày sâu rộng hơn giáo thuyết Kitô giáo về xã hội con người 42, nên Công Đồng chỉ nhắc lại một số chân lý chính yếu và trình bày những nét căn bản của các chân lý ấy dưới ánh sáng của mặc khải. Tiếp đến, Công Đồng nhấn mạnh tới một vài hệ quả được xét là quan trọng hơn ở thời đại chúng ta.
24. Đặc tính cộng đoàn của ơn gọi làm người trong ý định Thiên Chúa
Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mọi người với tình phụ tử, muốn cho toàn thể nhân loại liên kết thành một gia đình và đối xử với nhau trong tình huynh đệ. Quả thật, mọi người đều được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng đã “từ một người làm ra tất cả nhân loại cư ngụ trên khắp mặt đất” (Cv 17,26), và tất cả đều được mời gọi hướng tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa.
Do đó, yêu mến Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy rằng lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em: “...nếu có điều răn nào khác, thì cũng gồm tóm trong lời này: ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình... như thế, yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,9-10; x. 1 Ga 4,10). Điều đó thật vô cùng quan trọng đối với những con người đang ngày càng lệ thuộc vào nhau, cũng như đối với một thế giới đang ngày càng hợp nhất với nhau hơn.
Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: “xin cho tất cả nên một..., như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu đã mở ra những viễn tượng vượt qua cả lý trí con người, cho thấy có một nét tương tự nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hợp nhất của các con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình 43.
25. Sự lệ thuộc giữa nhân vị và xã hội
Bản tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của xã hội lệ thuộc vào nhau. Thật vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì, tự bản chất, nhân vị hoàn toàn cần đến đời sống xã hội 44. Như thế, vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một điều gì đó được thêm vào bên ngoài, nên nhờ biết trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người mới làm thăng tiến tất cả các khả năng của mình và có thể đáp trả được ơn gọi của mình.
Giữa những mối liên hệ xã hội cần thiết để con người được phát triển, có những mối liên hệ đáp ứng được bản tính sâu xa của con người một cách trực tiếp hơn, như là gia đình và cộng đồng chính trị; cũng có những mối liên hệ phát sinh từ ý muốn tự do của con người. Trong thời đại chúng ta, có nhiều nguyên nhân làm cho những mối tương quan và lệ thuộc nhau mỗi ngày một tăng thêm; do đó phát sinh nhiều hiệp hội và những tổ chức công hay tư khác nhau, xét về phương diện pháp lý. Sự kiện này, được mệnh danh là xã hội hoá, không phải là không có những nguy hại, tuy nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao giúp củng cố và làm phát huy những đức tính cũng như bảo đảm những quyền lợi của con người 45.
Nhưng nếu đời sống xã hội hỗ trợ nhiều cho con người trong việc thành toàn ơn gọi của mình kể cả ơn gọi tôn giáo, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều người vì những môi trường xã hội họ đang sống và bị thấm nhiễm ngay từ thời niên thiếu, nên thường không còn ưa thích làm điều thiện và có khuynh hướng làm điều xấu. Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy ra trên bình diện xã hội một phần phát sinh từ tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn trên phát sinh do tính ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội trở thành vẩn đục. Khi trật tự xã hội bị tác động do hậu quả của tội lỗi, thì con người vốn bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, nay lại gặp thêm những lôi cuốn thúc đẩy phạm tội, những lôi cuốn mà nếu không có sự cố gắng liên lỉ và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.
26. Bổn phận mưu cầu công ích
Do việc lệ thuộc nhau ngày càng thêm chặt chẽ và dần dần lan rộng trên toàn thế giới, nên công ích - tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn - ngày nay càng lúc càng trở nên phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, còn phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại 46.
Nhưng đồng thời con người ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng của nhân vị, vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Như thế, phải cung ứng cho con người tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc sống thực sự mang tính nhân bản, như thức ăn, quần áo, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền nhận được thông tin thích hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và cả quyền tự do chính đáng trong phạm vi tôn giáo.
Cũng thế, trật tự và tiến bộ của xã hội phải luôn luôn nhằm lợi ích của các nhân vị, bởi vì việc sử dụng vạn vật phải tuỳ thuộc vào việc phục vụ các nhân vị chứ không phải ngược lại. Điều này chính Chúa đã nói đến khi bảo rằng ngày nghỉ được lập ra vì con người chứ không phải con người được dựng nên vì ngày nghỉ47 . Trật tự này phải luôn được phát huy, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải được tự do để đạt đến sự quân bình ngày càng nhân bản hơn48. Để thực hiện trọn vẹn những điều trên, phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội.
Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng điều khiển dòng thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hoá này. Men Tin Mừng đã và đang làm dậy lên trong lòng con người một đòi hỏi bất khả chống cưỡng về phẩm giá con người.
27. Tôn trọng nhân vị
Để đi tới những hệ luận thực hành và khẩn thiết hơn, Công Đồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người: mỗi người đều phải coi người lân cận, không trừ một ai, như “bản thân thứ hai”, vì thế phải ưu tiên quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp họ sống một cuộc sống xứng đáng49, chứ đừng bắt chước người giàu kia đã không quan tâm gì tới người nghèo Lazarô50.
Đặc biệt trong thời đại hôm nay, chúng ta càng được thúc bách phải trở nên người lân cận của mọi người và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc đó là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh rẻ cách bất công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp phải chịu đau khổ cách oan ức vì một tội mà mình không phạm, hoặc một kẻ đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, gợi nhớ lời Chúa nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
Ngoài ra, tất cả những gì chống lại sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giúp an tử, hoặc cố ý tự tử; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần cơ thể, hành hạ thân xác hoặc tinh thần, gây áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm như điều kiện sinh sống thấp kém, phi nhân bản, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kể cả điều kiện lao động quá tồi tệ khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi nhuận, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều là những hành động đáng xấu hổ, và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều đó lại bôi nhọ chính những kẻ hành động hơn là những người bị ngược đãi, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hoá.
28. Tôn trọng và yêu thương những người đối nghịch
Cũng phải tôn trọng và yêu thương cả những người có cách suy nghĩ hoặc hành động khác với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị và cả tôn giáo nữa; khi lấy tình nhân ái và đức yêu thương để tìm hiểu sâu xa hơn những cách họ cảm nghĩ, chúng ta sẽ có thể dễ dàng đi tới đối thoại với họ hơn.
Quả thật, đức bác ái và lòng nhân hậu này không bao giờ để chúng ta trở thành người dửng dưng với những gì là chân thật và thiện hảo. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt sự lầm lạc, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người đang lạc lối, vì những người lầm lạc vẫn luôn còn nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc chưa đầy đủ về tôn giáo51. Chỉ một mình Thiên Chúa là thẩm phán và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy Ngài ngăn cấm chúng ta đừng xét đoán tội lỗi thầm kín của bất cứ người nào52.
Giáo huấn của Chúa Kitô cũng dạy chúng ta phải tha thứ những xúc phạm53, và theo đó giới luật yêu thương phải được mở rộng đến cả với những kẻ thù nghịch, đó chính là điều răn của giới luật mới: “Các con đã nghe lời dạy: hãy yêu thương thân nhân và ghét kẻ địch thù, còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những người ngược đãi và vu khống các con” (Mt 5,43-44).
29. Bình đẳng căn bản giữa mọi người và công bình xã hội
Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, vì mọi người đều có linh hồn biết suy nghĩ, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Chúa Kitô cứu chuộc, nên họ có cùng một ơn gọi và cùng một vận mệnh thiêng liêng.
Dĩ nhiên mọi người không bằng nhau về khả năng thể lý vốn rất đa dạng, cũng như về năng lực trí tuệ và tinh thần với nhiều trình độ cách biệt. Tuy nhiên phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội hoặc trong lãnh vực văn hoá, loại bỏ thái độ kỳ thị phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa. Do đó thật đáng buồn khi những quyền căn bản của nhân vị cho đến nay vẫn chưa được bảo đảm toàn vẹn ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn trường hợp phụ nữ chưa được quyền tự do chọn lựa người chồng hay tự do chọn bậc sống, hoặc quyền được giáo dục và có văn hoá như nam giới.
Hơn nữa, mặc dù có những khác biệt chính đáng giữa con người với nhau, nhưng chính sự bình đẳng nhân phẩm nơi mọi người luôn đòi hỏi phải có một mức sống nhân bản và công bình hơn. Thật vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại, đã nên cớ vấp phạm và đi ngược lại với công lý xã hội, công bình, nhân phẩm và nền hoà bình trong xã hội và giữa các quốc gia.
Các tổ chức nhân bản, tư nhân hoặc công cộng, hãy nỗ lực phục vụ phẩm giá cũng như cứu cánh của con người, đồng thời hãy mạnh mẽ chống lại bất cứ hình thức nô lệ nào trong lãnh vực xã hội hay chính trị, và bảo vệ những quyền căn bản của con người trong bất cứ thể chế chính trị nào. Hơn nữa, các tổ chức ấy phải dần dần quy hướng về những thực tại thiêng liêng, là những thực tại cao quý nhất, dù đôi khi cần phải có một thời gian khá lâu để đạt tới mục tiêu cao đẹp đó.
30. Cần phải vượt ra khỏi chủ trương đạo đức duy cá nhân
Sự biến chuyển sâu rộng và nhanh chóng trong các lãnh vực đang tạo nên một yêu cầu cấp bách: đừng ai vì thiếu lưu tâm đến thời cuộc đang diễn biến hoặc vì muốn được an thân, lại sống theo lối đạo đức duy cá nhân chủ nghĩa. Bổn phận công bình và bác ái sẽ được chu toàn ngày càng hoàn hảo hơn, khi mỗi người biết tuỳ theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu cầu thiện ích chung, bằng cách cổ vũ và trợ giúp những tổ chức công hay tư, nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người. Tuy nhiên, có những người luôn rêu rao những lời tuyên bố rộng rãi và đại lượng, nhưng thực tế lại vẫn sống mà chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, tại nhiều nơi, có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những quy định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận và lừa đảo để trốn tránh thuế vụ chính đáng hoặc các nghĩa vụ xã hội. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn những quy định liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn giao thông, vì không nhận thức được rằng, do bất cẩn như thế, họ sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của chính mình và của người khác.
Giữa những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay, chớ gì mọi người đều tôn trọng việc nhìn nhận và thực thi những mối liên đới xã hội. Thật vậy, thế giới càng hợp nhất thì càng thấy rõ những bổn phận của con người phải vượt trên các nhóm riêng rẽ và dần dần lan rộng đến toàn thế giới. Điều ấy chỉ được thực hiện khi mỗi người và từng đoàn thể biết vun đắp cho mình những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời phổ biến những đức tính ấy cho cả cộng đồng. Như vậy, với sự trợ giúp cần thiết của ơn thánh Chúa, sẽ có những con người mới thật sự, đồng thời cũng là những người sẽ kiến tạo một nhân loại mới.
31. Tinh thần trách nhiệm và thái độ tham gia
Để có thể chu toàn cách chính xác hơn nghĩa vụ theo lương tâm đối với bản thân hay đối với những cộng đồng mà mình là thành viên, mỗi người phải được giáo dục chu đáo để có được trình độ văn hoá mở rộng hơn, qua việc sử dụng những phương tiện phong phú của nhân loại ngày nay. Trước hết việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, cần phải được tổ chức thế nào để đào tạo được những người, nam cũng như nữ, không những có nhiều tài năng thực lực mà còn có một tâm hồn cao thượng, vì thời đại chúng ta đang rất cần những con người như thế.
Nhưng con người khó có thể cảm nhận được trách nhiệm này, nếu không có những điều kiện sinh sống cho phép họ ý thức về phẩm giá của mình, cũng như giúp họ đáp lại ơn gọi của mình bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Quả thật, sự tự do của con người nhiều lúc bị giảm thiểu khi phải sống trong hoàn cảnh quá cùng cực, tự do ấy cũng bị xem nhẹ khi buông thả theo những dễ dãi quá mức trong cuộc sống, con người dường như tự khép mình trong tháp ngà cô đơn. Trái lại, tự do ấy được củng cố khi con người chấp nhận những ràng buộc không thể tránh trong cuộc sống xã hội, coi những yêu cầu đa dạng của tình liên đới nhân loại là của mình và dấn thân phục vụ cho cộng đồng nhân loại.
Vì thế, cần phải khích lệ mọi người đem thiện chí góp phần vào những công trình chung. Ngoài ra phải tán dương đường lối của những quốc gia đang để cho số đông dân chúng được thật sự tự do tham gia việc nước. Tuy nhiên cần phải lưu ý tới hoàn cảnh thực tế của mỗi dân tộc cũng như sự vững mạnh cần thiết của quyền bính quốc gia. Hơn nữa, để mọi công dân phấn khởi tham gia vào cuộc sống của các tổ chức đoàn thể khác nhau tạo nên cơ cấu xã hội, họ cần phải tìm được trong những tổ chức ấy những thiện ích lôi cuốn họ và giúp họ sẵn sàng phục vụ người khác. Chúng ta có lý để nghĩ rằng vận mệnh tương lai của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hy vọng.
32. Ngôi Lời nhập thể và tình liên đới nhân loại
Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để họ sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự hợp nhất xã hội. Cũng thế, “... Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người không phải riêng lẻ từng người, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”54. Ngay từ khởi đầu lịch sử cứu độ, chính Ngài đã chọn con người, không phải với tư cách là những cá nhân, nhưng như những phần tử của một cộng đoàn. Thật vậy, Thiên Chúa đã tuyển chọn họ, cho họ biết ý định của Ngài, và gọi họ là “dân riêng của Ngài” (Xh 3,7-12), hơn nữa Ngài còn ký kết giao ước với đoàn dân ấy tại núi Sinai55.
Tính chất cộng đoàn này được kiện toàn và hoàn tất nhờ những việc Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện. Thật vậy, chính Ngôi Lời nhập thể đã muốn dự phần vào tình liên đới nhân loại. Người đã tham dự tiệc cưới Cana, đã vào nhà Giakêu, đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi. Người đã mặc khải tình yêu thương của Chúa Cha và ơn gọi cao cả của con người, bằng cách kể chuyện về những điều hết sức thông thường trong xã hội và dùng những kiểu nói cũng như những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Người đã thánh hoá những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ thuộc về gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội, trong khi vẫn tự nguyện tuân giữ những luật lệ của đất nước. Người đã muốn sống như một người thợ thủ công ngay giữa thời đại và nơi quê hương của Người.
Trong lời rao giảng, Người đã truyền dạy rõ ràng là những người con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh em. Trong lời cầu nguyện, Người đã xin cho tất cả các môn đệ Người được nên “một”. Hơn nữa, là Đấng Cứu Chuộc mọi người, chính Người đã tự hiến thân chết cho mọi người. “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Người còn ra lệnh cho các Tông đồ rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân, để nhân loại trở nên gia đình của Thiên Chúa, trong đó sự trọn hảo của lề luật chính là yêu thương.
Là trưởng tử giữa một đoàn em đông đảo, sau khi chết và sống lại, Người đã ban Chúa Thánh Thần để thiết lập tình hiệp thông huynh đệ mới giữa tất cả những kẻ đón nhận Người với đức tin và đức ái, điều đó được thực hiện trong chính Thân Thể của Người tức là Giáo Hội, ở đấy mọi người là chi thể với nhau, tuỳ theo những ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau.
Tình liên đới này cần phải được gia tăng luôn mãi cho tới ngày được hoàn tất, ngày mà nhân loại, nhờ được ơn thánh cứu thoát, nên như một gia đình được Thiên Chúa và Anh Cả Kitô yêu thương, sẽ làm vinh danh Thiên Chúa cách trọn hảo.
--- Còn tiếp ---
-----------------------------------------------------------------
[42] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 401-464; Thông điệp Pacem in Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 257-304; PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 609-659.
[43] Lc 17,33.
[44] x. T. TÔMA, I Ethic., Lect. I.
[45] x. GIOAN XIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 418; xem thêm PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 15.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 222tt.
[46] x. GIOAN XIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.
[47] Mc 2,27.
[48] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), tr. 266.
[49] Gc 2,15-16.
[50] Lc 16,19-31.
[51] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), tr. 299-300.
[52] x. Lc 6,37-38; Mt 7,1-2; Rm 2,1-11; 14,10-12.
[53] Mt 5,43-47.
[54] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9.
[55] Xh 24,1-8.