Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 5

HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY (1)

HIẾN CHẾ MỤC VỤ1
VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
GAUDIUM ET SPES
Ngày 7 tháng 12 năm 1965

 

LỜI MỞ ĐẦU

Sự liên kết mật thiết của Giáo Hội với toàn thể gia đình nhân loại

1.      Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại.

Những người mà Công Đồng muốn ngỏ lời

2. Vậy, sau khi đã tìm hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II không chỉ ngỏ lời với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Kitô, nhưng còn với toàn thể nhân loại để trình bày cho mọi người biết quan điểm của mình về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

Công Đồng muốn nói đến thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với tất cả những thực tại trong đó con người đang sinh sống. Thế giới ấy chính là nơi lịch sử nhân loại đang diễn biến, một thế giới mang đầy dấu ấn của nỗ lực hành động, của cả những thất bại và thành công của con người; một thế giới mà người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hoá tác thành và gìn giữ, nhưng đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi. Tuy nhiên, nhờ Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại để đập tan uy quyền Thần Dữ, thế giới ấy đã được giải thoát và nhờ đó được biến đổi theo đúng ý định của Thiên Chúa để đạt tới sự thành toàn viên mãn.

Việc phục vụ con người

3. Ngày nay, tuy rất hãnh diện với những khám phá và năng lực của mình, nhân loại vẫn thường phải trăn trở với những câu hỏi về hướng chuyển biến hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những nỗ lực cá nhân cũng như tập thể, và sau hết, về cùng đích của con người và muôn vật. Vì thế, với vai trò minh chứng và trình bày đức tin của toàn thể đoàn Dân Thiên Chúa đã được Chúa Kitô quy tụ, Công Đồng nhận thấy rằng, để bày tỏ tình liên đới, sự tôn trọng và lòng quý mến đối với gia đình nhân loại mà đoàn Dân Chúa là một thành phần, cách tốt nhất chính là thực hiện cuộc đối thoại với thế giới về những vấn đề đa dạng ấy, phải lấy ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, và phải đem đến cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã nhận được từ nơi Đấng Sáng Lập. Thật vậy, việc phải làm là cứu rỗi bản thân con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, tiêu điểm chính của tất cả những gì Công Đồng trình bày sẽ là con người - dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí.

Vì thế, khi công bố ơn gọi cao cả của con người và khẳng định là hạt giống thần linh đã được gieo vào trong con người, Thánh Công Đồng muốn dành cho nhân loại sự cộng tác chân thành của Giáo Hội nhằm thiết lập tình huynh đệ đại đồng phù hợp với ơn gọi ấy. Không do một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là tiếp tục công trình của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không để luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ2.

-------------------------------------------------------

Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần II, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố thời gian nữa.

Vì thế, phải giải thích Hiến chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt trong phần II, phải lưu ý tới những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được nêu lên, nhưng đang có những biến chuyển.

 

NHẬP ĐỀ

TÌNH CẢNH CỦA CON NGƯỜI

TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

Hy vọng và lo âu

4. Để chu toàn phận vụ ấy, Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng; như vậy Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác hoạ một vài nét chính yếu của thế giới ngày nay như sau:

Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn mới trên dòng lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới. Những thay đổi được tạo thành do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như đối với con người. Ở đây chúng ta có thể nói đến một sự thay hình đổi dạng thật sự về mặt xã hội cũng như văn hoá, đang tràn vào trong cả đời sống tôn giáo.

Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự thay đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như khi triển khai rộng rãi năng lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể làm chủ được sức mạnh đó. Khi tìm cách đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại cảm thấy hoang mang hơn về chính mình. Khi dò dẫm tìm hiểu sâu rộng hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình.

Chưa bao giờ nhân loại lại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như hiện nay; thế nhưng cho đến nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang khốn cực vì đói ăn và nghèo khổ, và không biết bao nhiêu người còn trong tình trạng thất học. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt về tự do như ngày nay, nhưng trong khi đó, lại thấy xuất hiện những hình thức nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong khi cảm nhận rõ rệt tính cách duy nhất của mình, đồng thời vẫn nhận ra sự lệ thuộc lẫn nhau trong mối liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị xâu xé dữ dội bởi những thế lực đối chọi nhau; thật vậy, những bất đồng gay gắt về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay và vẫn còn đó nguy cơ của một cuộc chiến có thể hủy diệt tất cả. Việc trao đổi các luồng tư tưởng vẫn phát triển, nhưng ngôn từ dùng để diễn đạt những khái niệm có tầm mức quan trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tuỳ từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một cơ chế trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không nghĩ đến sự phát triển tinh thần tương xứng.

Do những hoàn cảnh phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời khó có thể nhận chân được những giá trị trường cửu, đồng thời cũng không biết phải hoà hợp sao cho thích đáng những giá trị ấy với những điều mới được khám phá; do đó, họ cảm thấy ưu tư, luôn bị giằng co giữa hy vọng và lo âu, trong khi băn khoăn về những biến chuyển hiện nay của thế giới. Biến chuyển này đang thúc đẩy, hay đúng hơn, đòi buộc con người tìm câu giải đáp.

Những biến chuyển sâu rộng

5. Tình trạng dao động tâm hồn hiện nay và sự thay đổi những điều kiện sinh sống gắn liền với cuộc biến chuyển rộng lớn hơn, có khuynh hướng dành ưu thế cho các ngành toán học, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn trong phạm vi trí dục, còn ngành kỹ thuật vốn là con đẻ của khoa học thì ngày càng được trọng dụng trong lãnh vực hoạt động. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hoá và những lối suy tư khác với trước kia. Ngành kỹ thuật phát triển đến mức đang làm thay đổi cả bộ mặt trái đất và đã tiến đến việc chinh phục không gian.

Trí năng con người như đang nới rộng phạm vi hoạt động cả trong lãnh vực thời gian: trở về quá khứ nhờ khoa sử học, và đi đến tương lai với phương pháp dự liệu và kế hoạch tổ chức. Những tiến bộ trong các khoa sinh vật học, tâm lý học và xã hội học, không những giúp con người hiểu biết chính mình hơn, mà còn cung cấp những phương pháp kỹ thuật để trực tiếp tác động tới đời sống các cộng đồng xã hội. Đồng thời, nhân loại mỗi ngày mỗi lưu tâm hơn đến việc tìm cách tiên liệu và kiểm soát vấn đề gia tăng dân số.

Ngay cả lịch sử cũng đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Cả cộng đồng nhân loại có cùng một vận mệnh chung, không còn phân tán nơi nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy, từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hoá hơn, do đó phát sinh cách đặt vấn đề mới vô cùng phức tạp đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới.

Những biến đổi trong phạm vi xã hội

6. Chính vì vậy, các cộng đồng truyền thống tại các địa phương, như gia tộc, “thị tộc”, bộ lạc, xóm làng, các dạng thức tập thể khác và các liên hệ trong cộng đồng xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.

Loại hình xã hội kỹ nghệ dần dần trở nên phổ biến, đưa một số quốc gia đạt tới nền kinh tế thịnh vượng và làm thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đã có từ lâu trong đời sống xã hội. Cũng thế, nếp sống và sức cuốn hút của thành thị gia tăng mạnh mẽ, hoặc vì các thành phố ngày càng mọc lên nhiều và dân số ngày càng thêm đông, hoặc vì cách sống thành thị đang lan rộng tới cả thôn quê.

Những phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ và ngày càng thuận tiện hơn, giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức nhanh chóng và rộng rãi những phương cách nhận thức và tư duy, do đó tạo ra nhiều phản ứng dây chuyền liên hệ tới nhau.

Một hiện tượng không kém quan trọng khác, đó là có biết bao người, bởi nhiều lý do khác nhau, đã di cư và phải chấp nhận thay đổi cả cách sống.

Do vậy, mối tương giao giữa con người với nhau không ngừng gia tăng thêm mãi, trong khi đó việc “xã hội hoá” tiếp tục tạo nên những liên hệ mới, nhưng lại không phải lúc nào cũng hỗ trợ đúng mức để giúp bản thân con người trưởng thành và mang lại tính cách cá nhân thực sự nghĩa là “nhân vị hoá” các mối liên hệ.

Thật vậy, sự tiến hoá ấy thể hiện rõ nét hơn tại những quốc gia đã đạt được những thành quả phát triển kinh tế và kỹ thuật, đồng thời cũng thúc đẩy các quốc gia đang phát triển vươn tới trong khát vọng mong cho đất nước mình cũng có được những tiện ích từ công cuộc kỹ nghệ hoá và đô thị hoá. Các dân tộc ấy, kể cả những dân tộc dù đang bám chặt vào những truyền thống cổ kính, vẫn cảm thấy bị thúc đẩy muốn thể hiện tự do một cách trưởng thành và xứng hợp với nhân vị hơn.

Những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo

7. Sự thay đổi não trạng và cấu trúc xã hội thường dẫn đến việc đặt lại vấn đề đối với những giá trị đã từng được thừa nhận trước đó, nhất là nơi giới trẻ là những người thường thiếu kiên nhẫn; thêm vào đó, chính sự lo âu đã làm họ nổi loạn, và bởi nhận ra vai trò quan trọng của mình trong xã hội, nên họ càng mong muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, không hiếm những bậc cha mẹ và nhà giáo dục đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi thi hành phận vụ của mình.

Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, hình như không phải lúc nào cũng phù hợp với những gì đang xảy ra hôm nay, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong phương thức và cả trong các quy tắc hành động.

Sau hết, những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một đàng, khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã giúp thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những điều mê tín vẫn còn đang lan tràn, điều ấy đòi hỏi càng ngày càng phải sống gắn bó với đức tin nơi chính bản thân mỗi người cách sinh động hơn; nhờ đó nhiều người đã có được cảm nghiệm về Thiên Chúa cách sống động hơn. Đàng khác, số người từ bỏ thực hành đời sống tôn giáo ngày càng đông. Khác với thời xưa, việc chối bỏ hoặc thái độ dửng dưng đối với Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi bất thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, nhiều người coi đó như một đòi hòi của tiến bộ khoa học hay của nền nhân bản mới. Tại nhiều nơi, quan niệm này không những được trình bày trong các trường phái triết học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, lối giải thích của các khoa học nhân văn và lịch sử, cũng như ảnh hưởng tới cả dân luật khiến cho nhiều người hoang mang.

Những chênh lệch trong thế giới ngày nay

8. Sự biến chuyển quá mau chóng thường đưa đến tình trạng mất trật tự, và hơn nữa, ý thức càng ngày càng sắc bén hơn về những phân rẽ trong thế giới, đó là những yếu tố làm phát sinh hoặc gia tăng các mâu thuẫn và chênh lệch.

Nơi chính bản thân con người thường xuất hiện sự thiếu quân bình giữa óc thực tiễn hiện đại và lối suy tư thuần lý vốn không còn khả năng làm chủ và tổng hợp cách thích đáng toàn bộ tri thức. Cùng lúc, tình trạng mất quân bình cũng xuất hiện giữa mối bận tâm muốn có được những kết quả vật chất và những đòi hỏi của lương tâm luân lý, và trong nhiều trường hợp, giữa nếp sống tập thể và những điều kiện cần thiết cho suy tư cá nhân, nhất là cho sự chiêm niệm. Sau cùng là tình trạng mất quân bình giữa sự chuyên môn hoá các hoạt động nhân sinh và quan điểm chung về vạn vật.

Trong gia đình, nhiều rạn nứt xuất hiện, hoặc dưới áp lực nặng nề về nhân khẩu, kinh tế, xã hội, hoặc do những xung khắc giữa các thế hệ tiếp nối nhau, hoặc do những dạng thức mới trong những liên hệ xã hội giữa hai giới nam nữ.

Ngoài ra, còn có nhiều cách biệt lớn lao giữa các chủng tộc cũng như giữa những giai cấp xã hội khác nhau, giữa những quốc gia cường thịnh và những quốc gia nghèo nàn yếu kém, sau cùng, giữa những tổ chức quốc tế được thiết lập trong khát vọng hoà bình của các dân tộc và ý đồ bành trướng ý thức hệ riêng hoặc những tham vọng ích kỷ mang tính tập thể xuất hiện nơi các quốc gia hoặc các cộng đồng xã hội.

Từ đó, phát sinh ngờ vực và thù nghịch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân.

Những khát vọng phổ quát hơn của nhân loại

9. Trong khi đó, con người càng thêm xác tín rằng nhân loại không những có thể và phải mỗi ngày mỗi củng cố thêm khả năng làm chủ vạn vật, mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người ngày càng đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể khẳng định và thăng tiến phẩm giá riêng của mình.

Bởi đó, rất nhiều người đang gay gắt đòi lại những của cải mà họ nhận thức rất rõ là đã bị cướp mất vì những đối xử bất công, hay vì không được phân phát đồng đều. Các nước đang phát triển cũng như các quốc gia mới giành được độc lập, đều mong muốn dự phần vào những lợi ích của nền văn minh hiện đại, không chỉ trong lãnh vực chính trị mà cả trong lãnh vực kinh tế, đồng thời cũng mong muốn được tự do thực thi vai trò của mình trong thế giới, tuy nhiên, giữa các quốc gia này và những quốc gia giàu mạnh và tiến bộ hơn, sự cách biệt cứ ngày càng gia tăng, và thông thường lại kéo theo sự lệ thuộc cả trong lãnh vực kinh tế. Những dân tộc cơ cực vì nạn đói khổ đang kêu gọi các quốc gia giàu có hơn. Nữ giới ở những nơi chưa được bình quyền với nam giới, đều đứng lên đòi hỏi quyền được bình đẳng trước pháp lý cũng như trên thực tế. Các công nhân và nông dân cũng muốn làm việc không chỉ để mưu sống nhưng còn để phát huy những năng lực bản thân, hơn nữa, họ còn muốn dự phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, toàn thể các dân tộc đã xác tín mình có thể và phải thực sự phổ biến những thành quả của văn hoá tới mọi dân tộc.

Đàng sau tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và rộng lớn hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng hợp với con người, trong đó chính họ được sử dụng tất cả những gì mà thế giới ngày nay có thể cung ứng cách dồi dào. Trong lúc ấy, các quốc gia vẫn luôn gia tăng nỗ lực nhằm kiến tạo một dạng thức cộng đồng hoàn vũ.

Trong hiện trạng đó, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh lại vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất và cả những điều xấu xa nhất, trong khi đó con đường trước mặt có thể dẫn tới tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc thoái hoá, huynh đệ hoặc hận thù. Ngoài ra, con người đã ý thức được chính họ phải định hướng cho đúng sức mạnh do chính mình tạo nên, những năng lực có thể đè bẹp họ hoặc phục vụ họ. Do đó con người vẫn đang tự tra vấn chính mình.

 Những vấn nạn sâu xa hơn của nhân loại

 

10. Trong thực tế, những chênh lệch đang dày vò thế giới ngày nay gắn liền với một tình trạng mất quân bình cơ bản hơn nằm tận sâu đáy lòng con người. Thật vậy, ngay chính trong con người chất chứa nhiều yếu tố xung khắc nhau. Một đàng, vì là thụ tạo, con người nhận thấy mình có nhiều giới hạn, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi vươn tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị thu hút bởi muôn vàn quyến rũ, con người luôn bị bó buộc phải lựa chọn và từ bỏ. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nên nhiều khi con người làm điều mình không muốn và lại không làm được điều mình muốn3. Bởi đó, con người bị phân rẽ ngay trong chính bản thân mình, và đây cũng là nguyên nhân sinh ra bao nhiêu bất hoà lớn lao trong xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều người, hoặc vì đã thấm nhiễm cách sống theo chủ nghĩa duy vật thực hành, nên không còn nhận rõ được thảm trạng này, hoặc vì đang khốn khổ trong cuộc đời cơ cực, nên cũng không nghĩ tới điều đó. Nhiều người khác tự cho phép mình yên tâm với một số lý thuyết mà họ đưa ra để giải thích vũ trụ. Còn có những người lại chỉ muốn dựa vào nỗ lực thuần túy nhân loại để có được cuộc giải phóng thực sự và trọn vẹn cho con người, họ cho rằng, trong tương lai, sự thống trị của con người trên thế giới này sẽ làm thoả mãn mọi ước vọng của con tim nhân loại. Cũng không thiếu những người do thất vọng trong cảm thức về cuộc sống nên đã tán dương sự táo bạo của những kẻ cho rằng sự hiện hữu của con người thật vô nghĩa, vì thế phải tự mình cố gắng vận dụng tài trí riêng để mang lại toàn bộ ý nghĩa cho sự hiện hữu ấy. Tuy nhiên, đối diện với cuộc tiến hoá hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người nêu lên câu hỏi hoặc nhận thức lại cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề vô cùng căn bản như: con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Những chiến thắng đạt được với một giá đắt như thế có ích gì không? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?

Về phần mình, Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại vì mọi người 4, nhờ Thánh Thần của Người đã trao ban ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp trả ơn gọi cao cả của mình. Giáo Hội tin rằng dưới bầu trời này chẳng có danh hiệu nào khác được ban cho loài người để nhờ đó mà họ được cứu rỗi5. Cũng thế, Giáo Hội tin rằng ý nghĩa then chốt, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn khẳng định rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay, những điều đặt trên nền tảng sâu xa nhất là chính Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một6. Vì thế, dưới ánh sáng của Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi loài thụ tạo7, Công Đồng muốn ngỏ lời với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta.

 PHẦN THỨ NHẤT

GIÁO HỘI VÀ ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

 Đáp ứng những thúc bách của Chúa Thánh Thần

11.  Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin, luôn xác tín rằng mình được hướng dẫn bởi Thần Khí của Chúa Kitô đang bao phủ cả địa cầu, cố gắng phân định đâu là những dấu chỉ xác thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong các biến cố, các nhu cầu và ước vọng mà họ đang dự phần cùng với những người đương thời. Thật vậy, đức tin lấy ánh sáng mới để chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về ơn gọi toàn vẹn của con người, và do đó hướng dẫn lý trí tìm tới những quyết định mang tính nhân bản tròn đầy.

Trước tiên, dưới ánh sáng đức tin, Công Đồng muốn thẩm định những giá trị hiện đang được đề cao và quy hướng chúng về tới chính nguồn gốc thần linh của mình. Quả thật các giá trị ấy rất cao đẹp, bởi được hình thành do tài trí Thiên Chúa đã phú ban cho con người; nhưng vì lòng người đã ra hư hỏng nên nhiều khi chúng bị xáo trộn lệch lạc đến độ cần phải được thanh lọc.

Giáo Hội nghĩ gì về con người? Những đề nghị nào cần được đưa ra để xây dựng xã hội ngày nay? Đâu là ý nghĩa cuối cùng cho hoạt động của con người trong vũ trụ? Đó là những câu hỏi Giáo Hội muốn đưa ra lời giải đáp. Và những lời giải đáp sẽ cho thấy rõ đoàn Dân Thiên Chúa và nhân loại, trong đó Dân Chúa là một thành phần, phải thực thi việc phục vụ lẫn nhau, điều này chứng tỏ sứ mạng tôn giáo của Giáo Hội vẫn phải mang đậm tính cách nhân loại.

--- Còn tiếp ---

---------------------------------------------------------------------------------------

[1] Hiến chế Mục Vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.

Hiến Chế được gọi là “Mục Vụ” vì sẽ dựa trên những nguyên tắc giáo lý để trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, phần I vẫn có chủ đích mục vụ, còn phần II chứa đựng nhiều điểm giáo lý.

[2] x. Ga 3,17; 18,37; Mt 20,28; Mc 10,45.

[3] x. Rm 7,14tt.

[4] x. 2 Cr 5,15.

[5] x. Cv 4,12.

[6] x. Dt 13,8.

[7] x. Cl 1,15.

zalo
zalo