Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 6

HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY (5)

CHƯƠNG IV
 PHẬN VỤ CỦA GIÁO HỘI
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

40. Tương quan giữa Giáo Hội và thế giới

Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm giá con người, về cộng đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại, tạo thành cơ sở cho mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, đó cũng là nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên80. Chính vì thế, dựa trên tất cả những gì mà Công Đồng này đã tuyên bố về mầu nhiệm Giáo Hội, nội dung của chương này sẽ đề cập đến chính Giáo Hội, xét như một thực thể đang hiện diện trong thế giới, đang cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.

Phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha hằng hữu81, được thiết lập trong thời gian bởi Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, được quy tụ trong Chúa Thánh Thần82, Giáo Hội hướng về đích điểm liên quan đến ơn cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời tương lai. Nhưng bây giờ Giáo Hội đang hiện diện trên trái đất này, quy tụ những con người là phần tử của xã hội trần gian; những người được kêu gọi để hợp thành gia đình con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, vẫn đang tăng trưởng không ngừng cho tới khi Chúa đến. Được liên kết nên một để đón nhận những ân lộc thiên quốc và nhờ đó được nên sung mãn, gia đình này, nhờ Chúa Kitô, “được thiết lập và được tổ chức như một cộng đồng tại thế”83, được trang bị “các phương thế thích hợp cho mối liên kết hữu hình mang tính xã hội”84. Như thế, là “một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng”85, Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và linh hồn của xã hội loài người86, một xã hội phải được đổi mới trong Chúa Kitô và trở nên gia đình của Thiên Chúa.

Thật ra, sự tương nhập giữa hai thành đô trần thế và thiên quốc chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, vẫn còn đó mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử vẫn còn bị xáo trộn vì tội lỗi cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục đích riêng của mình là đón nhận ơn cứu rỗi, Giáo Hội không chỉ thông truyền sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi một cách nào đó ánh sáng của sự sống ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước tiên bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá con người, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại, đồng thời làm cho hoạt động thường nhật của con người có được một hướng đi và mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo luôn đánh giá cao những việc mà các Giáo Hội Kitô giáo hay các cộng đoàn Giáo hội khác đã và còn đang thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng một bổn phận này. Đồng thời, Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Tin Mừng bằng tài năng và hoạt động cá nhân cũng như xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để làm phát triển tốt đẹp mối tương quan và sự tương trợ trong những lãnh vực chung giữa Giáo Hội và thế giới.

41. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng cống hiến cho mỗi người

Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng nhận thức và khẳng định rõ rệt hơn quyền lợi của mình. Được trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc hiện hữu nhân sinh, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các khát vọng sâu xa nhất của lòng người, một cõi lòng không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế. Giáo Hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần của Thiên Chúa không ngừng thúc đẩy, sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như từng được minh chứng không những qua kinh nghiệm của quá khứ, mà còn bởi rất nhiều chứng từ trong thời đại chúng ta. Thật vậy, con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, về ý nghĩa của cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi mới đem lại lời giải đáp trọn vẹn cho các vấn đề ấy. Ngài giải đáp qua mạc khải được thực hiện trong Con của Ngài, Đấng đã xuống thế làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn.

Dựa trên đức tin ấy, Giáo Hội có thể giải gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư tưởng không ngừng dao động giữa sự khinh dể và tôn sùng thái quá đối với thân xác con người. Không một luật lệ nhân loại nào có thể đảm bảo phẩm vị và tự do con người cách thích đáng bằng Tin Mừng Chúa Kitô đã được trao phó cho Giáo Hội. Thật vậy, Tin Mừng loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa phủ nhận mọi hình thức nô lệ, vốn chỉ phát sinh do tội lỗi87. Tin Mừng tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, cũng như không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người, và sau cùng, Tin Mừng còn dạy mọi người phải thương yêu nhau88. Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cục cứu rỗi của Kitô giáo. Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Đấng Cứu Độ, vừa là Đấng Tạo Dựng, vừa làm chủ lịch sử nhân loại vừa làm chủ lịch sử cứu độ, nhưng trong chính chương trình của Thiên Chúa, sự độc lập đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố theo đúng phẩm giá của mình.

Vậy, dựa vào Tin Mừng đã được ủy thác cho mình, Giáo Hội công bố những quyền lợi của con người, nhìn nhận và đánh giá cao sự năng động của thời hiện đại vẫn đang cổ võ cho những quyền lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu đó phải được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và phải được bảo vệ tránh khỏi mọi hình thức tự trị sai lầm. Thật vậy, chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền riêng tư của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi chối bỏ mọi luật lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là con đường dẫn tới tình trạng chẳng những không duy trì được mà còn làm tiêu tan phẩm giá con người.

42. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng mang đến cho cộng đồng nhân loại

Sự hợp nhất trong gia đình nhân loại được củng cố và bổ túc rất nhiều nhờ sự hợp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa Kitô89.

Sứ mạng riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội của Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội nằm trong lãnh vực tôn giáo90. Nhưng, chính từ sứ mạng tôn giáo ấy, phát sinh hành động, ánh sáng và sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại hợp với thiên luật. Cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và phải phát động tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự.

Giáo Hội cũng nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong sự năng động nơi xã hội hiện nay: đặc biệt phong trào đi tới hợp nhất, tiến trình xã hội hóa cách lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế. Thật vậy, việc cổ võ cho sự hợp nhất phù hợp với sứ mạng sâu xa của Giáo Hội, vì chính Giáo Hội ở “trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại”91. Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng, sự hợp nhất bên ngoài trong lãnh vực xã hội bắt nguồn từ sự hợp nhất trong trí não và con tim, nghĩa là từ đức tin và đức mến, vốn là cơ sở cho sự hợp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Nguồn sức mạnh mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay, dựa trên chính đức tin và đức mến, được thể hiện trong cuộc sống chứ không phải dựa vào thế lực nào khác bên ngoài với những phương thế hoàn toàn nhân loại.

Hơn nữa, bởi sứ mạng và bản chất của mình, Giáo Hội không gắn liền với một hình thức văn hóa nhân loại cá biệt nào, hoặc một thể chế chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo Hội có thể trở thành mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đồng nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đồng ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mạng của mình. Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và tất cả mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng.

Công Đồng rất quý trọng tất cả những gì là chân thật, tốt lành và chính đáng trong rất nhiều tổ chức khác biệt mà nhân loại đã và còn đang không ngừng thành lập. Công Đồng cũng tuyên bố rằng: Giáo Hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển để phục vụ lợi ích mọi người trong những chế độ biết nhìn nhận những quyền căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích.

43. Giáo Hội nỗ lực hỗ trợ cho hoạt động của nhân loại nhờ các ki-tô hữu

Công Đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai thành đô, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ, và luôn hành động theo tinh thần Tin Mừng. Thật là sai lầm nếu vì nghĩ rằng, chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang kiếm tìm quê hương đời sau, nên cho rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian92, như thế là không nhận thấy rằng chính đức tin buộc mỗi người, tùy theo ơn gọi của mình, phải chu toàn các bổn phận đó cách hoàn hảo hơn93. Ngược lại, cũng sai lầm không kém nếu vì cho rằng, đời sống tôn giáo chỉ hệ tại ở những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn, nên dấn thân hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo. Sự phân ly giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Gương mù này, ngay trong Cựu Ước các Tiên tri đã mạnh mẽ tố cáo94, và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa với những hình phạt nặng nề95. Vì thế, không được tạo nên sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà vẫn có được sự thống nhất đời sống khi biết liên kết các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật, với các giá trị tôn giáo, chính trong trật tự tuyệt hảo của các giá trị này mọi sự sẽ được quy hướng về vinh danh Thiên Chúa.

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế chính là lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động với tư cách công dân trần thế, dù là cá nhân hay đoàn thể, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành mà còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong từng lãnh vực. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Cảm nhận các đòi hỏi và nhờ vào sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không ngần ngại đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Với một lương tâm đã được đào luyện cách thích hợp, họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân vẫn mong nhận được ánh sáng và sức mạnh tinh thần từ các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mạng dành cho các chủ chăn, nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và với thái độ quan tâm tôn trọng Huấn quyền của Giáo Hội96, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.

Thường thì chính quan điểm Kitô giáo về vạn vật sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, như thường thấy xảy ra và vẫn được coi là chính đáng, có những tín hữu khác, với cả thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề. Nếu xảy ra trường hợp có những người kết ghép cách dễ dãi những giải pháp mà họ đề ra vào sứ điệp Tin Mừng, cả khi ngoài ý muốn của những người liên hệ, thì nên nhớ không ai được phép độc quyền đòi hỏi thẩm quyền của Giáo Hội phải hậu thuẫn cho lập trường của mình. Phải luôn luôn nỗ lực dùng cách thức đối thoại chân thành để cùng nhau tìm hiểu vấn đề, luôn bảo toàn tình yêu thương nhau và trên hết phải nhắm đến lợi ích chung.

Được dự phần tích cực trong toàn thể đời sống Giáo Hội, người giáo dân không những phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới, nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đồng nhân loại.

Phần các Giám mục là những người đã được ủy thác việc điều hành Giáo Hội của Thiên Chúa, hãy cùng các linh mục rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm nhuần ánh sáng Tin Mừng. Hơn nữa, tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng, qua cách cư xử hằng ngày và thái độ ân cần của mình, các Ngài phải tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt của Giáo Hội97, qua đó, người khác sẽ thẩm định về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô giáo. Bằng đời sống và lời rao giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo dân, các ngài hãy minh chứng rằng, chỉ với sự hiện diện, cùng tất cả những gì có thể trao ban, Giáo Hội đã là nguồn năng lực vô tận mà thế giới ngày nay đang rất cần đến. Các Ngài hãy trau giồi khả năng bằng cách chuyên cần nghiên cứu, sao cho có thể chu toàn trách nhiệm của mình trong cuộc đối thoại với thế giới và với những người thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng trước hết, xin các ngài hãy ghi lòng những lời sau đây của Công Đồng: “Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hợp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải liên kết những công việc và khả năng của mình dưới sự hướng dẫn của các Giám mục và Đức Giáo Hoàng, để dẫn đưa toàn thể nhân loại tiến đến hợp nhất trong gia đình Thiên Chúa”98.

Mặc dù Giáo Hội, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn luôn là hiền thê trung tín của Chúa và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi giữa thế gian, tuy nhiên Giáo Hội biết rõ rằng, trải qua bao nhiêu thế kỷ, vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo Hội99, giáo dân hoặc giáo sĩ, sống bất trung đối với Thánh Thần của Thiên Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người đang đảm nhận việc loan báo Tin Mừng. Dù lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy, chúng ta cũng phải ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng Tin Mừng. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội biết mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng “khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để dấu chỉ của Chúa Kitô tỏa sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội”100.

44. Sự trợ giúp mà Giáo Hội nhận được từ thế giới ngày nay

Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo Hội như một thực thể xã hội thuộc về lịch sử và như là men của lịch sử, Giáo Hội cũng biết mình đã nhận được rất nhiều nơi lịch sử và sự tiến hóa của nhân loại.

Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo Hội. Thật vậy, chính Giáo Hội, ngay từ lúc khởi đầu lịch sử của mình, đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Mục đích của Giáo Hội là làm cho Tin Mừng, trong mức độ có thể, được thích nghi với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Cách thích nghi việc rao giảng lời mạc khải như vậy vẫn luôn là nguyên tắc cho mọi công trình Tin Mừng hóa, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình, đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc101. Để gia tăng thêm nữa những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà mọi thứ đều biến đổi rất nhanh và lối suy tư lại vô cùng đa dạng, Giáo Hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người đang sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức và bộ môn khác nhau, cũng như quán triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dầu họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý mạc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn.

Vì mang một cơ cấu xã hội hữu hình, là dấu chỉ của sự hợp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo Hội cũng có thể và thực sự đang được phong phú thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải vì định chế do Chúa Kitô ban cho Giáo Hội còn bị khiếm khuyết, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng Giáo Hội đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng con cái mình. Quả thật, tất cả những ai góp phần phát triển cộng đồng nhân loại trong lãnh vực gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, cả trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đồng Giáo Hội, theo như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo Hội lệ thuộc vào những yếu tố trần thế. Hơn nữa, Giáo Hội còn nhìn nhận rằng ngay cả sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo Hội cũng đã và còn đang có thể giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội102.

45. Chúa Ki-tô, Alpha và Omega

Khi trợ giúp thế giới cũng như khi được thế giới hỗ trợ, Giáo Hội chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà đoàn Dân Thiên Chúa, trong thời gian còn đang lữ hành tại thế, có thể đem lại cho gia đình nhân loại, đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi”103, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Quả thực, Lời Thiên Chúa, Lời mà nhờ đó muôn vật được tạo thành, đã làm người, một con người toàn hảo, để cứu rỗi mọi người và thâu kết vạn vật. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát104. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã làm cho sống lại từ cõi chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người: “thâu kết trong Chúa Kitô muôn loài trên trời dưới đất” (Ep 1,10).

Chính Chúa đã nói: “Đây chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm. Ta là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,12-13).

--- Còn tiếp ---

------------------------------------------------------------------------------------------

 

[80] x. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, III: AAS 56 (1964), tr. 637-659.

[81] x. Tt 3,4: “Philanthropia”.

[82] x. Ep 1,3; 13-14; 23.

[83] x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.

[84] x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9; 8.

[85] x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.

[86] x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 38 và ghi chú 9.

[87] x. Rm 8,14-17.

[88] x. Mt 22,39.

[89] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9.

[90] x. PIÔ XII, Diễn từ cho các nhà nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật, 9.3.1956: AAS 48 (1956), tr. 212: “Vị sáng lập thần linh của Giáo Hội là Đức Giêsu Kitô không trao cho Giáo Hội một sứ mệnh nào cũng không ấn định một mục tiêu nào thuộc phạm vi văn hoá. Mục tiêu mà Chúa Kitô nhắm tới mang tính cách thuần túy tôn giáo (...). Giáo Hội phải dẫn dắt mọi người đến với Thiên Chúa để họ hoàn toàn thuộc về Ngài (...). Giáo Hội phải luôn chú tâm đến mục đích thuần túy tôn giáo, siêu nhiên này. Ý nghĩa mọi hoạt động của Giáo Hội, cả đến tận khoản cuối cùng của Bộ Giáo Luật, đều quy về mục đích đó cách trực tiếp hay gián tiếp”.

[91] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 1.

[92] x. Dt 13,14.

[93] x. 2 Ts 3,6-13; Ep 4,28.

[94] x. Is 58,1-12.

[95] x. Mt 23,3-33; Mc 7,10-13.

[96] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), tr. 456-457; và I: AAS 53 (1961), tr. 407, 410-411.

[97] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[98] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[99] x. T. AMBRÔSIÔ, De virginitate, ch. VIII, số 48: PL 16, 278.

[100] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 15.

[101] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 13.

[102] x. GIUSTINÔ, Dialogus cum Tryphone, ch. 110: PG 6, 729, xb. Otto, 1897, tr. 391-393: “… nhưng chúng ta càng chịu bách hại lại càng có nhiều người trở thành tín hữu và đạo đức nhờ danh Chúa Giêsu”; x. TERTULLIANÔ, Apologeticus, ch. L, 13: PL I, 534; Corpus Christ., ser. lat. I, tr. 171: “càng bị cắt bỏ (bách hại), chúng tôi càng trở nên đông đảo hơn: máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu!”; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965), tr. 14.

[103] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 48.

[104] x. PHAOLÔ VI, Huấn từ 3.2.1965: L'Osservatore Romano, 4.2.1965.

zalo
zalo