CHƯƠNG II
CỔ VŨ VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ
Một nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị của thiên nhiên. Vì vậy, bất cứ nơi đâu có cuộc sống con người, thì thiên nhiên và văn hóa đều được gắn kết vào nhau hết sức chặt chẽ.
Theo nghĩa tổng quát, chữ “văn hóa” chỉ tất cả những gì con người dùng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, cả trong gia đình cũng như nơi cộng đồng chính trị, trở thành nhân đạo hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau cùng, để diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.
Vì vậy, văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ “văn hóa” thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như nhân chủng học. Chính vì ý nghĩa này mà người ta nói đến sự đa tạp của các nền văn hóa. Thật vậy, vì có nhiều cách sử dụng sự vật, nhiều cách làm việc và diễn tả tư tưởng, nhiều cách phụng tự và định hình phong tục, nhiều cách thiết lập luật lệ và định chế pháp lý, nhiều cách phát triển khoa học, nghệ thuật và trau giồi thẩm mỹ, nên mới phát sinh nhiều cách chung sống và nhiều dạng thức phối hợp các giá trị của cuộc sống. Như thế, từ các định chế lưu truyền, hình thành một di sản riêng cho mỗi cộng đồng nhân loại. Cũng do cách thức ấy mà hình thành một môi trường lịch sử nhất định, trong đó con người của bất cứ dân tộc nào hay thời đại nào cũng đều dự phần, và từ đó con người rút ra những giá trị góp phần thăng tiến nền văn minh nhân loại.
Điều kiện sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội và văn hóa đã biến đổi sâu đậm, đến độ người ta có thể nói đến một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại123. Từ đó, mở ra những con đường mới để hoàn bị và khuyếch trương văn hóa rộng rãi hơn. Những con đường này đã được khai phá nhờ sự lớn mạnh của các ngành khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội, nhờ sự phát triển kỹ thuật cũng như sự tiến bộ trong công cuộc khám phá và vận dụng cách thích đáng những phương tiện giúp con người liên lạc với nhau. Bởi đó, nền văn hóa hiện đại mang những đặc điểm này: các khoa học, mệnh danh là khoa học chính xác, phát huy tối đa óc phê bình; những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học giải thích hoạt động của con người sâu xa hơn; các bộ môn sử học góp phần lớn lao giúp con người nhận định sự vật dưới khía cạnh biến chuyển và tiến hóa; các tập tục và cách sống ngày càng đồng nhất; hiện tượng công nghiệp hoá, đô thị hóa cộng với những nguyên nhân khác làm bộc phát đời sống tập thể, tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh những cách suy tư, hành động và giải trí mới; đồng thời, sự gia tăng việc trao đổi giữa các dân tộc và các tập thể xã hội cũng mở rộng hơn cho mọi người và từng người, kho tàng của các nền văn hóa khác nhau, và cứ thế, dần dần xuất hiện một hình thức văn hóa nhân loại đại đồng hơn, vừa hướng tới và thể hiện hơn nữa sự hợp nhất nhân loại, vừa luôn tôn trọng những đặc điểm của các nền văn hóa khác nhau.
Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc các tập thể hay quốc gia, ý thức được chính họ là những người xây dựng và kiến tạo văn hóa của cộng đồng. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự lập và trách nhiệm, điều rất cần cho sự trưởng thành của nhân loại trên bình diện tinh thần và luân lý. Điều đó sẽ được nhận thấy rõ ràng hơn, nếu chúng ta nhìn vào sự thống nhất của thế giới và bổn phận của chúng ta là phải kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Như vậy, chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới, trong đó, con người được định nghĩa trước hết dựa trên trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.
Trong những điều kiện như thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy con người, vì nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa, nên vun đắp niềm hy vọng cao xa, nhưng đồng thời cũng lo âu nhìn vào bao nhiêu mâu thuẫn trước mắt đang phải giải quyết:
Phải làm gì để cuộc trao đổi thường xuyên giữa các nền văn hóa đưa đến sự đối thoại đích thực và hữu ích giữa các tập thể và các quốc gia khác nhau mà không xáo trộn cuộc sống của các cộng đồng, không đánh mất sự khôn ngoan của tiền nhân cũng như không gây tổn hại cho những đặc tính riêng của các dân tộc?
Phải làm thế nào để phát huy sức năng động và sự truyền bá của nền văn hóa mới, mà không hủy diệt lòng trung thành gắn bó với di sản truyền thống? Đây là vấn đề đặc biệt khẩn cấp khi phải hòa hợp nền văn hóa phát sinh từ sự tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật, với nền văn hóa được nuôi dưỡng bằng các học thức cổ điển theo những truyền thống khác nhau.
Làm sao có thể dung hòa sự phân tán rất nhanh chóng và ngày càng gia tăng của các bộ môn chuyên biệt với nhu cầu tổng hợp các bộ môn ấy, cũng như với nhu cầu duy trì nơi con người khả năng chiêm niệm và ngưỡng mộ, như là phương thế giúp con người đạt tới sự khôn ngoan?
Phải làm gì để mọi người trên thế giới cùng được hưởng ích lợi của văn hóa, trong khi kiến thức của các nhà thông thái luôn cao siêu và phức tạp hơn?
Sau hết, phải làm sao để vừa công nhận sự tự lập chính đáng mà văn hóa đòi hỏi, vừa không rơi vào một chủ thuyết nhân bản thế tục thuần túy đến độ đối nghịch với tôn giáo?
Chính giữa các mâu thuẫn ấy mà văn hóa nhân loại ngày nay phải phát triển, để phát huy cách xứng hợp nhân vị toàn vẹn, đồng thời giúp con người thi hành những bổn phận mà mọi người đều được kêu gọi để chu toàn, đặc biệt các Kitô hữu, những người đã được liên kết trong tình huynh đệ với gia đình nhân loại duy nhất.
ĐOẠN 2
MỘT VÀI NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN
VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ
Các Ki-tô hữu, những người đang trên đường lữ hành tiến về thành đô thiên quốc, phải tìm kiếm và thưởng nếm những sự trên trời124; điều đó chẳng những không làm giảm thiểu, nhưng đúng hơn lại làm tăng thêm trách nhiệm của họ là góp sức với mọi người kiến tạo một thế giới nhân đạo hơn. Thật vậy, mầu nhiệm đức tin Kitô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quý giá để họ chu toàn bổn phận ấy cách hăng say hơn, và nhất là để họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của công trình làm cho văn hóa nhân loại giữ được vị trí trổi vượt trong ơn gọi toàn diện của con người.
Thật vậy, khi lao động với chính đôi tay của mình hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất này trổ sinh hoa quả, và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất125 và hoàn tất công trình tạo dựng, đồng thời con người phát huy được chính bản thân; và đó cũng là lúc con người thực thi điều răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em.
Hơn nữa, khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau giồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán có giá trị phổ quát, và như thế, con người được soi chiếu rạng rỡ hơn bởi Đấng Khôn Ngoan kỳ diệu, hiện diện bên Chúa từ thuở đời đời, cùng Chúa an bài mọi sự, nô đùa trên trái đất và vui sướng ở với con cái loài người126.
Cũng nhờ đó mà tâm trí nhân loại, khi đã bớt nô lệ vật chất, có thể dễ dàng vươn cao để thờ phượng và chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa. Hơn nữa, con người còn được ân sủng thúc đẩy để nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng trước khi nhập thể để cứu chuộc và kết thâu muôn loài nơi Người, đã ở trong thế gian như “ánh sáng thật luôn soi chiếu mọi người” (Ga 1,9)127.
Vì khoa học và kỹ thuật, do tự bản chất của phương pháp nghiên cứu, không thể xâm nhập cơ cấu sâu xa của sự vật, nên sự tiến bộ hiện nay của chúng dĩ nhiên có thể đưa đến một thứ chủ thuyết duy hiện tượng và bất khả tri, khi phương pháp khảo sát của những bộ môn này được đánh giá quá cao, coi như luật tối hậu để khám phá toàn thể chân lý. Một nguy hiểm khác là vì con người tin tưởng thái quá vào những phát minh hiện đại, nên rơi vào thái độ tự mãn và không còn kiếm tìm những giá trị cao cả hơn.
Tuy nhiên, những hậu quả tai hại ấy không nhất thiết luôn đi liền với nền văn hóa hiện đại, và chúng ta không dựa vào đó mà phủ nhận những giá trị tích cực của nền văn hóa này. Trong số những giá trị ấy phải kể đến: sự ham thích học hỏi, thái độ trung thành tôn trọng chân lý trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhu cầu làm việc tập thể trong các toán chuyên viên, tình liên đới quốc tế, ý thức ngày càng rõ rệt nơi các nhà thông thái về trách nhiệm phải giúp đỡ và hơn nữa phải bảo vệ con người, ý muốn đem lại điều kiện sinh sống thuận lợi hơn cho tất cả mọi người, nhất là những người chịu thiệt thòi vì không lao động được hoặc vì kém văn hóa. Tất cả những giá trị này có thể góp phần chuẩn bị cho con người đón nhận sứ điệp Tin Mừng, một sự chuẩn bị có thể được hình thành nhờ tình yêu thần linh của Đấng đã đến để cứu chuộc thế gian.
Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thật vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại.
Cũng thế, trải qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để khám phá và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống đa dạng của cộng đồng các tín hữu.
Nhưng đồng thời, vì được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời, Giáo Hội không để bị ràng buộc theo kiểu độc chiếm hay không thể tách rời được với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào. Trung thành với truyền thống cá biệt và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể liên kết với nhiều hình thức văn hóa khác nhau, nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn.
Sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của loài người sa ngã, chống lại và khử trừ các sai lầm và sự ác phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên đầy nguy hiểm của tội lỗi. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Với nguồn thiên ân sung mãn, Tin Mừng như tác động từ bên trong làm cho những đức tính và nét đẹp cao quý nơi tâm hồn các dân tộc hay của từng thời đại được thêm phong phú, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô128. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận của chính mình129, Giáo Hội thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, đồng thời cũng dùng mọi hoạt động, cả trong lãnh vực phụng vụ, để hướng dẫn con người đạt tới tự do nội tâm.
Vì những lý do vừa trình bày, Giáo Hội muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng văn hóa phải hướng đến sự phát triển toàn diện của nhân vị, lợi ích của cộng đồng và của toàn thể xã hội nhân loại. Do đó, phải hoàn thiện tâm hồn để phát triển khả năng ngưỡng mộ, suy ngắm, chiêm niệm, để có được sự phân định của riêng bản thân, đồng thời phát huy ý thức về tôn giáo, luân lý cũng như xã hội.
Thật vậy, vì trực tiếp phát sinh từ xã hội tính và lý trí của con người, nên văn hóa luôn cần có được tự do đúng mức để phát triển, cũng như có quyền hợp pháp để hành động độc lập theo các nguyên tắc riêng. Do đó, văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng một quyền bất khả xâm phạm nào đó, dĩ nhiên vẫn phải duy trì quyền lợi cá nhân và cộng đoàn hoặc đặc thù hoặc phổ quát, trong giới hạn của công ích.
Nhắc lại những điều Công Đồng Vaticanô thứ nhất đã dạy, thánh Công Đồng tuyên bố: “Có hai lãnh vực tri thức” khác biệt nhau, đó là đức tin và lý trí; Giáo Hội không phản đối “các ngành nghề và các bộ môn nhân văn sử dụng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình”; vì thế, Giáo Hội “nhìn nhận sự tự do chính đáng này”, và xác nhận sự tự lập hợp pháp của văn hóa, nhất là của các khoa học130.
Tất cả những điều vừa trình bày đòi hỏi phải để cho con người có thể tự do đi tìm chân lý, phát biểu, phổ biến ý kiến của mình và được tự do hành nghề tùy sở thích, miễn là tôn trọng trật tự luân lý và công ích; sau cùng, cũng phải cho con người có được thông tin chính xác về những biến cố xảy ra trong đời sống công cộng131.
Bổn phận của công quyền không phải là xác định đặc tính của những dạng thức văn hóa, nhưng là tạo điều kiện và phương tiện thuận lợi để phát triển đời sống văn hóa cho mọi người, kể cả những thành phần thiểu số của quốc gia132. Do đó, phải hết sức tránh sao cho văn hóa không bị tách rời khỏi mục đích đặc thù của mình để rồi bị cưỡng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế.
ĐOẠN 3
MỘT VÀI BỔN PHẬN CẤP BÁCH CỦA KITÔ HỮU
ĐỐI VỚI VĂN HOÁ
Vì ngày nay, con người có đủ khả năng giải thoát một phần lớn nhân loại khỏi nạn ngu dốt, nên bổn phận thích đáng nhất trong thời đại chúng ta, đặc biệt đối với các Kitô hữu, là tích cực nỗ lực để xác lập những phán quyết căn bản, trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, để quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người được nhìn nhận và thực thi tại mọi nơi trên thế giới, vì đây là một quyền lợi phù hợp với phẩm giá con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, quốc gia, tôn giáo và giai cấp xã hội. Do đó, phải cung ứng cho tất cả mọi người đầy đủ những thiện ích của văn hóa, nhất là những gì làm nên nét văn hóa căn bản, đừng để nhiều người vì bị mù chữ hay thiếu năng lực hoạt động nên không thể cộng tác vào lợi ích chung đúng với danh nghĩa con người.
Bởi thế, phải cố gắng làm cho những người có khả năng được theo học các bậc cao đẳng; và nếu có thể được, liệu cho họ có được những trách vụ, công tác và những hoạt động phục vụ trong xã hội tùy theo sở trường và năng khiếu họ đã thâu thập được133. Như thế, mọi người và mọi tầng lớp xã hội nơi mỗi dân tộc đều có thể phát triển trọn vẹn đời sống văn hóa phù hợp với tài năng và truyền thống của mình.
Hơn nữa, cũng cần nỗ lực tối đa để giúp mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hoá cũng như bổn phận của họ trong việc thăng tiến bản thân và giúp đỡ tha nhân. Thật vậy, đôi khi cũng vẫn còn những điều kiện sinh sống và công việc nặng nhọc cản trở con người tham gia các hoạt động và làm mất đi cả sự quan tâm đến văn hoá. Đặc biệt, đối với nông dân và công nhân, cần phải bảo đảm sao cho những điều kiện lao động không ngăn cản nhưng sẽ khuyến khích họ trau giồi văn hóa. Nữ giới cũng đã tham gia vào hầu hết các ngành sinh hoạt, vì thế, cũng phải để cho họ có thể đảm trách toàn vẹn những phần việc phù hợp với khả năng riêng của họ. Mọi người đều phải nhìn nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa.
Ngày nay, trong lãnh vực tri thức, tổng hợp các bộ môn và các ngành là một việc khó hơn ngày xưa rất nhiều. Thật vậy, trong khi các yếu tố cấu tạo văn hóa càng ngày càng gia tăng và thêm khác biệt, thì nơi mỗi người, khả năng cảm nhận và dung hợp các yếu tố ấy lại suy giảm, đến nỗi hình ảnh “con người phổ quát” cứ lu mờ dần. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có bổn phận bảo toàn nhân vị toàn vẹn của mình, trong đó trổi vượt nhất chính là những giá trị của trí tuệ, ý chí, lương tri và tình huynh đệ, tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa thiết lập, được phục hồi và nâng cao một cách kỳ diệu trong Chúa Kitô.
Hơn ai hết, gia đình được ví như người mẹ và người vú nuôi của công trình giáo dục này, vì trong gia đình, con cái được tình yêu ấp ủ sẽ khám phá ra các bậc thang giá trị một cách dễ dàng hơn, trong khi đó, các yếu tố văn hoá cao đẹp sẽ như thể tự nhiên theo năm tháng thấm dần vào tâm trí các thanh thiếu niên.
Xã hội ngày nay cũng có những phương tiện thích hợp cho công cuộc giáo dục này, nhất là nhờ việc phổ biến ngày càng rộng rãi sách báo và những phương tiện mới trong ngành truyền thông văn hóa xã hội, giúp cho nền văn hóa trở nên phổ cập hơn. Thật vậy, nhờ giảm bớt phần nào thời gian làm việc, nhiều người sẽ có giờ để trau giồi văn hóa. Do đó, phải biết dùng thời giờ nhàn rỗi để thư giãn tinh thần, bồi dưỡng tâm trí và thể xác bằng các hoạt động và học hỏi theo sở thích, tham quan những miền xa lạ (du lịch), như thế sẽ giúp mở mang kiến thức, hơn nữa, cũng giúp con người được thêm phong phú nhờ hiểu biết lẫn nhau, hay bằng việc tập luyện và sinh hoạt thể dục thể thao, để giữ được quân bình trong tâm trí cũng như trong nếp sống cộng đồng, đồng thời phát huy những mối bang giao huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác để làm cho tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần vào các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt tập thể, là những sinh hoạt đặc thù của thời đại chúng ta.
Tuy nhiên, những phương tiện trên vẫn chưa đem lại một nền giáo dục văn hóa toàn diện, nếu đồng thời con người không tìm hiểu sâu xa về ý nghĩa của văn hóa và khoa học đối với con người.
Mặc dù Giáo Hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời, sự hòa hợp giữa văn hóa và Kitô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến cách dễ dàng.
Những khó khăn này không nhất thiết gây tổn hại cho đời sống đức tin, trái lại còn có thể thúc đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu sắc hơn. Thật vậy, các cuộc nghiên cứu và những khám phá gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học đã khơi lên những vấn nạn mới, có ảnh hưởng đến chính cuộc sống, và đòi hỏi các nhà thần học phải nghiên cứu nhiều hơn nữa. Do đó, các nhà thần học, trong khi vẫn trung thành với những phương pháp và yêu cầu riêng của khoa thần học, được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích hợp hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời, vì một đàng là kho tàng đức tin hay là các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt theo đúng ý nghĩa và nội dung của các chân lý ấy134. Trong hoạt động mục vụ, phải hiểu một cách đầy đủ và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học trần thế, nhất là khoa tâm lý và xã hội học, sao cho các tín hữu được hướng dẫn để có đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn.
Văn chương và nghệ thuật, theo cách thức riêng của mình, cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thật vậy, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn đạt bản tính nhân văn cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người, trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng nỗ lực khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, giãi bày những nỗi khổ và niềm vui, những nhu cầu và năng lực của con người, đồng thời phác họa một vận mệnh tốt đẹp hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời đại và từng địa phương khác nhau.
Vì thế, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội vẫn lưu tâm đến hoạt động của họ và trong tự do chính đáng, họ có thể thực hiện những cuộc trao đổi dễ dàng hơn với cộng đồng Kitô hữu. Giáo Hội cũng nên công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đưa những hình thức nghệ thuật này vào nơi phượng tự, theo lối diễn đạt thích nghi và phù hợp với phụng vụ, để giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa135.
Như thế, những nhận thức về Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét hơn, việc rao giảng Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn, và như gần gũi hơn với cuộc sống của con người.
Bởi vậy, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời, và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa. Các tín hữu phải biết phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ cùng với nếp sống và giáo lý Kitô giáo, để cảm thức tôn giáo và tâm hồn chính trực của họ sẽ song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ, và nhờ đó, họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo.
Những vị chuyên gia thần học trong các chủng viện và đại học nên tích cực cộng tác qua việc hợp lực và trao đổi ý kiến với những người am tường các khoa học khác. Công cuộc nghiên cứu thần học, trong khi tìm hiểu sâu xa hơn về chân lý mạc khải, không được tách rời khỏi thời đại của mình, để từ đó có thể giúp những người có trình độ cao trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ hơn. Việc hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa tác viên thi hành thánh vụ, những người có khả năng diễn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn, nhờ đó, lời họ rao giảng cũng được đón nhận dễ dàng hơn136. Hơn nữa, cũng mong sao có nhiều giáo dân được học hỏi về các khoa học thánh, và có được nhiều người chuyên tâm nghiên cứu và đào sâu những môn học này. Tuy nhiên, để các tín hữu, giáo sĩ hoặc giáo dân, có thể làm tròn bổn phận của mình, họ cần có đủ tự do để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn và mạnh dạn trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ137.
--- Còn tiếp ---
--------------------------------------------------------------------------------------
[123] x. Phần Nhập đề của Hiến chế này, số 4-10.
[124] x. Cl 3,1-2.
[125] x. St 1,28.
[126] x. Cn 8,30-31.
[127] x. T. IRÊNÊ, Adv H„r. III, 11, 8: Sagnard, tr. 200; x. T. IRÊNÊ, Adv H„r. III, 16, 6: tr. 290-292; 21, 10-22: tr. 370-372; 22, 3: tr. 378; v.v...
[128] x. Ep 1,10.
[129] x. Những lời Đức Piô XI nói với Đức Giám mục Roland-Gosselin: Semaines sociales de France, Versailles, 1963, tr. 461-462.
[130] CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo Dei Filius, ch. IV: DS 1695, 1799 (3015-3019); x. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), tr. 190.
[131] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), tr. 260.
[132] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), tr. 283; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.12.1941: AAS 34 (1942), tr. 16-17.
[133] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), tr. 260.
[134] x. GIOAN XXIII, Diễn văn khai mạc Công Đồng, 11.10.1962: AAS 54 (1962), tr. 792.
[135] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 123; PHAOLÔ VI, Discorso agli artisti romani, 7.5.1964: 56 (1964), tr. 439-442.
[136] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đào tạo linh mục Optatam Totius và Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis.
[137] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 37.